Chính sách của Mỹ về Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump có gì khác?

14 Tháng Mười Một 20178:13 CH(Xem: 8470)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ  TƯ 15  NOV  2017


Chính sách của Mỹ về Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump có gì khác?


image015

Tiến sỹ Trần Công Trục


/11/17


(GDVN) - Cho đến nay, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về chính sách và cách xử lý của Mỹ dưới thời Donald Trump đối với tình hình Biển Đông.


Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 đã chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng.


Đây là một sự kiện chính trị nổi bật của năm 2017 sắp kết thúc, với nhiều diễn biến rất phức tạp trong quan hệ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tranh chấp Biển Đông.


Có thể thấy rằng, cho đến nay có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về chính sách và cách xử lý của Mỹ dưới thời Donald Trump đối với tình hình Biển Đông.


Có không ít người cho rằng, theo cách nhìn nhận của một “Tổng thống - Thương gia”, có 3 nhân tố có tác động đến chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam châu Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương


Trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề tranh chấp Biển Đông và quan hệ với các đồng minh, đối tác:


Một là: Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã bắt tay thực thi chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”;


Tạo việc làm cho người Mỹ, bằng biện pháp đầu tư hướng nội, co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch… để không cho các đối tác kinh tế nước ngoài thao túng, đặc biệt là Trung Quốc.


Trung Quốc là một đối tác kinh tế, vừa có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Mỹ bởi chính sách bảo trợ thương mại đối với các doanh nghiệp trong nước, giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp, khiến cán cân thương mại song phương đã thặng dư tới hơn 350 tỷ USD gây thâm hụt ngân sách cho Mỹ…;


Vừa là một thị trường tiềm năng, béo bở, với hơn 1,3 tỷ dân, đang khát về công cụ sản xuất kỹ thuật, công nghệ cao để xây dựng thành công “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”;


Đáp ứng đòi hỏi của quy luật phát triển kinh tế nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa năng lực sản xuất và nhu cầu của dân chúng, được cho là chủ yếu của xã hội Trung Quốc hiện nay, mà Mỹ không thể không duy trì, khai thác.  


image016

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP


Thứ hai, chủ trương “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi những cuộc thử vũ khí hạt nhân, nhiệt hạch và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn liên tục diễn ra, bất chấp mọi sức ép về kinh tế, quân sự, ngoại giao… của Mỹ và cộng đồng quốc tế.  


Sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang trực tiếp thách thức, đe dọa đến an ninh, quốc phòng của Mỹ và các đồng minh  ở khu vực Đông Bắc Á.


Trong tình hình đó, Mỹ (kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc) đều nhận thức rằng:


Trung Quốc, với tư cách là một đồng minh, là chỗ dựa của Bắc Triều Tiên trong lịch sử và hiện tại, mới có khả năng buộc Bắc Triều Tiên phải chấp hành Nghị quyết của Liên Hợp Quốc…


Vì vậy, phải duy trì quan hệ “bất đối kháng” với Trung Quốc, thậm chí phải tính đến việc phải có một số nhân nhượng nào đó ở Biển Đông.


Tuy nhiên, trong thực tế, tính toán đó của Mỹ đã không mang lại kết quả mong muốn, có lợi cho Mỹ.


Bắc Triều Tiên vẫn không chấp nhận xuống thang, vẫn tiếp tục “sinh tồn” trong vòng vây của hầu hết cộng đồng quốc tế;


Vẫn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nêu không đáp ứng các điều kiện của họ;


Vẫn tiếp tục sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo với chi phí khổng lồ, tốn kém mà không phải bất kỳ một nước nghèo nàn lạc hậu nào cũng có thể gánh chịu được, nếu không có sự “hà hơi tiếp sức” nào đó từ bên ngoài?


Chắc hẳn hơn ai hết, Mỹ phải rất tường tận điều này.


Phải chăng Bắc Triều Tiên và Biển Đông là hai con bài nằm trong tay của 2 siêu cường Trung - Mỹ trong ván cờ “địa chính trị” đang lúc gay cấn nhất…? 


Thứ ba: Có lẽ, đây là yếu tố rất ít được đề cập hay không đề cập đến.


Mặc dù, trong lịch sử nhân loại, các cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra đều xuất phát từ động cơ làm giàu trên xương máu đồng loại của những tập đoàn lái buôn vũ khí quốc tế.


Hiện nay, ai là “lái buôn vũ khí” hẳn dư luận ít nhiều đều đã nhận ra.


Đe dọa chiến tranh hay gây chiến tranh, xung đột lớn, nhỏ đều xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ các loại vũ khí tồn kho đang là nhân tố gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số cường quốc có năng lực chế tạo, sản xuất vũ khí chiến tranh.


Khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Biển Đông hay Trung Đông, hoạt động của IS, tranh chấp tôn giáo, sắc tộc… phải chăng đều có bàn tay của các tập đoàn lái súng tầm cỡ quốc tế?


Khi đánh giá đến chính sách của Mỹ, Trung Quốc… không thể không tính đến các nhân tố nói trên.


Vì vậy, mặc dù có nhiều nghi ngờ bởi tính cách bất thường, phi truyền thống của vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nhất là ở giai đoạn đầu khi ông Donald Trump mới lên cầm quyền;


Nhiều ý kiến vẫn cho rằng chính sách của Mỹ thời Donald Trump đối với Biển Đông về cơ bản không có gì thay đổi.


Có chăng cũng thể hiện ở sách lược được áp dụng cho những thời điểm cụ thể làm sao có lợi nhất cho nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị “soán vị” bởi “giấc mộng Trung Hoa” sắp trở thành hiện thực dưới thời đại Tập Cận Bình.


Chuyến công cán dài ngày của Tổng thống Donald Trump đến một số nước châu Á vào dịp trung tuần tháng 11 năm nay; Tham dự và phát biểu tại APEC - Đà Nẵng, sau đó bay ra Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam, là một chuỗi sự kiện khá đặc biệt trong hoạt động ngoại giao của một nguyên thủ quốc gia.


Đây là một minh chứng về chính sách không thay đổi của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là khu vực biển Hoa Đông, Biển Đông.


image017

Ngày 6/11, Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 chính thức khai mạc. (Ảnh đăng trên Báo điện tử Chính Phủ)


Trong đó có việc tăng cường mạng lưới an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu là Mỹ muốn duy trì cán cân quyền lực địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương;


Củng cố trật tự khu vực theo chiến lược của Mỹ, nhưng lại phải tránh được xung đột và vẫn duy trì được các mối quan hệ kinh tế ổn định với Trung Quốc.


Mục đích của chuyến công du này được giới chuyên gia nhận định là nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh và mở rộng thêm đối tác trên nhiều lĩnh vực.


Những nỗ lực này, nếu thực hiện sẽ giúp Hoa Kỳ tăng cường được sức mạnh quân sự, đảm bảo cho việc duy trì cán cân quyền lực địa chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.


Như vậy, chuyến công du của ông Trump tới châu Á đấu tháng 11 không chỉ tập trung vào việc trấn an đồng minh trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hay bàn về cải cách và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, mà còn ưu tiên tăng cường hợp tác an ninh, tìm kiếm đối tác mới nhằm thiết lập một mạng lưới an ninh rộng hơn trong khu vực.


Trong khi vẫn nỗ lực duy trì quan hệ với Trung Quốc nhằm không để xung đột, chiến tranh, kể cả chiến tranh kinh tế, lẫn xung đột vũ trang xảy ra.


Trong hoàn cảnh bị tác động bởi những yếu tố nói trên, Hội nghị thượng đỉnh APEC - Đà Nẵng 2017 sẽ là cơ hội rất thuận lợi để các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là ngài Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin… có thể trực tiếp gặp nhau;


Thể hiện vai trò và trách nhiệm lớn lao của họ trong việc tìm kiếm lối thoát thích hợp nhất cho những khủng hoảng đã và có khả năng tiếp tục xảy ra, gây tác hại đến hòa bình, an ninh, thịnh vượng chung của khu vực và quốc tế.


Chủ trương ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là:


Việt Nam luôn luôn là bạn bè, đối tác tin cậy của tất cả mọi quốc gia trong khu vực và thế giới; sẵn sàng làm tròn trách nhiệm của mình trước cộng đồng khu vực và quốc tế.


Vì vậy, chắc chắn với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam hoan nghênh, tôn trọng và đánh giá cao vai trò của các vị nguyên thủ quốc gia hiện diện tại Hội nghị thượng đỉnh APEC - Đà Nẵng 2017.


Theo đó, Việt Nam nỗ lực tạo lập môi trường thuận lợi nhất để các nguyên thủ quốc gia dễ dàng tiếp xúc, gặp gỡ nhau vì sứ mệnh ngăn chặn chiến tranh, xung đột, bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và quốc tế;


Song song với trách nhiệm phải tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia, dù lớn hay bé, với tư cách là các thực thể được đối xử bình đẳng trong quan hệ quốc tế.


Nhân dân Việt Nam thật sự lấy làm vinh dự và vui mừng được đón tiếp các nguyên thủ quốc gia sẽ thăm chính thức Việt Nam trong dịp tham dự Hội nghị APEC - Đà Nẵng lần này.


Đồng thời, kỳ vọng các nguyên thủ quốc gia sẽ siết tay nhau, có tiếng nói đồng thuận, để Hội nghị APEC thành công tốt đẹp, tạo được dấu ấn mới trong lịch sử quan hệ quốc tế.


Tiến sỹ Trần Công Trục