'Luật sư VN không được tranh tụng tại tòa Malaysia'

05 Tháng Ba 201710:21 CH(Xem: 5724)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  06  MAR  2017


'Luật sư VN không được tranh tụng tại tòa Malaysia'


image035Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES Image caption Bà Nguyễn Thị Vỵ, mẹ kế của Đoàn Thị Hương


Gia đình Đoàn Thị Hương nói với BBC rằng họ "chưa nhận tiền của ai cả" trong lúc một luật sư nhận định luật sư Việt Nam "sẽ không được tham gia tranh tụng tại tòa Malaysia".


Hôm 3/3, trả lời BBC từ Nam Định, bà Nguyễn Thị Vỵ, mẹ kế của Đoàn Thị Hương, nói: "Hôm qua, chồng tôi và hai con trai có lên Hà Nội gặp người của Bộ Ngoại giao Việt Nam."


"Họ nói sẽ tìm giúp luật sư miễn phí cho Hương nhưng cụ thể luật sư tên gì, mấy người và khi nào có thì gia đình không được biết."


"Gia đình cũng chỉ biết trông cậy vào chính quyền thôi chứ không có hiểu biết gì nhiều về pháp luật và cả nhà ngoài Hương cũng chẳng ai hộ chiếu để đi đâu xa cả nên trong vụ này cũng đang khiếp."


"Cả nhà cũng đang bàn bạc nếu có đi qua Malaysia thăm và dự phiên tòa hôm 13/4 thì ai trong gia đình sẽ đi."


"Đến nay, có nhiều người đánh tiếng, đến nhà rằng sẽ giúp gia đình đi thăm Hương nhưng họ chỉ nói vậy thôi và gia đình cũng chưa nhận tiền của ai cả."


"Giờ thì chỉ biết cầu xin pháp luật bên ấy xử đúng người đúng tội chứ cả nhà chẳng dám tin con mình có gan làm việc ấy."


'Tín hiệu tích cực'


Hôm 3/3, Luật sư Lê Văn Luân, Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, nói với BBC: "Xin nói ngay là trong vụ việc của Đoàn Thị Hương, luật sư Việt Nam sẽ không được tham gia tranh tụng tại tòa Malaysia."


"Vì Luật hành nghề luật Malaysia quy định luật sư nước ngoài không được hành nghề trong những linh vực như luật Hiến pháp, hành chính, hình sự…"


Luật sư của Đoàn Thị Hương: 'Cô ấy bình tĩnh'


"Dù sao thì việc có 5 luật sư Việt Nam tuyên bố xung phong nhận tham gia tư vấn pháp lý cho Hương là tín hiệu tích cực và cũng là cơ hội để thế giới thấy được giới luật sư Việt Nam cũng đang dần trưởng thành."


"Tuy nhiên sẽ hay và đáng hoan nghênh hơn nếu lời đề xuất này xuất phát ngay từ khi sự việc xảy ra."


"Hiện đã qua một phiên tòa công khai cáo trạng cùng bản luận tội của công tố viên, luật sư Việt Nam mới xin đề xuất tham gia trợ giúp pháp lý cho nghi can Hương thì khá chậm so với tiến trình tố tụng trong vụ án nghiêm trọng này."


Luật sư Luân cho biết thêm: "Hơn nữa, từ góc độ người trong nghề, tôi luôn đề cao nguyên tắc: không luật sư nào giỏi luật hơn luật sư của chính quốc gia đó."


Cũng cần nói thêm là việc các luật sư 'xung phong' vụ Đoàn Thị Hương trong bối cảnh đa phần các luật sư thường e ngại hoặc có tâm lý không mạnh mẽ trong việc tham gia những vụ án liên quan đến an ninh chính trị như Điều 79, 88 hay 258.luật sư Lê Văn Luân


"Ngoài việc xem xét điều kiện hành nghề lẫn điều kiện được tham gia tố tụng tại tòa nước ngoài hay không, việc thông thạo ngoại ngữ quốc gia thực hiện tố tụng [ở đây là tiếng Malaysia], hệ thống pháp luật quốc gia đó, hệ thống và trình tự tố tụng của nền tư pháp nước đó cũng là những yếu tố hết sức quan trọng."


"Tuy nhiên, đây sẽ là trường hợp cho thấy sự cần thiết của một nhà nước thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý và nền tư pháp độc lập."


"Và việc tương tác luật pháp không chỉ đơn thuần nằm trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nữa mà có xu hướng liên giao sâu và rộng hơn giữa các nước."


"Qua vụ việc các luật sư 'xung phong', tôi cũng suy nghĩ rằng, luật pháp không phải là cơ hội tìm kiếm để trưng mình ra vào một dịp nào đó."


"Mà luật pháp là nơi để chứng tỏ cái tâm của mình có thực sự trong sáng hay không trước mọi hoàn cảnh."


"Cũng cần nói thêm là việc các luật sư 'xung phong' vụ Đoàn Thị Hương trong bối cảnh đa phần các luật sư thường e ngại hoặc có tâm lý không mạnh mẽ trong việc tham gia những vụ án liên quan đến an ninh chính trị như Điều 79, 88 hay 258."


"Vì theo quan niệm của người dân thì đó đều là các vụ án "nhạy cảm".


"Luật sư nhận làm các vụ này dễ bị [chính quyền] để ý gắt gao và quan tâm chặt chẽ trong suốt quá trình tố tụng."/(theo BBC 3 tháng 3 2017)