Tàu ngầm và chiến hạm Nhật thăm Subic, sắp đến Cam Ranh

21 Tháng Ba 20162:07 SA(Xem: 9182)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 21  MAR  2016

Thông điệp Nhật điều tàu ngầm thăm Subic, 2 khu trục hạm thăm Cam Ranh

 (GDVN) - Hai tàu khu trục Nhật Bản sẽ lần đầu tiên cập cảng Cam Ranh thể hiện Nhật Bản đang tăng cường hiện diện quân sự, kiềm chế hành động bành trướng ở Biển Đông.

Biên đội tàu chiến Nhật Bản tham gia tập trận và thăm vịnh Cam Ranh

Ngày 15/3, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã công bố thông tin chi tiết về hoạt động huấn luyện biển xa trong năm 2016. Một biên đội gồm 2 tàu nổi, 1 tàu ngầm của Nhật Bản sẽ tham gia giao lưu, huấn luyện ở Philippines và Việt Nam từ ngày 19/3 đến ngày 27/4.

image019

Tầu ngầm và chiến hạm Nhật Bản

Đáng chú ý là sau 15 năm, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tiếp tục cử 1 chiếc tàu ngầm đến thăm vịnh Subic của Philippines, cửa vịnh thông ra Biển Đông. 

Tàu ngầm này là tàu ngầm huấn luyện Oyashio TSS-3608, biên chế tháng 3/1998, lượng giãn nước đầy 4.000 tấn, chuyển thành tàu huấn luyện vào ngày 6/3/2015, thuộc đội tàu ngầm huấn luyện số 1 và hiện là tàu ngầm huấn luyện duy nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Do có nhu cầu đào tạo cán bộ sơ cấp cho Lực lượng Phòng vệ và cải thiện quan hệ với các nước, hàng năm, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đều tổ chức các hoạt động huấn luyện hàng hải thường lệ.

Từ năm 2001 trở đi, do yêu cầu nhiệm vụ, tàu ngầm không được tiếp tục tham gia huấn luyện hàng hải, Nhật Bản chỉ sử dụng tàu chiến mặt nước. Năm nay, Nhật Bản quyết định cử lại tàu ngầm tham gia huấn luyện lần này là một động thái rất mới.

image022

Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio Nhật Bản


Đồng thời 2 tàu khu trục Nhật Bản lần lượt có tên là Ariake DD-109 và Setogiri DD-156 được điều động thăm cảng Cam Ranh.

Trong đó, tàu khu trục Ariake thuộc lớp Murasama, lượng giãn nước đầy 6.198 tấn, dài 151 m, rộng 17,4 m, có khả năng tàng hình tốt, lắp radar mảng pha điện tử chủ động OPS-24, trang bị hệ thống chiến đấu OYQ-9 tự phát triển.

Tàu khu trục Ariake được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống hạm, săn ngầm, phòng không: trang bị tên lửa hành trình Type 90 tầm bắn 150 km, tốc độ cận âm; lắp thiết bị sonar dưới thân tàu và 16 quả tên lửa săn ngầm RUM-139 VL ASROC tầm bắn 22 km cùng 2 bệ phóng ngư lôi 3 nòng Type 68; lắp hệ thống tên lửa biển đối không tầm trung RIM-162 ESSM với 16 quả tên lửa nằm trong hệ thống phóng đứng Mk48.

Còn tàu khu trục Setogiri thuộc lớp Asagiri, được thiết kế chuyên trách săn ngầm và chống hạm, lượng giãn nước đầy 4.900 tấn, dài 137 m, rộng 14,6 m, thủy thủ đoàn 220 người. Tàu này trang bị hệ thống chiến đấu OYQ-6, hệ thống radar do thám mặt biển OPS-28 và radar cảnh giới trên không OPS-24.

image023

Tàu khu trục Setogiri DD-156 lớp Asagiri Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tàu khu trục Setogiri trang bị hỏa lực mạnh, gồm có pháo 76 mm, hệ thống phòng không Mk-15 CIWS, tên lửa săn ngầm Mk-16 ASROC, ống phóng ngư lôi Mk-32, máy phóng tên lửa chống hạm Harpoon và hệ thống phóng tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow tầm bắn 19 km. 

Hai tàu khu trục này đều chở theo trực thăng săn ngầm SH-60 Sea Hawk, chúng lần lượt biên chế vào năm 2002 và năm 1990.

Biên đội tàu chiến Nhật Bản sẽ xuất phát từ Nhật Bản, đi qua eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines, đầu tháng 4 sẽ đến vịnh Subic của Philippines.

Sau đó, hai tàu khu trục này sẽ tiếp tục hoạt động, đi ngang qua Biển Đông, cuối cùng sẽ đến thăm vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản điều tàu chiến đến quân cảng chiến lược này. Tàu ngầm Oyashio sẽ không cùng biên đội thăm vịnh Cam Ranh.

Tháng 11/2015, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, hai bên đã đạt được thỏa thuận cho phép tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tiếp cận vịnh Cam Ranh.

image024

Tàu khu trục Ariake DD-109 của Lưc lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản bình luận, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản điều biên đội tàu chiến đến thăm hai nước ven Biển Đông, triển khai một loạt hoạt động giao lưu hữu nghị và tiến hành huấn luyện chung sẽ có lợi cho cải thiện quan hệ song phương và tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo Nhật Bản cho rằng, hành động triển khai quân sự ở Biển Đông lần này của Lực lượng Phòng vệ Biển thực chất là để kiềm chế các hành động bành trướng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông.

Ngày 15/3, tướng Tomohisa Takei, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho hay: “Để bảo đảm an ninh ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và hải quân các nước xung quanh tăng cường quan hệ là rất cần thiết”.

Đầu tháng 3/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cho biết, sẽ tiếp tục cung cấp chi viện cho Philippines và Việt Nam trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính phủ Nhật Bản sẽ cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 để tiến hành giám sát, cảnh giới.

image025

Máy bay huấn luyện TC-90 Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Xung quanh việc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chuẩn bị điều tàu ngầm đến vịnh Subic, Bộ Quốc phòng Philippines đã bày tỏ hoan nghênh. Một quan chức cho biết: “Đây là bằng chứng của quan hệ tin cậy tăng cường”.

Do kém xa Trung Quốc về thực lực quân sự, ngoài dựa vào đồng minh Mỹ, Philippines còn kỳ vọng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông.

Gần đây, Philippines gia tăng thúc đẩy hiện đại hóa trang bị phòng vệ, quan tâm đến các trang bị của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực cảnh giới, giám sát cho Philippines.

Năm 2013, Nhật Bản quyết định lấy hình thức viện trợ phát triển chính phủ (ODA) cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines. Lô tàu tuần tra này sẽ bắt đầu bàn giao vào mùa hè năm nay.

Có quan chức Bộ Quốc phòng Philippines lên tiếng yêu cầu Nhật Bản cung cấp máy bay tuần tra P-3C và tàu ngầm cho Philippines trong tương lai.

Quan hệ quốc phòng và an ninh giữa Nhật Bản và Philippines gần đây được tăng cường mạnh mẽ do hai nước đều lo ngại Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông với quy mô lớn.

Viện nghiên cứu Okazaki Nhật Bản có bài viết cho rằng, kiềm chế hành động bành trướng của Trung Quốc không thể chỉ trông đợi vào Mỹ, còn phải dựa vào các nước châu Á. Nhật Bản cần phát huy vai trò đáng có.

image026

Vịnh Subic của Philippines

Vịnh Subic có giá trị chiến lược

Có nguồn tin từ Quân đội Philippines giấu tên cho biết, Philippines còn triển khai 2 máy bay chiến đấu FA-50 mua của Hàn Quốc ở căn cứ hải quân Cubi Point trong vịnh Subic. Trong tương lai, toàn bộ phi đội FA-50 và phi đội 5 đều sẽ triển khai ở vịnh Subic. Ngoài ra, Philippines sẽ còn triển khai 2 tàu hộ vệ ở cảng Alava trong vịnh Subic.

Vịnh Subic nằm cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 100 km về phía bắc, cách bãi cạn Scarborough hơn 200 km, có 3 mặt được núi bao quanh, là cảng nước sâu tự nhiên. Sau khi Quân đội Mỹ rút đi, căn cứ hải quân vịnh Subic được cải tạo thành khu phát triển kinh tế và cảng tự do, không triển khai quân đội ở đây.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Battino cho biết, tháng 5/2016, Quân đội Philippines sẽ cùng Cục quản lý vịnh Subic ký kết thỏa thuận thuê một khu vực dùng cho mục đích quân sự, thời gian thuê dài 15 năm và có thể tiếp tục thuê sau khi hết hạn.

Một tướng lĩnh Quân đội Philippines cho hay, quyết định này của Philippines có 2 cân nhắc: Một là vịnh Subic thông với Biển Đông. Hai là vịnh này dễ sử dụng lại cho mục đích quân sự, tức là đã có sẵn hạ tầng cơ sở, chỉ cần tiến hành "quét vôi" là được.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh: "Vị trí của vịnh Subic có tính chiến lược... Người Mỹ đã chứng minh giá trị làm căn cứ quân sự của vịnh Subic".

image027

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila vào ngày 6/5/2015

Đông Bình  18/03/16 06:41