‘Biển Đông trong lợi ích sống còn của Australia’

22 Tháng Ba 20186:10 CH(Xem: 7693)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ SÁU 23 MAR 2018


image001


‘Biển Đông trong lợi ích sống còn của Australia’


Tuần Vietnam Net 15/03/2018    


“Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích sống còn của Australia, bởi phần lớn các đối tác chủ chốt của quốc gia này đều giao thương với họ thông qua tuyến hàng hải.” – TS Trần Việt Thái nhận định.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm chính thức New Zealand và Australia, với điểm nhấn quan trọng là việc tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia (14 – 18/3).


Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, cho biết chuyến thăm lần này của Thủ tướng nằm trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm quan hệ đối tác ASEAN – Australia và nhân kỉ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam – Australia.


Thông qua chuyến đi, Việt Nam muốn gửi gắm thông điệp rằng Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, muốn thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN – Australia đi vào thực chất, đóng góp cho sự phát triển hoà bình ổn định của khu vực. Việt Nam mong muốn khu vực Biển Đông hoà bình ổn định và phát triển.


Ông Thái cũng nhận định, việc tổ chức Hội nghị cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia là một dấu mốc lớn, đánh dấu ASEAN là một tổ chức hướng ngoại, quan hệ bình đẳng với các đối tác, trong đó Australia là một đối tác quan trọng. Việt Nam với các nước trong khu vực cố gắng cùng phối hợp xử lí các thách thức và góp phần đưa quan hệ ASEAN – Australia ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả.Đồng thời, với tư cách song phương cũng như tư cách một thành viên của ASEAN, Việt Nam hoan nghênh Australia đã có những đóng góp tích cực cho hoà bình ổn định và sự phát triển của khu vực. Việt Nam mong muốn quan hệ Australia – ASEAN phát triển ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu thực chất, có lợi cho cả hai bên và mang lại lợi ích chung cho khu vực.


Có thể nói, lâu nay Australia rất quan tâm đến vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề an ninh an toàn hàng hải. Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích sống còn của Australia, bởi phần lớn các đối tác chủ chốt của nước này đều giao thương với họ thông qua tuyến hàng hải. Điều đó phản ánh phần nào sự quan tâm của nước này và lợi ích của Australia đối với các vấn đề trong an ninh an toàn hàng hải nói riêng và an ninh khu vực nói chung.


Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hồi tháng 11/2017, hai bên cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh mối quan tâm chung về việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải, hàng không, và việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), không sử dụng biện pháp đe dọa hoặc vũ lực.


Quan hệ song phương Việt Nam - Australia cũng đã có nhiều thành công trong năm vừa qua. Australia hiện là điểm đến của khoảng 22.000 du học sinh Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 đạt 6,46 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,3 tỷ USD. Tại cuộc hội đàm ở Đà Nẵng tháng 11/2017, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Australia đã thống nhất về bản thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. 


Cũng tại cuộc Hội đàm này, hai bên đều ghi nhận sự tiến triển trong quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại song phương, cam kết đẩy mạnh đầu tư trực tiếp và thương mại, và cùng hợp tác để đưa hai nền kinh tế hội nhập sâu vào kinh tế khu vực. Hai Thủ tướng cũng khuyến khích việc sớm bắt đầu các kỳ tham vấn cấp Bộ trưởng về vấn đề “Đối tác Kinh tế”, nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của hai nước trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển.


Ông Trần Việt Thái nhìn nhận, thời gian qua Việt Nam đã làm được một số việc gây tiếng vang lớn, như đăng cai tổ chức thành công APEC, tổ chức được nhiều sáng kiến đóng góp thực chất, cùng tham gia xây dựng và kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thành công, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi đã tác động mạnh đến các nước còn lại, làm phân hoá một số các đối tác.


Sự kiện tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên cập cảng Việt Nam sau chiến tranh không chỉ phản ánh hai nước đi vào quan hệ thực chất, có những đóng góp cho hoà bình và ổn định trong khu vực. Chưa kể, những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm qua được cộng đồng trong khu vực đánh giá rất tích cực.


Có thể nói, vai trò và vị thế của Việt Nam hiện nay với thế giới nói chung và ASEAN nói riêng đang được đánh giá cao, từ đó tạo tâm thế và lực phát triển tốt cho đất nước. Điều này cũng tạo đà cho quan hệ Việt Nam – Australia.


Lan Anh

11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7591)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8232)