Vì sao VN không mặn mà với lời chào mua vũ khí của Trump?

19 Tháng Mười Một 20175:44 CH(Xem: 8561)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ  HAI 20  NOV  2017


Vì sao VN không mặn mà với lời chào mua vũ khí của Trump?


17/11/2017


Khánh An-VOA


image026

Hệ thống phòng không S-400 của Nga, vũ khí mà Việt Nam đang thương thảo để mua của Moscow.


Trong chuyến công du dài ngày đến châu Á và dự APEC tại Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “chào hàng” tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ ngay trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bloomberg dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Mỹ thậm chí nói ông Phúc “còn chần chờ gì nữa” khi ông đã lên nắm cương vị đứng đầu nước Mỹ được 10 tháng rồi.


Bán vũ khí cho Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ khi đến Việt Nam. Vẫn theo Bloomberg, một thương vụ vũ khí với Việt Nam còn là “thắng lợi nhanh” giúp cho ông Trump có thêm lợi thế khi ra tái tranh cử.


Trên trang web chính thức, Tòa Bạch Ốc còn đăng lời “quảng cáo” của ông Trump với ông Phúc rằng “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ là nơi sản xuất các trang thiết bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên”.


Mua vũ khí không phải là dễ. Có nhiều vấn đề đặt ra lắm. Thí dụ, một khi đã mua vũ khí của một số nước khác rồi, bây giờ mua vũ khí của Mỹ thì các hệ thống có dùng lẫn với nhau được hay không, hay là mua của Mỹ thì phải mua hoàn toàn của Mỹ, bỏ tất cả các thứ khác.


GS. Nguyễn Mạnh Hùng.


Tuy nhiên, bất chấp kỹ năng thương trường của Tổng thống Mỹ, Việt Nam cho đến phút chót của APEC vẫn không ký một hợp đồng mua bán vũ khí nào trong số một loạt thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ đôla ký với Hoa Kỳ.


Một nhà phân tích chính trị Việt Nam và quốc tế, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của trường đại học George Mason, Mỹ, nhận định rằng có nhiều yếu tố khiến mục tiêu của ông Trump không thành công tại Việt Nam. Ông nói:


“Mua vũ khí không phải là dễ. Có nhiều vấn đề đặt ra lắm. Thí dụ, một khi đã mua vũ khí của một số nước khác rồi, bây giờ mua vũ khí của Mỹ thì các hệ thống có dùng lẫn với nhau được hay không, hay là mua của Mỹ thì phải mua hoàn toàn của Mỹ, bỏ tất cả các thứ khác”.


Trở ngại thứ hai, theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng, là vấn đề tiền bạc, vì ngân sách mà Việt Nam dành cho việc mua vũ khí khá “eo hẹp” so với các nước khác.


Ông nói thêm: “Ngoài ra, mua vũ khí của Mỹ cũng cần rất nhiều chuyện như huấn luyện và các thứ khác. Ví dụ như Việt Nam mua [chiến đấu cơ] Sukhoi của Nga thì phải sang Ấn Độ để huấn luyện vì Ấn Độ cũng mua cùng loại vũ khí đó”.


Vài tháng trước khi diễn ra Hội nghị APEC ở Việt Nam, một số chuyên gia quân sự của Nga liên tục lên tiếng trên truyền thông khuyên Việt Nam không nên mua vũ khí của Mỹ và Israel. Các chuyên gia này còn đưa ra các phân tích kỹ thuật để cho thấy sự ưu việt của vũ khí Nga trong việc tích hợp vũ khí khác hệ so với vũ khí của Israel và Mỹ.


Trong khi đó, một chuyên gia quân sự Việt Nam, Phó giáo sư-Tiến sĩ-Thiếu tướng an ninh Lê Văn Cương, trong cuộc phỏng vấn với Spunik ngày 14/11 nói “Qua thực tế kháng chiến người Việt Nam đã biết rằng vũ khí Mỹ thua kém về các đặc tính hơn là vũ khí tương tự của Liên Xô, ngoài ra lại đắt giá hơn nhiều”.


Nhận định về yếu tố này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:


“Khi người ta đã quen với vũ khí nào thì dĩ nhiên người ta thích vũ khí đó. Nhưng tôi nghĩ ẩn ý trong đó là vấn đề tiền bạc. Mua đồ của Nga thì vấn đề tiền bạc dễ hơn. Có thể có tham nhũng trong đó nữa. Còn mua vũ khí Mỹ thì không thể đi lót tay được”.


Hệ thống vũ khí của Việt Nam trước đây chủ yếu do Liên Xô cung cấp từ đầu những năm 1950. Gần đây, Việt Nam và Nga cũng ký kết nhiều hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hơn 4,5 tỷ đôla, trong đó có các tàu ngầm lớp Varshavyanka, hệ thống phòng không Buk, Tor và S-300. Đa số chiến đấu cơ của Việt Nam cũng là máy bay Mi-8 của Nga và mới đây là tiêm kích Su-27 và Su-30MK2.


Mua đồ của Nga thì vấn đề tiền bạc dễ hơn. Có thể có tham nhũng trong đó nữa. Còn mua vũ khí Mỹ thì không thể đi lót tay được.


GS. Nguyễn Mạnh Hùng.


Những năm gần đây, Việt Nam chi khá mạnh tay trong việc mua sắm vũ khí với mục tiêu “hiện đại hóa quân đội”. Trong vòng từ năm 2006 – 2015, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%). Vệc phân bổ ngân sách quốc phòng của Việt Nam cũng cho thấy có sự thay đổi về căn bản so với trước, tập trung nhiều về khả năng hàng hải và bảo vệ lợi ích trên biển trước bối cảnh xung đột ở Biển Đông đang ngày càng phức tạp và căng thẳng.


Tuần trước, báo Nga dẫn lời Phó cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuận quân sự Nga Mikhail Petukhov tiết lộ Việt Nam đang thương thảo với Nga trong việc mua một lô lớn vũ khí tiên tiến, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-400. Trước sự kiện này, báo Trung Quốc Sina Trung ngày 9/11 cho rằng Việt Nam sắm vũ khí từ Nga theo kiểu chạy đua với Trung Quốc. Mỗi khi Trung Quốc mua vũ khí nào của Nga, thì Việt Nam cũng phải cố mua vũ khí tương tự từ Moscow và đây là công tác “tuyên truyền” khá thành công của Moscow nhằm bán vũ khí cho các quốc gia châu Á.


Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự nhận định vì điểm yếu của hải quân Việt Nam là khả năng tác chiến chống ngầm, nên việc sắm máy bay tuần tra chống Ngầm có “giá phải chăng” của Mỹ vẫn được cho là một mục tiêu mà Việt Nam có thể đang nhắm tới, bên cạnh những “chào mời” hấp dẫn từ Nga, Ấn Độ và cả Pháp./