Trung cộng có dễ đổ bộ 'nuốt trọn' Đài Loan?

09 Tháng Mười 20207:27 SA(Xem: 4882)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG - THỨ SÁU 09 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Trung cộng có dễ đổ bộ 'nuốt trọn' Đài Loan?


Hoàng Đình


09/10/2020


Đúng như Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien phát biểu, Đài Loan thực tế được trang bị hỏa lực phòng thủ dày đặc trước các nguy cơ đổ bộ tấn công từ phía Trung Quốc đại lục.


image007Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan trang bị tên lửa Harpoon.  Roy Choo


Hôm 8.10.2020, Reuters dẫn lời ông O'Brien cảnh báo Trung Quốc phát triển sức mạnh hải quân ở mức chưa từng thấy kể từ khi Đức có ý cạnh tranh với hải quân Anh trước Thế chiến 1. Từ đó, ông đặt ra rủi ro Bắc Kinh có thể đổ bộ tấn công Đài Bắc, nhưng cũng cho rằng điều đó không dễ dàng cho phía đại lục.


Năng lực của Bắc Kinh


Thực tế, Trung Quốc đến nay có lực lượng chiến hạm đông đảo và sở hữu số lượng tàu đổ bộ hùng hậu bao gồm nhiều loại khác nhau. Nổi bật phải kể đến tàu đổ bộ Type-071, tàu đổ bộ tấn công Type-075 (đang trong quá trình hoàn thiện). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc sản xuất hàng loạt thủy phi cơ đổ bộ tấn công AG-600.


Vừa qua, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đại lục đã triển khai nhiều vũ khí tấn công đến Chiến khu miền Đông. Đây là chiến khu phụ trách khu vực eo biển Đài Loan. Cụ thể, các loại vũ khí nổi bật bao gồm xe bọc thép đổ bộ Type-05, các hệ thống tên lửa, pháo phản lực PHL-16 và PCL-191.


Trong đó, xe bọc thép đổ bộ Type-05 có thể được vận chuyển bởi tàu đổ bộ Type-071 để vượt eo biển Đài Loan. Còn các hệ thống PHL-16 và PCL-191 lần lượt có tầm bắn là 220 km và gần 500 km. Tầm bắn này cho phép đại lục tấn công bên kia eo biển Đài Loan, vốn có khoảng cách khoảng 160 - 280 km tùy khu vực.


Với thế trận như vậy, Bắc Kinh có thể sử dụng các hệ thống pháo phản lực, tên lửa tấn công mở đường cho lực lượng đổ bộ bằng đường biển. Thậm chí, Trung Quốc đại lục còn có thể triển khai không quân hỗ trợ.


Hệ thống phòng thủ dày đặc


Tuy nhiên, với nhiều năm phát triển quân sự, hệ thống phòng thủ Đài Loan không hề dễ bị “bắt nạt”. Lực lượng tàu chiến của đại lục sẽ gặp thách thức lớn khi vượt eo biển Đài Loan để gây chiến.


Đầu tháng 8, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon (AGM-84). Đây là loại tên lửa đối hạm khá nổi tiếng của Mỹ và được nhiều nước sử dụng, hiệu quả tác chiến cao. Trước đó, vào tháng 5, Reuters đưa tin Đài Loan đang thương lượng với Mỹ để mua thêm tên lửa Harpoon phiên bản triển khai trên đất liền.


Như vậy, với số tàu chiến đã được trang bị tên lửa Harpoon, Đài Bắc đang hướng đến khả năng khai hỏa tên lửa đối hạm Harpoon từ cả trên biển, đất liền và trên không.


image0082 tên lửa Vạn Kiếm cùng máy bay chiến đấu Kinh Quốc được Đài Loan trưng bày.CNA


Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Việc bổ sung tên lửa chống hạm như Harpoon vào máy bay chiến đấu đa nhiệm của Mỹ tạo ra năng lực tác chiến có tính hiệu quả cao. Bởi những loại máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng phòng vệ tốt trước các loại hỏa tiễn đối không thường được mang theo bởi các khu trục hạm Type-052 và Type-055 của Trung Quốc”.


Cuối tháng 9, tờ Taiwan News đưa tin Lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan vừa trưng bày tên lửa hành trình không đối đất Vạn Kiếm cùng với chiến đấu cơ đa nhiệm Kinh Quốc (AIDC F-CK-1) tại căn cứ không quân Mã Công ở Bành Hồ (Đài Loan).


Vạn Kiếm là dòng tên lửa hành trình không đối đất có tầm bắn lên đến 240 km, đạt tốc độ cận âm và được trang bị cho dòng máy bay Kinh Quốc. Còn chiến đấu cơ Kinh Quốc là loại máy bay tiêm kích đa nhiệm có vận tốc tối đa gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh (Mach 1,8, khoảng 2.200 km/giờ), bán kính chiến đấu có thể lên đến 1.000 km, đồng thời được trang bị nhiều loại radar, cảm biến và công nghệ điện tử tối tân.


Chiến đấu cơ Kinh Quốc có thể mang theo nhiều loại tên lửa đối không lẫn tên lửa Hùng Phong 2 (Hsiung Feng 2) dùng để tấn công tàu chiến... Đài Bắc hiện có khoảng 190 chiếc máy bay tiêm kích Kinh Quốc.


Chính vì thế, chiến đấu cơ F-16 mang tên lửa Harpoon và máy bay Kinh Quốc mang tên lửa Hùng Phong 2 sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ từ xa của Đài Bắc trước các tàu chiến của Bắc Kinh.


Thêm vào đó, chiến đấu cơ Kinh Quốc mang theo tên lửa Vạn Kiếm sẽ cho phép Đài Loan có khả năng tấn công phản kích vào sâu lãnh thổ của Trung Quốc đại lục. Khả năng phản kích này giúp Đài Loan có thể đáp trả các hệ thống pháo phản lực và tên lửa ở chiến khu miền Đông của Trung Quốc.


Chính vì thế, Trung Quốc đại lục thực tế không dễ dàng đổ bộ tấn công Đài Loan. (theo THANH NIÊN)