Sử gia Trần Anh Tuấn "nhận xét" Sử Gia Tạ Chí Đại Trường

04 Tháng Tư 201611:14 CH(Xem: 9572)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  BA  05 APRIL 2016

Mục Ý KIẾN DƯ LUẬN  là mục mở rộng bên cãnh mục DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ của  báo Văn Hóa nhằm ghi nhận các luồng dư luận phản biện nhiều đề tài - nhiều sự kiện khác nhau. Mục này không hẳn là quan điểm chủ trương của tờ báo. Tòa soạn được quyền xóa bỏ những ngôn từ không thích hợp. Văn Hóa xin ghi nhận mọi ý kiến gởi về: vaama2008@gmail.com / Trân trọng.

______________________________________________________________________________

LTS: - Vài hàng tiểu sử Gs Trần Anh tuấn
image001
Gs. Trần Anh Tuấn dòng dõi họ Trần ở Hải Dương, đến đời nội tổ mới về Thanh Hoá. Ông học vỡ lòng với cô giáo con gái chủ hãng lơ Vũ Tạo (Hà Nội) tại trại thuốc lá Yên Hà của thân sinh ở làng Ba Bông, Thanh Hoá. Sau đó, ông học trường Tại tại thị trấn Voi, Thanh Hoá trong thời kháng chiến chống Pháp, rồi tiểu học Vân Hồ, Hà Nội.

Theo gia đình vào Sài Gòn năm 1954, ông học trường di chuyển Cầu Kho (1956), Hồ Ngọc Cẩn (1960), Chu Văn An (1963), Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (1967) và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1968). Ông hoàn tất Cao Học Sử (1972) và chương trình Tiến Sĩ Chuyên Khoa Sử Học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1974) nhưng chưa trình luận án vì biến cố 30.4.1975.

Ông hoàn toàn là sản phẩm của nền giáo dục ba miền Trung Bắc và Nam trong những hoàn cảnh và chế độ khác nhau, và hãnh diện về sự kiện này.


Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm năm 1967, ông giảng dạy tại Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, rồi Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, và Đại Học Cao Đài Tây Ninh cho đến tháng Tư năm 1975. Ông được mời vào Hội Đồng Quản Trị Hội Société des Etudes Indochinoises, một cơ quan văn hoá của Pháp tại Sài Gòn, và đảm nhận vai trò Thư-viện-trưởng vì tiểu luận Cao Học Sử của ông (Thư Tịch Chú Giải Lịch Sử Việt Nam Qua Các Tạp Chí Pháp Ngữ 1865-1970, 251 tr.) hoàn tất nhờ tài nguyên tại Thư Viện Hội. Ông bị động viên khoá 2/68 Sĩ Quan Trừ Bị tại Đồng Đế, Nha Trang. Ông được biệt phái về dạy lại tại Trung Học Nguyễn Đình Chiểu năm 1970.

Sau ngày 30.4.1975, ông bị bắt vào các trại tập trung Trảng Lớn, Đồng Ban, và Kà Tum tại Tây Ninh, rồi Z30B tại Long Khánh trong ba năm mới được trả tự do bằng Giấy Ra Trại số 689 ngày 4.3.1978 của Cục Quản Lý Trại Giam, Bộ Nội Vụ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Cuối năm 1978, ông giả làm người gốc Hoa với tên Trần Phước để vượt thoát Việt Nam tại Vũng Tầu đến Indonesia, nếm mùi vượt biển bằng thuyền và cuộc sống hỗn độn trong một trại tỵ nạn Đông Nam Á, là trại tị nạn Tanjung Uban.

 
Đặt chân xuống phi trường San Francisco ngày 13.11.1979, ông trở lại nghề thầy tại Học Khu Thống Nhất Oakland, Bắc California tháng 2.1980 sau khi hoàn tất thủ tục lấy Teaching Credential (Giấy Phép Hành Nghề Dạy Học) tại Bộ Giáo Dục Tiểu Bang ở Sacramento. Sau hơn 25 năm giảng dạy và làm chuyên viên giáo dục tại Học Khu, ông quyết định về hưu sớm để có thì giờ theo đuổi những dự án dài hơi về sử học. Vẫn còn vương vấn thế giới học đường và để có thể trực tiếp tiếp xúc với giới trẻ, ông bắt đầu dạy bán thời gian ở trường đại học cộng đồng The College of Alameda, California kể từ niên khóa 2005-06.

Ngoài việc giảng dậy, Gs. Trần Anh Tuấn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sử học từ năm 1966 đến nay, từ trong nước (các tập san Sử Địa, Tư Tưởng, Nghiên Cứu Việt Nam...) ra đến hải ngoại (các tập san Thế Kỷ 21, Văn Học, Khởi Hành...). Ông là một nhà thư tịch học. Ông chủ  biên nội san Tin Sử Địa (1964-1966), rồi trong ban chủ trương Tập San Sử Địa trong nước (1966-1975) và sáng lập chuyên san Dòng Sử Việt tại California (2006-2007).

Dự án dài hơi của ông là Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2015) sẽ xuất bản năm nay, và sau đó là Lịch Sử Lập Cư của Người Việt tại Hoa Kỳ (1975-1990).

Giáo sư Trần Anh Tuấn hiện hưu trí tại thành phố đảo Alameda, miền Bắc California./

 

Cùng quý thân hữu,

Tôi đã nhận được một số hồi đáp và đề nghị từ quý thân hữu:

1. Anh Nguyễn Kỳ Phong. Anh Phong trong tư cách của một độc giả, đề nghị bỏ câu cuối cùng có tên NCK, TNH, và PD. Nhận định của NK Phong chính xác, và tôi đã đồng ý bỏ câu cuối đó. Với thân hữu nào chưa biết về NKPhong, tôi xin chia sẻ một hai chi tiết. Khi tôi xuất bản chuyên san Dòng Sử Việt hồi năm 2006-07 thì Cơn Gió Lạ đến với tôi. Anh là cựu học sinh Võ Trường Toản Sài Gòn, sang Mỹ,  tốt nghiệp đại học rồi vào làm trong Ban Quân Sử thuộc Bộ Lục Quân Hoa Kỳ. Xin hãy đọc Vũng Lầy Của Bạch Ốc. Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975 ( Virginia, Tiếng Quê Hương xb, 2006, 577 tr.) để hiểu cách viết sử của đại học Hoa Kỳ. Tôi mừng thấy Nguyễn Kỳ Phong là một sử gia của thế hệ sau chúng tôi.

 

2. Bỏ câu cuối thì câu trước đó trở thành câu cuối của bài, với hai chữ "vẩn đục." Anh Đào Đức Chương đã liên lạc bằng điện thoại và đề nghị thay thế hai chữ "vẩn đục" bằng "tì vết" cho nhẹ. Tôi cám ơn anh ĐĐChương ngay, vì dù sao sử gia TCDT cũng là một người có chuyên môn cao ít người bì kịp.

 

3. Một thân hữu lưu ý tôi về website của công ty bán sách Tiki.vn ở Sài Gòn theo đó quyển sách cuối cùng của TCĐT là Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ (1861-1945) được in năm 2011, từ đó mới có ý kiến là lần in đầu năm 2011 với 382 trang và lần tái bản là năm 2014 với 388 trang. Tôi đã xem kỹ quyển sách ấy trong tay nên kết luận thế này:

"Anh TCDT ký hợp đồng xuất bản với nhà Nhã Nam năm 2011 (trang 2) nhưng sách chỉ "In xong và nộp lưu chiểu năm 2014"(trang 388, tức trang cuối). Người ta đã lẫn lộn năm ký hợp đồng (2011) với năm sách in xong (2014). Anh ... để ý sẽ thấy thời gian ký hợp đồng với thời gian in xong cách nhau quá lâu một cách bất thường. Đó là lý do tôi "tưởng tượng" hai bên đã làm việc rất căng thẳng với nhau trong mấy năm trời, và cuối cùng anh TCDT phải theo ý người ta mà đặt bút xuống, viết ra những dòng chữ từ nay không bao giờ xóa được. Vừa buồn bạn vừa tức bạn vừa thương bạn là thế. Anh không để ý đến chuyện tôi kêu gào nhiều lần câu: "TCDT phải có bản lãnh hơn thế này" sao?!

Tôi có sách này trong tay, nên biết rõ chi tiết về sách. Tóm lại, quyển Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ (1861-1945)chỉ mới xuất bản một lần vào năm 2014, dầy 388 trang. Website của nhà sách Tiki.vn ghi sách này chỉ có 382 trang có lẽ càng làm anh tin là có hai lần in. Sự thật thế này. Tôi đếm trang là đếm tất cả các trang thuộc quyển sách, tức là cả Mục Lục nên có 388 trang,  còn nhà Tiki.vn thì không tính phần Mục Lục, nên mới chỉ có 382 trang. Họ không chuyên nghiệp mà!"

 

4. Phần hồi đáp mới đây nhất và cũng quan trọng nhất là chi tiết tôi viết tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu phải trả giá khi có in sách tại Việt Nam. Anh Phạm Phú Minh đã liên lạc với thân nhân của tác giả Đỗ Mậu là ông Đỗ Hữu Chí. Ông ĐHChí cho anh PPMinh biết nhà xuất bản Công An Nhân Dân tại Việt Nam tự ý biến cải nội dung thay đổi tên sách mà tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu không hề biết. Tôi đọc lại Lời Tựa của Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi. Hồi Ký Chính Trị  (California, Văn Nghệ tb, 1993, 1089 tr. ) thì quả thật tác giả đã không biết gì về chuyện nhà xuất bản Công An tại Việt Nam in lậu sách. Đây là lời tôi xin lổ̃i đã gửi tới địa chỉ email của anh PPMinh:

"Thế này là tôi có lỗi nặng với tác giả Hoàng Linh Đỗ Mậu rồi, có lỗi với cả gia đình nữa. Tôi sẽ sửa bỏ ngay phần nói về hai trường hợp Hoàng Linh Đỗ Mậu và Nguyễn Tiến Hưng trong bài viết.

Xin cám ơn anh Phạm Phú Minh và ông Đỗ Hữu Chí.

Trần Anh Tuấn"

 

5. Vì thế, kèm đây là bản viết lại của tôi, đã "sửa chữa cẩn thận hơn."

Xin cám ơn thiện ý của nhiều thân hữu đã giúp tôi tránh được sai sót. 

 TAT

_________________________________________

 

Nhận định về sử gia Tạ Chí Đại Trường

 

Trần Anh Tuấn

 

Giáo sư Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp cao học Sử tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1964, và hoàn tất chương trình tiến sĩ chuyên khoa Sử tại đó năm 1973. Bị động viên, ông phải trốn về Sài Gòn khi trình tiểu luận cao học Sử với đề tài Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802. Mãi đến năm 1973 ông mới được biệt phái về Bộ Quốc Gia Giáo Dục mà nhiệm sở là trung học Tân An thuộc tỉnh Long An. Ông có thỉnh giảng tại Đại Học Cửu Long, một đại học tư ở Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975.

Thuộc lớp nghiên cứu Sử được đào tạo tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong thập niên 1960, ông là một trong những tác giả tích cực cộng tác với Tập San Sử Địa (Sài Gòn, 1966-1975).

Tập San Sử Địa là một quý san do Nhóm Sử Địa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn chủ trương. Buổi đầu, nhóm này có tờ nội san quay ronéo, tức Nội San Tin Sử Địa do Hà Mai Phương chịu trách nhiệm năm 1962-64. Từ năm 1964, trách nhiệm của nội san chuyển sang Trần Anh Tuấn. Phần chính của Nội San bao gồm bài vở của các giáo sư và sinh viên Sử Địa Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Phần phụ của Nội San là đăng lại những tài liệu hiếm quý từng in trong những tạp chí xưa như Tri Tân, Thanh Nghị... mượn trong hai tủ sách tư nhân của giáo sư Nghiêm Thẩm và ông Thái Văn Kiểm.

Năm 1966, ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí tình cờ đọc thấy một số Nội San và ngỏ ý tài trợ việc in ấn, vì theo ông, nội dung Nội San mà quay ronéo để phổ biến một cách giới hạn thì “uổng lắm!”

Thế là Nội San biến thành Tập San Sử Địa từ đó, ra được 29 số cho mãi đến khi Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ, dưới sự chăm sóc của Nguyễn Nhã, "chuyên viên" liên lạc tìm người viết bài.

Tập San Sử Địa không có Chủ Bút, vì lúc ấy chúng tôi hoặc là còn đang “mài đũng quần trên ghế nhà trường” -theo cách nói rẻ rúng của Nguyễn Huy, cũng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn Ban Sử Địa, định cư ở Canada sau năm 1975- hoặc mới ra trường nên khả năng chuyên môn còn giới hạn.

Giáo sư Tạ Chí Đại Trường là một trong những người nghiên cứu sử sang được Hoa Kỳ muộn nhất. Mãi đến tháng 8 năm 1994 ông mới đặt chân đến Hoa Kỳ.

Nhưng ngay từ khi còn ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, ông đã có can đảm cho xuất bản nhiều tác phẩm của mình ở hải ngoại. Đó là các quyển Thần, Người và Đất Việt (California, Văn Nghệ xb, 1989, 398 tr.), Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài (California, Thanh Văn xb, 1993), và Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong và Bên Ngoài, viết chung với Nguyễn Xuân Nghĩa (California, Văn Lang xb, 1994, tr. 1-80).

Ngoài những sử phẩm nêu trên, ông còn thường xuyên có bài đăng trên Văn Lang, một tập san nghiên cứu Việt Học xuất bản tại Nam California, trong những năm 1991-1993.

Một chia sẻ rất tự nhiên của ông và làm độc gỉa thấy gần với sử gia họ Tạ là khi ông cho biết còn ở trong nước mà đăng bài và in sách ở ngoài như thế là sự bất đắc dĩ và “hồi hộp!” (Lời Nói Đầu trong Những Bài Dã Sử Việt, trang 9).

Tạ Chí Đại Trường quê quán Bình Định, đề tài nghiên cứu của ông thường là lịch sử Việt Nam thời cận và hiện đại, nhất là thời Tây Sơn. Ông có những suy luận sâu sắc và độc đáo, nhưng đố ai đọc sách ông viết mà không nhức đầu vì ông có tật làm dáng khi viết! Văn ông có sự phức tạp cầu kỳ và mất sự trong sáng dễ hiểu, khiến tác phẩm của ông khó phổ biến ngay trong số những người có trình độ học vấn cao. May thay, văn của ông trong thế kỷ XXI đã có phần sáng sủa dễ đọc hơn.

Thời gian đầu khi mới định cư ở Hoa Kỳ, Tạ Chí Đại Trường tung hoành ngang (tạp chí) và dọc (tác phẩm) như một cánh chim bằng vừa được tháo cũi sổ lồng.

Đặt chân đến Hoa Kỳ hồi tháng 8 năm 1994 thì tháng 4 năm sau ông đã có bài trên tạp chí Văn Học ở California (“Sử Học và Truyền Thống Hùng Vương,” Văn Học số 108, tháng 4/1995, trang 3-18).

Sau đó, ông đều đặn phổ biến nhiều thiên nghiên cứu khác trên Văn Học (trong các số 156, 4/99; 165&66, 1-2/2000; 168, 4/2000; 170, 6/2000; 177&78, 1-2/20001; 179, 3/2001; 188, 12/2001; 192, 4/2002; 195, 7/2002; 198, 10/2002; 201-202, 1-2/2003; 203-204, 3-4/2003; 212-213, 12/2003-1/2004, 216, 4/2004; 217, 5/2004; 219, 7/2004; 226, 7-8/2005; 227, 9-10/2005...)

Những nghiên cứu này, ngay sau đó, được sử dụng như những công trình chính để ông xuất bản dưới dạng sách, là Những Bài Dã Sử Việt (California, Thanh Văn xb, 1996, 432 tr.), Những Bài Văn Sử (California, Văn Học xb, 1999, 207 tr.), Sử Việt Đọc Vài Quyển (California, Văn Mới xb, 2004, 523 tr.), và Bài Sử Khác Cho Việt Nam (Sơ Thảo) (Văn Mới xb, 2009, 564 tr.)

Trong Những Bài Dã Sử Việt, Tạ Chí Đại Trường đã vượt quá những đề tài quen thuộc của ông để lùi về dĩ vãng xa xăm thời Hùng Vương, hay khảo về lịch sử thế kỷ X, và rị mọ về chế độ nội hôn -mà Tạ Chí Đại Trường gọi là “loạn dâm” của nhà Trần thế kỷ XII-XIV. Sự đóng góp quan trọng nhất của Tạ Chí Đại Trường qua Những Bài Dã Sử Việt là công cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và sâu sắc về hệ thống tiền đồng và tiền giấy Việt Nam qua dòng lịch sử.

Đến Những Bài Văn Sử thì Tạ Chí Đại Trường lại trở lại nỗi ám ảnh từ lâu của ông, là chuyện viết sử và viết văn. Thành ra khi viết sử, ông dồi dào những sự thông giải cùng ý tưởng sáng tạo nhưng văn phong cứ uốn éo khó hiểu.

Trong Thay Lời Nói Đầu nơi trang 11 của sách này, ông phát biểu, nguyên văn: “văn chương là của một người” “sử học phải dành cho tập đoàn...” Đây thật là một sự rắc rối không cần thiết! Văn chương mà không chia sẻ thì đâu phải là văn chương?! Anh viết truyện hay anh làm thơ, là anh viết cho người khác đọc chứ?! Và sử là gì, nếu sử không phải là một câu chuyện kể? Ai mà không kể chuyện được, thử hỏi?!

Viết sử là viết những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng phải viết sao cho trong sáng rõ ràng, có sâu sắc cũng phải mạch lạc dễ hiểu để độc giả khi đọc phải bồi hồi háo hức. Nói cách khác, văn chương là hình thức của sự truyền bá lịch sử. Hai yếu tố này không thể phân tách, cũng như người ta không thể phân tách phần hồn và phần xác của một con người sinh động!

Sử Việt Đọc Vài Quyển đánh dấu nét tài hoa của họ Tạ khi ông nghĩ và viết sử. Nhiều đề tài hay cách trình bầy mới mẻ: Sex Và Triều Đại (tr. 101-175), Các Sử Quan Ẩn Khuất Lúc Ban Đầu (tr. 17-61), Các Sử Gia Nho Thần (tr. 62-100)... Phần "Đối Thoại Sử Học" là dịp ông nhận xét về giới nghiên cứu sử trong chế độ Cộng Sản Hà Nội thông qua Bùi Thiết, Vũ Minh Giang... Nhưng bài “Tiến Trình Vương Hóa Mới” lọt vào sách (tr. 382-430) thật đáng tiếc, vì nội dung bài này không gì khác hơn là những sự việc ai cũng biết rồi!

Bài Sử Khác Cho Việt Nam (Sơ Thảo) có lẽ dẫn xuất từ sự thành công của những soạn phẩm mà tác giả cho trình làng trong hai thập niên 1990-2000. Bây giờ, sự tự tin của Tạ Chí Đại Trường xuất lộ đến thành chữ viết, và ông đã cao ngạo mong rằng sách này sẽ là "tập sử của thời có sử," ngược với loại "sử học thời sự" hiện nay mà họ Tạ gọi là "thời kỳ tiề̀n sử của sử học..." (trang 9).

Cũng như những quyển sách trước đó, là Thần, Người Và Đất Việt năm 1989, Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài năm 1993, Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong Và Bên Ngoài năm 1994, Những Bài Dã Sử Việt năm 1996, Những Bài Văn Sử năm 1999, Sử Việt Đọc Vài Quyển năm 2004, Bài Sử Khác Cho Việt Nam (Sơ Thảo) năm 2009 này phân tích, lý luận, và nhận định về những sự kiện xảy ra trong quá khứ.

Trong hành trình tri thức ấy, tác giả đã tỏ lộ một kho kiến thức vừa căn bản vừa quảng bác, một sở đắc gồm sử triết và... văn, những tư tưởng độc đáo bất ngờ, cùng nhiều chi tiết mới mẻ và sự kiện mới mẻ trong quá khứ dân tộc Việt. Những yếu tố thu hút đó giải thích sự nể trọng của nhiều tầng lớp và nhiều thế hệ độc giả dành cho sử gia họ Tạ, dù ở trong nước hay ở hải ngoại, dù hiểu hay không hiểu cách hành văn của ông. Đó là cách viết sử của Tạ Chí Đại Trường, và chỉ Tạ Chí Đại Trường mà thôi!

 image004

Điều đặc biệt là sau khi đọc vài quyển sử Việt tại hải ngoại, Tạ Chí Đại Trường trở về Việt Nam rồi người ta thấy nhà xuất bản Công An Nhân Dân trong nước tái bản quyển Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802 của ông, nhưng đổi tựa đề thành Việt Nam Thời Tây Sơn. Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802 (Hà Nội, nxb Công An Nhân Dân, 2007, 484 tr.). Mới đây, nhà xuất bản Nhã Nam-Tri Thức lại tái bản vào tháng 8.2013, 482 tr.

Đây là thái độ đảo ngược 360 độ trong chính sách văn hóa thông tin của nhà cầm quyền Hà Nội, vì sau khi chiếm được Việt Nam Cộng Hòa, họ đã lập nên “Phòng Trưng Bầy Tội Ác Mỹ Ngụy” tại Sài Gòn trong đó quyển Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802 của Tạ Chí Đại Trường nằm “lù lù” trong đó (chữ của chính tác gỉa)!

Quyển Thần, Người và Đất Việt (California, Văn Nghệ xb, 1989, 398 tr.) của ông cũng được tái bản ở Việt Nam. Mới đây là nhà Nhã Nam-Tri Thức, tháng 1.2014.

Đến năm 2009 thì sách Những Bài Dã sử Việt cũng được nhà Nhã Nam-Tri Thức tại Hà Nội tái bản và Dương Trung Quốc, Tổng Thư Ký Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, giới thiệu.

Và gần đây nhất, bản thảo Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ (1861-1945) của ông được xuất bản lần đầu tiên ở trong nước, vẫn do nhà Nhã Nam-Tri Thức ấn hành năm 2014, 388 tr.

Là cố nhân với nhau, tôi buồn khi thấy sách Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ (1861-1945) của Tạ Chí Đại Trường in tại Việt Nam có kết luận của ông, nếu thật là của ông, trong những dòng chữ cuối cùng của sách hàm ý ca tụng Cộng Sản Việt Nam một cách uốn éo thô thiển.

Xin nêu lên ngay ở đây một bằng chứng cho sự uốn éo của lời văn họ Tạ: "... Kỹ thuật sử dụng vũ khí được thông hiểu không chần chờ..."  Thông hiểu không chần chờ thì văn đã nặng hơn họ mất rồi!

Nơi trang 348, trang cuối của quyển sách, trước phần Tài Liệu Tham Khảo, có nguyên văn như sau: "Cuộc tranh đấu kết thúc vào một ngày tháng Bảy năm 1954 giữa hai phe là một cuộc tranh đấu sử dụng hoàn toàn kiến thức kỹ thuật Tây Phương. Kỹ thuật sử dụng vũ khí được thông hiểu không chần chờ. Có chút khác là kỹ thuật tổ chức đã đem lại ưu thắng cho người kháng chiến. Quan niệm chiến tranh đơn thuần chuyên môn chưa đủ thích ứng vào một xã hội cựu thuộc địa còn rất cũ kỹ khiến những người tốt nghiệp St. Cyr, Saumur... trở thành cô lập, phải lúng túng trước một tầng lớp đối kháng giờ đây đã thuộc lòng các yếu tính văn minh Tây Phương đến độ không những chỉ đi theo những xuất hiện mới nhất về mặt tư tưởng, mà còn có thêm sự gắn bó với địa  phương và văn hóa cổ truyền. Tất cả đã tạo cho họ sự hãnh diện, lòng tự tin để chiến thắng. Sài Gòn tháng 4-1975."

Tôi dám quả quyết những hàng chữ trên đây không thể nào được Tạ Chí Đại Trường viết trong tháng 4-1975 như tác gỉa đã cho in trên giấy trắng mực đen năm 2011. Và sinh viên Tiến Sĩ Chuyên Khoa Sử Học -tên chính thức của văn bằng lúc bấy giờ- Tạ Chí Đại Trường cũng chưa được trình luận án tốt nghiệp vì biến cố 30.4.1975.

Suốt thời gian tác gỉa viết luận án, từ tháng 9.1973 đến tháng 4.1975, thì Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại, Sài Gòn vẫn còn là thủ đô, và Tạ Chí Đại Trường vẫn còn là một đại úy khối Quân Sử thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được biệt phái về Bộ Quốc Gia Giáo Dục tại nhiệm sở là Trung học Tân An tỉnh Long An. Thời điểm hoàn tất luận án vào tháng 4.1975 với hàng chữ ca tụng Cộng Sản khi Cộng Sản chưa chiếm được Sài Gòn hoá ra tác giả là loại người "đón gió trở cờ" sao? Làm sao tôi tin được sự xấu xa ấy của một đời nghiên cứu?!

Lẽ nào trong thời buổi ấy mà Tạ Chí Đại Trường lại lên tiếng ca tụng tư tưởng Mác-Lê tiềm ẩn qua hàng chữ "những xuất hiện mới nhất về mặt tư tưởng?"

Còn nhận xét cuả tác giả Tạ Chí Đại Trường, nếu thật của Tạ Chí Đại Trường, rằng người Cộng Sản "gắn bó với... văn hóa cổ truyền" thì đây là một nhận xét nông cạn, chỉ biết xét bản chất qua sự tuyên truyền.

Xưa nay, Cộng Sản tha thiết với văn hóa cổ truyền bằng miệng lưỡi, nghĩa là tuyên truyền mà thôi. Chính sách "tiêu thổ kháng chiến" của họ trong hai thập niên 1940-1950 là đập phá đền miếu, biến đình chùa thành kho chứa thóc, lấy bia đá làm cầu ao, đóng hoành phi câu đối thành ghế hay chẻ làm củi, dùng châu phê nhà Nguyễn nhóm lửa hút thuốc lào, xé cổ thư chữ Hán nhóm bếp... Nếu đó là chuyện cũ, thì chuyện mới là đại sứ đi mò sò bị cảnh sát Mỹ bắt, nhân viên tòa đại sứ buôn lậu sừng tê giác bị quan thuế Nam Phi tóm... "Gắn bó với văn hóa cổ truyền" theo cách nhìn của tác giả là thế sao?

 image006

Còn nhận định Cộng Sản là "một tầng lớp đối kháng giờ đây đã thuộc lòng các yếu tính văn minh Tây Phương..." theo tôi, không những sai lầm mà còn rõ vẻ điếu đóm!

Sai lầm vì giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam không hề "thuộc lòng các yếu tính văn minh Tây Phương," mà trái lại, họ là nông dân với một ít thợ thuyền.

Chính vì họ không có điều kiện được học nhiều ở các trường do Pháp thành lập nên họ giữ nguyên được đặc tính của giới nông dân Việt Nam trong nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa: ít học nhưng chịu khó chịu khổ, kiên trì nhẫn nại, mưu mẹo quỷ quyệt, nhưng gan dạ và quyết tâm.

Thật ra, kết luận trên đây của Tạ Chí Đại Trường, nếu thật của Tạ Chí Đại Trường,  không hề dính dáng gì đến đề tài mà tác giả nghiên cứu, là Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ trong thời khoảng 1861-1945.

Dĩ nhiên, thiên nghiên cứu nào cũng có thể mở ra vấn đề mới hay đi xa về không gian hoặc thời gian khi kết thúc. Nhưng làm sao tôi có thể tin luận án Tiến Sĩ Chuyên Khoa Sử Học thời Việt Nam Cộng Hòa mà kết luận chỉ cốt ca tụng Cộng Sản được?      

Vậy là những sử phẩm mà Tạ Chí Đại Trường đã xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 hay sau này tại Hoa Kỳ khi tái bản tại Việt Nam đã có những câu chữ bị thay đổi hay những ý tưởng bị thêm bớt. Sự khác biệt của hai kỳ in -một là thời VNCH và hải ngoại và một là ở trong nước- lại chính là quyết định của tác giả Tạ Chí Đại Trường sao?

Những tác giả tại hải ngoại muốn có sách được in trong nước, như Tạ Chí Đại Trường, phải trả giá đắt thế sao?

Tôi viết một số những nhận xét trên đây vào tháng 8.2014 khi nhận được sách. Tôi viết với tâm trạng đáng buồn, và... đáng thương. Gặp nhau từ thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi biết bản lãnh của Tạ Chí Đại Trường phải hơn thế này. Hãy đọc lại bài ông viết dài 80 trang trong Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong và Bên Ngoài xuất bản năm 1994 tại California khi ông còn ở trong nước để thấy nét dõng dạc của ngòi bút họ Tạ. Hãy đọc lại kết luận của bài viết ấy:

Chung quy chỉ tại vua Hùng

Đẻ ra một lũ khùng khùng điên điên

Thằng khôn thì đã vượt biên

Thằng ngu ở lại không điên cũng khùng.

Và:

Một thằng lên vũ trụ

Mươi thằng đi Mút-Cu

Nghìn thằng ăn uống lu bù

Để dân năm mươi triệu đói thò cu ra ngoài!

(Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong và Bên Ngoài, trang 80.)

Khi ra hải ngoại, ông chững chạc tuyên bố, nguyên văn trong Sử Việt Đọc Vài Quyển (2004), trang 478: Nếu là người "bên trong"  thì phải nói đến tính giai cấp, tính Đảng trong việc nghiên cứu sử học. Như ông Viện Trưởng Viện Sử Học Văn Tạo tuyên bố trong một hội nghị quốc tế năm 1988: "Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới."

Rồi ông khẳng khái tự nhận nơi cuối sách, trang 523: ... chút bướng bỉnh muốn ngẩng cao đầu vì khoa học thúc đẩy đã khiến cho tác giả (tức TCĐT, TAT chú) thành "tên phản động hạng nặng..."

Với bản lãnh như thế, làm sao giải thích được kết luận kỳ lạ của Tạ Chí Đại Trường trong sách in năm 2014? Chẳng lẽ người khác viết tại Hà Nội, rồi ấn vào tay ông?

Suốt từ giữa năm 2014 là năm sách được phát hành ớ Việt Nam cho đến tháng 10.2015, ông không hề lên tiếng về nội dung của sách. Đọc "di cảo" của ông viết trong khoảng thời gian 31.8 đến 9.9.2015, -thực ra chỉ là một bài ông viết chưa phổ biến-, tôi cũng không hề thấy ông đề cập gì đến quyển sách ông đã ký hợp đồng cho in tại Việt Nam này. Nói cách khác, ông có trách nhiệm toàn bộ nội dung mà trang 2 của sách đã có hàng chữ đầu tiên, nguyên văn: Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945 (chữ C trong vòng tròn, tức dấu bản quyền) Tạ Chí Đại Trường"

 image008

Cũng đọc "di cảo" của ông, tôi thấy lại một Tạ Chí Đại Trường năm xưa, thẳng thừng chê từ Lê Duẩn đến giới sử học miền Bắc, mỉa mai chuyện chính quyền Cộng Sản tô vẽ thời Hùng Vương, miệt thị miền Bắc là những "kẻ miệng răng đầy AK," vân vân. Bài viết chưa phổ biến này sao lại mâu thuẫn, rất mâu thuẫn, với kết luận trong sách của ông in trong nước năm 2014?

Vì thế, tin sử gia họ Tạ mất ngày 24.3.2016 khiến tôi thấy thật đáng tiếc cho một đời nghiên cứu, toàn tâm toàn ý không gia đình không con cái mà cuối đời hoá ra bị tì vết.

 

Tháng Ba năm 2016

TRẦN ANH TUẤN

Trích trong Sử Việt tại Bắc Mỹ 1975-2015 sắp xuất bản
07 Tháng Năm 2017(Xem: 10348)
16 Tháng Tư 2017(Xem: 8225)