Việt Nam nên ứng xử như thế nào với vai trò, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông?

31 Tháng Ba 20169:40 CH(Xem: 8555)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 0I  APRIL  2016

Việt Nam nên ứng xử như thế nào với vai trò, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông?

Ts Trần Công Trục

(GDVN) - Phải chăng sự hiện diện của Hoa Kỳ "chỉ làm phức tạp thêm tình hình và tạo cớ cho Trung Quốc leo thang" như một số quan điểm lo ngại?

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh vai trò và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông trước những cáo buộc từ phía Trung Quốc, cũng như một số quan điểm trong dư luận Việt Nam hoài nghi, lo ngại.

Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc bài phân tích này của Tiến sĩ Trần Công Trục. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải hôm Thứ Bảy tuần trước tuyên bố với báo giới, Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt "như trong Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Triều Tiên" nếu có hành động tính toán sai lầm trên Biển Đông.

Lời lẽ mang nặng màu sắc đe dọa của ông Đại sứ được đưa ra đúng lúc có tin hải quân Trung Quốc phái một nhóm chiến hạm "vây" tàu sân bay USS Johhn C. Stennis ở Biển Đông, theo The Straits Times ngày 8/3.

Trước đó ngày 4/3, bà Phó Oánh, người phát ngôn kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa 12 nói trước báo giới, cáo buộc Hoa Kỳ "quân sự hóa Biển Đông" chứ không phải Trung Quốc. 

Còn việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo, đường băng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), thử nghiệm cất hạ cánh máy bay dân sự ở Chữ Thập, lắp đặt ra đa quân sự cao tần ở Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, lắp đặt tên lửa HQ-9 ở Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam), những hành động phi pháp đó thì bà Oánh cho là "cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ công cộng và bảo vệ hòa bình khu vực".

Mới nhất, ngày 8/3 Thông tấn xã Đài Loan dẫn nguồn tờ Đại Công Báo, Hồng Kông hôm Thứ Hai cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động bồi lấp, xây dựng các kết cấu bất hợp pháp ở nhóm thực thể Đảo Bắc, Đảo Trung, Đảo Nam, Cồn cát Bắc, Cồn cát Trung, Cồn cát Nam và Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam.

Trung Quốc đang bơm cát, bồi lấp nối liền Đảo Bắc với Đảo Nam mà nếu hoàn thành, có thể tạo ra một đảo nhân tạo lớn hơn đảo Phú Lâm với 1 sân bay dài hơn sân bay Phú Lâm. Hiện nay tổng diện tích của nhóm thực thể này khoảng 1,32 km vuông sau khi mở rộng bất hợp pháp, sẽ tăng diện tích lên 15 km vuông.

Trong khi đó tại diễn đàn kỳ họp Lưỡng Hội (Chính hiệp và Quốc hội) Trung Quốc, Han Fangming, một đại biểu Chính hiệp trung ương đã nêu ra kiến nghị với nhà cầm quyền Bắc Kinh, biến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thành một "trung tâm tài chính quốc tế" hòng tìm kiếm sự mặc nhiên thừa nhận "chủ quyền" mà Trung Quốc tuyên bố bất hợp pháp với quần đảo này, theo South China Morning Post ngày 8/3.

Với những gì đang diễn ra hiện nay, câu hỏi đặt ra là sự hiện diện và vai trò, hoạt động của Mỹ trên Biển Đông có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với cục diện khu vực? Phải chăng sự hiện diện của Hoa Kỳ "chỉ làm phức tạp thêm tình hình và tạo cớ cho Trung Quốc leo thang" như một số quan điểm lo ngại?

Mỹ không can thiệp vào Biển Đông, Trung Quốc càng được đà bành trướng

Xem xét cục diện Biển Đông ngày nay theo người viết không còn đơn thuần là câu chuyện tranh chấp chủ quyền, hàng hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

image015

Tàu sân bay USS Johhn C. Stennis được cho là bị một số chiến hạm Trung Quốc 'vây" trên Biển Đông. Ảnh: The Straits Times.

Chúng ta cần đặt Biển Đông vào trong chiến lược bá chủ toàn cầu, tham vọng "chia đôi Thái Bình Dương" với Mỹ, tiến tới thay thế Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cái gọi là "giấc mộng Trung Hoa" của ông. Có lẽ như vậy mới thấy rõ gốc gác vấn đề và tìm kiếm giải pháp khả dĩ.

Dư luận hẳn không quên, tham vọng nuốt trọn Biển Đông đã có từ thời năm 1947 khi chính quyền Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu đã chính thức hóa đường lưỡi bò phi lý.

Mao Trạch Đông đuổi Tưởng Giới Thạch sang đảo Đài Loan và lên nắm quyền ở đại lục năm 1949, lập tức kế thừa tư tưởng bành trướng xuống Biển Đông qua yêu sách đường lưỡi bò.

Lợi dụng "cái bắt tay Thượng Hải" năm 1972 gạt Mỹ khỏi cục diện Chiến tranh Việt Nam, đồng thời lợi dụng bối cảnh công cuộc thống nhất Tổ quốc của chúng ta bước vào giai đoạn nước rút, Mao Trạch Đông - Đặng Tiểu Bình quyết định xua quân xâm lược nhóm đảo phía Tây Hoàng Sa năm 1974.

Năm 1988 khi thấy rõ ý định của Mỹ rút khỏi Biển Đông để tập trung vào các điểm nóng khác còn Liên Xô đang khủng hoảng trầm trọng, Việt Nam còn đang phải đối phó với các hoạt động quân sự xâm phạm biên giới phía Bắc kéo dài liên tục từ cuộc chiến tranh xâm lược ngày 17/2/1979 và tình hình Campuchia đang rất khó khăn phức tạp, Đặng Tiểu Bình xua quân đánh chiếm 6 thực thể ở Trường Sa.

2 năm sau, Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark ở Philippines nằm gần quần đảo Trường Sa còn Nga rút khỏi Cam Ranh năm 1993. Rõ ràng cuộc chiến xâm lược Gạc Ma tháng 3/1988, Bắc Kinh đã đánh hơi được sự mệt mỏi rệu rã của Moscow cũng như sự quan tâm của Washington ở Biển Đông không còn như trước.

Năm 2009 chính quyền ông Hồ Cẩm Đào chính thức hóa yêu sách đường lưỡi bò thông qua việc nộp nó cho Liên Hợp Quốc. Lúc này Hoa Kỳ mới giật mình nhìn lại, khoảng trống quyền lực ở Biển Đông đã bị Trung Quốc lấp đầy. Bắt đầu từ 2010, Washington triển khai chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương.

Từ cuối năm 2013 khi ông Tập Cận Bình vừa lên cầm quyền, Trung Quốc đã bắt đầu gấp rút quân sự hóa Biển Đông bằng việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên ít nhất 7 thực thể ở Trường Sa là Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn.

Trung Quốc đã chủ động gây ra vụ khủng hoảng giàn khoan 981 bằng cách đem nó cắm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam nhưng lại tuyên bố là "trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Hoàng Sa" mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.

Đây là một mũi tên độc nhắm vào nhiều đích. Ít nhất, một mặt nó nhằm thu hút dư luận và nghi binh che đậy các hoạt động nguy hiểm hơn nhiều ở Trường Sa.

image016

Vụ giàn khoan 981 là một cái bẫy pháp lý với Việt Nam, đồng thời cũng là kế nghi binh của Trung Quốc.

Mặt khác Bắc Kinh hòng gài chiếc bẫy pháp lý để các bên liên quan bao gồm Việt Nam mặc nhiên thừa nhận Hoàng Sa có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc cố tình vận dụng sai Điều 47 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Nếu Việt Nam không tỉnh táo, phản đối họ "xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa" là mắc vào cái bẫy pháp lý này.

Những hành động leo thang quân sự hóa trên Biển Đông gần đây ngày một ngang nhiên, lộ liễu là vì Trung Quốc đã "nắm được thóp" Hoa Kỳ. Một là Mỹ không còn chỗ đứng chân ở Biển Đông như Subic, Clark hay Cam Ranh, Đà Nẵng như trước 1975.

Hai là Washington đang phải căng mình đối phó với quá nhiều điểm nóng mà thái độ và phản ứng của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Crimea cho Bắc Kinh đủ tự tin để leo thang từng bước mà không sợ bị trừng phạt.

Qua đây có thể thấy, một là từ Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình cho tới thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và bây giờ là Tập Cận Bình, giấc mộng độc chiếm Biển Đông vẫn luôn thường trực, và chỉ cần có thời cơ là nó "phát tác".

Mặt khác, các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông luôn được Trung Quốc sử dụng làm cái cớ để biện minh cho hành vi leo thang của họ. Còn một khi Hoa Kỳ thiếu vắng sự hiện diện hay rời khỏi Biển Đông, Trung Quốc lập tức sẽ có hành động phiêu lưu quân sự, đánh chiếm các thực thể ngoài thực địa.

Việt Nam nên có thái độ như thế nào đối với vị trí, vai trò, hoạt động và sự hiện diện của Hoa Kỳ trên Biển Đông?

Tất nhiên tâm trạng lo lắng trước các hành vi leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông mỗi khi Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở khu vực này theo đúng tinh thần UNCLOS của một bộ phận dư luận là điều có thể hiểu. 

Thứ nhất bởi vì Bắc Kinh rất giỏi vin cớ và đánh lừa dư luận như những phát biểu của bà Phó Oánh, ông Thôi Thiên Khải, ông Vương Nghị như trên. Thứ hai là trong lịch sử đã từng có "cú bắt tay Thượng Hải 1972" giữa Mao Trạch Đông và Richard Nixon, để rồi năm 1974 Trung Quốc ung dung xâm lược Hoàng Sa mà Hạm đội 7 khoanh tay đứng nhìn.

Mặc dù thời điểm đó Việt Nam Cộng hòa là một đồng minh của Mỹ, đang chịu trách nhiệm quản lý thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa chờ ngày Tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva 1954.

Điều này cộng với tâm lý của một bộ phận dư luận xem Mỹ là kẻ thù mặc dù Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa mấy chục năm qua khiến một số người cảm thấy lo ngại.

image017

Không phải ngẫu nhiên khi thăm Philippines dự hội nghị APEC năm ngoái, ông Obama lại thăm tàu chiến cũ Mỹ bán cho Philippines, chiếc tàu đã tham gia đương đầu với Trung Quốc trong khủng hoảng Scarborough.

Nhưng như những gì đã phân tích ở trên đây, thì Mỹ can thiệp vào Biển Đông hay không Trung Quốc vẫn cứ theo đuổi mục tiêu bành trướng. Mỹ không can thiệp thì họ tranh thủ thời cơ xốc tới độc chiếm nhanh chóng, Mỹ can thiệp thì họ tương kế tựu kế bành trướng từng bước, từ từ.

Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền hợp pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đang bị Trung Quốc xâm hại nghiêm trọng, còn Hoa Kỳ đang thách thức các yêu sách quá mức của Trung Quốc đối với hiệu lực pháp lý của 2 quần đảo này cũng như từng thực thể, Việt Nam buộc phải lên tiếng bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Người viết cho rằng, chúng ta cần dựa trên Công pháp quốc tế, mà quan trọng nhất là UNCLOS để đưa ra các phản ứng phù hợp. Chúng ta ủng hộ, bảo vệ các hoạt động, hành vi phù hợp với UNCLOS và bảo vệ UNCLOS.

Đây vừa là trách nhiệm của một quốc gia thành viên Công ước, đồng thời cũng là gián tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Do đó, bất cứ hoạt động nào của Mỹ mà phù hợp với UNCLOS chúng ta cần ủng hộ và bảo vệ. Chúng ta không "ngả theo" nước nào, không dựa dẫm vào nước nào, mà chỉ dựa vào công lý, lẽ thật, luật pháp quốc tế, qua đó giành lấy sự ủng hộ của dư luận khu vực và quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.

Việc Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý đá Xu Bi, Vành Khăn ở Trường Sa hay đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa hoàn toàn đúng luật, lại có tác dụng phá âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò bằng yêu sách ngầm 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc giăng ra, tại sao phải do dự khi lên tiếng ủng hộ, bảo vệ hành động ấy?

Còn các hoạt động leo thang phá vỡ hiện trạng, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang làm, chúng ta cùng với Hoa Kỳ và khu vực lên án, phản đối kịch liệt.

Do đó, chỉ cần dựa theo Công pháp Quốc tế, chúng ta có thể phân biệt rạch ròi đúng sai và đưa ra phản ứng phù hợp. Chúng ta chỉ bảo vệ pháp luật quốc tế, bởi pháp luật quốc tế là công cụ bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như khu vực.

Chắc chắn một điều rằng, dù vô tình hay hữu ý, quan điểm cho rằng Mỹ can thiệp vào Biển Đông "chỉ làm phức tạp thêm tình hình" chính là những gì bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang ra sức cổ súy. Xem lại phát biểu của các quan chức nước họ là thấy rõ điều này.

Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng sự can thiệp của các nước lớn như Hoa Kỳ vào Biển Đông còn có mục đích, động cơ của riêng họ. Đặc biệt là lợi ích của các tập đoàn vũ khí, những tay lái súng quốc tế mỗi khi xuất hiện nguy cơ chiến tranh, xung đột cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Biển Đông cũng là một điểm nóng tiềm tàng lọt vào mắt xanh của các tay lái súng.

"Cái bắt tay Thượng Hải 1972" hay sớm hơn là thỏa hiệp nước lớn trên lưng nước nhỏ ở tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Geneva 1954 (Paris 1973!) cũng nhắc nhở chúng ta rằng, phải tỉnh táo trước nguy cơ trao đổi giữa các nước lớn, mặc cả trên lưng các nước nhỏ.

Bài học từ hai sự việc này cho thấy, độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh kết hợp với tận dụng tối đa các xu thế đối ngoại để bảo vệ mình. Dựa dẫm vào bất kỳ nước nào khác khó mang lại kết quả gì tốt đẹp.

Do đó với Hoa Kỳ, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những lập trường, quan điểm và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, nhưng Việt Nam cũng sẽ phản đối và bác bỏ những hành động nào đó vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền hay lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Nói cách khác, chúng ta cần ủng hộ và bảo vệ Công pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, chứ không phải theo Mỹ hay ngại Trung Quốc. Nước nào sai và xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta, chúng ta đều phải lên tiếng phản đối.

Thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp luật quốc tế và dùng luật pháp quốc tế đấu tranh

Dựa vào Công pháp quốc tế, chúng ta vừa ủng hộ và bảo vệ lẽ phải trong những hoạt động đúng với luật pháp quốc tế mà Hoa Kỳ đang tiến hành, đồng thời tránh được những cái bẫy ai đó có thể giăng ra trên Biển Đông, đặc biệt là về mặt pháp lý, điển hình như vụ giàn khoan 981.

image018

Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế Đại học Quốc gia Singapore đã bác bỏ quan điểm của Đại sứ Trung Quốc tại Singapore xung quanh vụ kiện đường lưỡi bò. Ảnh: cil.nus.edu.sg.

Ngày 5/3, Đại sứ Trung Quốc tại Singapore Chen Xiaodong có đăng một bài viết của ông trên The Straits Times để bảo vệ lập trường của Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan xung quanh vụ Philippines kiện đường lưỡi bò.

Ông Chen Xiaodong vẫn nhắc lại lập luận đánh tráo khái niệm mà Trung Quốc thường dùng để bóp méo bản chất sự việc, từ chỗ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông bị Trung Quốc bẻ thành "kiện về chủ quyền lãnh thổ và phân định biển".

Hôm nay 8/3, The Straits Times xuất hiện bài viết của Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, Giáo sư Robert Beckman bác bỏ các lập luận của ông Đại sứ Trung Quốc một cách rất thuyết phục và nhã nhặn.

Chúng ta cần nhiều hơn những tiếng nói như thế để bảo vệ mình và bảo vệ công lý, lẽ phải, luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Muốn vậy bản thân chúng ta cũng phải nắm rõ luật, thượng tôn pháp luật quốc tế, bảo vệ luật pháp quốc tế.

Điều này cần được thể hiện trong việc ủng hộ những hoạt động phù hợp luật pháp quốc tế của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Đồng thời cũng phải được thể hiện bằng sự lắng nghe cầu thị của chính mình trước các quan điểm của giới luật gia quốc tế và khu vực.

Ngày 4/3, ông Arif Havas Oegroseno, Đại sứ Indonesia tại Brussels có bài phân tích về khía cạnh pháp lý trong tranh chấp Biển Đông rất ý nghĩa trên website lưu trữ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS).

Trong bài viết này, Đại sứ Arif Havas Oegroseno có nhắc đến Việt Nam với đề xuất, Việt Nam nên xem xét lại đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải tuyên bố năm 1982. Ông và một số học giả quốc tế cho rằng có điểm thuộc đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam chưa hợp lý. 

Mặt khác gần đây khi có dịp sử dụng dịch vụ của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, người viết phát hiện thấy trên tạp chí giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế bản tiếng Anh vẫn còn những sai sót về khái niệm pháp lý khi đề cập đến Biển Đông.

Thiết nghĩ để giành được sự ủng hộ tối đa từ dư luận, đặc biệt là giới nghiên cứu pháp lý và các cơ quan tài phán quốc tế, đã đến lúc chúng ta rà soát lại toàn bộ hồ sơ và có những điều chỉnh cần thiết nếu chỗ nào đó còn chưa phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được tối đa những rủi ro pháp lý mà Trung Quốc có thể tấn công vào hoặc trong tranh tụng trước cơ quan tài phán.

Ts Trần Công Trục 08/03/16

01 Tháng Mười Một 2016(Xem: 8842)
Hãng thông tấn AP ngày 30/10 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm nay cho biết, máy bay giám sát quân đội nước này vừa phát hiện 4 tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn án ngữ tại bãi cạn Scarborough chứ không phải chúng đã rút đi như những báo cáo trước đó.
30 Tháng Mười 2016(Xem: 8554)
- Philippines: Tàu Trung Quốc vẫn kiểm soát Scarborough.
27 Tháng Mười 2016(Xem: 8686)
Mặt trận biển Đông Nam Á - 5 căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines.
20 Tháng Mười 2016(Xem: 10196)
Hải đồ Văn Hóa biểu thị mặt trận đảo nhân tạo Chữ Thập. Năm 1988, TQ chiếm đảo Chữ Thập cách Cam Ranh khoảng 500km, cách Sàigon 630km, chiếm Gạc Ma cách Saigon 800km.
19 Tháng Mười 2016(Xem: 8985)
Không cho nước nào đặt căn cứ! Nhưng: VĂN HÓA tổng hợp 19/10/16 - 12/4/2016: Hai chiến hạm Nhật Bản có chuyến "thăm lịch sử” đến cảng Cam Ranh. - 02/5/2016: Tàu Thủy Văn Nga "thăm" Cam Ranh. - Đầu tháng 10/2016 , hai tàu khu trục hạm USS John S. McCaine và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tới "thăm" Cam Ranh. - 16/10/2016: Ba chiến hạm 529, 531 và 890 thuộc hạm đội Bắc Hải TQ "thăm" cảng Sihanoukville hôm Chủ Nhật 16/10/2016 và ở lại thêm bốn ngày. -22/10/2016: Ba chiến hạm Tầu dự trù sẽ "thăm" Cam Ranh.
18 Tháng Mười 2016(Xem: 8075)
- Trung Quốc cử tàu hải quân thăm Campuchia chỉ mấy ngày sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. - Cùng ngày Chủ Nhật vừa qua, chiến hạm đổ bộ USS Germantown của Hoa Kỳ cũng vào thăm cảng Sihanoukville.
16 Tháng Mười 2016(Xem: 7907)
- Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ngày 16/10/2016 tuyên bố sẽ nêu lên phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về vụ kiện Biển Đông trong chuyến công du Trung Quốc, đồng thời cam kết không từ bỏ bất cứ chủ quyền nào hoặc làm khác với phán quyết nói trên. (theo RFI) - Ông Zhao, Đại sứ TQ tại Phi nói hai nước có thể thiết lập “một vùng biển hòa bình và hợp tác”.
06 Tháng Mười 2016(Xem: 7882)
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu hồi tháng Chín, Trung Quốc tỏ rõ rằng tổng thống Nga Vladimir Putin là thượng khách hàng đầu. Cả Nga và Trung Quốc đều khoe là quan hệ song phương « tốt đẹp hơn bao giờ hết », đồng thời chứng tỏ một « sự tin tưởng cao độ chưa từng có ». Ông Putin mô tả quan hệ này là « đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược ».
02 Tháng Mười 2016(Xem: 8229)
Cá nhân người viết cho rằng, thông tin từ cố vấn Trung Quốc nói với South China Morning Post về một thỏa hiệp giữa ông Obama với ông Tập Cận Bình xung quanh vấn đề Biển Đông rất đáng lưu tâm.
25 Tháng Chín 2016(Xem: 8035)
* Không quân TQ 'gửi thông điệp đến Nhật'. * Mỹ - Phi sẽ "tập trận" tháng tới.
11 Tháng Chín 2016(Xem: 9484)
- Chưa có chiến tranh nhưng tất cả đã thua Mỹ keo đầu. - Biển Quốc Tế "khắc tinh" của lưỡi bò 9 đoạn. - Sau chiến tranh VN là Philippines. - Tuyên bố của TT Obama tại thượng đỉnh ASEAN - Lào. - Hậu chấn PCA.
06 Tháng Chín 2016(Xem: 8292)
Hậu chấn PCA - Kết quả G-20
04 Tháng Chín 2016(Xem: 9195)
Dư luận ý kiến - Ct Trần Đại Quang: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua.” - Ý kiến của Văn Hóa: "Nếu chiến tranh xẩy ra, Chính phủ VN và nhân dân VN đứng về phía Mỹ hay phía Tầu? - Cơ chế của ASEAN hiện nay và "sắp tới":"Đồng thuận"; loại bỏ "Đồng thuận X"; "Thiểu số phục tùng đa số" *
01 Tháng Chín 2016(Xem: 8519)
Ngoại trưởng Mỹ: “không có giải pháp quân sự” ở biển Đông "Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang cảnh báo tại Singapore rằng sẽ không có ai thắng cuộc nếu xảy ra xung đột vũ trang vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông".
28 Tháng Tám 2016(Xem: 8578)
Hai bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản và Úc vào hôm qua, 25/08/2016 đã đồng ý là sẽ thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
23 Tháng Tám 2016(Xem: 8540)
"Đại sứ Trương Triều Dương: Tình hình Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức có một số điểm đáng chú ý". “Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: Vấn đề mua vũ khí của Mỹ, trước hết Việt Nam cần tính xem nhu cầu ra sao, phía Mỹ có khả năng cung cấp đến đâu và nó có phù hợp với chiến lược quốc phòng của VN hay không?”