12 nước đối tác chiến lược với Việt Nam

18 Tháng Ba 201812:00 SA(Xem: 9886)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ HAI  19 MAR 2018


12 nước đối tác chiến lược với Việt Nam


Zing 16/03/2018


Ngoài Australia, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Chiến lược với 11 quốc gia bao gồm 5 nước ASEAN và các nước Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc.


image004


Nhật Bản: Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản vào năm 2009. Nhật là nước G-7 đầu tiên nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược đồng thời cũng là nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Đến năm 2014, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân). Trong ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo tháng 6/2017. Ảnh: Tiến Tuấn


image005


Hàn Quốc: Việt Nam và Hàn Quốc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào tháng 10/2009. Từ chỗ là "cựu thù" do quân đội Hàn Quốc cùng Mỹ tham chiến ở Việt Nam, năm 2017, Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 11/2017, Tổng thống Moon Jae In đã công bố Chính sách Phía Nam mới nhắm đến mục tiêu tăng cường quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tại Đông Nam Á và là quốc gia đóng vai trò trung tâm trong Chính sách Phía Nam mới. Trong ảnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: TTXVN.


image006


Tây Ban Nha: Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào năm 2009. Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1977, trao đổi thương mại song phương được duy trì vững chắc, tăng đều từ 15-20% hàng năm trong hơn 15 năm qua, từ 205 triệu USD năm 2001 lên gần 2,8 tỷ năm 2016. Với kết quả trên, Tây Ban Nha đang là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 6 của Việt Nam. Trong ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay Thủ tướng Tây Ban Nha Luis Rodriguez Zapatero trong cuộc gặp năm 2009. Ảnh:  Reuters.


image007


Anh: Tháng 9/2010, Việt Nam và Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, với 7 lĩnh vực hợp tác chủ yếu là chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng và giao lưu nhân dân. Trong ảnh, Thủ tướng Anh David Cameron bắt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 7/2015. Ảnh: Chinhphu.vn.


image008


Thái Lan: Năm 2013, Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Tính đến năm 2017, Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà Thái Lan xây dựng mối quan hệ đặc biệt này. Trong ảnh, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Bangkok tháng 8/2017. Lãnh đạo hai nước khẳng định nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD trước năm 2020; hỗ trợ nhau trở thành trung tâm thu hút đầu tư thương mại của khu vực và thúc đẩy hợp tác về gạo. Ảnh: Chinhphu.vn


image009


Pháp: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean - Marc Ayrault ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 25/9/2013. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, hai nước đã thông qua nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực đa dạng: chính trị, quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư, văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, pháp luật và tư pháp, đặc biệt là giáo dục đại học và hợp tác địa phương. Ảnh: TTXVN


image010


Singapore: Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đến cuối năm 2017, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam và đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 3/2017. Ảnh: Chinhphu.vn


image011


Italy: Nhân chuyến thăm chính thức Italy của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, hai bên đã ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trong bản tuyên bố chung, Italy khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong ảnh, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở buổi hội đàm tại Cung điện Quirinale ở thủ đô Rome tháng 1/2013. Ảnh: BBC


image012


Indonesia: Việt Nam và Indonesia nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2013 sau khi đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1955. Tính đến tháng 4/2017, Indonesia đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30 trong số 105 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Trong ảnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân dân Indonesia (Hạ viện) Setya Novanto trong chuyến thăm chính thức đến Indonesia vào tháng 8/2017. Ảnh: TTXVN.


image013


Malaysia: Tháng 8/2015, Việt Nam và Malaysia nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược. Malaysia hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn thứ bảy của Việt Nam với kim ngạch hai chiều đạt 8,4 tỷ USD năm 2016 và tổng vốn đầu tư tính đến hết tháng 5/2017 đạt 12 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước nhất trí đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và mở rộng trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hai nước hợp tác kinh doanh. 


Trước thách thức ngày càng gia tăng về an ninh truyền thống, phi truyền thống, hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác an ninh – quốc phòng, chia sẻ thông tin, chính sách, phối hợp lập trường về các vấn đề liên quan đến an ninh mỗi nước và của khu vực. Ảnh: Chinhphu.vn


image014


Philippines: Việt Nam trở thành đối tác chiến lược thứ ba của Philippines, sau Mỹ và Nhật, vào tháng 11/2015. Trong ảnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Benigno Aquino chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Kim ngạch thương mại năm 2015 đạt gần 3 tỷ USD và đạt 1,72 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2016, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Hợp tác quốc phòng, hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột trong quan hệ hai nước, trong đó ưu tiên là vấn đề an ninh và tự do hàng hải, phát triển kinh tế biển, tìm kiếm cứu nạn… Ảnh: Phủ Tổng thống Philippines


image003


AustraliaNgày 15/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây cũng là năm hai bên kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với 10 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Australia trong ASEAN (sau Indonesia với 16,4 tỷ USD) và là đối tác với tốc độ tăng kim ngạch mạnh nhất với tỷ lệ 12%/năm trong 5 năm qua. Ảnh: Thanh Tuấn. (Chi Mai (tổng hợp)