Khi sức mạnh quân sự Nhật trỗi dậy

22 Tháng Mười 20207:43 SA(Xem: 5004)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ NĂM 22 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Khi sức mạnh quân sự Nhật trỗi dậy


Hoàng Đình


22/10/2020  Thanh Niên


Kế tục chính sách người tiền nhiệm, Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga đang tăng cường sức mạnh và tăng cường hiện diện quân sự để đối phó Trung Quốc.


image0053 chiến hạm JS Kaga, JS Ikazuch và SS Shoryu tập trận ở Biển Đông vừa qua . Ảnh: Reuters


Trả lời Thanh Niên ngày 21.10, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: Nhật Bản đang tăng cường năng lực quân sự và các hoạt động quân sự, hợp tác cùng các đối tác vì lo ngại những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông.


Sức mạnh cả trên biển lẫn trên không


Về hoạt động quân sự, từ đầu tháng đến nay tại Biển Đông, chiến hạm Nhật Bản liên tục tiến hành 4 cuộc tập trận, trong đó có 3 cuộc tập trận song phương và đa phương. Trong số 4 cuộc tập trận trên, 3 chiến hạm tàu sân bay trực thăng JS Kaga và tàu khu trục JS Ikazuch cùng tàu ngầm SS Shoryu (Nhật) tập trận chống ngầm ở Biển Đông.


Lợi ích lâu dài


Nhật Bản đang đảm nhận một vai trò độc lập hơn ở Indo-Pacific và báo hiệu rằng nước này có lợi ích lâu dài ở Đông Nam Á. Việc tân thủ tướng Nhật quyết định đến Việt Nam trước khi ông công du đến các đồng minh của Tokyo mang thông điệp quan trọng. Điều này báo hiệu quyết tâm của Nhật không chỉ dành cho các đồng minh truyền thống, đồng thời gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng Tokyo cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải hợp pháp ở Biển Đông và các vùng biển khác.


TS James Holmes (Chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ)


Nhận xét về cuộc tập trận chống ngầm này, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: Đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu ngầm vẫn là nguy cơ lớn nhất. Nên việc tập trận chống ngầm thể hiện năng lực của tàu ngầm trong việc hộ tống tàu sân bay. “Tàu JS Kaga được nâng cấp để có thể mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 (phiên bản F-35B) để trở thành một tàu sân bay thực thụ”, ông Nagao dẫn chứng thêm.


Thời gian qua, Tokyo đang theo đuổi chiến lược phát triển các nhóm tác chiến tàu sân bay bằng cách nâng cấp 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo là JS Izumo và JS Kaga. Năm 2019, sau khi tàu JS Kaga hoàn tất một số nâng cấp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu trên tàu này khi công du Nhật Bản. Động thái của chủ nhân Nhà Trắng được xem như một sự thừa nhận của Washington đối với việc Tokyo tiến đến hoàn thiện nhóm tác chiến tàu sân bay đúng nghĩa.


Liên quan kế hoạch này, dự thảo ngân sách quốc phòng Nhật vừa được công bố hồi đầu tháng 10 cho thấy bao gồm cả khoản tiền xấp xỉ 725 triệu USD để mua 6 chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B nhằm trang bị cho các tàu thuộc lớp Izumo. Đây chỉ là ngân sách của năm tài chính sắp tới. Tokyo dự kiến đặt mua đến 42 chiến đấu cơ F-35B.


Bên cạnh phiên bản F-35B, Nhật còn có kế hoạch sở hữu 105 máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình phiên bản F-35A. Nhờ đó, Tokyo trở thành đối tác sở hữu nhiều chiến đấu cơ F-35 nhất bên ngoài nước Mỹ. Không dừng lại ở đó, Tokyo còn dành ra khoản ngân sách lên đến 256 triệu USD cho năm tới để theo đuổi kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu nội địa thay thế dòng máy bay F-2 trong tương lai - dự kiến vào thập niên 2030, theo chuyên trang Defensenews. Đặc biệt, Nhật Bản còn có kế hoạch phát triển tên lửa hành trình bội siêu thanh và pháo siêu tốc. Đó là một phần trong chương trình xây dựng năng lực tấn công phủ đầu mà Tokyo đang hướng tới.


Răn đe Bắc Kinh


Không chỉ tiến đến sở hữu sức mạnh tác chiến tàu sân bay, Tokyo còn thể hiện năng lực hoạt động xuyên suốt khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), đồng thời kết hợp cùng 3 đối tác còn lại của “bộ tứ kim cương” (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) để tăng cường hiện diện trong khu vực nhằm răn đe Bắc Kinh.


Nhật tăng cường phòng thủ an ninh mạng


Nhật Bản dự định sẽ thành lập một đơn vị mới trong tài khóa 2022 trải rộng khắp các ngành công nghiệp, chính phủ và học giả nhằm nghiên cứu về tấn công mạng và phát triển khả năng phòng thủ hiệu quả hơn, theo Nikkei Asian Review ngày 21.10.


Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông, hơn 20 công ty, tổ chức đang thảo luận về việc gia nhập đơn vị này, trong đó có các hãng Hitachi, NEC, Fujitsu, Mitsubishi Electric, Đại học Waseda và Đại học Kobe. Khi một doanh nghiệp, tổ chức ở Nhật bị tấn công mạng, đơn vị mới sẽ tạo một mạng trực tuyến “giả dạng” nạn nhân để thu hút tấn công và khiến thủ phạm tưởng rằng đã thành công. Đơn vị này sau đó sẽ giám sát, phân tích các kỹ thuật tấn công, xác định hung thủ và khuyến cáo bên bị tấn công về cách đối phó. Trước mắt, Viện Thông tin và Công nghệ truyền thông quốc gia sẽ phát triển phần mềm phân tích về tấn công mạng, với chi phí dự kiến khoảng 2 tỉ yen trong tài khóa 2021.   Khánh An


Điều này thể hiện rất rõ trong hải trình gần đây của tàu sân bay JS Kaga và tàu khu trục JS Ikazuchi. Cụ thể, tàu JS Kaga được hộ tống bởi tàu khu trục JS Ikazuchi bắt đầu từ Nhật Bản, đi qua Biển Đông và tập trận với hải quân Úc tại đây từ ngày 13 - 17.9. Tiếp đó, tàu này đến Ấn Độ Dương và tập trận chung với hải quân Ấn Độ và Sri Lanka.


Sau khi tập trận ở Ấn Độ Dương, 2 chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi quay về phía nam của Biển Đông để tập trận cùng hải quân Indonesia ở gần quần đảo Natuna vào ngày 7.10. Sau đó, JS Kaga và JS Ikazuchi kết hợp cùng tàu ngầm SS Shoryu (Nhật) tập trận chống ngầm ở Biển Đông. Đến ngày 12.10, cũng tại Biển Đông, cặp chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi tập trận cùng tàu khu trục USS John McCain, tàu tiếp dầu USNS Tippecanoe của Mỹ.


“Hải trình và hoạt động vừa nêu không chỉ thể hiện thông điệp từ Nhật Bản mà còn là thông điệp chung của “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ về sự hợp tác toàn diện ở Indo-Pacific”, ông Nagao đánh giá và cho rằng sự hợp tác toàn diện đó nhằm đối phó với các hành vi của Bắc Kinh ở khu vực.


Qua đó, Nhật thể hiện khả năng nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này có thể hoạt động xuyên suốt ở cả phía tây Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương. Lâu nay, vai trò vừa nêu chủ yếu được thể hiện bởi hải quân Mỹ, nên việc Nhật tăng cường hoạt động cũng là thông điệp chia sẻ cùng Mỹ, đồng thời hàm ý cả vai trò của Tokyo ở khu vực cũng tăng lên nhằm đối phó Bắc Kinh.


Chuyên gia Schuster cho rằng điều đó cần thiết với Nhật bởi tuyến hàng hải thương mại quan trọng của nước này đi qua cả Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông. “Khả năng tác chiến tàu sân bay bổ sung cho năng lực phòng thủ ở các quần đảo mà Tokyo tranh chấp, đồng thời đóng góp vào an ninh và ổn định cho khu vực”, ông Schuster đánh giá.