Chuông gọi hồn McCain

06 Tháng Chín 201810:24 CH(Xem: 9838)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN - THỨ SÁU 07 SEP 2018

Chuông gọi hồn McCain


Nguyễn Anh Tuấn


Sự kiện ông John McCain vừa mới qua đời vào cuối tuần trước phải được coi như là một biến cố thời sự lớn và nổi bật nhất khi chúng ta nhìn vấn đề trên nhiều góc cạnh đa dạng. Tự bản thân và tiểu sử cá nhân, John McCain đã là một nhân vật được nhiều người chú ý và bàn luận. Ông là nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang Arizona trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp từ hơn 30 năm qua, đại diện cho phe Cộng Hoà kiên cường, nhưng có một bản tính độc lập đặc biệt, không bè phái và thường được nhiều người và giới truyền thông đặt cho biệt hiệu là “maverick”.


Chữ “maverick” có nhiều nghĩa đa dạng. Một trong những nghĩa nguyên thủy của nó là nói đến một loại con bê không có được đóng dấu để xác định thuộc loại giống bò nào, chẳng hạn như một con bê mới sinh ra nhưng bị lạc vì mất mẹ v.v. Từ đó, chữ “maverick” thường được dùng để nói đến một nhân vật nào đó có cách xử sự độc lập và khác thường, không theo những quy tắc thông thường trong xã hội, không nhất thiết có cùng quan điểm với tất cả những người cùng trong nhóm mình trên mọi vấn đề. Chẳng hạn như trong một đoàn thể, một đảng phái, một người được gọi là “maverick” có nghĩa là người đó không phải lúc nào cũng nhắm mắt ủng hộ theo bè phái, nhưng sẵn sàng có những nhận định hay lập trường độc lập tuỳ theo từng vấn đề riêng biệt.


Trong chính trường như tại Hoa Kỳ, đó có thể là một người trong đảng Cộng Hoà nhưng thỉnh thoảng cũng có những lập trường theo khuynh hướng cấp tiến và dám lấy những quyết định trái ngược với nhóm của mình, như trường hợp của ông John McCain. Hoặc một vị dân biểu hay nghị sĩ của đảng Dân Chủ, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những quan điểm và quyết định theo khuynh hướng bảo thủ v.v. Vì thế nên những nhân vật được gọi là “maverick”, tức là có tinh thần độc lập và phóng khoáng không bè phái, thường được mọi người chú ý đến vì nó rất ít thấy xuất hiện trên chính trường trong bối cảnh xã hội nước Mỹ phân hoá sâu đậm như hiện nay.


Thật ra, cái chết của ông John McCain tuy xảy đến khá đột ngột nhưng không phải là một điều ngạc nhiên lớn. Từ hơn 1 năm trước, các bác sĩ đã chẩn đoán rằng ông đã bị mắc một chứng bệnh ung thư ở trong não thuộc loại quái ác, hiện nay chưa có phương cách chữa trị hiệu nghiệm và căn bệnh ung thư của ông lại ở giai đoạn chót, tức là bệnh nặng và nghiêm trọng nhất. Nhưng ông vẫn quyết định chữa trị theo các bác sĩ và đặc biệt là vẫn tiếp tục tích cực hoạt động trên chính trường, qua những quyết định lên tiếng hoặc bỏ phiếu cho những hồ sơ quan trọng, ngay cả đến những ngày gần đây. Đột nhiên vào ngày thứ Sáu vừa qua, gia đình ông loan báo rằng ông đã quyết định chấm dứt các đợt thuốc trị liệu, được hiểu như là ông đã chấp nhận và đầu hàng số phận để ra đi bất cứ lúc nào. Nhưng đến chiều hôm sau là thứ Bảy thì có tin ông John McCain đã trút hơi thở sau cùng trong vòng tay yêu thương của mọi người thân trong gia đình.


Điều đáng nói là tuy biết mình sớm muộn cũng sẽ đầu hàng số phận với chứng bệnh ung thư quái ác, nhưng ông John McCain vẫn tiếp tục tại chức chứ không rút lui để tịnh dưỡng trong những ngày cuối đời, đồng thời cũng để cho đảng Cộng Hoà tìm một người khác lên thay thế chức vụ nghị sĩ của ông. Đã vậy, tuy là một chính trị gia kỳ cựu của phe bảo thủ và đã từng được đảng Cộng Hoà đề cử là ứng viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008, nhưng ông McCain lại không đồng tình với đương kim TT Trump trên nhiều hồ sơ quan trọng, và cũng đã không ngần ngại bỏ phiếu chống lại như quyết định của ông không muốn loại bỏ đạo luật bảo hiểm y tế với giá vừa phải thường gọi là Obamacare.


Nhưng có lẽ giữa hai ông John McCain và Donald Trump có những mối hiềm khích khá mạnh mới là một trong những yếu tố khiến mọi người phải chú ý đến khi ông vừa mới qua đời.


Đúng vậy. Thật ra trong chính trường cũng như trong bất cứ xã hội nào, bao giờ cũng có thể xảy ra những mối hiềm khích hay thù hận khá sâu đậm và ly kỳ và đôi khi kéo dài rất lâu với những hành động diễn ra từ cả hai bên khiến mọi người đều phải ngạc nhiên. Thí dụ điển hình nhất mà mọi sinh viên khi học về lịch sử và công quyền tại Hoa Kỳ đều biết rõ: đó là mối hiềm khích và thù hận giữa hai nhân vật trong nhóm những người được gọi là khai quốc công thần cho nước Mỹ: đó là hai ông Aaron Burr và Alexander Hamilton, một người là phó tổng thống, và người kia là Tổng trưởng Tài chính. Sự hiềm khích và thù hận này dâng cao đến mức họ phải quyết định đấu súng tay đôi để phân định hơn thua, với kết quả là ông Hamilton bị thiệt mạng và ông Burr cũng tiêu tan sự nghiệp chính trị từ đó.


Còn trong trường hợp hiện giờ, ông McCain là một trong những nghị sĩ phe Cộng Hoà chỉ trích TT Trump mạnh mẽ nhất, tuy rằng ông vẫn bỏ phiếu ủng hộ cho phe Cộng Hoà trên nhiều đạo luật khác. Thật ra cũng khá nhiều vị dân biểu và nghị sĩ phe Cộng Hoà cũng đã chống đối hoặc chỉ trích ông Trump rất cương quyết, đặc biệt là vào tháng 10/2016 khi nổ ra đoạn băng video thu âm lời của ông Trump khoe khoang về thành tích ông có thể ôm hôn bốc hốt “bóp vú bóp chim” bất cứ phụ nữ mà ông thích mà không sợ hậu quả vì ông là người giầu có (nguyên văn của ông Trump chứ không hề là “fake news”).


Nhưng rồi sau đó ông Trump lại đắc cử tổng thống và được khối đông cử tri bảo thủ ủng hộ cuồng nhiệt nên đa số các vị dân cử bảo thủ này quyết định im lặng theo kiểu “ngậm miệng ăn tiền”, không ai dám đưa ra những lời lên tiếng công khai phản đối vì sợ phản ứng giận dữ của khối cử tri cuồng tín này. Chỉ có một số ít dám can đảm nhưng họ cũng đành chấp nhận là quyết định rút lui không ra tái tranh cử: đó là trường hợp của nghị sĩ Jeff Flake tại Arizona, nghị sĩ Bob Corker tại Tennessee và nhiều vị dân biểu liên bang khác.


Ngược lại, ông Trump cũng đã có những lời nói sai trái có tính cách miệt thị cá nhân ông John McCain, nhất là việc ông Trump lại dám chê bai ông McCain không phải là anh hùng, dù rằng ông McCain là một sĩ quan phi công của Hải quân Mỹ bị bắn rớt máy bay tại Hà Nội và bị bắt giam làm tù binh chiến tranh trong gần 6 năm trời trong khi ông Trump lại là một kẻ trốn lính.


Tuy vậy, trong bối cảnh ông Trump được nhiều người tiếp tục ủng hộ trong suốt thời gian qua, nên ông ta vẫn tiếp tục đả kích và vẫn để bụng thù ghét và đố kỵ, nhất là sau khi biết chuyện ông McCain đã để lại trong di chúc rằng ông không muốn thấy mặt ông Trump đến dự trong đám tang của mình. Vì thế nên khi đến dự một buổi lễ to lớn để ký tên ban hành một đạo luật chuẩn chi về quốc phòng với ngân sách 716 tỷ Mỹ-kim mới đây, TT Trump đã khoe về giá trị của đạo luật này mà nhất quyết không hề nhắc đến tên của vị nghị sĩ tác giả bảo trợ đạo luật đó không ai khác hơn là ông John McCain.


Nhưng điều đó cũng không thể chối bỏ sự kiện ông John McCain là một người anh hùng của nước Mỹ đáng được mọi người tri ân và tưởng niệm sau khi ông vừa mới qua đời, cho dù chúng ta có khác chính kiến hoặc đối chọi quan điểm với ông trên nhiều vấn đề. Chẳng hạn như cá nhân người viết bài này không ngần ngại thú nhận việc mình không đồng tình với ông McCain trên nhiều hồ sơ, trong đó có việc ông lựa chọn bà Sarah Palin đứng cùng liên danh với ông để tranh cử chức vụ phó tổng thống năm 2008. Về sau này mọi người đều thấy rõ là chị Sarah Palin này chẳng có tài cán gì và kiến thức thì lại nông cạn, nhưng nhờ có một khuôn mặt bắt mắt và khả năng ăn nói nhanh lẹ nhưng có tính cách mị dân nên khích động và thu hút được sự ủng hộ được một đám đông cử tri da trắng bảo thủ và nông nổi. Tuy là một người bảo thủ thích đề cao giá trị gia đình v.v. nhưng mọi người đều thấy rõ là đời sống gia đình của bà này, đặc biệt là với mấy người con của bà chẳng có gì lấy làm hãnh diện.


Kế đến, tuy người viết không có mang ơn nợ gì với nghị sĩ John McCain tuy rằng rất đông những gia đình người Việt khác được đoàn tụ tại Hoa Kỳ là nhờ vào nỗ lực nhân bản rất đáng ca ngợi của ông McCain, nhưng chúng tôi cũng phải cảm thấy ngưỡng phục ông, ít nhất là về thành tích và sự hy sinh quyền lợi cá nhân mình, tuy thuộc thành phần được ưu tiên trong xã hội nước Mỹ trước đây, nhưng đã không ngần ngại hy sinh để phục vụ cho quân đội Mỹ và tình nguyện sang chiến đấu ở Việt Nam, vốn là một chiến trường khốc liệt và cũng là nỗi kinh hoàng của nhiều gia đình người dân Mỹ lúc bấy giờ.


Cá nhân của ông cũng có những nhược điểm như bao nhiêu người khác, chẳng hạn như việc say mê rượu chè nên sa ngã và dẫn đến việc ngoại tình, và sau đó ly dị với bà vợ đầu tiên. Nhưng ông cũng là một người cha đáng hãnh diện vì đã làm tròn bổn phận của mình, và cũng đã để lại một di sản khiến cho con cháu phải ngưỡng phục. Ông đã hết mình phục vụ cho đất nước, và khi rời quân ngũ đã được tưởng thưởng rất nhiều huy chương và bằng tưởng lục cao quý trong đó có 1 Huy Chương Bạc, Bằng Tưởng Lệ Phi công Xuất sắc, 3 Huy Chương Đồng, 2 Chiến Thương Bội Tinh, 2 Huy Chương Tuyên Dương Công trạng của Hải Quân và Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ và 1 Huy Chương Tù Nhân Chiến Tranh.


Vì thế nên trong bài viết hôm nay, người viết phải có vài lời để vinh danh ông. Có lẽ cái tựa đề bài báo như trên có phần hơi khác lạ khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng khi tìm hiểu thêm về tiểu sử của ông John McCain, người viết nhận thấy ông có rất nhiều điểm đáng chú ý mà ít người biết đến nên muốn mượn dịp này để vinh danh và tưởng niệm ông dưới một góc cạnh mới mà khi đi sâu vào chi tiết, quý bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn.


Chuông Gọi Hồn Ai (For Whom the Bell Tolls) là một truyện dài nổi tiếng của văn hào Ernest Hemingway được xuất bản vào năm 1940. Nhân vật chính trong câu chuyện là anh Robert Jordan, một thanh niên Mỹ từ bỏ công việc của mình để tình nguyện gia nhập vào Đội Quân Quốc Tế theo phe Cộng Hoà (bao gồm nhiều phe phái đa dạng) để chống lại phe Quốc Gia (phần lớn là phe hoàng gia độc tài) do nhóm Phát-xít yểm trợ trong cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha nổ ra trước Đệ Nhị Thế Chiến (1936-1939). Đây là một cuộc chiến giữa hai khuynh hướng dân chủ và quốc gia cực đoan với kết quả chiến thắng sau cùng về phe Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài là Tướng Francisco Franco lên cầm quyền cho đến ngày ông qua đời vào năm 1975.


Trong truyện này, anh Robert Jordan là một người lính chuyên viên chất nổ, và được giao nhiệm vụ phá sập một chiếc cầu trong cuộc tấn công vào thành phố Segovia. Truyện dài này được xem như là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Hemingway, cùng với nhiều tác phẩm thành danh khác như The Sun Also Rises, A Farewell to Arms (Giã Từ Vũ Khí) và The Old Man and The Sea (Ngư Ông và Biển Cả). [Phải công nhận là các dịch giả của 3 tác phẩm này bằng tiếng Việt (tại Sàigòn trước năm 1975) đã dịch các tựa truyện không thể nào hay hơn nữa. Người viết bài này chưa tìm ra một tựa đề nào xuất sắc tương tự để dịch tựa sách “The Sun Also Rises”.]


Hemingway là một trong những đại văn hào của thế kỷ 20, được trao tặng giải Nobel về Văn Chương vào năm 1954. Trước đó, ông cũng từng là một nhà báo và đã tham dự vào cuộc Đệ Nhất Thế Chiến và những kinh nghiệm tại chiến trường đã là chất liệu quý giá giúp ông hoàn thành những tác phẩm văn học để đời.


Tác phẩm “Chuông Gọi Hồn Ai” được ông viết trong thời gian dài sinh sống tại nhiều nơi từ Havana, Cuba cho đến Key West, Florida và Sun Valley, Idaho trước khi được hoàn thành tại thành phố New York và được phát hành vào tháng 10 năm 1940, nhanh chóng trở thành một tác phẩm thành công rất lớn trên thương trường và cũng nổi tiếng trong giới văn học khắp thế giới. Sau đó, nó cũng được chuyển thể sang thành một cuốn phim xi-nê mang cùng tên với hai tài tử lừng danh là Gary Cooper và Ingrid Bergman cũng thành công không kém. Từ đó về sau, cuốn sách này được xem như là một trong tiểu thuyết hay nhất của Hemingway.


Những nhân vật trong truyện gồm những người được dựng lên hoàn toàn từ trí tưởng tượng phong phú của tác giả, hoặc là những người có thật những được tiểu-thuyết-hoá, nhưng đồng thời cũng có thêm những người thật, việc thật trong cuộc nội chiến xảy ra tại dãy núi Sierra de Guadarrama nằm giữa hai thành phố Madrid và Segovia. Tựa đề của tiểu thuyết cũng như lời bạt của tác giả có thể được diễn dịch như là những gợi ý về chủ đề của cái chết đối với những nhân vật trong truyện, với tiếng chuông nhà thờ gióng là biểu tượng quen thuộc để thông báo về sự ra đi vĩnh viễn của một người nào đó.


Nhân vật chính trong truyện, anh Robert Jordan, một thanh niên Mỹ tình nguyện gia nhập vào đội quân quốc tế đứng về phe Cộng Hoà trong Cuộc Nội Chiến này, được giao nhiệm vụ là mang chất nổ để phá sập một chiếc cầu trong chiến dịch hành quân. Người chiến sĩ trẻ đầy lý tưởng này không bao giờ quên chú trọng vào mục tiêu của mình, cho dù anh có thể hoài nghi rằng công tác đó có cần thiết hoặc có khả thi hay không. Anh chỉ biết rằng lý tưởng của anh là chống lại chủ nghĩa phát-xít của phe Quốc Gia cực đoan do Tướng Franco chỉ huy và anh cảm thấy mình phải có nhiệm vụ chống lại nó.


Nhà báo Michael Walsh của diễn đàn truyền thông Yahoo News đã có một bài viết vinh danh một chiến sĩ đầy lý tưởng cao đẹp, tương tự như anh Robert Jordan trong tác phẩm của Hemingway, vừa mới qua đời: đó là ông John McCain, nghị sĩ liên bang phe Cộng Hoà đại diện cho tiểu bang Arizona, đã vừa trút hơi thở cuối cùng vào ngày thứ Bảy cuối tuần qua sau hơn 14 tháng chống chọi với căn bệnh quái ác là ung thư não (glioblastoma) ở giai đoạn chót.


Từ lúc còn rất trẻ, ông McCain đã luôn nói rằng cuốn truyện nổi tiếng của Hemingway về cuộc chiến tranh du kích xảy ra tại Tây Ban Nha luôn là một tiểu thuyết được ông rất ưa thích và nhân vật anh hùng trong truyện (Robert Jordan) luôn là nguồn cảm hứng trong suốt cuộc đời của ông, kể cả trong thời kỳ đen tối nhất khi ông phải chịu đựng những đòn tra tấn hèn hạ và tàn ác của bọn cai tù Việt Cộng tại Hà Nội trong nhiều năm trời khi bị bắt giữ làm tù binh chiến tranh vào cuối thập niên 1960.


Về sau này, ông McCain cũng đã viết một cuốn sách được phát hành vào năm 2002 có tựa đề là “Worth the Fighting For”, tạm dịch là “Xứng Đáng để Chiến đấu cho Nó”. Câu nói này được bắt nguồn từ suy nghĩ của nhân vật Jordan trong tiểu thuyết của Hemingway khi đối diện trước cái chết và nhìn lại cuộc đời mình để nói lên lời cuối: “Thế giới này là một nơi chốn tốt đẹp và xứng đáng để chúng ta chiến đấu bảo vệ nó, và tôi rất thù ghét việc mình phải rời bỏ nó để ra đi.

14

John McCain và Ernest Hemingway. (Hình phối hợp của Yahoo News)


Ông McCain cũng kể thêm chi tiết về nguyên nhân và thời điểm nào mà ông đã tình cờ đọc được cuốn “Chuông Gọi Hồn Ai”. Đó là khi ông còn là cậu bé mới 12 tuổi, tình cờ tìm được hai chiếc lá cây glover trước sân nhà mình tại thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia. Cậu vội chạy vào phòng đọc sách của cha mình để tìm một cuốn sách hầu ép những chiếc lá này để coi như là lưu giữ một kỷ vật may mắn. Tình cờ đưa đẩy thế nào khiến cậu bé McCain lại bốc ngay cuốn tiểu thuyết của Hemingway và lật mở ngay đúng trang của chương thứ X. Trong trang này lại có những hàng chữ mô tả về sự tàn ác trong chiến tranh khiến cậu ta tò mò đọc tiếp để rồi từ đó bỗng say mê theo cuốn truyện.


Nhờ vậy mà cậu bé McCain đã đọc hết cuốn sách thật nhanh và sau này còn đọc đi đọc lại nhiều lần nữa. Những chủ đề trong cuốn truyện nêu lên những khái niệm đầy lãng mạn về lòng can đảm và tình yêu, xen lẫn những hình ảnh anh hùng, tinh thần hy sinh và sự chuộc lỗi để đền bù. Ông mơ ước mình có thể có được “sự can đảm và tinh thần cao thượng” như nhân vật chính trong truyện, và tự tin rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ đạt được. John McCain thú nhận rằng chính cuốn sách “Chuông Gọi Hồn Ai” là tác phẩm hướng dẫn ông về một nhân vật anh hùng thực sự cần phải sống và chết ra sao, cũng như làm sao và vì sao mà mình cần phải gan dạ.

15

Hình bìa hai cuốn sách của John McCain và thần tượng của mình là Ernest Hemingway (Hình Yahoo News)


Ông thú nhận điều này qua câu viết: “Từ rất lâu rồi, Robert Jordan là một nhân vật mà tôi ngưỡng mộ hơn hầu hết mọi người khác trong đời sống thật cũng như trong tiểu thuyết. Anh ta là một người gan dạ, luôn quyết tâm và có khả năng, lại biết hy sinh quên mình; anh có đầy đủ những tính chất làm nền tảng cho lòng can đảm mà tác giả Hemingway đã mô tả như là một nét dễ thương khi đứng trước áp lực, một người đàn ông sẵn sàng hy sinh tính mạng chứ không bao giờ chịu bán rẻ danh dự của mình.


Trong đầu tôi, anh ta (Robert Jordan) luôn là một người hùng của thế kỷ thứ XX, thế kỷ của tôi, thế kỷ của giòng họ McCain mà nhiều thế hệ đã chiến đấu trên các chiến hạm và ghi lại tên họ của mình trong những cuộc đụng độ to lớn giữa những ý thức hệ đối chọi, trong đó có chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa cộng sản, và quyền dân tộc tự quyết; và điều đó đã khiến cho cái khoảng thời gian đó trở nên đáng nhớ về những sự bạo động nhưng đồng thời cũng kèm theo những tiến bộ của nó.


Cuộc đời của ông John McCain được rất nhiều người biết đến từ lâu. Trước khi gia nhập vào chính trường bắt đầu bằng việc đắc cử vào chức vụ dân biểu liên bang tại tiểu bang Arizona (vào năm 1981) và sau đó được đắc cử nghị sĩ liên bang (vào năm 1986) cho đến ngày ông qua đời, John McCain III đã là một người hiếm có trong một gia đình ái quốc hiếm hoi tại Hoa Kỳ với 4 đời đều gia nhập vào Hải Quân Hoa Kỳ để phục vụ cho đất nước.

16

Cậu bé McCain ngồi giữa cha mình là Hải quân Trung Tá và ông nội là Hải quân Phó Đô Đốc vào thập niên 1940


Ông McCain được nhận vào Trường Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ tại Annapolis vào năm 1954 để noi gương theo cha ruột và ông nội của mình đều là những sĩ quan cao cấp, mỗi người đều lên dần lên đến cấp bậc cao nhất là tướng 4 sao, Hải quân Đô Đốc (Admiral). Riêng ông McCain đã giải ngũ với cấp bậc Hải quân Đại Tá (Captain) vì nghĩ rằng mình khó có hy vọng được thăng cấp Đô Đốc như ông nội và cha của mình, nhưng cho rằng mình vẫn có thẻ phục vụ cho đất nước hữu hiệu hơn trên chính trường. (Đối với Lục quân Mỹ, Captain tương đương Đại uý nhưng với Hải quân Mỹ, Captain tương đương với Đại tá).


Trong số 4 người con trai của ông có 3 người cũng gia nhập quân đội với 2 người tình nguyện vào Hải quân Mỹ và người con út là James McCain cũng tình nguyện gia nhập vào Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ như là một binh nhì và cũng đã từng tham dự vào chiến trường ở Iraq như rất nhiều các quân nhân khác. Lý lịch và thành tích này có lẽ là một điểm son nổi bật về lòng yêu nước chân thành để bảo vệ tổ quốc mà mọi người phải ngã nón cúi chào cho dù có bất đồng chính kiến với ông trên nhiều vấn đề khác.


Nó càng làm nổi bật hơn hình ảnh của nhiều vị lãnh tụ khác từ thời trai trẻ đã tìm cách tránh né nghĩa vụ quân sự dưới nhiều hình thức như việc xin hoãn dịch vì lý do học vấn nhờ có học bổng cao quý (như Bill Clinton), hoặc tham gia vào một loại lính kiểng tại nội địa (như Bush Con) để tránh bị đưa sang chiến trường khốc liệt ở Việt Nam vào hai thập niên 1960 và 1970.


Nó càng khiến cho nhiều người còn ngán ngẫm hơn nữa về sự đạo-đức-giả của những chính trị gia khác luôn thích vỗ ngực tự khoe về thành tích yêu nước của mình, đặc biệt là những lãnh tụ của đảng Cộng Hoà nổi tiếng với lập trường bảo thủ cứng rắn như cựu PTT Dick Cheney và đương kim TT Donald Trump, khi người ta biết được thực sự phũ phàng là cả hai ông này đều tìm cách xin hoãn dịch đến 5 lần vì lý do sức khoẻ (là một cục u trên gót chân như trường hợp của ông Trump)!


Nhưng tiểu sử của ông McCain được nhiều người biết đến nhất là trong giai đoạn khi ông bị bắn rớt máy bay trong lúc đang lái chiến-đấu-cơ A-4 Skyhawk trong một phi vụ thả bom tại miền bắc Việt Nam vào năm 1967. Ông đã nhảy dù ra khỏi máy bay và rớt xuống Hồ Trúc Bạch và bị lính bộ đội và công an Việt Cộng thời đó bắt giam, tra tấn và hành hạ trong nhà tù Hoả Lò trong gần 6 năm trời (được thả vào năm 1973) mà tất cả các cựu tù binh Mỹ khi nhắc tới cũng không thể nào quên nỗi những hình ảnh kinh hoàng này.

17

Tù binh John McCain trong nhà tù HOả Lò tại Hà Nội năm 1967 (Hình AP)


Sau đó khi biết ông McCain có người cha đang là một vị đô đốc của lực lượng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, nhà cầm quyền Việt Cộng lúc bấy giờ cũng muốn tìm cách thả tự do sớm cho ông để đánh bóng cho mục đích tuyên truyền, nhưng ông McCain đã từ chối ân huệ này khi đòi hỏi tất cả những quân nhân Mỹ bị cầm tù trước ông cũng phải được thả tự do để tôn trọng đúng tinh thần bình đẳng, không thiên vị khi đối xử với các tù binh.


Thái độ không hèn nhát vì ích kỷ này của ông, cũng như của cha mình là một vị Hải quân Đô đốc lúc bấy giờ, cũng là một thí dụ đáng kính nể đủ nói lên tinh thần cao cả của họ không vì tình riêng mà quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm chung đối với đất nước. Nó cũng được truyền đến thế hệ sau khi người con trai út của vợ chồng ông là cậu thiếu niên James McCain chỉ mới 17 tuổi đã tình nguyện gia nhập vào Thuỷ Quân Lục Chiến. Vào lúc đó, dù là giầu có và nổi tiếng với nhiều ảnh hưởng trong chính quyền, ông McCain đã không hề vận động để xin xỏ cho con mình không bị đẩy sang chiến trường khốc liệt ở Iraq, vốn là nỗi kinh hoàng cho biết bao gia đình của các quân nhân Mỹ khi đón nhận tin này.


Trong một chừng mực nào đó, cuộc đời của ông John McCain và Robert Jordan trong chuyện của Hemingway có những điểm rất tương đồng. Cả hai người đều là những thanh niên Mỹ, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấm êm tại Hoa Kỳ để tình nguyện dấn thân vào các cuộc chiến tại một quốc gia khác để bảo vệ cho những chính thể dân chủ tự do tại đó.


Nhưng vận mệnh trớ trêu đã khiến cho cả hai đều phải đón nhận những kết quả nghiệt ngã đau thương khi phe của họ đều thảm bại. Tại Tây Ban Nha, phe phát-xít thắng trận để đưa nhà độc tài Franco lên nắm quyền cho đến lúc chết vào năm 1975. Còn tại Việt Nam, phía Việt Cộng tại miền Bắc cũng đã tấn công và chiếm trọn miền Nam kể từ ngày thủ đô Sàigòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và tiếp tục cầm quyền cho đến ngày nay.


Chính vì thế nên sau này, tuy là một trong những nhà dân cử can đảm bỏ qua quá khứ để bắt tay hợp tác với kẻ thù cũ là nhà cầm quyền Việt Cộng để tái lập bang giao với Việt Nam, ông John McCain vẫn không ngần ngại khi phê bình trong nỗi ngậm ngùi rằng trong cuộc chiến tại Việt Nam, điều đáng tiếc là cái phe xấu ác lại là kẻ chiến thắng.


Theo bà Louise Barnett, một tác giả viết sách và giáo sư về Văn học Mỹ tại trường Đại học Rutgers thì không có gì là ngạc nhiên việc một nhân vật trong tiểu thuyết là Robert Jordan lại trở thành một hình ảnh đầy ấn tượng đối với ông John McCain. Anh ta là một người Mỹ bình thường đang có một công việc văn phòng tại Hoa Kỳ và cũng chẳng có khả năng chuyên môn nào trong quân đội, nhưng anh đã có nhiều động lực để theo đuổi một lý tưởng mà anh cho rằng rất cao đẹp.


Điều này chứng tỏ rằng tác giả Hemingway không phải là người chuyên viết về những nhân vật thích đề cao về sức mạnh võ biền. Bởi vì Jordan không hề là một nhân vật như vậy. Đó là những người có học thức và được giáo dục đàng hoàng, chứ không phải là những kẻ lấy việc đánh đập người khác làm lẽ sống của đời mình. Anh Jordan tình nguyện sang Tây Ban Nha bởi vì anh ta đang theo đuổi một lý tưởng: chiến đấu để bảo vệ nền dân chủ trước sự tấn công của chủ nghĩa phát-xít.


Một chuyên gia khác nghiên cứu về Hemingway là ông David Wyatt, giáo sư về văn chương Anh-ngữ tại trường Đại học Maryland cho rằng những người như anh Jordan và ông McCain là những kẻ có lý tưởng và xuất thân từ những gia đình có thân nhân tham gia trong quân đội đã từng bị thương trong những cuộc chiến tại một xứ sở không phải là quê nhà của mình. Và họ tham dự vào những cuộc chiến đó vì một lý tưởng rõ rệt.


Tây Ban Nha vào lúc đó, cũng giống như tại Việt Nam, là những nơi đầy rắc rối đối với nhiều người Mỹ tại nội địa. Tại những nơi đó có nhiều phe phái khác nhau thuộc cả hai chiến tuyến. Anh Jordan chiến đấu cho phe cộng hoà để chống lại phe phát-xít, nhưng rồi nhóm phát-xít lại thắng trận. Ông McCain cũng tham dự cuộc chiến để chống lại phe cộng sản ở miền Bắc Việt Nam để giúp đỡ cho miền Nam Việt Nam, nhưng rồi cuối cùng phe miền Bắc lại chiến thắng. Cuộc chiến mà cả nửa triệu quân nhân Mỹ đã tham dự tại Việt Nam trong hai thập niên 1960 và 1970 là một cuộc chiến gây ra rất nhiều những tranh cãi để từ đó dẫn đến những chia cách sâu đậm về tư tưởng và khuynh hướng trong chính trường và xã hội nước Mỹ còn kéo dài đến ngày nay.


Nhà văn Hemingway đã quyết định tự vận vào năm 1961, lúc TT John Kennedy mới được đăng quang, và do đó ông đã không có cơ hội để nhìn thấy cuộc cách mạng văn hoá trong thập niên đó đã thay đổi sâu đậm như thế nào mối tương quan giữa người dân trong nước và chính quyền Mỹ. Những anh hùng trong tác phẩm của Hemingway là những sản phẩm của một thời kỳ đã qua. Nó đã tạo những ảnh hưởng rất lớn đối với những người trẻ vào lúc đó (như trường hợp của John McCain) hơn là với giới trẻ hiện nay. Giờ đây với việc ra đi của những người như ông John McCain, phải chăng cái hình ảnh và nhận định về tinh thần anh hùng được nêu bật lên bởi các nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingway cũng bắt đầu phai mờ dần đối với nhiều người?


Phải chăng vì vậy mà chúng ta cũng phải ngậm ngùi cho những nhân vật và lý tưởng cao đẹp của họ giờ đây đã qua đi, tuy không còn ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều người, nhưng cũng là những điều khiến mọi người phải cuối đầu kính phục?


Còn chuyện ông McCain được cả hai đối thủ đã hạ gục trên chiến trường là Bush Con (phe Cộng Hoà) và Barack Obama (phe Dân Chủ) trong hai cuộc bầu cử vào các năm 2000 và 2008 giờ đây lại ca ngợi ông và cho rằng quốc gia Hoa Kỳ này phải nhớ ơn ông vì một món nợ lớn, trong khi vị đương kim tổng thống Donald Trump lại không hề nói một lời nào để vinh danh những thành quả của ông khi bắn ra một mẩu tin nhắn chỉ để chia buồn cùng gia đình lại là một đề tài lý thú khác để bàn luận tiếp trong một bài viết khác.

18

Hình trên Instagram của TT Trump chia buồn cùng gia đình nghị sĩ John McCain


Nhưng đến chuyện cả hai ông Bush Con và Obama được gia đình của ông McCain mời đến dự và đọc bài điếu văn tưởng niệm trong tang lễ cũng là một đề tài đáng nói, chưa kể đến việc nó lại đi kèm với chuyện chính đương sự lại không muốn có mặt của ông Donald Trump vào tang lễ của mình cũng là một diễn biến hiếm có, chưa bao giờ thấy xảy ra khi một vị đương kim tổng thống Mỹ lại bị xem thường và lánh xa đến như vậy. Và phải chăng vì vậy mà trong bức hình trên mạng truyền thông Instagram để ghi lại lời chia buồn với gia đình người quá cố rất ngắn gọn, ông Trump không hề nhắc nhở gì đến thành tích anh hùng và sáng chói của ông McCain, mà thay vào đó là bức hình to lớn thật đẹp của chính ông để mọi người chiêm ngưỡng thay vì tưởng niệm một vị anh hùng vừa mới ra đi?


Ngay cả những người “cuồng Trump” có lẽ cũng khó lòng biện minh cho cái tính nhỏ nhen của TT Trump trong vụ này khi ông sử dụng lá quốc kỳ để làm biểu tượng chê bai ông John McCain dù rằng Quốc Hội và cả nước đang làm lễ quốc táng để tiễn đưa một vị anh hùng. Trong khi tất cả các toà nhà chính phủ liên bang đều treo cờ rũ cho đến khi lễ tang chấm dứt như thông lệ, ông Trump đã ra lệnh cho nhân viên Toà Bạch Ốc kéo cờ lên vào đầu tuần, ngụ ý là mọi người trở lại làm việc bình thường, coi cái chết của ông McCain chẳng có gì đáng nói, chẳng có gì là “big deal”.


Phải đến khi bà Denise Rohan là chủ tịch của Hiệp hội các cựu chiến binh lớn nhất có tên là American Legion viết văn thư lên án hành động này và yêu cầu vị tổng thống cần phải xử sự cho phải đạo với một vị anh hùng thì ông Trump mới chịu nhượng bộ, có lẽ vì biết rằng mình không nên làm tức giận cái khối đông cử tri quan trọng này. Và do đó ông mới ra lệnh cho nhân viên Toà Bạch Ốc cho hạ cờ rũ xuống trở lại.


Những người ủng hộ ông Trump rằng ông John McCain vẫn còn mang mối hận bị ông Trump chê bai không là anh hùng nên vẫn còn thù ghét và chỉ trích ông ta, nhất là việc nói rõ không muốn thấy mặt ông Trump đến dự lễ tang của mình, quả là một đòn làm bĩ mặt chưa bao giờ thấy đối với một vị tổng thống. Nhiều người chê trách ông McCain đến lúc gần chết mà vẫn không buông bỏ được cái tâm sân hận.


Nếu nhìn kỹ vấn đề, người ta sẽ thấy ông McCain không hề bị ảnh hưởng gì bởi ông Trump. Nhưng hai người đem lại thất bại nặng nề và đau đớn cho ông trên sự nghiệp chính trị chính là hai vị tổng thống tiền nhiệm: Bush Con và Barack Obama. Ấy vậy mà ông lại thỉnh cầu hai người này đến đọc bài điếu văn đưa tiễn ông trong lễ tang. Mấy ai đã học được cái tính buông bỏ lòng thù hận và sân si đáng quý như ông McCain đã làm?


Và người ta có thể thấy được điều này xuyên qua những lời thổ lộ chót của ông khi nằm trên giường bệnh trong những giờ phút sau cùng:


Chúng ta làm suy yếu sự vĩ đại của mình khi lầm tưởng tinh thần ái quốc với những đấu đá cục bộ gây nên sự đố kỵ, thù hận và bạo lực trên khắp địa cầu. Chúng ta làm suy yếu nó đi khi chúng ta giấu mình đằng sau những bức tường, thay vì phải phá bỏ những bức tường rào cản đó; chúng ta làm suy yếu nó đi khi chúng ta hoài nghi về sức mạnh của những lý tưởng, thay vì chúng ta phải tin tưởng rằng đó là động lực mạnh mẽ cho sự thay đổi như nó vẫn thường như vậy.


Chúng ta là 325 triệu cá nhân là những người luôn có những ý kiến ồn ào và sặc mùi thiên kiến. Chúng ta tranh cãi và tranh giành và đôi khi hạ nhục lẫn nhau trong những cuộc tranh luận ồn ào trước công chúng. Nhưng chúng ta luôn luôn cũng có nhiều điểm tương đồng hơn là bất đồng. Nếu như chúng ta chỉ cần nhớ lại điều đó và hãy nghĩ tốt về người bên kia rằng tất cả chúng ta đều yêu mến đất nước này thì chúng ta sẽ vượt qua được những thời gian thử thách này. Chúng ta sẽ trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết. . .


Đừng nản chí trước những khó khăn hiện tại mà hãy luôn vững tin vào sự vĩ đại của Hoa Kỳ, bởi vì không có gì là không thể tránh khỏi. Người dân Hoa Kỳ không bỏ giờ bỏ cuộc. Chúng ta cũng không bao giờ đầu hàng. Chúng ta không trốn tránh lịch sử. Vì chúng ta làm nên lịch sử. . .


Trước những hành động và lời lẽ như vậy, người ta còn có thể làm gì hơn là phải kính cẩn nghiêng mình để bái phục một nhân vật cao cả và can đảm như vậy./


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 3 tháng 9/2018

11 Tháng Mười 2018(Xem: 10234)
03 Tháng Chín 2018(Xem: 9527)