Biển Đông thấp thỏm chờ COC

01 Tháng Giêng 201810:27 CH(Xem: 7314)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ  HAI  01 JAN  2018


Biển Đông thấp thỏm chờ COC


28/11/2017


TTO - Ý định của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ngày càng lộ rõ, tạo ra thách thức cho Việt Nam trên bàn đàm phán.


image006Học giả quốc tế và đại diện nước ngoài ở Việt Nam tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 9 - Ảnh: Q.ĐỊNH


Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức khai mạc ngày 27-11.


Một COC ràng buộc về pháp lý phải là thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN. Ràng buộc pháp lý tức là các xung đột phải được giải quyết và tuân thủ


GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc)


COC phủ bóng


Tại cuộc họp giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc hồi tháng 8, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cùng Trung Quốc đã đồng ý thông qua bộ khung của COC. 


Nhưng tính tới nay, các điểm cụ thể xung quanh nguyên tắc của COC - một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý - vẫn còn là yếu tố khiến giới quan sát tò mò, thậm chí lo ngại về cơ chế thực hiện. 


Vì vậy, dù nằm trong phiên 7 - phiên cuối của hội thảo diễn ra chiều nay 28-11, vấn đề COC đã nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn thảo của các học giả ngay từ đầu.


Năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết không công nhận tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. 


Nhưng từ thời điểm ấy, Bắc Kinh vẫn nhất mực ngó lơ phán quyết nêu trên. Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ), đã thẳng thừng chỉ trích thái độ bất tuân luật pháp của Trung Quốc.


Ông nói: "Trung Quốc đã làm lơ với phán quyết, cứ như không có gì xảy ra cả. Trong lúc chúng ta ngồi đây dự hội thảo thì họ vẫn tiến hành bồi đắp, củng cố sự hiện diện bành trướng ở Biển Đông. 


Các nước lớn khinh thường phán quyết trọng tài, không tôn trọng luật pháp quốc tế khi nó gây hại cho họ. Vì thế nếu muốn có bộ quy tắc ứng xử hoàn chỉnh, nó phải ràng buộc và công bằng, minh bạch, ngang hàng về mặt an ninh".


Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn tỏ rõ lập trường cho rằng Biển Đông là câu chuyện giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp khác. Điều này đồng nghĩa mọi vị "trọng tài" hay bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba cũng vô nghĩa. Theo GS Chellaney, đây là một chiến lược, một thông điệp nguy hiểm của Bắc Kinh về chủ nghĩa đơn phương - đa phương, mà COC là một công cụ để họ đạt được lợi ích.


Cân não


Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn, chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển nhiệm kỳ 2014-2017, trong phần trình bày của mình khẳng định rằng luật pháp quốc tế là tối quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp. 


Tuy nhiên, ông thừa nhận hiện nay "giá trị của các phán quyết đang dựa vào thái độ hợp tác của bên nhận phán quyết, mặc dù rõ ràng pháp luật quốc tế không chỉ được duy trì bằng bỏ phiếu, đồng thuận".


Thái độ của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines năm 2016 càng khiến giới quan sát củng cố lập luận rằng cần có một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Nhưng Trung Quốc, trong quá trình thúc đẩy hoàn tất COC đã đồng thời vận dụng hai chiến lược: tách bạch và "duy trì hiện trạng".


Trả lời Tuổi Trẻ về việc tại sao Trung Quốc chọn thời điểm này để thúc đẩy COC, GS Jay Batongbacal - giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật biển ở Đại học Philippines - cho rằng: "Chúng ta đều thấy rằng Trung Quốc giờ đây đã có lợi thế trên Biển Đông sau giai đoạn xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Thế nên giờ họ muốn thúc đẩy COC để tạo ra cảm giác hiện trạng cần được duy trì".


Các học giả tại hội thảo cũng nhìn ra cách Trung Quốc cố gắng sử dụng sức mạnh kinh tế để chia tách ASEAN, nhằm từng bước đạt được lợi ích. 


GS Chellaney khẳng định COC nhiều khả năng sẽ chỉ tạo ra khoảng cách giữa kinh tế và chính trị. Đây là điểm gây trở ngại với sự tham gia của các nước khác, khu vực khác vào tranh chấp Biển Đông. 


"Biển Đông là một câu chuyện điển hình cho thách thức hàng hải ngày nay. Các mâu thuẫn quanh vấn đề này vì thế không chỉ ảnh hưởng tới khu vực trực tiếp mà còn là các khu vực khác, các nước khác. Những tiền lệ mà nó tạo ra, nếu có, sẽ có tác động tới các khu vực tương tự chứ không phải chuyện riêng của ai" - ông Chellaney nói.


Học giả người Ấn Độ ví Biển Đông như một cuộc chạy marathon. Giờ đây Trung Quốc đang củng cố sức mạnh, còn các nước khác nhất định phải ngăn chặn điều đó thông qua luật pháp quốc tế. 


GS Batongbacal thì nói rằng điểm mấu chốt hiện tại là các nước ASEAN phải đảm bảo không có xung đột thông qua bộ quy tắc COC, nhưng đồng thời phải đàm phán để COC là một áp lực lên những lợi thế mà Trung Quốc gầy dựng.


ASEAN cần tự lực


Trong phần nhận xét riêng cùng Tuổi Trẻ, GS Carl Thayer cho rằng quan hệ Mỹ - Trung dẫu quan trọng, thực tế Washington cũng không thể buộc các nước ASEAN phải làm gì cả. Ngược lại Trung Quốc vẫn có thể sử dụng chiến lược chia rẽ ASEAN bằng cách sử dụng nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Điều đó đồng nghĩa ASEAN cần xây dựng năng lực và thống nhất, tỉnh táo trong vấn đề phạm vi trong COC.


GS Robert Beckman, giám đốc Chương trình luật và chính sách đại dương, Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng nói rằng bản thân các nước ASEAN phải "tin vào phán quyết, chứ không để các tranh luận đi từ phán quyết chuyển sang hợp tác như cách Philippines và Trung Quốc đã làm".


NHẬT ĐĂNG


- "Biển Bắc Natuna"vô hiệu hóa lưỡi bò?
28 Tháng Chín 2017(Xem: 15517)
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm trả lời phỏng vấn của báo Văn Hóa.
21 Tháng Chín 2017(Xem: 7577)
- Sinh tử Biển Đông - Xoay trục Châu Á: Đại cường sắp đánh nhau to? Vì Cam Ranh, Mỹ - Nga "khẩu chiến".
24 Tháng Tám 2017(Xem: 7779)
Chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng ở Jarkata
10 Tháng Tám 2017(Xem: 7561)
- Cảng quốc tế Cam Ranh: "Quân bài chiến lược không chống nước thứ 3!"