Nguyễn Phan Quế Mai viết về Tiểu thuyết gia Viet Thanh Nguyen

24 Tháng Mười Hai 20177:29 CH(Xem: 8545)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ  HAI  25  DEC  2017


Những câu chuyện không chỉ dành cho người Việt


Nguyễn Phan Quế Mai Gửi cho BBC


image011

Bản quyền hình ảnh vietnguyen.info Image caption Nhà văn Nguyễn Thanh Việt. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí Việt Nam do nhà báo Cam Ly thực hiện và được in trong nước gần đây, nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen, giải thưởng Pulitzer năm 2016) đã nói:


"Tôi đến Mỹ với tư cách là người tị nạn năm 4 tuổi. Ký ức của tôi bắt đầu từ lúc bị tách ra khỏi gia đình để 'nhập gia' với gia đình đỡ đầu là những người da trắng. Tôi lớn lên cùng với người Mỹ thuộc mọi nguồn gốc, và giữa những người tị nạn Việt Nam buồn bã."


Có lẽ nỗi buồn từ thời thơ ấu đã thấm đẫm vào từng trang văn của Nguyễn Thanh Việt, để giờ đây, cầm trên tay tập truyện ngắn The Refugees (tạm dịch Những người tị nạn), lòng tôi cũng nặng trĩu nỗi buồn. Buồn vì chiến tranh đã lùi xa bốn mươi hai năm nhưng những vết thương của nó vẫn còn rỉ máu. Buồn vì sự chia cắt trong lòng chính những người Việt với nhau vẫn còn sâu hoắm. Buồn vì những xung đột trên khắp thế giới vẫn đang biến hàng triệu người thành những người tị nạn, đẩy họ khỏi quê hương bản xứ, để rồi họ phải lang thang vào tương lai mờ mịt nơi xứ người.


Mở quyển sách, truyện ngắn đầu tiên Black-Eyed Women (tạm dịch Những người phụ nữ mắt đen) như một con thuyền đưa tôi trôi ngược về quá khứ. Bấp bênh trên những ngọn sóng hiện tại đan cài vào dĩ vãng, trên con thuyền ấy là một người mẹ và hai người con. Trong khi người con gái đang sống cùng người mẹ tại Mỹ, người con trai là một hồn ma - anh đã chết trong chuyến vượt biển của cả gia đình. Nỗi đau ký ức dai dẳng đến nỗi dù đã qua đời, anh vẫn hiện về bên mẹ và em gái trong bộ quần áo ướt lướt thướt. Và qua cuộc trò chuyện giữa hai anh em, tôi nhận ra sự thật khủng khiếp đằng sau cái chết của người anh, sự sâu thẳm của tình ruột thịt, và lý do tại sao người mẹ và người em gái đang sống dật dờ như đã chết. Dù chỉ mô tả thoáng qua chuyến vượt biển của những người tị nạn Việt Nam, Black-Eyed Women đã ám ảnh tôi đến nỗi vào buổi đêm sau đó, tôi đã mơ thấy những hồn ma. Họ đã nhìn xoáy vào tôi câu hỏi: 'Tại sao?'


Tại sao chiến tranh lại xảy ra? Tại sao con người lại tiếp tục chia rẽ con người? Sự chia rẽ đó không chỉ tồn tại trong hoặc ngay sau cuộc chiến, mà hậu quả của nó còn kéo dài trong rất nhiều thập kỷ, như trong truyện ngắn I'd Love You to Want Me (tạm dịch Em muốn anh khao khát em). Trong truyện ngắn này, quá khứ - với những đường viền ảo mờ là chiến tranh và loạn lạc - có nguy cơ chia rẽ vợ và chồng. Bà Khanh - người phụ nữ phải hy sinh công việc mà bà yêu thích để có thể chăm sóc chồng - dần nhận ra rằng chồng bà đang nhầm lẫn bà với một người phụ nữ khác. Người phụ nữ đó là ai và có vai trò thế nào trong thời gian chồng bà còn sống ở Việt Nam? Liệu việc bà và chồng đã cùng sống sót chuyến hành trình vượt đại dương, đã cùng vượt qua những ngày đầu ở California - nơi họ đã phải ăn đồ ăn mua bằng phiếu thực phẩm, mặc quần áo cũ do người khác bố thí - có đủ níu họ lại với nhau?


Với một bút pháp tài tình đan xen hiện tại và quá khứ, Nguyễn Thanh Việt khiến người đọc phải nhập thân vào những người tị nạn, bất kể họ là nam hay nữ, trẻ hay già. Một trong những người tị nạn đó là Liêm, một chàng trai mười tám tuổi đã chạy thoát khỏi những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, chuyến hành trình khốc liệt đến nỗi khi đã đến trại tị nạn, 'khi nằm trên giường và lắng nghe những đứa trẻ chơi nhắm mắt chạy trốn ở lối đi giữa những chiếc lều, anh cố gắng quên đi những người đã bám vào không khí khi rơi xuống sông, một số người bị đánh ngã trong sự hỗn loạn, một số bị những người lính đang tuyệt vọng tìm đường tháo chạy bắn vào lưng '. Đến được San Francisco, tưởng như cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Nhưng Liêm đã phải tiếp tục đối diện với quá khứ bằng việc phải trả lời những câu hỏi, làm việc ở quán rượu, và sống cùng với người bảo trợ của anh - một người đồng tính. Từng sởn gai ốc khi bị những người đàn ông khác vô tình hoặc cố ý chạm vào người, liệu Liêm sẽ bị người khác giới tính cám dỗ? Hoặc chính anh sẽ là người cám dỗ?


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Chiến tranh Việt Nam vẫn để lại những hậu quả


Trong số tám truyện ngắn hợp thành The Refugees, có lẽ War Years (tạm dịch Những năm chiến tranh) gần gũi với những trải nghiệm thời thơ ấu của nhà văn Nguyễn Thanh Việt nhất. Nhân vật chính trong truyện là một cậu bé có cha mẹ là chủ cửa hàng tạp hoá New Saigon Market (Sài Gòn Mới), giống như cha mẹ của Nguyễn Thanh Việt. Xoay quanh những hoạt động tại cửa hàng, sự quan sát trẻ thơ của cậu bé khiến mùi thơm gia vị, tiếng người lao xao trả giá và cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại San Jose hiện lên sinh động trên những trang sách. Trung tâm của câu chuyện ban đầu là cha mẹ cậu bé: những người tần tảo kiếm sống, thắt lưng buộc bụng lo cho con ăn học, tiết kiệm, và giúp đỡ họ hàng còn lại ở quê nhà. Và giữa cuộc sống tưởng như thanh bình đó, hiện lên một nhân vật đanh đá và sắc sảo - bà Hoa. Bà đang dốc sức vận động quyên góp tài trợ cho một nhóm du kích đang hoạt động tại Thái Lan. Mẹ cậu bé có nhiều lý do để từ chối ủng hộ cuộc vận động ấy, nhưng vì lo sợ công việc kinh doanh sẽ bị cộng đồng người Việt tẩy chay, quyết định đối diện với bà Hoa. Cậu bé đi cùng mẹ, để rồi cậu - người đã ngây thơ tưởng tượng "du kích là những người không cạo râu ria, bị muỗi cắn đầy mình, tóc bết lại, mệt mỏi trong những thứ quần áo rằn ri tơi tả, sống nhờ nước mưa, lợn rừng và rệp rừng, rèn kỹ năng đánh giáp lá cà bằng việc đâm lưỡi lê qua những quả mít" sẽ khám phá ra điều gì về cuộc chiến tranh mà cậu chưa từng trải nghiệm, khi cùng mẹ xộc vào nhà bà Hoa mà không hề báo trước?


Là một nhà văn tài năng có khả năng dẫn dắt người đọc vào những thế giới khác nhau của sự tưởng tượng, Nguyễn Thanh Việt hoàn toàn có thể viết về các chủ đề khác. Nhưng không. Trong ba quyển sách mà anh đã liên tục xuất bản trong thời gian gần đây, The Sympathizer (Cảm tình viên), The Refugees (Những người tị nạn), và Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memories of War (Không có gì chết đi, Việt Nam và những ký ức chiến tranh), anh đã tạo dựng nên những thế giới đa chiều xoay quanh một trục chính: chiến tranh Việt Nam và những câu chuyện về người Việt, dù họ ở trong nước hay ở nước ngoài. Cũng trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Cam Ly, Nguyễn Thanh Việt đã nói: '…Các tác phẩm của tôi, mặc dù chủ yếu nói về người Việt và cuộc chiến tranh Việt Nam, nói cho cùng là để hướng tới những chủ đề to lớn hơn - chiến tranh và ký ức, quyền lực và lạm dụng quyền lực, loại trừ và dung nạp, bất công và đấu tranh giành lại công lý. Lịch sử của bản thân tôi - với tư cách là người tị nạn mà cả hai đất nước đều không muốn đón nhận - đã khiến tôi trở thành một người viết luôn ngờ vực chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, và những tác phẩm viết ra không vì mục đích tạo nên sự thay đổi.'


Anh đã tạo dựng nên những thế giới đa chiều xoay quanh một trục chính: chiến tranh Việt Nam và những câu chuyện về người Việt, dù họ ở trong nước hay ở nước ngoài.


Khi đọc các câu chuyện trong The Refugees, người ta không thể không nhận ra sự thay đổi của từng nhân vật khi họ trải qua hành trình mà những người tị nạn buộc phải trải qua. Truyện ngắn The Americans (Những người Mỹ) được kể dưới con mắt của một cựu phi công - người đã từng điều khiển máy bay B-52 và ném bom xuống Việt Nam. Chưa từng đặt chân lên dải đất hình chữ S, ông đã chỉ nhìn dải đất đó từ độ cao hơn mười hai nghìn mét. Và ở trong buồng lái chật chội, trên con chim sắt khổng lồ mang trên mình ba mươi tấn bom, ông đã bay lên và cảm thấy mình tự do hơn tất cả. Ông tin rằng mình phải tấn công kẻ thù từ trên cao, để cứu mạng những người lính Mỹ trên mặt đất. Dường như ông chưa bao giờ có mặc cảm tội lỗi về hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn mạng người vô tội đã bị ông giết chết, ngoại trừ việc ông gặp ác mộng khi ngủ. Nhưng rồi khi vợ và con ông thuyết phục ông đến thăm Việt Nam, ông nhận thấy đất nước này nghèo hơn với những gì ông tưởng tượng. Và ông đã phải đối diện với hậu quả của chiến tranh, qua những bộ phận thân thể bị mất đi của những người thanh niên mà ông giáp mặt. Chưa từng hài lòng về con gái, giờ đây ông sẽ làm gì khi con ông muốn ở lại Việt Nam để chuộc tội thay cho cha mình? Có thể nói, với truyện ngắn này, Nguyễn Thanh Việt đã mở rộng định nghĩa về người tị nạn. Tị nạn để trốn chạy khỏi ký ức, khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi nỗi đau, khỏi sự day dứt của quá khứ.


Di sản mà những người tị nạn chiến tranh thừa hưởng từ cha mẹ mình thường bao gồm sự nghèo đói, hoặc sự bơ vơ lạc lõng trên đất khách quê người. Thay bằng việc mô tả những di sản thường gặp đó, Nguyễn Thanh Việt đảm nhiệm một công việc khó khăn hơn. Ngòi bút của anh bám rễ vào thế giới nội tâm của những người tị nạn để cất lên tiếng nói về di chứng tâm lý hậu chiến tranh. Trong truyện ngắn Someone Else Besides You (tạm dịch Một người khác ngoài bạn), người cha - người đã từng nhảy ra khỏi máy bay và chỉ huy một tiểu đoàn lính nhảy dù - sau bao năm vẫn dựng những đứa con trai dậy vào sáng sớm, bắt chúng tập luyện những bài tập thể hình. Để rồi sự chấn thương tâm lý của ông đã được người con trai thừa kế: anh dễ dàng bật khóc, suy sụp vì không thể cứu vãn cuộc hôn nhân với người vợ của mình.


Dẫu mang quốc tịch Mỹ, Nguyễn Thanh Việt đã luôn gắn bó với Việt Nam bằng sự trở về. Anh đã trở về bằng các chuyến đi, bằng ngòi bút, và bằng cả việc luôn tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam trong nước. Anh đã trải lòng: '…tôi cố gắng đọc được càng nhiều sách càng tốt, qua các bản dịch. Dĩ nhiên những tác phẩm mà tôi được đọc giúp tôi cảm nhận thế nào là người Việt Nam - với tất cả sự đa dạng và những mâu thuẫn trong đó. Tôi cũng coi các tác phẩm của người Mỹ gốc Việt là một phần của nền văn chương và học thuật Mỹ và Việt Nam, và tôi hy vọng độc giả Việt Nam cũng nhìn nhận như thế. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một phần của cộng đồng người Việt - ta không thể đơn giản hóa cộng đồng này chỉ bằng một định nghĩa duy nhất thế nào là người Việt Nam được. Đó chính là lý do chúng ta nên hướng tới sự đa dạng của các tác phẩm, để tránh rơi vào cách nhìn nhận sơ sài về bản sắc, dân tộc, và văn hóa.'


Với tập truyện ngắn này, có thể nói Nguyễn Thanh Việt đang tiếp thêm cho những người tị nạn sức mạnh của hy vọng.


Trên con thuyền mang tên The Refugees, các nhân vật của Nguyễn Thanh Việt cũng trở về Việt Nam, qua các chuyến đi thực tế hoặc trong ký ức. Cuộc trở về được mô tả cặn kẽ nhất trong quyển sách là chuyến đi của Vivien, một người được sinh ra ở Việt Nam nhưng đã rời khỏi quê cha đất tổ cùng mẹ và hai em trên một chiếc thuyền. Sẽ dễ dàng hơn nếu Nguyễn Thanh Việt mô tả cuộc trở về đó qua chính đôi mắt của anh - một người Mỹ gốc Việt. Nhưng không, anh đã vào vai của Phương - một cô gái, người em cùng cha khác mẹ với Vivien. Tốt nghiệp ngành sinh học và không tìm được việc làm, Phương đành phải khom người làm công việc bồi bàn tại nhà hàng Nam Kha trên đường Đồng Khởi. Cô đã đón chào Vivien bằng sự vui mừng khấp khởi thường thấy của những người Việt trong nước khi có người thân từ nước ngoài trở về. Nhưng rồi, Phương đã dần bóc tách được vỏ bọc cuộc sống dường như thành công mỹ mãn của chị cô, để chạm tới một bí mật sâu thẳm. Bí mật đó đã dẫn đến một hành động hết sức bất ngờ của Phương, và khi tro tàn của điều cô làm bay lên, cô chợt nhận ra rằng bầu trời Sài Gòn trong vắt và đẹp xiết bao.


Ở trang đầu tiên của The Refugees, Nguyễn Thanh Việt đã đề tặng tác phẩm cho những người tị nạn ở khắp mọi nơi. Với tập truyện ngắn này, có thể nói Nguyễn Thanh Việt đang tiếp thêm cho những người tị nạn sức mạnh của hy vọng. Đó là hy vọng của về mối quan hệ tốt hơn với các thành viên trong gia đình, về sự khởi nguồn của cuộc sống mới, về sự đồng cảm của cộng đồng và về những giây phút bình yên.


Vốn yêu thích The Sympathizer, tôi ngạc nhiên khi The Refugees không mang dáng dấp hoặc bị ảnh hưởng chút nào bởi giọng văn hài hước, mỉa mai và cay đắng vốn hiện hữu trong The Sympathizer. Vừa trĩu nặng nỗi buồn nhưng cũng vừa lấp lánh vẻ đẹp của tình nhân ái và sự hy vọng, The Refugees vừa mới ra mắt vào tháng hai năm nay nhưng đang được bạn đọc khắp thế giới nhiệt liệt đón nhận. Quyển sách đã được các tờ báo hàng đầu như Guardian, New York Times, Washington Post đánh giá cao. Dù viết về người Việt, những câu chuyện của Nguyễn Thanh Việt không chỉ dành cho người Việt. Anh là một trong những tác giả hiếm hoi được vinh danh với các giải thưởng văn học uy tín, ở cả thể loại hư cấu và phi hư cấu .


Với The Refugees, Nguyễn Thanh Việt tiếp tục khẳng định anh không phải là một ngọn gió thoảng qua trên diễn đàn văn học thế giới, mà là một tác nhân thay đổi diễn đàn văn học đó./( BBC 23/2/ 2017)


Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, hiện đang nghiên cứu tiến sĩ (đề tài hậu quả chiến tranh Việt Nam) với trường Đại học Lancaster và là tác giả của chín quyển sách thơ, hư cấu và phi hư cấu, bao gồm tập thơ song ngữ Việt Anh The Secret of Hoa Sen (Bí mật của hoa sen, NXB BOA Editions, New York).
11 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 7591)
06 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8232)