Ts Trần Công Trục trả lời bài viết của Ts Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine)

31 Tháng Bảy 20165:27 CH(Xem: 9710)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 01  AUGUST 2016


Ts Trần Công Trục trả lời bài trả lời phỏng vấn viết của Ts Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine)


Việt Nam nên hy sinh chuyện nhỏ để được chuyện lớn?


Ts Trần Công Trục


27/07/16


 (GDVN) - Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc không bao giờ được phép xem là chuyện nhỏ.


LTS: Ngày 25/7 Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ đã có bài trả lời phỏng vấn đáng chú ý xoay quanh vấn đề Biển Đông và Phán quyết Trọng tài vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc hôm 12/7 trên đài RFI tiếng Việt.


Tiến sĩ Trần Công Trục gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về những vấn đề được Giáo sư Ngô Vĩnh Long đặt ra, ngõ hầu làm sáng rõ những khía cạnh pháp lý và học thuật từ Phán quyết Trọng tài, qua đó làm rõ tác động ảnh hưởng của nó tới Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.


Bài trả lời phỏng vấn đài RFI tiếng Việt của Giáo sư Ngô Vĩnh Long hôm 25/7 cho thấy không chỉ là sự quan tâm, nỗi niềm đau đáu của những người con đất Việt dù trong hay ngoài nước, đối với những vấn đề lớn lao liên quan đến tiền đồ của quốc gia, dân tộc, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của một nhà trí thức người Việt ở nước ngoài với quê hương.


Những băn khoăn trăn trở và những vấn đề Giáo sư Ngô Vĩnh Long đặt ra cũng giống như nhiều học giả khác mà tôi đã có lần đề cập, ví dụ như Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông viết trên BBC tiếng Việt ngày 19/7.


Thiết nghĩ đây là một điều đáng mừng. Nó cho thấy những nhà nghiên cứu Việt Nam dù trong hay ngoài nước, dù có những suy nghĩ khác nhau và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung một mục đích bảo vệ giang sơn này, tổ quốc này, dân tộc này.


image052

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp


Đó cũng là lý do và động lực để cá nhân tôi có đôi lời chia sẻ và phân tích những vấn đề được Giáo sư Ngô Vĩnh Long đặt ra trong bài trả lời phỏng vấn trên RFI ngày 25/7.


Hy vọng bài viết này thêm một tiếng nói làm rõ vấn đề dưới góc độ pháp lý, khoa học, cùng với các nhà nghiên cứu khác chung tay làm rõ và bảo vệ chân lý, công lý cũng như quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc chúng ta.


Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982


Sở dĩ phải đặt lại vấn đề này là vì, cá nhân tôi nhận thấy dường như trong bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long của đài RFI tiếng Việt vẫn có những nhầm lẫn giữa hai loại tranh chấp này, cơ chế giải quyết chúng.


Từ đó dẫn đến những đánh giá chưa chính xác về khía cạnh pháp lý của Phán quyết Trọng tài cũng như tác động, ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam, tiếp đến là giải pháp cho đất nước chúng ta.


RFI tiếng Việt dẫn nhập vào câu chuyện rằng: 


"Đối với Việt Nam, một nước cũng có yêu sách chủ quyền rất rộng tại Biển Đông, trên cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa, phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye được cho là có tác dụng phản bác một số tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với rất nhiều thực thể địa lý tại Trường Sa, nhưng lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines hoặc Malaysia, hay là trong các vùng biển quốc tế."


Xin được nhắc lại rằng, Philippines kiện Trung Quốc về ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông với tư cách là 2 nước thành viên Công ước, theo quy định của Phụ lục VII, UNCLOS 1982. 


Phán quyết về thẩm quyền của Tòa Trọng tài ngày 29/10/2015 cũng như Phán quyết chính thức của Tòa Trọng tài về nội dung thực chất của vụ kiện ngày 12/7/2016 đều khẳng định rất rõ:


Tòa không có thẩm quyền xem xét, giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Tòa không giải quyết tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ.


Trong khi đó, lý do chủ yếu Trung Quốc viện dẫn đề từ chối tham gia vụ kiện, từ chối thừa nhận và tuân thủ Phán quyết Trọng tài là "bản chất vụ kiện là tranh chấp lãnh thổ và phân định biển".


2 bản Phán quyết ngày 29/10/2015 và 12/7/2016 đã bác bỏ rất thuyết phục lập luận này của Trung Quốc.


Chúng ta với tư cách là người Việt Nam, một nước thành viên Công ước, chịu tác động chi phối và hưởng nhiều lợi ích từ Phán quyết Trọng tài liên quan đến việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông giờ này vẫn còn nhầm lẫn bản chất vụ kiện và hiểu lầm phán quyết của Tòa Trọng tài thì có thể xem đó là một "thành công" của Trung Quốc với thủ đoạn tuyên truyền cả vú lấp miệng em của họ.


Không thể tùy tiện thay đổi tuyên bố về chủ quyền quốc gia với Hoàng Sa, Trường Sa


Cũng trong phần đề dẫn, RFI tiếng Việt cho rằng: 


"Một số kết luận trong phán quyết của Tòa La Haye được cho là có thể bất lợi cho Việt Nam. Trước hết là việc định chế trọng tài này không công nhận chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, nhất là tại những vùng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines."


image054

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, ảnh: VOV


Còn Giáo sư Ngô Vĩnh Long được RFI tiếng Việt dẫn lời cho biết:


“Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là ý kiến của ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới, trong bài đăng trên báo Giáo Dục Việt Nam ngày 14 tháng Bảy năm 2016, khi ông viết như sau:


“Để không bị lạc vào “mê hồn trận chủ quyền lịch sử” theo bài binh bố trận của Trung Quốc, tôi xin nhắc lại rằng quan điểm pháp lý của Việt Nam về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là:


Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng.


Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.”


Tôi nghĩ, nếu những phát biểu tôi vừa trích ở trên phản ánh chính sách của hiện nay, thì tôi nghĩ Việt Nam không rụt rè mà cố hữu, có thể vì vẫn muốn tiếp tục nắm giữ những hòn đá và bãi ngầm (rocks and reefs) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay của Malaysia."


Cá nhân tôi không hiểu RFI tiếng Việt nói, Phán quyết Trọng tài không công nhận yêu sách "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông "có thể bất lợi cho Việt Nam" là bất lợi ở điểm nào?


Còn sự ngạc nhiên của Giáo sư Ngô Vĩnh Long với ý kiến tôi phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về lập trường chính thức của Nhà nước Việt Nam về chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo tôi hiểu qua những gì Giáo sư Long phân tích, phải chăng bản chất sự ngạc nhiên ấy là phạm vi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?


Cụ thể, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng "việc đòi chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa là một bất lợi lớn cho Việt Nam". Theo ông:


"Một điểm nữa có thể cho là bất lợi là có khoảng 20 bãi ngầm (reefs) hoặc bãi đá nổi trong vùng biển quốc tế, mà tôi nghĩ Việt Nam khó có thể đòi chủ quyền được.


Đối với tôi, bất lợi cho Việt Nam là cố đòi chủ quyền đối với các thực thể này vì việc này mất nhiều công sức và có thể gây căng thẳng không đáng có với Philippines và Malaysia."


Bản chất câu chuyện ở đây là phạm vi 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến đâu. Điều này cũng đã được Tiến sĩ Dương Danh Huy mổ xẻ không dưới một lần, và tôi đã có bài trao đổi lại.


Ở đây tôi xin nhắc lại 2 điểm: Một là Phán quyết Trọng tài không giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nên mặc nhiên không ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.


Hai là, về các thực thể là những bãi cạn lúc chìm lúc nổi, những rặng san hô ngầm ở Trường Sa thuộc về thềm lục địa của Philippines, Malaysia, Brunei hay nằm trong "quần đảo Trường Sa" là câu chuyện khác mà sau này chúng ta sẽ đàm phán sau với tất cả các bên liên quan.


Các thực thể này thuộc về thềm lục địa 3 nước trên hay nằm trong quần đảo Trường Sa với tư cách "thực thể phụ thuộc" các đảo ở Trường Sa là vấn đề của khoa học địa chất, địa mạo và pháp lý.


image055

Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer. Nguồn: webcitation.org.


Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba (Ba Bình), nhóm hai đảo (Song Tử Đông, Song Tư Tây), Loại Ta, Thị Tứ và các đảo phụ thuộc các đảo này vào tỉnh Bà Rịa (Bulletin Administratif de Cochinchine, số 1, 1934).


Trong đàm phán với các bên liên quan sau này chúng ta sẽ phải làm rõ khái niệm "các đảo phụ thuộc" ở đây là các thực thể nào, căn cứ vào đâu?


Và xin lưu ý rằng, Nghị định này ra đời năm 1933, trước UNCLOS 1982 rất lâu, nên có thể khái niệm “đảo” trong “các đảo phụ thuộc” mà Nghị định đề cập khác với khái niệm “đảo” trong UNCLOS 1982.


Lúc đó trên cơ sở thượng tôn pháp luật, khách quan, cầu thị và thiện chí, nếu thực thể nào chúng ta không đủ bằng chứng để bảo vệ thì mới có thể đàm phán, giải quyết theo luật pháp và thực tiễn quốc tế.


Chưa làm rõ được điều này mà vội vàng nhân nhượng hay "chuyển giao" là vô nguyên tắc, có thể làm tổn hại quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam.


Nó chỉ làm dấy lên những tranh chấp mới chứ chưa chắc đã khiến mọi việc êm xuôi theo kiểu các nước nhỏ tự dàn xếp trước với nhau, sau đó cùng giải quyết với Trung Quốc như kiến nghị dưới đây của Giáo sư Ngô Vĩnh Long rằng:


"Việt Nam không nên tiếp tục đòi chủ quyền (trên các thực thể quá nhỏ) bởi vì làm như vậy, Việt Nam sẽ tạo cớ cho Trung Quốc tiếp tục đòi chủ quyền. Việt Nam tranh chấp mấy hòn đá nhỏ như vậy với các nước hàng xóm, mà lại đòi Trung Quốc không tranh chấp thì rất khó."


Sở dĩ mọi thứ sẽ rối tung và phức tạp hơn nhiều nếu chúng ta nhân nhượng vô nguyên tắc, vì 3 lý do: 


Thứ nhất, chúng ta đã nhất quán chủ trương tranh chấp đa phương phải giải quyết đa phương với sự có mặt đầy đủ của các bên liên quan.


Nếu Việt Nam cùng Philippines, Malaysia và Brunei tự động làm việc riêng với nhau, Trung Quốc sẽ không chịu và đó sẽ là cái cớ rất tốt cho họ leo thang có những hành động phiêu lưu, manh động ngoài thực địa.


Thứ hai, làm vậy là chính chúng ta lại tự đánh tráo khái niệm, lại tự nhầm lẫn 2 loại tranh chấp khác nhau hoàn toàn thành một.


Khi thấy chúng ta nhầm lẫn giữa vấn đề "chủ quyền lãnh thổ" với áp dụng và giải thích UNCLOS 1982, Trung Quốc hoàn toàn có cớ để lật lại Phán quyết Trọng tài, làm gia tăng mâu thuẫn.


Thậm chí ngay các nước nhỏ sẽ xảy ra hiện tượng tranh giành, cấu xé lẫn nhau chứ chưa cần Trung Quốc động vào.


Thứ ba và là quan trọng nhất, nếu làm theo đề xuất này thì chính chúng ta đã vi phạm nguyên tắc pháp lý "trước sau như một", còn gọi là nguyên tắc Estoppel, sẽ đẩy chúng ta vào thế rất bất lợi trong đàm phán hay trước các cơ quan tài phán sau này.


Mặt khác, chủ quyền lãnh thổ hợp pháp phải được xác lập một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục theo đúng luật pháp và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, không phải tùy tiện cứ đòi là được.


Do đó không có chuyện Việt Nam "tạo cớ cho Trung Quốc tiếp tục đòi chủ quyền".


image056

Phán quyết Trọng tài ngày 12/7 về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc là về ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982, không phải tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ. Ảnh: PCA.


Trên thực tế, Philippines, Malaysia, Brunei không có yêu sách về "chủ quyền lãnh thổ", mà yêu sách về các vùng biển được hưởng theo UNCLOS 1982 ở Biển Đông. 


Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng như nhiều học giả khác cũng thừa nhận rằng, việc một đảo, bãi đá, thực thể thuộc chủ quyền nước này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước khác cũng là điều bình thường. 


Giống như đảo Phú Quốc của chúng ta nằm gần bờ biển Campuchia hơn là bờ biển Việt Nam, nhưng không có nghĩa là nó ảnh hưởng đến chủ quyền của Việt Nam với Phú Quốc.


Cho đến nay khi đề cập đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà nước Việt Nam mới tuyên bố chính thức về nguyên tắc, chưa tuyên bố phạm vi cụ thể của 2 quần đảo này đến đâu. 


Còn tất nhiên trong các tài liệu nghiên cứu, những văn bản mang tính chất nội bộ chúng ta có ghi rõ Hoàng Sa với 37 thực thể, Trường Sa với 138 thực thể có tọa độ, vị trí, mô tả cụ thể.


Khi đưa lên bàn đàm phán, chúng ta sẽ phải bảo vệ chủ quyền, quyền lợi hợp pháp của mình bằng cơ sở pháp lý chắc chắn, trong đó có các "bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý" được xác định theo nguyên tắc luật pháp, thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.


Ở đây xin nhắc lại lần nữa rằng, không phải "bằng chứng lịch sử" nào cũng có giá trị, phải là những bằng chứng lịch sử "có giá trị pháp lý", phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, về địa hình địa mạo của thềm lục địa, đáy đại dương...


Lúc đó mới có thể tính chuyện phải giữ cái nào và "trả lại" cái nào.


Tựa đề phụ trong bài phỏng vấn của RFI tiếng Việt có thể khiến dư luận hiểu lầm: "Phán quyết bác bỏ « quyền lịch sử » và quy chế « đảo »". Chúng tôi đã phân tích kỹ về Điều 121: Quy chế đảo trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, mời bạn đọc quan tâm đọc lại bài viết này để tránh nhầm lẫn không đáng có.


Tóm lại trong các vấn đề được phân tích trong bài viết này nổi lên 2 điểm:


Một là, cần nhận thức rõ về các loại tranh chấp khác nhau và cơ chế pháp lý giải quyết từng loại tranh chấp;


Hai là, mọi sự “nhân nhượng” trong đàm phán giải quyết tranh chấp phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tuân thủ đúng quy trình và quy định pháp lý phù hợp được các bên nhất trí xác nhận lấy làm căn cứ đàm phán, giải quyết, không thể nhân nhượng vô nguyên tắc.


Đó chính là thái độ văn minh, thượng tôn pháp luật, cầu thị, khách quan, bảo vệ công lý và lẽ phải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của chúng ta, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.


Do đó, không có chuyện Việt Nam phải “hy sinh chuyện nhỏ để được chuyện lớn”. Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc không bao giờ được phép xem là chuyện nhỏ.


Tài liệu tham khảo - Bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Ngô Vĩnh Long trên RFI tiếng Việt:


https://www.facebook.com/ngovinh.long/posts/1142892055771456


Ts Trần Công Trục

06 Tháng Tám 2017(Xem: 8169)