Đất hiếm ở Lai Châu VN: phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc?

04 Tháng Sáu 20247:26 SA(Xem: 436)

VĂN HÓA ONLINE – Tài liệu - THỨ BA 04 JUNE 2024


Đất hiếm ở Lai Châu VN: phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc?


image011Nguồn hình ảnh, VGP, Khu vực mỏ đất hiếm ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu


BBC 04/6/2024


Sáng 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh trả lời trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước cũng như các biện pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn.


Ông Khánh cũng được hỏi về tình trạng đất hiếm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Cụ thể, đại biểu Trần Quang Minh từ đoàn tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm đối với ngành công nghệ cao.


Bộ trưởng TN&MT cho hay trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam là khoảng 2,7 triệu tấn, tài nguyên đất hiếm là khoảng 18 triệu tấn.


Ông Khánh khẳng định rằng việc khai thác và chế biến các khoáng sản có tính chiến lược như đất hiếm cần đặt mục tiêu chế biến sâu và tinh ngay tại Việt Nam. Điều này nhằm phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp nội địa, đặc biệt là ngành công nghiệp chip và bán dẫn đang thu hút đầu tư mạnh mẽ.


Tuy nhiên, theo vị bộ trưởng, hoạt động chế biến đất hiếm ở Việt Nam trước đây chưa được nghiên cứu một cách tổng thể và chưa có quy trình chế biến sâu. Do đó, việc thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ cho lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn.


Lãnh đạo Bộ TN&MT cho hay đất hiếm có đặc điểm phân bố phức tạp, một số khu vực quặng nằm sâu trong lòng đất nhưng cũng có khu vực phân tán nhỏ lẻ, rải rác trên bề mặt.


Có thể làm suy giảm sự độc tôn của Trung Quốc không?


image013Nguồn hình ảnh, Jie Zhao/Corbis/Getty Images. Thợ mỏ tại khu vực khai thác đất hiếm ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc


Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết Việt Nam là nơi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.


Tuy nhiên, một bài viết trên trang Asia Times vào cuối tháng 5/2024 nhận định rằng Việt Nam vẫn đang chật vật để khai thác đất hiếm và đưa các khoáng sản này vào thị trường toàn cầu, trong bối cảnh Mỹ và đồng minh quan ngại về sự độc tôn của Trung Quốc với các khoáng sản quan trọng.


Trung Quốc đang thống trị thị trường đất hiếm với 70% sản lượng khai thác và 90% công suất chế biến toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nhờ vị thế độc quyền này, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát các khoáng chất thiết yếu được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất điện thoại thông minh, xe điện đến chế tạo vũ khí quân sự.


Tác giả của bài viết cho rằng Việt Nam đang chế biến đất hiếm với công suất rất thấp. Cụ thể, nước này chỉ sản xuất được 600 tấn vào năm 2023, giảm đến 50% so với năm 2022.


Trong khi đó, Trung Quốc đã sản xuất 240.000 tấn vào năm ngoái, và ngay cả Myanmar, quốc gia kém phát triển đang bị chiến tranh tàn phá, cũng sản xuất được 38.000 tấn.


Asia Times nhận định chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam đang làm chậm tiến độ phát triển của ngành khai thác và chế biến đất hiếm. Các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng và tạm dừng kế hoạch.


Cuối năm 2023, Bộ Công an khởi tố một loạt chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc, nhân viên doanh nghiệp vi phạm trong khai thác, bán trái phép, buôn lậu đất hiếm, trong đó có ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đất hiếm Việt Nam.


Nhiều người thắc mắc liệu ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có ưu tiên chiến dịch chống tham nhũng hơn là xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm không.


"Đất hiếm không hẳn là hiếm, các mỏ quặng ở khắp mọi nơi. Cái hiếm là công nghệ xử lý và phân tách. Hầu hết các nhà máy xử lý, phân tách lại đều nằm ở Trung Quốc," Asia Times dẫn lời Ian Lange - chuyên gia tại Trường Mỏ ở Colorado (Mỹ).


Trung Quốc trước đây từng tận dụng đất hiếm để "trừng phạt" các quốc gia khác. Năm 2010, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau tranh chấp trên biển.


Vào tháng 8/2023, Trung Quốc một lần nữa gây lo ngại khi hạn chế xuất khẩu germani và gali, hai thành phần thiết yếu của các sản phẩm công nghệ hiện đại.


Khối lượng gali khổng lồ của Việt Nam, nằm trong trữ lượng quặng bauxite ước tính khoảng 5,4 tỷ tấn và có nồng độ cao hơn trữ lượng của Trung Quốc, đem đến hy vọng phá vỡ sự kiểm soát của Bắc Kinh.


Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từng thừa nhận rằng hầu hết các cơ sở sản xuất đất hiếm trong nước đều thiếu công nghệ chiết xuất gali từ bauxite.


Mining Vietnam, một tổ chức triển lãm chuyên về công nghiệp khai thác, nhấn mạnh rằng Việt Nam đã nghiên cứu đất hiếm từ những năm 1970, nhưng chỉ tập trung vào lý thuyết mà không đi sâu vào thực hành.


Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023, hai nước đã ký thỏa thuận về đất hiếm. Các chuyên gia đánh giá bước đi này của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc như hiện nay.


Một số công ty nước ngoài chuyên tinh chế đất hiếm từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã tìm cách sản xuất tại Việt Nam.
24 Tháng Giêng 2024(Xem: 863)
10 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 963)
CỘNG ĐỒNG BẮC KINH - HÀ NỘI - VIÊN CHĂN - NAM VANG
23 Tháng Chín 2023(Xem: 4435)
Reuters: “Việt Nam sắp sửa mua vũ khí sát thương của Mỹ”
13 Tháng Chín 2023(Xem: 1365)