Hồi ức Khương Hữu Điểu: Đà-lạt và Lycée Yersin

07 Tháng Tư 20157:47 CH(Xem: 8800)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 08 APRIL 2015
Hồi ức Khương Hữu Điểu

(Tiếp theo)

CHƯƠNG 5

Đà-lạt và Lycée Yersin
Khi Đông và Tây gặp nhau lần đầu
10 phần trăm hứng khởi và 90 phần trăm mồ hôi
Mồ hôi và Nước mắt: Chuyến bay lần đầu của đại bàng
blank
Tại Việt Nam, đồng bào ở Đồng Bằng Cửu Long coi Đà-lạt là thành phố đẹp nhất nưóc và là nơi lý tưởng để đi nghỉ mát. Lúc mới 12 tuổi tôi rất sung sướng được cùng ba má lên thăm Đà-lạt lần đầu. Hành trình dài 400 km thật ngoạn mục, trên chiếc xe Citroen bốn cửa của Pháp. Đà-lạt nằm ở độ cao một dặm và được tặng một tên mỹ miều là Hòn Ngọc của Cao Nguyên. Chúng tôi đi qua hai con đèo Blao và Prenn khúc khuỷu và đẹp như tranh vẽ. Sanh trưởng tại vùng đồng bằng nóng cháy và bằng phẳng tôi thấy bàng hoàng trước phong cảnh núi đồi cao ngất bao phủ bởi những đồn điền được chăm sóc kỹ càng và các khu rừng thông xanh tươi rậm rạp. Độc đáo hơn cả là các đồn điền trà hay cà-phê xanh ngắt được cắt tỉa gọn ghẽ của vùng cao nguyên Blao và Djiring.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy những rừng thông như ở bên Âu châu và một số những vùng trồng bông, trái cây và rau cỏ mà người mình coi là của Tây như: trái dâu tây, “prune”, tỏi tây, khoai tây, “laitue”, “chicoree”, ‘endive”.”artichaut”, “Glaïeuls”, mimosa, bông tulipe… các loại này trước đây không có ở đồng bằng nhiệt đới. Ngay cả các tên của ao hồ, đường phố, khách sạn, và quán ăn cũng y như bên Pháp: Au Sans Souci, La Savoisienne, Lang-Bian Palace, Rue des Glaïeuls, Rue des Roses…lac des Soupirs, lac St Benoit, lac des Cygnes…Không khác gì như ở một nước Pháp thu nhỏ trong sách giáo khoa dạy địa dư của tôi. Trên đường phố người ta xúng xính trong những chiếc áo khoác bằng len, nón len và đeo găng tay. Nhiều người còn mặc com lê và đeo cà-vạt nữa. Sương mù ban mai dày đặc. Mọi thứ đối với tôi trông thật lạ mắt. Mùa xuân nơi đây đầy màu sặc sỡ như màu hường của hoa anh đào.
image096
Hoa anh đào màu hường

Sau ngày tôi học hết trung học đệ nhật cấp năm 1948, tôi bắt buộc phải di chuyển tới một trường ở một vùng khác vì trong cả Đồng Bằng Sông Cửu Long kiếm không ra một trường trung học nào cả. Đây là tình trạng cố hữu: dân chúng địa phương càng ít học thì càng dễ cho đế quốc Pháp cai trị. Và tôi thuộc thành phần những người dân đó.

Tôi rất may mắn nhận được sự giúp đỡ của bác Tư tôi là bác sĩ  Khương HữuLong. Ông có tầm nhìn xa liên quan đến tương lai của các người trẻ trong đại gia đình. Chính ông đã lo xong thủ tục cho tôi nhập học tại Lycée Yersin, trên Đà-lạt, cách nhà 400 cây số. Trong thập niên 1940, ở miền Nam Việt Nam, đây là một khoảng cách đi lại khá dài. May mắn thay, bác Tư làm chủ một biệt thự ở Đà-lạt nhờ vậy tôi được ở đó để đi học với hai con của bác Tư là: Khương Hữu Hội, hiện là một được sĩ đã về hưu và Khương Hữu Hiệp, vợ của bác sĩ Hồ Trung Dung, cựu giám đốc bệnh viện hộ sinh Từ Dũ ở Sài gòn. Bác Tư có thời làm Bộ Trưởng Y Tế đầu tiên của Việt Nam dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh, ngày 26,tháng 3, 1946 tới ngày 10 tháng 11, 1946. Bác Tư là ân nhân đầu tiên của tôi vì nếu không có bác tôi sẻ phải bỏ học khi còn thật trẻ và sẽ không thể phát huy toàn thể khả năng học vấn của mình dược. Nhân tiện đây, tôi cũng muốn nói là chính bác đã cho tôi biết Thủ Tướng Thinh đã phải tự vẫn tại chức vì người Pháp đã cưỡng ép Ông làm “trò hề” cho họ.

Trên phương diện sư phạm, người Pháp đã dùng ngôi trường uy tín Lycée Yersin để phô trương hệ thống giáo dục đệ nhị cấp của họ. Toàn thể ban giáo chức là người Pháp được tuyển dụng thẳng từ Paris qua. Hai người công dân da màu Pháp đến từ đảo Martinique thuộc Pháp dạy thể dục. Còn môn văn chương Việt và hội họa là do hai vị thầy người Việt duy nhất phụ trách. Học sinh có quyền chọn tiếng Anh hay Việt làm sinh ngữ phụ.
image098image100
Bác Tư, ân nhân của tôi
blank
Tòa nhà chính của trường

Học trò trong trường gồm người Pháp hay có quốc tịch Pháp, một nhóm người Việt và một số ít đến từ Lào hay Cao Miên. Phần lớn chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Khuôn viên trường có nhiều tòa nhà xây theo kiến trúc tân thời và trông rất đẹp (xin coi hình). Thực vậy, tòa nhà chính của trường được Union Internationale des Architectes  chọn làm một trong 1.000 kiến trúc xuất xắc nhất của thế kỷ XX.

Tôi lớn lên ở Mỹ tho nằm bên tả ngạn của sông Cửu Long. Đó là thành phố lớn thứ hai sau Cần Thơ, thủ đô của miền Tây. Tại Mỹ-tho có trường nổi tiếng Collège Le Myre de Vilers (được đặt theo tên của viên cựu toàn quyền miền Nam). Đây là trường trung học đệ nhất cấp theo hệ thống giáo dục Pháp.

Vào năm 1948 tôi ra trường với bằng “Brevet Élémentaire” và bằng “DEPSI” (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises). Như vậy tôi đã học hết chương trình giáo dục cao nhất trong tỉnh. Tuy đây là một trường trung học đệ nhất cấp có hạng nhưng tất cả học sinh và giáo chức là người Việt trừ bà giáo sư Pháp văn là Madame Poitiers ra. Học sinh chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt mà thôi và nói tiếng Pháp không thông thạo lắm. Họ nói tiếng Pháp pha giọng Việt.

Tôi bắt buộc phải đi xa nhà để học hết trung học. Thực sự tôi không có lựa chọn nào khác vì chính sách giáo dục hết sức hạn chế của nhà nước thuộc địa. Chắc có người sẽ hỏi vì sao vậy? Câu trả lời rất đơn giản: Người Pháp áp dụng ba nguyên tắc căn bản để cai trị dân mình:

Càng được học cao càng phát huy khả năng “lãnh đạo” và đưa đến đòi hỏi "Tự Do, Bình Đẳng, Tình Huynh Đệ " phương châm chính trị được phổ biến tại Mẫu Quốc. Nhưng đây là điều đi ngược lại chính sách thuộc địa của người Pháp. Vì vậy:

Nguyên tắc # 1: Dân bản xứ càng kém được mở mang trí tuệ thì việc cai trị sẽ càng dễ dàng hơn. Càng ít trường học ở thuộc địa thì guồng máy cai trị của thực dân sẽ càng yên ổn hơn. Trong lúc tôi lớn lên từ 1944-51, trong toàn thể Đông Dương thuộc Pháp  (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào và Cao Miên) chỉ vỏn vẹn có 8 trường trung học; ba ở Sài gòn; hai tại Huế, thủ đô của Trung kỳ; và ba ở Hà nội, thủ đô của Bắc kỳ. Ngoài Bắc chỉ có một đại học nhỏ nhoi mà thôi. Ngay cả quốc vương tương lai của Cao Miên là hoàng tử Norodom Sihanouk cũng phải tới Sài gòn để học tại trường trung học Lycée Chasseloup Laubat. Không có đến một đai học dạy về kỹ thuật [engineering] trong toàn cõi Đông Dương. Tại sao vậy? Vì người Pháp muốn giữ độc quyền về các hoạt động chế biến và kỹ nghệ cho sứ mình để còn xuất cảng hàng hóa ra nước ngoài.

Nguyên tắc #2: Chia để trị. Việt Nam bị chia cắt ra thành Tonkin (Bắc kỳ), Annam (Trung kỳ) và Cochinchine (Nam kỳ).

Nguyên tắc #3: Người Pháp là công dân hạng nhứt. Người bản xứ bị coi là công dân hạng hai. Thực ra người Hoa ở Việt Nam được xếp vào loại cao hơn người Việt.

Trong thập niên 1940, học sinh người Việt ở Lycée Yersin không ít thì nhiều cũng thuộc thành phần “ưu tú” đến từ ba miền Bắc, Trung và Nam. Cuộc thi đua học hành tuy gay go nhưng lành mạnh. Đến từ một trường nói tiếng Việt để học tại một nơi nói tiếng Pháp đương nhiên tôi cảm thấy yếu thế khi nói tiếng Tây với giọng Việt. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng để thích hợp với môi trường mới.

Mục tiêu dài hạn tôi nhắm tới là để sửa soạn cho việc xuất ngoại học ngành engineering nên mối quan tâm chính của tôi là học thật giỏi các môn toán và khoa học để hội đủ điều kiện đạt được ý nguyện của mình. Tôi may mắn có một lợi điểm lúc đó: thay vì đi nghỉ hè năm 1948, tôi lên Sài gòn ở với chị Ba của tôi, vợ của chủ trường Lyceum Nguyễn văn Khuê, gần Cầu Ông Lãnh, Saigon để có thể học lớp toán với giáo sư nổi tiếng Vương Gia Cần. Mỗi bữa, tôi đạp xe máy cùng anh bạn thân tên Bùi Kiến Thành tới nhà thầy ở Phú Lâm cách trung tâm thành phố 6 cây số. Anh Thành là con trai bác sĩ Bùi Kiến Tín nổi tiếng về “Dầu Khuynh Diệp Bác sĩ Tín”.

Vì Đà-lạt ở cao độ 1 dặm nên thời tiết nơi đây khá lạnh và cần mặc quần áo len cho đủ ấm. Sau này tôi khám phá ra là những bạn đồng khóa của tôi đến từ miền Bắc và Trung ăn mặc hợp thời trang hơn các bạn đến từ đồng bằng như tôi vì quê họ là những vùng lạnh giá.

Cuộc sống của tôi thay đổi một cách toàn diện khi phải di chuyển từ Mỹ tho có khí hậu nhiệt đới của một Đồng Bằng Cửu Long bằng phẳng tới Đà-lạt nằm ở cao độ một dặm trên một cao nguyên mát lạnh. Chính tại thành phố Đà-lạt tôi đã trải qua nhiều thay đổi nhất. Trong thập niên 1930, người Pháp muốn biến Đà-lạt trở nên thành phố đẹp nhất trong toàn cõi Đông Dương - một nơi tiêu biểu làm rạng danh cho nền văn minh Pháp và là một nước Pháp thu nhỏ trong Đế Quốc Pháp. Thực sự mà xét, nếu bạn nhìn vào việc quy hoạch thành phố, xếp đặt vườn hoa công viên nhất là lối kiến trúc các tòa nhà nơi đây bạn sẽ thấy là người Pháp đã thành công mỹ mãn trong dự tính của họ.

Như thế, sao lại nói đến Mồ hôi và Nước mắt giữa một Thành Phố đẹp như mộng vậy? Lý do là vì tôi hãy còn quá trẻ để hiểu thấu cú “sốc” tâm lý do những phức tạp của cuộc sống mới đem lại cho mình. Theo luật thiên nhiên, khi bạn bứng rễ một cây mọc ở vùng đất phì nhiêu miền nhiệt đới để đem trồng nơi đất cằn cỗi có khí hậu lạnh hơn nơi cao nguyên nằm ở cao độ một dặm thì cây đó khó mà tăng trưởng hay sống sót được. Tôi chính là cái cây đó. Một sớm một chiều, tôi đã bị cướp đi cuộc sống tuyệt vời đầy hứng thứ và vui chơi giữa thân nhân và bè bạn của mình. Lần đầu tiên trong suốt 17 năm cuộc đời tôi đã bị bứng gốc từ Đồng Bằng Sông Cửu Long để phải di chuyển tới một môi trường hoàn toàn mới mẻ và lạnh giá. Đà-lạt khác hẳn Mỹ tho. Mấy ngày đầu tôi không biết làm sao đối phó với nỗi nhớ nhà xâm chiếm lòng mình một cách đột ngột như vậy. Tôi chỉ biết khóc.

Tôi bị nỗi nhớ nhà và cô đơn hành hạ. Riêng cái bệnh nhớ nhà thì đúng là vô phương cứu chữa. Nó hành tôi tới mức chịu không nổi nữa. Tôi thấy thiếu những thói quen dễ sống của tôi ngày trước và nhớ lại những giây phút quý báu như: các bữa ăn trưa và tối cùng cả gia đình gồm ba má, các anh, các chị và anh chị em họ quây quần bên bàn tròn để dùng cơm với nhau. Đôi khi lại có những khách hay bạn vui tính đến thăm nhà.

Ban ngày tôi dong chơi với các bạn ở trường, bạn cùng xóm hay những thợ kim hoàn làm trong tiệm vàng của ba má tôi. Nơi họ làm việc được nối liền với nhà chúng tôi ở bằng một cầu thang ngắn. Tôi ưa tới chơi với họ và coi họ làm việc. Mỗi người thợ bạc là một nghệ nhân có cá tính riêng. Họ khác xa những người thợ làm theo kiểu sản xuất dây chuyền. Chẳng hạn người thợ kim hoàn có thể lấy một miếng vàng rồi biến nó thành những con vật truyền thống như con rồng, con sư tử, con rùa hay chim phượng (Long, Lân, Qui, Phụng)  hoặc theo đề tài bốn mùa như Mai, Tùng, Cúc, Trúc. Tôi say mê theo dõi người thợ kim hoàn làm xong một nữ trang từ một miếng vàng chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Trong khi làm việc họ hát những bài dân ca. Tôi không hề thấy chán ngắm họ làm những vòng đeo tay, hoa tai và dây chuyền…đủ loại nữ trang cổ truyền Việt Nam. Họ đều là bạn tốt của tôi. Những người làm hột xoàn được kính nể nhất. Tại sao vậy? Là vì thợ làm vàng có thể làm sai rồi sửa lại được. Còn đối với hột xoàn thì phải làm đúng ngay lần đầu. Sai sót một chút thôi có thể làm bể hột xoàn và gây ra một tai họa đắt giá. Cũng vì cớ đó mà khách hàng luôn ngồi cạnh thợ kim hoàng khi người này gắn hột xoàn vào đồ nữ trang. Đây là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, và cầu toàn.

Sáng sớm họ đi làm trong bộ quần áo chỉnh tề đầu đội nón phớt. Vì trời nhiệt đới nóng bỏng, họ thay qua đồng phục áo thun và quần ngắn khi làm việc. Có người còn chỉ mặc quần lót và ở trần thôi. Tôi rất thích thú khi nghe họ chuyện trò với nhau. Trong giờ ăn trưa người thì chơi cờ tướng hay đàn tây ban cầm, người khác lại đọc báo. Vào thời đó, chưa có máy truyền hình. Những ngày cuối tuần họ đưa tôi tới vận động trường của thành phố coi những trận đá banh liên tỉnh.

Ba má tôi cũng làm chủ hãng xe đò Khương Hữu nối liền tỉnh nhà với thủ đô Sài gòn, cách đó 70 cây số. Những tài xế cũng là bạn của tôi luôn. Mỗi sáng các thương gia trong tỉnh gởi rau tươi lên bán tại chợ Cầu Ông Lãnh Sài gòn. Khoảng 6 giờ sáng, họ chất những thúng rau và giỏ trái cây lên trên mui xe – thật vậy: lên trên mui xe. Họ có thói làm như thế từ lâu rồi. Trong khi lơ xe bận bịu chất hàng thì tài xế thảnh thơi ăn điểm tâm. Tôi ưa uống cà-phê với anh tài xế “ruột” của tôi vì anh đã tình nguyện dạy tôi lái xe đò. Chúng tôi chọn sáng tinh sương nghĩa là khoảng 5 giờ để làm việc này. Lúc đó không có xe hơi chạy trên đường phố. Các bạn có thể tưởng tượng thấy cuộc đời lý thú đến bực nào khi được học lái xe đò như vậy không! Tôi học lái xe với anh tài xế và đã lấy được bằng khi còn trẻ măng.

Ba má tôi còn có một nhà máy xay lúa Khương Hữu nằm giữa một vườn cây rộng vài mẫu tại ngoại ô của thành phố Mỹ tho. Vào ngày lễ hay cuối tuần tôi hay rủ bạn học tới vườn để hái trái cây vùng nhiệt đới đã chín mùi trên cành. Sau đó cả bọn nhảy xuống con sông chảy trước nhà máy xay lúa để đua nhau bơi lội. Chúng tôi mặc sức nô đùa suốt ngày! Khi đã thỏa lòng với một cuộc sống thật vui nhộn như vậy làm sao tôi không khỏi thấy buồn nản vì bị bắt buộc phải gĩa từ nó để lên đường tiếp tục việc học tại một nơi cách xa nhà tới 400 cây số!

Lý do tôi nhắc nhiều tới cách sống của tôi tại tỉnh nhà Mỹ tho cốt để nêu rõ sự va chạm sâu đậm cũng như bất thình lình giữa nền văn hóa và phong tục Việt Nam quen thuộc với phong cách xử sự mới tôi cần phải học ở Lycée Yersin. Tôi phải biết cách đối xử theo người Pháp và văn hóa phương Tây. Ở thời điểm đó tôi không mảy may nghĩ rằng lần đầu tiên trong tâm can tôi lại nẩy sinh một cách mãnh liệt cuộc gặp gỡ giữa Đông và Tây.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi thấy sự thành công hay thất bại của tôi trên đường học vấn đã tùy thuộc phần lớn vào cách thức tôi đối phó với nỗi nhớ nhà và khả năng tôi thích nghi với lối sống của người Pháp ở Đà-lạt, nhất là tại ngôi trường mới tên là Lycée Yersin.
blankblankblankblank
                  Lycée Yersin 1948
blank
Lac des cygnes, trung tâm Đà-lạt

Tại sao ba má tôi lại chọn Lycée Yersin trên cao nguyên Đà-lạt cách nhà tới 400 cây số làm trường trung học cho tôi? Bởi vì đây là một trong những trường tốt nhất và nằm trong thành phố đẹp nhất của miền Nam Việt Nam.
blank
                   Ngôi nhà chánh trong khuôn viên trường trong sương mù ban mai
Vườn hoa và kiến trúc ở Đà-lạt được thiết kế theo kiểu cách thời đại French Empire.
blank
Nhà thờ Đà-lạt
blankblank
Câu lạc bộ La Grenouillère và các ngôi biệt thự
blank
Lac des Cygnes
blank
Sương mù ban mai
blankblank
Nhà ga xe lửa Đà-lạt.         
blank
Trần Thanh Quan, bạn học của tôi năm 1948
Nhà ga xe lửa Đà-lạt xây năm 1938, được vẽ theo kiểu Art Deco bởi hai kiến trúc sư lừng danh Pháp Moncet and Revero.

   Cuộc sống trong trường

Tôi không sao quên được cảm tưởng ngày đầu của tôi về ngôi trường Lycée Yersin. Quãng đường từ nhà tới trường bằng xe máy là cả một phong cảnh hữu tình.  Tôi băng qua một khu rừng thông tươi đẹp để men theo một con đường chạy dọc theo hồ Swan Lake nơi có một khách sạn tân tiến. Cuối cùng tôi đạp xe leo một dốc cao để tới một tòa nhà xây bằng gạch đỏ đã đoạt giải thưởng về kiến trúc nằm trên đỉnh đồi. (xin coi hình)
blank
                   Rừng thông gần nhà                
blank
Hồ Swan Lake
blank
Khách sạn Lang-Bian Palace, gần Swan Lake
blank
Swan Lake Khu trung tâm thành phố
blank
Khuôn viên Lycée Yersin trên ngọn đồi nhìn xuống Swan Lake

Tòa nhà được lãnh giải thưởng nằm giữa tấm hình. Chiếc xe máy mới của tôi cũng khác xa với chiếc cũ. Vì trong tỉnh có nhiều đồi nên chiếc xe mới cần có thắng tốt và hệ thống hộp số. Về sau tôi khám phá ra trường trung học này ở Việt Nam có một khuôn viên giống như một trường tiêu biểu ở Tân Thế Giới gồm đầy đủ khu nhà ngủ và sân vận động. Học sinh Yersin chia làm hai loại: nhóm gọi là “nội trú” ăn ngủ trong trường và nhóm “ngoại trú” sống ngoài tỉnh. Những bạn cùng lớp người Việt với tôi có: Hoàng Cơ Lân, Tôn Thất Niệm, Vĩnh Mậu, Tạ Ngọc Châu, Yvonne Bửu, Simone Huê…

Tôi xin nói qua về các bạn cùng lớp với tôi cách đây 6 thập niên tại Lycée Yersin ở Đà-lạt. Không như tôi, họ tiếp tục đi theo hệ thống giáo dục Pháp. Tôi được biết nhìều bạn trong nhóm đã về hưu bên Pháp: HCLân, cựu Quân y trưởng đơn vị nhảy dù, sau đó làm Chỉ huy trưởng Trường Quân Y của Việt Nam Cộng Hòa. TNChâu, chuyên viên giáo dục, UNESCO Paris, Robert Vĩnh Mậu chuyên viên vật lý hạt nhân, giáo sư danh dự tại Université Pierre et Marie Curie, Y. Bửu nhà toán học, giáo sư École Polytechnique Paris. TTNiệm, bác sĩ, cựu bộ trưởng y tế, về hưu tại California. Tôi không có tin tức gì về S. Huê chủ nhân một viện bảo sanh ỡ Phú Nhuận, Sài gòn.

Tại Lycée Yersin tôi thấy việc tôi bị kỳ thị và “coi nhẹ” là chuyện thường tình vì tôi chuyển đến nơi này từ một trường Việt bản xứ nên cần phải hội nhập vào một trường đầy uy tín của người Pháp. Những điều tôi khám phá ra có thể làm một vài bạn đọc ngỡ ngàng. Vì ngành tôi học là toán và khoa học được coi là một thứ ngôn ngữ toàn cầu do đó tiếng Pháp tôi cần dùng ở đây đã không phải là một trở ngại to tát đối với tôi. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy các học sinh con cái người Pháp luôn luôn kém điểm tôi. Điều này làm tôi tự nhủ là mình thông minh hơn các con của họ, mà sao họ tự coi mình giỏi giang hơn nên đặt nền thống tri trên đầu người dân mình.
blank
Lycée Yersin 1950        Bà Marty, Lớp Vật Lý
blank
Bà Marty và TNChâu, Lớp Vật Lý 1948-51
blank
Bạn cùng lớp đi du ngoạn bằng xe máy cuối tuần 1948-51
blank
Bạn cùng lớp đi trèo đồi cuối tuần 1948-51
blank
  Cao-Điền,Thân, Kiệt, Điểu

Tôi học hỏi được một số phong tục mới: ngay tại trường trung học, học sinh trẻ ở đây được cho uống rượu chát trong các bữa ăn vào cuối tuần. Một việc bị coi là bất hợp pháp và không thể tưởng tượng có thể sảy ra được tại trường học bên Mỹ. Tôi biết được điều đó khi đi du học về sau này.

Ở từng một của tòa nhà chánh có đặt một vài bàn bóng bàn. Bất kể trời mưa hay nắng, các học sinh ngoại trú thích đến đây để tranh tài trước khi vào lớp học. Thể dục là môn bắt buộc. Có hai thầy người da đen đến từ đảo Martinique thuộc Pháp dạy môn này. Đối với tôi, năm đầu ở đây có hơi đặc biệt vì số đông học sinh trong trường nói tiếng Pháp. Đó là lần đầu tiên tôi trải nghiệm điều này trong suốt 17 năm đi học của mình. Khởi thủy tôi không được thoải mái lắm vì tôi nói tiếng Pháp lai giọng bản xứ. Tuy nhiên, với ngày tháng, nói tiếng Pháp đã trở thành bản ngã thứ hai của tôi.

Thêm nữa, mục tiêu của tôi lúc đó là đứng đầu môn toán, vật lý và hóa học để sửa soạn cho tôi đi học engineering về sau. Đối với những môn khác tôi không ngại bị “lặn” trong đám đông. Trường tôi có truyền thống mỗi năm cho in một “Sách Đỏ” liệt kê các học sinh đứng đầu mỗi môn học kèm theo các phần thưởng đến từ những nhân vật có tiếng. Giải thưởng “Prix d’Excellence” của trường Pháp có thể coi là tương đương với chức Valedictorian trong trường Mỹ.

Năm học đầu của tôi chỉ là thời gian “làm quen”, “thử lửa” của một thư sinh thuyên chuyển từ một trường Việt qua trường Pháp. Hơn nữa, tôi bị trở ngại bởi nỗi nhớ nhà! Hai năm sau, việc học xiêng năng của tôi bắt đầu kết trái. Tôi đã trải nghiệm và học được một bài học đắt giá. Đó là 10% kiến thức hứng khởi và 90% đổ mồ hôi. Cảm tạ Thượng Đế, tôi gặt hái được kết quả mỹ mãn. Trong hai năm liên tiếp 1950 và 1951 tôi được trao hai giải thưởng “Prix d’Excellence” của Lycée Yersin.

Trong năm cuối, tôi nhận được một bất ngờ lớn đó là giải thưởng của hoàng thân Norodom Sihanouk, Quốc vương Cao Miên, và sau đó là giải thưởng của Thị trưởng thành phố Đà-lạt cộng với giải thưởng từ Hội Phụ Huynh Học Sinh của ba trường Pháp tại Nam Việt Nam là Chasseloup Laubat, Marie Curie và Lycée Yersin.

Thành quả học vấn đáng kể nhất của tôi là đỗ bằng tú tài Pháp với hạng “bình” về ban toán. Cũng là lần đầu tiên, trong sáu năm qua, một học sinh ở Lycée Yersin đã đậu được như vậy. Thêm nữa, một bất ngờ khác là tôi đoạt giải thể thao về môn thể dục dụng toàn môn từ hội OSSU của Pháp (Organization Scolaire Sportive Universitaire.) Tôi mang ơn ba tôi rất nhiều khi nhận được giải này. Từ thời thơ ấu, ông đã bắt các con thức dậy từ 6 giờ sáng mỗi ngày để đi bộ 20 phút tới “hồ bơi” của sông Cửu Long. Ông đã dùng cách đó để cho chúng tôi có sức khỏe và tiếp tục thói quen tập thể dục trong suốt đời còn lại của mình.

Bây giờ, mỗi khi nhớ lại những lời khuyên răn của ba tôi lòng tôi không khỏi bị xúc động. Tôi không thể nào quên trong năm cuối của tôi ở Lycée Yersin, ba tôi đã đặc biệt đi xe 400 cây số từ Mỹ tho đến Đà-lạt để ủng hộ tinh thần tôi trong kỳ thi ra truờng đầy gay go của tôi năm 1951. Chắc hẳn ba tôi biết là tôi nhớ nhà mà nếu đi đôi với cô đơn nữa thì tôi sẽ gặp khó khăn trong kỳ thi đầy cam go đó.

Lúc đó, đối với một cậu học sinh người Việt phải tranh đua cùng con cái của những gia đình giàu có và quyền thế trong hệ thống giáo dục Pháp thì đúng là một thử thách không nhỏ. Tôi không ngờ được là thành quả học vấn và những giải danh dự tôi đạt được ở trường Lycée Yersin nổi tiếng của Pháp đã dọn đường cho tôi tiến tới một định mệnh khó tin và đặc biệt về sau.

Ba tôi rất hãnh diện về những thành quả tôi gặt hái được nhưng trong gia đình không ai tổ chức ăn mừng gì cả. Theo truyền thống Khổng Mạnh ở Việt Nam, ba tôi không biểu lộ tình cảm của mình như các người cha Âu Mỹ. Có thể tính tình ba tôi hướng về nội tâm nhiều hơn tôi.

Cuộc sống ở Đà-lạt 1948-51. Nỗi nhớ nhà

Bác Tư của tôi mở phòng mạch ở Vĩnh Long, Đồng Bằng Sông Cửu Long, cách Đà-lạt 460 cây số. Mỗi khi bác đi nghỉ mát ở Đà-lạt, tôi có dịp sống lại những ngày ở bên gia đình trước khi lên đây học. Mỗi bữa, sau khi ăn tối, bác Tư kêu chúng tôi cùng đi bộ với bác khoảng hơn tiếng đồng hồ trong thành phố thanh bình này. Trong khi đi, bác chia sẻ cùng chúng tôi những lời khuyên để thành công trong đời sống. Chúng tôi được thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn vì đầu bếp số một về các món Việt và Pháp là chị Ba Vú luôn trổ tài nấu nướng trong những lần bác đến. Tuy nhiên, bác tôi rất bận rộn khám bệnh ở Vĩnh Long nên ít khi tới. Trong những chuỗi ngày dài vắng mặt bác tôi thường hay bị bệnh nhớ nhà hoành hành.

May mắn thay, trong một giờ học về văn chương Pháp, Thượng Đế hình như đã muốn cứu vớt tôi và nhờ vậy tôi đã kiếm được thần dược chữa bệnh trầm cảm do nỗi nhớ nhà gây nên. Vào ngày đó chúng tôi học về các nhà văn thuộc trường phái lãng mạng nổi tiếng của Pháp trong thế kỷ XIX như: Victor Hugo, Chateaubriand, Lamartine, Musset, Sand. Những bài thơ ca tụng thiên nhiên và mối liên cảm giữa đồ vật với con người đã gây xúc động mạnh cho tôi.  Qua bài thơ “Le Vallon” của Lamartine, viên giáo sư xuất sắc người Pháp đã thuyết phục tôi rằng thiên nhiên như một người mẹ luôn cho chúng ta nơi trú ẩn an toàn. Ở nơi này, ta tìm được nguồn an ủi và che chở của người mẹ. Khi dùng những chữ như “toujours”, “la même”… nhà thơ đã mô tả được tính cách trường tồn và bất di dịch của thiên nhiên. Tôi thuộc lòng đoạn sau của bài thơ:

“Méditations poétiques”(18200     «  Le Vallon » (extrait)
Mais la Nature est là qui t’invite et qui t’aime ;
Plonge-toi dans son sein qu’elle t’ouvre toujours.
Quand tout change pour toi, la nature est la même,

Et le même soleil se lève sur tes jours. »
  « Nhưng thiên nhiên ở đó, kêu mời và trìu mến;
Phóng vào đi – lòng nàng luôn mở đợi chờ ngươi
Khi với ngươi mọi vật đổi dời, nàng vẫn không hề đổi biến
Và vẫn một mặt trời đó, ló dạng mỗi ngày trước mắt ngươi.»

Bài thơ cho thấy sự đối chọi giữa tính chất trường tồn của thiên nhiên và vô thường của con người. Mỗi khi tôi thấy buồn nản vì nhớ nhà, tôi đạp xe máy đi thăm thiên nhiên tràn đầy vẻ đẹp ở mọi nơi trong thành phố Đà-lạt nổi tiếng vì những ngọn đồi thoai thoải, mặt hồ phẳng lặng, khu rừng tĩnh mịch…Vẻ dịu hiền của các ngọn đồi xanh ngắt vào mùa xuân và đầy màu sắc khi khác làm lòng tôi lắng đọng, chữa lành tôi bằng nhiều phương cách tôi không lường hay đoán trước được. Còn mặt trời trên những ngọn đồi đó – ôi mặt trời của tôi! Mắt tôi nhiều khi đã ứa lệ. Tôi rất cần sự hiện hữu trầm lặng của những ngọn đồi và mặt trời đó. Chúng là lời cầu xin và câu trả lời – cùng một lúc.

Vần thơ của Lamartine làm bừng sống trong tôi ý thức về cách trái đất này đã và đang chữa lành tôi. Mặt trời và bốn mùa trong năm đã ban cho tôi niềm hy vọng và sự phước hạnh. Lamartine ca ngợi Thiên Nhiên được gắn liền với Thượng Đế. Sau này, tôi biết ở Californie John Muir cũng đã nhận xét là Thiên Nhiên có khả năng chữa lành cũng như bồi thêm sức cho thân thể và tâm hồn của ta.

Sau giờ học đặc biệt về “Lamartine” đó không ai có thể cướp đi liều thuốc chữa bệnh nhớ nhà của tôi được. Điều diệu kỳ hơn cả là tình yêu Thiên Nhiên đã mở mắt cho tôi làm quen với nhiều chân trời mới lạ. Tôi bắt đầu thưởng thức nghệ thuật chiêm ngưỡng Thiên Nhiên của người Nhật khi họ đã biết sáng tạo một Thiên Nhiên thu gọn ở ngay trong nhà mình. Cây kiểng chính là hình thức thu gọn Thiên Nhiên. Ta có thể thấy một khu rừng tí hon hay một cây già cả thế kỷ được trưng bày trong phòng khách. Cũng vì lý do đó, ở trong nhà, tôi đã làm những mảnh vườn Á Đông nho nhỏ có những đồi phủ đá và hồ cá Koi sinh sắn điểm vài cụm bông súng.

Ngay cả lúc sống cuộc đời về hưu tôi vui thỏa với thiên nhiên gần bờ biển, cồn cát và những đường mòn xinh đẹp của vùng Bay Area. Tôi tự nhủ mình thật có phước và may mắn được học ở trường Lycée Yersin về trường phái lãng mạng và bài thơ “Le Vallon” của Lamartine để từ đó biết yêu mến Thiên Nhiên mãi mãi. Khi còn ở Đà-lạt, vào cuối tuần, tôi hay đạp xe máy tìm đến Thiên Nhiên để hòa mình với hồ nước, ngọn đồi, và rừng sâu (xin coi hình)
Sau ba năm sống ở Đà-lạt tôi đã hiểu được nguồn an ủi đến từ thiên nhiên có thể huyền diệu đến mức nào.  Nhờ đó, tôi hết bị buồn rầu và có thể trút hết tâm trí vào việc học hành.

Một bức tranh trị giá một ngàn chữ

Tôi chọn được mấy tấm hình sau đây để diễn tả cuộc sống ba năm trời của tôi tại Đà-lạt, Hòn ngọc của miền Cao Nguyên Việt Nam.
blank
Suối Gougah gần Đà-lạt 1951
blank
Câu lạc bộ bên bờ hồ
blank
Câu lạc bộ Grenouillère của động viên bơi lội
blank
 Couvent des Oiseaux: trường nữ nổi tiếng của công giáo
blankblank
Căn nhà giống như ở bên Pháp    Old Chateau tại trung tâm Đà-lạt      
blank
Chợ cũ ở Đà-lạt 1951

Tại Chợ ở Đà-lạt tôi nhận xét là giống nhiều thành phố khác ở Việt Nam người Hoa vẫn làm chủ những ngành buôn bán quan trọng như: tiệm tạp hóa, nhà hàng và cửa hàng... chẳng thế mà họ được gọi là “Người Do thái của phương Đông.”

Nguyễn Hữu Hào, Ngôi mồ của cha vợ hoàng đế Bảo Đại

Nam Phương Hoàng hậu

Đồng bào Thượng                 
 
Người thiểu số đi trên đường

  Người thiểu số đi trên đường     
               
Thác Prenn

Tôi hay đi thăm viếng các vùng trồng trọt ở ngoại ô Đà-lạt và quan sát những loại rau trái được coi là có nguồn gốc từ Tây phương. Rau trái thường được chở đi bán tại Sài gòn và Đồng Bằng Sông Cửu Long là những nơi có khí hậu nóng và sản xuất những sản vật vùng nhiệt đới.

Vườn rau ở Đà-lạt

Khu trồng trọt với đồi sanh đôi Lang Bian ở phía sau

Những củ cà-rốt sẵn sàng được chở đi Sài gòn

Trại trồng rau theo kiểu Tây phương

 Hoa và củ cà-rốt sẵn sàng được chở đi Sài gòn

 Làng trồng trọt

Rau sẵn sàng được chở đi Sài gòn

Rau Tây ở Đà-lạt

Đồng quê vùng Đà-lạt

Hồ Than Thở

Nhà thờ Tin Lành 1948   
                       
Hồ Saint Benoit

Thác Gougah Đà-lạt               
      
Thác Prenn

Phụ nữ người Thượng Đà-lạt

Cuộc đời sau khi rời khỏi Lycée Yersin: Số mạng và định mệnh

Vào lúc tôi học xong ở Lycée Yersin Đà-lạt năm 1951, tình hình chánh trị trong nước rất rối ren. Chánh phủ đã ngưng cấp chiếu khán cho học sinh đi du học. Tin đồn cho biết có thể sẽ có lệnh tổng động viên vì nhu cầu chiến tranh. Vì bắt buộc đúng hơn là vì sở thích tôi ghi danh vào học trường y khoa vì ở thời điểm đó chưa có trường dạy engineering. Mãi tới 1957 trường này mới được mở ra. May mắn thay, chánh phủ ra tuyên cáo những giáo sư trung học đệ nhất cấp trở lên sẽ được miễn dịch vì nhu cầu khẩn cấp của quốc gia. Nhờ đứng đầu lớp khi ra trường tôi được nhận ngay vào dạy ở trường trung học đệ nhất cấp cũ của tôi tại tỉnh nhà Mỹ tho, nơi Đồng Bằng Cửu Long.

Trong thời gian dạy ở Mỹ tho, cách Sài gòn 70 cây số, tôi được gia đình cho đặc ân dùng chiếc xe Peugeot 203 của Pháp để lên thủ đô chơi vào những ngày cuối tuần. Nơi tôi ưa lui tới là phòng thông tin của Mỹ USIS (United States Information Service), một cơ quan tuyên truyền của Hoa Kỳ.

Nơi đây có một thư viện công cộng sáng sủa và sạch sẽ có nhiều sách báo hấp dẫn. Phòng đọc sách có điều hòa không khí và thoải mái phản ảnh mức độ sinh sống cao ở Hoa Kỳ: ghế “lazy boys” và ghế thường, đèn đọc sách tiện dụng, phiếu sách dễ dùng. Tôi thấy khâm phục tiêu chuẩn cao của Mỹ.
Bữa nọ, tôi nhìn thấy trên bảng thông báo tại USIS một thông cáo về học bổng đi học đại học ở Mỹ. Chà! Tôi tự nhủ đây đúng là một phép lạ. Tại sao? Vì trong toàn Đông Dương (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào và Cao Miên) người Pháp chỉ mở trường đại học duy nhất tại Hà nội nhưng không có phân khoa engineering. Trong khi đó ước mơ của tôi là làm kỹ sư. Vào thập niên 1950, đi học engineering ở Hoa Kỳ là cả một điều vinh dự tại Việt Nam, một thuộc địa của Pháp. Tại miền Nam không có lấy được một trường đại học.

Bà Bertha von Allmen làm việc tại USIS, Sài gòn lo làm đơn cho tôi. Trở ngại lớn nhất đối với tôi là làm sao thuyết phục được bà tôi có thể qua Mỹ học mechanical engineering được dù chỉ biết tiếng Việt và Pháp và một vốn tiếng Anh khiêm nhường! Tôi chỉ cho bà biết điểm học của tôi rất cao với những môn toán, vật lý, hoá học và vạn vật. Đó là những ngôn ngữ quốc tế được mọi người trên thế giới hiểu. Ngoài ra, tiếng Pháp cũng có ảnh hưởng trên tiếng Anh. Trong gần một thiên niên kỷ qua, tiếng Anh đã mượn và thâu nhận rất nhiều từ ngữ Pháp mặc dầu những người nói tiếng Anh không ý thức được điều đó. Trong thời người Norman chiếm đóng, khoảng 10,000 chữ Pháp đã pha trộn vào tiếng Anh. Ba phần tư các chữ đó hiện còn thông dụng trong mọi lãnh vực từ chánh phủ và luật pháp tới nghệ thuật, văn chương hoặc khoa học và kỹ thuật. Bà von Allmen tỏ vẻ tin vào lời giải thích này và chấp nhận đơn xin của tôi.

Trong cuộc thi đua nhận học bổng của Mỹ tôi rất lạc quan vì tin vào việc tôi đứng đầu lớp ở Lycée Yersin. Tuy vậy, ngoài hồ sơ học bạ ra, còn có phần xét về lý lịch cá nhân cũng như ba lá thư giới thiệu của ba nhân vật khả tín. Tôi may mắn tìm được nhũng người có hảo tâm sẵn lòng giúp. Tôi tìm tới hai thầy dạy nổi tiếng cũ. Đó là hai thầy Võ Thành Cứ (ba cũa Tiểu-Tữ) và Lê Quang Nghĩa. Cả hai vị này đều biết tôi là học trò tốt trong nhiều năm. Họ vui vẻ nhận viết thơ giới thiệu tôi với USIS ở Sài gòn.

Còn lá thư thứ ba, tôi muốn được sự ủng hộ của một nhân vật uy tín đặng đơn xin của tôi được mạnh hơn. Người đó là đức cha công giáo Ngô Đình Thục. Trong thập niên 1930, ông là giáo sư và hiệu trưởng trường College de Providence ở Huế, thủ phủ miền trung Việt Nam. Sau này giám mục được La Mã bổ nhiệm điều khiển tòa Apostolic Vicariat tại Vĩnh Long, quê của ba má tôi. Bác Tư tôi, bác sĩ Khương Hữu Long là bạn của giám mục. Con trai bác Tư học ở trường Providence nên bác Tư quen với giám mục khá thân. Bác Tư bằng lòng nhờ giám mục viết thư giới thiệu tôi. Nhờ may mắn, tôi nhận được những sự giúp đỡ tôi cần. Sự cần cù chăm chỉ của tôi đang nở hoa kết trái và rốt cuộc tôi đã được cấp học bổng đi Mỹ. Đây là bước đột phá lớn lao và bất ngờ nhất đến với tôi đánh dấu một mốc quan trọng trong hành trình tiến tới của mình.
blank
Giám Mục Ngô Đình Thục

Một phép lạ đã đến với tôi!  Gia đình tôi không đủ khả năng để cho tôi qua Mỹ học engineering. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ có những trường dạy engineering tốt nhất thế giới. Lúc đó, gần như toàn thể học sinh Việt học xong đệ nhị cấp trường Pháp đều qua Pháp học engineering. Nguyên nhân là quá trình học Lycée Pháp ở Việt Nam được hệ thống giáo dục bên Pháp công nhận và vấn đề ngôn ngữ không được đặt ra. Trong khi đó trường hợp của tôi qua Mỹ học đại học lại hoàn toàn khác.

Ở thời điểm đó, mọi việc hầu như tiến triển yên đẹp cho chuyến đi Mỹ của tôi. Thình lình một rào cản hiện ra làm như ngưng trệ mọi việc. Tôi vẫn tin là nếu tôi may mắn có được một học bổng của USIS thì chánh phủ Việt Nam sẽ cấp cho tôi chiếu khán để xuất ngoại. Điều khó tin nhưng có thực là Bộ Nôi Vụ quyết định bác đơn xin chiếu khán của tôi. Vì lý do gì vậy? Tôi thấy ngượng ngùng khi viết ra đây phần còn lại của câu chuyện tôi xin chiếu khán xuất ngoại năm 1951. Nó làm tôi buồn và làm tổn thương đến thanh danh dân tộc và xứ sở tôi. Dầu vậy, mọi câu chuyện ở đời đều có mặt phải và mặt trái của nó. Đây là trường hợp điển hình của tham nhũng đã làm tôi bị xúc động mạnh lúc đó. Ông Đổng Lý  văn phòng bộ Nội Vụ muốn tôi phải trả tiền hối lộ cho ông trước khi ông đặt bút ký chiếu khán! Ông là một trong những giáo sư được nhiều người biết tới tại trường trung học đệ nhất cấp cũ của tôi và cũng được coi là bạn của ba tôi. Tôi có nghe về tham nhũng trong chánh phủ nhưng chưa bao giờ nghĩ là tôi lại có thể trở thành nạn nhân của nó.

Đây là sự chọn lựa tối quan trọng tôi cần làm: Hoặc là trả tiền hối lộ để được học tiếp hay là mất học bổng đi Mỹ. Đương nhiên câu trả lời thật quá rõ ràng. Nhưng tôi thấy khó chịu khi phải làm việc này một cách quá trắng trợn như vậy. Một ân nhân đã xuất hiện để cứu tôi. Người hàng xóm sát nách nhà ba tôi tên “Thầy Bảy” quen ông công chức này nhiều. Thấy Bảy tình nguyện giúp tôi giải quyết vụ này.

Làm sao tôi kiếm được đủ tiền để trả đây? Tôi đã đi dạy ở trường trung học đệ nhất cấp cũ trong 12 tháng qua. Phòng trả lương của chánh phủ làm việc như rùa bò nên tôi phải đợi đến cả năm trời mới lãnh được số tiền lương lên tới 26,000 đồng, tương đương với 715 Mỹ kim thời đó. Tôi quyết định hy sinh cả năm lương cho tương lai của mình. Tôi còn nhớ rõ ngày đi xe đò cùng Thầy Bảy từ Mỹ tho lên Sài gòn rồi lấy taxi tới nhà thờ Tân Định gần nhà ông công chức tham nhũng đó. Tôi cảm thấy mắc cở phải dúng tay vào một việc hạ cấp như vậy. Thành thực mà nói và cũng đội ơn Thượng Đế tôi chỉ phải làm như thế một lần duy nhất trong đời mà thôi.

Là một tín đồ Phật Giáo, tôi tin ở luật nhân quả. Nhiều năm sau, vào năm 1972, cái con người thiếu nhân cách đó đến gặp tôi tại văn phòng của tôi ở Sài gòn để xin một việc làm vì ông ta đang thất nghiệp. Một lần nữa ông ta gây xúc động cho tôi vì đã có gan tới gặp tôi như vậy. Tôi lễ phép nói với ông tôi không có việc làm cho ông.

Vâng, đó là tất cả những gì tôi còn nhớ được về thời kỳ sống ở Đà-lạt và Lycée Yersin. Đó là những tháng ngày đầy thử thách cho một cậu trò nhỏ xấp xỉ tuổi đôi mươi đã bị bứng gốc trong tuổi thơ để phải xa lìa mái ấm gia đình ở Đồng Bằng Sông Cửu Long bằng phẳng và ấm áp của vùng nhiệt đới để rồi bị đưa tới một thành phố nghỉ mát của người Pháp nằm trên đồi núi cao với rừng thông và khí hậu lạnh của cao nguyên. Sự đổi thay bất ngờ và đột ngột trong hoàn cảnh sống đi đôi với nỗi nhớ nhà sâu đậm chưa đủ, tôi còn phải đương đầu với sự va chạm giữa giá trị văn hóa cổ truyền của mình và cách sống của người Pháp mà tôi cần thích nghi để có thể tiếp tục việc học ở trường LycéeYersin nổi tiếng đó.

Đúng vậy, chính nhờ những ngày sống ở Đà-lạt và Lycée Yersin mà tôi làm quen được với quá trình “Đông Tây gặp nhau”. Cũng lúc này tôi mường tượng được cuộc hành trình dài và khó tin của tôi trong thời gian và không gian để đi từ bờ này sang bờ kia của một Thái Bình Dương bao la phủ kín một nửa diện tích trái đất này. Đà-lạt và Lycée Yersin là dàn phóng hay bàn đạp giúp tôi lấy đà bắt đầu “chuyến bay của đại bàng” đi tới đất tiền định của mình là Tân Thế Giới.

Bây giờ tôi xin trở lại câu chuyện của mình, năm 1952. Mỹ quốc ơi, tôi sắp tới đây!/
01 Tháng Sáu 2017(Xem: 15183)
Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ