"Hồi ức" Khương Hữu Điểu: Nếm mùi ganh đua tại trường Le Myre de Vilers Mỹ Tho

24 Tháng Ba 20156:28 CH(Xem: 11921)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 25 MAR 2015

Hồi ức" Khương Hữu Điểu

CHƯƠNG 4
Nếm mùi ganh đua tại Trường Le Myre de Vilers  Mỹ Tho

blank
Cửa chánh của trường  « Collège Le Myre de Vilers »   Mỹ tho 1944

Tôi có nhiều bà con sống bên Pháp và là công dân Pháp nên tôi muốn tránh hiểu lầm. Khi tôi viết về việc guồng máy thuộc địa Pháp đối xử không tốt với người Việt tôi chỉ nhắc lại một sự thực lịch sử mà thôi. Do một tình cờ lịch sử tôi đã sống vào thời kỳ người Âu châu bóc lột dân Á châu trong thế kỷ 20. Đa số dân Pháp không phải luôn luôn tán thành chánh sách cai trị của chánh phủ mình. Nhứt là khi đem thi hành tại các thuộc địa của xứ họ.

Thời Đế quốc Pháp còn thịnh hành có hai nguyên tắc được triệt để tôn trọng: Chia để trị và dân bản xứ càng ít học thì việc cai trị họ càng dễ dàng. Trường trung học đệ nhất cấp của tôi được đặt tên của viên toàn quyền Pháp ở xứ Nam kỳ Thuộc địa là Le Myre de Vilers. Đông Dương thuộc Pháp thời đó gồm: Xứ Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào và Cao miên.

Trong toàn cõi Nam kỳ tức miền Nam Việt Nam sau này, hệ thống giáo dục chỉ có hai trường trung học đệ nhất cấp - “collège” theo tiếng Pháp - đặt ở hai tỉnh Cần thơ và Mỹ tho nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long và bốn trường trung học đệ nhị cấp - “Lycées” theo tiếng Pháp - là Pétrus Ký, Gia Long, Chasseloup Laubat và Marie Curie ở Sài gòn, thủ đô của xứ Nam kỳ. Không có được một trường đại học! Thời xưa, người Nam - “Cochinchinois hay Annamites” theo tiếng Pháp - muốn theo đại học phải tới Hà nội, cách xa 1,072 dặm Anh (1,726 km) về phương bắc, để học tại Đại học Hà nội, đại học duy nhất ở Đông Dương. Trường này chủ ý không lập phân khoa kỹ thuật (engineering) để người Pháp được độc quyền xuất cảng sản phẩm kỹ nghệ qua thuộc địa của họ.
     blank
Lễ kỷ niệm 130 năm ngày thành lập 17/3/1879--17/3/2009

blank

Lễ kỷ niệm 130 năm ngày thành lập 17/3/1879--17/3/2009

Các ứng cử viên thi tuyển đến từ những tỉnh kế bên như Bến tre, Tân An, Gò Công, Vĩnh Long, Sa Đéc và Long Xuyên. Chỉ để được vào học tại một trường trung học đệ nhất cấp, trước tiên tôi phải thi đậu bằng tiểu học tiếng Pháp gọi là “CEPCI” “Certificat D’Études Primaires Complémentaires Indochinoises.” Sau đó, tôi lại phải ghi danh thi tuyển (concours) để được nhận vào trường trung học đệ nhất cấp ở Mỹ tho. Thật là cả một tiến trình chọn lọc cam go đối với một học trò nhỏ tuổi như tôi. Tất cả chỉ vì có quá nhiều người muốn vào học trong khi nhà trường lại không có đủ chỗ cho họ.
 blank
Hình chụp phải nộp khi đi thi bằng tiểu học, 1943

Tôi rất căng thẳng và lo sợ vì nếu thi rớt tôi sẽ không còn được học ở tỉnh nhà mà sẽ phải lên thủ đô Sài gòn ghi tên vào học tại một trường tư thục nào đó. Vào tuổi 13, viễn ảnh phải đi học xa nhà không lấy gì làm hấp dẫn lắm. May mắn thay tôi đã qua được cái ải đó một cách tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi nếm mùi thi đua gay go nơi lớp học và cũng mở màn cho một hành trình dài đăng đẳng đầy thử thách cho tới ngày tôi rời ghế đại học ở Mỹ. Mọi sự bắt đầu từ trường trung học đệ nhất cấp Mỹ tho, chuyển qua trường Lycée Yersin nổi tiếng của Pháp ở Đà lạt, tiếp nối tại Lafayette College trong tiểu bang Pennsylvania bên Mỹ để rồi chấm dứt ở trường MIT, Cambridge, Massachusetts.
 blank
Học sinh trong bộ đồng phục màu trắng đen trước cửa chính của trường,1944

blankblank
Học sinh chụp trong trường ốc mới được sơn lại.  Một góc khuôn viên của trường với tòa   nhà cũ    
blankblank
Tượng học giả Nguyễn Đình Chiểu trong khuôn viên trường; Nữ Sinh trong đồng phục áo dài
   blankblank
Ngôi trường cũ và khu vườn

blank
Thẻ học sinh đệ nhất cấp của tôi, bằng tiếng Pháp (1944 -1948)


Ngoài việc phải đi thi bằng tiểu học vào năm cuối, tôi thấy mấy năm tiểu học rất vui nhờ kỷ luật lỏng lẻo lúc đó. Nếu thi rớt thì không được tiếp tục việc học vì trong tỉnh không còn trường nào khác. Bây giờ, bước lên cấp trung học đệ nhất cấp mọi việc đều đổi mới. Tôi phải đối đầu với nhiều kỷ luật xa lạ như:

1.Đồng phục, kiểu Việt, áo bà ba trắng không cổ, nón cối trắng kiểu Tây thuộc địa và guốc gỗ,2. Đồng phục, kiểu Pháp, áo sơ-mi trắng và quần soóc, vớ trắng, giày tennis trắng, hiệu Bata (thương hiệu của Pháp) và nón trắng theo kiểu Tây thuộc địa.

blank
Nón cối kiểu thuộc địa màu trắng, 1944


3. Mỗi ngày trong tuần, tôi có hai lớp để làm bài: lớp sáng sớm và lớp vào buổi tối trong khuôn viên của trường có một giám thị gác. Kỷ luật tại nhà trường rất nghiêm khắc do một tổng giám thị người Ấn Độ có quốc tịch Pháp phụ trách.

Mỗi buổi sáng, học sinh phải dự lễ chào cờ tam sắc của Pháp trước khi vào lớp. Vào dịp đặc biệt, chúng tôi phải gắn thêm huy hiệu màu đen với hàng chữ “CMV - chữ tắt của Collège Le Myre de Vilers” thêu chỉ vàng nơi cổ áo sơ mi đồng phục. Cuối tuần, các học sinh nội trú ở trong ký túc xá diện bộ đồng phục trắng để đi dạo phố dưới sự hướng dẫn cẩn thận của nhân viên nhà trường. Là một học sinh ngoại trú, tôi cũng phải mặc bộ đồng phục trắng đó trong những dịp lễ đặc biệt của trường.
 blank
 1947

Trong hình tôi mặc bộ đồng phục kiểu Tây phương khi học trường trung học đệ nhất cấp. Chỉ thiếu có nón cối kiểu thuộc địa với giày Bata và vớ trắng.


Tôi là học sinh ngoại trú vì sống ở nhà với ba má. Tuy nhiên, tôi vẫn phải mặc bộ đồng phục đến trường và đúng 7 giờ sáng thì vào lớp làm bài trong khoảng một tiếng rưỡi cùng các học sinh nội trú. Sau cơm tối, tôi trở lại trường để làm bài thêm một tiếng rưỡi nữa. Vào những giờ làm bài đó, tuyệt đối không ai được nói chuyện hay làm rộn. Kỷ luật lúc đó thật là nghiêm khắc so với những gì tôi quan sát thấy tại các trường bên Mỹ bây giờ.

Vào những năm đó không có nhà hàng bán thức ăn nhanh (fast food). Gần cửa trường, một vài người bán hàng rong quay quần bên cột đèn đường để bán thức ăn điểm tâm cho các học sinh ngoại trú. Tôi thường mua những món như sôi với dừa nạo trắng, đường cát mỡn và mè rang hay là bánh canh cá lóc. Không sao có được giấy lau tay và cũng không có muỗng nỉa làm bằng nhựa. Đồ ăn được gói thật khéo trong lá chuối xanh. Điểm tâm lối Tây thì có bánh mì baguette, thịt ram hoặc pâté gan, pâté đầu heo với dưa chua do một người đàn ông dùng xe ba bánh bán hàng có gắn đèn măng-sông để soi sáng.
blankblankblank
Pâté gan
     Bánh mì baguette                                                        Pâté đầu heo
  blank
    Lớp học nhìn vào sân cỏ xanh tươi và cây cao để giữ nhiệt độ được mát dịu dưới ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới

Các môn học do những vị chúng tôi gọi là “giáo sư” dạy bằng tiếng Pháp. Các vị này đều tốt nghiệp từ trường Đại học Hà Nội hay các đại học bên Pháp. Một giáo sư dạy môn toán kiêm khoa học còn vị khác phụ trách môn sử địa. Mỗi môn như văn chương Việt, họa, và thể dục đều có một thầy riêng đảm nhiệm. Các nhà giáo ở trường là người mình ngoại trừ môn Pháp văn và văn chương Pháp thì do một người Pháp từ Ba lê qua dạy.

Trong mỗi lớp, một học sinh viết chữ đẹp và rõ được chỉ định để giữ sổ điểm. Tôi còn nhớ, lớp tôi, có Phạm Thế Hùng cao lớn nhứt lớp được chọn làm việc này. Chúng tôi trở nên bạn thân trong suốt bốn năm học ở trường và sau này nữa. Hùng lập gia đình với Đều,  cô em họ tôi, do tôi làm mai khi tôi còn đang học ở Mỹ. Anh quê ở quận Chợ Gạo cách Mỹ tho 30 cây số. Hùng sống trong một nhà trọ sát cạnh trường. Tôi thường tới đó học chung với Hùng vì nhà tôi ở tiệm vàng Khương Hữu có tới hơn chục người thợ kim hoàn làm việc nên khá ồn ào. Vào cuối tháng, mỗi lớp học đều có bảng xếp hạng điểm cao thấp. Điều này làm tôi bị căng thẳng vì tôi rất sợ hạng chót. Ba má tôi tuy không nói ra nhưng không muốn thấy tôi rơi vào tình trạng đó. Đây là thời điểm tôi nếm mùi tranh đua học hành lần đầu tiên trong đời mình. Ai cũng mong được đứng đầu lớp. Giờ đây mỗi khi nghĩ tới điều này tôi không khỏi mỉm cười ví nhớ tới câu ca dao “thuyền to sóng lớn.”

Tôi muốn đứng đầu lớp nên đã tập làm quen với sự cố gắng từ lúc nhỏ. Thực ra trên lý thuyết những điều cần làm để đạt được mục tiêu này cũng đơn giản thôi. Tuy vậy, trong thực tế lại rất khó làm. Một cách vắn tắt, đa số học sinh chỉ học những môn họ thích. Do đó tôi suy luận rằng nếu tôi chịu khó học những môn tôi thích cũng như không thích, vào cuối tháng, tôi sẽ được điểm trung bình cao nhứt lớp. Điều này thật công bằng, dễ hiểu và rõ như ban ngày. Để đứng đầu lớp tôi không cần phải là học sinh giỏi nhất mà chỉ cần là kẻ giỏi tranh đua nhất. Phương thức này chỉ đòi hỏi 10% hứng khởi và 90% mồ hôi. Tôi đã kiên trì thực thi phương châm đó và tôi tin chắc nó đã giúp tôi đạt được ý muốn trong suốt cuộc đời đi học của mình từ trường trung học đệ nhứt cấp ở Mỹ tho qua Lycée Yersin trên Đà lạt cho tới khi tôi học đại học bên Mỹ. Tôi luôn luôn phải làm việc siêng năng và gắng sao cho có một kiến thức tổng quát rộng mở. Ở những trường nổi tiếng, thường có rất nhiều người muốn làm kẻ đầu đàn và nhờ có sự cạnh tranh ráo riết đó nên sinh viên giỏi thêm.

Tiệm Vàng Khương Hữu ở Mỷ tho cũng là nơi tôi sống với gia đình. Có cả hơn chục thợ bạc (kim hoàn) làm việc tại đó trong tuần. Khi có việc cần làm gấp, một vài người phải đi làm cuối tuần nữa. Nơi này thật ồn ào và khó cho tôi tập trung để làm bài. Nhóm thợ ưa hát vọng cổ hay chơi đờn tây ban nha trong giờ nghỉ và ăn trưa. Tôi rất thích nghe họ nói tếu hoặc kể những chuyện hấp dẫn khác. Để giải quyết vấn đề, tôi thường tới nhà các bạn cùng lớp để học bài. Chúng tôi trở thành bận thân và vào cuối tuần ưa hẹn gặp nhau tại vườn trái cây nơi nhà máy xay lúa gạo Khương Hữu của ba tôi hoặc tại công viên của tỉnh nằm dọc theo bờ sông Cửu Long.

Trong trường, bọn chúng tôi học theo phương pháp thuộc lòng. Tôi đặc biệt thích lớp “toán rợ”của giáo sư Phùng Văn Tài. Ông dạy cách tính rợ rất tài tình. Tuy vậy, sau khi đã làm quen với phương thức giáo dục bên Mỹ, tôi chuộng nó và tin rằng nó mở cửa cho những cải tiến nhiều hơn là theo cách học thuộc lòng. Những ai học theo lối này có thể dùng kiến thức đã thâu nhận được để áp dụng và giải quyết những vấn đề nan giải khác một cách dễ dàng hơn. Người Việt hay Hoa coi trọng cách học thuộc lòng vì nó đã in sâu trong nền văn hoá của họ rồi.

Trong chiều hướng bãi bỏ cách học từ chương, chánh phủ Singapore ít nhứt đã đem áp dụng chương trình có tên là “Integrated Program” với học sinh ưu tú xứ này. Trong nhiều môn học như toán và khoa học, người ta tự hỏi không hiểu việc nhớ thuộc lòng các dữ kiện như bản cửu chương hay nhiệt độ sôi của nước còn thiết thực không? Những cải cách cấp tiến tỉ dụ như chủ trương loại bỏ cách học từ chương để thay vào đó nhấn mạnh vào kiến thức/kết quả thâu nhận được theo cách dạy mới đã gây nhiều tranh cãi trong hàng ngũ những nhà chủ trương phương cách học thuộc lòng. Trong vài sách giáo khoa Mỹ các mục như K-5 mathematics curriculum/chương trình giáo dục toán, tìm hiểu về số, dữ kiện, và không gian/investigations in Number, Data, and Space của cơ quan  TERC [Technical Education Research Centers Inc.] đã dùng cách học dựa vào khái niệm/conceptual learning để thay thế cho phưong pháp học theo lối thuộc lòng.

Tôi nhận thấy các học sinh, trong đó có tôi, ít khi đặt câu hỏi khó với giáo sư. Có thể đây là do cách dạy dỗ trẻ em theo lối Nho giáo trọng người lớn tuổi nhứt là những bậc nhà giáo. Theo phong tục, các vị này ngang hàng với bậc thân sinh ra mình. Do đó, trong lớp học, việc truyền bá kiến thức chỉ theo một chiều mà thôi. Không có việc tranh luận hay thách đố với thầy dạy của mình.

Tôi nhớ rõ nhứt giáo sư toán và khoa học Lê Quang Nghĩa.  Ông xuất thân từ trường Đại học Paris và rất tự tin khi giảng dạy môn toán của mình. Ông biết làm cho lớp học được linh hoạt bằng cách đôi khi kể lại những mẩu chuyện vui nhộn. Có lẽ Ông thích ăn hũ tiếu Mytho nên Ông ưa bảo học trò kêu “Một tô hũ tiếu, hai tô nước lèo” vì nước nước lèo này rất ngon nên phải xin thêm. Ông có vô số những câu chuyện ngắn để kể về những ngày Ông du học ở Paris. Nhà Ông cách trường khoảng một dặm Anh và gần như mỗi bữa Ông đi bộ tới trường trong bộ com lê và áo sơ mi trắng còn trên đầu thì đội nón cối kiểu thuộc địa trắng.

Một vị giáo sư khó quên khác là Ông Tài dạy toán. Ông đến từ miền Bắc, nói tiếng Pháp với giọng đặc biệt, thật nặng và tức cười khiến cho các học trò trong lớp lấy đó làm đề tài để bàn tán.

Tôi thích nhứt khi được vui đùa với vài bạn thân. Chúng tôi bơi lội trong con sông nhiều bùn; dùng rọ bắt tôm ẩn núp nơi những cây dừa nước mọc dọc theo hai bờ rạch. Gần như hầu hết các nhà máy xay lúa gạo đều có những lồng nuôi bồ câu để chúng ăn những hột lúa gạo rơi rớt từ những bao lúa gạo làm bằng sợi gay chất đầy chung quanh đó. Trong những dịp đặc biệt, bọn tôi dùng thang leo lên bắt những bồ câu “ra ràng” con. Chúng thực là món ăn được người mình ưa chuộng.

blank
   Lồng bồ câu

Ngoài ra, đôi khi, mấy đứa tôi cũng rủ nhau ra ngồi ngoài bến sông để tận hưởng buổi hoàng hôn gió mát.

Ba niên học đầu trôi qua thật nhẹ nhàng so với năm cuối. Trong năm thứ tư, tôi phải vật lộn với đèn sách để đậu cho được bằng Trung học Đệ Nhứt Cấp DEPSI (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises) được coi trọng trong khắp đế quốc Pháp. Theo hệ thống giáo dục Pháp, những điểm học trong suốt bốn năm trước không được tính vào điểm đậu của bằng DEPSI. Bất kể học giỏi đến đâu trong bốn năm trước đó, tôi phải đậu cuộc thi chung kết mới có được bằng này. Nhờ Trời, tôi thi đậu “hạng bình” và là người duy nhất trong khoá tôi làm được như vậy. Tôi là người đậu đầu khóa, tiếng Pháp gọi là “Major de Promotion”. Đương nhiên tôi được cử lên trường Lycée Pháp ở Sài gòn để dự thi thêm bằng Brevet Élémentaire. Không như bằng DEPSI, bằng này được coi tương đương với bằng cấp bên Pháp. Quả là bất ngờ khi tôi được cho biết mình cần thi luôn môn xướng âm mà trường Mytho không có dạy.

Tôi phải vừa ca một bài hát bằng tiếng Pháp vừa dùng ngón tay đánh nhịp theo. Tại các nước nói tiếng Anh, người ta dùng những mẫu tự a, b, c, d…để chỉ định những nốt do, re, mi, fa, sol, la, si, do. Tôi vội vàng tìm tới thầy Ninh một giáo sư nhạc danh tiếng nhứt trong thành phố để học khóa cấp tốc.

Chuyến đi lên thành phố Saigon để dự thi quả là đáng sợ với tôi. Gia đình tôi làm chủ công ty xe đò Khương Hữu chạy đường Mỹ tho-Sài gòn. Tôi đi chuyến xe chiều và ngủ ban đêm trên mui xe. Xe đậu trước cửa nhà chị Sáu tôi sau rạp hát Nguyễn văn Hảo. Ban đêm người mình dùng cái nớp bằng đệm giống như chiếu tatami của người Nhựt để chống muỗi. Ăn điểm tâm với chị Sáu xong, tôi đi thẳng tới Lycée Marie Curie của Pháp để dự thi. Tôi không gặp khó khăn gì với những môn thi thường nhưng cảm thấy lo lắng về môn nhạc. Một bà giáo sư Pháp bảo tôi ca một bài hát tiếng Pháp và đánh nhịp cùng lúc. Sau đó bà ta hỏi tôi vài câu về đề tài xướng âm. Tim tôi đập mạnh nhưng rốt cuộc mọi việc cũng kết thúc tốt đẹp. Tôi thở phào một cách nhẹ nhàng.

Không ai trong gia đình tôi ăn mừng thành quả thi đậu của tôi. Có lẽ không ai nghĩ rằng tôi sẽ thi rớt cả. Tuy nhiên ông hàng xóm và cũng là bạn của ba tôi là dược sĩ Trần Văn Khánh, người Bắc, nhờ ba tôi lên Sài gòn để chọn mua cho tôi một bộ đồ dùng trên bàn viết tốt nhứt tại tiệm sách nổi tiếng Albert Portail trên đường Catinat. Đây là món quà thưởng thi đậu tuyệt vời đối với tôi.

Theo thông lệ, vào mỗi cuối năm nhà trường tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ quan trọng do các tài tử cây nhà lá vườn cùng trình diễn. Chương trình gồm một bản kịch của Pháp như Cendrillon/Cô Bé Lọ Lem hay “Barbe Bleu,” nhảy tap, diễn viên hài, ca sĩ, hợp ca … và kết thúc với bài tạm biệt “Choral des Adieux”, bảng tiếng Pháp của bài Auld Lang Syne.

Ngẫm nghĩ lại, sau bốn năm đèn sách tại trường trung học đệ nhứt cấp Mỹ tho, tôi đã khám phá được mấy điều căn bản đưa tới thành công nơi học đường: kỷ luật khi học hành, tranh đua thật quyết liệt và kiên trì giữa những bạn đồng khoá thông minh hơn mình. “Có công mài sắt có ngày nên kim.” “Căn bản vẫn là: 10% hứng khởi, 90% mồ hôi.” Ngoài ra tôi còn thấy được là bên cạnh những thành quả trong lãnh vực học vấn, các hoạt động xã hội khác cũng không kém phần quan trọng để giữ được sự cân bằng trong đời sống về sau.

Như đã nêu, một thành phố lớn như Mỹ tho vẫn không có được một trường trung học đệ nhị cấp. Đó là hậu quả tất nhiên của chánh sách ngu dân để dễ cai trị của nhà nước thuộc địa. Ngược lại, ở cấp đệ nhứt cấp, phẩm chất của việc giảng dạy vẫn được bảo toàn mặc dù về số trường ốc có phần bị hạn chế. Tôi phải thú nhận rằng nhà nước thực dân hết sức giữ gìn giá trị cao cho các bằng cấp của họ.  Bằng chứng là với vốn kiến thức khiêm tốn tiếng Pháp học được ở Mỹ tho, tôi vẫn có thể chuyển qua một trường Pháp nổi tiếng như Lycée Yersin ở Đà lạt để tiếp tục học rồi sau đó tốt nghiệp bằng đại học ở MIT bên Mỹ. Cuộc đời học trò của tôi thực sự đã bắt đầu tại trường trung học đệ nhất cấp Le Myre de Vilers tại tỉnh nhà  Mỹ tho.

Một bất ngờ trọng đại trong đời học trò của tôi


Trong năm 1951, sau khi ra trường ở Lycée Yersin trên Đà lạt,  chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt và tôi được chánh phủ cho miễn dịch nếu nhận dạy cho trường cũ của tôi là Collège Le Myre de Vilers. Hìển nhiên tôi đã nhận lời và gia nhập ban giảng huấn của nhà trường. (Xin coi hình bên dưới)
Trong lúc dạy học tại tỉnh nhà tôi có nộp đơn với phòng thông tin của Mỹ ở Sài gon xin học bổng đi Mỹ học ngành engineering. Tôi cho đó là một phép lạ khi được cấp học bổng Fulbright, một bước đột phá lớn lao nhứt trong đời tôi. Tạm biệt Đồng Bằng Sông Cửu Long, Chào mừng Tân Thế Giới!
 blank
Tôi thuộc thành phần ban giảng huấn của trường cũ Mỹ tho năm 1950-1951  (Tôi là người đứng đầu tính từ trái qua - hàng trên cùng)
01 Tháng Sáu 2017(Xem: 15183)
Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ