Diễn tiến mặt trận Biển Đông

25 Tháng Hai 201610:08 CH(Xem: 9499)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 26 FEB  2016

Diễn tiến mặt trận Biển Đông

 

1. Tình hình biển Đông Trung Quốc bành trướng bằng thủ đoạn "cắt xúc xích".

2. USS Lassen-82 xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh đảo Xu Bi ra sao?

3. TQ khánh thành sân bay Chữ Thập phi pháp.

4. USS Curtis Wilbur xâm nhập 12 hải lý đảo Triton.

5. Cận cảnh HQ-9 và cơ sở quân sự phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm.

6. Trung Quốc đặt radar phi pháp ở đảo nhân tạo Châu Viên.

7.Trung Quốc tặng Campuchia 2 chiến hạm.

8. Hải quân Campuchia sẽ thao dượt với các tàu Trung Quốc.

9. Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho VN

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 1.

Tình hình biển Đông: Trung Quốc bành trướng bằng thủ đoạn “cắt xúc xích”

Thứ năm, 25/02/2016

(Biển Đảo) - Một phân tích mới đây trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) cho thấy Trung Quốc dường như rất “vui vẻ” đón nhận các phản ứng ngày càng mạnh mẽ của Mỹ trên biển Đông.

Mỹ và quốc tế càng phản ứng mạnh, Trung Quốc… càng mừng?

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 23/2 đăng tải bài bình luận về việc chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông có thể đẩy tình hình khu vực đi xa khỏi tầm kiểm soát.

Hồi năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã gửi lên Liên Hợp Quốc một tấm bản đồ thể hiện yêu sách “đường chín đoạn” vô lý của nước này đối với phần lớn diện tích biển Đông. Đây là động thái làm căng thẳng khu vực leo thang, khiến tình hình biển Đông phức tạp kéo dài đến nay.

Mới đây, Trung Quốc đã bố trí trái phép 8 tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, Bắc Kinh bị phát hiện đã tiếp tục triển khai trái phép các loại máy bay chiến đâu Shenyang-11 và JH-17 ở đảo này.

Hành động của Bắc Kinh ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các quốc gia ASEAN, Mỹ và cộng đồng quốc tế và làm căng thẳng khu vực diễn biến xấu đi.

Theo SCMP, Trung Quốc đang ngang ngược dựa vào các “ưu thế vượt trội sẵn có” để chèn ép, tranh giành lợi ích trong mâu thuẫn với các nước trong khu vực.

Trong phản ứng đáp trả hành động ngông cuồng đẩy mạnh bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh tiến hành trên biển Đông, quân đội Mỹ cũng gia tăng hoạt động tuần tra gìn giữ tự do hàng hải. Điều này là thách thức đối với chủ trương của Trung Quốc.

Tuy nhiên, SCMP chỉ ra, không biết Mỹ cần tiến hành bao nhiêu cuộc tuần tra biển Đông mới đủ để khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại đến mức phải cân nhắc thay đổi chiến lược?

Bởi trong góc nhìn dưới sự tuyên truyền của hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc, phản ứng của Mỹ càng mạnh mẽ thì càng cho phép Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) “danh chính ngôn thuận” tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Đông.

Chiến thuật “cắt xúc xích”

Bài phân tích trên SCMP cho rằng, chính phủ Trung Quốc còn đang áp dụng một chiến thuật “nham hiểm” được tính toán kỹ lưỡng, đó là phô trương bằng mọi cách có thể sự hiện diện trên các đảo đá mà nước này chiếm đóng phi pháp ở biển Đông.

Thông thường, Trung Quốc sẽ cho các tàu cá phối hợp cùng tàu hải cảnh, chứ không phải tàu chiến của PLA, tuần tra trên biển Đông để né tránh các chỉ trích “quân sự hóa” từ truyền thông quốc tế hoặc các rắc rối pháp lý.

Đây được xem là cách để nước này “câu giờ”, trong khi ngấm ngầm đẩy nhanh tiến độ hoạt động bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo và sau đó triển khai cơ sở hạ tầng, khí tài quân sự một cách phi pháp trên biển Đông.

Trong chiến lược tổng thể ở biển Đông của Trung Quốc, các đảo nhân tạo được xem là công cụ để thay đổi quy tắc “cuộc chơi”.

Động thái bố trí các hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm… cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo nhân tạo trái phép hoàn toàn đủ khả năng chứng minh hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Như vậy, trong tương lai đối với đá Chữ Thập hay đá Vành Khăn (Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam-PV), việc PLA có duy trì được quân đội thường trực hay không không còn quan trọng.

Khi cơ sở hạ tầng đã đâu vào đó, điều chính phủ Trung Quốc lo chỉ là… đưa đủ vũ khí hiện đại ra biển Đông.

 

image011

Hình ảnh vệ tinh do DigitalGlobe cung cấp hôm 22/2 cho thấy Trung Quốc có thể đã đặt trái phép radar tần số cao trên đá Châu Viên của Việt Nam.

SCMP bình luận, mưu đồ thôn tính biển Đông bằng chiến thuật “cắt xúc xích” của Trung Quốc (tức thông qua lần lượt từng động thái bành trướng ít gây ra những phản ứng kịch liệt ở cùng một thời điểm, nhưng vẫn tuân theo lộ trình tính toán của Bắc Kinh) khiến các nước khó đối phó.

Mục đích hết sức rõ ràng của nước này ngay từ đầu đã là tạo thành “sự đã rồi”, qua đó từng bước leo thang hành động đối đầu ở biển Đông.

Khi chính phủ Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép, Mỹ đã cảnh cáo lại bằng các cuộc tuần tra khẳng định “tự do hàng hải” ở biển Đông. Nhưng phản ứng của Mỹ tiếp tục khiến Bắc Kinh đưa tên lửa, máy bay ra biển Đông với cái cớ “phòng thủ”.

Vì vậy, không khó để dự đoán nếu Mỹ, đồng minh và đối tác có hành động chống lại vụ Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa, nước này sẽ lại nắm cơ hội để đẩy xa hành động ngang ngược theo cách trên.

Theo SCMP, các toan tính của chính phủ Trung Quốc đến nay là tương đối kín kẽ. Nhưng một vụ việc khiến âm mưu của Bắc Kinh có khả năng đổ bể, đó là việc nước này đang bị Philippines kiện ra Tòa thường trực quốc tế The Hague (PCA).

Sau khi “gân cổ” tuyên bố PCA không đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện, Trung Quốc gần như đã tỏ ý sẽ né tránh mọi phán quyết bất lợi. Điều này đồng nghĩa với việc thách thức xã hội quốc tế, rằng Bắc Kinh “sẽ không tuân thủ bất kỳ phán quyết nào do PCA đưa ra”.

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của Trung Quốc ra sao, thì một kết quả hiện hữu ở PCA vẫn là điều mà nước này không thể phớt lờ được.

Nếu Tòa thường trực quốc tế chính thức bác bỏ tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” thì Trung Quốc sẽ không còn cơ sở để ngụy biện cho hành động quân sự hóa biển Đông theo kiểu “bảo vệ chủ quyền cố hữu” nữa.

Bắc Kinh dường như ngày càng không ngần ngại vứt bỏ “hình ảnh chính diện” đang ngày càng bớt đẹp cảu mình để ngông cuồng tranh giành lợi ích chính trị bằng mọi giá.

Gần đây, việc các tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Borneo Malaysia, cho thấy thủ đoạn “cắt xúc xích” đã được chính phủ Trung Quốc mưu đồ mở rộng sang khu vực này, SCMP cho biết.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 2

Tàu chiến Mỹ xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh đảo Xu Bi ra sao?

[27-10-2015]

Tàu khu trục hùng mạnh của Mỹ, USS Lassen, có khả năng mang theo 96 quả tên lửa hành trình Tomahawk, được chọn để tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Tàu này sẽ vào gần nhất bao nhiêu?

image013

Tàu khu trục USS Lassen tiến vào Biển Đông để tuần tra xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông – Ảnh: Facebook tàu Lassen

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ đã khẳng định sự lựa chọn tàu khu trục USS Lassen để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo mà nước này xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

USS Lassen là tàu khu trục lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa dẫn đường cùng các tên lửa phòng không, đánh chặn, ngư lôi. Từ sáng ngày 27.10 tàu này đang tiến gần Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Theo tin Reuters, hộ tống cho USS Lassen từ trên cao còn có máy bay tuần biển và săn ngầm hiện đại P-8A Poseidon. Ngoài ra, một máy bay do thám khác là P-3 Orion cũng có thể tham gia chuyến hộ tống tuần tra này.

image015

Hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng trên tàu khu trục USS Lassen trong lần tàu Lassen thăm Đà Nẵng hồi năm 2009 – Ảnh: Hải quân Mỹ

Trang tin Diplomat nhận định rằng USS Lassen sẽ xuyên qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn nhưng sẽ không áp sát đến khu vực 500 mét an toàn được áp đặt cho đảo nhân tạo theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS).

Tàu USS Lassen đóng ở căn cứ Yokosuka (Nhật), mới hồi tuần trước đã ghé cảng Kota Kinabalu (Malaysia) thăm hữu nghị sau 4 tuần liền liên tục tuần tra trên Biển Đông. Và từ ngày 23.10 tàu Lassen rời Malaysia tiến về Biển Đông.

image017

Cận cảnh tàu USS Lassen – Ảnh: Hải quân Mỹ

Thủy thủ đoàn của tàu USS Lassen đã có nhiều kinh nghiệm “tương tác” với tàu quân sự Trung Quốc. Theo một thông cáo từ Hải quân Mỹ, trong nửa chặng tuần tra đầu trong tháng 10 qua, USS Lassen đã có “hàng loạt tương tác trên biển với các tàu nước ngoài, bao gồm các tàu khu trục nhỏ lớp Jiangkai của Hải quân Trung Quốc…”. Diplomat đưa tin đó là tàu Yueyang và Yantai. Ngoài ra, USS Lassen còn “gặp mặt” thêm một tàu khu trục lớp Jianghu của Trung Quốc.

Trong các lần này, USS Lassen đều sử dụng bộ quy tắc ứng xử trên biển đã được 2 nước đồng ý cho các trường hợp chạm trán bất ngờ (CUES) “để đảm bảo sự di chuyển an toàn và chuyên nghiệp”, theo thông cáo trên./

Kiều Oanh (Theo Thanhnien)

Đọc thêm tại: http://www.vietgiaitri.com/xa-hoi/the-gioi/2015/10/tau-chien-my-xuyen-qua-khu-vuc-12-hai-ly-quanh-dao-trung-quoc-xay-phi-phap-ra-sao/#ixzz41BtvGDLn

 

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 3:

TQ khánh thành phi pháp sân bay Chữ Thập

06/Jan/16

image018

Đảo nhân tạo Chữ Thập. Ảnh vệ tinh Viện CSIS chụp được ngày 03 sep 2015 Reuters

image020

Tàu khựa khai trương sân bay đảo nhân tạo Chữ Thập 06/1/2016.

Hai hãng hàng không Nam Phương và Hải Nam đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm từ sân bay Hải Khẩu, theo Tân Hoa Xã.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc nói hai chiếc phi cơ đã hạ cánh xuống đảo nhân tạo trên Quần đảo Trường Sa vào sáng thứ Tư, 06/1/2016.

Đường băng trên Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử - Mùa hè Vĩnh viễn) dài 3000 mét và là một trong ba đường băng Su Bi, Chữ Thập, Vành Khăn mà Trung Quốc đã tiến hành xây dựng từ cách đây hơn một năm sau hoạt động bồi đắp các đảo, bãi đá ở Trường Sa./

++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 4

USS Curtis Wilbur áp sát 12 hải lý đảo Tri Tôn cách Lý Sơn 123 hải lý

31 Tháng Giêng 2016

image022

image024

- Ngày 1/5/2014, giàn khoan HD-981 âm thầm đến cắm cọc sâu trong thềm lục địa Việt Nam cách Quảng Ngãi-Lý Sơn khoảng 119 hải lý. Lý Sơn cách Hoàng Sa trên dưới 200 hải lý.

-  Ngày 19/1/2016, HD-981 lại mon men về phía nam cửa biển Vịnh Bắc Bộ.

- Ngày 30/1/2016, Khu trục hạm USS Curtis Wilber của Hải quân Hoa Kỳ áp sát 12 hải lý đảo Tri Tôn phía Nam quần đảo Hoàng Sa Tây của Việt Nam.

Đảo Tri Tôn ví như khẩu pháo nhắm vào Lý Sơn - Quảng Ngãi - bờ biển miền Trung VN. Họa đồ Văn Hóa Map.

++++++++++++++++++++++++++++++++++

XEM THÊM:

HD-981, USS Curtis Wilbur và đảo Tri Tôn

Ngày 1/5/2014, Việt Nam phát hiện giàn khoan này và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ căn cứ Á Long - Hải Nam xuôi theo hướng Tây Bắc đảo Tri Tôn xuống phía Nam.

Phái viên báo Văn Hóa đã có mặt tại Hà Nội vào những ngày này ghi nhận Trung ương đảng đang bối rối trước biến động HD-981 cho người tỏa ra dư luận để thăm dò phản ứng.

Một ngày sau, giàn khoan Hải Dương 981 đã cắm cọc sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách Lý Sơn khoảng 123 hải lý, cách Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý. Hàng chục tàu của Trung Quốc cũng đi cùng để bảo vệ. Bộ ngoại giao VN tổ chức các cuộc họp báo quốc tế phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lăng kiểu mới của Trung Quốc đối với vùng biển thuộc lãnh thổ lãnh hải VN.

Ngày 16/7/2014, Sau 75 ngày hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 30/1/2016, Khu trục hạm USS Curtis Wilbur Hải quân Hoa Kỳ đã áp sát 12 hải lý đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa Tây. Đây là lần đầu tiên một Khu trục hạm của Hoa Kỳ tiến vào vùng biển phía nam Hoàng Sa.

 Đảo Tri Tôn cách Lý Sơn khoảng 123 hải lý, cách Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý. Rất ít thông tin về hòn đảo trơ trụi này từ năm 1974 Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa. Nó có thể đã biến thành căn cứ quân sự bí mật của Trung cộng nhằm khống chế bờ biển miền Trung Việt Nam và là tiền đồn ngăn cản chiến hạm tiến vào căn cứ tầu ngầm Hải Nam và Vịnh Bắc Bộ. (VH)

+++++++++++++++++++++++++++++++++++

Trung Quốc phản đối chiến hạm Mỹ băng qua Biển Đông

image025

Khu trục hạm trang bị phi đạn điều hướng USS Curtis Wilbur (DDG 54).

Một chiến hạm Mỹ hôm nay đi qua vùng biển Trung Quốc có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông trong hoạt động “tự do hàng hải” bị Trung Quốc lên án là “một hành vi sai trái nghiêm trọng.”

Ông Jeff Davis, người phát ngôn Ngũ Giác Đài, cho biết sự băng qua của chiếc USS Curtis Wilbur, một khu trục hạm trang bị phi đạn điều hướng, có mục đích chấp hành quyền quốc tế để đi qua những hải lộ quan trọng như vậy.

Chiến hạm này đã băng qua bên trong phạm vi 12 hải lý của Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều cho là lãnh thổ của mình.

Tại Bắc Kinh, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng nói rằng Mỹ đã phá hoại hoà bình và ổn định ở Biển Đông qua hành động này, là hành động thứ nhì mà hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện trong khu vực kể từ tháng 10.

Ông Dương Vũ Quân bày tỏ “sự chống đối kiên quyết” đối với vụ băng qua của chiến hạm Mỹ và nói rằng lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại bất kỳ hành vi khiêu khích nào của Mỹ.”

Phát ngôn viên Davis của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng chiếc khu trục hạm của Mỹ đã thực hiện “một hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.”/

VOA 30.01.2016

++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 5

Cận cảnh HQ-9 và cơ sở quân sự phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm

Thứ bảy, 20/02/2016

(Biển Đảo) - Những hình ảnh vệ tinh rõ nét cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cùng các cơ sở quân sự phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.

image026

Toàn cảnh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong ảnh vệ tinh do DigitalGlobe chụp ngày 17/2 vừa qua. Trong đó có thể thấy rõ đê chắn sóng, các tòa nhà đang được xây dựng, khu đất mới bồi lấp và đường băng đã được mở rộng. Ngày 18/2, Hoàn cầu Thời báo dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận nước này “đã triển khai vũ khí tới đảo Phú Lâm từ lâu”. Tuy nhiên, tờ này không nói rõ về loại vũ khí và còn lớn tiếng nói rằng truyền thông phương Tây dường như đang thổi phồng về “mối đe doạ Trung Quốc”.

image027

Phần khoanh vàng là khu vực mới được Trung Quốc mở rộng trong hơn 2 tháng qua. Đây chính là địa điểm bố trí các tên lửa HQ-9, động thái mà các chuyên gia nhận định là vô cùng nguy hiểm, uy hiếp các máy bay quân sự cũng như dân sự. Các quan chức Mỹ lên tiếng cho hay, việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm của Việt Nam làm phức tạp tình hình Biển Đông. Họ cũng khẳng định, nó không ảnh hưởng tới các chuyến tuần tra Biển Đông do Washington tiến hành.

image028

Bức ảnh thể hiện rõ các tên lửa và bệ phóng HQ-9 được triển khai tại phần mới được mở rộng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bình luận rằng những hình ảnh về tên lửa Trung Quốc do vệ tinh thương mại phát hiện trong thời gian gần đây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà nhà chức trách Trung Quốc đưa ra. “Người Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo”, ông Kirby nói.

image029

Các bức ảnh vệ tinh cho thấy rõ những vết ma sát và vết lốp cho thấy đường băng và nhà chứa máy bay mới được sử dụng.  “Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc đã dừng lại. Bắc Kinh cũng chẳng làm gì để ổn định tình hình và giúp khu vực an toàn hơn mà họ đang thực hiện những hành động có thể gây ra hậu quả trái ngược”, ông Kirby nói thêm.

image030

Tòa nhà được cho là kho vũ khí, có xe qua lại với hàng rào bảo vệ đã hoàn thiện được một phần và đang tiếp tục được xây dựng. Ảnh chụp ngày 17/2.  Trước thông tin Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

image031

Từ ảnh vệ tinh, các kỹ thuật viên dựng lên bản đồ họa mô phỏng kho vũ khí kiên cố của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Tòa nhà được cho là cao 9 m, rộng 18 m và dài 42 m, với hàng rào chắn xung quanh. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.  Cùng ngày, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã có công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.

(Theo Tri Thức)

++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 6

Trung Quốc đặt radar ở đảo nhân tạo Châu Viên

23 Tháng Hai 2016

image032

image033

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống radar, và hỏa tiễn địa đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt một hệ thống radar tần số cao ở quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó Việt Nam là một bên tuyên bố chủ quyền. Hệ thống radar này có thể tăng đáng kể năng lực của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, theo một phúc trình do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington, đưa ra hôm thứ Hai.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS nói các bức ảnh cho thấy việc xây dựng các trạm radar tại đá Châu Viên dường như đã gần hoàn tất và đảo nhân tạo này có diện tích khoảng 21 hecta.

Phúc trình cho biết 2 cột radar cơ động được dựng ở phía bắc của thực thể này, và một số cột 20 mét đã được dựng trên một phần đất lớn ở phía nam.

Phúc trình nói thêm, “Đây có thể là một cụm radar tần số cao, có thể tăng đáng kể năng lực của Trung Quốc theo dõi việc đi lại trên biển và trên không ở phía nam Biển Đông”.

Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, khi được hỏi về bản phúc trình, đã trả lời bà không biết chi tiết nào nhưng Trung Quốc có quyền xây dựng trên lãnh thổ của mình cũng như triển khai các biện pháp phòng thủ “hạn chế” ở đó. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Việt Nam chưa thể hiện phản ứng gì về thông tin Trung Quốc triển khai radar ở Châu Viên. Việt Nam thường đưa ra phản ứng chậm chạp về những diễn biến ở Biển Đông.

Trước đây Trung Quốc đã vận hành trạm radar ở đá Chữ Thập, nhưng cụm radar mới lắp đặt sẽ có tầm theo dõi rộng hơn nhiều, các nhà phân tích quân sự trong khu vực nhận xét.

Quân đội Trung Quốc đã sử dụng các đảo ở Biển Đông để giám sát điện tử việc đi lại dân sự cũng như quân sự, nhưng các cụm radar mới “sẽ cải thiện năng lực đó theo cấp số nhân”, theo ông Euan Graham, giám đốc Chương trinh An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy ở Australia.

Theo ông, các đơn vị đó có thể dễ bị tấn công khi có xung đột nhưng sẽ mang lại cho Trung Quốc “một lợi thế đáng kể về mặt tình báo – và làm cho hải quân Mỹ cũng như của các nước khác rất khó di chuyển xuyên qua Biển Đông mà không bị phát hiện”. Ông lưu ý rằng radar có tầm theo dõi vượt quá đường chân trời rất cần thiết cho việc nhằm mục tiêu vào các hỏa tiễn.

Hình ảnh về các bãi đá nhỏ quanh đó, cũng đã được Trung Quốc biến thành các đảo nhân tạo, như Ga Ven, Tư Nghĩa và Gạc Ma, cho thấy có thể có các cột radar, ụ súng, lô cốt, bãi đáp trực thăng và cầu cảng, theo nhận định của CSIS.

Các bức ảnh xuất hiện chỉ sau một tuần các quan chức Mỹ nói Trung Quốc đã triển khai hỏa tiễn địa đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, ở phía bắc, cùng lúc căng thẳng gia tăng ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

CSIS nói việc triển khai HQ-9 tuy đáng chú ý song không làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông. Mặc dầu vậy, trung tâm này nói thêm rằng các đơn vị radar mới đang được triển khai ở Trường Sa có thể làm thay đổi đáng kể cuộc diện của những hoạt động tác chiến.

Trung Quốc có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nơi có lưu lượng thương mại quốc tế trị giá 5 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm. Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.

Trong những tháng gần đây, Mỹ đã đưa tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh một đảo có tranh chấp và một đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây.

Washington nói những hoạt động đó có mục đích khẳng định quyền tự do hàng hải.

VOA 23.02.2016  Theo Wall Street Journal, Reuters

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 6

Trung Quốc "tặng" Campuchia 2 chiến hạm đổi lấy sự ủng hộ ở Biển Đông

25/2/16

image035

image037

image039image041(GDVN) - Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cho Campuchia một cặp tàu chiến và Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

The Diplomat ngày 25/2 đưa tin, trong lúc căng thẳng đang tăng cao trên Biển Đông, tuần này 3 chiến hạm Trung Quốc đã kéo sang Campuchia tập trận chung. Tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville, Campuchia ngày 22/2 trong một chuyến thăm 5 ngày.

image042

Campuchia cho cả đội múa lân ra đón 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sihanoukville, ảnh: China.org.cn.


Đây là lần đầu tiên chiến hạm Trung Quốc đến Campuchia thực hiện hoạt động giao lưu quân sự, đấu bóng giao hữu và tập trận chung. Phó Tư lệnh Hải quân Campuchia Vann Bunneang nói với báo giới, 70 thủy thủ hải quân nước này sẽ tập trận chung với 737 lính hải quân Trung Quốc.

Cuộc tập trận đầu tiên giữa hải quân hai nước diễn ra trong hôm qua và hôm nay 25/2. The Diplomat bình luận, Trung Quốc có một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh với Campuchia - đối tác quan trọng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. 

Trung Quốc là nhà tài trợ, viện trợ kinh tế - quân sự lớn nhất của Campuchia, quan hệ quốc phòng giữa 2 nước phát triển mạnh những năm gần đây. Phnom Penh có tiền, có vũ khí để nâng cao năng lực quân sự, trong khi Bắc Kinh có được một đối tác ủng hộ mạnh mẽ các lập trường quan trọng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, sự lệ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc đã khiến Phnom Penh buộc phải hỗ trợ Bắc Kinh ngay cả những trường hợp làm suy yếu rõ ràng hòa bình và an ninh trên Biển Đông, The Diplomat lưu ý.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có sử dụng cuộc tập trận chung này như một cơ hội để phô trương sức mạnh quân sự của mình hay không, quan chức quân sự Campuchia nói thẳng:

"Cũng giống như một công ty may mặc. Sau khi họ sản xuất được một sản phẩm mới, họ thường quảng cáo. Vì vậy sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở Campuchia hoặc những nơi khác là vì Trung Quốc là một nước lớn, họ muốn thể hiện với thế giới những công nghệ hiện đại của họ", quan chức này nói.

Trước đó đài RFA ngày 24/2 đưa tin, cuộc tập trận chung hải quân Trung Quốc - Campuchia diễn ra đúng thời điểm Bắc Kinh thông báo sẽ tặng Campuchia 2 chiến hạm. Một quan chức hải quân Trung Quốc đã đến Phnom Penh hôm qua 24/2 để gặp Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh Hải quân Campuchia.

Tư lệnh Hải quân Campuchia cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cho Campuchia một cặp tàu chiến và Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

RFA bình luận, trong khi Campuchia chỉ có một lực lượng hải quân nhỏ bé, nhưng quốc gia này lại trở thành "cầu thủ quan trọng" ở Biển Đông vì là đồng minh đáng tin cậy nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Phnom Penh đã "chia tay" với ASEAN từ khi làm Chủ tịch luân phiên khối năm 2012.

Với lập trường và ảnh hưởng của Campuchia đối với quyết sách của ASEAN, đặc biệt là đóng vai trò lực cản chống lại sự đoàn kết, thống nhất của cả khối trong vấn đề Biển Đông, Reuters ngày 18/2 bình luận rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia này với Bắc Kinh.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ lo ngại việc Campuchia trở thành "chư hầu" của Trung Hoa trong việc chống lại sự đồng thuận của ASEAN. Washington đã tìm cách duy trì hợp tác quân sự song phương với Phnom Penh, bất chấp những chỉ trích về nhân quyền của Campuchia.

Trong khi đó, 3 chiến hạm Trung Quốc cập cảng Sihanoukville chỉ 1 ngày sau khi chiến hạm Nhật Bản vừa rời Campuchia. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang duy trì lợi thế cả về tài chính và quân sự trong quan hệ với Phnom Penh.

Hồng Thủy  

++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 7

Hải quân Campuchia sẽ thao dượt với các tàu Trung Quốc

24/2/16

image043

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chào đón sĩ quan chỉ huy của hạm đội Trung Quốc Du Mãn Giang tại Phnom Penh, này 24/2/2016.

VOA 24.02.2016

Campuchia trong tuần này sẽ thực hiện cuộc thao dượt hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay với Trung Quốc, một sỹ quan cao cấp của Campuchia nói hôm thứ Ba.

Phó tư lệnh Hải quân, Đô đốc Vann Bunneang, nói 70 binh sĩ hải quân Campuchia sẽ cùng thao dượt với 737 đối tác Trung Quốc trên 3 chiến hạm Trung Quốc đã đến neo đậu tại cảng Sihanoukville của Campuchia.

Ông nói các cuộc thao dượt trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ tập trung vào các hoạt động cứu nạn và các tình huống khẩn cấp trên biển.

Chuyến thăm của hải quân Trung Quốc diễn ra chỉ ít ngày sau khi 3 tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản thăm thiện chí Campuchia.

Nhật Bản cũng có những tranh chấp biển riêng với Trung Quốc, và hai nước cũng đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Á.

Trung Quốc tích cực gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á cùng lúc nước này ráo riết đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam song có quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Bắc Kinh, đã thể hiện rất ít sự ủng hộ đối với những tuyên bố chủ quyền về Biển Đông của các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

VOA 24.02.2016 Theo Japantimes, Readingeagle.com

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Bài 9

Tư lệnh Mỹ kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam

image044

Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, đứng cạnh bản đồ cho thấy các hoạt động xây cất của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông.

Tư lệnh hàng đầu phụ trách các hoạt động quân sự của Mỹ ở Châu Á kêu gọi Hoa Kỳ nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam để tăng cường phòng thủ trước kế hoạch gầy dựng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm qua, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương Harry Harris nhấn mạnh việc Bắc Kinh gần đây bố trí tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đưa hệ thống radar ra Đá Châu Viên thuộc Trường Sa, và xây các đường băng tại khu vực là  hành động thay đổi ‘môi trường vận hành’ ở Biển Đông trong nỗ lực chiếm lĩnh quân sự vùng Đông Á.

Đô đốc Harris khẳng định ‘Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á’ và đề nghị hải quân Mỹ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc. Đô đốc Harry Harris nói:
 
"Còn nhiều việc cần phải làm và chúng ta cần phải giữ xung lượng. Tôi yêu cầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện ủng hộ việc tiếp tục đầu tư cho các khả năng trong tương lai. Tôi cần các võ khí tăng cường sát thương, có khả năng tấn công nhanh hơn và sâu hơn."

Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á và đề nghị hải quân Mỹ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc, nước đang ráo riết gầy dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris nói.

Thượng nghị sĩ Jack Reed, một thành viên cao cấp trong Ủy ban, nhấn mạnh tại buổi điều trần:

"Một trong những trụ cột trong chiến lược của Mỹ là bảo đảm an ninh ổn định khu vực thông qua việc duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, từ hợp tác quốc phòng mới với Philippines, sự hiện diện hàng hải luân phiên tại Australia, cho tới mối quan hệ quốc phòng đang phát tiển với Việt Nam. Đang có những tiến bộ đáng kể trong chính sách tái cân bằng của Mỹ về Châu Á. Chúng ta phải tiếp tục thăng tiến các mối quan hệ đối tác này và chứng tỏ cam kết với khu vực bằng việc đầu tư hữu hiệu cho các chương trình tăng cường hiện diện và khả năng của Mỹ tại đây."

Đáp câu hỏi của thượng nghị sĩ John McCain, người lâu nay thúc đẩy tích cực cho hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ, rằng có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam hay không, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tuyên bố: ‘Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ và tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa’. ‘Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam,’ Đô đốc Harris nói./

(Theo Trà Mi VOA 24/2/16)

23 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4786)
09 Tháng Mười Một 2020(Xem: 4600)