"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ HAI 18 APRIL 2016
Báo Mỹ: Tàu ngầm Trung Quốc ẩn núp ở rãnh biển của Biển Đông
(GDVN) - Trung Quốc phản đối Mỹ bảo vệ tự do hàng hải là để bảo vệ các công sự, các tiền tiêu ở Biển Đông, áp đặt tham vọng phi pháp và đe dọa các đối thủ.
Đa Chiều ngày 16/4 bình luận, sự lo ngại về tình hình an ninh Biển Đông thường tập trung vào tàu thuyền đi qua vùng biển này, trong khi đó, "hạm đội bí mật" - lực lượng tàu ngầm rất ít khi để lộ hành động, nhưng nó đã triển khai rộng rãi ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là tàu ngầm của các nước ở Biển Đông có số lượng ngày càng tăng, chủng loại phong phú.
Tàu ngầm Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Đa Chiều
The Washington Post ngày 13/4 nhận định, Trung Quốc có tham vọng cuồng nhiệt là kiểm soát (phi pháp) toàn bộ Biển Đông, phần nào là để xây dựng "công sự/nơi ẩn náu" cho tàu ngầm của họ, khu vực này là một vùng biển có độ sâu trên 2.400 m và rãnh biển có thể giúp tàu ngầm ẩn náu.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho rằng, tàu ngầm là "tài sản rất có giá trị". Là một phần của tư tưởng "chống can thiệp/chống tiếp cận", tên lửa phòng không và các vũ khí khác triển khai ở khu vực này nhằm ngăn chặn các hành động của quân đội đối phương, nhưng tàu ngầm thường không bị ảnh hưởng như các tàu chiến mặt nước và máy bay chiến đấu, bởi vì chúng lặn ở dưới mặt biển.
Đô đốc Scott Swift cho biết: "Một khi xảy ra xung đột, ở khu vực – nơi các tàu chiến mặt nước và lực lượng đường không sẽ tranh đoạt mạnh mẽ này, tàu ngầm sẽ gia tăng khả năng can dự khu vực này một cách không hạn chế".
Trong vài năm tới, các nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Australia đều tìm cách nâng cấp hành động của tàu ngầm.
Tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Navy.81.cn
Đô đốc Scott Swift cho rằng, đây là "khúc xạ" của tình hình không an toàn của khu vực này, điều này không chỉ liên quan đến Trung Quốc, mà còn liên quan đến các nước khác.
Theo Scott Swift: "Điều này đương nhiên là trung tâm lo ngại của rất nhiều bên ở Biển Đông, nhưng chúng ta nhìn vấn đề này ở góc độ lớn hơn, đương nhiên bao gồm biển Hoa Đông và các khu vực khác".
Tuần trước, tại Hiệp hội ngoại giao ở New York, khi đề cập đến chuyến thăm châu Á lần này của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết:
"Chỉ trong năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư trên 8 tỷ USD để bảo đảm chúng tôi có lực lượng dưới nước và săn ngầm sát thương nhất, tiên tiến nhất trên thế giới, trong đó gồm có trang thiết bị không người lái dưới nước với các kích cỡ và tải trọng khác nhau.
Một điểm quan trọng của các trang thiết bị không người lái này là có thể hoạt động ở vùng nước nông, trong khi đó, đây là những nơi mà tàu ngầm có người lái không thể đến được".
Năm 2015, Trung Quốc lần đầu tiên điều động tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Type 094 tuần tra, từ đó đã lần đầu tiên sở hữu thêm một chiếc tàu chiến có thể lắp tên lửa hạt nhân trên biển.
Báo cáo thường niên do Lầu Năm Góc công bố năm 2015 có liên quan đến các hành động quân sự của Trung Quốc cho hay, vào năm 2014, Trung Quốc còn lần đầu tiên triển khai tàu ngầm tấn công ở Ấn Độ Dương, bề ngoài là để hỗ trợ cho các hành động tấn công cướp biển, nhưng thực ra là để làm quen với khu vực này, đồng thời phô trương sức mạnh quân sự.
Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina)
Tháng 3/2016, tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tướng Vincent Stewart, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ (DIA) dự đoán, quân đội Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục triển khai nhiều thiết bị quân sự hơn ở Biển Đông, những thiết bị này có thể sẽ tiếp tục tăng cường năng lực "chống can thiệp/chống tiếp cận" cho Trung Quốc ở khu vực này.
Tướng Vincent Stewart cho rằng, Trung Quốc phản đối hành động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông của Hải quân Mỹ cho thấy: "Bắc Kinh cho rằng cần thiết phải bảo vệ các trận địa tiền tiêu này, đồng thời chuẩn bị tiến hành đáp trả bất cứ hành động quân sự nào diễn ra ở khu vực xung quanh của họ".
Đông Bình 17/04/16 06:38