'Hàng nghìn người' tiễn đưa nhà sử học của VN

28 Tháng Sáu 20187:28 CH(Xem: 7575)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ SÁU 29 JUNE 2018


'Hàng nghìn người' tiễn đưa nhà sử học của VN


Quốc Phương BBC Tiếng Việt


BBC 28/6/2018


image031Bản quyền hình ảnh VNU/USSH Image caption Giáo sư Phan Huy Lê (1934-2018), là Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.


Tang lễ nhà sử học, nguyên Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê (1934-2018), diễn ra tại Hà Nội hôm thứ Tư có hàng ngàn người tham dự, trong đó có nhiều sinh viên, cựu học trò, nhà giáo và người dân tới tiễn đưa, theo truyền thông nhà nước.


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các quan chức đương kim Ủy viên Bộ Chính trị như Ủy viên thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều nhân vật quan trọng khác được tường thuật đã tham dự lễ truy điệu và ghi sổ tang, vẫn theo đài báo trong nước hôm 27/6/2018.


Giáo sư Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới thông qua nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học thuật quốc tếVăn phòng UNESCO


Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng ngày ra thông cáo bày tỏ 'niềm tiếc thương sâu sắc' trước sự ra đi của Giáo sư Phan Huy Lê, người vừa từ trần hôm 23/6/2018 tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Thông cáo của UNESCO có đoạn:


"Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc tới gia đình của Giáo sư Phan Huy Lê, một con người mẫu mực cho giới trí thức, nghiên cứu. Giáo sư Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới thông qua nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học thuật quốc tế.


image032

Bản quyền hình ảnh VNU Hanoi Image caption Giáo sư Phan Huy Lê tiếp các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu thế hệ sau và cựu học trò.


"Ông khơi nguồn và là tấm gương cho nhiều thế hệ các nhà sử học của Việt Nam và quốc tế. Giáo sư ra đi trong sự tiếc nuối của rất nhiều người, trong số đó rất nhiều người hàm ơn ông về sự giúp đỡ rộng lượng và hướng dẫn tận tình.


"Bên cạnh những đóng góp to lớn của ông đối với nền sử học hiện đại của Việt Nam, Giáo sư Phan huy Lê đã đóng góp nổi bật cho sự thành công của đề cử Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam vào Danh sách Di sản thế giới UNESCO, và đặc biệt cho tới khi ra đi, Giáo sư Phan Huy Lê đã luôn đảm nhận vai trò dẫn dắt về học thuật và đưa lại một điển hình cho vai trò của Hội đồng khoa học hỗ trợ cho Khu Di sản thế giới này, thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc và trọng chứng".


Một trí thức đúng nghĩa của từ này. Say mê, trung thực, đi đến tận cùng của chân lý khoa họcGS. Emmanuel Poisson


'Giúp đỡ rất nhiều'


Giới sử học và Việt Nam học quốc tế trong dịp này tiếp tục chia sẻ và bày tỏ sự thương tiếc và tri ân Giáo sư Lê. Hôm 27/6, từ Đại học Paris 7 - Diderot, Giáo sư Emmanuel Poisson, nói với BBC:


"Trong vòng rất lâu, ở Việt Nam người ta coi lịch sử là một phương tiện phục vụ tuyên truyền cho lý tưởng cộng sản và tinh thần dân tộc. Chính vì thế mà bộ môn lịch sử biến thành cuộc tổng kết các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và các cuộc nổi dậy của nông dân chống phong kiến áp bức.


"Nhờ thầy Lê và một số đồng nghiệp của thầy, những thầy Hà Văn Tấn, thầy Trần Quốc Vượng và lứa học trò của thầy như anh Vũ Minh Giang, anh Nguyễn Quang Ngọc, mà từ khoảng 20 năm nay, ngành sử học Việt Nam đã biến thành một khoa học thực sự, mở ra những cách nhìn mới với những tiếp cận mới."


image033

Giáo sư Phan Huy Lê qua hồi ức của Nhà sử học Pháp, GS. Emmanuel Poisson từ ĐH Paris 7


Giáo sư Poisson chia sẻ kỷ niệm của ông về Giáo sư Phan Huy Lê khi ông từ Pháp tới Việt Nam nghiên cứu, chuẩn bị cho luận án Tiến sỹ sử học và nói về vai trò, sự giúp đỡ của Giáo sư Lê với ông:


"Tôi thuộc thế hệ các nghiên cứu sinh nước ngoài đến Việt Nam làm việc vào những năm 1995-1996, khi Việt nam đã có chính sách thông thoáng hơn với những người làm khoa học xã hội. Chúng tôi được gặp gỡ và làm việc với các giáo sư lịch sử và Hán Nôm như thầy Lê, thầy Phan Đại Doãn, thầy Ngô Đức Thọ.


"Riêng tôi khi chọn đề tài quan và lại thời Nguyễn và đầu thời Pháp thuộc, tôi đã được giáo sư Phan Huy Lê tận tình giúp đỡ rất nhiều. Thầy rất quan tâm đến đề tài của tôi, mặc dù cách tiếp cận của tôi không phù hợp với quan điểm chính thống. Lúc đó, triều Nguyễn vẫn được coi là "ngụy triều", "bán nước"…


image034

Bản quyền hình ảnh VNU Hanoi Image caption Các Giáo sư Phan Huy Lê (đầu tiên, từ phải, hàng sau), Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng với vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu (Hình tư liệu)


"Thầy Lê giúp tôi gặp gỡ các nhân chứng tại địa phương, khuyên tôi đến nghiên cứu ở những làng xã cụ thể. Thầy luôn lắng nghe ý kiến của tôi để giúp tôi tìm hiểu sâu hơn, và cùng lúc mở rộng đề tài của mình."


Giáo sư Poisson nhớ lại lần nhà sử học của Việt Nam sang Pháp năm 2017 và chia sẻ ấn tượng của ông về Giáo sư Phan Huy Lê, người mà ông gọi là 'Thầy' khi Giáo sư Lê tới Paris:


"Năm ngoái, khi sang Pháp, Thầy không muốn đến làm việc với các trường đại học như mọi khi, mà muốn dành toàn bộ thời gian vào nghiên cứu cá nhân. Thế là, hàng ngày, từ sáng đến tối, thầy đến đọc tài liệu tại cơ quan lưu trữ của Hội thừa sai Paris. Ở tuổi 83, thầy như một sinh viên trẻ hồ hởi say mê tìm kiếm các tư liệu về lịch sử Việt Nam. Thầy bảo tôi : "Lạ quá cơ ! Ở đây có rất nhiều tư liệu hay về Việt Nam, mà sao ít người tìm đọc... "


Bề ngoài, thầy là người mềm dẻo, lịch lãm, nhưng thưc sự thầy là người kiên quyết, ít khi chấp nhận những luận điểm thiếu khách quan khoa học. Thầy là tấm gương lớn để chúng tôi noi theoGS. Emmanuel Poisson


"Thầy là một người như vậy. Một trí thức đúng nghĩa của từ này. Say mê, trung thực, đi đến tận cùng của chân lý khoa học. Bề ngoài, thầy là người mềm dẻo, lịch lãm, nhưng thưc sự thầy là người kiên quyết, ít khi chấp nhận những luận điểm thiếu khách quan khoa học. Thầy là tấm gương lớn để chúng tôi noi theo."


Hôm 24/6, một số nhà khoa học, sử gia từ quốc tế cũng chia sẻ với BBC những đánh giá, nhìn nhận và lời tri ân về Giáo sư Phan Huy Lê.


Trong số đó, có các nhà nghiên cứu Keith W. Taylor, Giáo sư Nghiên cứu Văn hóa Trung - Việt, Khoa Nghiên cứu châu Á, Đại học Cornell, Nhung Tuyết Trần, Phó Giáo sư, Khoa Lịch sử, Đại học Toronto; George E. Dutton, Giáo sư, Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ châu Á, Đại học California, Los Angeles (UCLA) hay Oscar Salemink, Giáo sư, Khoa Nhân học, Đại học Copenhagen.


Bản quyền hình ảnh VNU/USSH Image caption Giáo sư Phan Huy Lê qua đời trong lúc đang làm Tổng Chủ biên bộ 'Quốc sử Việt Nam' dự kiến sắp hoàn thành trong thời gian tới đây.


"Một phần công việc của ông có ảnh hưởng lớn cho sự phát triển Việt Nam học toàn cầu là ông giúp đỡ các nhà nghiên cứu nước ngoài được phép đi lại và nghiên cứu tại Việt Nam," Giáo sư Keith W. Taylor nói.


"Trong những lần được gặp ông, tôi luôn ấn tượng vì sự tử tế và nhiệt tình giúp đỡ chân thành, ngay cả với những sinh viên sau đại học vô danh," Giáo sư George E. Dutton chia sẻ.


"Tầm vóc nghiên cứu của ông đã và sẽ còn gây cảm hứng cho nhiều thế hệ nghiên cứu Việt Nam," Phó Giáo sư Nhung Tuyết Trần nói.


"Bản thân tôi chịu ơn Thầy Lê rất nhiều," còn Giáo sư Oscar Salemink bày tỏ với BBC Tiếng Việt./
03 Tháng Giêng 2017(Xem: 8451)
04 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 7775)
17 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7844)
Tiến sỹ Vũ Cao Phan Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Đại học Bình Dương
01 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7996)