Cám ơn Gs Bích đã giải đáp mau chóng câu hỏi và minh bạch hóa về Lời Tòa Soạn của báo Văn Hóa đưa ra trong loạt bài "Biến cố chùa Giác Hoàng ở W. DC."
Văn Hóa đăng nguyên văn bài phê bình của Gs Nguyễn Ngọc Bích dưới đây tường trình cùng quý bạn đọc.
Kính mời quý vị theo dõi. Trân trọng.
Thay mặt tòa soạn báo Văn Hóa
Lý Kiến Trúc, Chủ nhiệm
ĐÔI ĐIỀU MINH-XÁC VỀ CHÙA GIÁC HOÀNG
Tâm Việt
Chuyện Chùa Giác Hoàng ở Washington, DC, xem chừng không chỉ còn là chuyện địa-phương. Hôm qua, đi dự lễ Thượng Kỳ ở khu Eden rồi tham-gia bữa cơm Tân Niên của Cộng-đồng DC-MD-VA ở tiệm Thần Tài, không ai là không nói chuyện về những gì đang xảy ra tại Chùa Giác Hoàng. Và ở Cali, báo Văn Hóa của Lý Kiến Trúc đã có đến loạt bài thứ 2 về chuyện Chùa Giác Hoàng và còn hứa hẹn sẽ theo dõi và đăng tiếp về vụ tranh chấp này.
Tại vùng thủ-đô, báo Đời Nay cuối tuần này cũng sẽ có bài báo nói về hai “mặt trận,” một ở trong chùa Giác Hoàng và một ở ngoài cộng-đồng giữa hai thế-lực đang tìm cách chi-phối cộng-đồng. Ở đây, chúng tôi không nói về chuyện ở ngoài cộng-đồng, chỉ xin minh-xác về một đôi điều không mấy chính-xác đang được phổ-biến trên mặt báo và trong cộng-đồng.
Về bài “Lịch sử ra đời chùa Giác Hoàng” trên báo Văn Hóa
“LTS” (Lời Tòa Soạn) của báo Văn Hóa dẫn vào bài này viết: “Tài liệu Lịch sử ra đời chùa Giác Hoàng dưới đây do một vị cao tăng từng tham dự buổi họp đầu tiên ở W. DC. thuật lại cho báo Văn Hóa, nay Ngài hiện đã già yếu, có thể ghi nhớ của Ngài không được chính xác, xin quý vị vui lòng bổ túc. Trân trọng. (VH)”
Bởi có lời yêu-cầu như vậy nên ở đây chúng tôi xin được bổ túc và đính chính mấy điều như sau:
“Ban Quản trị” hay “Hội-đồng Quản trị”?
Ngay từ đầu loạt bài kỳ 2, báo viết: “Hội đồng Quản Trị năm 1977 gồm 6 người và Hội đồng Quản Trị năm 2015 gồm 12 người.”
Trong có một câu mà đã có quá nhiều điều không chính-xác:
Chùa Giác Hoàng mà tên đầu tiên là “Chùa Phật-giáo Việt-nam vùng Washington” (Washington Area Vietnamese Buddhist Temple) đã được thành-lập từ tháng 3 năm 1976 do Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ (tên tiếng Anh là “Buddhist Congregational Church of America,” viết tắt là BCCA) dựng nên. Công-đồng (không phải “Cộng-đồng,” không có dấu nặng) Giáo-hội là một giáo-hội độc-lập, được thành-lập từ ngày 30 tháng 1 năm 1976 do 6 vị sáng-lập gồm: Thượng-tọa THÍCH GIÁC ĐỨC, Chủ-tịch Ban Quản-trị (Chairman of the Board) kiêm Chủ-tịch Ban Chấp hành (President), Đại-đức THÍCH THANH ĐẠM, Ông NGUYỄN NGỌC LINH, Phó-Chủ-tịch (Vice President), Ông ĐỖ ĐÌNH LỘC, Ông VŨ PHAN, Phó-Chủ-tịch kiêm Thủ Quỹ, và Ông NGUYỄN NGỌC BÍCH, Tổng-thư-ký Ban Quản-trị. Không có cái gì là “Hội-đồng Quản-trị” vào năm 1977.
“Hội-đồng Quản-trị” là một tiếng đẻ ra sau (vào năm 1981) khi có sự nhập nhằng muốn gộp “Ban Quản-trị” (cơ-quan ra chính-sách) vào với “Ban Chấp hành” (cơ-quan thi-hành chính-sách), song “Hội-đồng” (= Council) là một ý-niệm không có trong Nội-quy (By-laws) của BCCA.
Mặc dầu vậy, giờ đây phe muốn cướp chùa Giác Hoàng vẫn tự gọi mình là “Hội-đồng Quản-trị” song vào năm 2015 họ cũng không có 12 người mà chỉ có 9 người gồm các vị sau đây: Ông Đỗ Đình Lộc, Ông Vũ Đình Long, Ông Vũ Đoàn, Ông Nguyễn Đức Côn, Ông Nguyễn Như Khuê, Ni Cô Nhất Niệm (thế-danh Lâm Tú Phương), Sư-bà Đàm Viên, Bà Lê Tuyết Hạnh và Ông Vũ Thế Bảo. Nhưng lạ nhất là Ông Vũ Thế Bảo, nha-sĩ, tuy được ghi trong danh-sách nhưng lại xóa tên mình không ký biên-bản ngày 21 tháng 11 năm 2015, ngược lại ở chỗ tên bị xóa của ông lại có chữ ký của Ông Đỗ Đức Nam Hải (dù như ông này không có trong danh-sách nêu trên). Thành thử không rõ “Hội-đồng” của họ gồm 9 người hay 10 người chính-thức.
Hai Giáo-hội Tăng-già Hải-ngoại và Trên Thế-giới lập ra năm nào?
Bài báo lại viết tiếp: “Năm 1977, hưởng ứng lời kêu gọi của thầy Giác Đức và Ht Thích Tâm Châu từ Canada, một buổi họp diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn quy tụ 22 vị Tăng khắp nơi vân tập về. [. . .] Đại hội đầu tiên dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Tâm Châu đã mang lại kết quả: Thành lập Giáo hội Tăng già Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.” Sai!
Bài báo còn viết tiếp: “Đại hội đã suy tôn Hòa thượng Thích Tâm Châu làm Thượng thủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trên Thế giới.” Như vậy, ta phải hiểu là Giáo-hội sau này cũng thành-lập cùng năm (1977). Sai quá sức!
Bởi ngay Tiểu-sử của Hòa-thượng THÍCH TÂM CHÂU phát tại tang-lễ của Ngài ở Sherbrooke, Montreal, Canada (hôm 26 tháng 8 năm 2015) có ghi rõ ràng: “1979: Chủ trì Đại-hội thành-lập Giáo-hội Tăng-già VN Hải-ngoại tại Chùa Giác Hoàng Washington DC, Hoa-kỳ, và đảm trách ngôi-vị Thượng-thủ Giáo-hội [Tăng-già].”
Về Giáo-hội PGVN Trên Thế-giới, Tiểu-sử của Ngài TÂM CHÂU viết:
“Năm 1984: Thành-lập Giáo-hội Phật-giáo Việt-nam Trên Thế-giới và đảm trách ngôi-vị Thượng-thủ.”
Như vậy, cả hai giáo-hội – Tăng-già Hải-ngoại và Trên Thế-giới – là hai giáo-hội tách-biệt, lập ra cách nhau 5 năm (1979 và 1984) dù như cả hai đều tôn HT TÂM CHÂU lên làm Thượng-thủ.
Liên-hệ giữa hai Giáo-hội này và Công-đồng Giáo-hội
Liên-hệ giữa hai giáo-hội này và Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ là một liên-hệ bạn, không có hệ-thống hàng dọc, nghĩa là không có giáo-hội nào ở trên giáo-hội nào—dù như Giáo-hội Tăng-già có mượn chùa Giác Hoàng làm trụ-sở. Giáo-hội PGVN Trên Thế-giới lại chỉ có một liên-hệ mong manh hơn nữa bởi trụ-sở vẫn nằm ở Tổ-đình Từ Quang ở Canada.
Liên-hệ giữa Giáo-hội PGVN Trên Thế-giới (“World Vietnamese Buddhist Order” trong tiếng Anh) được định nghĩa như sau, ngay trong tài-liệu của phe phiến-loạn ở chùa Giác Hoàng: “Moved, seconded & unanimously approved that the Church [i.e. BCCA] shall be spiritually affiliated with ‘The World Vietnamese Buddhist Order.’ The BCCA, however, shall retain the exclusive right to administer the Church, the BCCA, and its property.” (BCCA Directors Meeting: 12/21/2012, trang 2) Xin dịch nguyên-văn: “Đề nghị, được người thứ hai ủng-hộ & và đồng-thanh chấp thuận là Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ có liên-hệ về mặt tinh-thần với Giáo-hội PGVN Trên Thế-giới. Tuy-nhiên, Công-đồng Giáo-hội PGVN Tại Mỹ sẽ giữ độc-quyền cai quản Chùa [Giác Hoàng], Giáo-hội và tài-sản [của mình].” (Chúng tôi nhấn mạnh.- Tâm Việt]
Chính vì thế mà trong Chúc-thư của Hòa-thượng Thích Thanh Đạm viết vào tháng 10 năm 2010, hơn một năm trước khi ông mất, Hòa-thượng cũng đã viết nơi số 4: “Chùa Giác Hoàng… không lệ thuộc bất cứ Giáo-hội nào” ngoài Công-đồng Giáo-hội Phật-giáo Việt-nam tại Mỹ.
Để cho dễ hiểu, ta có thể lấy trường-hợp liên-hệ của Tòa Thánh Vatican với các nhà thờ Công-giáo. Ảnh-hưởng tinh-thần (“spiritual affiliation”) thì chắc chắn là có, những điều Tòa Thánh đưa ra, nhất là khi chúng đến “ex cathedra,” tức là từ ngôi-vị Giáo-hoàng mà xuất phát ra, thì chắc chắn có ảnh-hưởng trong các nhà thờ Công-giáo trên khắp thế-giới. Song thế không có nghĩa là Tòa Thánh tìm cách xen vào nội-bộ của từng nhà thờ một, chỉ-định ông cha xứ này hay bác bỏ ông cha xứ kia.
Như vậy, ta có thể hiểu là ít nhất về điểm này, hai bên tranh chấp về Chùa Giác Hoàng, Ban Quản-trị nguyên-thủy và hiện vẫn tồn-tại (gồm Pháp-sư THÍCH GIÁC ĐỨC, Chủ-tịch Ban Quản-trị, ông NGUYỄN NGỌC LINH, Phó-Chủ-tịch, và ông NGUYỄN NGỌC BÍCH, Tổng-thư-ký, chưa kể ba thành-viên mới là các ông NGUYỄN ĐỨC ĐẠT, TRƯƠNG QUANG ĐẠI và PHÓ HỒNG HÀ) ở một bên và nhóm ông ĐỖ ĐÌNH LỘC ở bên kia, đều đồng-ý về một chuyện: Chùa Giác Hoàng thuộc về Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ (BCCA), và Giáo-hội này KHÔNG LỆ-THUỘC bất cứ Giáo-hội nào khác, dù là Giáo-hội Tăng-già Hải-ngoại (thành-lập năm 1979) hay Giáo-hội PGVN Trên Thế-giới (thành-lập năm 1984), nghĩa là hai Giáo-hội sinh sau đẻ muộn hơn Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ, sở-hữu-chủ chùa Giác Hoàng.
Với chứng-minh trên đây, ta đã trả lời được dứt khoát câu hỏi do báo Văn Hóa đặt ra ở đầu bài Kỳ 2: “Ai là người đứng tên ‘Sở hữu chủ’ chùa Giác Hoàng?”
Câu trả lời trên không phải chỉ là một câu trả lời trên lý-thuyết. Ngay trong thực-tế, giấy tờ của Sở Thuế Liên-bang Hoa-kỳ, tính đến ngày 15 tháng 1, 2015, cũng vẫn ghi rất rõ ràng là ngôi chùa ở số 5401 đường 16, NW, Washington, DC 20011, có “Owner” (= Sở-hữu-chủ) là “BUDDHIST CONGREGATIONAL CH” (-URCH OF AMERICA).
Springfield, Virginia
Đêm mồng 1 Tết Bính-thân (8 tháng 2, 2016)