TTĐức Merkel dùng Beethoven để gửi thông điệp đến Trump tại G20

13 Tháng Bảy 201711:37 CH(Xem: 5216)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  SÁU 14 JULY  2017


Thủ tướng Đức Merkel dùng Beethoven để gửi thông điệp đến Trump tại G20


Merkel chọn bản nhạc có thông điệp "tất cả mọi người đều là anh em" để biểu diễn trước các lãnh đạo thế giới dự G20.


image026

Hòa nhạc tại Đức. Video: News Gala


Một loạt cảnh sát ngày 7/7 đứng gác bên ngoài phòng hòa nhạc Elbphilharmonie, khi một buổi biểu diễn được tổ chức để chào mừng nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.


Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đích thân chọn bản nhạc được biểu diễn, đó là bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc người Đức Beethoven, trong đó có Khải Hoàn Ca, kêu gọi một thế giới mà "tất cả mọi người đều là anh em". Theo phát ngôn viên chính phủ Đức, "tác phẩm này nhằm tôn vinh lòng nhân đạo, hòa bình và sự thấu hiểu quốc tế". 


Khải hoàn ca là một bài ode (một thể loại thơ) được viết vào mùa hè năm 1785 bởi nhà thơ, nhà viết kịch và nhà sử học người Đức Friedrich Schiller. Nó được biết đến nhiều nhất với bản phổ nhạc của nhạc sĩ Beethoven trong chương thứ tư và cũng là chương cuối của bản giao hưởng số 9 dành cho 4 giọng đơn ca, đồng ca, cùng dàn nhạc.


Bên trong đại sảnh, Tổng thống Trump gật đầu theo giai điệu. Bên cạnh ông, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nắm tay vợ khi nghiêng người về phía trước, chăm chú lắng nghe. Tổng thống Nga Putin đến muộn và ngồi vào chiếc ghế gần lối đi, ông khoanh tay khi nghe bản nhạc.


Giao hưởng là một chủ đề lặp đi lặp lại trong chuyến đi châu Âu của ông Trump. Trong bài diễn văn tại Warsaw vào ngày 6/7, ông Trump nói: "Chúng ta viết lên bản giao hưởng" khi ca ngợi giá trị của phương Tây. Trong buổi hòa nhạc ngày 7/7, bà Merkel dường như trả lời ông bằng bản giao hưởng số 9 về sự cởi mở.


Đối với người nhấn mạnh ưu tiên "nước Mỹ trước tiên" và có những quan điểm gây tranh cãi về vấn đề nhập cư như ông Trump, bà Merkel dường như đang gửi đi thông điệp nhắc nhở về tình anh em toàn cầu, Jeffrey D. Sachs, giáo sư Đại học Colombia nhận xét.


"Khải hoàn ca" còn là bài ca chính thức của Liên minh châu Âu. Giai điệu của nó vang lên khi ông Macron bước vào cuộc mít tinh mừng đắc cử hồi tháng 5, một tín hiệu cho thấy ông tiếp tục cam kết hội nhập với châu Âu trong thời đại Anh rời liên minh châu Âu và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, theo cây bút Corinna da Fonseca-Wollheim của NYTimes. Ý nghĩa này có thể đóng vai trò quan trọng trong quyết định của bà Merkel khi chọn bản giao hưởng số 9 để biểu diễn trước các nhà lãnh đạo G20.


Ngoài ra, tác phẩm này còn thể hiện được niềm tự hào của văn hóa Đức. Việc này được thể hiện qua sự lựa chọn một dàn nhạc và dàn hợp xướng địa phương, nhóm 4 giọng đơn ca đều là người Đức. 


Trong năm bầu cử ở Đức, quyết định của bà Merkel khi đưa Beethoven vào trung tâm hội nghị cũng có thể nhằm tạo sự đồng cảm với một số cử tri của bà. Bà đã khiến nhiều người ủng hộ bất ngờ vì quyết định mở cửa cho hàng trăm nghìn người tị nạn.


Nhiều người thuộc phe trung hữu của bà Merkel đòi hỏi sự nhấn mạnh nhiều hơn vào Leitkultur, tức là khẳng định các giá trị cốt lõi của Đức. "Và ít có tác phẩm âm nhạc nào thể hiện Leitkultur tốt hơn bản giao hưởng số 9", Fonseca-Wollheim bình luận. (VNEXPRESS 11/7/2017)


Phương Vũ

28 Tháng Năm 2017(Xem: 5340)