Ý đồ gì Tầu khựa tự vẽ đường cấm đánh cá?

17 Tháng Năm 201611:40 CH(Xem: 8633)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ  18  MAY  2016

TQ vẽ đường cấm đánh bắt cá ở khu vực vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa và Scarborough với ý đồ gì?

Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc không có giá trị

16 tháng 5 năm 2015

Việc Trung Quốc ra thông báo quy định phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là một hành động vô giá trị và Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định này.

image041Khu vực Trung Quốc cấm đánh bắt cá. Đồ họa: Sina

"Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định.

"Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982", ông Bình cho biết thêm.

Trước đó, chính quyền nhân dân thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông báo "Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của Thành phố Hải Khẩu năm 2015".

Theo đó, Trung Quốc cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h ngày 16/5/2015 đến 12h ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm cả vịnh Bắc Bộ).

Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

PV (Tổng hợp theo Thời Đại Viet Nam Times)

Sự thâm hiểm của Trung Quốc khi áp đặt lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông

16/05/2016

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc lại tiếp tục đơn phương áp đặt chỉ là để thể hiện sự bá quyền trên Biển Đông, còn ngư dân của họ mới chính là kẻ thảm sát nguồn lợi thủy sản trên vùng biển này.

Lệnh cấm của Trung Quốc là phi pháp, vô giá trị

Chinanews hôm 5/5 đưa tin, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Triệu Hưng Vũ tuyên bố áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thường niên trên Biển Đông từ ngày 16/5 – 1/8. Trong thời gian này, họ sẽ gia tăng việc “tuần tra” giám sát thực thi lệnh cấm đánh bắt với nòng cốt là lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu của cơ quan ngư nghiệp địa phương của nước ngày thực hiện. .

image043

Ngư dân Việt Nam sẽ không vì lệnh cấm phi lý của Trung Quốc mà ngừng ra biển! (Ảnh: HC)

Trao đổi với PV sáng 16/5, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản – Thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng nêu rõ, đây không phải lần đầu tiên mà đã gần 10 năm nay Trung Quốc áp đặt lệnh cấm này. Tuy nhiên đây là lệnh cấm đơn phương và phi pháp khi áp đặt trên gần như toàn bộ Biển Đông, kéo dài đến vĩ tuyến 12, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“10 năm nay rồi, cứ đến thời điểm này là họ lại đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Tuy nhiên như lâu nay chúng ta đã khẳng định, Trung Quốc không có quyền đơn phương áp đặt lệnh cấm trên vùng biển không phải của họ mà là của Việt Nam. Chính vì vậy, dù Trung Quốc có áp đặt như thế nào thì ngư dân Việt Nam vẫn không coi lệnh cấm của họ là có giá trị và vẫn đánh bắt cá bình thường trên ngư trường truyền thống của mình, một khi Chính phủ Việt Nam còn cho phép họ đánh bắt cá trên vùng biển đó!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

Mỗi lần Trung Quốc ban hành “lệnh cấm” là chuẩn bị cho bước bá quyền tiếp theo!

Theo quan sát của ông Trần Văn Lĩnh, mỗi lần Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá luôn là bước mở đầu cho các “sự kiện” lớn tiếp theo nhằm khẳng định sự bá quyền của họ trên Biển Đông.

Giữa năm 2014, họ đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá cũng là lúc họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Lần này họ đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague sắp ra phán quyết về việc Philippines kiện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông…

“Họ nói lệnh cấm đánh bắt cá áp dụng với tàu thuyền Trung Quốc và nước ngoài, nhưng thực ra chỉ nhằm tạo cớ cản trở ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực ra biển làm ăn sinh sống chứ chẳng có giá trị gì đối với tàu đánh cá của Trung Quốc. Như khi họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam hồi giữa năm 2014 thì đó cũng là thời điểm họ áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Tuy nhiên, tại hiện trường quanh giàn khoan Hải Dương 981 vẫn dày đặc tàu cá Trung Quốc. Và chính tàu của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng.

Nếu đó là tàu cá Trung Quốc thì chứng tỏ lệnh cấm đánh bắt cá hoàn toàn không có giá trị đối với tàu cá của họ, mà chỉ được họ đưa ra để có cớ gây hấn, tấn công, cướp phá, thậm chí là bắt giữ, hay tàn bạo hơn là đâm chìm tàu của ngư dân các nước khác, trong đó có ngư dân Việt Nam. Hai là, nếu đó không phải tàu cá thì chính là tàu chấp pháp như hải cảnh, hải giám… của Trung Quốc. Như vậy chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động vô nhân đạo đã gây ra đối với ngư dân Việt Nam chứ không thể im lặng suốt từ đó đến giờ!” – ông Trần Văn Lĩnh phân tích.

Chính Trung Quốc mới là kẻ thảm sát nguồn lợi thủy sản của Biển Đông!

Đối với cái gọi là “bảo vệ nguồn lợi thủy sản” mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, ông Trần Văn Lĩnh cũng cho rằng “thực ra lệnh cấm đó chỉ nhằm ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển truyền thống của mình chứ không có ý nghĩa bảo vệ đàn cá gì cả!”.

Ông Trần Văn Lĩnh phân tích thêm: “Cá có rất nhiều chủng loại. Có chủng loại sinh sản vào mùa này, nhưng cũng có chủng loại sinh sản vào mùa khác. Nên theo thông lệ quốc tế, nếu cấm biển tức là cấm đánh bắt chủng loại gì vào mùa nào nhằm bảo vệ cho chủng loại cá đó sinh sản, chứ không có chuyện cấm hẳn cả mùa biển đối với tất cả các chủng loại…”.

Ông Trần Văn Lĩnh cũng chỉ rõ, việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt là để mở đường cho tàu cá của họ tràn xuống Biển Đông, và chính ngư dân Trung Quốc mới là đối tượng thảm sát nguồn lợi thủy sản của Biển Đông bằng việc mỗi năm đánh bắt tới hơn 13 triệu tấn hải sản trên vùng biển này, khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lĩnh nhấn mạnh: “Âm mưu của Trung Quốc là làm cho ngư dân chúng ta kiệt quệ về nguồn lợi lẫn ý chí để không còn tham gia vào việc đánh bắt hải sản trên Biển Đông. Ở Hoàng Sa thì họ phá hoại các rạn san hô để không còn cá nữa. Họ dùng ánh sáng cực mạnh, các loại lưới cực nhỏ để đánh bắt và tràn hàng ngàn chiếc thuyền xuống Biển Đông trong mùa cá sinh sản để tiêu diệt hết nguồn lợi cá của mình.

Tôi cho đó là mặt trận thứ nhất, nghĩa là đánh kiệt về mặt tài nguyên để mình không còn ý muốn ra biển nữa. Mặt trận thứ hai là đánh kiệt quệ về mặt ý chí bằng cách xua đuổi, ăn cướp để ngư dân mình sợ hãi mà không dám ra biển nữa. Và một khi ngư dân của chúng ta không còn động lực để ra biển, không ý chí để ra biển nữa thì chúng ta sẽ thả biển, để họ lộng hành coi Biển Đông như ao nhà của họ, làm phên dậu cho họ. Đó là chiến lược rất lâu dài của Trung Quốc!”.

Mong các lực lượng chấp pháp Việt Nam sát cánh hơn nữa với ngư dân

Trong bối cảnh đó, ông Trần Văn Lĩnh cho hay, bà con ngư dân ghi nhận việc gần đây các cơ quan chấp pháp của Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn và mạnh tay hơn trong việc xua đuổi các tàu cá và tàu quân sự giả trang thành tàu cá của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam.

Đặc biệt, ông Lĩnh chia sẻ, bà con ngư dân rất phấn khởi là trong dịp tiếp xúc cử tri TP.HCM mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải có mặt bên cạnh ngư dân khi có vụ việc xảy ra, bảo vệ bà con ngư dân và thu thập mọi bằng chứng để đấu tranh với phía Trung Quốc.

“Theo tôi, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương áp đặt là một sự vi phạm nhân quyền vì nó ngăn cản ngư dân Việt Nam làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp trên ngư trường truyền thống mà cha ông họ đã khai thác từ hàng ngàn năm nay. Vì vậy, hơn ai hết, ngư dân Việt Nam sẽ không chấp hành lệnh cấm này mà vẫn tiếp tục ra khơi bám biển để làm ăn, sinh sống và bảo vệ ngư trường của mình.

Bên cạnh đó, bà con ngư dân cũng mong muốn các lực lượng chấp pháp của Việt Nam sát cánh chặt chẽ hơn nữa với ngư dân trên biển để bà con yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ ngư trường truyền thống của mình, đồng thời thu thập các chứng cứ cần thiết về những hành động phi pháp của Trung Quốc khi gây hấn, tấn công, cướp phá, bắt giữ, thậm chí là đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam để đưa ra công luận quốc tế nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

(Theo Infonet)