Nhân quyền ‘biến mất’ khỏi Facebook của Đại sứ Mỹ, gây tranh cãi

10 Tháng Bảy 20188:18 CH(Xem: 7023)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ TƯ 11 JULY 2018


Nhân quyền ‘biến mất’ khỏi Facebook của Đại sứ Mỹ, gây tranh cãi


VOA 09/07/2018


image017

Bài gốc trên Facebook hôm 8/7 của Đại sứ Mỹ Kritenbrink nói về cuộc gặp của Ngoại trưởng Pompeo


Một bài trên trang Facebook chính thức của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi khi cư dân mạng nhận thấy có sự bất nhất về nội dung nói đến nhân quyền và pháp quyền.


Bài của Đại sứ Kritenbrink được đăng vào khoảng 9h30 tối hôm 8/7, giờ Hà Nội, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp tại một khách sạn ở thủ đô Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông.


Đại sứ Mỹ cho hay trong bài trên Facebook của ông: “Tại buổi gặp gỡ các doanh nhân, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định rằng: ‘Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng... Một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang tính sống còn cho sự tăng trưởng thương mại liên tục giữa hai nước chúng ta.’”


Ngay dưới nội dung tiếng Việt là phần lời bằng tiếng Anh, mà theo ảnh ghi lại màn hình bài viết ban đầu của ông Kritenbrink do chính VOA chụp, có thể dễ dàng nhận thấy có sự bất nhất.


Khoảng 3 tiếng sau khi bài được đăng, bắt đầu có những phàn nàn từ một số người rằng phần tiếng Việt bị thiếu.


Nhà hoạt động trẻ được nhiều người biết tiếng Nguyễn Anh Tuấn lên tiếng đầu tiên. Anh nêu ý kiến: “Bạn nào bên sứ quán dịch thiếu rồi”, với hàm ý rằng có thể không phải chính Đại sứ Kritenbrink viết và đăng bài trên Facebook mà do đội ngũ nhân viên của ông thực hiện.


Tiếp đến, anh Tuấn bổ sung các cụm từ còn thiếu để phần tiếng Việt hoàn toàn tương đương với phần tiếng Anh, đó là “vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền...”


Kể từ khi nhà hoạt động trẻ chỉ ra phần dịch thiếu, cho đến tối 9/7, hàng chục người sử dụng Facebook đã dồn dập gửi đến những lời bình luận và câu hỏi bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho đại sứ Mỹ về sự không nhất quán này.


Cảm ơn bạn đã báo động cho chúng tôi về lỗi dịch thuật trong bản tiếng Anh trong bài gốc đăng trên Facebook của chúng tôi. Phần lời văn tiếng Việt trong bài đó phản ánh đúng bài diễn văn đã được đọc


Đại diện Đại sứ quán Mỹ


Facebooker Bao Trung Nguyen có lượng người theo dõi đông đảo viết “Đến fb [Facebook] của ngài đại sứ mà cũng tự kiểm duyệt”.


Một số người khác liên kết sự việc này với Luật An ninh Mạng của Việt Nam mới được thông qua và bị nhiều chỉ trích. Họ đưa ra bình luận mỉa mai rằng đến cả đại sứ quán Mỹ mà cũng “sợ” Luật An ninh Mạng và dịch thiếu những lời đề cập đến nhân quyền.


Cùng lúc, không ít người đặt ra nghi vấn về những nhân viên người Việt trong đại sứ quán. Facebooker có tên Nguyễn Bảo viết: “Có VC [Việt Cộng] ở trong sứ quán tham gia bộ phận PR [public relations – quan hệ công chúng] hay sao mà cứ thấy chữ human rights [nhân quyền], the rule of law [pháp quyền]... là cắt, không dịch?!”


Facebooker khác, Thach Vu, góp ý bằng tiếng Anh rằng đại sứ quán Mỹ cần rà soát nghiêm chỉnh đội ngũ những người dịch. “Ở mức độ nhẹ, họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP [Vietnamese Communist Party – Đảng Cộng sản Việt Nam] Ở BÊN TRONG Đại sứ quán Mỹ”, người này viết.


VOA đã liên lạc bằng email với văn phòng của Tùy viên báo chí Đại sứ quán Mỹ để hỏi về nguyên nhân của sự việc này, và hôm 9/7, nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Cảm ơn bạn đã báo động cho chúng tôi về lỗi dịch thuật trong bản tiếng Anh trong bài gốc đăng trên Facebook của chúng tôi. Phần lời văn tiếng Việt trong bài đó phản ánh đúng bài diễn văn đã được đọc”.


image018

Đại sứ quán Mỹ trả lời về "lỗi dịch thuật" liên quan đến một bài trên Facebook của Đại sứ Kritenbrink, 9/7


Trong email trả lời, văn phòng báo chí của Đại sứ quán cũng cung cấp đường link đến bài phát biểu bằng tiếng Anh của Ngoại trưởng Pompeo, được đăng trên cả hai trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ và phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam. Văn phòng nói thêm rằng nội dung đầy đủ bằng tiếng Việt sẽ được đại sứ quán đăng lên sớm.


Theo những gì được đăng trên hai trang web kể trên, trong phần cuối bài phát biểu này, ông Pompeo chỉ nói: “Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc vì một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia vào thương mại công bằng và đối ứng”.


Một câu trả lời tương tự như những gì gửi đến VOA cũng được đại sứ quán đăng vào phần bình luận bên dưới bài gây tranh cãi của Đại sứ Kritenbrink vào sáng 9/7, giờ Hà Nội. Cùng với đó, đoan văn nói về “đóng góp cho an ninh toàn cầu, và tôn trọng nhân quyền, pháp quyền” cũng bị xóa khỏi phần lời tiếng Anh.


Động thái này và câu trả lời ngắn ngủi dường như không những không giải đáp được các thắc mắc của các Facebooker, mà thậm chí còn làm nảy sinh những câu hỏi mới và những ý kiến gay gắt hơn.


Một người có tên Đỗ Minh trên Facebook viết một cách hài hước: “Hahaha 8 giờ sáng nay ngày 09/7/2018: Admin [quản trị viên] của facebook Đại sứ và facebook U.S. Embassy in Hanoi [Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội] đã đồng loạt sửa status [dòng trạng thái] đăng ngày hôm qua. Họ chỉ để lại đoạn ngắn, đơn giản, hữu nghị...”


Ở mức độ nhẹ, họ đã không làm tốt công việc. Ở mức độ nghiêm trọng, họ thực hiện các chỉ thị của VCP [Đảng Cộng sản Việt Nam] Ở BÊN TRONG Đại sứ quán Mỹ


Facebooker Thach Vu


Trong khi đó, một số Facebooker khác bày tỏ “thất vọng” nếu đích thân Đại sứ Kritenbrink tự sửa bài. Có người dùng những từ ngữ nặng nề như “hèn yếu” dành cho nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Việt Nam. Họ đặt câu hỏi tại sao ông hoặc nhân viên của ông xóa nốt "human rights” [nhân quyền] và “the rule of law" [pháp quyền] khỏi nội dung liên quan đến bài phát biểu của ngoại trưởng Pompeo, hay phải chăng “sống cùng những người cộng sản” đến cả những “người ngay thẳng” cũng trở thành những “kẻ nói dối”.


Tuyên bố hôm 9/7 của bà Heather Nauert, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, về các chủ đề chính thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày của ông Pompeo không thấy nhắc tới nhân quyền.


Tuy trong hơn một thập niên trở lại đây, Việt Nam và Mỹ thực hiện nhiều cuộc đối thoại nhân quyền, song hai bên chưa giảm được nhiều khác biệt về quan điểm và đây vẫn là chủ đề gai góc trong quan hệ hai nước.


Các báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên đánh giá Việt Nam không tự do về chính trị, nhiều hạng mục thuộc quyền con người ở Việt Nam không được tôn trọng.


Ngược lại, Hà Nội luôn bác bỏ các báo cáo của Mỹ và đề nghị Washington cần “có đánh giá khách quan” cũng như “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Việt Nam.


CẬP NHẬT: Khoảng 1h chiều hôm 10/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Kritenbrink, đăng một bài mới trên Facebook bằng tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung: "Thật vinh dự khi tiếp đón Ngoại trưởng Pompeo tại Hà Nội vào tuần này! Ông đã thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với sự phát triển của một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, có đóng góp cho an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại tự do, công bằng, có đi có lại, và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Ngoại trưởng Pompeo, chúng tôi mong đón tiếp ông trở lại Việt Nam!"


image019

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Kritenbrink, đăng bài mới trên Facebook hôm 10/7 đề cập nhân quyền, pháp quyền

15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6065)