Trung Quốc nổ súng ở châu Phi báo hiệu ra biển lớn

20 Tháng Mười Hai 201710:29 CH(Xem: 7674)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ  TƯ  20  DEC  2017


Trung Quốc nổ súng ở châu Phi báo hiệu ra biển lớn


18/12/2017


image008image007image009image010image011image012image013image014

Africa:Egypt’s Suez Canal revenue $853.7 million in April and March / Shoaib Ur Rehman May 10th, 2017

image015


TTO - Căn cứ quân sự Trung Quốc ở nước ngoài tại Djibouti sẽ là cái đầu tiên trong chuỗi các căn cứ sẽ xây dựng để bảo vệ lợi ích kinh tế của các công ty Trung Quốc.


image016

Xe bọc thép Trung Quốc tham gia tập trận bắn đạn thật ở Djibouti tháng trước - Ảnh chụp màn hình SCMP


Khi binh sĩ Trung Quốc bắn những phát đạn tượng trưng đầu tiên tại căn cứ quân sự Djibouti cách đây hơn 2 tháng, đó cũng là những phát đạn cảnh báo cho thế giới rằng theo chân quá trình tranh giành lợi ích toàn cầu của Bắc Kinh sẽ là một quân đội hùng mạnh ở nước ngoài đủ sức để đảm bảo mọi thứ diễn ra êm đẹp.


Đó chính là nhận định của các nguồn tin trong quân đội Trung Quốc với nhật báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 18-12. Trung Quốc thật sự đang từng bước xây dựng năng lực cho "át chủ bài" này thông qua con đường trực tiếp và gián tiếp để xúc tiến và thâu tóm các lợi ích tại nước ngoài.


Điều này càng đóng vai trò quan trọng khi hơn 10.000 công ty Trung Quốc, trong đó tới 90% là sở hữu tư nhân, đã đầu tư vào châu Phi theo sau sáng kiến "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh và lời kêu gọi "tỏa ra toàn cầu" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh đánh giá chính các dự án đầu tư béo bở và chính sách "không can thiệp" cũng đã giúp Bắc Kinh giành được ưu thế so với một số đối thủ tại nước ngoài.


"Không như Mỹ thường hay thúc đẩy ‘tự do và dân chủ’, Trung Quốc chưa bao giờ chủ trích các hệ thống chính trị và xã hội của các quốc gia là đích đến đầu tư. Mục đích của Trung Quốc rất rõ ràng: Chúng tôi chỉ muốn kiếm tiền" - chuyên gia Zhou giải thích.


Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi năm 2016 đạt trị giá hơn 92 tỉ USD và nhập khẩu từ châu Phi vào Trung Quốc chỉ khoảng 60 tỉ USD, tạo thặng dư thương mại cho Trung Quốc 32 tỉ USD.


"Sân nhà" tại nước ngoài


Các nguồn tin cho biết căn cứ ở Djibouti - căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc - sẽ không phải là căn cứ quân sự hải ngoại duy nhất của nước này. Bắc Kinh thật sự đang tham vọng xây thêm nhiều căn cứ quân sự ở châu Phi, Trung Đông cùng những khu vực khác để bảo vệ các lợi ích ngày một tăng của mình ở Ấn Độ Dương.


"Trung Quốc cần thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài vì các lợi ích ngày một tăng đối với nước này bị thách thức bởi một số quốc gia khác và các lực lượng vũ trang địa phương" - một nhân vật giấu tên trong quân đội Trung Quốc nói.


Vị này cho biết Djibouti hiện là một địa điểm huấn luyện lý tưởng để đánh giá năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc sử dụng nhiều loại vũ khí cũng như các nhiệm vụ đa dạng trong điều kiện độ ẩm không thích hợp và nhiệt độ thường xuyên tăng trên 40 độ C.


Các binh sĩ Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tập trận bắn đạn thật trên sa mạc ở Djibouti kể từ hôm 22-9. Ông Lương Dương, chỉ huy căn cứ quân sự này, cho biết các cuộc tập trận như vậy sẽ giúp "khám phá một mô hình huấn luyện mới cho các đơn vị đồn trú của Trung Quốc ở nước ngoài".


Đáng chú ý, trong đợt huấn luyện cuối tháng trước ở Djibouti, quân đội Trung Quốc còn triển khai các xe bọc thép Type 095 và Type 90-II. Chuyên gia Antony Wong Dong tại Macau mô tả đây là "các xe bọc thép chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất ở châu Phi".


Vũ khí cùng quân nhân Trung Quốc đã được đưa tới căn cứ quân sự ở Djibouti hồi tháng 7 năm nay bởi một đội tàu gồm tàu đổ bộ lớp 071 có tên Jinggangshan nặng 25.000 tấn và tàu Donghaidao nặng 20.000 tấn.


Chính phủ Trung Quốc xác nhận căn cứ này bắt đầu được xây từ năm 2015. Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài mặc dù Bắc Kinh ngoài mặt chính thức gọi đây là một cơ sở hậu cần.


image017

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Guelleh hôm 23-11 - Ảnh: AFP


Các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Djibouti chắc chắn sẽ giúp tăng cường năng lực phản ứng nhanh của quân đội Trung Quốc trước thách thức của các quốc gia và lực lượng vũ trang thù địch mà vốn có thể gây tổn hại tới lợi ích quốc gia ngày một tăng của Trung Quốc ở châu Phi và Trung Đông"


Lý Khiết - Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh


Đầu năm nay, các nguồn tin quân đội Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh có kế hoạch tăng gấp 5 lần số lính thủy đánh bộ trong quân đội, tức nâng con số này lên 100.000 quân. Trong đó, một số lính thủy đánh bộ mới có thể sẽ được triển khai tới Djibouti.


Truyền thông Trung Quốc ước tính căn cứ ở Djibouti có sức chứa lên tới 10.000 quân nhân. Hiện không rõ Trung Quốc đã triển khai bao nhiêu quân nhân tới căn cứ này.


Hợp đồng duy trì hoạt động của căn cứ này kéo dài 10 năm, mỗi năm Trung Quốc phải chi trả 20 triệu USD. 


Djibouti tọa lạc tại cổng vào phía Nam của biển Đỏ. Quốc gia này nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia. Đây cũng là nơi có các căn cứ của Mỹ, Nhật và Pháp trú đóng.


"Thao trường" gián tiếp


Tân Hoa xã của Trung Quốc thông tin rằng việc xây dựng căn cứ trên và đưa các quân nhân Trung Quốc tới là quyết định của cả hai nước Trung Quốc và Djibouti. Bắc Kinh khăng khăng "căn cứ cung cấp hậu cần" trên sẽ giúp ích cho các sứ mệnh giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, các hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden và ngoài khơi Somalia cùng các nỗ lực cứu trợ nhân đạo.


Các chuyên gia quân sự cho biết các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, chống cướp biển hay trợ giúp nhân đạo này được quân đội Trung Quốc xem là một phần của Các hoạt động quân sự khác chiến tranh (MOOTW). Và Trung Quốc toan tính sử dụng chúng để tăng cường năng lực cho các binh sĩ nước này bên cạnh việc huấn luyện trực tiếp tại các căn cứ.


Đại tá Chu Ba, giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế trực thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng để xây dựng một quân đội mạnh có thể hoạt động ở nước ngoài, Trung Quốc cần thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản hiện nay: Một là bảo vệ lợi ích ở nước ngoài ngày một tăng và thứ hai là đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm quốc tế.


"Các hoạt động gìn giữ hòa bình sẽ giúp binh sĩ Trung Quốc trải nghiệm và học hỏi cách đối phó các thách thức mà họ có thể chưa bao giờ gặp phải tại quê nhà" - đại tá Chu cho biết.


image018

Lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc phục vụ cho Liên Hiệp Quốc tập trận bắn đạn thật ở thành phố Gao của Mali, hôm 30-11 - Ảnh: PLA DAILY


Hôm 30-11, các nhân viên gìn giữ hòa bình Trung Quốc phục vụ cho Liên Hiệp Quốc tại Mali còn tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật sau các vụ khủng bố trong cùng tháng khiến 15 người thiệt mạng và 31 người bị thương.


Cuộc tập trận mang tên "Cồn cát vàng" đã được tiến hành bởi phân đội số 5 gồm các binh sĩ Trung Quốc. Các bức ảnh được báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc đăng tải cho thấy binh sĩ Trung Quốc được trang bị súng trường tấn công Type 95-1 mới.


Trung Quốc đã lập ra lực lượng túc trực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc gồm 8.000 binh sĩ theo sau cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015. Đây cũng là lực lượng tham gia MOOTW lớn nhất thế giới.


Ông Tập còn cam kết cung cấp hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu USD cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) và đóng góp 1 tỉ USD vào quỹ hòa bình và phát triển chung Trung Quốc - Liên Hiệp Quốc kéo dài 10 năm.


Đại tá Chu Ba nói rằng các sứ mệnh gìn giữ hòa bình là một phần trong các trách nhiệm mà Bắc Kinh phải gánh vác vì Trung Quốc là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông Chu nói rằng thông qua hoạt động này, năng lực tác chiến của các binh sĩ Trung Quốc sẽ được cải thiện.


"Các sứ mệnh gìn giữ hòa bình đã trở thành một trong những thương hiệu của Trung Quốc, tương tự như vai trò của Bắc Kinh trong sáng kiến Vành đai con đường và Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB). Chúng cho thấy quyền lực cứng và quyền lực mềm của Trung Quốc" - chuyên gia Lý Khiết nhận định.


Năm ngoái, Trung Quốc trở thành nhà đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, chỉ sau Mỹ và hiện có binh sĩ tham gia vào 6 hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Sáu hoạt động này được tiến hành ở các khu vực châu Phi gồm Mali, Liberia, Nam Sudan, Darfur, Cộng hòa dân chủ Công Gô và Nam Sahara./