VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ HAI 17 DEC 2018
G.S Lê Xuân Khoa về “Hiện Tình Đất Nước Và Dân Tộc”
Gs Lê Xuân Khoa (đứng giữa). Ảnh tác giả cung cấp
Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) -
Ở đây nhiều phần tôi không xem đây đơn thuần là một tường thuật, dù khá đầy đủ những chi tiết của cuộc hội luận đã ghi rõ trong Thư Mời.
Với khuôn mặt trí thức đúng nghĩa như G.S Lê Xuân Khoa, chúng ta thật tình muốn có mặt ở buổi hội luận để được nghe vị diễn giả này trao gửi và “nói” nhiều hơn. May mắn cho tôi là được có cơ hội để đứng ra tổ chức một cuộc thảo luận thuyết trình thiển nghĩ là rất cần thiết, trước hiện tình Việt nam bây giờ.
Đã hẳn G.S Lê Xuân Khoa là một nhà giáo và suốt đời tận tụy vai trò “kỹ sư tâm hồn” cho đất nước
mai sau. Chúng ta còn thấy G.S Lê Xuân Khoa đã trang trải tấm lòng của một nhân sĩ trí thức trong Thư Ngỏ Của 36 Trí Thức Hải Ngoại năm nào. Ngoài ra G.S Lê Xuân Khoa đang còn ấp ủ để viết nốt cuốn sách về người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ. Sau đây là một vài ghi nhận phát biểu trong buổi Hội luận đầy ý nghĩa đó:
Diễn giả Gs Lê Xuân Khoa.. Ảnh tác giả cung cấp
“Hai mối quan tâm lớn nhất của người Việt ở trong và ngoài nước hiện nay là hiểm họa Trung Quốc và chế độ độc tài tham nhũng. Đây là một đại bất hạnh chưa từng có trong hơn 2,000 năm lịch sử của một dân tộc đã đánh bại mọi cuộc xâm lược và mưu toan đồng hóa của đế quốc khổng lồ phương Bắc, không chỉ bằng quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền của quê cha đất tổ mà còn nhờ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, giữa các triều đại cầm quyền và toàn thể nhân dân. Ngày nay, dưới sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo cộng sản, để duy trì chế độ độc tài toàn trị và bảo vệ lợi ích của bộ máy cầm quyền tham nhũng, đám lãnh đạo này, thay vì cùng với nhân dân sử dụng sức mạnh của dân tộc chống lại dã tâm của kẻ thù phương bắc, đã chấp nhận làm chư hầu của chúng và quay lại đàn áp mọi thành phần nhân dân yêu nước.
Vì nỗi bất hạnh lớn nhất trong lịch sử kể trên, giữa vô số vấn đề khó khăn về cả hai mặt đối nội và đối ngoại, toàn thể người Việt ở trong và ngoài nước phải tập trung mọi khả năng và điều kiện thuận lợi vào việc thực hiện hai mục tiêu ưu tiên là “thoát Trung” và “thoát Cộng.” Vấn đề đang được tranh cãi là thoát Trung trước hay thoát Cộng trước?
Một số nhà tranh đấu đã chủ trương muốn thoát Trung thì phải thoát Cộng trước, vì chính quyền công sản độc tài tham nhũng là trở ngại cận kề, sát nách, đang sử dụng mọi phương tiện thô bạo để ngăn chặn trí thức và xã hội dân sự chống lại sách lược của Trung Quốc dùng sức mạnh mềm (soft power) để từng bước chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dân tộc Việt. Một khi đã loại trừ được chế độ độc tài cộng sàn và thay thế bằng chế độ dân chủ thật sự thì chính quyền và nhân dân sẽ kết hợp thành sức mạnh vô địch và cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thành công.
Lý luận này rất lô-gích và phù hợp với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt. Tuy nhiên, tình hình chính trị Việt Nam hiện nay sẽ không diễn ra đơn giản như vậy. Trí thức và nhân dân yêu nước đang đứng trước một số vấn đề và câu hỏi thực tế cần được giải đáp trước khi hành động thích hợp.
1. Muốn giải thể một chế độ độc tài cần phải có ít nhất là một tổ chức dân chủ đối lập và lãnh đạo có uy tín được sự ủng hộ của nhân dân và quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam chưa có sự xuất hiện của một tổ chức và lãnh đạo đối lập nào, dù có đường lối ôn hòa, xây dựng. Không biết đến khi nào mới có đảng đối lập, rồi kể từ đó cho đến khi thoát Cộng và thành lập được một chính thể dân chủ tam quyền phân lập, đoạn đường có thể dài vô định trừ khi có biến cố bất thường. Giả thử Trung Quốc hoàn toàn thôn tính được Việt Nam trong khi các nỗ lực thoát Cộng chưa đạt được, liệu người Việt yêu nước có thể đồng thời thoát Trung và thoát Cộng được hay không?
2. Chế độ hiện hành, nếu tiếp tục chính sách lệ thuộc Trung Quốc, tham nhũng, ức hiếp dân oan và đàn áp người yêu nước thì một ngày nào đó sẽ bị nhân dân bất mãn và nổi dậy lật đổ bằng cách mạng ôn hòa hay bạo động. Giả thử có một cuộc cách mạng như vậy xảy ra, làm thế nào tránh được sự hỗn loạn của tình trạng vô chính phủ? Liệu sẽ có được một nhân vật dân sự hay quân sự nào đủ uy tín và khả năng đứng ra thành lập một chính quyền dân chủ, ổn định được mọi sự xáo trộn về chính trị, kinh tế và xã hội?
3. Có thể nào Trung Quốc chịu ngồi yên để cho chế độ cộng sản đàn em bị lật đổ và chấp nhận sự ra đời của một quốc gia Việt Nam độc lập, dân chủ, đòi lại toàn vẹn chủ quyền trên đất và trên biển đã bị Trung Quốc chiếm đoạt hay mưu toan chiếm đoạt (như ba đặc khu kinh tế đang được tạm hoãn thi hành)?
Trở lại với câu hỏi nên thoát Trung hay thoát Cộng trước, những người chủ trương thoát Trung là ưu tiên số một sẽ giải thích hợp lý rằng nếu dân tộc Việt Nam có thể thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc thì CSVN sẽ đương nhiên mất chỗ dựa để có thể duy trì chế độ độc tài tham nhũng và sẽ bị thay thế bởi một chế độ thật sự tự do dân chủ. Nhưng làm thế nào dân tộc Việt Nam có thể thoát Trung khi lãnh đạo không đồng hành với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược? khi đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn nắm quyền thống trị, tiếp tục ngăn cấm và trừng phạt những người yêu nước?
Trước tình trạng lưỡng nan khó xử ấy, giải pháp thích hợp nhất là vừa thoát Trung vừa thoát Cộng bằng cách phát động những chiến dịch kêu gọi thoát Trung và thoát Cộng sâu rộng trong các giới nhân dân. Mục tiêu của chiến dịch thoát Trung là cung cấp những thông tin chính xác về những hành động của TQ xâm phạm chủ quyền và cướp đoạt tài nguyên trên đất và trên biển của VN, tố cáo dã tâm ác độc của lãnh đạo Trung Quốc nhằm làm suy nhược, đồng hóa hay hủy diệt dòng giống Việt qua những hành động đầu độc môi trường thực phẩm và gây ô nhiễm khí hậu, v.v... Mục tiêu của chiến dịch thoát Cộng là tố cáo tội phản quốc của lãnh đạo cao cấp trong đảng, tội ác ức hiếp dân oan và lòng tham nhũng vô hạn của các quan chức chính quyền trung ương và địa phương.
Thức tỉnh lòng yêu nước của người dân và kêu gọi nhân dân đoàn kết chống tội ác của quân thù phương Bắc dễ có hiệu quả hơn cả việc hô hào nhân dân tham gia tranh đấu cho nhân quyền dân chủ. Tố cáo những hành động bóc lột dân nghèo, kể cả những gia đình có công với cách mạng, phơi bày tài sản khổng lồ của các quan chức tham nhũng cũng sẽ làm gia tăng lòng bất mãn và căm giận của nhân dân đối với nhà nước cộng sản độc tài. Số đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hóa mỗi ngày một đông. Họ đều chán ghét đảng và lãnh đạo nhưng chưa thể bỏ đảng, hầu hết chỉ vì cần giữ sổ lương hưu.
Đã đến lúc trí thức và nhân dân trong nước phải tìm cách cho ra đời một tổ chức chính trị đối lập với thành phần lãnh đạo có khả năng và uy tín trong xã hội. Đã có những tiếng nói sáng suốt và dũng cảm của những cá nhân yêu nước, nay cần phải kết hợp thành tiếng nói dũng cảm của tập thể. Nói cách khác, đã đến lúc sức mạnh của từng cây đũa cần phải dược kết hợp thành sức mạnh của bó đũa. Nhân dân trong nước đang trông chờ sự ra đời và lãnh đạo của tổ chức chính trị này.
Cũng đã đến lúc cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt cần phải liên kết thành những tổ chức sinh hoạt theo lề lối dân chủ và thực hiện mục tiêu chung là hỗ trợ đắc lực cho những nỗ lực thoát Trung và thoát Cộng của người dân trong nước.”
Gs Lê Xuân Khoa (đứng giữa). Ảnh tác giả cung cấp
Để quý đồng bào có một cái nhìn rõ hơn, chúng tôi xin mời theo dõi trong cuốn video clip này. Phải nói có thể xem như đây là một lời di chúc tha thiết và đầy tâm huyết của G.S Lê Xuân Khoa gửi cho tuổi trẻ VN cũng như nhân sĩ trong và ngoài nước.