Khi cái Ác xã hội lên ngôi 231 trong giáo dục học đường

27 Tháng Mười Một 20187:07 CH(Xem: 6602)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN   - THỨ TƯ 28 NOV 2018


Khi cái Ác xã hội lên ngôi 231 trong giáo dục học đường


Học sinh bị tát 231 cái, tình thương biến mất, ích kỷ lên ngôi


Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn


27/11/18


image011

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, người ra lệnh phạt tát một học sinh lớp 6 gây phẫn nộ trong xã hội. Nguồn VOA


 (GDVN) - Việc học sinh bị yêu cầu tát 231 cái ở trong lớp tại tỉnh Quảng Bình, chính là xuất phát từ nguyên nhân do sự vô cảm của người làm thầy.


Những ngày vừa qua, dư luận ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bức xúc vì việc một học sinh bị yêu cầu tát 231 cái trong lớp học, phải nhập viện.


Trước đó, ngày 19/11, em N. (học sinh lớp 6/2 của Trường trung học cơ sở Duy Ninh) có nói tục ở trong lớp, bị bạn phát hiện, tố cáo với giáo viên chủ nhiệm.


Sau đó, cô T. (sinh năm 1977) là giáo viên chủ nhiệm của lớp này đã đưa ra hình thức phạt em N. bằng cách bắt các em học sinh cùng lớp tát liên tiếp vào má của em N.


Sự vô cảm của người thầy


Vô cảm chính là từ ngữ được nhắc nhiều đến trong cuộc sống hiện đại như ngày nay.


Xã hội đang báo động về lối sống, cách ứng xử thờ ơ, lạnh lùng, bạo lực của một bộ phận những người ích kỷ, chỉ biết lo cho “cái tôi của bản thân”.


image012

Trường trung học cơ sở Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình (ảnh: giaoduc.net.vn)


Cứ nghĩ sự vô cảm đó chỉ diễn ra bên ngoài cánh cổng của nhà trường, nơi có biết bao nhiêu sự phức tạp đã và đang diễn ra. Thế nhưng, thật đáng tiếc, sự vô cảm ấy lại đang diễn ra trong chính ngôi trường của các em học sinh.


Ngôi trường mà các em luôn được dạy là “ngôi nhà thứ hai của mình”. Nơi đây, thầy cô chính là “cha mẹ thứ hai” của các em. Ngôi trường mà hằng ngày, trẻ đến trường để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.


Với vai trò, nhiệm vụ được toàn xã hội giao phó, người thầy luôn nỗ lực, phấn đấu “rèn đức, luyện tài” để trở thành những “tấm gương mẫu mực” cho học sinh noi theo.


Nhưng tiếc thay, những “tấm gương” ấy lại bị lu mờ đi bởi sự dửng dưng đến lạnh lùng của cô giáo T. khi bỏ ra ngoài, xuất hiện ở hành lang để quan sát các bạn bè cùng lớp “xuống tay” của 23 học sinh đối với em N.


Chưa dừng lại ở đó, khi bị tát cái cuối cùng, em N. vừa khóc, vừa đau đã buột miệng lên nói “Em ghét cô”, khi cô T. đã đứng cạnh em, tát em thêm một cái nữa. Sự nóng giận đến đây đã che mờ toàn bộ lý trí của cô giáo.


Những bài học về kỹ năng xử lý tình huống khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô giáo này đã không áp dụng được vào trong thực tiễn.


Sự vô cảm lây lan từ chính người đang làm công tác lãnh đạo


Đại văn hào Nga Maxim Gorky đã từng quan niệm “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Tình thương chính là nền tảng để xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Chính nhờ tình thương cũng đã xoa dịu bao nỗi đau, nâng cao phẩm giá của con người.


Thế nhưng, có một mặt trái đáng buồn trong xã hội của chúng ta hiện nay, con người đang dần mất đi tình thương đó, để sống với lòng ích kỷ và nhỏ nhen.


Một ví dụ trong trường hợp này, của Trường trung học cơ sở Duy Ninh, chính là cô Hiệu trưởng đã thừa nhận toàn bộ vụ việc của cô T., nhưng xin báo chí đừng đăng tải, do trường sắp được công nhận chuẩn quốc gia mức độ II.


Nếu đăng tải, toàn bộ công sức của tập thể giáo viên nhà trường đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì sai trái của một cá nhân.


Đáng lẽ ra, với vai trò của một người lãnh đạo đứng đầu nhà trường, cô Hiệu trưởng cần công tâm bảo vệ cái đúng, phân tích để cô giáo nhận ra sai lầm của mình, để tự răn đe và khắc phục hậu quả, nghiêm túc nhận lỗi, xin lỗi học sinh.


Cô Hiệu trưởng cũng cần phải phối hợp cùng với phụ huynh để ổn định tâm lý cho các em học sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cô Hiệu trưởng lại làm chuyện ngược lại, đó là “che giấu đi sự thật”.


Cần dạy học sinh phải biết phản biện


Tư duy phản biện, hiểu một cách đơn giản nhất, đó là khả năng suy nghĩ và tư duy đa chiều, phản biện lại vấn đề, xem xét mọi khía cạnh để tìm ra chân lý chứ không dễ dàng chấp nhận mọi ý kiến ngay từ ban đầu.


Tư duy phản biện giúp con người vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen có sẵn; hướng đến cái mới, thoát khỏi những rào cản của định kiến, đưa ra nhiều phương án khác nhau và lựa chọn phương án tối ưu với những lập luận có cơ sở vững chắc đối với một vấn đề nào đó.


Đã từ lâu, học sinh đến trường chỉ biết “gọi dạ - bảo vâng” và làm theo răm rắp những yêu cầu từ phía giáo viên. Ngày nay, trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm thì việc xây dựng tư duy phản biện cho học sinh là điều rất cần thiết.


Trong sự việc này, nếu các em được rèn luyện, có kĩ năng phân biệt “đúng – sai” và khả năng phản biện chắc chắn sự “trừng phạt” của cô giáo sẽ không để lại hậu quả nghiêm trọng. Các em sẽ sẵn sàng phản ứng với cách “trừng phạt không giống ai” của cô giáo.


Tinh thần phản biện của học sinh phải được coi trọng trong nền giáo dục bởi đó là nguồn cội của các phát minh, phát kiến và các sáng tạo. Dạy cho học sinh tư duy phản biện sẽ giúp cho các em trở nên tự tin hơn, tự khẳng định bản thân của các em.


Cô giáo chắc chắn cũng sẽ bị xử lí nghiêm theo quy định của ngành. Ban Giám hiệu cũng sẽ liên đới với vai trò và trách nhiệm của người làm công tác quản lý.


Nhà trường, thầy cô hãy “giật mình” nhìn lại chính bản thân mình để môi trường giáo dục thật sự là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn nhân hậu, biết cảm thông, biết yêu thương và chia sẻ…


Hãy trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia, chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương! Hãy kiềm chế - bình tĩnh - kiên trì và mềm mỏng. Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn

11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7589)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8232)