Trả lời Tôn nữ thị Ninh về vụ Fulbright

09 Tháng Sáu 201611:45 CH(Xem: 8654)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 10  JUNE 2016

Trên thù hận không thể gieo hạt giống tương lai

Tuấn Khanh

Thư cho người bạn trẻ,

Khi bạn hỏi tôi về sự kiện liên quan đến ông Bob Kerrey, tôi nghĩ mình phải trình bày dài hơn dự định.

Việc cựu quân nhân Bob Kerrey có trở thành người đứng đầu của trường ĐH Fulbright VN (FUV) hay không, hôm nay chắc đã không còn là điều quan trọng nữa rồi. Những cuộc tranh luận gay gắt từ phía chống và phía thuận, đang cho thấy một Việt Nam đang bị xâu xé bằng ý thức hệ ngay trên thân thể của mình. Những mất mát và đau thương và chính Nhà nước Việt Nam sau 1975 vẫn luôn kêu gọi hãy khép lại, mở ra một chương mới hòa bình, đang bị một nhóm người mở lại, rạch ra: Không ai không thấy đang có một cuộc nội chiến khác còn ghê sợ hơn cả cuộc chiến 20 năm Bắc-Nam Việt Nam. Vết thương chưa bao giờ lành, nhưng đó không phải là vết thương của bên ngoài mang đến, mà vết thương của tự mình cào cấu.

Ngôn ngữ của những người chống việc ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác (FUV) ngày càng rộ lên, mọi cách dẫn giải, vận dụng đủ các hình tượng, thủ pháp gây ảo giác, để lôi kéo thêm những người chống lại việc một trường đại học có một đại diện mà họ không muốn. Thật ra, Chủ tịch Hội đồng tín thác tức là người chịu trách nhiệm tìm nguồn lực tài chính, không phải là nhân vật giữ vai trò điều hành hay trực tiếp giảng dạy. Việc đánh vào người có khả năng vận động tài chính cho nhà trường vào phút chót, không khác nào ngụ ý việc muốn cản trở tiến trình hình thành trường FUV tại Việt Nam.

Mỗi người đều có sự không muốn rất riêng tư của mình. Có những cái không muốn dễ bộc lộ cho thấy tư cách và vụ lợi. Có những cái không muốn im lặng lùi vào hành động trong bóng tối, kể cả việc rút các bài phát biểu của ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn”. Có những cái không muốn rất công khai như “tôi sẽ không đem con của mình đến học ở trường của một tên sát nhân”, hay “đừng nhân danh người chết để đòi tha thứ”.

Dĩ nhiên, nhìn ở một góc khác, thật đáng sợ khi có loại phụ huynh mang con mình đến trường, khởi đầu cuộc sống thơ ngây của nó bằng cách dạy đứa trẻ biết căm ghét một người hiệu trưởng, cũng như không ai có quyền nhân danh người chết để phất ngọn cờ cơ hội về thù hận, mà sự thù hận đó không đại diện cho truyền thống nhân nghĩa và hòa ái của người Việt Nam từ ngàn năm.

Lịch sử trên sách giáo khoa của Việt Nam không có bài học rõ ràng. Ẩn dưới những con chữ khéo léo che đậy là phần lời giải tự thân của mỗi con người, mỗi gia đình. Ngoài những câu chuyện về thảm sát Thạnh Phong 1969 mà ông Bob Kerrey có liên quan – luôn được tô đậm, thì các câu chuyện về chiến tranh Bắc Kinh xâm lăng 1979, Trung Quốc thảm sát ở Lão Sơn 1984, giết người và chiếm đảo Gạc Ma 1988… vẫn mù mờ như một bức tranh chuyển động theo vui buồn của người cầm quyền, dù sự kiện tươi mới nhất.

Bạo lực cách mạng trong chiến tranh và cả thời bình là điểm quan yếu cốt lõi của tư tưởng Marx-Lenin. Trong thời bình, bạo lực cách mạng là phải tạo ra một kẻ thù ngay trong ý thức để xây dựng sức mạnh của chính quyền. Và dĩ nhiên, bất chấp việc xâm lược, tấn công ngư dân Việt, phong tỏa biển… của Trung Quốc, Tập Cận Bình vẫn là được vỗ tay chào đón ở Quốc Hội Việt Nam như người bạn cao cả, và người Mỹ bị chọn trở thành kẻ thù, dù lúc này chỉ còn là kẻ thù trong tư tưởng. Thực tế cho thấy kẻ thù là một phép tính chứ không dựa vào giá trị hiện thực.

Vì thế, hôm nay người Việt bị phân hóa trong câu chuyện của Bob Kerrey cho thấy: Một lớp người đứng về quan điểm kẻ thù được chỉ định, và một lớp người sống với hiện thực. Dĩ nhiên, quyền lựa chọn ở phía nào, là tự do tối thiểu của mỗi người, tùy theo nhận thức.Đó không phải là ngoại lệ đầu tiên, ngay trong lịch sử dân tộc, những người soạn sách giáo khoa ăn lương nhà nước cũng đã sống với bạo lực tư tưởng khi dạy cho trẻ nhỏ phải biết căm ghét ngay vua Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà”, mà xóa mờ giá trị thống nhất đất nước đầu tiên của ông trong lịch sử. Bạo lực tư tưởng cũng ám thị người ta phải chọn yêu bằng việc nhập tâm “tiếng đầu đời con gọi Stalin”, bất chấp đó là nhà độc tài lừng danh của thế kỷ 20.

Trên thực tế, dân tộc Việt Nam thông minh hơn mọi lời tuyên bố, phát biểu hay áp đặt trên truyền thông nhà nước mà lâu nay vẫn diễn ra. Sự im lặng của họ chứa đầy hiểu biết và chọn lựa riêng. Nếu phải cầm súng hôm nay, họ biết kẻ thù là Bắc Kinh. Nếu phải lựa chọn từ sự kiện của ông Bob Kerrey, chắc chắn người dân Việt Nam tỉnh táo sẽ không gieo hạt giống tương lai trên mảnh đất bị ghim giữ bằng thù hận – thậm chí có thể là thù hận chỉ định.

Nhưng đáng tiếc, như lâu nay, mọi lựa chọn và quyết định vẫn chưa bao giờ thực sự là của nhân dân.

Có ai đó đã nói đừng lợi dụng chuyện Bob Kerrey để khuấy động lịch sử – nhưng không có lửa làm sao có khói. Lịch sử đời của Bob Kerrey rất ngắn ngủi nhưng ông ta minh bạch về tội lỗi của mình trước hàng triệu người. Còn Lịch sử vĩ đại của chúng ta vẫn bị gói buộc bằng những sợi chỉ đỏ tư duy, chỉ bởi với một ít người. Minh bạch thì chỉ có thể tái hiện, còn che giấu mới thật sự bị khuấy động.

Vậy thì tôi và bạn, chúng ta, sẽ chọn đứng đâu trong thế giới này? Chúng ta nên sống với thù hận hay với thứ tha?

Ngoài lẽ phải và sự thật mà chúng ta suốt đời cần đeo đuổi, còn một thứ nữa giúp chúng ta vượt qua sự thấp hèn của chính mình: đó là lòng vị tha.

Nếu không có sự tha thứ, làm sao Nelson Mandela (1918-2013) có thể duy trì được quốc gia Nam Phi lớn mạnh, thoát khỏi bóng ma thù hận về chế độ aparthied suốt từ năm 1948 đến 1990? Nhân cách của một người làm chính trị lớn, đã giúp cho ông Nelson Mandela hiểu rõ rằng muốn đi tới ngày mai, chỉ có thể tha thứ để cùng nhau xây dựng, giáo dục và phát triển.

Nếu không có sự tha thứ, làm sao đất nước Miến Điện với Aung San Suu Kyi có thể trở thành một quốc gia dân chủ hòa ái sáng chói, sau khi lật đổ chế độ độc tài quân sự sau 25 năm cai trị bằng súng và nhà tù, chỉ bằng những lá phiếu (tháng 11/2015). Ý nguyện cao cả và quyết định tha thứ của nhân dân đã dẫn đến một tương lai rực rỡ cho Miến Điện. Nếu không được tha thứ, chắc chắn người cầm nắm quyền lực, tướng Min Aung Hlaing sẽ không ngại mở ra một cuộc nội chiến mới với 500.000 quân trong tay, trong một đất nước chỉ có 50 triệu dân.

Chúa Jesus dạy rằng “Hãy yêu kẻ thù của mình, để mặt trời có thể mọc trên cả cái ác và điều lành, để mưa có thể xuống nơi có lẽ phải và cả nơi bị bất công”.

Đức Phật dạy “Con người tự hủy hoại mình khi nuôi dưỡng hận thù”.

Không có tha thứ, loài người không thể bước vào thế giới văn minh với bình an cho mình và cho cả người khác. Không nhân danh lý tưởng để che đậy quyền lợi cá nhân, con người mới có thể chân thành với chính mình và đồng loại. Chỉ với tuệ giác, con người mới có thể nhận ra và tự tận diệt trăm lần bản thân mình hôm qua để tái sinh ngày hôm nay. Kẻ tội đồ có thể tái sinh làm Bồ tát. Kẻ tự xưng mình là Bồ tát thì mãi mãi trầm luân.

Và trên một mảnh đất bị cài đặt bởi hận thù và tuyên ngôn trá mị, làm sao chúng ta có thể tái sinh và tìm thấy một tương lai?

Nguồn: FB Tuấn Khanh

++++++++++++++++++++++++++++++++

"Đến giờ này vẫn còn cái học đại Trí Việt đần độn" (*)

Trí Việt không thể là một trí thức cưu mang hận thù

Hồ Phú Bông

  Nhà văn Nguyên Ngọc, mà báo chí trong nước gọi ông là “Cây xà nu Tây Nguyên”, trong bài viết “Về trường hợp Bob Kerry” [1] đã kết luận:

Còn riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng nấp trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi?

Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…

sau khi dẫn chứng rất chi tiết thái độ của ông Kerry khi hồ sơ về nạn nhân tại Thôn Thạnh Phong tháng 2/1969 được đưa ra ánh sáng! Là, ông không muốn bất cứ ai tìm cách thanh minh hộ ông vì ông trong toán lính biệt kích SEAL hôm đó!

Ông xác nhận là “có tội” và “đã xin lỗi nhiều lần”.

Một mặt là mặc cảm tội lỗi, mặt khác là hướng về tương lai nơi mình đã gây ra, cho đất nước và con người Việt Nam. Việc làm đó tự nó đã nói thay cho tất cả. Vì, không ai có thể thay đổi được quá khứ mà chỉ có thể học hỏi từ quá khứ để thay đổi tương lai.

Điều ông Bob Kerry đã làm cật lực với một thời gian dài đằng đẵng mới có kết quả như hiện tại nhưng tại sao lại biến thành “vấn đề”? Vấn đề chỉ vì một chức vụ của Đại học Fulbright tại Sài Gòn!

Còn, cũng với cùng một thời gian như vậy, chế độ cộng sản đã làm gì?

Về mặt chính trị, quân sự, kinh tế… thì vẫn tìm mọi cách nhờ vả Hoa Kỳ. Điển hình là liên lạc con thoi để có được TPP hay lệnh bỏ cấm vận vũ khí sát thương! Trong khi đó thì báo đài vẫn tuyên truyền hàng ngày về tội ác của đế quốc Mỹ, đặc biệt như diễn văn của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trong lễ 30 tháng Tư năm 2015, tức là tròn 40 năm ngày 30 tháng Tư! Đó chính là điều chế độ muốn đảng viên khắc cốt ghi xương, đã đành, nhưng họ vẫn cố gắng khắc ghi vào trí não lớp người trẻ Việt Nam mới nghiêm trọng!

Đấy là một việc làm vô nhân tính không những đối với tương lai dân tộc mà với cả lương tri nhân loại! Khi một trẻ thơ bị đầu độc bởi sự căm thù thì em đó lớn lên sẽ mãi mãi sống trong thù hận. Sự căm thù sẽ biến em như loài thú hoang nhưng phải sống giữa xã hội loài người!

Nhìn tội ác man rợ đang phát triển trong xã hội hiện tại mà lúc cộng sản chưa cướp được chính quyền gần như chẳng bao giờ nghe thấy! Đấy là nguyên nhân truyền thống Nhân hòa trong xã hội đã bật gốc!

Điều đó vẫn đang còn xảy ra, là cách chế độ đối xử với đồng bào miền Nam từ sau ngày 30 tháng Tư!

Trí não của bà từng là “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ” [2] có nhiệm vụ đi giải độc cho chế độ, vừa phát biểu: “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerry? [3] đã cho thấy cốt lõi của vấn đề. Một người có nhiệm vụ giải độc mà lòng dạ vẫn đầy thù hận, dù chính bản thân bà không phải là nạn nhân trực tiếp, đã cho thấy giữa Nói và Làm của người cộng sản hoàn toàn trái ngược nhau!

Thử so sánh thực tế đời sống của bà với nhà văn Nguyên Ngọc để thấy rõ hơn.

Về kinh nghiệm chiến trường là căm thù và máu lửa thì bà Tôn Nữ Thị Ninh là con số zero tròn trĩnh so với ông Nguyên Ngọc, một “cây xà nu Tây Nguyên”! Bà đặt câu hỏi: “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerry?” là mạ lỵ dân tộc Hoa Kỳ, trong khi đó ông Nguyên Ngọc lại ca ngợi sự ăn năn, là hành động nhân bản.

Một bên là thành phần trí thức được chế độ miền Nam cho đi du học, một bên là từ miền Bắc quay trở lại miền Nam, đổ máu xương trực tiếp trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn!

Thế nhưng, người tốt nghiệp từ phương Tây vẫn giữ sự căm thù mà chính đương sự không mảy may va chạm. Còn người trực tiếp với máu lửa lại thấu hiểu được tâm trạng bị dằn vặt đau đớn mang tên “Bob Kerry”. Từ hiện tượng “Bob Kerry” đó ông Nguyên Ngọc đã thức tỉnh về việc chính ông cũng “nấp” trong dân, biến họ thành những tấm bia thịt, để sau đó tuyên truyền.

Mà chỉ thuần túy tuyên truyền chứ chế độ không hề tỏ ra hối tiếc, không hề biết xin lỗi!

Điều khác nhau căn bản là người “vô can” thì vẫn căm thù, còn người trực tiếp máu xương lại ca ngợi tính nhân bản của “người có nợ máu”!

Dù gì thì trí thức salon cũng như trí thức nhập cuộc xã hội chủ nghĩa cũng đã hoàn thành sứ mạng. Là giết được chế độ Tự do Dân chủ còn non trẻ của miền Nam! Công trạng đó tưởng họ phải hãnh diện suốt đời nhưng mấy ai ngờ lại có lúc phải tự vấn lương tâm?

Nhân danh tranh đấu cho Tự do Dân chủ để giết chết Dân chủ Tự do! Nhân danh tranh đấu giải phóng cho nông dân, công nhân, để toa rập với Tư bản bóc lột một cách trắng trợn và tàn tệ! Nhân danh “rừng vàng” phải bảo vệ để bây giờ bán rẻ mạt cho kẻ thù và thảm họa khôn lường không tránh khỏi. Nhân danh “biển bạc” thì hàng trăm ngàn tấn cá chết vì bị ô nhiễm môi trường mà hai tháng qua vẫn chưa dám công bố nguyên nhân. Ngư dân bị tàu “lạ” cướp, bắn, giết giữa ngư trường mà nhà nước không hề dùng vũ lực bảo vệ, trái lại chỉ dùng nó như là điểm mấu chốt để chứng minh cột mốc chủ quyền!

Là, cũng dùng cái chết của người dân để tuyên truyền như trong thời nội chiến!

Đã thế khi người dân xuống đường bày tỏ chính kiến thì bị vu vạ, bị trấn áp tàn nhẫn với đủ thứ luận điệu bẩn thỉu, đê tiện!

Lòng dạ của một cấp lãnh đạo từng là “Đại sứ toàn quyền” về ngoại giao mà không hề có một tiếng nói nào về thực trạng bi đát đang xảy ra lại đi phản đối về một chức vụ, chỉ một chức vụ mà thôi, của một đại học danh tiếng Fulbright vừa mở với mục đích sẽ mang lại kiến thức thực sự cho thế hệ tương lai Việt Nam, đã phản ánh bộ mặt thật của chế độ.

Dùng “bia thịt” của đồng bào để đạt được chiến thắng quân sự thì chiến thắng đó chỉ nhất thời. Vì thế, người của phe chiến thắng đã bắt đầu tự đặt câu hỏi về việc phung phí máu xương vô bổ đó, đã cho biết chiến thắng sau cùng phải thuộc về Lương Tri!

Ông Muhammad Ali, một tay boxing Hoa Kỳ lừng danh, mới qua đời hôm qua, báo chí khắp nơi đang nói về ông. Họ không nói nhiều về chiến thắng bằng sức mạnh và kỹ thuật nhưng ông được nhắc đến với sự kính trọng (Greatest) vì đời sống ông đặt trên thương yêu. Ông đã sống và đã để lại nhiều câu nói nổi tiếng, trong đó có câu: “I wish people would love everybody else the way they love me. It would be a better world”!

Vâng, hận thù và bạo lực phải được thay thế bằng ăn năn thống hối và tha thứ. Chỉ có thương yêu mới tồn tại. Nhưng tiếc thay bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn cưu mang thù hận! Bà đã từng lý luận về những đòi hỏi chế độ mà bà đang phục vụ phải tôn trọng Nhân quyền với tuyên bố thẳng thừng:

Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.

Thử hỏi bà là ai, đảng của bà là ai mà dám coi người dân như “… con, cháu hỗn láo…” và trừng trị theo cách riêng của đảng bà?

Một người như vậy không phải là trí thức thiểu năng thì gọi là gì?

Câu kết của bài Về trường hợp Bob Kerry Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi. không phải chỉ của riêng nhà văn Nguyên Ngọc mà phải là của tất cả mọi người đã vấy máu vô tội của nhân dân!

Đấy mới là Trí Việt chứ không phải giấc mơ thành lập Đại học Trí Việt của một người còn cưu mang hận thù!

Ngày 6/6/ 2016

[1] http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ve-truong-hop-bob-kerrey/

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4n_N%E1%BB%AF_Th%E1%BB%8B_Ninh

[3] https://xuandienhannom.blogspot.com/2016/06/ba-ton-nu-thi-ninh-con-om-han-sau-va.html

(*) tựa của Văn Hóa

+++++++++++++++++++++++++++++++++

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: "Việt Nam nên giữ Bob Kerrey"

Bob Kerrey chống lưng cho Obama dỡ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Hồng Thủy  04/06/16

 (GDVN) - Bởi lẽ ở Mỹ vẫn có nhiều người chỉ trích quyết định này của Obama, giống như những tiếng nói ở Việt Nam đang chỉ trích Bob Kerrey.

Trong khi chia sẻ với đài BBC Tiếng Việt hôm 2/6, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đại học George Mason, Washington DC cho biết, trước khi Tổng thống Obama sang Việt Nam thì Thượng nghị sĩ John McCain có hoạt động vận động hành lang ở Quốc hội Hoa Kỳ nhưng không thành công. Tuy nhiên sang Việt Nam, ông Obama vẫn tuyên bố bỏ cấm vận hoàn toàn vũ khí sát thương.

Ngày 23/5, ba ông cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam trong chiến tranh gồm John Kerry - Ngoại trưởng, John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Bob Kerrey - cựu Thượng nghị sĩ cùng viết một bài bình luận trên The New York Times về quan hệ Việt - Mỹ.

Động thái này được xem như 3 ông đang dùng ảnh hưởng của mình ủng hộ Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận sát thương cho Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, 3 ông John Kerry, John McCain và Bob Kerrey đã cùng nhau giúp cho ông Obama yên tâm khỏi bị chỉ trích ở nhà vì quyết định dỡ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bởi lẽ ở Mỹ vẫn có nhiều người chỉ trích quyết định này của Obama, giống như những tiếng nói ở Việt Nam đang chỉ trích Bob Kerrey hiện nay. 3 vị Thượng nghị sĩ và cựu Thượng nghị sĩ này đã đỡ cho Obama rất nhiều trong việc bỏ cấm vận mà không phải chịu những cái giá chính trị phải trả ở nhà.


image024

Cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, ảnh: Báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Cũng chính John Kerry và John McCain đóng vai trò chống lưng cho cựu Tổng thống Bill Clinton trong quyết định xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 2000. Trước khi bay sang Việt Nam, Bill Clinton đã yêu cầu 2 vị Thượng nghị sĩ phải cam kết hậu thuẫn cho mình thì ông ấy mới dám quyết việc bình thường hóa quan hệ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Từ những thông tin Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với truyền thông, người viết thiết nghĩ ba vị đương nhiệm và nguyên Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ này không chỉ có tiếng nói và ảnh hưởng rất lớn trong chính giới, đối với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Đồng thời họ còn có một thiện cảm, mong muốn mãnh liệt và hành động kiên trì mạnh mẽ để thúc đẩy hai nước bình thường hóa quan hệ, hòa giải, hữu nghị và phát triển giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Nói cách khác, vai trò của 3 cựu binh Hoa Kỳ từng một thời đứng bên kia chiến tuyến với dân tộc Việt Nam nay đang đóng vai trò sứ giả của hòa bình.

Theo những thông tin chia sẻ từ phía Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cá nhân người viết cho rằng rõ ràng nếu thiếu tiếng nói của ba ông, rất có thể công cuộc bình thường hóa giữa hai dân tộc sẽ còn kéo dài.

Thiếu sự ủng hộ của ba ông, chưa chắc Tổng thống Obama đã dám quyết, tự tin xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, một trong những kết quả được dư luận đánh giá cao nhất trong chuyến thăm.

Tuy nhiên trong số 3 cựu binh thì John Kerry trong vai trò Ngoại trưởng, John McCain trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện là những người nổi tiếng hơn do đang tham gia chính trường. Hơn nữa hai ông ở những vị trí rất cao, có thể tác động ảnh hưởng đến các quyết sách và nỗ lực của Mỹ, nhất là trong quan hệ với Việt Nam hay vấn đề Biển Đông hiện nay.

Còn lại Bob Kerrey đã hoạt động âm thầm và bền bỉ, chuyên tâm đóng góp cho quan hệ Mỹ - Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Người viết có cảm giác dường như Bob Kerrey đang "gánh đỡ" cả những áp lực này cho hai người đồng đội thân thiết, John McCain và John Kerry.

Có lẽ cũng chính Bob Kerrey đã trở thành người "đại diện" chuyên đứng mũi chịu sào cho những gì ông và các đồng đội đã gây ra trong quá khứ, đối diện với mọi áp lực và chỉ trích từ cả hai phía, Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.

Bản thân Bob Kerrey chấp nhận điều đó, dù không dễ dàng, và ông âm thầm bước tiếp. Nhưng dường như ai đó cứ tìm cách khới lại lý lịch của ông từng tham gia một cuộc thảm sát tại Thạnh Phong, Bến Tre tháng 2/1969 và xem đó là lý do phản đối, thậm chí còn yêu cầu ông Bob Kerrey phải chủ động xin rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, một vị trí người ta mời ông để lo xin tiền, gây quỹ nuôi cơ sở đào tạo biểu tượng này của hợp tác Việt-Mỹ.

Cá nhân người viết tin rằng, đã là người Việt Nam yêu đất nước mình, yêu Tổ quốc mình, yêu dân tộc mình thì không một ai quên lịch sử, đặc biệt là những trang sử đau thương nhưng oanh liệt trong các cuộc chiến chống ngoại xâm từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim.

Nhưng chỉ có gác lại quá khứ, hướng tới tương lai mới có thể giúp cho dân tộc này, đất nước này trường tồn và phát triển cường thịnh.


image026

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, ảnh: BBC.

Do đó những phản ứng trái chiều về việc ông Bob Kerrey có nên được mời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright hay không, theo cá nhân người viết nó có thể một lần nữa làm tổn thương những tấm lòng, thiện chí của 3 ông Thượng nghị sĩ / nguyên Thượng nghị sĩ trong việc làm vợi bớt nỗi đau chiến tranh, giúp cho dân tộc này phát triển và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nó cũng khiến người ta đặt đấu hỏi về thiện chí của Việt Nam trong quan hệ, hợp tác với Hoa Kỳ, bởi ngay trên đất Mỹ cũng không phải không còn định kiến và rào cản đối với Việt Nam.

Đặc biệt là những người có tiếng nói, có ảnh hưởng, có tâm huyết với quan hệ Việt - Mỹ như ba vị cựu binh này bị tổn thương vì những hành động khơi lại nỗi đau, dội nước lạnh lên tấm chân tình, nhiệt huyết hòa giải, hữu nghị và phát triển của họ thì thật đáng tiếc, nếu không muốn nói đó có thể là một rào cản cho tiền đồ quan hệ Việt - Mỹ, cũng như tiền đồ dân tộc.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức được báo Thanh Niên ngày 3/6 dẫn lời nhận định, Việt Nam là một quốc gia có “dân tộc tính” rất cao, người dân sẽ phải suy nghĩ khi nghe đến thông tin một người từng tham gia chiến tranh Việt Nam giờ lại giữ chức vụ cao trong một trường đại học.

Dù vai trò của Chủ tịch Tín thác không trực tiếp liên quan đến hoạt động dạy học nhưng thông qua việc gây quỹ sẽ quyết định sự phát triển trường đại học. Do vậy, chỉ đơn giản ở góc độ người học, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tâm lý khi lựa chọn vào học.

Cá nhân người viết tôn trọng ý kiến của Tiến sĩ Viên. Người viết chỉ có chút băn khoăn, suy nghĩ rằng, "dân tộc tính" rất cao mà Tiến sĩ nói đến có thể là lòng tự tôn dân tộc và lòng yêu nước, cũng có thể là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bởi ranh giới giữa hai điều này rất mong manh.

Chỉ cần để cho cảm xúc làm chủ mà thiếu một cái nhìn toàn cảnh, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, nhất là những lợi ích sống còn lên trên hết, chúng ta có thể phạm sai lầm.

Cách đây không lâu, cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014 mà Trung Quốc đem hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến lòng yêu nước của một bộ phận người Việt Nam bị lợi dụng và hậu quả của nó to lớn như thế nào.

Trong khi ngoài Biển Đông vẫn chưa có một ngày sóng yên, biển lặng. Chỉ cần một ngư dân của Việt Nam bị đe dọa tính mạng, cướp đoạt tài sản cũng đã có thể khiến nhiều người trong chúng ta "sôi máu", huống hồ ai đó cứ nhắc mãi chuyện ông Bob Kerrey tham gia thảm sát ở Thạnh Phong với mô tả chi tiết thì không ít người mới nghe không khỏi rùng mình, tức giận.

Những câu chuyện đau lòng như thế trong chiến tranh còn nhiều lắm. Khới ra vết thương này thì những vết thương khác cũng sẽ rỉ máu. Chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, nhưng đừng để những ám ảnh đó cản bước tới tương lai.

Ông Bob Kerrey ngày nay đến Việt Nam không phải là một Đại úy lăm lăm súng ống, thì thiết nghĩ không nên nhìn ông ấy với tư cách một Đại úy hải quân Mỹ từng gây tội ác ở Thạnh Phong.

Người viết đồng tình và chia sẻ với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, rằng Bob Kerey đã rất thẳng thắn, trọng danh dự qua những phát biểu, mong muốn làm tốt cho Việt Nam để thể hiện sự ăn năn trong tâm hồn. 

Về thực tiễn trách nhiệm của vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam là ngoại giao, xin tiền nên phải có khả năng và uy tín. Bob Kerry chứng tỏ đầy đủ 2 điều kiện này. Xét về tâm lý ông muốn có cơ hội để chuộc lỗi thì vị trí này là phù hợp nhất.


image028

Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, ảnh: abcgroup.com.vn.

Tất nhiên nói về khả năng để gánh vác trọng trách Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright,  Mỹ cũng có những người đủ sức làm việc này và Bob Kerrey thừa nhận điều đó. Ông sẵn sàng rút lui nhường lại cho ai đủ khả năng và tâm huyết bước tiếp con đường ông và cộng sự đã đi để vun đắp cho quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ.

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu có ai chấp nhận dấn thân, chấp nhận gánh vác trách nhiệm nặng nề là đi xin tiền, gây quỹ nuôi Đại học Fulbright Việt Nam với điều kiện lương bổng, đãi ngộ và chế độ làm việc hiện có hay không? Giáo sư Hùng cho biết, vị trí tương tự ở Hoa Kỳ có thu nhập rất cao, đặc biệt là các trường tư.

Huống hồ Fulbright Việt Nam là đại học phi lợi nhuận, thực hiện tôn chỉ cung cấp các sản phẩm giáo dục chất lượng cao, giá cả thấp và tự lo kinh phí. Có lẽ chỉ có những tâm hồn yêu Việt Nam như Bob Kerry mới có thể đảm đương nổi.

Còn đương nhiên trong xã hội mỗi người mỗi ý, cá nhân người viết cũng như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng cần tôn trọng sự khác biệt.

Ý kiến cá nhân Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong vụ việc này mà người viết cũng rất đồng tình và chia sẻ là, xét cả trên khía cạnh truyền thống dân tộc lẫn lợi ích quốc gia, Việt Nam nên giữ Bob Kerrey lại vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn trên báo Thanh Niên hôm 3/6, không thể định lượng được các tác động theo chiều hướng không tốt nhưng chắc chắn sẽ tạo ra sự e ngại, hạn chế những đóng góp tài chính hay đơn giản trong thu hút cán bộ tham gia giảng dạy.

Nói ngược lại, nếu có một lãnh đạo đủ uy tín, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ thu hút được sự đóng góp, hợp tác để phát triển nhiều hơn.

Tuy nhiên cá nhân người viết lại cho rằng, chính cách hành xử thẳng thắn, chân thành và dũng cảm của ngài Bob Kerrey cũng như những nỗ lực, tâm huyết của ông ấy cho quan hệ Việt - Mỹ sẽ góp phần tạo sức hút, làm nên thương hiệu cho trường, bởi đó là tiếng nói của hòa giải, hữu nghị và yêu thương.

Còn ai đó vẫn chưa sẵn sàng, chưa thể gác lại quá khứ mà chấp nhận bỏ qua cơ hội Đại học Fulbright mang tới chỉ vì ngài Chủ tịch Hội đồng Tín thác chuyên xin tiền, gây quỹ cho trường từng sát hại đồng bào mình, thì đó là quyết định của họ và cần được tôn trọng.

Người viết rất tâm đắc đánh giá của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trên BBC Tiếng Việt, rằng xưa nay chưa thấy ông chính trị gia cỡ lớn nào nói được lời xin lỗi thẳng thắn, chi tiết như Bob Kerrey. 

Hồng Thủy

 

++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Ts Nguyễn Nhã: Tôi tin ông Bob Kerry sẽ tiếp tục thành công

 

Tôi xin chia xẻ ý kiến của GSTS Nguyễn Đăng Hưng.

Tôi xin tỏ lòng khâm phục ông Bob Kerry đã kiên định không bỏ cuộc dù có ý kiến không ủng hộ.

 Là một trong thành viên sáng lập chủ chốt của trường Đại Học DL Hùng Vương với chủ trương bất vụ lợi và mục tiêu đạt chất lượng cao từng bị vùi dập, chụp mũ sau ĐHHV là Mỹ, tôi vốn ngưỡng mộ và ước ao thực hiện mô hình đại học tư chất lượng cao; bởi chỉ với mô hình đại học như thế mới có thể giúp Đất nước này thoát khỏi tụt hậu, lệ thuộc, bị xử ép…. Bất cứ nước nào có mô hình đại học tư chất lượng cao mà chính quyền tôn trọng thì đất nước ấy sẽ phát triển vì có nền học thuật, giới học thuật độc lập, hiền tài.

 

 Nếu Đại Học Fulbright thành công ở Việt Nam thì giải pháp chọn ông Bob Kerry thật tuyệt vời vì thật sự đã hoàn toàn gác lại quá khứ đau thương mà hầu như tất cả trong đó có chúng ta đều là nạn nhân của thời cuộc quốc tế mà tôi đã từng phát biểu tại một số đại học ở  nước ngoài.

 Với những gì Ông Bob Kerry đã làm, đã thành công, tôi tin Ông sẽ tiếp tục thành công, dù có bị vùi dập tới đâu đi nữa.

 

 Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học

( Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Ẩm Thực Việt Nam,


 Trưởng Đề Án Bếp Việt- bếp của Thế giới; www. amthuc.net.vn; www. hannguyennguyennha.com)


Chúc ngài Bob Kerrey thành công tại Việt Nam!

 

+++++++++++++++++++++++++++++

Trung tá Hải quân Mỹ nói về Bob Kerrey

image030

Trong phỏng vấn riêng với BBC Tiếng Việt, một cựu Trung tá Hải quân Hoa Kỳ cho rằng ông Bob Kerrey - cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam - 'xứng đáng' với vai trò ở Đại học Fulbright Việt Nam.

Ông Bob Kerrey đang bị các cáo buộc liên quan tới vụ thảm sát phụ nữ và trẻ em ở Thạnh Phong, Bến Tre, năm 1969.

Cựu Trung tá Nguyễn Anh Tuấn đưa ra cách nhìn từ quan điểm một quân nhân, cho biết người lính chỉ là "những con chốt [tốt] của chính trị" Mỹ.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Bob Kerrey là người xứng đáng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, do ông Kerrey là người có tiếng nói mạnh mẽ và có ảnh hưởng trong chính giới Hoa Kỳ, dù có thể những việc ông làm ở Việt Nam hiện nay chỉ nhằm để ông được thanh thản hơn.

Trong một diễn biến khác, sau nhiều tranh luận trên truyền thông và mạng xã hội, Việt Nam đã lên tiếng về vụ việc, và yêu cầu Đại học Fulbright có quyết định 'phù hợp' về ông Bob Kerrey.

"Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong cuộc họp báo chiều nay cho biết những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam phải trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không gì có thể bù đắp được," trang VNExpress dẫn lời ông Lê Hải Bình trong cuộc họp báo hôm 02/06.

"...Với tinh thần đó, tôi cho rằng phía Mỹ và ban lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho cả nhân dân hai nước."

BBC 03/6/16

06 Tháng Tám 2017(Xem: 8169)