Andre Brahic, người đưa nhân loại vào «đêm các vì sao» (Nuit des étoiles)

23 Tháng Tám 201611:02 CH(Xem: 6357)

"VĂN HÓA-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ 24  AUGUST 2016

Andre Brahic, người đưa công chúng đến với trời sao

Trọng Thành


Phát Thứ tư, ngày 10 tháng tám năm 2016


image097

Nhà thiên văn André Brahic.Ảnh : ERIC FEFERBERG / AFP


Các đêm từ ngày 6 đến ngày 8/8/2016 vừa qua, tại hàng trăm địa điểm trên khắp nước Pháp, đã diễn ra một hoạt động đặc biệt. Ngắm nhìn bầu trời sao với sự hỗ trợ của các phương tiện thiên văn, cùng các chuyên gia, nhà giáo dục. Đây là năm thứ 26 của « đêm các vì sao » (Nuit des étoiles) tại Pháp. « Đêm các vì sao » năm nay tôn vinh nhà thiên văn học Andre Brahic, một chuyên gia về Hệ Mặt trời nổi tiếng thế giới. Ông cũng là người truyền bá không mệt mỏi tình yêu thiên văn, khao khát khám phá các chân trời xa xôi.


Andre Brahic sinh năm 1942 tại Paris, trong một gia đình khiêm tốn. Được sớm nhập môn vào ngành vật lý thiên văn bởi chính Evry Schatzman, cha đẻ môn khoa học này tại Pháp, Andre Brahic sau đó đã có cơ hội được tham gia vào cuộc thám hiểm Hệ Mặt trời, thông qua phi thuyền Voyager trong những năm 1980. Cùng với nhà thiên văn Mỹ William Hubbard, Andre Brahic đã phát hiện ra vành đai của Hải Vương Tinh, hành tinh xa xôi nhất trong Hệ mặt trời, gấp 30 lần khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất.


Andre Brahic là một trong số không nhiều chuyên gia lớn đặc biệt quan tâm đến việc phổ biến các hiểu biết chuyên môn cho công chúng rộng rãi. Ông là tác giả năm cuốn sách phổ biến khoa học, trong đó có cuốn « Những đứa con của Mặt trời » (1999) và « Những trái đất xa xăm. Phải chăng chúng ta chỉ có một mình trong vũ trụ ? » (2015).


Nhà vật lý thiên văn Andre Brahic vừa qua đời hôm 15/05/2016. Vào thời điểm đó, trả lời đài Europe 1, kỹ sư Jean-François Clervoy, nhà du hành vũ trụ làm việc cho Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) đã thốt lên : « Tôi coi ông như một vị anh hùng của thế giới các vì sao. Đó là một con người kỳ lạ, xuất chúng, một nhà kể chuyện hấp dẫn, người mang lại cho tất cả những ai từng nghe ông, khao khát trở thành nhà vật lý thiên văn. Tôi không thể nào tin được ông ấy đã ra đi ».


Ngay sau khi Andre Brahic qua đời, chương trình « Autour de la question » của RFI đã thực hiện một tạp chí truyền thanh, giới thiệu lại với thính giả một số trích đoạn phỏng vấn mà nhà thiên văn đã dành cho đài trước đây. Trước hết, mời quý vị nghe lại tiếng nói của Andre Brahic về một kỷ niệm vô cùng đặc biệt trong cuộc đời ông.


Vẻ đẹp và ý nghĩa của vũ trụ


« Tôi có một kinh nghiệm tuyệt vời. Đó là vào năm 2006, khi tôi đi tìm hiểu về nhật thực ở giữa sa mạc Teneray, nằm ở phía bắc nước Niger. Đây là một nơi hoàn toàn không có ánh sáng (vào ban đêm). Tôi vốn có thói quen qua đêm tại một khách sạn thường là có « nhiều sao », tôi là nhà thiên văn mà. Nhưng lần này, tôi đã trải qua một đêm dưới vòm trời sao. Đêm đó là một đêm vô cùng xúc động trong cuộc đời tôi.


Tôi muốn truyền lại cho mọi người một lời khuyên như sau. Hãy tới một nơi hoàn toàn không có ánh sáng, cách xa các nguồn sáng gần nhất vài chục cây số. Bởi vì một ngọn nến nhỏ cách xa vài cây số là đã sáng hơn những gì trên trời. Cần làm sao để mắt bạn quen với màn đêm đen như mực.


Vào một đêm không trăng như thế, ta sẽ không còn thấy mặt đất. Ta sẽ chỉ thấy bầu trời. Hay nói một cách khác, ta bập bồng trong không gian. Chính vào lúc đó mà tôi thấu hiểu cái xúc cảm dấy lên trong lòng tổ tiên chúng ta cách nay hai, ba nghìn năm.


Họ đã tự hỏi : Ta là ai ? Từ đâu ta đến ? Chúng ta đi về đâu ? Liệu có những người ngoài Trái đất không ?...


Những câu hỏi sâu xa mà mỗi cộng đồng người, từ Polynésie, Eskimo, từ châu Phi, đến châu Á, đều đưa ra câu trả lời riêng của mình.


Biết bao chuyện kể, huyền thoại, triết học, đã ra đời, khi con người ngước nhìn lên bầu trời trong đêm tối, không bị ánh sáng làm ô nhiễm.


Một đêm như vậy chắc chắn sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.


Hai phản ứng chắc chắn sẽ đến : Vẻ đẹp của vũ trụ khiến ta sững sờ và rất nhiều câu hỏi kích thích trí tò mò của ta.


Và đối với những ai đi xa hơn, đó là những vấn đề lớn. Mà chúng ta biết rằng các vấn đề lớn đó chính là cuộc chiến chống lại sự ngu tối, mà hiện nay đang có xu hướng xâm chiếm thế giới chúng ta. Chính trong cuộc chiến đó mà tri thức ra đời. Điều đó còn xa hơn cả vẻ đẹp của bầu trời.


Nhưng hãy nhìn lên bầu trời mà xem. Nó thật tuyệt vời. Khi có trăng, bạn hãy cầm lấy ống kính. Nhìn vào khoảng ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối, bạn sẽ có cảm giác như đang bay lượn trên Mặt trăng. Đấy cũng là một cảnh tượng thật tuyệt vời nữa ».


Mỗi hành tinh có một đời sống riêng


Nhà thiên văn Andre Brahic cho biết, khi ông còn là học sinh, ở trường học, người ta dạy rằng các hành tinh trong Hệ Mặt trời cũng khá giống với Trái đất. Ông đã từng chờ đợi các hành tinh xa xôi khác cũng có những vệ tinh tương tự như Mặt trăng của Trái đất. Nhưng sau đó, ông dần dần hiểu ra một điều khác hẳn. Đó là mỗi hành tinh có một « đời sống » hoàn toàn khác biệt. Khát khao tìm hiểu về « đời sống » của mỗi hành tinh đã thúc đẩy Andre Brahic suốt cuộc đời.


Là người đồng phát hiện ra vành đai của hành tinh khổng lồ Hải Vương, hành tinh thứ 8 và là hành tinh xa nhất của Hệ Mặt trời, Andre Brahic giải thích một cách tóm tắt với thính giả về cơ chế nào đã tạo nên vành đai rất đặc biệt này.


« Có một hiệu ứng giống như thủy triều lên. Có nghĩa là, nếu như bạn đặt một vệ tinh vào một quỹ đạo xung quanh Hải Vương. Vào một thời điểm nhất định, điểm gần nhất và điểm xa nhất của vật thể này sẽ bị kéo giãn ra. Giãn đến mức, nó bị vỡ thành nhiều mảnh. Hay nói một cách khác, ở vào một khoảng cách gần hành tinh, sẽ không có vệ tinh nào tồn tại nổi. Ví dụ như, nếu xích gần Mặt trăng, ở khoảng cách 384.000 km lại gần Trái đất ở khoảng cách 180.000 km, thì Mặt trăng sẽ vỡ tan.


Các mảnh vỡ rải rác khắp trong không gian, khi chuyển động sẽ va chạm vào nhau. Khi va đập, chúng sẽ mất năng lượng, và vì vậy chúng bị hút vào vùng tâm của hành tinh. Nhưng vì chúng va đập vào nhau theo chiều song song với quỹ đạo hành tinh, nên rốt cục các mảnh vỡ bị dàn mỏng lại thành các vành đai, hơn là co cụm lại ».


Bốn lợi ích của nghiên cứu vũ trụ


Nghiên cứu vũ trụ là một nỗ lực đòi hỏi rất nhiều đầu tư, hết sức tốn kém. Vậy tại sao nhiều xã hội lại chọn con đường hết sức phiêu lưu này ?


« Nghiên cứu vũ trụ có ba ích lợi. Thứ nhất về mặt văn hóa. Ta sẽ trở nên thông minh hơn, với những hiểu biết về nhiều điều hết sức thú vị. Thứ hai là hiểu biết về vũ trụ giúp giải quyết cả vấn đề thất nghiệp. Bởi vì các động cơ du hành vũ trụ đòi hỏi độ tin cậy rất cao. Không có bất cứ sai sót nào được phép. Bởi nếu một trục trặc nhỏ như một miếng hàn long ra, thì sẽ không thể có một xưởng sửa chữa nào trên vũ trụ để giúp giải quyết.


Ý nghĩa thứ ba là hiểu biết về vũ trụ cho phép hiểu hơn về Trái đất. Những hiện tượng tự nhiên dữ dội trên Trái đất như núi lửa, động đất, bão tố, ô nhiễm… không dễ dự đoán trước chúng sẽ diễn ra lúc nào, biến đổi như thế nào.


Nghiên cứu Trái đất, giống như đối với vật thể khác mà các nhà vật lý – các nhà hóa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trái đất phải được cắt ra làm hai, làm ba. Phải nhào nặn nó, để xem các phản ứng của nó.


May mắn thay đối với chúng ta, là Trái đất không bị đưa vào các thí nghiệm như vậy !


Mà thật ra điều này không cần thiết. Bởi vì chúng ta có thể nghiên cứu Diêm Vương Tinh, Hải Vương Tinh và các hành tinh khác. Chúng ta quan sát thấy các vật thể kích cỡ to nhỏ khác nhau, đặc lỏng khác nhau. Từ đó, chúng ta có thể hiểu được vai trò của từng nhân tố một, từ khối lượng, cho đến nhiệt độ, độ đặc, thành phần hóa học… Từ đó mà ta hiểu rõ hơn về Trái đất.


Tôi có tóm tắt điều này lại bằng một điều như sau. Khi mà trong cuộc sống chúng ta gặp phải một vấn đề, thì không phải bằng cách chúi đầu vào góc đó mà chúng ta có thể giải quyết được. Mà ta cần phải có một độ lùi.


Mà lấy một độ lùi chính là nghiên cứu thiên văn học (Đây có thể nói là lợi ích thứ tư của thiên văn học - người viết bổ sung) ».


Ba giai đoạn của thiên văn học


Nhà thiên văn học là người có tư duy rất gần với triết học. Để nghiên cứu về thế giới của những bầu trời sao xa xôi con người không thể không đặt ra những vấn đề tối hậu. Nhưng khác với các thế hệ tiền bối, các xã hội hiện nay đã và đang có trong tay những phương tiện kỹ thuật tối tân. Andre Brahic điểm lại toàn bộ sự phát triển của thiên văn học qua ba giai đoạn :


« Lịch sử thiên văn học có thể chia thành ba giai đoạn chính. Người Hy Lạp thời cổ đã phát hiện ra tư duy nhân quả, nhưng họ đã bỏ qua việc quan sát. Đó là điều đáng tiếc.


Thời Trung cổ, vấn đề quan sát đã được đặt trở lại. Sự phục hưng của khoa thiên văn học diễn ra từ 1540 đến khoảng 1670, với các nhà thiên văn tiêu biểu như Copernic, Galilê, Kepler, Newton. Các nhà thiên văn giai đoạn này đã sáng tạo ra phương pháp khoa học. Cụ thể là vừa quan sát, vừa tìm cách giải thích. Bởi vì giải thích mà không quan sát thì dẫn đến chuyện nguy hiểm là giải thích bừa bãi. Ngược lại, nếu chỉ quan sát thôi, thì không mang lại lợi ích gì. Phương pháp khoa học này khiến châu Âu có tiến hơn một chút so với Trung Quốc, Ấn Độ hay thế giới Ả Rập.


Giai đoạn thứ ba của ngành thiên văn học là giai đoạn hiện nay, khi con người bay vào không gian. Chúng ta đã phát hiện ra nhiều điều. Một kỷ nguyên mới đang mở ra ».


Cơ hội tìm ra nguồn gốc sự sống


Dù nghiên cứu về khía cạnh nào, về chân trời nào của vũ trụ, thì câu hỏi về nguồn gốc của sự sống trên quê hương Trái đất vẫn là điều ám ảnh thường xuyên nhà thiên văn.


« Có ba điều kiện để sự sống có thể ra đời. Thứ nhất là nước, thứ hai là có hóa chất hữu cơ, tức vật chất phức tạp, và thứ ba là năng lượng. Chúng ta thấy, các điều kiện đã có dưới bề mặt của một số vệ tinh của  Diêm Vương Tinh như Europa, Ganymede và Callisto, của Hải Vương như Triton, của Thổ Tinh như Titan. Các yếu tố của sự sống có mặt ở khắp nơi.


Điều đó có nghĩa là chúng ta đã có thể tìm ở đó những thông tin giúp cho việc trả lời cho câu hỏi : Làm thế nào mà thế giới sỏi đá vô tri có thể biến thành sự sống, thành thế giới sinh vật, trước khi có loài người ?


… Chúng ta thật là may mắn được sống trong kỷ nguyên hiện tại. Điều này không thể có cách nay 2000 năm. Trong các sách sử của 3.000 năm sau nữa, người ta sẽ ghi nhận là những phát hiện quyết định đã diễn ra trong hai thế kỷ 20 và 21. Những người thời ấy thật may mắn làm sao !


Thật là đáng tiếc khi báo chí đương thời chúng ta lại hết sức ủ rũ, trong khi tình hình thực ra lại rất tốt ?! ».


Đầu tư cho thiên văn - đầu tư cho tiến bộ


Khát vọng hướng đến bầu trời cao, Andre Brahic cũng hiểu rằng những nghiên cứu về sao trời không tách khỏi cuộc chiến vì tiến bộ, văn minh trên chính hành tinh của chúng ta. Năm 1989, ông đã chọn ba cái tên « Tự do », « Bình đẳng », « Bác ái » để đặt tên cho ba vòng sáng của vành đai hành tinh Hải Vương mà ông phát hiện. Đối với Andre Brahic, năm 1989 vô cùng đáng nhớ cũng bởi hai sự kiện đặc biệt : Bức tường Berlin sụp đổ và vụ thảm sát các sinh viên đòi Dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn Bắc Kinh.


Andre Brahic rất bất bình vì các quốc gia trên hành tinh chạy đua vũ trang, và làm nhiều thứ vô ích, nguy hiểm khác, trong khi đó số tiền đáng được dùng cho việc phát triển nghiên cứu khoa học, trong đó có thiên văn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều.


Suốt đời mình, Andre Brahic vun trồng hai phẩm chất mà ông cho là quan trọng nhất đối với một nhà khoa học. Đó là sự hoài nghi và tính khiêm nhường.


Andre Brahic ước ao đó cũng là các phẩm chất đáng mong muốn của những nhà chính trị. Chính là nhờ những sai lầm không tránh khỏi và sự dũng cảm nhìn nhận chúng, mà khoa học tiến lên.


Tên của Andre Brahic được đặt cho thiên thạch số 3488 nằm ở vành đai của Hệ Mặt trời vào năm 1990. Nhiều người yêu thiên văn khi ngước nhìn lên trời, tin rằng Andre Brahic đã trở về với thế giới các vì sao.

30 Tháng Chín 2014(Xem: 6195)
Reuters, trích từ thống kê chưa đầy đủ của chính quyền Nhật ngày hôm nay 29/09/2014, cho biết đã xác định ít nhất 10 người chết thêm vào con số 36 nạn nhân được cho là đã thiệt mạng trong vụ núi lửa Ontake bất ngờ hoạt động trở lại hôm 27/9. Trong khi đó chiến dịch cứu hộ chiều nay đã phải tạm ngừng.
18 Tháng Chín 2014(Xem: 6156)
Những người thợ mỏ ở Nam Phi vừa tìm được viên kim cương 232 carat mà các chuyên gia cho biết có thể trị giá lên tới 15 triệu USD. Công ty Petra Diamonds có trụ sở ở London cho biết viên kim cương được tìm thấy ở mỏ Cullinan của công ty này ở vùng đông bắc Pretoria.
09 Tháng Chín 2014(Xem: 7132)
Khoảng 77 triệu năm sau khi bị chôn vùi trong một trận lũ quét, một trong những sinh vật to lớn nhất từng sống trên trái đất đã được các nhà khoa học tại Đại học Drexel ở thành phố Philadelphia (Mỹ) tìm thấy.
10 Tháng Tám 2014(Xem: 6907)
Với những bằng chứng hóa thạch mới nhất và công cụ phân tích được cải tiến, một nhóm các nhà khoa học đã đạt được đồng thuận về nguyên nhân khiến khủng long bị diệt vong. "Một tiểu hành tinh khiến chúng diệt vong, nhưng có lẽ nó đâm xuống vào thời điểm đặc biệt xấu," nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte thuộc Đại học Edinburgh, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
04 Tháng Tám 2014(Xem: 6649)
Bưu điện Hoa Nam ngày 3/8 dẫn lời các học giả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan nhận định rằng, nguy cơ của 1 cơn sóng thần rất lớn ở Biển Đông đang bị các bên liên quan đánh giá thấp, thậm chí bỏ qua do những tranh chấp về chủ quyền và hàng hải trong khu vực.
21 Tháng Bảy 2014(Xem: 6202)
Tổng thống Richard Nixon chào đón các phi hành gia trở về. Từ trái: Neil Armstrong, Michael Collins và Edwin "Buzz" Aldrin.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 6250)
Sức ép của các láng giềng Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam như đã có hiệu quả. Nhân cuộc họp vào hôm qua 26/06/2014 tại Bangkok của Ủy hội sông Mêkông, Lào đã tuyên bố sẽ thực hiện thủ tục tham khảo ý kiến các láng giềng đối với dự án đập thủy điện Don Sahong mà họ muốn xây dựng trên sông Cửu Long.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 6884)
Hai con hổ bị vứt khỏi xe tải đã hồi tỉnh và rất hung dữ Bốn ngày sau khi bị những người đi trên chiếc xe tải lạ vứt lại trong đêm, hai cá thể hổ Đông Dương mới hết thuốc mê và ăn uống trở lại, chúng tỏ ra rất hung dữ.
06 Tháng Ba 2014(Xem: 6366)
Trong thời gian gần đây, tốc độ Bắc Cực tan băng hết sức nhanh chóng khiến lục địa trắng với nhiều tài nguyên dưới lòng biển trở nên mảnh đất thèm muốn đối với nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn công nghiệp. Tuy nhiên, việc Bắc Cực tan băng nhanh chóng cũng mở ra một cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của nhiều loại vi trùng nguy hiểm cho tính mạng của các loài động vật biển và có thể cho cả con người.
20 Tháng Hai 2014(Xem: 6048)
Thành phố Mỹ Chicago đã phải hứng chịu bão tuyết và gió lạnh vào đầu năm 2014 khiến cho nước cũng phải đóng băng.
09 Tháng Giêng 2014(Xem: 6580)
Núi lửa Sinabung tại Indonesia phun những đám mây khí nóng và tro bụi vào không khí trên đảo Sumatra ngày hôm nay làm hàng chục ngàn người phải sơ tán.
19 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 6759)
Chính tại đây, chính quyền Việt Nam có kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân trong thời gian hơn hai thập niên tới, trong đó hai nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2014. Dự án hạt nhân tại miền Trung Việt Nam gây nhiều lo ngại trong giới chuyên gia, trí thức và dân chúng.
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 6505)
Nếu mọi việc tốt đẹp thì năm ngày nữa « Thỏ Ngọc » của Trung Quốc sẽ đáp xuống mặt trăng, chậm hơn Mỹ Nga khoảng 40 năm. Phi thuyền Hằng Nga số 3 củaTrung Quốc đã được phóng đi vào sáng hôm nay mang theo xe thám hiểm địa hình tự động được đặt tên là « Ngọc Thố » phân tích địa chất và gửi hình ảnh ba chiều về trái đất từ khu vực « cầu vòng » còn bí ẩn.
14 Tháng Mười 2013(Xem: 6041)
Công ty Mars-One của Hà Lan cho biết, có hơn 200 ngàn người, thuộc 140 quốc gia, đăng ký lên sao Hỏa, chấp nhận một đi không trở lại và sống những ngày còn lại của mình trên hành tinh này.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 6115)
Hơn 200,000 người từ khắp thế giới đã đăng ký xin trở thành những người lập cư đầu tiên trên sao Hỏa, theo Mars One, một tổ chức phi lợi nhuận nói rằng họ sẽ thành lập một khu định cư vĩnh viễn cho người trên hành tinh đỏ vào năm 2023.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 6916)
''Hướng tới vô tận'': Cuốn sách mới của nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận
16 Tháng Năm 2013(Xem: 6353)
Thượng tuần tháng 06/2012, nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã từ Mỹ đến Paris nhận Giải thưởng Prix Mondial Cino Del Duca do giới Hàn lâm Pháp trao tặng. Trước đó, ông đã ghé Làng Mai - miền tây nam nước Pháp - thuyết trình về Khoa học và Phật giáo, đồng thời đối thoại với Thiền sư Nhất Hạnh về cái nhìn của đạo Phật đối với khoa học.