Sự Hình Thành của Siêu Quốc Gia Việt Nam

13 Tháng Năm 201612:27 SA(Xem: 11151)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 13  MAY  2016

Nhân Mùa Quốc hận 30 tháng Tư 2016, viết lại cho giới trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại:

Sự Hình Thành của Siêu Quốc Gia Việt Nam Thiên Niên Kỷ Thứ Ba

và Việc Dựng Tượng Đức Thánh Trần ở Little Saigon

image055

Phạm Cao Dương

            Biến cố 30 tháng Tư 1975 đã bẩy tung người Việt Tị Nạn ra khắp thế giới, xa cách quê hương  và người thân của họ cả ngàn vạn dặm.  Đó là một sư thực lịch sử không ai chối cãi dược.  Có điều trong cái rủi vẫn có cái may, biến cố này đã đưa tới sự hình thành của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, thành phần thứ hai của Dân Tộc việt Nam phát triển mạnh mẽ và độc lập đối với thành phần thứ nhất còn lại ở quê nhà. Hậu quả là đến ngày nay, sau người Anh của Thế Kỷ 19, chỉ còn người Việt Nam là có thể hãnh diện để dạy con cái mình rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên những phần đất có người Việt Nam cư ngụ”.   Từ cuộc di cư vĩ đại này, sự hình thành của một Siêu Quốc Gia Việt Nam đã bắt đầu với những con người của thế giới hữu hình xuất phát từ mảnh đất nhỏ bé bên bờ phía tây của Thái Bình Dương.  Nó đã được hoàn tất bằng một biến cố khác mang tính cách tâm linh, vô hình và truyền thống của dân tộc Việt: việc dựng tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo vào mùa thu năm 2014, 39 năm sau.  Một cơ hội lớn, ngàn năm một thuở đã mở ra cho dân tộc chúng ta.

            Tôi không rõ trên giấy tờ liên lạc với Toà Thị Chính Thành Phố Westminster, thuộc Quận Cam, California, ban tổ chức dựng tượng đã dùng danh xưng gì để gọi tượng nhưng ở đây tôi xin được phép dùng danh xưng là Tượng Đức Thánh Trần.  Tôi dùng danh xưng Đức Thánh Trần là vì đây là danh xưng mà quảng đại dân gian Việt Nam từ Bắc chí Nam đã dùng và bây giờ ở Hải Ngoại nên dùng, để vừa tỏ ý sự tôn kính, vừa biểu lộ lòng yêu thương, gần gũi hơn là các danh xưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay Trần Hưng  Đạo… những danh xưng được nói tới nhiều hơn trong học đường hay trong sách vở.  Điều này cũng có nhiều lý do, tôi xin được lần lượt trình bầy trong bài viết này.

Đức Thánh Trần là nhân vật lịch sử duy nhất được dân gian coi là đã hiển linh che chở giúp đỡ mọi người, chống lại tà ma quỷ quái, từ đó được mọi người coi như một vị Thánh của cả dân tộc

            Khác với các nhân vật lịch sử khác như Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Thường Kiệt, Lê Thái Tổ, Quang Trung Nguyễn Huệ …, tất cả đều có đền thờ và được dân chúng địa phương quanh năm hương khói và đến ngày kỵ đều được các quan lại địa phương hàng năm chính thức đến tế.  Chỉ riêng có Trần Hưng Đạo ngoài đền thờ còn được coi là đã hiển linh để phủ hộ, giúp đỡ đồng bào của mình, che chở mọi người chống lại tà ma, quỉ quái.  Đức Thánh Trần với các con trai và các gia tướng của Ngài như Yết Kiêu, Dã Tượng luôn luôn được truyền tụng là đã hiển linh trong các công tác này.  Những chuyện như Phạm Nhan chuyên môn tìm ăn máu dơ của phụ nữ làm cho họ bị mắc bệnh, mảnh chiếu lấy từ đền thờ của ngài là những chuyện phổ thông trước đây ai cũng biết

            Một sự kiện liên hệ khác ít ai biết tới là sự hiển linh của Đức Thánh Trần và sự tin tưởng của quần chúng vào sự  hiển linh này đã đưa tới sự hình thành của một tôn giáo mới của người Việt gọi là Nội Giáo. Nội Giáo là tôn giáo từ bên trong để phân biệt với Ngoại Giáo du nhập từ bên ngoài mà ngài là vị thần chính được thờ. Nội Giáo là tôn giáo riêng của ngươì Việt Nam, của nước Việt Nam độc lập. Sự xuất hiện của Nội Giáo với Thánh Địa là Đền Kiếp Bạc đã nói lên tinh thần độc lập của người Việt mà cho tới thời Ngài chưa có.  Cùng với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ Bất tử”[i] của người Việt, Ngài đã được thờ như vị Cha chung  của cả dân tộc: l

                                    Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ.

            Tháng Tám âm lịch từ ngày 16 đến ngày 18 là ngày giỗ Đức Thánh Trần và trong 10 ngày từ 1 đến 10 Tháng Ba âm lịch là Ngày hội Phủ Giầy ở làng Tiên Hương, huyện Vụ Bản tỉnh Nam định là ngày giỗ Chúa Liễu Hạnh, hai ngày hội lớn được rất đông người tới dự trước kia, trước thời chiến tranh và đông hơn rất nhiều trong thời hiện tại.  Hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm là hội lớn nhất, vui nhất, có nhiều trò chơi nhất.  Con số người tham dự càng ngày càng gia tăng, gia tăng gấp bội so với thời Pháp thuộc, trong đó có rất đông các cán bộ Cộng Sản “đi xe con tới dự”.

             Chưa hết, song song với truyền thống thờ Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh, người Việt Nam còn có tục lên đồng. Nếu Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh chỉ được chính thức thờ ở các đền thì trong dân gian, các ngài được thờ ở rải rắc khắp nơi qua các đền miễu do các cộng đồng địa phương lớn nhỏ, do tư nhân xây dựng và được các ông đồng, bà đồng coi giữ. Nơi đây các cuộc lên đồng thường xuyên được thực hiện, kể cả hiện tại ở Westminster, ở Garden Grove ở Hải Ngoại mà người viết đã có dịp nhiều lần tới dự và rất vui khi thấy một tín ngưỡng xưa, có thời bị bài bác, nay lại sống lại ở nơi đất khách quê người. Chính ở những nơi này, lịch sử của dân tộc Việt Nam, đúng hơn những bài dã sử, đã được gìn giữ xuyên qua những bài hát chầu văn, một thứ văn chương, âm nhạc vô cùng phong phú cho tới nay đã  được nhiều học giả Việt Nam và ngoại quốc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu một cách khoa học tương đối đầy đủ, tường tận và bao dung hơn.

Người Tàu và người Hy Lạp khi dời bỏ quê hương ra đi tị nạn hay lập nghiệp ở Hải Ngoại cũng đã mang theo thần linh của họ.

            Cuối cùng, sự kiện các dân di cư tị nạn khi ra đi đã mang theo các thần của mình là một sự kiện đã xảy ra từ lâu trong lịch sử nhân loại. Dân Hy Lạp trong các thế kỷ thứ bảy và thứ tám kéo dài đến hết thế kỷ thứ năm trước Thiên Chúa, khi có những cuộc tranh chấp nội bộ ở các đô thị-quốc gia, những city-states, những polis, của họ, điển hình là hai đô thị Athens và Sparta, các phe bại trận bị loại trừ (ostracized, ostracism) phải bỏ xứ mà đi.  Họ đã tạo nên một đường viền Hy Lạp chung quanh Địa Trung Hải với những đô thị-quốc gia, những  polis mới ở Nam Âu, ở Tây Á và luôn cả ở Phi Châu.  Khi ra đi họ đã mang theo văn minh Hy Lạp và đặc biệt là các thần linh Hy Lạp của họ. Với những yếu tố văn minh, văn hóa và đặc biệt là tín ngưỡng này, những đô thị-quốc gia mới của họ, mặc dù vẫn giữ được những liên hệ lịch sử, văn minh và văn hoá với các đô thị mẹ ở chính quốc, đã trở thành hoàn toàn độc lập với các đô thị-quốc gia mẹ, đã tự mình đứng vững và phát triển, không còn bị các quốc gia-đô thị mẹ chi phối về phương diện chính trị và sinh hoạt hàng ngày nữa.

            Người Tầu khi di cư ra khỏi quê hương của họ cũng làm những việc tương tự. Bằng chứng là các “chùa Tầu” đã hiện diện ở khắp thế giới và ở miền Nam Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là ở Saigon. Tất cả đã trở thành những nơi thăm viếng mà du khách khi tới Saigon đều phải biết và ít nhiều ghé qua. Chính người viết bài này hồi trước năm 1975, khi dẫn sinh viên đi du khảo quanh vùng Thủ Đô Saigon, cũng đã ghé thăm những nơi được coi là “cổ tích liệt hạng” này.  Điều đáng để ý là những nơi này luôn luôn có nhiều khách hành hương tới viếng trong đó rất đông là người Việt. Nơi đây khói hương ngày đêm nghi ngút, không bao giờ tàn lạnh.

Dựng tượng Đức Thánh Trần không chỉ là để tôn vinh một vị anh hùng có công ơn bậc nhất của cả dân tộc mà còn biểu lộ tinh thần độc lập của Người Việt Hải Ngoại là chỗ dựa tinh thần của người Việt nhằm hướng tới một Siêu Quốc gia Việt Nam của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba

            Cho tới nay, Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại đã được ngoài 40 tuổi, đã trải qua giai đoạn sống còn, đã mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh về đủ mọi phương diện để  trở thành  thành  phần thứ hai độc lập với thành phần thứ nhất của dân tộc Việt Nam.

            Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta trẻ trung hơn, năng động hơn, có tiềm năng hiểu biết cập nhật hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn nhờ đã hình thành và phát triển trong những quốc gia tân tiến nhất trên thế giới, so với thành phần thứ nhất mỗi ngày già cỗi hơn, mòn mỏi hơn, kiệt lực hơn, không còn đủ khả năng nhận thức và ngay cả sử dụng những khả năng trí tuệ vẫn còn tồn tại không ít của mình.  Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại có thể vào và đã vào bất cứ một đại học danh tiếng nào nếu các em mong muốn và được cha mẹ khuyến khích.  Rất đông các em đã đạt được điều này. Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã tự mình hội đủ mọi điều kiện để tự đứng vững.  Chúng ta đã có đầy đủ nếu không nói là khá đông các chuyên viên trí thức thượng thặng từ các khoa học gia, các giáo sư đại học, các học giả tốt nghiệp từ các học viện lớn và hiện đang phục vụ trong các trung tâm, các viện nghiên cứu bậc nhất trên thế giới để góp sự hiện diện của mình với các sắc tộc khác.  Chúng ta cũng đã có những chỉ huy cao cao cấp trong quân đội, kể cả tướng lãnh.  Hãy tưởng tượng hình ảnh một vị chỉ huy dẫn đầu nhiều ngàn sĩ quan, binh sĩ dưới quyền, thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, dẫn đầu các cuộc thao diễn, dẫn đầu họ chạy bộ hàng ngày hay nghiêm chỉnh chào cờ trong căn cứ của đơn vị mình. Vị chỉ huy đó là người Việt.  Anh là vị tướng đi sát với binh sĩ của mình, tướng của trận mạc, không phải tướng của phe phái, nói cách khác, tướng cảnh.  Con em của chúng ta đó! Hãnh diện biết là chừng nào! Chúng ta cũng có những chỉ huy trưởng khu trục hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, những nữ đại tá người nhỏ thó chỉ đứng đến nách những đồng sự hay thuộc cấp của mình nhưng vẫn được họ chào kính một cách trịnh trọng.  Họ cũng là con em của chúng ta đó.  Hãnh diện biết là chừng nào!  Họ thuộc thế hệ một rưỡi, luôn cả thế hệ thứ hai của tị nạn Việt.  Tất cả đều vẫn còn thông thạo tiếng Việt, đã trả lời dễ dàng, trôi chảy các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt.  Tất cả đều đã trở thành “người”, đã “nên người”, đã lập được sự nghiệp trên quê hương mới mà không cần tới sự trợ giúp của các “đỉnh cao trí tuệ của loài người”.  Chưa  hết!  Bây giờ thì họ đã ngồi lại với nhau để trở thành một lực lượng quân nhân gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ và sẽ dẫn đường cho thế hệ thứ ba.  Cầu mong các em sẽ thành công mỹ mãn. Trong địa hạt chính trị, người Việt nay cũng đã đi rất sâu và rất cao trong hệ thống chính quyền của nhiều nước, ở đủ cả ba ngành, ngay cả ở cấp trung ương.  Nhiều người trẻ cũng đã xuất hiện và đã thành công xuất sắc.  Họ thông thạo ngôn ngữ, được học, được sống và hiểu biết về xã hội nơi họ đang cư ngụ.  Họ bắt đầu thay thế cho thế hệ cha anh đã đến tuổi xế chiều, nhưng vẫn hiểu biết về Việt Nam và thông thạo tiếng Việt. Trong tương lai, các em sẽ còn đi xa và lên cao hơn nữa.

            Sang một địa hạt khác gần gũi với mọi người hơn là địa hạt giáo dục.  Ở đây tôi chỉ nói vế các cấp trung tiểu học và mẫu giáo, những cấp học cơ bản liên hệ trực tiếp tới các em nhỏ của chúng ta trong cộng đồng.  Con số những thày cô giáo  người Việt hiện diện trong các trường địa phương mỗi ngày một nhiều.  Nghề làm thày cô giáo không còn bị chê so với các nghề khác như trong những thập niên đầu.  Nhiều người tỏ ra đã yêu mến nghề dạy học ngay từ khi còn học ở bậc trung và luôn cả tiểu học.  Họ đã đạt được ước vọng và  sau nhiều năm hành nghề vẫn tỏ ra yêu nghề hơn bao giờ hết. Nhiều người đã chuyển sang cấp chỉ huy làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường khi chán phụ trách lớp.  Nên nhớ là, ít ra là ở Mỹ, dạy ở cấp nào cùng được coi là quý, là trọng, không nhất thiết là ở bậc đại học, nơi kiếm được một chỗ làm rất khó vì rất hiếm vì sự cạnh tranh giữa các sắc dân Á Châu rất nhiều và nạn  bè cánh, phe phái rất cũng không phải là hiếm.  Yếu tố quan trọng mà các em phải dựa vào để lựa chọn là chính mình, là thiên tư và hạnh phúc của chính mình.  Kinh ngiệm của cha mẹ, ông bà của các em và những người đi trước thuộc thế hệ của các ngài cũng vẫn còn là những gì đáng quý cho các em khi chọn ngành và nhất là khi hoạt động cộng đồng.

             Để hướng về các con em nhỏ trong cộng đồng, riêng ở miền Nam California hàng trăm trung tâm Việt Ngữ đã được thành lập ở các chùa, các nhà thờ hay các lớp mượn của các trường địa phương trong những ngày cuối tuần do các thày cô đã về hưu hay các sinh viên đại học phụ trách. Hàng ngàn thày cô đã tham gia công tác này với hàng chục ngàn trẻ em được cha mẹ mang tới dự.  Hãy tưởng tượng các vị này đã kiên trì, cố gắng như thế nào để cứ tình nguyện mỗi cuối tuần mỗi đến, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác,  thường xuyên  dạy các em, không nửa chừng bỏ dở.  Họ âm thầm làm công việc của mình và dường như ít được cộng đống biết đến, thăm viếng và khích lệ.

            Cộng đồng của chúng ta đã độc lập, đã tự đứng vững và phát triển trong suốt 41 năm qua không hề phải nhờ và vào chính quốc.  Trái lại, hàng chục tỷ đô la hàng năm đã được gửi về dưới hình thức này hay hình thức khác, làm giàu cho các cán bộ và các đại gia ở trong nước và gián tiếp giúp họ chuyển tiền ra ngoại quốc phòng ngừa khi tháo chạy.  Có điều thay vì để yên cho thành phần thứ hai của dân tộc ở Hải Ngoại phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau song song phát triển, cùng hướng tới một tương lai dài nhằm biến dân tộc Việt Nam thành một dân tộc lớn của nhân loại thì các “đỉnh cao trí tuệ” ở trong nước đã coi nó như một con gà đẻ trứng vàng, tìm cách ảnh hưởng tới nó, bắt nó đẻ nhiều hơn, thậm chí bắt và giết nó.

Lịch sử dân tộc Việt Nam phải được tính bằng ngàn năm

            Trong một bài viết trước đây, nhằm kỷ niệm một ngàn năm Lý Thái Tổ từ Hoa Lư thiên đô ra Thăng Long, đăng trong Tập San Thế Kỷ 21,số 1, số ra mắt, người viết  có đưa ra cái nhìn hơi khác về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là lịch sử phải được tính bằng ngàn năm với ba dấu mốc chính:  111 trước Tây Lịch, 1010 sau Tây Lịch và những năm hiện tại của thiên niên kỷ thứ ba mà chúng ta đang sống, chứ không thể chỉ tính bằng chục năm, bằng trăm năm như lịch sử bình thường.  Nhìn như thế để chúng ta có thể thấy những điều vô nghĩa mà nhiều người đã và đang làm.  Nhìn như thế đế chúng ta có thể lạc quan về tương lai của dân tộc Việt Nam qua sự hình  thành của Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại trong thế kỷ  21này.

Cơ hội ngàn năm một thuở:  Mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt cư ngụ

            Sự hình thành của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại coi như thành phần thứ hai của dân tộc là một cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta có được, sau khi người dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều chục năm dài đầy chiến tranh, đau thương, chết chóc và bất hạnh.   Biến cố bi thảm 1975 đã bẩy tung bà con chúng ta ra khắp thế giới để rồi sau ngót bốn mươi năm cũng họ, cũng những bà con đã bị bấy tung ra khắp thế giới, bây giờ là Người Việt Hải Ngoại đã định cư và đã thành công ở khắp năm châu, không nơi nào là không có.  Chúng ta đã không có được một lãnh thổ duy nhất, một chính quyền chung nhưng chúng ta có những con người, có chung một lịch sử, một nguồn gốc, đã ra đi trong cùng một hoàn cảnh, một thời điểm.  Nói một cách khác, chúng ta đã có một Siêu Quốc gia Việt Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của mình.  Một siêu quốc gia như vậy thích hợp hơn với sinh hoạt quốc tế trong thời hiện tại, thời mà biên giới giữa các nước đã mờ dần trước sự phát triển chung của cả loài người.  Cũng nói cách khác, nếu trong thế kỷ 19, một học sinh người Anh được học rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh” thì khác đi một chút, kể từ thế kỷ 20, một học sinh Việt Nam phải được học rằng “Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.”   Người Tầu cũng có thể nói câu tương tự.  Họ cũng hiện diện ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn không thể so sánh với người Việt.  Lý do là vì người Tầu bỏ nước ra đi là họ chọn tha phương cầu thực, do họ chọn lựa còn người Việt thì không được chọn lựa.  Sau ba chục năm triền miên đầy đau thương giết chóc với ít ra là bốn năm triệu người đã bị hy sinh, nước mắt tràn ngập khắp Trường Sơn, ra tận Biển Đông.  Người Việt  đã bất đắc dĩ phải ra đi mà không biết sẽ đi đâu.  Đến bây giờ thì tự mình và với sự giúp đỡ của các chính quyền và của người địa phương, bất chấp những sự dè bỉu, mỉa mai của nhà cầm quyền ở trong nước trong những năm đầu, các cộng đồng Việt Nam ở khắp nới trên thế giới đã trở thành vững mạnh thực sự so với thành phần còn lại ở trong nước.  Bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ và phát triển nó.  Chúng ta không thể để cho những người đang nhận sự giúp đỡ vô cùng to lớn của cộng đồng chúng ta, coi cộng đồng chúng ta là con gà mái đẻ trứng vàng bắt nó đẻ nhiều hơn, đẻ mãi, lợi dụng và giết nó.  Chúng ta cũng phải lo cho chính chúng ta và con cháu chúng ta. Chúng ta đang sống ở đây và sẽ chết ở đây.  Con cháu chúng ta cũng vậy.  Những thế lực luôn luôn gây bất ổn từ bảy mươi năm qua sẽ không tha chúng ta, không để cho chúng ta yên.  họ luôn luôn muốn làm chủ chúng ta rồi làm chủ con cháu chúng ta như họ đã làm ở trong nước, bây giờ là Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại, cơ hội ngàn năm một thuở của chung cả dân tộc, cơ hội sẽ đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng nhỏ bé và chậm tiến.  Bất cứ hành động nào phá hoại Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đều là một tội đại ác đối với dân tộc   Có điều họ sẽ bất cần, sẽ tiếp tục như họ đã làm trong quá khứ như các năm 1954, 1975.  Nhưng họ sẽ không làm gì được chúng ta.  Chiêu bài độc lập thống nhất không còn hiệu nghiệm nữa.  Chuyện đó qua rồi.  Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta đã vững mạnh và luôn luôn được các nhà cầm quyền và luật pháp bản xứ che chở.  Chúng ta cũng đã có đủ mọi khả năng để tự mình đứng vững, nhất là kể từ bây giờ, với sự phù hộ ngày đêm của Đức Thánh Trần và bên cạnh Ngài là Chúa Liễu Hạnh.  Chúng ta không cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nói trắng ra là từ những người này.  Phạm Nhan đã bị chém đầu từ bảy thế kỷ trước tuy vẫn còn lảng vảng khắp nơi để kiếm máu dơ của phụ nữ nhưng y sẽ không làm gì được chúng ta vì chúng ta đã có Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh luôn luôn hiển linh và che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau giữ cho tượng Ngài quanh năm sạch sẽ và nếu có, hương khói lúc nào cũng nghi ngút, để trở thành một thắng tích bất cứ ai ghé Little Saigon đều phải ghé qua để tỏ lòng tôn kính Ngài.

            Để kết luận, tôi mượn chữ và ý của Nhà Văn Ngô Nhân Dụng[ii].  Chúng ta đã đứng vững ít ra là hai ngàn năm và chắc chắn sẽ còn đứng vững thêm nhiều ngàn năm nữa.  Vấn đề là do chúng ta. Chúng ta đã khơi lại được mạch sống của bảy trăm năm trước.  Chúng ta có sống lại được với sức sống do tiền nhân truyền lại cho chúng ta hay không?  Điều này tùy thuộc ở chính chúng ta. Chúng ta sẽ coi quyền lực, danh lợi tiền bạc của cá nhân hay phe nhóm là trọng hay sự tồn vong và phát triển của cả Cộng Đồng, cả dân tộc Việt Nam và tới một giới hạn nào đó, sứ mạng Trời trao cho chúng ta là trọng.  Điều này tùy thuộc ở chúng ta, điều mà bà con đang sống trên đất mẹ của chúng ta xem ra khó mà làm được vì dù có muốn họ cũng không được phép làm chưa kể tất cả đều đã quá mòn mỏi, khô cằn đến độ vô cảm, nếu không nói là kiệt lực.  Tất cả chỉ còn trông cậy ở chúng ta và con cháu chúng ta.  Hãy chứng tỏ chúng ta có đủ khả năng và bản lãnh; chúng ta dời bỏ quê hương ra đi không phải để tha phương cầu thực.

Little Sàigòn những ngày cuối xuân 2016

Phạm Cao Dương


From: H. Vuong <hvuong311@gmail.com>

TỔNG LƯỢC LỄ TƯỞNG NIỆM

QUỐC HẬN NĂM THỨ 41 TỪ NGÀY 27/4/2016 ĐẾN NGÀY 30-4-2016 CỦA MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC TẠI LITTLE SAIGON, NAM CALIFORNIA 

 

 

Hoàng Thuỵ Văn

 

Little Saigon - 30/4/2015 - Tổng quát về chuỗi sinh hoạt Quốc Hận 30-4 năm nay:  Theo tinh thần buổi họp mở rộng hai Cộng Đồng ngày 26 tháng 3, 2016 tại Thư Viện Việt Nam và ngày 3 tháng 4, 2016 tại văn phòng Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, một ban tổ chức chung được gọi là Uỷ Ban Tưởng Niệm Quốc Hận Năm Thứ 41 gồm trên 30 tổ chức và hội đoàn khắp miền Nam California ghi danh tham gia ban đầu mà bộ phận điều hành của nó là Ban Điều Hợp Tưởng Niệm Quốc Hận Năm Thứ 41, gọi tắt là Ban Điều Hợp và người chịu trách nhiệm sự thành bại trước Uỷ Ban là Trưởng Ban Điều Hợp (coordinator), KQ. Richard Bùi Đẹp, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ/ Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại. Biểu tượng Quốc Hận 30-4 có Quốc Kỳ Việt Nam "Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ" bao trùm với bản đồ Việt Nam và khẩu hiệu "TOÀN DÂN XUỐNG ĐƯỜNG CỨU NƯỚC". 

 

Cũng nên nhắc lại "Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ" là Quốc kỳ của Quốc Gia Việt Nam (có đủ Hà Nội, Huế, Saigon, 1948-1954), Quốc Gia Việt Nam (1954-1956), Việt Nam Cộng Hoà (1956-1975), và từ sau biến cố Tháng Tư Đen, "Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ" là biểu tượng Tinh Thần Tự Do của người Việt trên thế giới không chấp nhận chế độ cộng sản Việt Nam.

 

1. Phút Mặc Niệm Quốc Hận 30-4 tại Tượng Đài Đức Thánh Trần, đúng 12 giờ trưa 30-4-2016

 

Theo kế hoạch năm nay đang thực hiện của Uỷ Ban Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 nói ở phần Tổng quát, một tổ chức văn hoá của Cộng Đồng người Việt tị nạn có trụ sở trên phố Bolsa, Little Saigon là Hội Đồng Quản Trị Đền Đức Thánh Trần do ông Phan Kỳ Nhơn làm Chủ tịch, đảm trách một Lễ Niệm Hương (chiêm bái Đức Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc Đại Nguyên Soái Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương, vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 13 và là chỗ dựa tinh thần của họ hiện nay để kỳ vọng lấy lại phần lãnh thổ, lãnh hải đã mất) và Phút Mặc Niệm (cho ngày tang mất Miền Nam Tự Do vào tay CSVN) đúng 12 giờ trưa ngày 30-4 hôm nay trong chuỗi Tưởng Niệm Quốc Hận. 

 

image057

 Nghi thức "Phút Mặc Niệm" là một trong chuỗi sinh hoạt Quốc Hận 30-4

 

Buổi lễ theo chương trình của BTC có trực tiếp truyền thanh do Đài Little Sàigòn Radio thực hiện. Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California đảm trách công tác, MC của chương trình tổng quát là ông Phan Tấn Ngưu, Tổng Hội Trưởng CSQG; MC nghi lễ chào cờ, ông Nguyễn Phúc Ái Đỉnh, Hội Trưởng VBQG Nam California. Ngoài ra LUB vẫn có vai trò không thể thiếu trong các công tác tại khuôn viên Đền Đức Thánh Trần.

 

image059

Ông Lê Văn Sáu, nói trước máy, vị đại diện của Uỷ Ban Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại nghi lễ "Phút Mặc Niệm"; ông Phan Tấn Ngưu, MC tổng quát; ông Nguyễn Phúc Ái Đỉnh, VBQG bên trái, MC nghi lễ chào cờ.

 

Về phía chính quyền địa phương người ta thấy có các dân cử ở Westminster gồm TT Tạ Đức Trí, PTT Sergio Contreras... Người ta cũng thấy có BS. Kimberly Hồ, UCV HĐTP Westminster; HĐTP Garden Grove có NV. Bùi Thế Phát, cũng là CT Cộng Đồng NVQGNC; về phía tổ chức và hội đoàn gốc Việt người ta nhận thấy có các vị ở Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại,  ông Trần Quan An,  CT HĐGS và bà Trần Xuân Mai, HT Bac Liêu; ông Nguyễn Văn Ức, CT HĐĐH, và phu nhân;  ông Phạm Đình Khuông, Tổng Thư Ký; Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ có TT Trưởng Bùi Đẹp cũng là Trưởng Ban Điều Hợp Tưởng Niệm Quốc Hận năm nay, TTP Nguyễn Thành Điểu. Hội Đền Hùng Hải Ngoại có LS. Nguyễn Xuân Nghĩa cũng là đoàn Trưởng Hưng Ca. Hội Đồng Quản Trị Đền Đức Thánh Trần có Chủ tịch Phan Kỳ Nhơn và nhiều vị hiện diện trong công tác. Về hội đoàn Biệt Động Quân, người ta nhận thấy có vị Tổng Hội Trưởng Nguyễn Minh Chánh, HT Nguyễn Văn Thuận của Nam California. Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California có Chủ tịch Lê Văn Sáu, cũng là giới chức trách nhiệm chương trình Phút Mặc Niệm năm nay. Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH có bà Chủ tịch Nguyễn Hạnh Nhơn. Một số giới chức thuộc các hội đoàn ở Nam California như ông Nguyễn Nam Hà, QĐ IV, ông Hoàng Tấn Kỳ, Liên Trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Giới Trẻ có Billy Lê, Nguyễn Thu Hà... Khách từ xa có cựu Đại tá Phạm Huy Sảnh, v.v..

 image061

Chào cờ tại Tượng Đài Đức Thánh Trần lúc 12 giờ trưa ngày 30-4 trong chuỗi Tưởng Niệm

 

Trong Chương Trình có nhiều lời phát biểu của các vị dân cử, đại diện Cộng Đồng và các đại diện hội đoàn về Quốc Hận 30-4 không thể xoá mờ được trong tâm khảm người dân là nạn nhân đau khổ của chế độ CSVN. Những người phát biểu gốc Việt nói thay tiếng nói của người dân không được nói, họ đang gửi ra thông điệp cho thế giới không phải nói lời hận thù chế độ cộng sản và những kẻ tiếp tay cho bọn "hung tàn mang bao tay nhung" đã đối xử tàn ác với người dân Việt Nam ngót 3/4 thế kỷ, thay vào đó là bài học kinh nghiệm cho tuổi trẻ, và lời hối tiếc kính chuyển đồng bào trong nước là chưa làm tròn lời thề "bảo quốc an dân"!

 image063

Lực lượng đông đảo của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California tại nghi thức Phút Mặc Niệm trong chuỗi Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 2016

 

Nghi thức treo cờ rũ tại các tượng đài và kỳ đài trong khu Little Sàigòn đã sẵn sàng trước ngày 27-4 theo đúng lịch trình làm việc của Ban Điều Hợp. Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California là lực lượng đông đảo thực hiện nghi lễ chào cờ với hàng quân danh dự. Người ta cũng nhận thấy đôi dải tang đen đã được gắn theo lá cờ Việt Nam "Vàng Ba Sọc Đỏ" được kéo lên trước và khi chào cờ Hoa Kỳ vừa dứt, đến Phút mặc niệm, cờ Việt Nam được kéo thấp xuống một nửa cột để thực hiện "cờ rũ" mà người Việt tị nạn muốn để tang quê hương cũ của họ bị CSVN cưỡng chiếm từ ngày 30 tháng Tư, 1975. Vì cán bộ cộng sản tham ác khi vào được Sàigòn và miền Nam để thực hiện 4V theo phương án "giải phóng miền Nam" hay "giải phóng" 'tại' miền Nam" theo cách nói mỉa mai của những phụ nữ bị "tán gia bại sản" ở miền Nam. Những người Việt có nguồn gốc tị nạn trốn chạy khỏi nước đang sống ở hải ngoại trên các xứ sở mà người dân biết trọng pháp và biết sử dụng quyền hạn công dân của mình. Cho dù họ là những thương gia triệu phú, chuyên viên ưu tú hay họ là những cựu chiến binh thất cơ với bàn tay trắng, trong họ không thiếu những người mang nặng lòng yêu quê hương đất tổ. 

 

1. Link: Phút Mặc Niệm lúc 12 giờ trưa tại Tượng Đài Đức Tháng Trần, 30-4-2016

https://picasaweb.google.com/100800038531505182033/6280711863965822001#

 

2. Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ

 

Bàn niệm hương các Anh Hùng Tử Sĩ QLVNCH đã nằm xuống vì chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, phiá trên là cờ rũ quốc kỳ Quốc Gia Việt Nam hay quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà và nay là biểu tượng Tinh Thần Tự Do của người Việt tị nạn CSVN. Tất cả đẵ sàn sàng cho buổi Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 năm nay, 30-4-2016 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ/ Vietnam War Memorial, Westminster.

 

Chương trình tổng quát do MC. Đỗ Tân Khoa và MC Minh Phượng điều khiển, MC. Nguyễn Văn Hùng điều khiển lễ Chào cờ và Phút mặt niệm, CS. Lan Hương hát Quốc ca Hoa Kỳ, MC Quỳnh Hoa điều khiển chương trình văn nghệ. Hát Quốc ca Việt Nam do một tập hợp đông đảo của 12 hội đoàn tham gia được sắp xếp hai bên lễ đài làm tăng thêm sự trang trọng của nghi lễ Chào cờ Việt Mỹ và Phút mặc niệm.

 

Bàn niệm hương các Anh Hùng Tử Sĩ QLVNCH đã nằm xuống vì chính nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, phiá trên là cờ rũ quốc kỳ Quốc Gia Việt Nam và cũng là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, và nay là biểu tượng Tinh Thần Tự Do tôn quý của người Việt tị nạn CSVN 

 

Người ta nhận thấy có sự hiện diện của các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo trong Hội Đồng Liên Tôn tại Hoa Kỳ niệm hương và cầu nguyện. Người ta cũng nhận thấy có sự tham dự của hầu hết Dân cử địa phương gắn bó với cộng đồng người Việt tị nạn. 

 

TNS TB California Janet Nguyễn mà lần này BTC sắp xếp Cô như là đại diện thế hệ thứ hai, đã để lại hình ảnh đẹp sau bài phát biểu và sau đó là cử chỉ đoàn kết của Cô với NV Phát Bùi cũng là UCV HĐ Giám Sát Orange County, Khu vực 1. Những người thường có thái độ nhã nhặn và "cùng tần số làm việc" gặp nhau trong hoàn cảnh này làm các nhà quan sát về cuộc bầu cử dòng chính năm nay có cơ hội viết bài theo ý nghĩ của họ nhưng cũng có bài nhận định thích hợp với quan điểm của số đông đồng hương tị nạn. Wait & see! Trong một khoảnh khắc hình ảnh đã truyền đi khắp thế giới khi Cô trao tặng bằng tưởng lục cho Uỷ Ban Tưởng Niệm Quốc Hận qua đại diện thay mặt là hai vị Chủ tịch Cộng Đồng đương nhiệm ở Nam California. 

 

Các vị dân cử tiếp theo là  HĐTP Westminster có Thị trưởng Tạ Đức Trí, Phó TT. Sergio Contreras...; Thị trưởng và NV. HĐTP Fountain Valley, ông Michael Võ và phu nhân; Garden Grove có NV Bùi Thế Phát, cũng là CT CĐNVQG NC và phu nhân; LS Nguyễn Quốc Lân, Học Khu Garden Grove. Về học giới có GS. Phạm Cao Dương, ông cũng là một diễn giả đại diện thế hệ Cao Niên hôm nay nhận được rất nhiều sự đồng tình qua những tiếng vỗ tay của những người tham dự.

 

image065

Toán Hầu Kỳ quốc kỳ Việt Mỹ thuộc về danh dự của cựu quân nhân các lực lượng Tổng trừ bị QLVNCH trên nhiều sắc áo màu hoa rừng

 

Về hội đoàn đấu tranh người ta nhận thấy ông Cổ Tấn Tinh Châu, Niên trưởng TQLC, cũng là một diễn giả đại diện QLVNCH hôm nay mà chốc nữa đây sự đồng tình bằng tiếng vỗ tay của người quan tâm cho bài phát biểu của ông đã vang dội một góc trời Cali. Quả thật, không những cả ngàn người tị nạn không chấp nhận chế độ CSVN có mặt hôm nay lắng nghe mà dòng tâm tư yêu nước của người lính sờn vai năm xưa ấy còn lan rộng như một thông điệp cảnh báo cho sự cáo chung của chế độ độc tài đã và đang làm đau khổ người dân Việt Nam. Ngoài ra BTC cũng mời một thành phần trẻ đại diện thế hệ thứ ba lên phát biểu, người ta thấy có anh Billy Lê năng nổ và một số bạn trẻ hợp tác trong BTC.

 

 image067

KQ. Richard Bùi Đẹp, không phải chỉ với bộ đồ đi bay thật đẹp, bộ râu phong trần của một người thật là "đàn ông" hôm nay làm cho số đông chú ý mà với uy tín của một cựu sĩ quan có trách nhiệm của QLVNCH trong vai trò Trưởng Ban Điều Hợp Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4, 2016 mà một ủy ban đã kết hợp từ những tổ chức, hội đoàn bầu chọn 

(Mời xem Youtube 1/6)

 

Tiếp theo hội đoàn đấu tranh có ông Nguyễn Minh Chánh, THT BĐQ... BTC gồm lực lượng đông đảo vẫn là Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ/ Tập Thể CSVNCH HN. Toán hầu kỳ mang và bảo vệ quốc kỳ Việt Mỹ thuộc về danh dự của cựu quân nhân các lực lượng Tổng trừ bị QLVNCH trên nhiều sắc áo màu hoa rừng, màu hoa chiến trường thương nhớ nay sinh hoạt chung tại Trung Tâm Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ... Thành phần tham dự đông đảo và đáng hãnh diện nhất vẫn là đồng hương tị nạn CSVN ở miền Nam California.

 

image068

Ông Bùi Thế Phát, NV HĐTP Garden Grove cũng là CT CĐNVQGNC, đứng bên phải và ông Trương Ngãi Vinh, Chủ tịch CĐVNNC bên trái. 

 

Các vị được mời phát biểu đều được sự quan tâm của đồng hương nhiều nhất nhưng đối tượng của sự mong chờ vẫn là hình ảnh hai vị chủ tịch Cộng đồng ở Nam California: Ông Bùi Thế Phát, NV HĐTP Garden Grove cũng là CT CĐNVQGNC và ông Trương Ngãi Vinh, Chủ tịch CĐVNNC. 

 

 image070

TNS TB California Janet Nguyễn  Khu Vực 34

 image052

GS. Phạm Cao Dương, một diễn giả mà BTC sắp xếp là đại diện thế hệ Cao Niên hôm nay, nhận được rất nhiều sự đồng tình qua những tiếng vỗ tay của những người tham dự

(Mời xem Youtube 3/6)

 

Các giới chức có ảnh hưởng nhất của Cộng đồng tị nạn người Mỹ gốc Việt của LUB có thành tích huy động một lúc đến 5 ngàn người đi biểu tình chống ông Nguyễn Minh Triết, người đứng đầu nhà nước và phái đoàn của nhà cầm quyền Hà Nội năm 2007 ở Dana Point, Nam California. Không phải một mà còn có nhiều cuộc biểu tình quy mô chống Trung cộng xâm lược lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc Việt Nam như Biểu tình Palm Springs, tháng 6/2013 và tháng 2/2016. Đó là quí quý ông Phan Kỳ Nhơn, CT LUB; ông Phan Tấn Ngưu, THT CSQG; ông Trần Vệ, THT VBQG; ông Bùi Thế Phát, Hậu duệ tích cực của QLVNCH, sau này là NV HĐTP Garden Grove và CT Cộng Đồng NVQGNC và UCV HĐ Giám Sát Orange County, KV 1; ông Bùi Đẹp, Trung Tâm Trưởng TT Điều Hợp Tây Nam Hoa Kỳ/ Tập Thể CSVNCHHN; ông Lê Quang Dật, Trưởng ban Truyền Thông Báo Chí CĐNVQGNC, v.v.. 

 

Ngoài ra người ta cũng thấy dự tham dự của ông Phạm Bá Hoa, NT, nhà văn và tác giả; Bs. Võ Đình Hữu, CT Cộng Đồng NVQG Liên Bang Hoa Kỳ, v.v..

 

Về chương trình văn nghệ mở đầu trước giờ khai mạc có Quỳnh Hoa và các ca sĩ Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày. Chương trình văn nghệ chính thức với ca khúc "Một ngày Việt Nam" của Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ do các ban văn nghệ của Ban Tù Ca Xuân Điềm, CLB Tình Nghệ Sĩ và đại diện BTC, các hội cựu nữ sinh các trường trung học VNCH trình bày.

 

Một hoạt cảnh làm ứa nước mắt người xem "Khăn Sô Cho Huế" (sáng tác của Trầm Tử Thiêng và Xuân Điềm) do Ban Tù Ca Xuân Điềm trình diễn.

 

Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đóng góp nhiều màn trình diễn trong chương trình văn nghệ hôm nay với các ca khúc "Thuyền Nhân Việt Nam", "Thắp Sáng Việt Nam", và "Đôi Mắt Phượng."

 

Ca khúc "Đôi Mắt Phượng", sáng tác Cao Minh Hưng do CLB Tình Nghệ Sĩ trình diễn.

https://www.youtube.com/watch?v=8jCIV6c4rc0

 

 

Dưới đây là hoạt cảnh "Đôi Mắt Phượng" - Truyện của Nguyễn Đạt Thịnh - Nhạc nền theo ca khúc "Đôi Mắt Phượng", sáng tác của Cao Minh Hưng, CLB Tình Nghệ Sĩ trình diễn nhân ngày Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 Năm Thứ 40, 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, nơi này.

 

Phượng, người phụ nữ đáng thương, người vợ yêu của Quân Y Sĩ Trung Uý Nguyễn Quang của Quân Y VNCH. Thời suy quỉ lộng, Trung Uý Quang bị nhốt tù mà thời đó gọi là "học tập cải tạo"của chế độ CSVN. Phượng có đôi mắt tuyệt trần và tác giả câu chuyện thương tâm là anh Năm Nguyễn Đạt Thịnh viết không xa sự thật làm người xem rớm nước mắt cũng xem như là chuyện của lòng mình vì không ít cảnh đau lòng đã xẩy ra nhiều cho biết bao người lính VNCH và người yêu của lính

"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này??"

(hỏi tức là trả lời)

 

CLB Tình Nghệ Sĩ đã dàn dựng thành hoạt cảnh đấu tranh "Đôi Mắt Phượng" mà diễn viên Thuý Quỳnh thủ diễn xuất sắc trong vai Phượng, diễn viên Bình Trương trong vai người chồng là một bác sĩ Quân Y QLVNCH. VC vào Nam cướp sạch, chồng đi tù, vợ nuôi chồng đuối sức, nàng phải bán thân, nhặt từng đồng tiền nhục nhã này. Người chồng biết nhưng thất cơ không làm gì ra tiền để nuôi gia đình và cũng vì thương vợ con nên không làm gì khác hơn. Một ngày đó, vợ sắp xếp cho chồng vượt biên và khi nàng trao tay cho chàng một gói vàng 10 cây chàng ớ ra, khi hiểu ra mới biết mỗi lần nàng đi với phu xe xích lô là "đi khách", chàng hiểu thêm được sự cao quý của tấm lòng "vợ của người tù cải tạo" lặng lẽ trong đau đớn ngậm ngùi. Chế độ CSVN mất cả nhân tính làm sao có tình người!?

 

Cuối cùng tàu vượt biển mắc nạn tại hòn đảo đá ngầm ở đâu đó gần Nam Dương - Mã Lai. Đói quá phải ăn thịt người chết, Phượng kiệt sức ở giữa đường tìm tự do và chết trên một chiếc tàu đánh cá Đài Loan khi tất cả được cho lên để được đưa đến đất liền trong sự đau đớn của chàng và đứa con trai nhỏ lúc chuồi nàng xuống biển theo thuỷ táng.

Sự chịu đựng của con người thất cơ trong cơn hoạn nạn thật đáng trân quý. Đó là lý do người dân trong nước kính trọng Cờ Vàng do từ người lính QLVNCH đã xả thân để bảo quốc an dân đem xương máu điểm tô cho lá cờ luôn tươi thắm. Đó là tinh thần người lính VNCH. Viết để hướng tâm tưởng niệm những người đã nằm xuống cho đất nước khôn khổ này.

 

 

Photofiles Links:

2. Đêm Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4-tại Tượng Đài CSVM, 30-4-2016 - Tập 1/2

https://picasaweb.google.com/100800038531505182033/6280719446776886225#

 

3. Đêm Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Tượng Đài CSVM, 30-4-2016 - Tập 2/2

https://picasaweb.google.com/100800038531505182033/6280732082418501793#

 

 

Youtube links:

4- Youtube 1/6: Phát biểu của KQ. Bùi Đẹp

https://www.youtube.com/watch?v=lLkZEmqQXjc

 

5- Youtube 2/6: Phát biểu của hai CT Cộng đồng ở Miền Nam California

https://www.youtube.com/watch?v=n213kp5lGHk

 

6- Youtube 3/6: Phát biểu của GS. Phạm Cao Dương

https://www.youtube.com/watch?v=HbtlkYnVHLM

 

7- Youtube 4/6: Phát biểu của NT. Cổ Tấn Tinh Châu

https://www.youtube.com/watch?v=iF6u9SOc_mE

 

8- Youtube 5/6: CLB Tình Nghệ Sĩ - "Thắp Sáng Việt Nam", Anh Bằng và Cao Minh Hưng

https://www.youtube.com/watch?v=6rP9_avINY4

 

9- Youtube 6/6: Ban Tù Ca Xuân Điềm - "Việt Nam Tôi Đâu", Việt Khang

https://www.youtube.com/watch?v=8DdynFZBIOU

 

Hoàng Thuỵ Văn <van.hoangthuy@yahoo.com>


Ảnh: H. Vuong <hvuong311@gmail.com>



 

 

24 Tháng Ba 2016(Xem: 8877)