Vụ bãi Tư Chính chỉ là đòn thăm dò của Bắc Kinh

05 Tháng Mười Hai 20197:46 SA(Xem: 7339)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ NĂM 05 DEC 2019


Vụ Bãi Tư Chính chỉ là đòn thăm dò để Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt


Mai Vân 04-12-2019


 image017


Ảnh vệ tinh chụp một nhà giàn D.K của Việt Nam tại Bãi Tư Chính (Biển Đông)AMTI/CSIS


Vụ Trung Quốc cho tàu khảo sát và hải cảnh vào hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính tiếp tục được giới quan sát quốc tế chú ý.


Trong một bài phân tích công bố ngày 28/11/2019, tiến sĩ Lê Thu Hường, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Chương Trình Quốc Phòng và Chiến Lược tại Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI đã cho rằng : Khi công khai xâm lấn Việt Nam ở Biển Đông, Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng không chỉ của Hà Nội, mà còn của cả khu vực, thậm chí của toàn thế giới.


Bài biên khảo mang tựa đề « Cách tiếp cận của Việt Nam đối với các tranh chấp ở Biển Đông và bài trắc nghiệm Hải Dương Địa Chất 8 » đã được công bố trên trang web của Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Úc (Australian Institute of International Affairs). Ý đồ của Trung Quốc khi gây nên « sự cố Bãi Tư Chính » là gây áp lực tâm lý với Việt Nam vào thời điểm Hà Nội đang phải bận tâm trước nhiều sự kiện trọng đại.


Theo tiến sĩ Lê Thu Hường, Biển Đông luôn là mối quan tâm an ninh hàng đầu của Việt Nam. Vụ Bãi Tư Chính ở phía nam Biển Đông là đòn mới nhất mà Trung Quốc tung ra để thăm dò khả năng của Việt Nam trong việc chống lại các bước gặm nhắm ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong vùng biển này. Do việc Hà Nội sắp lên làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, đây cũng sẽ là một bài trắc nghiệm cả về sự đoàn kết trong khối Đông Nam Á, cũng như khả năng đứng vững của một cơ chế quản lý tranh chấp ASEAN-Trung Quốc có ý nghĩa là Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên Biển Đông.


Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc từ ngày 03/07/2019, đã bắt đầu khảo sát một vùng đáy biển rộng lớn ở phía đông bắc Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam. Con tàu rõ ràng đã thực hiện khảo sát dầu khí trên hai lô Riji 03 và Riji 27 mà Trung Quốc đã phân định, nhưng nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tàu khảo sát Trung Quốc đã được tàu Hải Cảnh và dân quân biển hộ tống.


Vào cùng thời điểm, Hải Cảnh Trung Quốc cũng quấy nhiễu các hoạt động khoan dò của Việt Nam tại lô 6.1 ở phía nam.


Thách thức pháp lý cho thấy là Bắc Kinh bất chấp luật lệ quốc tế


Đối với nhà phân tích Úc, các hoạt động của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính trước hết là một thách thức pháp lý, cho thấy là Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp đặt quyền kiểm soát hành chính trong vùng biển bên trong đường 9 đoạn của họ, bất chấp việc các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế.


Đây là lần đầu tiên mà Bắc Kinh cho thực hiện một cuộc khảo sát như vậy kể từ khi đường 9 đoạn bị phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tuyên bố là bất hợp pháp vào năm 2016. Đối với tiến sĩ Lê Thu Hường, Trung Quốc như vậy đang công khai phủ nhận tính hợp pháp của quyền được có thềm lục địa được UNCLOS bảo đảm.


Việt Nam đã khai thác khu vực này từ nhiều thập kỷ trước đây, nhưng Bắc Kinh giờ đây đang cố gắng tạo ra một cuộc tranh chấp trên một khu vực từ lâu nay không có tranh chấp trên thực tế.


Thách thức ngoại giao để thăm dò phản ứng của cả quốc tế


Các hành động của Trung Quốc cũng đặt ra một thách thức ngoại giao: Bắc Kinh đang trắc nghiệm phản ứng không chỉ của Việt Nam, mà cả của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.


Câu hỏi mà tác giả bài phân tích đặt ra là liệu quốc tế có sẽ im lặng như sau phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016 hay không. Bắc Kinh đang công khai xúc phạm việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử COC đang diễn ra với ASEAN.


Người ta đã phô trương tiến bộ trong quá trình thương thuyết là các bên đã có được một văn bản dự thảo đàm phán duy nhất, nhưng rõ ràng là tiến bộ chỉ thấy trên giấy tờ chứ không hề có trong thực tế.


Thách thức kinh tế để áp đặt việc đồng khai thác với Bắc Kinh


Cuối cùng, các hành động của Bắc Kinh là một thách thức kinh tế rất thực tế. Các hành vi bức hiếp, sách nhiễu liên tục của Trung Quốc nhắm vào hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước tranh chấp khác đều nhằm buộc các nước này tham gia các kế hoạch thăm dò chung với Bắc Kinh, ngay cả ở những vùng biển không hề có tranh chấp.


Đối với tiến sĩ Lê Thu Hường, Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối và gây áp lực khi các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tìm cách tự mình thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc làm việc đó với bất kỳ đối tác quốc tế nào khác.


« Nắn gân » Nội trước các sự kiện quan trọng của Việt Nam


Riêng đối với Việt Nam, tác giả bài phân tích thấy rằng hành vi xâm lấn của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Hà Nội đặc biệt bận rộn, chuẩn bị cho nhiệm kỳ một năm làm chủ tịch ASEAN vào năm 2020, và nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc 2020-2021. Bên cạnh đó còn có Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 13 với khả năng thay đổi giàn lãnh đạo vào đầu năm 2021.


Theo tiến sĩ Lê Thu Hường, rất có thể là Bắc Kinh đang gia tăng áp lực với Hà Nội để trắc nghiệm tâm lý, nói nôm na là « nắn gân » Việt Nam trước khi nước này lên làm chủ tịch ASEAN.


Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc xâm nhập vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra gần đây, vào năm 2014, khi Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển sát Việt Nam, dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước láng giềng.


Hải Dương 8 nghiêm trọng hơn Hải Dương 981


Tuy nhiên, tình hình hiện tại gần Bãi Tư Chính là một thách thức nghiêm trọng hơn cho Việt Nam ở nhiều cấp độ. Lần này, Bắc Kinh tăng cường áp lực ở Biển Đông không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với Malaysia và Philippines.


Không nên hy vọng rằng chiến thuật mà Việt Nam áp dụng vào năm 2014 để đối phó với sự cố Hải Dương 981 sẽ có hiệu quả tương tự ngày hôm nay, nhất là khi Bắc Kinh biết rõ và dường như sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả về mặt uy tín cho các hành động của họ.


Mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy đường lối « ngoại giao lớn tiếng tố cáo - megaphone », lần này sẽ phải bao gồm cả Hoa Kỳ - nước duy nhất đã lên tiếng chỉ trích hành động bức hiếp Việt Nam - lẫn những nước ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.


Nhưng ngay cả khi tất cả các nước đều lên tiếng phản đối Trung Quốc, nếu chỉ dùng duy nhất chiến lược đó, thì có nhiều khả năng không dẫn đến một giải pháp bền vững.


Không giống như năm 2014, Bắc Kinh đang cùng lúc gây áp lực với nhiều nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Những sự cố đó là một trắc nghiệm thực thụ về sự sẵn sàng của cả ASEAN và cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền kinh tế của các nước trên cơ sở một trật tự dựa trên luật pháp.


Không được để cho hành động phi pháp trở thành quy tắc


Nếu các nước trong khu vực không sẵn sàng nhìn xa hơn lợi ích quốc gia của riêng mình để lên tiếng ủng hộ các bên yêu sách khác, việc vi phạm trật tự dựa trên các luật lệ hàng hải có thể sẽ trở thành một quy tắc mới và sẽ không còn tạo ra phản ứng mạnh mẽ nữa.


Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm các quyền được UNCLOS bảo đảm, phải được tất cả mọi quốc gia ủng hộ và bảo vệ, kể cả những nước không có tranh chấp ở Biển Đông. Cho đến nay, chỉ có Hoa Kỳ là có lập trường công khai và rõ ràng về các hoạt động của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính.


Bài học về phản ứng im lặng của quốc tế về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 đã quá rõ ràng, cho nên không thể để xẩy ra một phản ứng yếu ớt khác.


Vụ Bãi Tư Chính là bằng chứng cho thấy là các hành vi bức hiếp của Trung Quốc sẽ tiếp tục và tiến trình xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử sẽ không tạo ra thay đổi nào trong tham vọng thống trị Biển Đông của Bắc Kinh.


Vụ Bãi Tư Chính có thể là một cuộc khủng hoảng đối với riêng Việt Nam, nhưng đó cũng là cơ hội để cộng đồng quốc tế, chứ không riêng gì Mỹ, phản ứng thích đáng trước các hành vi của Trung Quốc vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và xâm phạm thềm lục địa của các nước ven biển.
18 Tháng Tám 2016(Xem: 8561)
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc hôm 17/8 đưa tin Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đặt mục tiêu đến giữa năm sau sẽ hoàn tất phần khung của một bộ quy tắc ứng xử để giảm căng thẳng ở Biển Đông có tranh chấp.
14 Tháng Tám 2016(Xem: 8082)
Mặc cả tài nguyên Biển Đông "Bãi cạn Scarborough, khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines, cách bờ biển Philippines 230 km (140 hải lý), cách đảo Hải Nam Trung Quốc 650 km (350NM).
11 Tháng Tám 2016(Xem: 9276)
"Theo tin từ Bộ Ngoại giao, hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” sẽ được tổ chức từ ngày 16-18.8.2016 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa".
09 Tháng Tám 2016(Xem: 8226)
"Nhiều ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc xây dựng các nhà chứa máy bay trên ít nhất 3 đảo nhân tạo tại Trường Sa, bất chấp cam kết không quân sự hóa Biển Đông".
07 Tháng Tám 2016(Xem: 8254)
"Hãng truyền thông Fairfax Media đưa tin Úc sẽ đưa binh sĩ và khí tài quân sự đến Biển Đông để quan sát Nga và Trung Quốc tập trận, thu thập những thông tin quan trọng, bao gồm đánh giá xem sự hợp tác của Nga và Trung Quốc vào tháng 9".
28 Tháng Bảy 2016(Xem: 9382)
"Tôi là thuyền trưởng Buzz Donnnelly, chỉ huy Hàng không Mẫu hạm USS Ronald Reagan. Chúng ta đang hoạt động ngay bây giờ ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông, giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa".
21 Tháng Bảy 2016(Xem: 8574)
"Đảo - đá" Ba Bình sau phán quyết "Sự kiện diễn ra một tuần sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" trong đường 9 đoạn Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, đồng thời khẳng định Ba Bình chỉ là đảo đá, không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý".
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 10889)
"Nhiều chuyên gia đã đánh giá việc đổi tên Biển Đông (South China Sea) là rất cần thiết. Google Maps chắc hẳn sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp với những luật lệ quốc tế".
18 Tháng Bảy 2016(Xem: 9003)
Ảnh minh họa bên: Ngày 20-1-16, Hãng Reuters đưa tin, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson vừa có cuộc họp trực tuyến kéo dài 120 phút, trong đó khuyến khích gia tăng sử dụng các quy chế ứng xử giữa chiến hạm 2 nước trong các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển. Đây là cuộc hội đàm trực tuyến thứ 2 kể từ khi Đô đốc John Richardson nhậm chức Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.
14 Tháng Bảy 2016(Xem: 8573)
"Một nước Trung Quốc phẫn nộ và một nước Philippines hân hoan đang nhắm tới việc mở đàm phán chính thức ... "
11 Tháng Bảy 2016(Xem: 12682)
Mạnh ai nấy chiếm - Hồn ai nấy giữ!
07 Tháng Bảy 2016(Xem: 8547)
"Theo Hoàn Cầu Thời Báo, Bắc Kinh phải tăng cường khả năng phòng thủ và « sẵn sàng cho bất kỳ đối đầu quân sự nào ». Cho dù trong ngắn hạn, Bắc Kinh chưa thể cạnh tranh được với Hoa Kỳ nhưng phải đủ khả năng khiến cho Hoa Kỳ trả giá rất đắt nếu can thiệp quân sự vào tranh chấp ở Biển Đông".
05 Tháng Bảy 2016(Xem: 8115)
"Cuộc tập trận sẽ bắt đầu từ ngày mai 5/7 và kết thúc vào Thứ Hai tuần tới 11/7, một ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc trên Biển Đông".
03 Tháng Bảy 2016(Xem: 8297)
Nếu TQ đánh chiếm đảo của Philippines, 2 Hàng không Mẫu hạm John C. Stennis và Ronald Reagan sẽ phản ứng ra sao? Tuyên bố của Đại sứ Mỹ với TT Philippines có ý nghĩa gì? Tờ Đông Phương xuất bản tại Hồng Kông ngày 28/6 đưa tin, trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS 1982) ở Biển Đông, các chiến hạm "át chủ bài" của cả 3 hạm đội hải quân Trung Quốc đã tập trung về đại bản doanh hạm đội Nam Hải ở đảo Hải Nam để "hội sư".
29 Tháng Sáu 2016(Xem: 13003)
Mặt trận biển Tây Philippines
23 Tháng Sáu 2016(Xem: 9627)
Cận kề phán quyết La Haye,Tầu khựa có ý đồ gì khi điều tàu cá xâm phạm Natuna?
21 Tháng Sáu 2016(Xem: 8787)
"Theo nhiều nguồn tin, trong những tuần tới, Tòa Án sẽ ra phán quyết về vụ kiện này và có rất nhiều khả năng bất lợi cho Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao thuộc Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) là Bắc Kinh không loại trừ khả năng rút ra khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".