Môn Lịch sử từng là thuốc ngủ ở trường học như thế nào?

12 Tháng Bảy 20188:36 CH(Xem: 7793)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ SÁU 13 JULY 2018


Môn Lịch sử từng là thuốc ngủ ở trường học như thế nào?


12/07/2018


Sau mỗi mùa thi, cộng đồng lại thắc mắc rằng vì sao điểm môn Lịch sử thấp tới vậy?


Vài ngày gần đây, người người, nhà nhà lại thi nhau bàn tán vì điểm môn Lịch sử trong kì thi THPT Quốc gia quá thấp, hơn 80% bài thi dưới điểm 5. Chẳng có gì là lạ và đừng ai vội giật mình, dường như đây là câu chuyện “đến hẹn lại lên” của mỗi mùa thi lớn. Nhưng vì đâu mà nên cơ sự này?...


Tôi mới rời ghế nhà trường phổ thông chưa đầy 10 năm. Vậy nên, kí ức về những giờ học Lịch sử vẫn vẹn nguyên trong đầu. Từ cấp II, lên đến cấp III, lúc nào cũng vậy, giờ học Lịch sử bắt đầu bằng việc giáo viên đi vào lớp, kiểm tra bài cũ, sau đó thầy sẽ bắt đầu “màn độc thoại” suốt hơn nửa tiếng đồng hồ về những sự kiện và ngày tháng.


Thỉnh thoảng, thầy sẽ dừng lại, nhìn ngắm lũ học trò đang ngái ngủ và dặn dò về những kiến thức quan trọng sẽ có trong bài kiểm tra, hay bài thi cuối học kì. Những gương mặt non nớt của chúng tôi như bừng tỉnh trong giây lát, cả bọn cắm cúi ghi chép, lấy bút đỏ đánh dấu những phần mà thầy cô vừa nhắc nhở là “trọng tâm” ấy vào trong vở.


Tôi cũng lấy làm lạ vì sao những kỷ niệm mang tính chất lặp đi, lặp lại như vậy lại ở trong bộ nhớ của mình lâu đến thế? Phải chăng sự lặp lại ấy khiến cho não bộ không mất nhiều năng lượng để ghi nhớ. Tất nhiên, giờ học Lịch sử của tôi nhàm chán đến vậy cũng là do tôi không phải là dân khối C. Đối với các bạn học khối C và cần điểm sử cao cao một chút để dành tấm vé vào đại học thì giờ Sử sôi nổi hơn chút ít.


image007

Những cô cậu học trò ngủ gật trong giờ Lịch sử là hình ảnh mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều trường phổ thông.


Trò chẳng có hứng học thì lấy đâu ra thầy có hứng giảng bài. Sự thiểu não pha lẫn mệt mỏi không chỉ có trên gương mặt của chúng tôi. Thầy giáo đứng trên bục giảng cũng chẳng thể nào mà tươi tỉnh được. Nụ cười hiếm hoi trong tiết Lịch sử đến từ những câu chuyện cười của thầy và nội dung của chúng tất nhiên… không liên qnan đến lịch sử.


Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mấy người bạn của tôi có nói đùa rằng: Kiến thức lịch sử duy nhất còn sót lại trong đầu họ là “2/9 là ngày Quốc khánh” .


Tôi chắc chắn rằng, bạn tôi biết được điều này, không phải nhờ vào những giờ học lịch sử của thầy cô, mà nhờ vào những tấm pano, áp phích treo đầy đường mỗi độ thu sang.


Tôi là người thích học đọc sách, các cuốn sách về lịch sử và văn hóa cũng đem lại cho tôi không ít hứng thú. Riêng sách giáo khoa Lịch sử là một ngoại lệ. Từ khi rời ghế nhà trường, tôi chưa từng cầm cuốn sách đó lên thêm một lần nào nữa. Người già, cầm sách giáo khoa lịch sử lên đọc để giết thời gian chưa chắc đã có hứng thú, huống chi là những cô cậu thanh niên mới lớn.


Sách giáo khoa Lịch trong tâm trí của tôi là một cuốn sách không dày lắm, nhưng dằng dặc chữ nghĩa, sự kiện, ngày tháng với những lời lẽ khô khốc, không gợi cho người đọc chút cảm hứng nào. Thi thoảng, chen giữa những đám chữ dày như mạ mới lên ấy là vài ba bức ảnh chụp minh họa.


Cách đây vài tháng, tôi có xem clip ghi lại một giờ học Lịch sử ở Mỹ và thấy thương cho chúng tôi những ngày phải “chống chọi” với cơn buồn ngủ ở trong giờ Lịch sử ở trường phổ thông năm nào. Ở Mỹ, trong giờ Lịch sử các bạn học sinh sẽ được đóng kịch, xây dựng hoạt cảnh và đóng vai các nhân vật lịch sử liên quan đến bài học của mình.


Nếu hôm đó học về Cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) các bạn học sinh Mỹ sẽ được đóng vai tổng thống Abraham Lincoln, Jefferson Davis, Robert E. Lee, hay tướng Ulysses Simpson Grant. Lớp học sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, thế nên trong giờ học sẽ có sự xuất hiện của nhiều “tổng thống” Abraham Lincoln khác nhau. Mỗi nhóm sẽ khai thác thông tin và tái dựng hình ảnh các vĩ nhân theo những góc nhìn riêng.


image008

Một học sinh Mỹ hóa thân thành nhân vật Lịch sử để diễn hoạt cảnh trong lớp học.


Đến đây, tôi lại nhớ tới câu nói của thầy dạy môn “Mỹ học đại cương” của tôi thời đại học. Thầy nói đại ý rằng: việc học và khai thác Lịch sử ở phía cạnh tư liệu về những điều đã diễn ra khiến Lịch sử trở thành một môn khoa học “chết”. Hãy để cái nhìn đa chiều của hậu thế làm cho những sự kiện lịch sử được vận động không ngừng.


Trước khi, nền điện ảnh nước nhà cho ra đời những bộ phim lịch sử hấp dẫn và thu hút được giới trẻ thì những hoạt cảnh ngắn trong giờ học môn Lịch sử là một phương án khả thi để lũ trò nhỏ không còn buồn ngủ mỗi khi “phải” học Lịch sử. Thầy cô cũng nhờ đó mà có thêm hứng thú để giảng dạy.


So với số tiền hàng trăm tỉ để làm ra một bộ phim lịch sử hoành tráng thì một hoạt cảnh 15 phút ttrong mỗi lớp học chẳng đáng là bao. Nhưng giá trị tinh thần mà nó mang lại cho cả thầy và trò thì không hề nhỏ.


Liệu một ngày nào đó, những cô cậu học trò ở Việt Nam có thể cười vang trong giờ Lịch sử như ở Mỹ? Giấc mơ đó liệu có quá xa vời?/ Thụy Oanh
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)