COC là cách để hải quân Trung cộng lập mạng lưới thống trị toàn bộ Biển Đông (*)

13 Tháng Bảy 20209:07 SA(Xem: 5225)

VĂN HÓA ONLINE - NHẬT KÝ BIỂN ĐÔNG  - THỨ HAI 13 JULY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image007


RFI phỏng vấn Mathieu Duchâtel


COC là cách để hải quân Trung cộng lập mạng lưới thống trị toàn bộ Biển Đông (*)


Biển Đông trước thực tế Trung Quốc “ỷ mạnh hiếp yếu, nuốt lời”


RFI phỏng vấn nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne), Paris.  


image009

Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne), Paris. © RFI / Mathieu Duchâtel


13/07/2020


image010

Một chiến đấu cơ F/A-18E hạ cánh trên Mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76). Đằng xa là Mẫu hạm tầu USS Nimitz (CVN 68), cùng tập trận ở Biển Đông ngày 06/07/2020. © AP - US Navy


Thu Hằng


RFI : Thưa ông Duchâtel, xin ông cho biết về quy mô cuộc tập trận của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa (01-05/07/2020) ! Trung Quốc muốn gửi đến Việt Nam và ASEAN thông điệp gì ?


Mathieu Duchâtel : Về mặt chiến dịch, có nghĩa là những kịch bản và thiết bị quân sự được huy động tham gia tập trận, tôi cho rằng có hai điểm cần lưu ý.


Thứ nhất, đó là cuộc diễn tập đổ bộ từ tầu đổ bộ. Bởi vậy mà tầu đổ bộ của hải quân Trung Quốc 071 đã được nhìn thấy ở đảo Phú Lâm (Woody Island) và tham gia vào cuộc tập trận. Kịch bản đổ bộ là tâm điểm của cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc.


Thứ hai là lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng tham gia. Đây là điểm đáng chú ý : Cả hải quân và hải cảnh Trung Quốc cùng tập trận trong bối cảnh vừa có một đợt cải cách, theo đó lực lượng hải cảnh được xếp dưới thẩm quyền của Quân ủy Trung ương, có nghĩa là bộ chỉ huy cao nhất của quân đội Trung Quốc trong thời chiến. Có thể nhận thấy kịch bản trên phần nào đó mang tính tấn công. Đây là điểm thứ nhất !


Điểm thứ hai liên quan đến những tín hiệu chính trị được Bắc Kinh gửi đi, vào lúc có nhiều tin đồn từ phía Việt Nam về việc Hà Nội có khả năng đi theo hướng Philippines từng làm : viện đến Luật Pháp Quốc Tế để thách thức Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Chúng ta không biết là quyết định này có được đưa ra hay không, nhưng dù sao cuộc tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu mạnh, đầy tính chính trị, từ phía Bắc Kinh gửi đến Hà Nội vì quần đảo Trường Sa cũng đang là một vấn đề  giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng theo tôi nghĩ, quyết định của Trung Quốc hẳn phải có điều gì đó quan trọng : Phải làm gì nếu Việt Nam đưa vụ việc ra một tòa án quốc tế ?


Một điểm khác liên quan đến các cuộc đàm phán trong ASEAN. Tôi nghĩ rằng lập trường của Trung Quốc không thay đổi vì Bắc Kinh tìm kiếm một Bộ Quy tắc ứng xử cho phép hạn chế quyền của hải quân các nước không nằm trong khu vực, trước tiên là Hoa Kỳ, nhưng còn có Nhật Bản, các nước phương Tây, Úc và có thể là cả Ấn Độ. Có nghĩa là những nước đó không được vào Biển Đông mà không được phép trước. Đây là điểm đàm phán quan trọng của Trung Quốc trong hai năm gần đây. Và dĩ nhiên, để gây sức ép về điểm này thì việc phô trương sức mạnh mang lại lợi thế trong vùng.


Điểm cuối cùng về tín hiệu chính trị, hiện đây là giai đoạn căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, cũng như giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc có thể có phần nào đó lo lắng trước thế đối đầu của Washington đối với Bắc Kinh, cũng như việc hai Mẫu hạm của Mỹ hoạt động cùng lúc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, hai Mẫu hạm diễn tập chung trong khu vực.


RFI : Vừa mới phô trương sức mạnh hăm dọa các nước ở Biển Đông, Trung Quốc đã lại kêu gọi tiếp tục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Bắc Kinh có dụng ý gì ?


Với việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC), Trung Quốc trước hết tìm cách xây dựng một trật tự ở Biển Đông được tập trung chủ yếu vào ưu tiên chính : Đó là loại tất cả các lực lượng hải quân nước ngoài ra khỏi khu vực, đặc biệt là hải quân Mỹ.


Bắc Kinh tìm cách thuyết phục các nước ASEAN (dĩ nhiên trừ các nước như Việt Nam, Singapore, Philippines không hề tin) rằng đó là một Bộ Quy tắc buộc mọi quốc gia ngoài khu vực phải xin phép trước, mà thực ra, đó là một kiểu cấm các lực lượng hải quân nước ngoài thâm nhập. Trên thực tế, đối với Bắc Kinh, Bộ Quy tắc ứng xử là cách để hải quân Trung Quốc lập mạng lưới thống trị toàn bộ vùng biển này.


RFI : Trong trường hợp đàm phán COC, liệu có thể tin vào lời hứa của Trung Quốc, trong khi nước này thường «nói một đằng làm một nẻo », mà ví dụ gần đây nhất là Hồng Kông ?


Có hai câu hỏi trong câu hỏi này. Thứ nhất, tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ áp đặt được trong kiểu thỏa thuận như vậy, bởi vì trái ngược quá lớn với lợi ích của một số nước, trước hết là của Việt Nam, Philippines, thậm chí là cả Singapore dù nước này không có tranh chấp ở Biển Đông.


Thứ hai, cộng đồng quốc tế ngày càng nghi ngờ về độ tin cậy trong lời nói của Trung Quốc, đặc biệt là gần đây Bắc Kinh quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông bất chấp thỏa thuận với Anh Quốc khi trao trả Hồng Kông về Hoa lục, cũng như quy chế « một quốc gia, hai chế độ ». Ở điểm này, Trung Quốc đã đặt cược rủi ro rất lớn : chọn sức mạnh hơn là tạo dựng niềm tin. Và dĩ nhiên, Bắc Kinh hẳn sẽ phải trả giá nào đó về mặt quan hệ đối ngoại. 


RFI : Người ta có cảm giác là cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, càng gây áp lực với Bắc Kinh trong nhiều hồ sơ gần đây, thì Trung Quốc càng sử dụng sức mạnh để đạt được mục đích. Liệu Trung Quốc có nguy cơ làm tương tự để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông ?


Có. Nếu dịch chuyển một chút về mặt địa lý, chúng ta thấy vụ ẩu đả chết người gần đây ở biên giới với Ấn Độ trên núi Himalaya. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến sự hiện diện bất thường của Trung Quốc về tần suất và thời gian ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thêm vào đó là những cuộc thâm nhập, ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn, vào không phận của Đài Loan. Tiếp theo là cuộc tập trận quân sự ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.


Theo tôi, qua những sự kiện trên, Trung Quốc thực sự muốn có chiến lược phòng thủ, và đó cũng có thể là quan điểm của Bắc Kinh : Có nghĩa là không được cho thấy những điểm yếu, khả năng bị tổn thương trong giai đoạn hậu Covid-19. Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ toàn cầu này, Trung Quốc bị tấn công rất nhiều về những phát ngôn bị cho là thiếu chính xác và danh tiếng của họ bị xấu đi nhiều trên mặt ngoại giao. Vì thế, Trung Quốc tìm cách thu lợi vào lúc mà nước này có thể sẽ bị suy yếu hoặc bị nhiều nước khác cho là yếu đi. Và dĩ nhiên, nhìn từ quan điểm của những nước khác, hành động của Trung Quốc đầy tính chất hiếu chiến.


RFI : Chưa bao giờ Hoa Kỳ lại chứng tỏ sức mạnh ở Biển Đông như năm 2020. Liệu Việt Nam, cũng như những nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, có thể được hưởng lợi ?


Có một lịch trình phòng thủ và một lịch trình tấn công. Tôi cho rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, có quy mô quan trọng hơn, có thể là nhằm gây khó khăn cho các hành động đơn phương của Trung Quốc mà nước này dự trù nếu như không có sự hiện diện của Mỹ, ví dụ chiếm thêm các đảo hoặc hung hăng bắt nạt các nước cũng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.


Về phương diện « tấn công », ví dụ thúc đẩy những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôi cho rằng khuôn khổ những gì Hoa Kỳ đang làm là nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc đơn phương hành động, hơn là cho phép các nước khác đạt được những yêu sách chủ quyền của riêng họ. Chúng ta thấy chính sách của Mỹ là bảo vệ nguyên trạng. 


RFI : Căn cứ vào tình hình hiện nay, liệu có nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông không ?


Có, nguy cơ đó luôn hiện hữu. Thế nhưng không chỉ có nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc, dù hiện có một Bộ Quy tắc về ứng xử những cuộc gặp gỡ bất ngờ trên biển mà các nước trong vùng đã ký năm 2014. Bộ Quy tắc này xác định chuẩn mực ứng xử trong các chiến dịch hàng hải trong vùng để tránh sự cố va chạm.


Thế nhưng, ngoài rủi ro xảy ra va chạm, còn có nguy cơ là một ngày nào đó, vì lý do chính trị, Trung Quốc cố tình chọn cách gây va chạm. Trong trường hợp này, tôi cho là có thể với một lực lượng khác, chứ không phải Hoa Kỳ vì cán cân sức mạnh bất lợi cho Trung Quốc.


Nhưng nếu muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ và gây căng thẳng nghiêm trọng ở Biển Đông, thì Trung Quốc có thể gây hấn, ví dụ với hải quân Úc khi lực lượng này đi qua khu vực. Và nếu xảy ra, kịch bản khủng hoảng này cũng rất khó giải quyết cho cả phía Mỹ.


Vì nếu một đồng minh của Mỹ, tôi chỉ nói đến « đồng minh » vì điểm này không áp dụng cho Việt Nam, như Úc chẳng hạn, một nước nằm ngoài biển nam Trung Hoa và là một đồng minh của Mỹ, va chạm với hải quân Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Trường Sa ở biển nam Trung Hoa khi tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải, thì Mỹ phải làm gì ? Úc phải làm thế nào ? Quan điểm của những nước khác ra sao ? Đúng, đây là một nguy cơ thực sự !


RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne), Paris.


(*) tựa của VHO (theo RFI 13/7/2020)