VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ SÁU 16 OCT 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ cần đến triết lý gì?
Quốc Phương BBC 16/10/2020
Hiện tượng sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho học sinh lớp một tại Việt Nam gặp nhiều chỉ trích và phản ứng xã hội hiện nay có thể có nguyên nhân từ thiếu vắng một triết lý giáo dục giản dị, nhưng đúng đắn, phù hợp, ý kiến từ khách mời hội luận Bàn tròn thứ Năm tuần này nói với BBC hôm 15/10/2020.
Mới đây, dự luận quan tâm tới sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học ở Việt Nam tỏ ra xôn xao về một bộ sách tiếng Việt lớp một do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh ấn hành.
Đã có nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều khen chê về bộ sách của nhóm tác giả "Cánh Diều", từ Sài Gòn, cựu giáo chức Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả và sáng lập viên Tủ sách Tâm lý học Giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Tri thức bình luận với BBC về một khía cạnh mà ông quan tâm, đó là vai trò của một triết lý giáo dục đằng sau việc soạn sách và ứng dụng cần thế nào.
Ông nói: "Vấn đề triết lý giáo dục tôi thấy cũng bàn cãi rất nhiều rồi, có người nêu rằng triết lý giáo dục mang tính chất rất khái quát, ví dụ giáo dục ở miền Nam ngày trước người ta đề ra triết lý giáo dục rất khái quát là "dân tộc, nhân bản, khai phóng" những cái đó tôi thấy quá tốt, quá hay rồi.
"Nhưng xã hội của Việt Nam bây giờ, Bộ Giáo dục và các nhà lãnh đạo bảo rằng triết lý giáo dục bây giờ thì trong đường lối của đảng đã nêu ra rồi, tức là giáo dục cho học sinh trở thành những người yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội, thành những người lao động v.v… thì theo họ đấy là triết lý giáo dục.
"Như thế tức là không phải không có triết lý giáo dục mà triết lý giáo dục đó quy định như thế rồi, đó là những cái mang tính chất khái quát.
"Thế nhưng tôi xin lưu ý với mọi người là nó còn có những triết lý giáo dục đi vào cụ thể hơn, tức là cả hai "triết lý" ở trên đều tương đối khái quát, dù rằng chê hay khen thì tôi không biết và về quan điểm cá nhân tôi khen triết lý của giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước kia, mà tôi thấy là đầy đủ, rõ ràng rồi và hay.
"Song đi vào ví dụ cụ thể, gần đây tôi có đọc ý kiến của Tiến sỹ Giáp Văn Dương, ông nói rằng nhóm của ông cũng có một triết lý cụ thể, theo đó là xây dựng, đào tạo học sinh với những phẩm chất cụ thể, còn riêng chúng tôi khi chúng tôi làm tủ sách Cánh Buồm, chúng tôi cũng có một triết lý giáo dục.
"Trong đó đề ra là học sinh của chúng tôi đào tạo ra làm sao được và phải là những người tự chủ, có tâm hồn phong phú và có sự đồng cảm với mọi người. Đó là một triết lý và cụ thể.
"Theo tôi, cái mà Việt Nam bây giờ thiếu là thiếu những cái rất cụ thể cho hệ thống mà đi vào giáo dục học sinh như thế nào, còn những cái nói chung chung yêu nước, thì cái đó chung quá."
Đốt đi thì dễ, nhưng xây mới thế nào?
Trước một số ý kiến từ trong công luận về những bất cập của các bộ sách giáo khoa tiếng Việt, trong đó đòi hỏi nếu có sai sót nghiêm trọng, thì cần loại bỏ, ông Hoàng Hưng nói:
"Việc người ta nói là đốt hết cả Cánh Diều lẫn Cánh Buồm đi, thì tôi cho rằng đây là một sự bức xúc, cũng chẳng có gì để bình luận cả, vì người ta có quyền bức xúc vì làm mất hết cả hy vọng, người ta không còn niềm tin.
"Người ta nói là đổ nát hết rồi, không cứu vãn được gì nữa đâu, thôi đốt hết đi… thì tất nhiên đó là phát biểu trong lúc quá bức xúc, chứ còn đốt xong rồi thì làm sao?
"Đốt thì dễ nhưng bây giờ xây dựng thế nào mới khó. Sợ đốt xong, xây dựng lại một cái gì mà quái gở hơn thì sao?
"Việt Nam đã làm bao nhiêu cuộc Cách mạng để "đốt" xã hội cũ rồi đấy, tốn bao nhiêu xương máu để đốt rồi đấy, đốt xong xây dựng xã hội mới.
"Rồi thấy thế rồi hóa ra nó lại không bằng xã hội cũ, thế thì nói chuyện sách cũng thế thôi, nói chuyện đốt thì dễ lắm, nhưng vấn đề là phải làm lại như thế nào?
Trước câu hỏi, nếu có một "triết lý" và "lô-gic" khác là coi sách giáo khoa là hàng hóa, học sinh, cha mẹ học sinh v.v… là thị trường, trong trường hợp sách không đạt yêu cầu, có vấn đề chất lượng, thì có phải hoàn trả lại tiền cho "khách hàng" hay không, cựu giáo chức Hoàng Hưng đáp:
"Tôi xin nói rất thật là tôi không thích tham gia những chuyện cụ thể như thế cả, bởi vì tôi đã nói quan điểm và suy nghĩ của chúng tôi về giáo dục khác hoàn toàn, quan điểm của tôi và nhóm chúng tôi là ai cũng có quyền soạn và cứ việc đưa ra.
"Tất nhiên sẽ có một bộ phận kiểm định, tức là gì, tức là nếu như tư tưởng nó không nghiêm túc, dạy người ta những cái bậy bạ về mặt đạo đức v.v…, thì không được, hay là về mặt chuyên môn kém quá, sai sót… thì không được.
"Còn lại thì mặc, ai soạn cứ soạn, như thời xưa, thời Pháp thuộc cũng thế mà ở miền Nam trước đây cũng thế và ở các nước tư bản cũng thế thôi, ai soạn cứ soạn, vấn đề là người ta có thích, người ta có mua hay không.
"Mà việc có thích, có mua hay không đó, là phụ thuộc vào người thầy có đủ trình độ để thẩm định rằng sách này hay và người ta dạy cho học sinh và miễn làm sao đạt kết quả.
"Quan điểm của chúng tôi như thế, nên tôi không thích tham gia vào những chuyện của hệ thống giáo dục mà nó đã như thế này rồi, tôi xin thua, không biết bình luận như thế nào cả."
Học ngôn ngữ là để "học làm người"
Từ London, nêu quan điểm của mình về việc phải chăng đằng sau những vấn đề mà giáo dục Việt Nam nói chung và việc soạn sách giáo khoa như trong trường hợp sách dạy tiếng Việt cho học sinh lớp một ở tiểu học đang gặp phải hiện nay có liên quan đến thiếu vắng một triết lý giáo dục phù hợp, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên nói với BBC:
"Khái niệm triết lý giáo dục nên được hiểu một cách với nhiều tầng bậc, nếu mà cả định hướng giáo dục, thì có một triết lý giáo dục khác.
"Ở đây chúng ta đang bàn về một quyển sách cụ thể, ở một trình độ cụ thể, thì triết lý giáo dục của nó cũng có, cần phải có, nhưng triết lý giáo dục của nó rất là cụ thể.
"Đó là đào tạo tinh thần năng động cho trẻ phát triển tư duy trong lúc học tiếng, thứ hai là học tiếng để học ngôn ngữ, học ngôn ngữ để học làm người. Triết lý giáo dục nó đơn giản như vậy, nó rõ ràng như vậy.
"Cho nên đừng nghĩ rằng học tiếng chỉ là âm thanh mà học tiếng còn là học làm người. Điều đó đặt ra cho người soạn sách giáo khoa một trách nhiệm rất nặng.
"Đó là phải tìm tài liệu để mà học tiếng, phải tìm tài liệu về văn chương, chữ nghĩa để cho học trò phát triển năng lực văn học, chữ nghĩa, hay nói là ngôn ngữ đi đã, rồi từ đó nâng lên đến cả ngôn ngữ văn học.
"Thế cho nên, nếu mà nói triết lý giáo dục cho một quyển sách cụ thể, tôi nghĩ là người soạn sách cũng phải chắc chắn và phải bám sát triết lý giáo dục của mình.
"Và nếu dựa trên điều mà tôi vừa phát biểu, thì tôi thấy cần phải cải thiện một số bài đọc, cần phải cải thiện một số ngữ liệu mà những nhà phê phán đã đưa ra để cho bộ sách hoàn thiện, nhưng mà phát triển tư duy về ngôn ngữ trong bộ sách này, tôi nghĩ là điều xứng đáng được trân trọng và phát huy, chứ không phải hoàn toán nó là con số không để mà chúng ta nói đến chuyện là tiêu hủy toàn bộ."
Nguồn hình ảnh, Bruno DE HOGUES/Getty Images. Chụp lại hình ảnh. Học sinh tiểu học ở một trường làng thuộc Cần Thơ, Việt Nam
Cần vượt qua "đầu óc bản vị"?
Nhân dịp này, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên chia sẻ điều mà bức xúc của cá nhân ông, khi ông quan sát sách giáo khoa dạy tiếng Việt ở Việt Nam thời gian qua và hiện nay.
"Những bức xúc này làm cho tôi nhớ lại những cuộc tranh luận những năm trước qua việc sử dụng ngôn ngữ trong sách giáo khoa.
"Hình như là bao lâu nay chúng ta có một quan điểm rất là lạ, đó là dựa vào phương ngữ Hà Nội, hay là dựa vào phương ngữ miền Bắc để soạn sách giáo khoa.
"Mà còn tệ hơn nữa, khẩu ngữ, chứ không phải là phương ngữ nữa, những tiếng thông tục mà người ta nói ngoài đường phố mà chưa được thuần hóa là tiếng nói văn học, văn hóa của một vùng, miền ngôn ngữ được đưa vào, thế thì chúng ta đưa những ngôn ngữ đường phố vào trong bài học ngôn ngữ là một sự lãng phí.
"Và ở đây tôi muốn nhắc lại bức xúc của tôi là những nhà soạn sách giáo khoa cần phải suy nghĩ điều này - đó là phải phá bỏ đầu óc bản vị địa phương.
"Phải chân thành tìm hiểu ngôn ngữ phổ thông của kho từ vựng tiếng Việt.
"Cách đây 70 năm, những người soạn từ điển tiếng Việt đã bỏ công đi sưu tập tất cả những mục từ của Nam, Trung, Bắc để mà soạn bộ Việt Nam Từ điển.
"Vậy mà ngày hôm nay, chúng ta soạn sách giáo khoa chỉ nghĩ đến người ở miền Bắc thôi, thì những người ở Huế làm sao, Nha Trang thế nào, Sài Gòn ra làm sao?
"Chúng ta phải có một ý thức, nếu mà nâng lên thành triết lý giáo dục, thì chúng ta phải đặt triết lý giáo dục này mà tức là lợi ích của trẻ ở toàn thể nước Việt Nam.
"Chứ không thể lấy một cái bản vị, địa phương nào, và tôi xin vắn tắt những bức xúc của tôi như thế," từ London, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên nói với BBC.