Bút ký Trường Sa

02 Tháng Năm 201611:23 CH(Xem: 10739)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  BA 03  MAY  2016

Bút ký Trường Sa

image056

Bút ký kỳ 1 & kỳ 2

(Tất cả  hình ảnh sử dụng trong Bút ký trích từ Bộ ảnh 10 đảo Trường Sa của LKT)

Lời người viết: - Khi tôi ngồi trước laptop viết Bút ký Trường Sa hôm nay là đúng 2 năm sau cái duyên kỳ ngộ đi quan sát Trường Sa vào tháng Tư 2014 - 4/ 2016 (Quần đảo Trường Sa Spratly Islands 6°12' ~ 12°00' vĩ Bắc và 111°30' ~ 117°20' kinh Đông - trên 100 đảo, đá, rạn, bãi ngầm ... lớn nhỏ, nằm rải rác giữa biển Đông chu vi khoảng 160,000km2).

Con tàu HQ-571 chở tôi (và 200 người khác) đến thăm 10 đảo trong vòng 10 ngày đêm. Hiện Việt Nam đang chiếm giữ 21 đảo, hơn 30 điểm đóng quân, 18 nhà giàn (tức là chòi canh trên biển bằng bê tông cốt sắt dọc theo thềm lục địa).

Đối với tôi, đó là 10 ngày đêm rung chuyển một tâm hồn ngày đêm tưởng nhớ và suy nghĩ về quê hương.

Xin minh định: tôi không phải là một nhà viết Sử, biên khảo Sử, hay một nhà hải dương chuyên nghiên cứu về biển - đảo. Tôi chỉ là một nhà báo bình thường sống và làm việc ở nam California, do thôi thúc của nghề nghiệp mà lai vãng tới những "tọa độ" có cơ hội tìm đến. Thế cho nên, những cái gì mà tôi nhìn thấy, sờ thấy, nghe thấy ở Việt Nam - Trường Sa, ... tôi có bổn phận ghi chép lại trong sự hiểu biết giới hạn và có thể không thoát khỏi đặc chứng của tình cảm vụn vặt.  

Bút ký lan man tới nhiều lĩnh vực, chắc không khỏi phạm nhiều chỗ sai lầm, sơ sót, ngộ nhận, hoặc không đáp ứng được sự hài lòng. Mong quí vị chỉ giáo và hiệu chính lại cho. Từng bài Bút ký được đặt với tựa đề riêng; Bút ký kỳ 1: Trường Sa: Xa mà gần; Gần mà xa. Bút ký kỳ 2: Lênh đênh trên sóng vài con chữ. Xin trân trọng. (lkt)   

Bút ký kỳ 1

Trường Sa: Xa mà gần; Gần mà xa!

image058

1. Tôi về!

Đối với nghề báo, tờ báo, nhà báo mỗi lần đi công tác là một sự vụ lệnh. Tôi cũng vậy. Mỗi lần đi thực hiện một đề tài cho tờ Văn Hóa: lệnh. Lệnh lạc đã ban ra dù được mời hay không được mời. Lệnh từ độc giả, lệnh từ khối óc và tiếng nẩy chạm ở con tim.

Trong đời tôi, có lẽ, chưa có lần nào tôi đi mà không báo trước, ít nhất cho gia đình. Lần này, phút chót, chỉ báo cho nhà tôi: Mai Bố đi Trường Sa.

Trường Sa là cái gì, ở đâu? Một địa danh đang tranh chấp? một hải đảo cô đơn? một ốc đảo trói buộc? một quần đảo mơ hồ? ... Xưa nay chỉ biết trên bản đồ, sách vở, báo chí. Đối với tôi Trường Sa nhức nhối viễn mơ đầy bí ẩn. Đôi khi hồn như con thuyền trôi lãng đãng về biển. Thuyền nào? Biển nào? Chỉ có biển mới hiểu thuyền đi đâu về đâu. Tôi muốn làm con thuyền, nhưng biển nào giúp cho tôi hiểu - đi đâu về đâu?

Tôi sẵn lòng làm con thuyền "chịu chơi"  bắt chước anh chàng lãng tử Alexis Zorbas lang thang mọi con hẻm cuộc đời. Nếu phải cách xa em anh chỉ còn bão tố (1). Ok! Tôi không có "nếu" để thở than. Tôi "đã"  phải cách xa em, tìm cách cách xa em, nghìn trùng. Ngu dại, khờ khạo, chán nản lẫn khôn ngoan? Ngày xưa, xa lắm, tôi "đã" mắc nợ một mối tình biển.

Đến một lúc thì gót chân thực sự lay động. Máu giang hồ nổi lên đùng đùng. Mơ hồ trộn lẫn tiềm thức về một quê hương hụt hẫng gần một phần tư thế kỷ - có làn gió từ biển lung lay bóng tre làng thơ ấu. Giữa náo động của một xã hội kỹ nghệ hóa bỗng nhận được lời mời: - mời Anh về thăm biển đảo quê hương! Quê hương tôi ư? Trường Sa lên tiếng gọi: Tôi phải về. Về ngay.

Không chỉ là thuần quê hương đâu nhé. Máu nghề nghiệp đấy. Nhà báo chỉ chờ cơ hội là ... xung phong.

Trường Sa trước mặt. Phá phách sau lưng. Tôi có hơi lo và giận dữ. Ở đâu mà chả có xuẩn động, nhỏ nhen. "Makeno"!.  Tôi đang rạo rực với hai chữ trong sự vụ lệnh:  Trường Sa. Trường Sa phía trước, tuy xa mà gần. Hai chữ Quê hương đôi khi khách sáo.

Đừng mong đợi chuyến đi tô điểm mầu sắc cho đời sống, cho xã hội cộng đồng, thậm chí cho nhớ nhung. Cũng đừng nghĩ tới sự đe dọa nào đó ngoài biển mênh mông khiến mình chồn chân chột dạ.Tôi biết chứ. Nhưng tôi chỉ muốn nói với bạn rằng: chỉ có nhớ nhung và nghề nghiệp mới cho phép tôi về, không chỉ là lời mời, một lời mời chính trị. (2)

image059

Trên chuyến bay China Airline 747 một mạch từ Phi trường LAX tới Taipei (Đài Bắc), thủ đô của Taiwan, Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch. Ông này là tác giả hàng đầu của đường lưỡi bò chín đoạn. Đánh nhau với Mao: ông thua. Ông chạy ra hòn đảo nhỏ xíu vẫn chưa nguôi giấc mộng "Nam kha", vẽ vời. Không sao. Tôi sẽ tính sau với ông. Tôi sẽ "lên đồng" mời Chúa Nguyễn nói chuyện với ông về lịch sử. Nếu cần, tôi sẽ kiện ông.

Đối với tôi bây giờ, chỉ còn một quãng, một quãng biển nữa thôi, tôi sẽ gặp em, tôi sẽ gặp Trường Sa.

Bước xuống chân cầu thang Vietnam Airline tôi ngả mũ chào ngay cái nóng. Nắng Sàigon anh đi mà chợt hừng hực. Chuyện nhỏ. Nắng, nóng có khác gì mưa, lạnh khi đến San Francisco ngày nào trong đêm đông rét mướt. Chuyện nhỏ. Trước mắt nhiều chuyện khác vui hơn.

Sàigon sặc sỡ. Sàigon quanh tôi người những là người. Tôi bỗng thấy tôi xa lạ nếu không òa lên những giọt nước mắt từ Mẹ, từ các em tôi. Tôi nhủ thầm: gót chân tôi đang nện mạnh xuống nền đất quê hương tại sao tôi lại òa. Không còn câu chuyện nào khác ngoài câu chuyện của giọt máu đào hơn ao nước lã.

2. Cát Lái

image060

Vận tải hạm 2000 tấn Trường Sa đậu bến Cát Lái

Tưởng như chịu không nổi, thế mà tôi vẫn thích hợp với cái nóng của Sàigon. Trong hai tuần ở với Sàigon, da mặt tôi hồng lên, rám nắng. Các quan chức lo lắng cho chuyến hải hành cứ vài ngày lại dặn.  Anh mà ra Cát Lái muộn thì chúng tôi không chờ đâu nhé! Tôi còn mải ham vui.

Buổi sáng 18 tháng Tư năm 2014, đúng giờ, tôi có mặt ở Cát Lái, bến đậu của con thuyền. Nếu tôi không lầm thì ngày 18 /4 rơi vào ngày 19 tháng Ba âm lịch tức là sau mấy ngày truyền thuyết Hoàng tế An Tiêm con rể Vua Hùng Vương đời thứ XVII bị đày ra hoang đảo ngoài biển Đông. (Từ ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch, lệ làng Nga Sơn Thanh Hóa đều làm giỗ Phò mã An Tiêm).

Trời quang mây tạnh. Điềm lành! Đó không  phải là con thuyền "mới hiểu biển". Đó là một chiến hạm mầu xám (cái mầu này tôi từng thấy ở các chiến hạm HQ của VNCH neo bến Bạch Đằng). Nước sơn mới, to lớn, im lìm, nằm khệnh khạng. Đúng hơn, nó là một vận tải hạm mang số HQ-571 hai ngàn tấn với hàng chữ: Trường Sa.

Lạy Chúa! Lần đầu tiên tôi bước lên chiến hạm. Súng đại bác phủ kín ở mũi. Ở Mỹ - San Diego tôi đã bước lên chiếc Hàng không Mẫu hạm Midway, ở New York tôi đã chui vào hầm chứa máy bay chiếc USS Intrepid, chui xuống hầm phóng ngư lôi tầu ngầm thời thế chiến đánh nhau với Nhật. Tất cả đều ngủ yên ở viện bảo tàng, nhưng với HQ-571 lần này, nó là một chiến hạm sống, đang hoạt động, nó đã thực hiện vài chuyến hải hành đưa người ra đảo, nó là con thuyền khổng lồ chở tôi ra biển. Có tiếng sóng Trường Sa trong lòng. 

 Tôi đã viết báo, phỏng vấn và đọc tin tức về Biển Đông cả chục năm nay, nhưng hôm nay,  tôi sẽ trở thành người Lính hải quân ra trận? Hay tôi sẽ là bia đỡ đạn cho cú "mission imposible" nào đó trong tình hình cực kỳ rối ren bất ổn ở Biển Đông? Bọn Tầu khựa đã từng bắn chìm tàu cá ngư dân Việt nhiều lần. Ai cấm nó bắn HQ-571? Đi "tham quan" kiểu này chỉ có ở Việt Nam.

 Vũ khí bảo vệ nghề nghiệp của tôi nhẹ tênh như lông hồng: một quần jean, một áo jean, một máy ghi âm, một máy ảnh Canon và ... thuốc lá. Hết. Hồi trước, tôi là "Quan Hai" bộ binh, mỗi khi đi hành quân trong túi áo trận Jacket nào sự vụ lệnh, nào bản đồ trận mạc, địa bàn, khẩu Colt 45, nào thuốc lá. Nhẹ tênh.

Ít ra tôi cũng còn thừa hưởng chút đỉnh cái gọi là dũng khí của người Lính. Tôi là Lính. Lính mà em! Giả sử có đánh nhau ngoài Trường Sa, tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ bám đảo (chứ không bám phao). Tôi sẽ cầm máy ảnh, cầm bút, cầm súng và ... bắn. Chợt nhớ đến câu hỏi với tướng Nguyễn Cao Kỳ trong một cuộc phỏng vấn ở Quận Cam: "Nếu Thiếu tướng có dịp ra Trường Sa, Thiếu tướng có đi không". Ông tướng trả lời: "Tôi đi thì phải có chiến hạm, áo giáp... tôi mới đi..."

Các ông "Quan hải quân" chẳng nói gì cả về lộ trình. Bí mật là nghề của chàng. Cũng chẳng thấy sắp hàng lên lớp. A lê hấp, lên tầu! Cùng với tôi gần 200 người răm rắp lên tầu. Các ông Lính điều hành ăn mặc giản dị đến nỗi không thể biết họ là "Quan hải quân". Vai họ đầy sao. Họ hướng dẫn chúng tôi khoảng 4 đến 6 người vào một phòng. Tôi thấy có cả nhiều bóng hồng xinh đẹp thon thả bước lên "chiến hạm". Lạ thật. Tuyệt chẳng có cái bóng nào ở chung phòng với tôi!

3/ Tiếng còi tàu

image061

Tác giả và Thủy thủ.

image062

Có một chút gì tâm linh, một chút gì thảm họa?

Không có tiếng còi tàu chia tay kẻ đi người ở đẫm lệ. Con tàu dập dềnh tách ra khỏi bến. Tôi chạy vội ra mũi. Chiến hạm lừng lững ra khơi. Gió ù ù. Bên cạnh tôi, không có tài tử Kate Winslet như trong phim "Titanic" chuyện tình lãng mạn; bên cạnh tôi, khẩu đại bác 12 ly đen ngòm; bên cạnh tôi, một thủy thủ đang lom khom che ngọn gió phong châu thắp nén nhang cắm lên con gà luộc thơm phức.

Có một chút gì hủy diệt? Có một chút gì đời sống tâm linh phảng phất nơi người lính thủy thủ trẻ cộng sản? Biển bát ngát vô tận. Con tàu đang lao đầu vào thảm họa? Con tàu đang lao vào sóng Biển Đông cấp mấy mươi đã từng gào lên nuốt sống những trận sống mái: "Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh"; "Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng" (*). Người lính trẻ đang cầu nguyện cho người lính già? Chuyện nhỏ. Người lính già sẽ sánh vai với em - người lính trẻ hầu như không bao giờ biết đến ý thức hệ là cái quái gì, chưa bao giờ cầm trong tay tờ bạc trăm đô, nhưng sẵn sàng liều thân đánh nhau tới chết với 'bè lũ phản động Bắc kinh" (3). Bạn trẻ! Đừng quên: tôi là Lính.  Người lính già không bao giờ chết.(**) 

4/ Buồm căng gió

image063

Gióng buồm  ra khỏi cửa Vũng Tàu, đảo mờ xa xa huyền hoặc.

"Ơ... này anh em ơi! Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ...". (***)

Tôi ra khơi với con thuyền căng buồm vĩ đại. Lời một ca khúc hùng tráng của người nhạc sĩ tài hoa bật ra trong tim trên sóng nước: "Ơ... này anh em ơi! Hương khói gia đình bát ngát trong câu mong chờ...". Gióng buồm ra khơi sao còn nhớ gia đình? Phải chăng ca từ viết từ năm 1957 đã tiên tri hương khói suy niệm về những người chồng như Ngụy Văn Thà, những người con như Nguyễn Văn Phương (4). Đâu đây hồn biển gợn lăn tăn mỉm cười với khói hương của người thủy thủ trẻ. Giữa màu xanh bất tận, đảo cô đơn huyền hoặc xa xa (5).

(còn tiếp)

 

image064

Trên boong đài chỉ huy.

 Note:

(1)- thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1992-1994), nhạc Phan Huỳnh Điểu.

(2) lời Lê Duẩn.

(3) nhạc và lời Hoài Bắc Phạm Đình Chương - Tiếng Dân Chài (1957).

(4) Hải quân Thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà hy sinh trận Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974;

Thiếu úy Hải quân CHXHCNVN Nguyễn Văn Phương hy sinh trận Gạc Ma tháng Ba năm 1988.

(5) Ra khỏi cửa biển Việt Nam là thấy đảo, hàng nghìn đảo lớn đảo nhỏ.

(*) Theo thiên truyền khẩu của cụ Trạng Trình:

Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ động đao binh
Mã đầu Dương cước anh hùng tận
Thân, Dậu niên lai kiến thái bình.

Tạm diễn nghĩa:

Cuối năm Thìn (2012), đầu năm Tỵ (2013) chiến tranh khởi động nạn binh đao bốn phương.

Đầu năm Ngọ (2014) cuối năm Mùi (2015) tận số của bậc anh hùng.

Đến năm Thân (2016) Dậu (2017) năm con khỉ, con gà mới thấy thái bình.

(*) Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng: Ngoài biển cá khổng lồ đánh nhau máu loang khắp mặt biển đáy biển; kình ngư có thể hiểu là chiến hạm, tàu ngầm ...)

(**) Câu nói bất hủ của Tướng Douglas Mac Arthur: "Người Lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt..."

(***) Bấm vào thư mục VĂN NGHỆ: nghe Ca sĩ Hùng Cường hát Tiếng Dân Chài.

+++++++++++++++++++++++++++++++

Bút ký kỳ 2

Lênh đênh trên sóng vài con chữ

image066

Những suy nghĩ rời

*

Gần như mỗi ngày, tình trạng văn hóa, chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng trên dải đất chữ S, đặc biệt là biển đảo Việt Nam biến đổi khó lường. Sự can thiệp của cường quốc liên quan vấn đề chủ quyền biển Đông không còn là một biến cố thời sự mà là mối chiêm nghiệm cháy lòng đối với tôi. Cỡi trên con sóng mới thấy sóng biển Đông bề bề một cõi không còn là của riêng ta. Lòng đau thắt lại.

Truy nguyên ra biển Đông vì sao nóng dần và sẽ nóng cực độ đến nỗi một người dân bình thường cũng có thể mường tượng ra cảnh kình ngư huyết chiến. Tục ngữ Việt có câu: "Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết". Mong thay ta không phải là muỗi. 

Các thế lực quốc tế đã và đang "dàn trận", sa bàn biển Đông đặt lên bàn mổ. Chiến hạm đủ màu qua lại biển Đông như cơm bữa. Các giàn khoan lũ lượt kéo đến đục, khoét, đâm vào lòng biển Mẹ, hút máu của Mẹ. Như kim chích vào da thịt, biển Đông từ từ thủng những lỗ sâu hoắm. Máu cạn dần lòi ra lỗ hổng khổng lồ trong ruột đất. Nước mặn lấp vào và phong ba bão tố dâng lên. 

Trong ngoại sử dân gian nước ta, hai chữ "Biển Đông" có lẽ do thuyền dân chài gọi nhau vượt sóng về hướng Đông. Đến thế kỷ 17, chính sử các đời Chúa Nguyễn Thế Tổ xứ Đàng Trong lập ra Đội Hoàng Sa duy trì đến đời Vua Gia Long thì "Đội" trở thành "Hạm Đội" thường xuyên ra Bãi Cát Vàng. Bóng dáng "Hạm Đội" mất tăm nên đám hậu duệ hình dung chữ "Đội" chắc là nhỏ lắm! Riêng tôi cứ gọi là "Hạm đội Hoàng Sa".  

Đến hậu bán thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, biển Đông lôi cuốn cường quốc đổ xô vào vì chiến lược an ninh và khát khao nguyên liệu. 

Có thể biển Đông cùng một độ mặn với biển Nam Trung Hoa, biển Tây Philippines, biển Bắc Malaysia và biển Brunei. Đường hải giới với lân bang còn mơ hồ chồng chéo. Nhưng tạm tính điểm cực Bắc của Biển Đông nằm ở vĩ độ bắc 22, kinh độ đông 108;  điểm cực Nam nằm ở vĩ độ nam 7 kinh độ đông 116. Những con số vĩ độ kinh độ này còn chênh lệch do chưa có một hiệp ước nào xác định hải giới giữa các nước ven biển.

Phân chia như vậy, Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu km2 so với khoảng 3 triệu rưỡi km2 chu vi toàn vùng biển (vùng biển này là một phần của tây Thái Bình Dương tựa như cái vũng lấn sâu vào mặt bờ lục địa Việt Nam sau lưng quần đảo Philippines). (1)

Vì sao dưới mắt các nhà quân sự chính trị cường quốc, biển Đông biến thành bãi chiến trường để giải quyết thế chiến lược toàn vùng Đông Nam Á - Châu Á Thái Bình Dương. Trước  đây tôi có viết một bài gọi cái chốt biển Đông là cái "mắt xích" của Đông Nam Châu Á; ai là người phá đứt cái mặt xích biển này, người đó sẽ làm chủ Đông Nam Á. Trung Quốc đang cật lực phá đứt cái mắt xích này bằng đủ mọi cách.

Nhưng "khắc tinh" của Trung Quốc là Hoa Kỳ.

"Khắc tinh" đã tìm đến Vương quốc Đại Việt cách đây 175 năm. Rất tiếc Vua Chúa nước ta lúc ấy nhìn Tây phương (qua lăng kính đủ loại chiến thuyền Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp rồi lại lính của họ đánh giết nhau ghê rợn trên đất phố của mình mà lo sợ cho xứ sở). Một trong những nét đặc thù của nền văn hóa phương Đông là kín cổng cao tường, bế môn tỏa cảng cho chắc ăn. Không thể trách cứ Vua Quan Đại Việt trong hoàn cảnh ấy mà sản sinh ra một Minh Trị Thiên Hoàng. Xem lại sử Nhật thì ít thấy cảnh liệt quốc tranh hùng tranh bá tranh lợi thâm hiểm như ở nước ta.

 Mỹ là nước muốn lập quan hệ ngoại giao với Đại Việt từ năm 1831, cử ông Shilluber làm Lãnh sự, nhưng không được Vua Minh Mạng chấp nhận. Năm Nhâm Thìn (1832),  một thương gia Mỹ là ông Edmund Roberts và Đại úy Georges Thompson lái tàu đến Phú Yên (Tuy hòa) dâng quốc thư xin thông thương giao hảo, Lệnh Vua lại không cho đưa quốc thư về triều. Vua không thèm đọc! (1a)

Từ năm 1831 đến năm 1964 là cả một thời gian Đông Tây u ám "sương đầu ngõ". Một nhà văn đã viết: Đông Tây không bao giờ gặp nhau.

Ngày 2 tháng 8 năm 1964, chiến hạm USS Maddox tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Tổng thống Lyndon B. Johnson mở đầu cuộc 'thăm viếng" Bắc Việt bằng những quả bom.

Ngày 8 tháng 3 năm 1965, Thủy quân Lục chiến Mỹ ồ ạt đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, Thủ tướng Phan Huy Quát bật ngửa người, ngày hôm sau vội ra thông báo.

Tôi không hiểu vì sao lịch sử lại Đông Tây lại oái oăm đến thế với dân tộc Việt.

Tôi cũng không hiểu vì sao có một số người Việt ta nay vì "hám cái kỹ nghệ của họ tinh xảo, cho họ nhập vào nước làm việc; ấy là bắt đầu mở đường dẫn di địch vào nước". (?) (1b)

Tôi cũng không hiểu vì sao có một số người Việt ta "hám" đô la đến mờ cả mắt.

Thật ra, không chỉ là đô la. Trong quá khứ rất gần, quan niệm về chủ quyền biển Đông manh nha từ cái vụ Công hàm 1958 của Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng, rõ nét tiếp theo là vụ trận hải chiến Hoàng Sa đông 1974 dưới quyền quản lý của Tổng thống Nam Việt Nguyễn Văn Thiệu..

Tôi cũng không hiểu vì sao trận hải chiến Hoàng Sa tây 1974 bất phân thắng bại bỗng nhiên lệnh lạc từ đâu bảo rút quân về. Được nước được thế, Tầu cộng ào lên chiếm trọn.

Trận hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân VNCH và hải quân Trung cộng; trận huyết chiến Gạc Ma 1988 khẳng định dã tâm của Bắc Kinh luôn ôm mộng thôn tính toàn bộ biển Đông bằng võ lực, khí tài lực. 

Nhìn lại lằn nước oằn lại phía sau đuôi con tàu HQ-571, tôi nhìn thấy cả Bắc Việt lẫn Nam Việt mải quyết chiến mà quên mất cái tham vọng nham hiểm của Tưởng Giới Thạch âm thầm vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn từ năm 1947 sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh.

Một trong những chiến lợi phẩm thu hoặch cực kỳ quan trọng trong lúc giải giới quân Nhật là điều tra tù binh hải quân Nhật về mặt trận biển Đông, nhất là sa bàn quần đảo Trường Sa đưa lên bàn mổ. (Tưởng Giới Thạch gọi là Nam Sa).

Chớp thời cơ, Đài Loan đưa Thủy quân lục chiến tới chiếm ngay đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất tọa lạc ngay trung tâm nhóm đảo quan trọng Trường Sa. Đài Loan đặt ổ trọng pháo ở Ba Bình hòng khống chế các cứ điểm đảo chung quanh (có thể nhìn thấy bằng mắt thường); ngược lại, các đảo đá chung quanh nếu liên hợp thành mạng lưới bao vây hỏa lực thì Ba Bình cũng chết.

Từ thập niên 1930 - 1945, hải quân Nhật đã quá quen thuộc với hải cảng Sihanouk Ville, Singapore, Brunei, Cota Kinobalu, Palawan là nơi căn cứ hải quân thường trực. Riêng Trường Sa vẫn còn là một bí ẩn quân sự. Chiến hạm Nhật từ Okinawa vượt qua eo biển Luzon tiến vào biển Đông mở mặt trận tập kích - vu hồi sau lưng Philippines và từ Trường Sa thẳng tiến vào bán đảo Đông Dương. Các hải điểm bí mật ngầm dưới đáy và đảo nam Trường Sa và Palawan là nơi ẩn dấu tàu ngầm Nhật, tiếp liệu cho chiến hạm, trước khi vượt qua hàng rào Philippines đánh nhau với Mỹ ở Thái Bình Dương. Trận hải chiến lừng danh Leyte cuối tháng 10 năm 1944 cho thấy hạm đội Nhật soái hạm Yamato lừng danh xuất phát từ nam Trường Sa tiến vào Leyte.

Trên lục địa, dù đại bại trước Mao, Tưởng vẫn chính là tổ sư Trung Nam Hải dọn đường cho Mao, cho Tập kế tục thực hiện âm mưu chiếm hữu toàn bộ biển Đông tiến ra biển lớn. Dù gì đi nữa, Tưởng, Mao hay Tập đều cùng giòng máu Hán.

Tôi chợt nhớ đến tuyên bố của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton: "Biển Tây Thái Bình Dương còn đủ lớn..."

Cái gọi là "Tranh chấp chủ quyền biển đảo" được các cường quốc dựng lên om sòm những năm đầu thế kỷ 21. Mỹ nói đi nói lại: "Không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền!". Tàu mới sổ: "các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa". "Tranh chấp" là màn xiếc lớn, cực hay và cực dở. Nó đã bày ra một sự thật: Việt Nam mất dần chủ quyền ở một số khu vực biển, đảo, đá, rạn, bãi đá ngầm ... thuộc phạm vi Vịnh Bắc Bộ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. 

 

Những ngôn từ như "Quốc tế hóa Biển Đông" hay "đi tìm một giải pháp hòa bình cho Biển Đông - Hoàng Sa, Trường Sa, đối thoại  "Song phương - Đa phương", "DOC hay COC" ...  chỉ là những kịch bản chưa thỏa mãn.

Vấn đề là Việt Nam sẽ còn được bao nhiêu sau ký kết từ những tay đạo diễn khổng lồ. Vấn đề là không thể đổ thừa cho ai cả theo cảm tính chủ quan. Thân phận nhược tiểu ví như "Ca khúc Da vàng" của nhạc sĩ họ Trịnh. Vì là thân phận nhược tiểu chúng ta mới có những người lính nằm xuống năm 1974, 1988 ...

Phải chăng biến cố, hoàn cảnh lịch sử, thế chiến quốc, và cả dưới sự "cầm quyền" của các ông "Vua u minh" đã "giúp" cho Trung Quốc "ngoặm" dần biển đảo. Khác với Trung Quốc, người Mỹ không "ngoặm",  không cần "ngoặm" mấy hòn đảo hay đổ bê tông trên mấy dẫy bãi đá ngầm li ti để dựng lên "đảo nhân tạo". Người Mỹ cần cái khác. Cái mà Tổng thống Barack Obama đã nói rồi.  

Tôi là người Việt Nam - quốc tịch Công dân Hoa Kỳ, đi Trường Sa với hai tâm trạng: một người Việt công dân Mỹ chánh cống. Hơn nữa tôi là một nhà báo, hành nghề báo. Nhận mình là nhà báo thì phải làm công việc của nhà báo, dù công việc đó có đến nơi đến chốn hay không. Tất nhiên nó còn tùy vào khả năng chính mình.

Có một số người phê phán, thậm chí đánh phá Quán cơm chay của gia đình tôi trong lúc cá nhân tôi đang thực hiện cuộc phỏng vấn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ờ Thanh minh Thiền viện Sàigon (vừa đi Trường Sa về). Tôi là một nhà báo chưa biết gì về Trường Sa. Đúng. Vì chưa biết gì nên tôi phải đi. Đi cho biết.

Bao giờ tôi mới bước lên "Bồn gột" trút bỏ mọi thành kiến - không thể không biết đến những thành bại?

**

Nhìn trên bản đồ hình chữ S ta có bờ biển dài 3260km tính từ Móng  Cái cho tới Hà Tiên Phú Quốc. Có 28 tỉnh thành duyên hải trong số 63 tỉnh thành cả nước hứng gió biển Đông. Dân số duyên hải cỡ vài chục triệu. Đó là lực lượng rất lớn trong việc huy động nhân lực, tài lực khai thác tài nguyên, đánh bắt cá, bảo vệ nguồn cá và phòng thủ hải tuyến mênh mông trước mặt.

- Nói tới việc đánh cá, trong số hàng chục triệu người sống ở miền duyên hải đã có bao nhiêu người đi biển, làm nghề biển, sống chết với biển? Chưa có thống kê nào chính xác! Giá ta có một triệu con thuyền thả lưới giăng câu ngày đêm ra khơi thì hay biết mấy.

- Nói tới việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ta đã có mấy Viện hải dương học, Viện hải quân, Viện khoa học công nghệ biển, trọng tâm vào giáo dục - đào tạo những tiến sĩ hải dương, tiến sĩ kinh tế - chính trị biển, những đô đốc, sĩ quan thủy thủ viễn dương lành nghề. Đầu tư vào quốc phòng lớn và cần hơn nhiều việc đầu tư vào những cái vớ vẩn. Tôi có thấy cái bích chương to, vẽ hay chụp cảnh một phụ nữ oằn vai gánh hàng rong phụ chú hàng chữ: Đóng góp vì biển đảo Trường Sa. Tội nghiệp quá! 

- Nói tới việc phòng thủ và tấn công kẻ cướp đến từ hướng Đông, ta vội quên mất những Đội Hoàng Sa, Đội Bắc Hải Vua Chúa ta lập ra từ thế kỷ 16-17, đã từng có những dân chài "Robinson Việt" vật lộn với con thuyền huyền thoại - theo dòng thời gian: mất tăm, hoặc gởi nắm xương tàn trên hoang đảo, hoặc chôn vào cổ tích.

Đám hậu duệ không còn thấy cảnh binh thuyền viễn dương kỳ thú vẫy vùng sóng nước mà chỉ thấy một chiếc thuyền nan lờ lững giữa ao sen chở đạo cụ đồ với nàng hầu non bên cạnh! (Văn học bình dân lẫn bác học không có thuyền chở đạo dân chài).

Trong khi đó: "Các nhà hàng hải Pháp xuống tàu từ cảng La Rochelle, ngày 7 tháng 3 năm 1568 cùng với các nhà bác học dòng Tên đi Viễn Đông đã đến Hoàng Sa". (2a)

- Nếu hải lũy Philippines dọc từ vĩ tuyến 20 Đông Bắc xuống vĩ tuyến 7 Đông Nam án ngữ tây Thái Bình Dương ngăn chặn Trịnh Hòa thời nay âm mưu vượt ra biển lớn, thì ngược lại, Biển Đông là hải lộ mênh mông mở rộng cho Ô Mã Nhi Phàn Tiếp thời nay  - chĩa mũi giáo vào đất liền.   

- Nếu sức ta yếu, lực ta hờ, thì ta phải đi cậy, đi mua, đi mượn sức trí tuệ cường quốc làm cái khiêng đỡ, làm thế chống lưng, làm kịch khua chiêng gõ trống.

- Nếu vận dụng được sức lực - tiềm năng của 28 tỉnh thành duyên hải, thiết nghĩ chẳng mấy chốc, Việt Nam sẽ bước lên hàng vương quốc biển hùng cường không kém gì vương quốc biển Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Điển, ...

Coi vậy mà không phải vậy!

Sự thật, nước Đại Việt ta xưa kia từng xưng là Vương quốc Đại Việt. Vương quốc Đại Việt chưa xưng hùng xưng bá với ai, nhưng đã từng đại phá chiếm thành Khâm Châu- Liêm Châu, đòi đất Lưỡng Quảng; Rốt cuộc, vậy mà ta bỏ! Ta đã từng bảo hộ đất Lào, đất Khmer lấy làm phên dậu; Rốt cuộc, vậy mà ta bỏ! Ta chỉ "mở mang bờ cõi, khai thác đất đai ... có chỗ chôn thân!" (2b)

Nhiều thời, Vua phương Bắc đã phải nhìn nhận đất phương Nam có Đế trị vì và gọi Vua ta là An Nam Quốc Vương tức là Vua của Vương quốc Đại Việt. Láng giểng phía tây sau lưng Vương quốc Đại Việt là Vương quốc Lào, tây nam là Vương Quốc Khmer, xa hơn nữa là Vương quốc Xiêm La, Vương quốc Miến Điện.

Quả địa cầu đã tạo ra bán đảo Đông Dương vốn tạo ra sự ràng buộc mật thiết giữa các vương quốc. Dòng chảy về phương Nam của Vương quốc Đại Việt đã sát nhập Vương quốc Cham Pa, Vương quốc Thủy Chân Lạp vào Vương quốc Đại Việt. (Lý Thường Kiệt: Tiệt nhiên định phận tại thiên thư). Không trách được số Trời.

Trong những ngày cuối cùng của VNCH, người ta đồn rằng, thủy tổ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thuộc dòng Vương quốc Cham Pa; linh hồn oan khuất Chàm đã nhập vào ông Thiệu để trả thù Vương quốc Đại Việt. Không trách được số Trời.

Thủy quân thủy chiến

Cách đây hơn hai trăm năm, tướng quân Nguyễn Ánh, trong những trận thủy chiến với thủy quân của tướng quân Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh đã nhìn thấy sức mạnh của thủy quân nên ông không ngần ngại mua, đúc binh thuyền, mua thần công, súng nhỏ, lại còn cầu viện chiến thuyền của Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha để giao chiến với Tây Sơn (1787-1802). 

Chưa có sử sách nào mô tả thủy quân Tây Sơn vũ khí "hiện đại" tới cỡ nào nhưng quân của Ánh bị Huệ đánh cho tơi tả. Ánh có lần lập mưu dùng hỏa công đốt thuyền chiến thuyền của Huệ ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn).

Nguyễn Ánh có lẽ là vị tướng bôn ba với sóng nước nhiều nhất. "Soái hạm" của Ánh ngang dọc sông Tiền sông Hậu, có lúc bôn tẩu ra tận hải đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Sơn... Nguyễn Ánh chứng tỏ tài đi sông đi biển của ông như là một thủy sư đô đốc. Dân miền Trung trông ngóng Nguyễn Ánh qua câu đồng dao: "Lạy trời cho cả gió nồm, để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra".

Thủy sư Đại Đô đốc Nguyễn Ánh đã nắm vững quy luật thủy triều, tốc độ gió, hướng gió, độ sâu cạn, con sóng, đá ngầm, dòng hải lưu của từng vùng biển trước khi phát lệnh chiến thuyền ra khơi. Với kỹ thuật đóng chiến thuyền thời xưa, để vượt qua hải lộ xa cả ngàn cây số từ Nam ra Bắc, từ Bắc về Nam, không phải là chuyện cổ tích.

Tướng soái Nguyễn Huệ cũng chẳng kém gì. Mỗi lần soái kỳ Tây Sơn xung trận, địa hình địa vật thời tiết thổ ngơi như trong lòng bàn tay, binh thuyền vô nam ra bắc xuất quỷ nhập thần, Huệ vương đứng trên hỏa thuyền chỉ huy ba quân khiển tướng. Có vậy mà chỉ một trận Mỹ Tho sông Tiền đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút, hạm đội Xiêm La tan tác thuyền úp nghẹt sông, mỗi quân một ngả bán sống bán chết chạy về Xiêm La, cứ mỗi lần nhắc đến Tây Sơn thì hồn kinh phách tán.

Kinh qua những trận thủy chiến lẫy lừng trên sóng nước, Tây Sơn đã tạo ra những Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đô đốc Long, Đô đốc Bảo, Đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng ...; Thế mới biết, trong lịch sử chiến tranh Đại Việt, bộ tướng chưa đủ, phải có thủy tướng mới lưỡng bề toàn bích.

Ngặt một nỗi, Trời đã sinh ra Nguyễn Huệ còn sinh ra Nguyễn Ánh. Ánh vương là "khắc tinh" của Huệ vương và ngược lại.

Trời đã phù hộ cho mạng của Ánh vương bao nhiêu lần thoát khỏi vòng vây của Huệ. Cuộc tranh hùnh tranh bá giữa Huệ Vương và Ánh Vương là bức tranh hiện thực để lại cho hậu thế ở bán thế kỷ 20 lâm vào cảnh "Thế chiến quốc, Thế xuân thu, Gặp thời thế, Thế thời phải thế".

Trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn Trịnh-Nguyễn rồi đến Ánh vương - Huệ vương, chưa thấy sử sách nào ghi lại chương "hòa giải hòa hợp dân tộc" để một ông tiến về phương Nam, một ông tiến lên phướng Bắc chung vai mở mang bờ cõi sơn hà. Vương quốc Đại Việt gặp thời tam quốc Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, thiên hạ nhiễu nhương, cùng giòng máu Việt mà giết nhau như ngóe.

Lại ngược về quá khứ xa hơn, không người dân Việt nào không ngẩng đầu về trận Bạch Đằng Giang (năm 1288) dưới sự lãnh đạo Ziên Hồng của Vua - Tướng nhà Trần. Lại nhớ đến hai thủy quân  bộ hạ của Đức Hưng Đạo Đại Vương là Yết Kiêu, Dã Tượng, (hai thủy quân bình thường này nên được phong làm thủy tổ của lực lượng "người nhái - đặc công nhái").

Trong trận Bạch Đằng Giang, quân nhà Trần đại thắng thu bắt được hơn 400 chiến thuyền Nguyên Mông. Thế mới biết, thủy quân của phương Bắc từ triều Minh Thành Tổ đã "hiện đại" tới mức Đại Đô đốc Trịnh Hòa vùng vẫy năm châu bốn bể như chỗ không người.

Dài dòng về những trận thủy chiến xa xưa để thấy tầm vóc lớn lao của hải quân quan trọng tới mức nào một khi chiến trận nổ ra ở sông ngòi - biển đảo. Lạ một điều là hàng trăm, hàng ngàn chiến thuyền hai nước giao chiến giờ này nó nằm ở đâu. Nó chìm dưới đáy sông hay cửa biển? Hay bị thiêu rụi để xóa sạch một nền văn hóa văn minh sông ngòi biển cả.

Đã có kế hoặch nào đi mò trục vớt cổ thuyền? Một ngày nào đó, may ra. Một ngày nào đó, cảnh Chúa Nguyễn Phúc Lan đốt tiêu hạm đội Đông Ấn Hòa Lan ở cửa Thị Nại sẽ được dựng lại. Một ngày nào đó, cảnh tàu L’Espérance bốc cháy dưới sự chỉ huy của nghĩa sĩ Nguyễn Trung Trực ở vàm Nhật Tảo sẽ được dựng lại theo hai câu thơ của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên đia

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

 

Ký ức còn phảng phất đâu đây.

Ký ức nổi trôi theo con tàu HQ-571 đang lao đầu vào sóng xanh bất tận. Con sóng cuồng nộ nhọc lòng dẫn giải về hai chữ Thể chế, Cộng hòa, Dân chủ, Xã hội. Cái thể chế vu vơ này nó ở đâu đâu đến đứng ỳ ở vườn hoa Ba Đình, đến ngồi xổm ở bùng binh chợ Bến Thành. Cái thể chế khiến ta run sợ, khiếp phục, mê hoảng, rồi biểu tình ... Rồi sao nữa? Ta quên biến mất Vương quốc Đại Việt. Ta tự diệt, tự xóa, mọi vết tích hai chữ Vương Quốc trong huyết quản Tiên Đế, thay vào đó làn sóng ý hệ lai căng.

Xấu hổ cho những tôi không biết Vương quốc Đại Việt xưa nay đã đánh cho để tóc dài, đánh cho Bắc phương, Nam phương, Tây phương - thất kinh bát đảo! 

Học được những bài học về thủy quân đại chiến giữa Nguyễn Ánh - Nguyễn Huệ ở hận bán thế kỷ 18, mật chú của những tên do thám bác học thâm nhập đi tới đâu vẽ bản đồ ngõ ngách tới đó.

 Ngày 31 tháng 8 năm 1858, chiến hạm liên quân Pháp - Tây Ban Nha kéo đến bắn phá, đổ bộ tấn công Đà Năng lần thứ nhất, mở màn cuộc xâm chiếm Vương quốc Đại Việt.

Pháo hạm Pháp - Tây Ban Nha bắn thủng thành trì Đà Nẵng, thuyền ta đắm hết, Kinh đô Huế rúng động (cách khoảng 100km). Vua - Quan nhà Nguyễn rối bời. Quân triều đình gọi chiến hạm Pháp là tàu đồng. Tàu đồng có súng đại bác bắn từ ngoài khơi bắn vào. Thần công của ta bắn ra vài trăm mét rơi tõm xuống nước. Địch sao nổi vũ khí của địch.

Sau khi chiếm Nam kỳ,  Bắc kỳ, Pháp tiếp tục cử bác học đi dò sông nước biển đảo khắp nơi. Pháp phái chiến thuyền khảo sát những dòng thủy lưu quan yếu phục vụ cho quân sự và thương mại. Từ Hồng Hà, tàu buôn Pháp ngược lên Vân Nam buôn bán rồi xuôi ra cửa biển. Từ Vàm Cỏ, Pháp truy càn tàn sát nghĩa quân, thu mua lúa, đường, gạo. Từ biển Đông Pháp gởi chiến hạm tới cắm cờ thu vét hải sản ở Bãi Cát Vàng, xây đài khí tượng. Năm 1933, Pháp chính thức cắm cờ trên một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xác lập chủ quyền.

Trong chiến tranh Việt Nam, Hoàng Sa thuộc VNCH, tuy không nằm trong vùng oanh kích tự do nhưng Mỹ đã sử dụng tối đa pháo hạm từ Hàng không Mẫu hạm để yểm trợ quân bộ và tấn công bộ đội cộng sản trên đất liền.

image068

Thuyền và Biển.

Vài con chữ thả rời trên sóng nước, con tàu HQ-571 đang trên đường tiến ra hải phận quốc tế. Một sĩ quan hải quân cho tôi biết tàu đang chạy với tốc độ 20 gút một giờ. Song Tử Tây là hòn đảo đầu tiên tôi sẽ đặt chân tới. Nó cách xa bờ khoảng 500km. 

Mở to con mắt thấu đại dương

image070

Đáy biển Việt Nam

Bờ biển Việt Nam dài thon thả, liền lạc, đẹp mỹ miều so với các bờ biển vùng Đông Nam Á. Từ Móng Cái xuống tận Hà Tiên, cát trắng mịn thơm mùi nắng ấm, biển ấm, nước trong xanh, gió mùa Đông Nam (gió nồm) thổi phất phơ hàng dừa tơ liễu đợi chờ. Ca dao có câu: "tháng Ba bà già đi biển"  (ý nói về mùa biển êm tới mức bà già 80 đi biển cũng không say sóng).

Nhất định tôi không phải là bà già đi biển, nhưng say. Không phải say vì sóng mà say vì tình. Chắc chắn chưa tới tuổi say tình già mà còn đang độ say tình non; Tình non nước đấy bạn./

Lý Kiến Trúc

California 30/4/2016 (còn tiếp)

NOTE:

(1) Nhiều hội nghị quốc tế mở ra vẫn còn lấn cấn danh từ gọi vùng biển này nên gọi là gì. Trong một bài báo viết trên Nhật báo Văn Hóa, Sử gia Phạm Cao Dương đề xuất gọi là biển Đông Nam Á. 

(1a) + (1b) Theo Sử gia Phan Khoang, VIệt Nam Pháp thuộc sử.

(2a) + (2b) Theo wikipedia.