Ba cấp độ của chiến lược: Khi quá trình quyết định kết quả

11 Tháng Chín 20188:04 CH(Xem: 5161)

VĂN HÓA ONLINE - TÀI LIỆU  - THỨ TƯ 12 SEP 2018


Ba cấp độ của chiến lược: Khi quá trình quyết định kết quả


Posted on 12/09/2018 by The Observer


image024


Tác giả: Ngô Di Lân


Tóm tắt:  Tầm quan trọng của chiến lược là điều không thể phủ nhận và câu hỏi cần đặt ra là: Làm sao phân biệt được sự khác nhau giữa một chiến lược tốt và một chiến lược xấu trước khi quá muộn? Bài báo này đề xuất một khung phân tích chiến lược dựa trên quá trình thay vì kết quả. Từ góc nhìn này, chiến lược tồn tại ở ba cấp độ khác nhau: chiến lược định hướng, chiến lược hành động, và chiến lược toàn diện. Qua lăng kính “ba cấp độ của chiến lược”, người làm chính sách có thể đánh giá mức độ hữu ích của chiến lược cũng như những hệ lụy tiềm tàng trước khi đưa chiến lược vào thực thi, từ đó cải thiện quá trình hoạch định chính sách và giảm thiểu nguy cơ mắc phải sai lầm chiến lược.


“Chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chậm nhất dẫn đến chiến thắng. Chiến thuật mà không có chiến lược là âm thanh trước khi bại trận”.


Tôn Tử có lẽ chưa bao giờ viết ra những dòng chữ này[1] trong cuốn binh thư của mình nhưng đây là một câu châm ngôn phản ánh được gần như trọn vẹn triết lý của Binh Pháp Tôn Tử. Chiến lược là cái khung lớn đưa mọi vấn đề tưởng như nhỏ nhặt và rời rạc vào một bức tranh toàn cảnh, là sợi dây liên kết vô hình giúp ta tránh tình trạng “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Chiến lược có thể giúp chính sách đạt được các mục tiêu chính yếu đồng thời tránh những hệ quả tiêu cực về lâu dài.[2]


Tuy nhiên không phải chiến lược nào cũng có giá trị như nhau hay có sức ảnh hưởng ngang nhau. Luôn có những chiến lược tốt bên cạnh những chiến lược xấu. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt giữa các chiến lược này? Một chiến lược “toàn diện” đúng nghĩa cần hội tụ được những yếu tố nào? Bài viết này sẽ đề xuất một khung phân tích chiến lược dựa vào quá trình thay vì kết quả. Theo tác giả, các chiến lược có thể được chia thành ba cấp độ khác nhau: chiến lược định hướng, chiến lược hành động và chiến lược toàn diện. Bài báo này sẽ phân tích sự khác biệt giữa các cấp độ chiến lược này cũng như chỉ ra năm yếu tố cơ bản cấu thành nên một chiến lược toàn diện; từ đó đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để nâng cao chất lượng quá trình hoạch định chiến lược cho Việt Nam trong thời gian tới.


Chiến lược tốt và chiến lược xấu: đừng nhìn vào kết quả, hãy nhìn vào quá trình


Tầm quan trọng của chiến lược


Mặc dù chiến thuật (tactics) và chiến lược (strategy) có mối quan hệ khăng khít, lệ thuộc lẫn nhau, nhưng hai khái niệm này khác nhau về cơ bản. Chiến thuật là một tổ hợp các hành động cụ thể nhắm đến các mục tiêu trong ngắn hạn. Do đó, chiến thuật có thể thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt, tùy theo hoàn cảnh. Nếu như chiến thuật gắn liền với từng trận đánh thì chiến lược quan tâm tới toàn cục cả cuộc chiến. Có thể nói, chiến lược là một thứ lôgic vĩ mô kết nối các mục tiêu lớn với các nguồn lực cơ bản mà một quốc gia sẵn có.[3] Nhiệm vụ của chiến lược không phải là giành các thắng lợi nhỏ lẻ mà là đảm bảo sự hài hòa, nhất quán trong chính sách và ổn định vĩ mô về lâu dài.


Do đó, tầm quan trọng của chiến lược dường như hết sức hiển nhiên. Tuy vậy, chuyên gia Raphael Cohen của Viện nghiên cứu RAND nhận thấy rằng trên thực tế, chiến lược thường khiến người ta thất vọng bởi đa số các chiến lược đều dài dòng, thiếu thực chất trong khi lãnh đạo lại không sẵn sàng chấp nhận những sự đánh đổi khó khăn, vốn là một phần tất yếu của chiến lược.[4]


Ngay cả trong giới học giả vẫn luôn tồn tại một luồng ý kiến cho rằng chiến lược không có vai trò đáng kể trong hoạch định chính sách. Trong một bài bình luận trên tờ Foreign Policy, học giả Ionut Popescu từng  cho rằng sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng chiến lược đóng vai trò chi phối chính sách.[5] Theo Popescu thì đa số các thành tựu đối ngoại của Mỹ từ trước đến  nay đều là kết quả của sự phản ứng khéo léo và điều chỉnh chính sách kịp thời chứ không phải là sản phẩm của bất kỳ chiến lược nào. Viết trên tạp chí Foreign Affairs, hai học giả Ronald Krebs và David Edelstein cũng nhận định rằng hoạch định chiến lược về cơ bản là vô ích bởi những đấu đá trong nội bộ sẽ khiến cho chiến lược không thể vận hành như ý muốn. Theo Krebs và Edelstein thì việc xây dựng chiến lược thậm chí còn nguy hiểm bởi nó có thể châm ngòi cho một “cuộc săn lùng” những mối đe dọa vốn không tồn tại.[6] Từ góc nhìn này, quá trình hoạch định chiến lược không những không giúp ích mà còn có thể tạo ra các mối hiểm họa.


Những ý kiến này vô hình chung cho rằng chiến thuật quan trọng hơn chiến lược. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hai cuộc chiến trường kỳ của Mỹ ở Việt Nam và I-rắc thì có thể thấy rằng tuy chiến thuật quân sự của người Mỹ hoàn toàn hiệu quả nhưng rốt cục họ vẫn không đạt được mục tiêu chính trị và thắng lợi cuối cùng, do không có chiến lược đúng đắn dẫn đường chỉ lối. Cần lưu ý rằng, khác với chiến thuật, chiến lược không phải là một công thức. Giá trị của chiến lược một phần rất lớn nằm ở chỗ định hình đường lối tư duy và dẫn dắt các cuộc tranh luận trong giới tinh hoa.  Do đó, khó có thể thấy được ngay tính hiệu quả của chiến lược. Tuy  vậy, điều này không chứng tỏ chiến lược không hữu dụng mà chỉ cho thấy chúng ta cần thiết kế một khung đánh giá hợp lý dành riêng cho chiến lược.


Chiến lược tốt và chiến lược xấu 


Mặc dù chiến lược đóng vai trò quan trọng nhưng không phải chiến lược nào cũng có giá trị ngang nhau. Sự khác biệt rõ nhất giữa một chiến lược tốt và một chiến lược xấu nằm ở tác động của nó đối với chính sách. Nếu chính sách được dẫn dắt bởi một chiến lược thiếu tầm nhìn thì chắc chắn những mâu thuẫn trong chính sách sớm muộn sẽ xuất hiện và những hệ lụy lâu dài là điều không thể tránh khỏi.


Sau khi Hoàng đế Wilhelm II lên ngôi và quyết định bãi nhiệm Thủ tướng Bismarck, giới quân sự Đức bắt đầu theo đuổi chiến lược phát triển hải quân dựa trên thuyết rủi ro (risk theory) của Đô đốc Alfred von Tirpitz. Theo Tirpitz, việc xây dựng một hạm đội hùng mạnh trấn thủ ở Biển Bắc sẽ cho phép Đức ép nước Anh vào thế phải thỏa hiệp trong các vấn đề thuộc địa, từ đó tạo điều kiện để Đức thi hành chính sách bành trướng đầy tham vọng của mình. Vị đô đốc này đã không lường trước được phản ứng dữ dội của Anh trước chiến lược này. Người Anh không những không chịu nhượng bộ với Đức mà còn tăng cường vũ trang và thỏa hiệp với các kình địch khác để kiềm chế sự trỗi dậy của Đức. Cuối cùng, chính cuộc chạy đua hải quân này đã trở thành một trong những động lực lớn khiến Anh liên minh với Pháp và Nga để chống lại Đức trước thềm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.[7] Đây là một trong những ví dụ điển hình nhất của một chiến lược xấu bởi không những chiến lược không đạt được mục tiêu đã đề ra mà còn phản tác dụng, gây ra hậu quả nặng nề.


Tuy nhiên, chúng ta chỉ nhận định rằng chiến lược phát triển hải quân của Đức là một chiến lược xấu sau khi sự việc đã xảy ra hàng chục năm, thậm chí là lâu hơn. Tại thời điểm chiến lược hải quân này mới được Đô đốc Tirpitz đề xuất, khó ai có thể đoán biết trước được nó sẽ mang lại kết quả thế nào. Việc dự báo tương lai luôn hết sức khó khăn và dễ gặp nhiều rủi ro. Một nghiên cứu nổi tiếng cho thấy các chuyên gia thường xuyên đưa ra dự báo sai và thậm chí người càng am hiểu về lĩnh vực của mình thì càng dễ đưa ra các dự báo sai.[8] Một chiến lược có thể bị đánh giá là thiếu tầm nhìn nhưng nếu may mắn, kết quả lại có thể khiến ta nghĩ rằng đó là một chiến lược tốt. Do vậy, nhìn vào kết quả để đánh giá chiến lược là cách tiếp cận phiến diện, dễ dẫn đến kết luận thiếu chính xác. Nhìn chung, cách đánh giá này không mấy hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, bởi họ cần xét đến các hệ quả tiềm tàng trước khi chiến lược được thực thi. Việc mổ xẻ vấn đề sau khi chiến lược đã thất bại là quá muộn.


Cách hữu hiệu nhất để đánh giá chiến lược là nhìn vào nội dung và quá trình xây dựng chiến lược đó. Theo cách tiếp cận này, chiến lược sẽ được chia làm ba cấp độ: định hướng, hành động, và toàn diện. Phần tiếp theo sẽ phân tích sâu sự khác biệt cơ bản giữa ba cấp độ của chiến lược, từ đó đưa ra một khung phân tích hiệu quả hơn cho các chiến lược gia.


Ba cấp độ của chiến lược


Chiến lược tồn tại ở ba cấp độ khác nhau: định hướng, hành động và toàn diện, theo mức độ tăng dần về độ hoàn thiện cũng như sự hữu ích đối với người làm chính sách. Ở cấp độ cơ bản nhất, một chiến lược định hướng vẽ ra bức tranh toàn cảnh, liệt kê một số nguyên tắc cơ bản và các mục tiêu chính mà một quốc gia cần theo đuổi. Việc đề ra các nguyên tắc cơ bản và xác định các mục tiêu lớn sẽ tạo ra định hướng để những người làm chính sách có thể phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý.


Ví dụ điển hình cho cấp độ chiến lược định hướng là bài báo trứ danh “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô ” của nhà ngoại giao kỳ cựu George Kennan được đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1947. Trong bài báo ẩn danh này, Kennan không nêu ra cụ thể Mỹ cần phải làm những gì để ngăn chặn Liên Xô mở rộng sức ảnh hưởng ở các khu vực trọng yếu nhưng ông phân tích tương đối sâu tâm lý bất an cố hữu trong tư duy đối ngoại của Liên Xô, đồng thời nhấn mạnh việc Mỹ cần kiên trì theo đuổi một chính sách kiềm chế lâu dài, bền bỉ nhưng cứng rắn để đối phó với Liên Xô. Cấp độ chiến lược định hướng do đó không cần đưa ra các khuyến nghị chính sách chi tiết nhưng như Kennan đã cho thấy, nó có thể tiên phong một lối suy nghĩ mới về một vấn đề trọng yếu, đặt nền móng tư duy cho các chính sách sau này.[9]


Cấp độ chiến lược hành động không những phải vạch ra được định hướng chung mà còn phải đề xuất những chương trình hành động và phương thức cụ thể để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nếu như một  chiến lược định hướng có thể dừng lại ở việc kiến nghị Mỹ tập trung giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thay vì can thiệp quân sự vào Trung Đông hay các khu vực khác thì một chiến lược hành động phải đề xuất những nước đi cụ thể. Ví dụ như Mỹ cần công nhận chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay phải trang bị thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo cho các đồng minh như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Hơn nữa, cấp độ chiến lược hành động nhất thiết phải thiết lập một trình tự đối với các mục tiêu để các lãnh đạo có thể xác định được đâu là mục tiêu cần phải ưu tiên trong ngắn hạn, đâu là mục tiêu lâu dài, đâu là mục tiêu sống còn và đâu là mục tiêu thứ yếu. Các Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ là ví dụ điển hình cho một cấp độ chiến lược hành động.


Ở cấp độ cao nhất và hoàn thiện nhất, một chiến lược toàn diện cần phải làm được tất cả những điều trên và hơn thế nữa. Chiến lược toàn diện không những phải vạch được ra định hướng căn bản, các nước đi cụ thể, xác định rõ thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu lớn, mà còn phải đảm bảo được sự cân đối giữa mục tiêu và nguồn lực. Tác giả của một chiến lược toàn diện đúng nghĩa phải phơi bày toàn bộ những giả thiết căn bản (fundamental assumptions) của mình để những người đi sau có thể dễ dàng đánh giá và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết. Chiến lược toàn diện cũng là cách thức phòng ngừa hữu hiệu trước căn bệnh “tự kỷ chiến lược” (strategic autism). Đây là căn bệnh mà các nước lớn đặc biệt dễ mắc phải bởi với nguồn lực dồi dào, họ có xu hướng phớt lờ phản ứng của các đối tượng xung quanh.[10] Sự thiếu nhạy cảm này rủi ro chiến lược bị phản tác dụng.


Bên cạnh đó, chiến lược toàn diện được coi là một chiến lược được đầu tư về cả “nội dung lẫn hình thức”. Ở cấp độ toàn diện, chiến lược cần có thương hiệu và điểm nhấn. Một cái tên thật “kêu” được giới học giả, báo chí và chuyên gia đón nhận một cách tích cực sẽ sớm trở thành một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi. Sự phổ biến không chỉ giúp các chính trị gia dễ bề vận động sự ủng hộ cho chiến lược mà còn đóng góp vào quá trình hoàn thiện của chính chiến lược này bởi càng nhiều người bình luận, phê bình và phân tích chiến lược này thì điểm mạnh và điểm yếu của nó càng dễ được bộc lộ. Cuối cùng và quan trọng hơn hết, chiến lược toàn diện được đặt trong một quá trình điều chỉnh và cập nhật định kỳ. Đây là yếu tố cốt lõi đảm bảo cho chiến lược không bị lỗi thời. Ví dụ của một chiến lược toàn diện là chiến lược đẩy lùi (rollback strategy) được vạch ra trong bản báo cáo NSC-68 dưới thời Tổng thống Truman.


Phần kế tiếp sẽ đi sâu vào từng yếu tố đã nêu trên đây và phân tích, giải thích kĩ hơn tầm quan trọng của từng yếu tố tạo nên một chiến lược toàn diện.


Chiến lược toàn diện: năm yếu tố cơ bản


Yếu tố thứ nhất: cân đối giữa mục tiêu và nguồn lực 


Chiến lược luôn gắn liền với tầm nhìn dài hạn và hướng tới các mục tiêu lớn. Giống như một chiếc xe chạy đường trường cần sự ổn định hơn là tốc độ cao, để đạt được các mục tiêu dài hạn này thì quan trọng nhất là quản lý nguồn tài nguyên một cách hợp lý để đảm bảo sự cân bằng và ổn định. Vì vậy, chiến lược toàn diện trước tiên phải đảm bảo được sự cân đối giữa mục tiêu và nguồn lực, nghĩa là phải đảm bảo rằng những nguồn lực một quốc gia đang sẵn có đủ để thực hiện các mục tiêu đề ra.


Trong cuốn Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, sử gia Paul Kennedy đã cho thấy rằng, trong suốt 500 năm, yếu tố số một dẫn đến sự suy tàn của các cường quốc là tình trạng “dàn trải quá mỏng của các đế quốc” (imperial overstretch).[11] Kẻ thù lớn nhất của một cường quốc không phải là các đối thủ khác mà là chính nó. Sự trỗi dậy thần kỳ của Trung Quốc kể từ khi nước này thi hành chính sách mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình là điều dễ nhận thấy.[12] Thế nhưng sở dĩ Trung Quốc bắt kịp Mỹ nhanh đến vậy một phần bởi Mỹ đã phung phí vô số tài nguyên cũng như sức mạnh mềm vào hai cuộc trường chinh đẫm máu ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Tổng thống Bush và nhóm cố vấn tân bảo thủ  đã tin rằng Mỹ có đủ khả năng dân chủ hóa và tái thiết khu vực Trung Đông theo ý mình. Sự thất bại của Mỹ ở khu vực này là hệ quả tất yếu bởi họ đã đặt ra các mục tiêu vượt quá nguồn lực cho phép.


Để đảm bảo được sự cân bằng giữa mục tiêu và nguồn lực, ngoài việc kiềm chế tham vọng, trước hết phải xác định rõ thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu. Trong vô số các mục tiêu mà một quốc gia muốn theo đuổi, thường chỉ có một vài lợi ích thật sự sát sườn và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia. Các lợi ích khác có thể không quan trọng bằng hoặc quan trọng nhưng không quá cấp thiết. Để một chiến lược lên được cấp toàn diện thì trước hết phải chỉ ra thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu này một cách rõ ràng và thậm chí nêu rõ trong trường hợp nào thì thứ tự hiện nay sẽ thay đổi. Nói cách khác, chiến lược toàn diện vừa phải chính xác, vừa phải đủ linh hoạt. Khi thời gian, tiền bạc và sức ảnh hưởng chính trị là có hạn thì các nhà lãnh đạo cần phải xác định được đâu là những mục tiêu cấp bách hơn và có hệ quả tiềm tàng sâu rộng hơn để ưu tiên sự quan tâm cho các mục tiêu đó.


Yếu tố thứ hai: chỉ rõ các giả thiết căn bản 


Bất kể ai, dù nhận thức được hay không, đều đang sử dụng các lý thuyết như các lăng kính để nhìn ra thế giới và giải thích các hiện tượng đang xảy ra.[13] Những người làm chính sách tuy không sử dụng ngôn ngữ nặng tính học thuật như các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không vận dụng lý thuyết hay đặt ra các giả thiết. Nếu như một vị cố vấn an ninh quốc gia khuyên tổng thống Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên để tiêu hủy chương trình hạt nhân của nước này thì dù không nói ra, chúng ta cũng có thể hiểu rằng khuyến nghị của vị cố vấn này ngầm dựa trên ít nhất một số giả thiết căn bản như sau:


Thứ nhất, vũ lực là cách thức hiệu quả giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, Mỹ có khả năng tìm và triệt hạ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân sẵn có của Triều Tiên trong một khoảng thời gian tương đối ngắn với chi phí chấp nhận được. Thứ ba, cái giá phả trả cho một đòn tấn công phủ đầu tại thời điểm này dù có lớn nhưng vẫn nhỏ hơn việc chấp nhận việc tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đe dọa lãnh thổ của Mỹ. Cuối cùng, chính quyền Bình Nhưỡng về cơ bản là khó đoán và thiếu lý trí. Vì vậy việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Mỹ.


Những giả thiết này có thể không đúng, nhưng chúng góp phần tạo thành nền móng cho chiến lược. Do đó, các giả thiết thiếu thực tế sẽ dễ dẫn đến các tính toán sai lầm khiến một chiến lược trở thành kém chất lượng. Một  định hướng chiến lược sẽ không phải là chiến lược toàn diện nếu tác giả không xác định rõ các giả thiết căn bản tạo nên nền tảng cho các kế sách của mình.


Việc không xác định rõ đâu là các giả thiết căn bản đặc biệt nguy hiểm về lâu dài bởi nó sẽ tạo ra rào cản đối với quá trình cập nhật và đánh giá chiến lược. Những giả thiết được đặt ra tại một thời điểm nhất định không thể luôn luôn đúng. Những thay đổi trong tương quan lực lượng, những tiến bộ trong khoa học – kỹ thuật cũng như những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo ở các quốc gia có thể khiến các giả thiết trở nên lỗi thời sau một thời gian tương đối ngắn.


Một trong những giả thiết có ảnh hưởng nhất đằng sau chính sách kiềm chế của Mỹ trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh cho rằng khối cộng sản do Liên Xô dẫn dắt là một “khối thống nhất”.[14] Có lẽ điều này chưa bao giờ đúng bởi tuy các nước cộng sản có chung ý thức hệ và mức song trùng lợi ích cao, nhưng cũng có những lợi ích quốc gia riêng biệt. Chủ nghĩa cộng sản sau năm 1945 không đơn thuần là một phong trào toàn cầu được chỉ đạo và dẫn dắt bởi Moscow. Trong Chiến tranh Triều Tiên, sở dĩ mãi đến tháng 6/1950 Triều Tiên mới tiến quân sang Nam Hàn là bởi những mâu thuẫn trong lợi ích và quan điểm nhất định giữa lãnh đạo các nước Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên.[15] Mặc dù vậy, trong khoảng hai mươi năm đầu tiên của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh đã coi Liên Xô và Trung Quốc cùng các nước cộng sản khác là một. Chính sách này đã vô tình đẩy Trung Quốc vào thế bắt buộc phải liên minh với Liên Xô và khiến cho Chiến tranh Lạnh ở Châu Á nóng lên rất nhiều. Mãi đến cuối những năm 60, khi rạn nứt Xô – Trung bắt đầu lộ rõ thì Mỹ và các nước phương Tây mới bắt đầu ý thức được việc này. Nixon và Kissinger đã nhanh chóng tận dụng điều này để bắt tay hòa hoãn Mỹ – Trung, đẩy Liên Xô vào thế bị cô lập ở Châu Á.


Điểm mấu chốt ở đây không phải là giả thiết ban đầu gần như sai hoàn toàn mà là các chiến lược gia phương Tây đã không nhận thấy rằng “khối cộng sản thống nhất” của họ chỉ đơn thuần là một giả thiết mà độ đúng sai có thể thay đổi theo thời gian. Việc không phơi bày toàn bộ các giả thiết ra ánh sáng và đặt chúng lên bàn cân sẽ tạo điều kiện để những giả thiết này tiếp tục ngầm chi phối chính sách và chiến lược, kể cả khi chúng đã lỗi thời. Do đó việc xác định rõ đâu là các giả thiết căn bản là một yếu tố quan trọng để chiến lược có thể được điều chỉnh và cập nhật kịp thời với những thay đổi trong diễn biến chính trị và cục diện thế giới.


Yếu tố thứ ba: dự báo phản ứng của đối tượng chịu ảnh hưởng


Khác với các cấp độ chiến lược thấp hơn, chiến lược toàn diện nhận thức một cách rõ ràng rằng chính trị quốc tế không tồn tại trong một môi trường “chân không”. Trong thế giới quan của một chiến lược gia ở cấp cao nhất, hành động của mọi quốc gia đều có tác động qua lại lẫn nhau và mỗi nước cờ đưa ra đều phải dựa trên một sự tiên liệu kĩ lưỡng về phản ứng của các đối thủ. Các chiến lược gia hiểu rằng tính hiệu quả của chiến lược trên thực tế sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của các đối tượng chịu ảnh hưởng của chiến lược.


Tuy tính thiết yếu của việc dự báo trước phản ứng của đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chiến lược dường như vô cùng hiển nhiên nhưng không phải  định hướng chiến lược nào cũng chú trọng đúng mực tới vấn đề này. Tất cả các  Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đều liệt kê một cách tỉ mỉ những hành động mà Mỹ cần triển khai ở các khu vực trọng yếu và thậm chí còn chỉ ra đâu là những đối thủ chiến lược của Mỹ[16] nhưng lại không phân tích xem những nước này sẽ phản ứng ra sao trước những hành động của Mỹ. Tương tự,  Chiến lược an ninh quốc gia mà chính quyền Abe công bố vào cuối năm 2013 tuy nêu rõ các mục tiêu, nguyên tắc, cách thức thực hiện và cũng chỉ đích danh sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong các mối quan ngại đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng như những người đồng cấp phía Mỹ, các chiến lược gia Nhật Bản không đánh giá các phản ứng tiềm tàng của các đối tượng như Trung Quốc hay Triều Tiên  trước những đối sách mà họ vạch ra, ví dụ như củng cố liên minh Mỹ – Nhật hay tăng cường can dự, hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và các nước ASEAN. Đây là một thiếu sót lớn bởi những hành động này có khả năng khiến thế lưỡng nan an ninh và sự nghi kỵ trong khu vực trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến việc khiến Bắc Kinh cảm thấy họ càng phải đẩy mạnh các nỗ lực xây đắp đảo và thi hành chính sách đối ngoại cứng rắn hơn ở Biển Đông. Trong trường hợp này, chiến lược được đề xuất sẽ phản tác dụng.  Đây là lý do vì sao nếu các định hướng chiến lược an ninh quốc gia như vậy chỉ dừng lại ở cấp độ chiến lược hành động thì sẽ chưa đạt tới cấp độ chiến lược toàn diện.


Yếu tố thứ tư: xây dựng được “thương hiệu”


Điểm chung giữa các chiến lược “xoay trục về Châu Á”, “trỗi dậy hòa bình” và “nước Mỹ trước tiên” là gì? Các chiến lược này tuy khác nhau về rất nhiều mặt nhưng đều có điểm chung là một cái tên rất “kêu” và dễ nhớ.


Có thể trong 10 người chỉ có 2 đến 3 người là thực sự nắm rõ nội hàm của chiến lược xoay trục về Châu Á của chính quyền Obama, nhưng điều đó không quá quan trọng. Điều quan trọng ở đây là ngay sau khi cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đăng tải bài bình luận với tựa đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”[17] trên Tạp chí Foreign Policy thì cụm từ xoay trục (pivot) đã được giới nghiên cứu và báo chí sử dụng một cách rộng rãi để nói về chính sách của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu chỉ lấy riêng mức độ phổ biến làm thước đo cho sự thành công của một chiến lược thì phải nói rằng chiến lược xoay trục của Obama đã gặt hái được thành công đáng kể.


Một nghiên cứu mới đây cho rằng chiến lược xoay trục trên thực tế đã được triển khai bởi chính quyền George W. Bush kể từ đầu những năm 2000.[18] Theo học giả này thì chính sách của Obama đối với Trung Quốc về cơ bản chỉ khác chính sách của người tiền nhiệm về “lượng” chứ không có thay đổi về “chất”. Điều này có thể đúng, tuy nhiên nếu nói đến chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong khoảng thời gian 2000-2007 thì người ta sẽ chỉ nhớ đến cụm từ “cổ đông có trách nhiệm” (responsible stakeholder) chứ ít ai lại liên hệ chính sách này với cụm từ xoay trục. Nếu như chính sách của Bush và Obama ở Châu Á về cơ bản là giống nhau thì điều này càng cho thấy sức ảnh hưởng của việc xây dựng thương hiệu tốt. Điều này cho thấy trong chính trị quốc tế thì “bình mới, rượu cũ” vẫn rất có giá trị.


Cũng cần lưu ý rằng việc xây dựng thương hiệu cho chiến lược không chỉ dừng lại ở việc đặt một cái tên hay. Các chiến lược thường sẽ đáng nhớ hơn nhiều nếu tên tuổi của nó gắn liền với một sáng kiến cụ thể, ví dụ như chính sách xoay trục của Obama ngay từ đầu đã gắn liền với Hiệp định TPP.[19] Một sáng kiến rõ ràng và cụ thể như TPP khiến cho chiến lược xoay trục về Châu Á của Mỹ trở nên bớt trừu tượng hơn, giúp Washington gửi đi thông điệp rõ ràng tới các đồng minh và đối tác rằng Mỹ có lợi ích chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương và vì vậy sẽ duy trì các cam kết an ninh của mình ở khu vực này.


Tầm quan trọng của việc có một sáng kiến chủ đạo “chống lưng” cho chiến lược trở nên đặc biệt rõ rệt khi chúng ta nhìn vào chính sách đối ngoại của Trump ở Châu Á. Chỉ hai tháng sau khi lên nắm quyền, chính quyền Trump đã tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục về Châu Á do Obama khởi xướng.[20] Để đánh dấu sự khác biệt trong chính sách của mình với người tiền nhiệm, Trump đã nỗ lực phổ biến khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương”.[21] Tuy nhiên đến thời điểm này thì nhiều ý kiến cho rằng chính sách của Mỹ ở Châu Á dưới thời Trump vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể so với chính sách của Obama.[22] Thiếu đi một sáng kiến trụ cột làm trọng tâm nên khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương chưa nhận được nhiều sự quan tâm chú ý từ giới nghiên cứu bằng khái niệm xoay trục dưới thời Obama.[23] Đây là điều đáng tiếc bởi nếu chiến lược không nhận được sự quan tâm thường xuyên thì nó khó có thể trở nên hoàn thiện hơn theo thời gian. Do đó, để một chiến lược đạt được tầm toàn diện, các chiến lược gia không những phải chú trọng đến nội dung mà còn phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho chiến lược và kèm theo là một sáng kiến có tính chủ đạo.


Yếu tố thứ năm: được “cập nhật” thường xuyên


Một chiến lược dù có hoàn hảo tới mấy cũng không thể nào trường tồn mãi với thời gian. “Hằng số” duy nhất trong chính trị quốc tế đó là mọi thứ đều có thể thay đổi, thậm chí một cách đột ngột và khó đoán. Vì vậy, chiến lược toàn diện buộc phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi và để làm được điều này cần có một quá trình đánh giá, kiểm tra và cập nhật định kỳ và thường xuyên.


Bất chấp những thay đổi lớn và nhỏ trong cục diện thế giới kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc đến nay, chiến lược can dự sâu (deep engagement) vẫn là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Mỹ.[24] Một phần bởi Quốc hội Mỹ yêu cầu chính phủ phải thực hiện quá trình đánh giá chiến lược định kỳ.[25] Tất cả các Báo cáo quốc phòng 4 năm (Quadrennial Defense Review) và Chiến lược an ninh quốc gia đã được chính phủ Mỹ công bố từ trước đến nay tuy có khác nhau ít nhiều nhưng đều giữ cái lõi là chiến lược can dự sâu: (i) Mỹ không được rút lui về pháo đài của mình mà phải duy trì vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế; (ii) an ninh của Mỹ gắn liền với hòa bình và ổn định trên toàn thế giới nên trong tình huống xấu nhất, Mỹ phải sẵn sàng đóng vai trò “cảnh sát toàn cầu”, kể cả ở những khu vực không phải sát sườn đối với Mỹ và (iii) Mỹ cần duy trì mọi cam kết đối với an ninh của các đồng minh, kể cả khi những nước này ỷ lại vào Mỹ bởi việc hủy bỏ các cam kết an ninh sẽ khiến cho Mỹ trở nên không đáng tin cậy trong con mắt của các đồng minh cũng như các đối thủ. Việc thiết lập một quá trình đánh giá và điều chỉnh chiến lược định kỳ sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách giữ lại những yếu tố chính yếu, cốt lõi của chiến lược, đồng thời loại bỏ những yếu tố đã lỗi thời và cân bằng lại chiến lược để có thể thích nghi với những thay đổi trong môi trường quốc tế.


Do đó một chiến lược toàn diện đúng nghĩa không thể dừng lại ở một văn kiện mà phải là sản phẩm của một quá trình hoạch định chiến lược lâu dài, trong đó bước đánh giá và cập nhật chiến lược phải được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc.


Kết luận và hàm ý chính sách


Vị tướng nổi tiếng người Phổ Helmuth von Moltke từng nhận định rằng “không kế hoạch tác chiến nào sống sót được khi bắt đầu giao chiến với kẻ thù”.[26] Điều này làm nổi bật giá trị của chiến lược, vì giá trị của chiến lược không nằm ở chỗ vạch ra tường tận mọi đường đi nước bước mà nằm ở việc định hướng, dẫn dắt tư duy và xây dựng nền tảng lý luận vững chắc giúp các nhà lãnh đạo có thể điều chỉnh chính sách một cách phù hợp với hoàn cảnh và diễn biến.


Chiến lược sẽ phát huy tác dụng ở mức tối đa khi được đẩy lên cấp độ toàn diện. Một chiến lược toàn diện có giá trị hơn một chiến lược hành động hay một chiến lược định hướng thuần túy bởi chiến lược toàn diện đặc biệt chú trọng vào việc quản lý tài nguyên, đảm bảo sự cân đối giữa nguồn lực và mục tiêu. Hơn nữa, chiến lược toàn diện có khả năng thích ứng tốt nhất với những thay đổi theo thời gian bởi nó được thiết kế để quá trình đánh giá và điều chỉnh diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Để xây dựng được một chiến lược toàn diện thì các chiến lược gia cần đảm bảo được năm yếu tố sau:


Thứ nhất, luôn đảm bảo được sự tương xứng giữa mục tiêu và nguồn lực. Chiến lược gia chỉ đề xuất những mục tiêu có thể thực hiện được với những nguồn lực sẵn có. Như vậy sẽ đảm bảo được rằng đây là một chiến lược khả thi để đưa vào vận dụng trong thực tế. Để làm được điều này cần xác định rõ thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu và chỉ rõ trong trường hợp nào thì thứ tự này sẽ thay đổi. Điều này giúp cho nguồn lực luôn được tập trung cho các mục tiêu chính yếu nhất, qua đó tối đa hóa tính hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên. Thứ hai, phải chỉ rõ các giả thiết căn bản của chiến lược. Các nhà hoạch định chiến lược cần nêu rõ khi nào chiến lược của mình sẽ hữu dụng và khi nào sẽ không còn phù hợp. Thứ ba, chiến lược toàn diện phải có phần dự báo các phản ứng tiềm tàng của các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chiến lược. Bản chất của chiến lược là tương tác, chính vì lẽ đó kết quả của chiến lược sẽ ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của các đối tượng chịu ảnh hưởng chính bởi chiến lược. Thứ tư, cần chú ý đến việc tạo điểm nhấn cho chiến lược, thông qua việc đặt tên và gắn liền những chiến lược đó với những hành động, sáng kiến cụ thể. Cuối cùng, một chiến lược toàn diện cần được cập nhật, đánh giá thường xuyên để luôn bắt kịp với các thay đổi trong xu thế và tình hình thế giới.


Hàm ý chính sách đối với Việt Nam 


Từ khi mở cửa đến nay, Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược đối ngoại với hai phương châm độc lập, tự chủ, “đa phương hóa, đa dạng hóa” và “chủ động hội nhập quốc tế” làm trụ cột. Chiến lược này nhìn chung đã gặt hái được những thành công đáng kể, bao gồm: (i) giúp Việt Nam phá thế bao vây cấm vận thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, (ii) duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng và tranh chấp Biển Đông ngày một trở nên căng thẳng và (iii) nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sở dĩ chiến lược này có sức bền lớn đến vậy là bởi các phương châm chủ đạo về cơ bản vẫn phù hợp với các xu hướng lớn và cục diện quốc tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông vẫn ở trong tình trạng bế tắc và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày một trở nên gay gắt hơn thì rất có thể chiến lược đối ngoại hiện nay sẽ cần phải được “cập nhật” và “nâng cấp” một cách toàn diện.


Thứ nhất, tài liệu định hướng chiến lược cần xác định rõ thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu quốc gia chính yếu cũng như mối quan hệ giữa các mục tiêu này. Hơn hết, nó cần nêu rõ trong trường hợp các mục tiêu xung đột với nhau thì với nguồn lực có hạn, mục tiêu nào cần phải được ưu tiên hơn. Ví dụ như Việt Nam coi trọng cả quan hệ với Mỹ và Trung Quốc nhưng nếu bị đặt vào tình huống phải chọn một trong hai nước thì Việt Nam sẽ chọn ai và vì sao?


Thứ hai, các chiến lược gia đối ngoại Việt Nam cần tích cực đánh giá hơn nữa các nguồn lực Việt Nam sẵn có để theo đuổi các mục tiêu đối ngoại. Mặc dù việc liệt kê và sắp xếp các mục tiêu lớn theo trình tự phù hợp sẽ giúp tập trung sự chú ý của đội ngũ lãnh đạo cũng như bộ máy chính quyền cho các ưu tiên lớn nhưng sự thành bại của chiến lược vẫn nằm ở sự ăn khớp giữa mục tiêu và nguồn lực. Để biết được Việt Nam có khả năng tự đảm bảo an ninh ở Biển Đông hay nắm vai trò dẫn dắt ASEAN hay không thì cần phải biết ta có những nguồn lực và thế mạnh nào có thể giúp thực hiện được những mục tiêu này. Nếu quá trình đánh giá chiến lược cho thấy nguồn lực không đủ để thực hiện những mục tiêu đã đề ra thì ít nhất cần điều chỉnh lộ trình theo đuổi các mục tiêu sao cho phù hợp với nguồn lực hiện có và đồng thời tìm cách huy động thêm các nguồn lực để phục vụ cho mục tiêu tham vọng hơn.


Thứ ba, các “đối tác” và “đối tượng” sẽ cần phải được xác định một cách rõ ràng hơn trong các tài liệu định hướng đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam không nhất thiết phải công khai công bố nước nào là đối tác, nước nào là đối tượng, đặc biệt bởi đa số các quốc gia sẽ vừa là đối tác, vừa là đối tượng tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cần xác định rõ đâu là những đối tác lớn nhất và đâu là những đối tượng lớn nhất đối với Việt Nam trong ít nhất 5-10 năm tới. Quan trọng hơn hết, cần dự báo phản ứng của những nước này trước những thay đổi vĩ mô trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.


Cuối cùng, cần đẩy mạnh triển khai quá trình kiểm tra, đánh giá chiến lược định kỳ và thường xuyên với sự tham gia của các ban ngành liên quan. Quá trình đánh giá này không nhất thiết phải dẫn đến thay đổi trong chính sách nhưng chắc chắn cần có đánh giá sâu sắc và nghiêm túc về tính hiệu quả của các sáng kiến và động thái ngoại giao mà ta đã triển khai. Nhưng quan trọng hơn hết quá trình này phải dám đặt câu hỏi, kể cả đối với các nguyên tắc cơ bản vốn đã dẫn dắt chính sách đối ngoại của Việt Nam trong một thời gian dài.


Việc Việt Nam thay đổi một cách đáng kể cán cân quyền lực ở Biển Đông theo hướng có lợi cho mình là điều bất khả thi, ít nhất trong thời gian trước mắt. Do đó cách duy nhất để tạo ra sự đột phá trong tranh chấp hiện nay là thay đổi tư duy đối ngoại triệt để. Đặc biệt, khi phía Trung Quốc ngày càng tăng cường quân sự hóa tranh chấp ở Biển Đông và nguồn lực sức mạnh cứng của ta có hạn, việc đánh giá lại và thậm chí diễn giải nguyên tắc quốc phòng “ba không” theo hướng linh hoạt hơn có thể sẽ trở nên cần thiết.


Việc theo đuổi nhất quán các nguyên tắc đối ngoại này có thể sẽ duy trì sự ổn định, mặt khác chính sự ổn định này có thể giúp cho các đối tượng dễ bề chuẩn bị sách lược để đối phó với ta. Hơn hết, chính sách này có thể làm mất đi một con bài mặc cả có giá trị của Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc trong khu vực. Tuy cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung vẫn đang diễn ra gay gắt song không thể loại trừ khả năng hai siêu cường bắt tay nhau và “thí” những con tốt nhỏ hơn để duy trì đại cục về lâu dài, đặc biệt ở Biển Đông. Tình huống này đặc biệt dễ xảy ra nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều tự tin rằng Việt Nam không sẵn sàng trở thành đồng minh (dù phi chính thức) của Mỹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cách diễn giải chính sách “ba không” như hiện nay không tạo động lực để Mỹ đưa ra các cam kết an ninh đối với Việt Nam bởi nó đặt ra các giới hạn “cứng” quá rõ ràng trong hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước. Mặt khác, nó cũng không tạo động lực để Trung Quốc nhân nhượng hơn đối với Việt Nam bởi Bắc Kinh sẽ nghĩ rằng dù họ có o ép Việt Nam đến mức nào đi nữa thì ta vẫn sẽ không dám liên minh với Mỹ để chống lại họ. Việc diễn giải lại chính sách “ba không” theo hướng cởi mở hơn không nhất thiết yêu cầu Việt Nam phải tìm kiếm đồng minh để chống lại nước khác hay thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của mình. Điểm mấu chốt ở đây là Việt Nam sẽ có đòn mặc cả lớn nhất khi ta để ngỏ khả năng sẽ hỗ trợ một bên để kiềm chế bên còn lại thay vì duy trì lập trường trung lập trong mọi tình huống.


Xây dựng một chiến lược toàn diện không đảm bảo đem lại mọi kết quả tốt đẹp nhất. Chính trị quốc tế vốn dĩ tiềm ẩn quá nhiều điều bất ngờ mà không chiến lược gia đại tài nào có thể dự đoán được hết. Tuy nhiên, ít nhất tại thời điểm này, một chiến lược toàn diện sẽ vẫn là nền tảng vững chắc nhất cho chính sách, là cách tốt nhất để các nhà lãnh đạo giảm thiểu rủi ro và bảo vệ lợi ích quốc gia về lâu dài./.


Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Đại học Brandeis. Tác giả xin chân thành cảm ơn TS. Lê Đình Tĩnh, TS. Tô Anh Tuấn và CN. Nguyễn Thùy Anh vì những góp ý cho bài báo. Mọi quan điểm trong bài là của riêng tác giả.


Bài viết đã được xuất bản lần đầu trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 2 (113), tháng 6/2018.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt


  1. Lê Đình Tĩnh. “Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam.” Nghiên cứu Quốc tế 111, số 4 (12/2017): 7-35.
  2. Nguyễn Nhật Huy và Sơ Nguyên, “Ấn Độ – Thái Bình Dương: Kỷ nguyên mới của địa chiến lược,” Zing News, ngày 3/4/2008, https://news.zing.vn/an-do-thai-binh-duong-ky-nguyen-moi-cua-canh-tranh-dia-chien-luoc-post827551.html
  3. Văn Việt, “Chính quyền Trump tuyên bố chấm dứt chiến lược xoay trục sang châu Á”, VNExpress, ngày 16/3/2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/chinh-quyen-trump-tuyen-bo-cham-dut-chien-luoc-xoay-truc-sang-chau-a-3556263.html

Tiếng Anh


  1. Allison, Graham. Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?, New York: Houghton Mifflin Harcourt, 2017.
  2. Bader, Jeffrey A. và Dollar, David. “Why the TPP is the linchpin of the Asia rebalance”, Brookings, ngày 28/7/2015, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2015/07/28/why-the-tpp-is-the-linchpin-of-the-asia-rebalance.
  3. Betts, Richard K. “Is Strategy an Illusion?” International Security 25, số 2 (2000): 5-50.
  4. Clinton, Hillary. “America’s Pacific Century”, Foreign Policy, ngày 11/10/2011, http://foreignpolicy.com/2011/10/11/americas-pacific-century.
  5. Cohen, Raphael S. “Why Strategies Disappoint—and How to Fix Them”, Lawfare, ngày 19/3/2017, https://www.lawfareblog.com/why-strategies-disappoint—and-how-fix-them
  6. Donnelly, Thomas và Kristol, William. “The Obama-Trump foreign policy,” The Weekly Standard, ngày 9/2/2018, https://www.aei.org/publication/the-obama-trump-foreign-policy/
  7. Edelstein, David M. và Krebs, Ronald R. “Delusions of Grand Strategy: The Problem With Washington’s Planning Obsession.” Foreign Affairs 94, số 6 (2015): 109-116.
  8. Freedman, Lawrence. Strategy: A history, Oxford: Oxford University Press, 2015.
  9. Gaddis, John L. Strategies of Containment: A Critical Appraisal of American National Security Policy during the Cold War, Oxford: Oxford University Press, 2005.
  10. Kennedy, Paul. The rise and fall of the great powers, New Haven: Yale University Press, 1988.
  11. Kissinger, Henry. Diplomacy, New York: Simon & Schuster, 1994.
  12. Luttwak, Edward. The Rise of China vs. The Logic of Strategy, Cambridge: Harvard University Press, 2012.
  13. Popescu, Ionut. “Grand Strategy Is Overrated”, Foreign Policy, ngày 11/12/2017, http://foreignpolicy.com/2017/12/11/grand-strategy-is-overrated-trump-national-security-strategy-nss/.
  14. Rock, Stephen R.. “Risk theory reconsidered: American success and German failure in the coercion of Britain, 1890–1914.” Journal of Strategic Studies 11, số 3 (1988): 342-364.
  15. Selverstone, Marc J. Constructing the Monolith: The United States, Great Britain, and International Communism, 1945–1950, Cambridge: Harvard University Press, 2009.
  16. Silove, Nina. “The pivot before the pivot: US strategy to preserve the power balance in Asia.” International Security 40, số 4 (2016): 45-88.
  17. Slater, Jerome. “The Domino Theory and International Politics: The Case of Vietnam.” Security Studies 3, số 2 (1993): 186-224.
  18. Tama, Jordan. “Does Strategic Planning Matter? The Outcomes of U.S. National Security Reviews.” Political Science Quarterly 130, số 4 (2015-16): 735-765.
  19. Tetlock, Philip E. Expert political judgment: How good is it? How can we know?, New Jersey: Princeton University Press, 2017.
  20. Walt, Stephen M. “International Relations: One World, Many Theories.” Foreign Policy 110 (1998): 29-46.
  21. Walt, Stephen. “Don’t Knock Offshore Balancing Until You’ve Tried It,” Foreign Policy, ngày 8/12/2016, http://foreignpolicy.com/2016/12/08/dont-knock-offshore-balancing-youve-tried-it-obama-middle-east-realism-liberal-hegemony/

——————————-


[1] Đây là một câu châm ngôn được lưu truyền rộng rãi trên mạng Internet, được cho là của Tôn Tử nhưng nghiên cứu riêng của tác giả cho thấy câu châm ngôn này không hề xuất hiện trong cuốn Binh pháp.


[2] Lê Đình Tĩnh. “Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam.” Nghiên cứu Quốc tế 111, số 4 (12/2017): 7.


[3] Xem thêm Richard K. Betts. “Is Strategy an Illusion?” International Security 25, số 2 (2000): 5-50.


[4] Cohen, Raphael S. “Why Strategies Disappoint and How to Fix Them”, Lawfare, ngày 19/3/2017, https://www.lawfareblog.com/why-strategies-disappoint—and-how-fix-them.


[5] Ionut Popescu, “Grand Strategy Is Overrated”, Foreign Policy, ngày 11/12/2017, http://foreignpolicy.com/2017/12/11/grand-strategy-is-overrated-trump-national-security-strategy-nss/.


[6] David M. Edelstein và Ronald R. Krebs . “Delusions of Grand Strategy: The Problem With Washington’s Planning Obsession.” Foreign Affairs 94, số 6 (2015): 110.


[7] Stephen R. Rock. “Risk theory reconsidered: American success and German failure in the coercion of Britain, 1890-1914.” Journal of Strategic Studies 11, số 3 (1988): 342.


[8] Xem thêm Philip E. Tetlock, Expert political judgment: How good is it? How can we know? (New Jersey: Princeton University Press, 2017).


[9] Xem thêm John L. Gaddis, Strategies of Containment: A Critical Appraisal of American National Security Policy during the Cold War (Oxford: Oxford University Press, 2005).


[10] Edward Luttwak là người đề xuất khái niệm “tự kỷ nước lớn” (great state autism) để chỉ sự thiếu nhạy cảm của các nước lớn đối với phản ứng của các nước khác. Xem thêm Edward Luttwak, The Rise of China vs. The Logic of Strategy (Cambridge: Harvard University Press, 2012).


[11] Xem thêm Paul Kennedy, The rise and fall of the great powers (New Haven: Yale University Press, 1988).


[12] Graham Allison phân tích tương đối kĩ về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vòng 40 năm qua trong cuốn sách của mình. Graham Allison, Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? (New York: Houghton Mifflin Harcourt, 2017).


[13] Stephen M. Walt. “International Relations: One World, Many Theories.” Foreign Policy 110 (1998): 29.


[14] Xem thêm Marc J. Selverstone, Constructing the Monolith: The United States, Great Britain, and International Communism, 1945–1950 (Cambridge: Harvard University Press, 2009).


[15] Xem thêm Henry Kissinger, Diplomacy (New York: Simon & Schuster, 1994).


[16] Bản Chiến lược an ninh quốc gia 2017 do chính quyền Trump công bố chỉ rõ Nga và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.


[17] Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Foreign Policy, ngày 11/10/2011, http://foreignpolicy.com/2011/10/11/americas-pacific-century.


[18] Xem thêm Nina Silove. “The pivot before the pivot: US strategy to preserve the power balance in Asia.” International Security 40, số 4 (2016): 45-88.


[19] Jeffrey A. Bader và David Dollar, “Why the TPP is the linchpin of the Asia rebalance”, Brookings, ngày 28/7/2015, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2015/07/28/why-the-tpp-is-the-linchpin-of-the-asia-rebalance.


[20] Văn Việt, “Chính quyền Trump tuyên bố chấm dứt chiến lược xoay trục sang châu Á”, VNExpress, ngày 16/3/2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/chinh-quyen-trump-tuyen-bo-cham-dut-chien-luoc-xoay-truc-sang-chau-a-3556263.html.


[21] Nguyễn Nhật Huy và Sơ Nguyên, “Ấn Độ – Thái Bình Dương: Kỷ nguyên mới của địa chiến lược,” Zing News, ngày 3/4/2008, https://news.zing.vn/an-do-thai-binh-duong-ky-nguyen-moi-cua-canh-tranh-dia-chien-luoc-post827551.html.


[22] Thomas Donnelly và William Kristol, “The Obama-Trump foreign policy,” The Weekly Standard, ngày 9/2/2018, https://www.aei.org/publication/the-obama-trump-foreign-policy.


[23] Các tìm kiếm trên công cụ Google Scholar tại thời điểm này cho thấy chưa có bài nghiên cứu nào về chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” sau khi chính quyền Trump công bố chiến lược này.


[24] Stephen Walt, “Don’t Knock Offshore Balancing Until You’ve Tried It,” Foreign Policy, ngày 8/12/2016, http://foreignpolicy.com/2016/12/08/dont-knock-offshore-balancing-youve-tried-it-obama-middle-east-realism-liberal-hegemony/


[25] Jordan Tama. “Does Strategic Planning Matter? The Outcomes of U.S. National Security Reviews.” Political Science Quarterly 130, số 4 (2015-16): 739.


[26] Lawrence Freedman, Strategy: A history (Oxford: Oxford University Press, 2015): 104.
31 Tháng Bảy 2018(Xem: 7130)
16 Tháng Mười Một 2017(Xem: 4762)