Quốc Phương: GS. Phan Huy Lê - 'Nhân cách lớn, nhà đổi mới sử học' / Nguyễn Nhã: 'khóc Phan Huy Lê'

26 Tháng Sáu 20186:33 CH(Xem: 7768)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ TƯ 27 JUNE 2018


GS. Phan Huy Lê - 'Nhân cách lớn, nhà đổi mới sử học'


Quốc Phương BBC Tiếng Việt


24/6/2018

image006

Bản quyền hình ảnh USSH/VNU Image caption Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, qua đời ở Hà Nội hôm 23/6/2018.


Điều quan trọng nhất mà các thế hệ học trò học được ở Giáo sư Phan Huy Lê (1934-2018) là 'nhân cách lớn' của ông và 'tinh thần đổi mới' rất mạnh mẽ, một nhà sử học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói với BBC Tiếng Việt về nhà khoa học, Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa qua đời ở Hà Nội hôm 23/6/2018, thọ 84 tuổi.


Giáo sư Phan Huy Lê làm người ta kinh ngạc về sức làm việc, khả năng tri thức, hiểu biết sâu sắc bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học từ sử học tới Việt Nam học hay Đông Phương Học, nhưng điều đáng nói là Giáo sư không chỉ là 'nhà thiết kế', mà còn 'thi công' rất xuất sắc với nhiều 'thành tựu rực rỡ', một nhà sử học khác, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói thêm với BBC.


Các hoạt động của Giáo sư Lê đã bao trùm lên rất nhiều các lĩnh vực và ở lĩnh vực nào Giáo sư cũng vừa là nhà thiết kế, nhưng đồng thời cũng là nhà thi công lớn và phải nói đã đạt được những thành tựu rất rực rỡGiáo sư Nguyễn Quang Ngọc


Trước hết từ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội, học trò cũ của Giáo sư Phan Huy Lê, nói với BBC về vị Chủ tịch danh dự Hội vừa qua đời:


"Đối với Giáo sư Lê, người ta nói nhiều đến nhân cách của một nhà khoa học, đấy là một người có tinh thần đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đối với khoa học lịch sử. Trong thời gian vừa qua, Giáo sư đã có những cố gắng rất lớn khi được giao trọng trách làm Chủ nhiệm một Đề án cấp Nhà nước và Tổng Chủ biên bộ mà quen gọi là Quốc sử.


"Ở đó có rất nhiều quan điểm mới được đưa ra trong quá trình biên soạn bộ lịch sử này và bộ lịch sử này mà hình thành, thì chắc chắn cách trình bày và những nhận thức về lịch sử rất mới so với những công trình trước đây."


image005

GS. Vũ Minh Giang nói về di sản, đóng góp của Giáo sư Phan Huy Lê, người vừa qua đời ở VN.


Còn từ Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Chủ nhiệm, một họ trò cũ khác của Giáo sư Phan Huy Lê, nói:


"Các hoạt động của Giáo sư Lê đã bao trùm lên rất nhiều các lĩnh vực và ở lĩnh vực nào Giáo sư cũng vừa là nhà thiết kế, nhưng đồng thời cũng là nhà thi công lớn và phải nói đã đạt được những thành tựu rất rực rỡ.


"Cái đó để nói rằng chúng tôi là học trò, nhưng chúng tôi nhiều khi không thể nào hiểu hết được tại sao thầy lại có thể làm được đến như vậy."


image007

Bản quyền hình ảnh VNU Image caption Website của Đại học Quốc gia Hà Nội đưa tin về GS. Phan Huy Lê từ trần


'Di sản to lớn'


image008

GS. Nguyễn Quang Ngọc nói về Giáo sư Phan Huy Lê, người vừa từ trần ở Hà Nội hôm 23/6.


Về điều được cho là di sản lớn nhất của Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Vũ Minh Giang nêu quan điểm:


"Trước hết là về khoa học, Giáo sư Phan Huy Lê đã để lại một số lượng trước tác tính bằng đơn vị công trình lên tới hơn 500 công trình công bố trong và ngoài nước, trong đó có những công trình được giải thưởng cao nhất của nhà nước Việt Nam và đồng thời cũng được những giải thưởng quốc tế như giải thưởng Fukuoka của Nhật Bản, rồi được Cộng hòa Pháp tặng danh hiệu Viện sĩ Thông tấn của Viện Hàn lâm Văn khắc và Huân chương Cành cọ Hàn lâm.


"Tất cả những cái đó đánh giá những công trình khoa học của Giáo sư là có giá trị rất cao và việc này tôi nghĩ hầu như những người nghiên cứu về sử học, về khoa học xã hội và nhân văn, không chỉ trong nước, mà nước ngoài, đều biết đến tên tuổi của Giáo sư Lê. Cho nên sau khi Giáo sư qua đời, có rất nhiều học giả từ Anh, Pháp, Hoa Kỳ, từ Nhật Bản, từ Hàn Quốc..., đã gọi điện tới chúng tôi và bày tỏ sự tiếc thương, thì đấy là về mặt con người khoa học."


"Nhưng tôi nghĩ rằng sự nghiệp của Giáo sư Phan Huy Lê để lại cũng rất đáng trân trọng đó là về đào tạo. Tức là Giáo sư Lê rất chú trọng đào tạo cán bộ trẻ. Cho nên, dưới sự hướng dẫn, dẫn dắt của Giáo sư Lê, thì để lại một thế hệ học trò khá đông đảo về đội ngũ và đặc biệt có trình độ tương đối cao về chất lượng, đấy là một đóng góp không nhỏ."


Giáo sư Phan Huy Lê để lại cũng rất đáng trân trọng đó là về đào tạo. Giáo sư rất chú trọng đào tạo cán bộ trẻ. Cho nên, dưới sự hướng dẫn, dẫn dắt của Giáo sư, để lại một thế hệ học trò khá đông đảo về đội ngũ và đặc biệt có trình độ tương đối cao về chất lượng, đấy là một đóng góp không nhỏGiáo sư Vũ Minh Giang


Từ góc nhìn của mình, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, người cũng là nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQG Hà Nội), đưa ra bình luận về di sản có ý nghĩa nhất của Giáo sư Phan Huy Lê:


"Tôi cho rằng di sản lớn nhất của Giáo sư Phan Huy Lê chính là Giáo sư là người đi đầu, người đã dẫn dắt gần như là toàn bộ sự phát triển của nền sử học Việt Nam trong quãng thời gian có thể cũng gần đến 60 năm.


image009

Bản quyền hình ảnh Báo Hà Tĩnh Image caption Báo Hà Tĩnh đưa tin về Giáo sư Phan Huy Lê từ trần.


"Ta nhớ rằng từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Giáo sư Phan Huy Lê lúc bấy giờ cũng rất nổi tiếng rồi và đã trở thành Chủ nhiệm Bộ môn, thay thế cho Giáo sư Đào Duy Anh, xây dựng được một bộ môn, một ngành học, cái cốt lõi ở Đại học Tổng hợp Hà Nội là Bộ môn 'Lịch sử Việt Nam - Cổ, trung đại'.


"Như vậy Lịch sử Việt Nam - Cổ, trung đại mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, về con người chứ không phải chỉ là một số sự kiện chính trị quân sự, phải nói lúc ấy là lịch sử đa ngành, đa lĩnh vực và phải nói rằng nhìn nhận lịch sử lúc đó, theo tôi, cũng phải có những cái đạt tới trình độ tương đối cao rồi."


Sau đó, trong giai đoạn cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang diễn ra, theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Giáo sư Lê còn có nhiều đóng góp xuất sắc trong hàng loạt lĩnh vực, trong đó có cả lịch sử quân sự, lịch sử chống ngoại xâm, nghệ thuật quân sự v.v... cho tới về sau này là các đóng góp trong một số ngành, bộ môn khoa học như Việt Nam Học, Đông Phương Học.


Tôi cho rằng di sản lớn nhất của Giáo sư Phan Huy Lê chính là Giáo sư là người đi đầu, người đã dẫn dắt gần như là toàn bộ sự phát triển của nền sử học Việt Nam trong quãng thời gian có thể cũng gần đến 60 năm. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc


"Sau thống nhất đất nước, các nghiên cứu của Giáo sư Phan Huy Lê mở rộng ra tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội về văn hóa, và lĩnh vực nào cũng đạt được những thành tựu rực rỡ và phải nói là đạt được ở tầm rất là cao."


'Ủng hộ cải cách'


image010

Bản quyền hình ảnh FB Le Doanh Image caption Chia sẻ của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước đây.


Trong dịp này, từ Việt Nam, nhiều nhà khoa học, các giới nghiên cứu ở trong nước, cũng như nhiều học trò thuộc các thế hệ khác nhau của Giáo sư Phan Huy Lê đều chia sẻ cảm tưởng của mình về nhà khoa học lịch sử vừa qua đời.


Trên trang Facebook cá nhân, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá cao 'tinh thần thẳng thắn', 'ủng hộ cải cách' của Giáo sư Lê, ông viết:


"Vô cùng thương tiếc Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Thành viên Viện IDS, người bạn thân thiết của gia đình tôi. Ông đã thay mặt Hội Khoa học Lịch sử đến dự và đọc diễn văn trong buổi lễ sinh nhật lần thứ 80 của bố tôi.


"Chúng tôi luôn quý trọng Ông về sự nhiệt tình tham gia vào những hoạt động của Viện IDS bày tỏ ý kiến thẳng thắn ủng hộ công cuộc cải cách. Cầu chúc Giáo sư yên nghỉ cõi vĩnh hằng."


Chúng tôi luôn quý trọng Ông về sự nhiệt tình tham gia vào những hoạt động của Viện IDS bày tỏ ý kiến thẳng thắn ủng hộ công cuộc cải cáchTiến sỹ Lê Đăng Doanh


Cũng trên trang mạng xã hội này, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách IDS (đã tự giải thể), viết:


"Anh Trần Việt Phương, Anh Phan Đình Diệu, nay đến Anh Phan Huy Lê lại xa chúng ta. Các thành viên IDS mong Anh yên nghỉ và chia buồn cùng gia đình."


Học trò tưởng nhớ


Một cựu học trò của Giáo sư Phan Huy Lê nay là Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQG Hà Nội), Giáo sư Phạm Hồng Tung, trên FB cá nhân chia sẻ:


"Ghi mãi ơn sâu những bậc Thầy nhân ái, dẫn dắt học trò không chỉ bằng trí tuệ quảng bác, uyên thâm mà bằng cả sự nghiêm cẩn nghề nghiệp và sự độ lượng của người cha..."


Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Khoa Đông phương học, ĐHQG Hà Nội, bày tỏ trên FB cá nhân:


image011

Bản quyền hình ảnh FB Thúy Hằng Nghiêm Image caption Chia sẻ của TS. Nghiêm Thúy Hằng, chuyên gia Trung Quốc học và nhà nghiên cứu Đông Phương học.


"Báo chí nói nhiều về Thầy Lê trên tư cách một nhà sử học. Những ngày này, khi thần thức của thày vẫn lẩn quẩn đâu đây trong cõi tạm, tôi muốn nhắc đến thày như một nhà Đông Phương học khai sáng mở đường, đưa trường phái Đông Phương học Việt Nam thành một thương hiệu học thuật trong nước, ngẩng cao đầu ra với quốc tế, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, ấm áp trong vòng tay bạn bè quốc tế."


Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cũng trên trang mạng xã hội này, chia sẻ:


"Vĩnh biệt Thầy Phan Huy Lê! Rất thương tiếc khi nhận được tin Thầy đã qua đời vào chiều nay 23.6.2018 tại Bệnh viện Bạch Mai.


"Tôi có một kỷ niệm nhỏ không bao giờ quên với Thầy. Khi tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học là thuộc về Bộ môn Lịch sử Cổ Trung đại Việt Nam, với tên: LÀNG PHÙ ĐỔNG, thầy chủ trì hội đồng chấm luận văn và cho tôi điểm 9.0. Nhưng sau đó, Thầy còn làm một việc khiến tôi không bao giờ có thể quên được trong hoàn cảnh khốn khó của mình.


Ghi mãi ơn sâu những bậc Thầy nhân ái, dẫn dắt học trò không chỉ bằng trí tuệ quảng bác, uyên thâm mà bằng cả sự nghiêm cẩn nghề nghiệp và sự độ lượng của người cha..Giáo sư Phạm Hồng Tung


"Thầy viết một lá thư giới thiệu tôi và một anh cùng lớp ra Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội như một sự bảo đảm, nhưng rồi anh cùng lớp được nhận, còn tôi bị loại vì lý do tôi là con ... ông Nguyễn Kiến Giang. Người quyết định không nhận tôi là một người cứng nhắc, giáo điều.


"Thế là tôi đã phải rẽ sang một ngả khác, không về Viện Sử học và không trực tiếp làm sử nữa. Thôi thì cũng có cái được. Nghĩa cử của Thầy tôi không bao giờ quên, bao giờ gặp tôi Thầy cũng hỏi: "Ba có khỏe không?", như hỏi thăm một người bạn.


"Vĩnh biệt Thầy, kính cầu Thầy tọa lạc nơi không còn phiền não! Em ở xa, chỉ có đôi dòng chia sẻ nỗi buồn cùng gia đình Thầy trên FB. Em kính chào Thầy, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê kính mến!," Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn viết trên Facebook cá nhân./


+++++++++++++++++++++++++++++++


Ts Nguyễn Nhã: "Khóc Phan Huy Lê"


KHÓC GS PHAN HUY LÊ


image012


Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học


Dòng dõi sử học Việt Nam


Từ Phan Huy Chú hàng trăm năm rồi


Dù cho vật đổi sao dời


 Huy Lê nối dõi tuyệt vời ông cha


Vẫn  trong lịch sử nước nhà


Thử “ Tìm Về Cội Nguồn”ra thế nào


Mới hay thật rõ ra sao


Bản thân nghiên cứu thế nào “Huy Lê”


Tập trung địa bạ ba chê


TChâu bản đến những gì đi sâu


Những gì Đất nước đang cầu


Đâu là sự thật còn đâu nên bàn


Đổi thay sử học Việt Nam


Chiến tranh Biên Giới, Việt Nam Cộng Hòa


Sử ta  mới sắp sửa ra


Sẽ mang dấu ấn của nhà “s gia”


Phan Huy Lê, một tượng đài


Còn đang dang dở, tiếc thay, quá buồn!


Phan Huy Lê mất, rất tiếc thương!


Học trò Anh sẽ kiên cường


Cùng Anh tiếp bước những chương sử vàng


Cuộc đời sử học hiên ngang


Dựng xây Tổ Quốc vẻ vang giống nòi


 Khóc Anh sống mãi với Đời


Hồn thiêng sông núi của người Việt Nam.


Việt Nam, ngày 23 tháng 6 năm 2018


Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học


 ( Nguyên Chủ  Nhiệm kiêm Chủ bút TẬP SAN SỬ ĐỊA)

11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7633)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8285)