ASEAN-Úc quan ngại Biển Đông / Vương Nghị thành ủy viên Quốc vụ viện

18 Tháng Ba 201811:08 CH(Xem: 7606)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ HAI  19 MAR 2018


ASEAN-Úc quan ngại Biển Đông / Vương Nghị thành ủy viên Quốc vụ viện


Reuters / Tú Anh 18-03-2018


BBC  18/3/2018

image003

 Họp báo kết thúc thượng đỉnh ASEAN-Úc tại Sydney. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, chủ tịch luân phiên ASEAN và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull


Vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, căng thẳng tại Biển Đông, nhu cầu hợp tác chống khủng bố và tình trạng sắc tộc Rohingya-Miến Điện bị áp bức là những mối quan tâm lớn được thảo luận tại thượng đỉnh Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á và Úc tại Sydney, theo bản thông cáo chung công bố ngày 18/03/2018.


Theo AFP, Úc và các nước láng giềng Đông Nam Á mong muốn tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, kinh tế và thương mại để đem lại phúc lợi cho dân chúng toàn khu vực trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng và nguy cơ khủng bố Hồi giáo.


Trong lãnh vực an ninh chung, các nước Đông Nam Á và Úc họp tại Sydney trong hai ngày 17 và 18/03/2018 lưu ý mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Thông cáo chung thượng đỉnh ASEAN-Úc kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân « đe dọa an ninh khu vực và thế giới ».


Tuy nhiên, mối bận tâm nhất của Úc và các quốc gia Đông Nam Á vẫn là tình hình Biển Đông và nguy cơ khủng bố Hồi giáo trong bối cảnh Daech mất địa bàn hoạt động tại Trung Đông. Lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh Sydney tuy không lên án đích danh Trung Quốc quân sự hóa khu vực tranh chấp, nhưng đã nhấn mạnh đến « nhu cầu duy trì và phát huy hoà bình, an ninh, tự do giao thông hàng không và hàng hải tại Biển Đông ».


ASEAN và Úc cũng « đồng ý » phối hợp nỗ lực đương đầu với các phong trào cuồng tín, cực đoan đe dọa Đông Nam Á mà cuộc khủng hoảng Rohingya là một trong những chất xúc tác được Malaysia nêu lên.


Tình trạng người Rohingya được thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh, thông cáo chung kêu gọi phải bảo vệ « quyền sống của các dân tộc thiểu số ». Theo thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã giãi bày « cặn kẽ » vấn đề và thượng đỉnh đã thảo luận « tích cực ». Tuy nhiên, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ASEAN, rất lo âu, nhưng không thể can thiệp vào chuyện của láng giềng.


Theo AFP, hồ sơ nhân quyền tại Miến Điện và một số nước ASEAN khác gây ra nhiều cuộc biểu tình, trong lúc diễn ra thượng đỉnh, với hàng ngàn người chống lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và thủ tướng Việt nam Nguyễn Xuân Phúc./


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


TQ: Vương Nghị thành ủy viên Quốc vụ viện


BBC 18/3/18

image005

Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Ông Vương Nghị, 64 tuổi, làm ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013


Ông Vương Nghị tiếp tục được bầu làm ngoại trưởng Trung Quốc và được đề bạt làm ủy viên Quốc vụ viện hôm 19/3, nghĩa là ông hiện nắm giữ hai vai trò ngoại giao hàng đầu của nước này, Reuters cho hay.


Các nguồn tin trước đó nói với hãng tin này rằng ông Vương nhiều khả năng thành ủy viên Quốc vụ viện nắm giữ nhiệm vụ đối ngoại và tiếp tục làm bộ trưởng.


'Lập trường cứng rắn'


Ông Vương được ví như "cáo bạc" trên truyền thông nhà nước Trung Quốc vì ngoại hình của ông và quan điểm kiên quyết bảo vệ vị thế của Trung Quốc, điều này giúp ông được tín nhiệm. Các nhà ngoại giao nước ngoài đánh giá rằng ông có thể vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.


Theo Reuters, ông Vương được tán thưởng ở Trung Quốc vì giữ lập trường cứng rắn về các vấn đề như tranh chấp Biển Đông và nhanh nhạy - dù đôi khi nổi nóng trước những lời chỉ trích Trung Quốc.


Ông Vương, 64 tuổi, làm ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013. Ông thông thạo tiếng Nhật và từng là đại sứ Trung Quốc tại Tokyo và là chủ tịch Văn phòng sự vụ Đài Loan.


Ủy viên Quốc vụ là vị trí nhiều quyền lực trong Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vị trí này chỉ thấp hơn phó thủ tướng và đứng trên các bộ trưởng.


Dù hiếm khi thấy, một người có thể cùng lúc là một bộ trưởng và ủy viên Quốc vụ viện.


image001

Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images Image caption Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc gặp ở Hà Nội tháng 11/2017


Từ Ottawa, Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh bình luận với BBC: "Quốc hội Trung Quốc vừa chuẩn thuận đề cử ông Vương Nghị tiếp tục giữ chức ngoại trưởng và tướng chỉ huy tên lửa Ngụy Phượng Hòa làm bộ trưởng Quốc phòng. Với sự bổ nhiệm này, Trung Quốc một lần nữa khẳng định họ sẵn sàng đối đầu với bất cứ lực lượng nào ở Biển Đông và chiến trường quân khu miền Nam Trung Quốc."


"Quốc gia nằm trong tầm ngắm đầu tiên của cặp đôi này không ai ngoài Việt Nam. Cả ông Vương và ông Ngụy đều là những nhân vật cứng rắn về hồ sơ Biển Đông. Họ sẵn sàng "mạnh tay", nếu có cơ hội. Việc cả hai được bổ nhiệm vào hai vị trí xung yếu của chính sách ngoại giao, quốc phòng thể hiện quyết tâm lớn của Chủ tịch Cập Cận Bình trong hồ sơ chiến lược Biển Đông."


"Trong cái nhìn chiến lược của Trung Quốc, họ hiểu rằng Mỹ có Việt Nam hay không có, không quan trọng đối với Mỹ nhưng nếu Trung Quốc để mất Việt Nam vào tay Mỹ thì Trung Quốc sẽ khó mà Nam tiến, kiểm soát được khu vực."


"Nếu quan hệ Trung-Mỹ tốt thì Việt Nam không có giá trị gì cả nhưng nếu quyền lợi Trung-Mỹ bất đồng, xung đột thì Trung Quốc phải bằng mọi giá khống chế được Việt Nam và đó chính là mấu chốt của vấn đề hiện nay."


TQ 'hài lòng về dự thảo đầu Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông'


Hồi tháng 8/2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại kỳ họp Bộ trưởng Ngoại giao Asean ở Manila.


Cả Bloomberg và báo South China Morning Post đều đưa tin này.


Ông Vương Nghị lẽ ra sẽ gặp ông Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp ngoại trưởng Asean, nhưng một nhà ngoại giao Trung Quốc nói cuộc gặp không diễn ra, theo báo South China Morning Post.


Trong khi đó báo Tuổi Trẻ cho biết hai bộ trưởng đã có một cuộc gặp "kéo qua một bên" và trao đổi quan điểm. Báo này cũng cho thấy hình ảnh ông Nghị và ông Minh bắt tay.


Trung Quốc được cho là phật lòng vì từ ngữ trong bản thông cáo chung của các bộ trưởng ngoại giao Asean. Thông cáo này bày tỏ quan ngại về bồi đắp lấn biển trên những hòn đảo có tranh chấp về chủ quyền, Bloomberg tường thuật.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Diễn đàn ASEAN có lợi cho Trung Quốc?


BBC 8 tháng 8 2017

image007

Bản quyền hình ảnh AFP/Getty images Image caption Hậu Diễn đàn ASEAN, Trung Quốc nắm lợi thế?


Các bộ trưởng Ngoại giao của Đông Nam Á và Trung Quốc đã thông qua khuôn khổ đàm phán cho một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một động thái mà họ đánh giá là tiến bộ nhưng các nhà phê bình cho là chiến thuật mua thời gian để Trung Quốc củng cố quyền lực trên biển, theo Reuters.


Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết việc thông qua khuôn khổ này đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay, nếu "tình hình ở Nam Hải (Biển Đông) nhìn chung ổn định và giả thuyết rằng không có sự can thiệp lớn từ bên ngoài".


Tờ Diplomat phân tích rằng dựa vào câu trả lời của ông Vương Nghị, có vẻ như Trung Quốc đã xem Diễn đàn Khu vực ASEAN năm nay là một phi vụ ngoại giao thành công.


Trả lời báo chí, ông Vương nhấn mạnh "thực sự chỉ có một hoặc hai bộ trưởng bày tỏ mối quan ngại".


Ông cũng chỉ ra rằng "Trung Quốc đã hoàn thành việc bồi đắp cách đây hai năm. Vì vậy, nếu có bất kỳ quốc gia nào tiến hành bồi đắp, chắc chắn không phải là Trung Quốc - có lẽ đó là chính quốc gia sẽ đưa ra vấn đề mới đang làm việc đó," ông nói thêm.


Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã thực hiện hoạt động bồi đắp ở hai khu vực trong vùng biển đang tranh chấp trong những năm gần đây, theo Reuters.


Trong khi đó Trung Quốc đã xây dựng bảy đảo nhân tạo trong vùng biển đang tranh chấp, ba trong số đó được trang bị đường băng, tên lửa đất-đối-không và radar.


Ngôn ngữ khuôn khổ bộ quy tắc 'bất đồng'


Thỏa thuận khung bộ quy tắc ứng xử chưa được công bố nhưng một bản kế hoạch hai trang mà Reuters có được cho thấy có nhiều bất đồng.


image009


Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (áo xanh) đã nỗ lực vận động các nước ASEAN thay đổi lập trường về Biển Đông và Trung Quốc


Tài liệu kêu gọi cam kết "các mục tiêu và nguyên tắc" của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng không nêu rõ về việc tuân thủ. .


Một văn kiện riêng của ASEAN, được ghi từ tháng Năm và Reuters thu thập cho thấy Việt Nam thúc đẩy ngôn ngữ mạnh mẽ, cụ thể hơn, đề cập tới cơ chế giải quyết tranh chấp và tôn trọng "chủ quyền, các quyền chủ quyền và thẩm quyền".


Quyền chủ quyền bao gồm các quyền được đánh bắt và khai thác tài nguyên thiên nhiên.


Một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines, cho biết họ vẫn ủng hộ việc ràng buộc pháp lý cho bộ quy tắc, tuy nhiên một số chuyên gia cho biết Trung Quốc không có vẻ sẽ đồng ý.


Theo Reuters, các nhà phê bình nói việc không xác định một mục tiêu ban đầu để bộ quy tắc có tính chất ràng buộc pháp lý và thi hành được hoặc có một cơ chế giải quyết tranh chấp, đã gây nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.


Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ yêu cầu 'ràng buộc pháp lý'


Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ kêu gọi Đông Nam Á và Trung Quốc có một bộ quy tắc có ràng buộc pháp lý và mạnh mẽ phản đối "hành động cưỡng chế đơn phương".


TQ ‘vững vàng giữ chủ quyền’ ở Biển Đông


Trung Quốc đồng thời cũng phản đối mạnh mẽ cái mà họ gọi là can thiệp của các nước ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông.


Trong một cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono Manila hôm 7/8, ông Vương kêu gọi Nhật Bản tôn trọng những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN và đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định khu vực.


"Đừng luôn gây rắc rối sau lưng các nước khác và gây ra những mâu thuẫn," Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương.


Trước đó, ông Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.


Các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc không đưa ra lý do gì về việc hủy cuộc họp. Trong khi đó báo Tuổi Trẻ cho biết hai bộ trưởng đã có một cuộc gặp "kéo qua một bên" và trao đổi quan điểm. Báo này cũng cho thấy hình ảnh ông Nghị và ông Minh bắt tay.


Trung Quốc đang thành công trong việc phân hóa Asean trong hồ sơ Biển Đông./