Những 'căn phòng hạnh phúc' ở Trường Sa

15 Tháng Giêng 20197:51 CH(Xem: 8129)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ TƯ 16 JAN 2019


Những 'căn phòng hạnh phúc' ở Trường Sa


15/01/2019


TTO - "Căn phòng hạnh phúc" là cách nói vui của nhiều người về những căn phòng được ưu tiên dành riêng cho lính đảo có vợ ra thăm với hi vọng tình yêu sẽ đơm hoa kết trái ngay trên đảo sau những tháng ngày dài xa cách.


image006

Chị Hải Dương và bé Phạm Hoàng Yến - món quà bất ngờ sau chuyến ra đảo thăm chồng tháng 5-2017 - Ảnh: MY LĂNG


Thượng tá Phạm Duy Hướng, chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 146, kể: "Năm 2017 tôi đi cùng đoàn thăm các đảo phía Nam. Trong đoàn có các cô, các chị có chồng làm bên rađa nên có tâm lý sợ chồng nhiễm sóng rồi vô sinh; họ mang theo nhiều đồ bổ ra đảo tẩm bổ cho các ông chồng.


Vợ chồng xa cách nhau nhiều ngày, nhiều người lại là vợ chồng son, họ chỉ mong có chuyến đi này để sinh em bé...".


"Phòng hạnh phúc" trong nhà khách


Trên đảo Trường Sa Lớn, một trong những đảo lớn của quần đảo Trường Sa, nhà khách rất rộng, cao hai tầng, có khoảng 30 phòng ngủ. Đây là công trình do TP Hà Nội xây tặng.


Thượng tá Lương Xuân Giáp, từng là chính trị viên ở đảo Trường Sa Lớn, cho hay: "Khi có trường hợp vợ ra thăm chồng thì chỉ huy đảo ưu tiên bố trí cho mỗi cặp ở hẳn một phòng. Nếu không đủ phòng thì anh em cán bộ chiến sĩ sẵn sàng nhường giường, nhường phòng của mình cho đồng đội".


Tại quần đảo Trường Sa chỉ có các đảo lớn như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca... mới có nhà khách. Còn ở các đảo chìm không có nhà khách nên anh em lính đảo tự giác nhường nhịn, chia sẻ và tạo điều kiện cho nhau.


Do đảo chìm không gian rất chật hẹp, không thể bố trí gia đình này ở chung với gia đình kia được nên anh em bộ đội dồn hết xuống tầng dưới, nhường giường ở tầng trên thoáng mát, khô ráo cho đồng đội.


Mọi người coi niềm vui của đồng đội cũng là niềm vui của mình" - đại tá Đào Giang Hải (chính ủy lữ đoàn 146 - Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân) nói.


Trung tá Nguyễn Văn Nam, người từng có một thời gian làm chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho biết: "Song Tử Tây là đảo lớn nên có nhà khách cao ba tầng, gần 30 phòng. Một phòng khoảng 20m2, được bố trí nhiều giường đôi và giường đơn.


Trước khi đoàn thân nhân ra thăm, tất cả phòng đều được mang vỏ gối, chăn màn ra giặt, ngâm bằng nước Comfort cho thơm tho và thay mới dầu gội đầu, bàn chải đánh răng, xà phòng, lau sàn nhà sạch sẽ.


Trong những "căn phòng hạnh phúc" đó, nhiều cặp vợ chồng đã thành công khi cho ra đời được "hải quân con" sau chuyến ra thăm đảo. Khi đồng đội mình có tin vui, anh em trên đảo phấn khởi lắm".


image007

Anh Định và chị Dung chia tay trong nước mắt sau chín ngày đêm sống trong “căn phòng hạnh phúc” trên đảo Sơn Ca - Ảnh: DUNG PHẠM


Trang trí như phòng cưới


Nhắc lại những kỷ niệm vui lúc đoàn thân nhân ra thăm đảo năm 2015 khi đang làm chính trị viên đảo chìm Cô Lin, đại úy Trương Trọng Tấn, hiện là trợ lý tuyên huấn lữ đoàn 146, bật cười.


Anh là người trực tiếp đi đón đoàn thân nhân ra đảo gồm năm người, trong đó có bốn ông bố và vợ của đại úy chuyên nghiệp Phạm Văn Sinh - nhân viên cơ yếu, người Thanh Hóa.


"Thông thường trên đảo chìm chỉ có chỉ huy đảo mới có phòng riêng. Nhưng anh Sinh là nhân viên cơ yếu nên do tính chất công việc cũng có phòng riêng. Bốn ông bố xếp giường nằm cạnh nhau trong một phòng. Riêng chị vợ được ưu tiên ở cùng chồng trong phòng riêng.


Trước khi chị vợ ra, ở ngoài đảo bọn mình đã bàn nhau làm công tác chuẩn bị phòng ốc, trang trí phòng của anh chị ấy như phòng cưới vậy. Bọn mình còn chỉnh sửa lại cái giường anh ấy cho chắc chắn, ngon lành hơn".


Theo đại úy Tấn, bình thường lính đảo toàn đàn ông với nhau, mọi cái đều xuề xòa. Nhưng khi có phụ nữ ra thì phải khác. Anh em được quán triệt nhiệm vụ từ lời ăn tiếng nói đến ăn mặc phải chỉn chu. Khi ăn uống thì mọi người cùng tập trung ở phòng ăn chung.


Bình thường bộ đội quần đùi áo lót ngồi ăn, có phụ nữ lên đảo anh em phải mặc quần dài cho lịch sự. Ăn xong rồi là phải vội thay cái quần dài ra để đỡ dơ quần.


Anh em ngoài đảo cái gì cũng chia ngọt sẻ bùi cùng nhau. Nhiều người không có vợ ra thăm cũng buồn lắm nhưng khi thấy đồng đội hạnh phúc, mình cũng hạnh phúc theo.


Câu chuyện chín ngày


Vừa cưới nhau, vợ chồng son chưa kịp lên kế hoạch có con thì bất ngờ anh Nguyễn Quang Định nhận quyết định ra đảo.


"Mình buồn lắm, mới cưới xong không muốn xa anh nhưng vẫn phải động viên chồng đi đảo" - chị Phạm Thị Dung (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) chia sẻ.


Tháng 1-2016 anh lên đường ra đảo Sơn Ca. Cuối năm 2016, anh gọi điện thông báo sẽ về vào dịp Tết âm lịch. Người vợ trẻ hào hứng lên kế hoạch đón chồng nhưng cuối cùng anh không về được.


"Tôi rất buồn nhưng tự an ủi: mình đã cố gắng chờ một năm thì giờ thêm sáu tháng nữa cũng cố gắng chờ được" - chị nghĩ.


Cuối tháng 5-2017, chị ra Trường Sa thăm chồng, lúc này là thượng úy Nguyễn Quang Định. "Anh công tác ở đảo Sơn Ca. Đợt ấy đảo Sơn Ca có năm bà vợ ra thăm chồng, chỉ riêng mình chưa có con.


"Căn phòng hạnh phúc" của mình vốn là phòng khách dành cho đoàn nên có đến ba chiếc giường. Đó là sự ưu tiên đặc biệt của đảo dành cho chúng tôi để có không gian riêng tư. Ban chỉ huy đảo thì tạo điều kiện tối đa để mình có nhiều thời gian ở với chồng" - chị kể.


Chín ngày trên đảo, chị Dung không nghĩ mình sẽ có thai. Vợ chồng cưới nhau chưa đầy hai năm mà xa nhau đã 19 tháng. Về đến đất liền một thời gian, chị biết mình có thai và thông báo cho anh. Anh đã hét toáng lên, chạy đi thông báo cho cả đảo.


Thành công ngoài dự kiến


Việc có con thật sự là nằm ngoài dự kiến, vượt ngoài mong đợi của hai vợ chồng thượng úy Nguyễn Quang Định. Đó là sự may mắn và là kỷ niệm đáng nhớ của hai người.


Khi chị Dung sinh con, các nữ hộ sinh cười bảo: chu choa, thằng con Trường Sa nè. Vợ chồng chị đã đặt tên con trai là Quang Đăng, nghĩa là ngọn đèn hải đăng soi sáng đảo Sơn Ca.


image005

Chị Dung và bé Quang Đăng, đứa con trai đầu lòng được hoài thai trên đảo Sơn Ca - Ảnh: MY LĂNG


"Trong những "căn phòng hạnh phúc" đó, nhiều cặp vợ chồng đã thành công khi cho ra đời được "hải quân con" sau chuyến ra thăm đảo. MY LĂNG