Ts Trần Công Trục: Cuộc điện thoại bất ngờ đến Trung Nam Hải

13 Tháng Hai 20176:03 CH(Xem: 9304)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  BA  14  FEB  2017


Cuộc điện thoại bất ngờ đến Trung Nam Hải


image015

Ts Trần Công Trục


11/02/17


 (GDVN) - Chiến thuật này của Donald Trump khiến người viết liên tưởng đến Gia Cát Lượng với "không thành kế": mở cửa thành, lên lầu gảy đàn đón đại quân của Tư Mã Ý.


South China Morning Post, Hồng Kông ngày 10/2 đưa tin, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết:


Trong một cuộc gọi từ Nhà Trắng đến Trung Nam Hải vào sáng thứ Sáu 10/2 không hề được báo trước, Tổng thống Donald Trump đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình: chính quyền mới của Mỹ sẽ tôn trọng chính sách "một nước Trung Quốc".


Nhà Trắng thì nói với báo giới, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm rất thân mật và cởi mở, ông Donald Trump đồng ý tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc" theo đề nghị của ông Tập Cận Bình.


Cuộc điện đàm đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan hệ Trung - Mỹ vốn được cho là đang trong thời kỳ không chắc chắn kể từ khi tỉ phú Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.


Hai ông ngỏ lời mời nhau sang thăm chính thức nước mình, nhất trí duy trì thông tin liên lạc gần gũi, theo CCTV [1].


image016Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Free Malaysia Today.


Donald Trump đã khiến Trung Nam Hải bất an kể từ khi điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sau khi đắc cử.


Cuộc điện thoại bất ngờ


Financial Times ngày 10/2 cho biết, cuộc điện đàm diễn ra vào đêm thứ Năm giờ Washington, một ngày trước khi ông Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng.


Quyết định nói chuyện điện thoại với ông Tập Cận Bình vào đếm trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật được lên kế hoạch để giảm những hiệu ứng tiêu cực từ các hoạt động đón tiếp long trọng nhà lãnh đạo Nhật Bản.


Ông Shinzo Abe sẽ có 4 bữa tối ăn chung với Tổng thống Trump, ngồi chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ đến khu nghỉ dưỡng của Trump ở Florida và chơi golf với chủ nhân Nhà Trắng.


Dennis Wilder, một cựu chuyên gia phân tích hàng đầu về Trung Quốc của CIA cho biết: Người Trung Quốc đã tìm cách được trấn an rằng, Tổng thống Donald Trump không có ý định lật đổ nguyên tắc "một nước Trung Quốc".


Đó là nền tảng cho quan hệ Trung - Mỹ, cũng là nền tảng cho sự ổn định địa chiến lược ở Đông Bắc Á trong 4 thập kỷ qua.


Bằng cách tái khẳng định cam kết này, Tổng thống Trump sẽ đặt nền tảng cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Bắc Kinh trong các vấn đề nhạy cảm.


Cuộc điện thoại gọi sang Trung Nam Hải diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump họp với Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Nhà Trắng, hai người "biết rõ" về ông Tillerson cho biết, Ngoại trưởng Mỹ muốn Tổng thống quay trở lại chính sách "một nước Trung Quốc".


Evan Medeiros, một cựu cố vấn hàng đầu của ông Barack Obama về châu Á nhận định:


Đó là một động thái khôn ngoan, đặt nền tảng để ông Trump và ông Tập Cận Bình giải quyết những thách thức trong chương trình nghị sự Trung - Mỹ.


Nó báo hiệu cho Trung Quốc thấy, Trump sẵn sàng tiếp thu. Bây giờ phần còn lại của châu Á sẽ đặt câu hỏi, Trump sẽ đối phó với  Trung Quốc như thế nào về thương mại, vấn đề Biển Đông và Bắc Triều Tiên.


image017Cánh cửa Trung Nam Hải, ảnh minh họa: cfr.org


Cuộc điện thoại bất ngờ từ Nhà Trắng là một chuyển động lớn trong mối quan hệ này, giúp 2 siêu cường quản lý những vấn đề nhạy cảm.


Paul Haenle, một cựu chuyên gia về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh quốc gia qua hai đời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama bình luận: 


Ông Trump gọi điện cho ông Bình là quyết định đúng đắn, không phải vì đó là điều Trung Quốc mong muốn, mà giữ nguyên tắc "một nước Trung Quốc" cũng là giữ gìn lợi ích của Hoa Kỳ. [2]


"Con bài" Đài Loan và "nghệ thuật" đàm phán


The New York Times ngày 9/2 (giờ Washington) cho biết, các quan chức tiết lộ, ông Tập Cận Bình chỉ đồng ý có một cuộc gọi khi ông Donald Trump công khai cam kết tuân thủ chính sách "một nước Trung Quốc".


Truyền thông Trung Quốc cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết và tính cấp bách của việc tăng cường hợp tác Trung - Mỹ.


Bắc Kinh muốn làm việc với Washington về một loạt vấn đề, bao gồm kinh tế - thương mại, khoa học, năng lượng, thông tin liên lạc và ổn định toàn cầu.


The New York Times lưu ý, thời điểm diễn ra cuộc điện đàm có ý nghĩa khi ông Trump chuẩn bị đón Thủ tướng Nhật Bản. Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật, ông Shinzo Abe sẽ nhắc lại yêu cầu Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ nhóm đảo Senkaku / Điếu Ngư nếu xung đột nổ ra.


Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã có cuộc họp với các quan chức Nhà Trắng.


Cựu CEO ExxonMobile đặc biệt bác bỏ ý tưởng, phát biểu của Trump trước đó: Đài Loan có thể là con bài mặc cả trong đàm phán với Trung Quốc về thương mại, an ninh và các vấn đề khác.


Để đặt nền móng tốt hơn cho quan hệ Trung - Mỹ sau những lo ngại và sự không chắc chắn, Trump đã phái Cố vấn An ninh quốc gia Michael T. Flynn và cấp phó KT McFarland trao tận tay lá thư của ông gửi Chủ tịch Tập Cận Bình cho Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải. [3]

Truyền thông Hoa Kỳ nhanh chóng truyền tin và xôn xao bình luận về “cú điện thoại bất ngờ” này có lẽ đã phản ánh tâm trạng lo lắng về quan hệ Mỹ -Trung có vẻ xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump bươc vào Nhà Trắng, đặc biệt là sau cú điện đàm với bà Thái Anh Văn hôm 2/12/2016. 


Cá nhân người viết cho rằng việc ngài tỉ phủ Donald Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn hôm 2/12/2016, tiếp đến tuyên bố về khả năng xem lại chính sách "một Trung Quốc" trên Fox News hôm Chủ nhật 11/12/2016, bây giờ lại cam kết chính quyền mới của Mỹ sẽ tôn trọng chính sách "một nước Trung Quốc" không phải đơn giản chỉ là chuyện ngẫu nhiên.


Có thể thấy rõ đây là một động thái được “cân đo, đong đếm” rất cẩn thận của một tỷ phú dày dạn kinh nghiệm thương trường trước tình huống đối thủ vốn sành sỏi trong nghệ thuật đàm phán, buôn bán ở phương Đông.


Trung Quốc đã cảm thấy luống cuống, lo ngại, thậm chí bất an trước những tuyên bố bất ngờ, xen giữa những ngày im lặng khó hiểu của tân chủ nhân Nhà Trắng suốt thời gian qua. Khi đối thủ bị đẩy đến gần giới hạn của sự bất an, Trump bất ngờ gửi thư, gọi điện.


image018


Và như vậy có thể thấy cú điện thoại "không báo trước" với Trung Nam Hải là để tối đa hóa hiệu quả nước cờ ra giá trước đàm phán của Donald Trump: 


Nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang lấn lướt lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, liều lĩnh vượt "giới hạn đỏ" mà Washington đã nói trước, Trump cũng có thể lật ngược tất cả những "nền tảng" của quan hệ Trung - Mỹ. 


Chiến thuật này của Donald Trump khiến người viết liên tưởng đến Gia Cát Lượng với "không thành kế": mở cửa thành, lên lầu gảy đàn đón đại quân của Tư Mã Ý, trong khi thành không, nhà trống.


Chỉ bằng thuật tâm lý chiến mà Khổng Minh đã lui được đại quân của Tư Mã Ý trong tình thế hiểm nghèo, ngàn cân treo sợi tóc. Bản thân Khổng Minh sau đó cũng phải phải toát mồ hôi lẩm bẩm: "Hiểm kế, hiểm kế" khi Tư Mã Ý rút quân.


Người Trung Quốc vốn nổi tiếng với tài buôn bán, mặc cả từ xưa. Từ các mặt hàng thương mại cho đến lĩnh vực đàm phán chính trị, ngoại giao, buôn vua, bán chúa, người Trung Quốc đều đã từng làm.


Hét giá thật cao để đối phương mặc cả là điều thường thấy.


Chiến thuật này đã được vị Tổng thống - doanh nhân Donald Trump vận dụng triệt để với chính người Trung Quốc qua cuộc điện đàm "không báo trước" đến Trung Nam Hải sáng qua.


Điều này cho thấy quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn tiếp tục xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa thỏa hiệp. 


Cả hai đều không muốn trực tiếp đối đầu xung đột, chiến tranh, chí ít là vào thời điểm hiện nay, khi mà cả hai đều đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại.


Người thì cần có thêm thời gian để củng cố, giữ vững chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang bị chao đảo bởi những cuộc biểu tình của dân chúng dưới sự dẫn dắt của phe đối lập và sự chống đối công khai của hệ thống tư pháp.


Kẻ thì đang tìm cách củng cố quyền lực, duy trì uy tín vả vị trí lãnh đạo tối cao trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp diễn ra. 


Ai cao mưu hơn, người đó sẽ dẫn dắt cuộc chơi.


Hy vọng rằng, cú điện thoại bất ngờ từ Tòa Bạch Ốc đến Trung Nam Hải sẽ khiến hai nước xích lại gần nhau hơn, cạnh tranh một cách văn minh và lành mạnh, ngăn ngừa những động thái phiêu lưu tranh giành ngôi bá chủ, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2069798/trump-reaffirms-one-china-policy-surprise-phone-call-xi


[2]https://www.ft.com/content/40825e36-ef3f-11e6-930f-061b01e23655


[3]https://www.nytimes.com/2017/02/09/world/asia/donald-trump-china-xi-jinping-letter.html


Ts Trần Công Trục
06 Tháng Sáu 2019(Xem: 8015)
Sử gia George Dutton tìm lại các nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân.
19 Tháng Năm 2019(Xem: 7821)
26 Tháng Ba 2019(Xem: 10347)