VĂN HÓA ONLINE – NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ HAI 05 APRIL 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Ba Đầu: Philippines tố cáo Trung Quốc có kế hoạch chiếm thêm nhiều “thực thể”
04/04/2021
Ảnh minh hoạ : Một đoàn thuyền Trung Quốc gần Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Handout National Task Force-West Philippine Sea/AFP/File
Trọng Nghĩa
Khẩu chiến giữa Manila và Bắc Kinh về đội tàu Trung Quốc đang tràn ngập Biển Đông vừa dữ dội thêm một mức. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines vào hôm nay 04/04/2021 đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh là đã có kế hoạch chiếm thêm nhiều “thực thể”" ở Biển Đông.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, “sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định muốn chiếm đóng thêm các địa điểm ở Biển Tây Philippines” - tên Philippines đặt cho Biển Đông.
Ông Lorenzana nêu bật việc Trung Quốc trước đây đã chiếm đóng bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn mà Philippines tuyên bố chủ quyền, và đây là những ví dụ về việc “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của đất nước ông. Trong phát biểu hôm qua, ông Lorenzana cũng thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh, theo đó tàu Trung Quốc đã đến neo đậu tại Đá Ba Đầu để tìm kiếm nơi trú ẩn khi thời tiết xấu.
Bộ trưởng Philippines tuyên bố: “Tôi không hề là người ngốc. Cho đến nay thời tiết vẫn tốt, vì vậy họ không có lý do gì khác để ở lại nơi đó. Hãy ra khỏi nơi đó ngay!". Theo hãng tin Pháp AFP, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phê phán tuyên bố của ông Lorenzana và kêu gọi các quan chức Philippines là nên tránh "những nhận xét thiếu chuyên nghiệp có thể kích động những cảm xúc thiếu lý trí”.
Trong tháng Ba vừa qua, một “hạm đội” gồm hơn 200 chiếc tàu Trung Quốc đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao, sau khi ồ ạt tiến vào neo đậu tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, một rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Manila đã đòi Bắc Kinh rút các tàu “dân quân biển” ra khỏi khu vực, cho rằng đó là một sự hiện diện phi pháp. Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu, khẳng định đó là tàu cá vốn được quyền hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc. Vào hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tố cáo rằng tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đó còn vì những lý do khác.
Publicité
Đá Ba Đầu nằm ở phía đông cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Hà Nội hôm 25/03/2021 tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 30/03, báo chí chính thức tại Việt Nam ghi nhận việc "Mỹ, Nhật Bản và Indonesia, Úc đã tăng cường gây sức ép đối với Trung Quốc sau vụ việc hơn 200 tàu của nước này tập kết bất thường xung quanh Đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)".
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
Ba tàu tên lửa của Trung Quốc neo đậu tại Đá Vành Khăn
RFA 02/4/2021
Ảnh vệ tinh chụp Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) nơi các tàu của Trung Quốc đang tiến hành công việc xây lấp đảo nhân tạo hôm 11/5/2015. AFP
Ba tàu tên lửa tấn công nhanh tàng hình của Trung Quốc bị phát hiện neo đậu tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Mạng báo Phillpines Inquirer vào ngày 1/4/2021 loan tin vừa nêu, dẫn báo cáo của Chính phủ Manila. Theo đó, tàu tuần tra của Philippines, vào ngày 29/3, phát hiện ba tàu tên lửa Type 022 và một tàu tiếp tế của Trung Quốc neo đậu tại đá Vành Khăn.
Đây là hoạt động mới nhất của Trung Quốc bị phát hiện vào khi Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động bành trướng, gây căng thẳng tại Biển Đông.
Tàu Type 022 của Trung Quốc được cho biết có trang bị bệ phóng tên lửa, tốc độ tối đa của tàu khoảng 70 km/giờ. Đây là loại tàu tên lửa tấn công tàng hình thế hệ mới của Hải quân Trung Quốc.
Theo Mạng South China Post, tàu Type 022 từng tham gia các cuộc tập trận tại Biển Đông vào năm ngoái.
Mạng báo Philippines Inquirer cho rằng sự hiện diện của tàu Type 022 của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn do Bắc Kinh bồi lấp là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tiếp tục mở rộng thực thể này thành căn cứ quân sự nhằm thực hiện các yêu sách phi pháp của họ ở Biển Đông.
Bắc Kinh vẽ ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền gần như trọn vùng Biển Đông. Hồi năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường trực Quốc tế ở La Hay đã phán quyết bác bỏ đường đứt khúc chính đoạn đó vì không có cả căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp hành phán quyết của tòa.