Du ca Chết và Sống trở lại?

29 Tháng Giêng 201911:07 CH(Xem: 13144)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG 1 A - THỨ HAI 11 FEB 2019


29 Tháng Giêng 201911:07 CH(Xem: 309)


Du ca Chết và Sống trở lại?


image002

Lý Kiến Trúc


VĂN HÓA

11/2/2019


Kỳ 1


(Tản mạn về văn nghệ những ngày Tết Kỷ Hợi)


- Cứ nghe âm nhạc của nước nọ thì luận được vận mệnh thịnh suy của của nước ấy. (Mạnh Tử)


- Cứ nghe Nhạc Vàng, Nhạc Quê Hương, Nhạc Du Ca trước năm 1975 thì biết được đời sống dân chúng và nền văn nghệ miền nam Việt Nam nhân văn, nhân bản và dân chủ như thế nào. (lkt)


image001


Du ca là gì?


  • Hai chữ "Du Ca" không thấy định nghĩa trên từ điển, hiểu theo nghĩa thường, du ca là một người ưa hát hò, thích đàn địch. thích gần gũi với đám đông, và muốn mang tiếng hát của mình đến với đám đông.
  • Đặc điểm của "người du ca" là thích đi đây đi đó, đối với họ nơi nào cũng là nhà, nơi nào cũng là quê hương. Đặc điểm thứ hai là người du ca đặt chân đến chỗ nào, cũng có khả năng sáng tác ra các bài ca diễn tả cảnh quan, đời sống, sinh hoạt của người dân xóm làng quanh đấy.
  • Vì vậy, người du ca cảm nhận mình vì mọi người và chịu gánh lên vai trách nhiệm đối với tha nhân. Khi quần chúng khoác lên người du ca chiếc áo "Du Ca", trước hết "Du Ca" phải có khả năng văn nghệ tinh tế, tín thờ văn nghệ làm lương tâm đánh thức lên đóa hoa đạo lý, đòi lại cái chân lý thiện mỹ. Du Ca và Văn Nghệ như hình với bóng.


Thể loại âm nhạc của Du ca là gì?


  • Du ca thường là những khúc ca ngắn tự du ca viên sáng tác, điệp khúc lập đi lập lại, âm hưởng mạnh mẽ, hùng tráng, đôi khi đớn đau tha thiết, miêu tả sự kiện, sự vật, nhân vật, đưa lên công luận.
  • Đề tài của Du ca không giới hạn, chủ đề trải rộng trong mối nhân sinh quan, xã hội quan, thế giới quan, hàm chứa ít nhiều phạm trù chính trị.
  • Du ca có thể là tiếng hát, tiếng đàn cô lữ của một cá nhân, có thể là một phong trào, cũng có thể nhân rộng ra thành một trường phái âm nhạc trong dòng tổng thể âm nhạc.


Mục đích của Du ca là gì?


  • Mục đích của Du ca là mượn tiếng hát tiếng đàn làm vũ khí, phô bày mặt trái của cuộc đời, "hát' lên sự thật phũ phàng của đời sống, "hát" lên thân phận con người trước nghịch cảnh thời cuộc, diễn bày tâm tư tình cảm của người ca nhạc sĩ du ca truyền bá và hòa nhập vào tâm tình cảm quần chúng, đồng bào.


Đối tượng của Du ca là ai?


  • Mảnh đất màu mỡ của "Phong trào Du ca" có điều kiện sinh sôi nẩy nở là khu vực học đường, đối tượng là sinh viên học sinh. Du ca như một thể loại âm nhạc mới mẻ, gây chất hào hứng, tạo ấn tượng rất mạnh trong giới sinh viên học sinh.
  • Du ca nhắm vào quần chúng lớn, nhỏ, ít, nhiều, ở bất cứ không gian địa lý nào, bất cứ thời điểm nào. 
  • Tùy theo hoàn cảnh xã hội đương thời, Du ca nhắn gởi một thông điệp về quyền sống, quyền định đoạt sinh mệnh xã hội; Du ca gởi "nhạc thư" đến nhà cầm quyền, hoặc những kẻ có quyền hành gian ác, u tối.
  • Du ca là lực lượng có thật, một thực thể chính trị có lực tính "đối kháng mềm", do đó Du ca cũng trở thành đối tượng cần lưu ý của nhà cầm quyền.


1. Vài nét lịch sử Du Ca


*


Nhìn lại quá khứ ra đời của Du Ca và thời điểm trưởng thành của nó, mảnh đất địa lý không gian miền nam Việt Nam chính là nơi sinh sôi nảy nở Du Ca Việt nói chung.


Tác giả nhấn mạnh mảnh đất miền Nam không có nghĩa là miền Bắc, miền Trung không có Du Ca, hoặc có thể tác giả bài viết này chưa biết gì về Du Ca hai miền Trung, Bắc Việt Nam. Xin quí bạn đọc và thân hữu đóng góp bổ túc cho bài viết này. Tất nhiên, lịch sử phải minh bạch về cái nôi ra đời.


Tuy chưa có một văn bản hay tham luận chính thức nào về lịch sử Du Ca ở miền Nam VN, nhưng trong khoảng thời gian dài từ thập niên 1965-1975, Du Ca như một hiện tượng bộc phát như ngọn lửa âm nhạc, từ cá nhân đến tập thể, một thực thể sinh hoạt âm nhạc có tính cộng đồng ra đời trong xã hội đương thời. Du Ca từ từ tạo nên tên tuổi trong quần chúng.


Những du ca viên đa số còn rất trẻ (hầu hết trong lứa tuổi quân dịch), họ liên kết với nhau đẩy mạnh các hoạt động ca hát trong môi trường cộng đồng, họ sáng tác ào ào các bài ca mang tính nhân văn xã hội, sức sống của họ là ca khúc du ca. Không thể chối cãi, họ tạo nên sóng gió trong đời sống âm nhạc thời ấy, họ tạo được ảnh hưởng rất mạnh đối với giới sinh viên học sinh vì thành phần này là đối tượng và môi trường cho họ sinh sôi.


Từ đó, danh hiệu "Phong trào Du ca" ra đời. Danh hiệu này xuất phát từ quần chúng.


Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận một nhân vật nào đó trong tập thể du ca viên là tác giả "đẻ" ra hai chữ "Du Ca". Nói như thế không có nghĩa là tác giả hai chữ "Du Ca" chính là danh hiệu của quần chúng phong tặng.


Tuy nhiên, giữa sự chọn lựa nhân vật nào đó hay quần chúng sáng tạo ra hai chữ "Du Ca", có lẽ nên dành cho quần chúng, và nên ghi vào tự điển: quần chúng là tác giả hai chữ "Du Ca", Du Ca là người hát của quần chúng.


Mảnh đất xuất hiện và phát triển "Phong trào Du ca" là tầng lớp sinh viên học sinh và sân trường. Đầu tiên là ở Sàigon, thủ đô miền Nam VN, dần dần lan tỏa đến các địa phương khác.


Qua nhiều tài liệu phổ biến rải rác, Những ca nhạc sĩ Du Ca xuất hiện như làn gió mới từ những năm 1965 - 1969. Ban đầu có một nhóm lấy tên là Ban Trầm Ca, họ thường đi hát rong ở các khu vực thanh niên tụ tập nhỏ, nhạc cụ duy nhất của họ là cây đàn thùng guitar.


Ban Trầm Ca do một số ca nhạc sĩ du ca thành lập, cánh chim đầu đàn là Đinh Gia Lập và Nguyễn Đức Quang. Ban Trầm Ca được coi như tiền thân của "Phong trào Du ca" rộng lớn sau này.

image004

Ban Trầm Ca do Nguyễn Đức Quang, Đinh Gia Lập và thân hữu thành lập, được coi là tiền thân của "Phong trào Du ca". Ảnh tài liệu không ghi rõ hình chụp vào năm tháng nào và tên tuổi các ca nhạc sĩ, nhưng có thể nhận ra Nguyễn Đức Quang ngồi ở hàng thứ ba góc phải và đứng ôm đàn góc phải. Nếu quí vị nào biết rõ tên tuổi các ca nhạc sĩ trong hình xin vui lòng gởi về tòa soạn báo Văn Hóa Online email: vaamacali@gmail.com.


image005

Ban Trầm Ca và Phạm Duy góc phải. Họ đều mặc bộ bà ba đen. Ảnh tài liệunăm 1966.


**


Có thể coi Phong trào Du Ca như là một tổ chức "lỏng", tuy nó mang tính khái quát cộng đồng, nhưng có sợi giây liên kết chặt chẽ giữa cá nhân du ca, các nhóm du ca, các đoàn du ca. Có một giai đoạn, Phong trào Du ca tạo ảnh hưởng đến chính quyền Sàigon. Sàigon phải lưu ý.


Xin nhấn mạnh về thời điểm chiến tranh ở miền Nam Việt Nam diễn ra trong giai đoạn 1965 - 1972 là giai đoạn khốc liệt nhất của chiến cuộc. Phong trào Du ca ca hát trong lòng thời điểm này.


Năm 1965, Mỹ đổ hàng vạn quân vào miền Nam Việt Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nổi dậy. Bắc Việt lũ lượt tràn hàng trăm ngàn bộ đội chính quy xuống mặt trận miền Nam dọc theo đường mòn Hồ chí Minh. Hàng trăm trận chiến lớn nhỏ nổ ra khắp đất nước. Hàng vạn dân lành chết oan vì bom đạn. Hàng vạn thanh niên sinh viên học sinh hai miền Nam Bắc trở thành người Lính thiêu thân ngoài trận địa. 


Ở miền Nam, tiếng hát du ca kêu gào ờ thành thị, ở thủ đô, lan tỏa đến làng xóm. Tiếng hát có tác dụng nhất định đến bộ máy chiến tranh. Sàigon phải lưu ý vì Sàigon là thủ đô của du ca; nhưng phía bên kia, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (gọi tắt MTGP) cũng lưu tâm không kém.


Năm 1965, "Chương trình công tác Hè 1965" của một nhóm sinh viên và huynh trưởng Hướng đạo thành lập. Chương trình này được hỗ trợ bởi tổ chức IVS (Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế).


Năm 1966 "Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường” viết tắt là CPS ra đời. Chương trình CPS gần như thừa kế thành quả của "Chương trình công tác Hè 1965". (Phó Thủ tướng Chánh phủ Ls Trần Văn Tuyên đã ký giấp phép chấp thuận cho chương trình này hoạt động, nhưng về sau vì do Bộ Giáo dục trực tiếp quản lý và chỉ đạo quá chặt chẽ, gần như theo quy chế của một cơ quan hành chánh, không cho phép các huynh trưởng điều khiển chương trình được tự do phát huy sáng kiến của mình, nên nó đã không thể phát triển thoải mái, tự nhiên như là ở Chương trình Hè 1965 - theo Ls Đoàn Thanh Liêm).


Đầu não của CPS là các ông Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn ... Nhiểu luồng đánh giá "Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường” là một tổ chức hữu khuynh nhằm đối kháng lại các tổ chức thiên tả kín đáo xâm nhập sâu vào lãnh vực học đường, sinh viên học sinh, hô hào chống chiến tranh, chống đế quốc Mỹ xâm lược, đòi hòa bình ... Đặc biệt lãnh thổ Tổng hội Sinh viên đại học Sàigon là đối tượng hàng đầu không thể bỏ qua của các sinh viên tả khuynh thiên về MTDTGPMN.


Năm 1967, tổ chức "Phong trào Du ca" có chủ tịch đầu tiên là Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ.


Năm 1969, "Phong trào Du Ca" được bộ Tổng Nha Thanh Niên & Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa công nhận chính thức và cấp giấy phép hoạt động trên toàn quốc Nghị định số 319/GDTN/TN/NĐ  ngày 24 tháng 1 năm 1969, tại Sài Gòn. 


Năm 1972, chủ tịch "Phong trào Du ca" thay thế bởi Đỗ Ngọc Yến, sau đó lại thay thế bởi Ngô Mạnh Thu tức nhạc sĩ Trần Tú. Trưởng xướng Du Ca do hai nhạc sĩ du ca Đinh Gia Lập và Nguyễn Đức Quang điều hành.


Đinh Gia Lập và Nguyễn Đức Quang được coi là hai ngôi sao du ca trụ cột, điều hành, và phát triển sự lớn mạnh "Phong trào Du Ca'". Sau này, không chỉ có Quang và Lập, nhiều ca nhạc sĩ du ca tên tuổi khác cũng tham gia và trở thành cái đinh của "Phong trào Du ca". Phạm Duy nhiều lần đi hát chung với Du Ca nhưng không có chân trong phong trào.


Những Du Ca nổi tiếng một thời trước năm 1975 như: Nguyễn Đức Quang, Đinh Gia Lập, Ngô Mạnh Thu, Anh Việt Thu, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Nguyễn Quyết Thắng (Fa Thăng), Miên Đức Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Giang Châu, Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Lê Quang Dũng, Nguyễn Văn Phiên, Võ Thị Xuân Đào, Lê Quang Dũng, Nguyễn Quốc Văn, Nguyễn Tri Bình, Giang Châu, Huỳnh Trọng Đạt, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Ngọc Thạch, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Thiện Cơ, Đặng Mục Tử,… ...

image006

Một buổi trình diễn và cổ động cho Phong trào Du ca của Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập diễn ra tại trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức. Các học sinh được phân phát bài hát để hát theo. Nguồn nhipcauthegioi.hu


Phải kể một trong các sinh viên tả khuynh nổi tiếng ở khu vực đại học Sàigon là nhạc sĩ du ca Tôn Thất Lập. Vào đêm Noel năm 1969, Tôn Thất Lập quyết định ra mắt phong trào văn nghệ lấy tên là "Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe". Phong trào này quy tụ các sinh viên học sinh có tư tưởng thiên tả (có nghĩa là không ủng hộ chế độ Sàigon), một số là nội tuyến dân vận nằm vùng của MTDTGPMN cài đặt trong tầng lớp học đường.


"Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe" của Tôn Thất Lập sinh hoạt cùng thời với Phong trào Du ca nhưng không liên kết với nhau và chính quyền Sàigon cũng để cho họ sinh hoạt tự do.


Trong bối cảnh khuôn viên đại học Sàigon, nảy sinh ra hai khuynh hướng chia phe nhau rõ rệt; khuyng hướng tả khuynh thiên về MTDTGPMN nội bộ hoạt động bí mật chỉ đưa ra một số ít khuôn mặt nổi tiếng; khuynh hướng hữu khuynh thiên về chính quyền Quốc gia và nắm giữ các bộ phận liên đới trong tầng lớp sinh viên. Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sàigon thời đó (Quốc gia) là Phạm Quốc Bảo (năm 1969).


Xét trên mặt hình thức nổi, người dân đều thấy chủ trương và cách sinh hoạt cộng đồng của hai khuynh hướng tả - hữu khuynh đều chống chiến tranh (phản chiến), kêu gọi hòa bình, than vãn cho dân tộc, than khóc cho thân xác người thanh niên Việt Nam, người  Lính Việt chết quá nhiều trên chiến trường mà họ gọi là "phi nghĩa"; nhưng thật ra, nội dung và thành phần cốt cán điều hành hai luồng du ca tả - hữu khuynh không có sự tương đồng , tư tưởng chính trị và ý đồ chính trị của họ khác nhau. 


Hàng vạn thanh niên sinh viên học sinh thời bấy giờ trở thành  đối tượng béo bở của hai phe quốc cộng. Hàng vạn thanh niên sinh viên học sinh là nguồn nhân lực quí báu vô cùng cần và đủ  cho chiến tranh.


Vào năm 1969, để hiểu thái độ của một số văn nghệ sĩ miền Nam ra sao đối với thanh niên và cuộc chiến, hãy nghe một ca khúc ngắn của du ca Trịnh Công Sơn đang sống an thân (trốn lính) ờ Sàigon, viết về những thanh niên nhập ngũ vào trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức cách Sàigon độ 15km. Các Sinh viên Sĩ quan Thủ Đức trong bộ quần áo kaki vàng từ Thủ Đức đổ về Sàigon từ trên các đoàn xe GMC được họ Trịnh miêu tả như sau trong ca khúc Du Mục:


"Đàn bò vào thành phố, Đêm buồn vắng buồn hơn, Đàn bò vào thành phố, Không còn ai hỏi thăm, Đàn bò tìm dòng sông, Nhưng dòng nước cạn khô, Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn, Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn... Một người vào thành phố, Đếm từng bước buồn tênh, Một người vào thành phố, Không còn ai người quen, Người tìm về đồng xanh, Nhưng đồng đã bỏ không, Rồi người bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn, Người chợt nghe xót xa đất mình...  


Giai đoạn này có sự góp mặt của nhạc sĩ Phạm Duy, tuy ông không có chân trong phong trào du ca hay phong trào hát cho đồng bào, nhưng bài ca ngắn của ông (như một đoản khúc du ca viết năm 1971) tiêu biểu về thân phận Người Lính Trẻ như sau:


Người lính trẻ chết trận chiều qua
Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ
Người lính trẻ chết trận hồi mơi
Nên hôm nay chẳng có mặt trời.

Người lính trẻ chết trận ngày mai
Trên quê hương ngọn lúa rụng rời
Người lính trẻ chết trận ngày
kia
Trên ngôi
cao là hết dị kỳ.

Nhiều vị trời ngồi ôm mặt khóc
Từng vị thần rủ nhau vụt mất
Tình chỉ còn màu tang lạnh ngắt
Và còn gì nhan sắc người yêu.
...


Người lính trẻ chết trận ngoài khơi
Nên không nghe chủ nghĩa tuyệt vời
Người lính trẻ chết trận bờ ao
Không dương danh một chế độ nào.
...

image007

Hai người lính trẻ tuổi độ 20 đại diện cho hai chiến tuyến ở mặt trận Quảng Trị. Bức ảnh này do một phóng viên quân đội Bắc Việt chụp năm 1972.


Hãy thử nghe tiếng hát của du ca viên Giang Châu trong ca khúc du ca "Tuổi trẻ Chúng tôi": “Tuổi trẻ chúng tôi đã bao nhiêu năm / lần lượt đi trên giàn lửa thiêu… Sao chúng tôi không có quyền lên tiếng nói / tìm cuộc đời, đời đáng sống / tìm về nguồn, nguồn quê hương / bao nghìn năm anh dũng. Sao chúng tôi phải gục đầu, phải gục đầu mà hy sinh cho ngoại quyền / mà hy sinh cho chủ nghĩa, cho danh từ rỗng không..”. (Giang Châu 1972).


***


Du ca ở Sàigon khởi đầu từ nhóm nhỏ một vài người có tinh thần "văn nghệ", có cá tính "người nghệ sĩ xã hội". Họ tụ tập lại đàn ca hát xướng các sáng tác của họ mang tính xã hội, các ca khúc nói lên hiện trạng xã hội, phản kháng môi trường sống trong hoàn cảnh chiến tranh. Từ từ các các "nghệ sĩ xã hội" cảm thấy họ tạo được ảnh hưởng, kích động được đám đông, họ tích tụ lại thành "nhóm", rồi nhiều "nhóm", theo thời gian phát triển số và lượng du ca viên, họ tạo được ảnh hưởng nhất định ở một số môi trường sinh hoạt, môi trường đầu tiên là học đường, "Phong trào Du ca" thành hình.


  • Dòng nhạc, dòng ca khúc của "Phong trào Du ca" có thể coi như đứa con văn nghệ thứ hai của dòng chính sinh hoạt văn nghệ ở miền nam Việt Nam.
  • "Phong trào Du Ca" trở thành một hiện tượng âm nhạc khá lạ lùng, hấp dẫn và lan tỏa rộng trong xã hội. So với các trào lưu âm nhạc khác nó không phải là "địch thủ âm nhạc"; và ngược lại, các trào lưu tân nhạc ở miền nam Việt Nam cũng không xếp nó vào hàng đối thủ, lý do: "Phong trào Du ca" không hoạt động thương mại, không cạnh tranh nghề nghiệp, hơn thế nữa, nó còn cổ động cho xu hướng tình tự dân tộc, cho Tình ca Quê hương, nó là chất keo du ca - tình ca đối với các văn nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp.


Các nhóm, các đoàn Phong trào Du ca hữu khuynh đáng kể trước năm 1975 như:


– Đoàn Du ca Lý con sáo, Huế – Đoàn Du Ca Hải Vân, Đà Nẵng – Đoàn Du Ca Áo Nâu, Quảng Nam – Du Ca Tình Bằng, Qui Nhơn – Đoàn Du Ca Trùng Dương, Bình Đinh – Đoàn Du Ca Đất Lành, Quảng Ngãi – Đoàn Du Ca, Kon Tum – Liên toán Du Ca Dựng Mùa, Pleiku – Liên toán Du Ca Đuốc Hồng, Pleiku – Du Ca Hát Trên Đường, Đà Lạt – Đoàn Du Ca Lòng Mẹ, Đak Lak – Đoàn Du Ca Thùy Dương, Nha Trang – Du Ca Sông Dinh, Phan Rang – Du Ca Tự Lực, Cam Ranh – Du Ca Xuân Lộc, Long Khánh – Du Ca Biên Hòa – Toán Du Ca Hoa Thiên Lý, Sài Gòn – Du Ca Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh – Du Ca Vàm Cỏ Tây, Long An – Đoàn Du Ca Phù Sa, An Giang – Đoàn Du Ca Quê Hương, Vĩnh Long – Đoàn Du Ca Phong Dinh, Cần Thơ – Đoàn Du Ca Tình Người, Định Tường – Đoàn Du Ca Vượt Sóng, Sài Gòn – Du Ca Giao Chỉ, Sài Gòn – Du Ca Tiền Giang – Du Ca Kiên Giang – Du Ca Sông Hậu – Toán Du Ca Mùa Xuân, Sài Gòn – Ca Đoàn Trung Ương, Sài Gòn – Du Ca Đất Sống, Ninh Hòa – Du Ca Văn Lang, Phước Tuy – Du Ca Sóng Biển, Gò Công – Du Ca Thất Sơn, Châu Đốc – Đoàn Du Ca Đuốc Việt, Gia Định.


Sinh hoạt của các đoàn du ca là truyền bá các khúc mới và diễn xướng các sinh hoạt có tính tập thể cộng đồng ở khắp nơi, trong sân trường, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, trong các đoàn thể bạn, Hướng Đạo, CPS, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử.


Năm 1969 là năm đánh dấu Phong trào Du ca nổi lên rầm rộ. Nhân đây nói thêm về bối cảnh năm 1969 tại miền Nam nói chung và Sàigon nói riêng.


Ngày mùng Một Tết Mậu Thân năm 1968, bộ đội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (gọi tắt là MTGP kết hợp với bộ đội chính quy Bắc Việt mở cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy khắp các tỉnh thành miền nam Việt Nam. Khói lửa mù mịt đất trời, binh đao loạn lạc khắp nơi gieo bao đau thương táng tóc cho người dân và xứ sở.


Cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa ba phe cùng là người Việt: VNCH, MTDTGPMN, VNDCCH dưới các lớp áo chính trị khác nhau đánh nhau giết nhau tơi bời. Khói lửa ngập trời, hàng vạn dân chúng là nạn nhân vô tội của chiến tranh, hàng vạn mái nhà tan cửa nát vì bom đạn, hàng vạn nấm mồ không bia đá, tất cả trở thành đề tài "nóng" của văn nghệ sĩ, của các du ca trong "Phong trào Du ca" hat "Phong trào hát cho đồng bào tôi nghe". Thực chất hầu hết là những bài hát có nội dung phản chiến và kêu gọi hòa bình cho quê hương.


Dòng ca khúc phản chiến sôi bỏng nhất, tác động mạnh nhất vào tâm trí tầng lớp sinh viên học sinh. Tầng lớp thanh niên tuổi từ 18 trở lên vốn là nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu chiến tranh ngày càng mở rộng khốc liệt. Lính chết như rạ nên chính quyền nào cũng rất cần lính. Thanh niên trốn quân dịch cũng nhiều, thanh niên nhập ngũ cũng nhiều, thanh niên vào "bưng biền" cũng nhiều. 


Lý tưởng thanh niên bơ vơ giữa cuộc chiến đẫm máu ý thức hệ, họ không biết bám víu vào đâu, ở thành thị, âm nhạc là niềm giải tỏa, ở vùng quê, chủ nghĩa giải phóng chống đế quốc xâm lược chiếm lĩnh. Trong bối cảnh xã hội như vậy, các văn nghệ sĩ, các nhạc sĩ tự do thi nhau sáng tác. Tình ca ra đời, Du ca ra đời, Nhạc Quê hương ra đời, nhưng khi tuyển tập "Ca khúc da vàng" của Trịnh Công Sơn (viết khoảng năm 1968-69) ra đời thì đó là một hiện tượng âm nhạc bất ngờ và làm thay đổi phong cách thẩm mỹ thưởng ngoạn âm nhạc kể cả các sinh hoạt du ca cộng đồng.


"Ca khúc da vàng" gọi nó là tình ca cũng được, du ca cũng được, tình tự quê hương cũng được. Tuyển tập này như một thông điệp sống của thời đại. Tác giả gọi Trịnh Công Sơn là Du ca Trịnh Công Sơn nằm trong ý nghĩa của một tay Du ca Thời đại, có khả năng khuấy động đến tận cùng nỗi đau của quần chúng trong chiến tranh.


Có thể nói, tuyển tập Ca khúc Da vàng là một loạt các đoản khúc kể lể về nỗi thống khổ của người thân thích, bạn bè, đồng bào và đất nước chìm ngập trong chiến tranh. Tuyển tập ra đời với cặp bài trùng Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, cặp du ca phản chiến số 1 với tiếng hát nhừa nhựa u uất- tiếng đàn mộc lãng đãng, xuất hiện thường xuyên trên các bãi cỏ sân trường, nó là bản "Trường ca Du ca Da vàng" bởi đặc tính lời ca như lời thơ, giai điệu gần gũi với guitar với người yêu bên cạnh, ai cũng dễ đàn, dễ hát, dễ thuộc, nó đánh bạt đi tiếng hát của các du ca khác còn đậm tính đơn lẻ trong ca khúc.


image008

Cặp du ca phản chiến Trịnh Công Sơn - Khánh Ly hát Ca khúc Da vàng trên sân cỏ. Ảnh dường như của Cao Huy Thuần chụp năm 1968.


image009image010

Tuyển tập Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn phát hành năm 1967.

image011

Du ca Trịnh Công Sơn đàn và hát trên bãi cỏ, ngồi quanh là thanh niên sinh viên học sinh.


Nhạc sĩ du ca thiên tài họ Trịnh tỏ ra rất nhạy cảm về cuộc chiến và đời sống xã hội ở miền nam Việt Nam.


Ông phải biết rất rõ các ca khúc phản chiến ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa cộng sản của quân dân miền Nam VN; thậm chí ở thủ đô Sàigon, tự thân dòng nhạc nhạc phản chiến như hậu thuẫn cho "vai trò chính trị" nào đó đằng sau hậu trường các thế lực chính trị kêu gọi hòa bình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, và nhất là bản thân an toàn của du ca họ Trịnh đang sống dưới sự che chở của chính quyền Sàigon, nên sau này ông không tiếp tục viết "Ca khúc da vàng" mà chuyên tâm vào thể loại Tình ca


Một việc làm của Trịnh Công Sơn là ngã ngửa các phong trào du ca, đúng vào trưa ngày 30 tháng Tư 1975, nhạc sĩ họ Trịnh đã lên đài phát thanh Sàigon hát bài "Nối vòng tay lớn" hoan hô chiến thắng của quân giải phóng và ca tụng hòa bình trở lại quê hương.


Một trớ trêu là du ca phản chiến số 1 Khánh Ly, tiếng hát cả đời bên vai họ Trịnh đã nhanh chân bỏ chạy ra nước ngoài.


Trong vô số thành viên "Nổi dậy" của MTGPMN và cộng sản gài đặt nằm vùng làm nội tuyến trong các tỉnh thành đô thị miền Nam vào những năm 1965-1969, đặc biệt ở thủ đô Sàigon, có khá nhiều sinh viên học sinh, trí thức và văn nghệ sĩ tham gia. Hầu hết số "Nổi dậy" này sau chiến cuộc Mậu Thân thất bại, tan vỡ, phải chạy trốn ra bưng.


Bối cảnh quân sự - chính trị và sự nhiễu loạn tự do chính trị ở miền Nam là cơ hội bằng vàng cho hệ thống xâm nhập "nội tuyến chính trị" của MTGPMN và tình báo Hà Nội.


Có thể chăng, các nghệ sĩ du ca nằm vùng cũng có mặt trong "Phong trào Du ca"?


Thật ra, cho dù đám du ca nằm vùng có mặt hay dựa vào các phong trào du ca, bản chất của họ cũng chỉ là những "Nghệ sĩ chất chứa tâm hồn cách mạng", hoặc chỉ đến mức "Thái độ cách mạng" chứ chưa hẳn là những người tham gia hoạt động cách mạng, mê say chủ nghĩa Mác-Lê. Ví dụ như nhạc sĩ du ca thiên tả sinh viên nằm vùng Tôn Thất Lập, sáng lập viên của "Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe" có một thời làm mưa làm gió trong giới sinh viên học sinh và Tổng hội Sinh viên Sàigon, nhưng sau 1975 kể như tắt tiếng.


Chế độ VNCH và cơ quan an ninh Sàigon biết rất rõ những văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh có mối liên hệ chặt chẽ với MTGPMN, nhưng Sàigon với tinh thần yêu chuộng văn nghệ, gần như các cơ quan an ninh đều "thả lỏng" chứ không đến nỗi "xiết cổ, đàn áp" đám văn nghệ sĩ nằm vùng. Cảnh sát, công an bắt rồi thả, thả rồi bắt, cuối cùng thả hết.


Chính quyền Sàigon cũng chưa bao giờ đàn áp thẳng tay và ra lệnh chấm dứt hoạt động của các Phong trào Du ca, ngay cả "Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe" của Tôn Thất Lập ở Đại học Văn Khoa trong Tổng hội Sinh viên Sàigon vẫn được sinh hoạt văn nghệ tự do. Họ Lập từng khoe phong trào của y còn được lên cả đài phát thanh quốc gia Sàigon hát (!).


Chính quyền Sàigon chưa bao giờ có lệnh hay thông báo cấm cản các "Phong trào du ca" hay "Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe". Sàigon chưa khi nào đòi chấm dứt các hoạt động âm nhạc, hay đặt các phong trào này ngoài vòng pháp luật. (có lúc đòi đóng của các vũ trường vì Lính đang chết như rươi ngoài mặt trận trong lúc thành phố an nhiên nhẩy đầm ca hát tình tứ với các em ca sĩ nỉ non).


Đó là bản chất "vị nhân văn, nhân bản và tự do" của chính thể miền Nam VN đối với "Văn Nghệ" và văn nghệ sĩ.


Người ta còn nhớ, có lần trong buổi gặp gỡ thân mật với báo giới và văn nghệ sĩ, có nhà báo các cớ hỏi ông Thiệu rằng Tổng thống thích nhạc nào và ca sĩ nào nhất, ông Thiệu trả lời: "Tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn". Ông Thiệu "quên" không nhắc tới ca sĩ Kim Loan, nghe nói là nàng ca sĩ người miền Nam mặn mà hát ca khúc "Căn nhà Ngoại ô" (sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng) làm ông chủ Phủ đầu rồng rung động.

image012

Tay trống tài tử: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chơi trống với ban nhạc trẻ Hướng đạo.


image013

Ca sĩ Kim Loan với ca khúc nổi tiếng "Căn nhà Ngoại ô" làm rung chuyển tâm hồn tay trống tài tử.


Thật ra các chính trị gia không khô khan như người ta tưởng mà nội tâm họ rất ưa thích văn nghệ. Ví dụ như chính trị gia cộng sản thời XHCN cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần dẫn vợ đi nghe show ca nhạc, đích thân ông Dũng yêu cầu ca sĩ văn công Đàm Vĩnh Hưng hát bài "Thành phố buồn" (sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương nổi tiếng trước năm 1975 do ca sĩ Chế Linh hát). Trùm cộng sản Dũng là dân chánh gốc Cà mau Nam bộ, ông và bà xã ông có máu mê Tình ca Vàng cũng là phải thôi.


image014

Cựu Thủ tướng cs VN Nguyễn Tấn Dũng mê "Thành phố Buồn" chụp ảnh chung với các ca sĩ văn công trong show tình ca nhạc vàng trước 1975.


image015


Người ta còn nhớ, trong bộ tư lệnh không quân Tân Sơn Nhất Sàigon có Câu lạc bộ sĩ quan không quân Huỳnh Hữu Bạc, nơi đây thường diễn ra các sinh hoạt văn nghệ với sự góp mặt của giới văn nghệ sĩ Sàigon được Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (Thủ Tướng) Nguyễn Cao Kỳ (1965-1967) Tư lệnh Không quân VNCH nâng đỡ. Nghe nói ông Kỳ thường cho các văn nghệ sĩ gia nhập vào các đơn vị ban phòng mà không phải ra mặt trận tác chiến. Có ông nhà báo cắc cớ hỏi tướng Kỳ rằng Thủ tướng thích nhạc nào, ông Kỳ nói tôi thích "Tình ca", có lẽ vậy mà một nhạc sĩ sáng tác ca khúc "Đôi mắt người Sơn Tây" có ý tặng riêng ông Kỳ vì ông sinh ra ở Sơn Tây!


Mà quả thật ông Nguyễn Cao Kỳ là cây văn nghệ, ông rất quý văn nghệ sĩ, bản thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều văn nghệ sĩ khác cũng được ông tướng râu kẽm "nâng đỡ" trốn lính, trốn sự trù dập của an ninh. Dường như Tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ chỉ thị cho họa sĩ Ngy Cao nguyên (một sĩ quan ở Bộ tư lệnh không quân Tân Sơn nhất) và Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng Bộ trưởng Bộ thông tin lập ra hội Họa sĩ Trẻ ở Sàigon vào tháng 11năm 1966.


Tiếc thay, khi ông Kỳ ngã ngựa ở hải ngoại, chẳng thấy văn nghệ sĩ nào đến với ông, ngay cả tang lễ của ông ở Rose Hill cũng vắng bóng các ngài văn nghệ!


image016

Câu lạc bộ Sĩ quan Không Đoàn 33 Chiến thuật trong Tân Sơn Nhất Sàigon 1966.


****


  • Bản thể của du ca là tiếng hát đơn lẻ, tiếng đàn cô lữ, tụ họp với những người cùng nhịp thở đầy ắp tâm hồn nghệ sĩ. Họ yêu con người, yêu đất nước. Họ sáng tác ra các ca khúc ngắn mang thuộc tính xã hội cộng đồng gọi là du ca.  Du Ca đa phần chống chiến tranh, chuộng hòa bình và tự hỏi về thân phận con người. Tiếng hát của họ gởi đi một thông điệp đến tha nhân, lắm khi có hơi hướng chống cả nhà cầm quyền lẫn các thế lực đen tối, nhưng tựu chung Du Ca hướng về cuộc sống an sinh nhân quần, nhân quyền, hướng đến tương lai sáng lạn của tổ quốc.
  • Mặt trái của "Phong trào du ca", "Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe" và các đoàn thể du ca trước năm 1975 là các tổ chức có tính "chính trị lỏng", viện dẫn vào tiếng hát kêu gọi nhà cầm quyền các bên, các phe phái quốc tế chấm dứt chiến tranh tại VN, chấm dứt việc bắt thanh niên Việt đi lính, đi quân dịch, đi giải phóng cầm súng  bắn lại người Việt của mình, sau cùng góp bàn tay vào việc làm sụp đổ chế độ Sàigon.
  • Phải xác định mảnh đất tự do miền nam Việt Nam đã sản sinh và nảy nở trào lưu Du Ca. Chỉ có tự do mới cho phép những nghệ sĩ du ca hát lên những câu hát thay thế cho tâm tư quần chúng. Nhưng cũng chính "tự do quá độ"đã giết chết du ca, vì hết thảy không biết giữ gìn hai chữ tự do. Tự do đã bại trận trước độc tài.


Năm 1975, "Phong trào Du ca" bức tử theo chân Sàigon.


Năm 1976, "Phong trào hát cho đồng bào tôi nghe" đã xuống mồ cùng với MTDTGPMN./


Lý Kiến Trúc


(Hết kỳ 1, đọc tiếp kỳ 2)


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Tôn Thất Lập:"Vì sao hát cho đồng bào tôi nghe?"


BBC thứ ba, 11 tháng 12, 2012


image017


Tôn Thất Lập viết nhiều bài "Hát cho đồng bào tôi nghe"


Nhạc sỹ Tôn Thất Lập khẳng định với BBC rằng phong trào sáng tác ca khúc "Hát cho đồng bào tôi nghe" có vai trò chính trị trong cuộc chiến 30 năm ở Miền Nam Việt Nam.


Ông nói phong trào có sự liên hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và chịu sự chỉ đạo của Mặt trận dù phủ nhận bản thân có tiếp xúc với cán bộ văn nghệ từ miền Bắc.


Trong cuộc phỏng vấn tại Việt Nam dành cho chương trình Bấm Your World của BBC World Service với tựa Bấm Vietnam's Rock 'n' Roll War gồm hai phần được phát đi trong tháng 11 năm nay, ông so sánh nhạc Việt giữa hai miền, cũng như với với nhạc phương Tây giai đoạn 1960-1970.


Trước tiên, ông nói về xuất phát điểm của phong trào văn nghệ chính trị này.


Tôn Thất Lập: Phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" chính thức ra mắt vào năm 1969, tháng 12/1969. Nhưng trước đó, phong trào văn nghệ trong sinh viên đấu tranh, cũng như phong trào văn nghệ của toàn bộ cả miền Nam về âm nhạc dân tộc, về những trí thức yêu nước, nói chung những phong trào văn nghệ, đã phát triển rất mạnh.


Từ năm 1965, Tổng hội sinh viên Sài Gòn đã chính thức ra một nghị quyết dùng văn nghệ để đấu tranh cho khát vọng của sinh viên, quyền lợi của sinh viên, cho phong trào hòa bình của đất nước.”Và từ đó phong trào rộng mạnh. Và tôi là người chính thức đứng ra triệu tập các nhạc sỹ trong phong trào sinh viên, để cùng nhau bàn bạc và đưa những âm nhạc này vào trong phong trào, xuống đường, đấu tranh của các trường đại học, cũng như các trường trung học ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và Cần Thơ v.v...


"Bị bắt tiếng Việt gọi là bắt cóc bỏ đĩa, cuộc biểu tình nào mình tham gia, bị bắt, rồi bắt xong, chính quyền Sài Gòn cũng phải thả ra, vì dư luận người ta đấu tranh, lên án đàn áp sinh viên"


Cuối cùng trong những cao trào của phong trào sinh viên rất rộng rãi lúc đó, năm 1967, 1968, 1969, có những cuộc xuống đường của tổng hội sinh viên Việt Nam, và trong đó có cả những sinh viên quốc tế tham dự. Vào đêm Noel năm 1969, chúng tôi tập hợp lại và quyết định ra mắt phong trào văn nghệ lấy tên là phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". Cái tên này tôi lấy tên khởi từ bài hát chính của tôi là Hát cho dân tôi nghe. Anh em đồng ý đặt tên gọi cho phong trào là Hát cho đồng bào tôi nghe.


BBC: Có thể phát những bài hát này trên đài hay không hay là chính quyền không cho phép?


Chính quyền đâu có cho phép phát trên đài. Nhưng khoảng những năm 1966-1967, thì sinh viên Sài Gòn, vì nó là một tổng hội của sinh viên quốc gia, nên họ họ đấu tranh, thì chính quyền Sài Gòn cũng cho khoảng mỗi tuần cũng được phát thanh trong vòng nửa tiếng. Trong nửa tiếng đó, anh em vẫn hát những bài hát này và nói những tin tức. Nhưng về sau, qua những chương trình, thấy nó tác động mạnh quá, chính quyền cấm luôn.


BBC: Ông nói là chính quyền đàn áp nhiều, nhưng tại sao họ không đàn áp và chấm dứt được phong trào đó?


Khác biệt nhạc chiến tranh hai miền


Nhạc sỹ Tôn Thất Lập nói về khác biệt giữa âm nhạc hai miền Nam, Bắc VN trong chiến tranh và phong trào 'Hát cho đồng bào tôi nghe.'


Bởi vì nó là ở trong một phong trào đấu tranh chính trị, một phong trào của nhân dân của đồng bào Sài Gòn, và cũng như các tỉnh, cho nên họ có đàn áp, nhưng đàn áp xong thì bị tất cả các thế lực của xã hội. Ví dụ như tổ chức công giáo, tổ chức phật giáo, tổ chức những người làm báo, tất cả vừa đàn áp thì bị các lực lượng tất cả đều viết bài, đăng báo, đòi công khai, đòi thả những người đó ra, bắt buộc chính quyền Sài Gòn phải thả, không thả thì các cuộc biểu tình càng lớn hơn. Dư luận xã hội quan trọng lắm, những tiếng nói.


BBC: Ông bị bắt lúc nào?


Tôi bị bắt trong phong trào đấu tranh. Trong cuộc xuống đường hôm 179 sinh viên Sài gòn bị bắt, tôi cũng bị bắt trong đó, đưa vào chỗ quận nhất. Sau tất cả 5 ngày, họ phải thả toàn bộ ra. Tôi đang là sinh viên Văn khoa Sài Gòn, thì tôi cũng được thả ra. Bị bắt tiếng Việt gọi là bắt cóc bỏ đĩa, cuộc biểu tình nào mình tham gia, bị bắt, rồi bắt xong, chính quyền Sài Gòn cũng phải thả ra, vì dư luận người ta đấu tranh, lên án đàn áp sinh viên.


'Bị cấm'


image018


Ông Tôn Thất Lập từng bị bắt nhưng được thả ngay khi hoạt động trong phong trào văn nghệ của ông


BBC: Chính quyền có lệnh, có thông báo nào cấm đoán phong trào không?


Chính quyền không chính thức ra văn bản cấm phong trào này, nhưng tất cả những hoạt động mà sinh viên những người sáng tác, ai cũng có hơn một lần bị bắt cả, bắt vào trong thì họ nói họ đang là sinh viên, thì phải thả ra. Còn họ đâu có cho mình tổ chức những chương trình. Chương trình này mình tổ chức vào cái thế dân chúng đứng ra tổ chức, ví dụ tổ chức nhưng những buổi tôi vừa nói, tổ chức ngay trong giảng đường, cái này họ cũng đàn áp.


Nhưng đàn áp xong thì thôi. Phong trào lại tiếp tục, làm chỗ này, chỗ khác. Tức là bị cấm, bị bắt, nhưng cuối cùng trước khí thế đấu tranh của dân chúng, nó nằm trong phong trào của dân chúng, nên chính quyền đâu có thể làm mạnh, nếu làm mạnh hơn nữa, sẽ bị lên án. Cũng có những lần bị đàn áp, nhưng cuối cùng anh em cũng phải ra thôi.


BBC: Các hành khúc của “Hát cho đồng bào tôi nghe” có khác với hành khúc ở miền Bắc “Tiếng hát át tiếng bom” hay “nhạc cách mạng” hay không?


Khác chứ. Ở miền Bắc, những ca khúc đó, họ vẫn viết những hình thức điệu “marche.” Nhưng ở ngoài đó, các nhạc sỹ đều tốt nghiệp ở nước ngoài, tốt nghiệp ở Trung quốc, Liên Xô, Đức hay các trường nên họ có hình thức, kết cấu tác phẩm khác hơn, mang tính chất bác học nhiều. Còn ở trong sinh viên mình cũng cố gắng, cũng có hòa âm đàng hoàng, cấu trúc đàng hoàng, nhưng làm thế nào cho cấu trúc gọn gẽ, dễ nhớ, dễ truyền bá.


BBC: Ca từ của “Hát cho dân tôi nghe” có vẻ không quá trực tiếp về chính trị và khác với một số ca khúc cách mạng được cho là “cổ võ cầm súng” ở miền Bắc?


Những tác phẩm của sinh viên trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” luôn luôn có thẩm mỹ, nó luôn hướng vào những gì mang tính khái quát, có tính chất ấn tượng, đặt những vấn đề về nhân văn, những đòi hỏi và khát khao của con người, như đòi hỏi hòa bình, cũng là khát khao của nhân loại. Không đặt vấn đề trực diện với những vấn đề có vẻ dính tới chính trị, dính tới vũ khí hay là đấu tranh. Nó đặt những vấn đề của xã hội.


Cho nên thẩm mỹ, những bài hát, tuy mình nghe nó khí thế, nhưng nó không phải là có cái gì dữ dằn lắm, nó rất hào hứng, đi vào lòng người, nó hợp với tâm sinh lý của sinh viên.


"Văn hóa chính thức, đàn áp trực diện, cổ súy cho chủ trương xâm lăng của Chính phủ Mỹ, Đế Quốc Mỹ, với những sự xuyên tạc, nói không đúng về sự đấu tranh của Mặt trận Giải phóng hay của đồng bào ở Miền Nam, thì cái đó, đương nhiên phải bỏ thôi"


BBC: “Hát cho đồng bào tôi nghe” có tác động gì đối với xã hội và chính trị Việt Nam, theo ông?


Những tác phẩm này đặt những vấn đề của đồng bào, của nhân dân, như là nhân dân đang bị sưu cao thuế nặng, đang bị áp bức, đang bị bắt đi lính, cầm súng để bắn lại người Việt của mình, cho nên đó là những vấn đề chính trị. Những tác phẩm anh em vừa hát ra, nó truyền bá ngay trước hết trong sinh viên, thanh niên, học sinh Sài Gòn và các tỉnh. Thứ hai là trong các tổ chức của đồng bào, tổ chức công giáo, Phật giáo yêu hòa bình...


'Lãnh đạo'


BBC: Quan hệ giữa Mặt trận dân tộc giải phóng và “Hát cho đồng bào tôi nghe”? Có đúng là phong trào của các ông thuộc Mặt trận dân tộc giải phóng?


Trong tổ chức của thanh niên và sinh viên, đương nhiên về mặt nguyên tắc, có những tổ chức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng lãnh đạo cái đó. Còn phong trào rộng tự phát, tự ý thức, rồi nó nâng dần tư tưởng lên. Nó gặp nhau ở điểm đó.


BBC: Thời đó ông có liên lạc với những đoàn văn công của Mặt trận dân tộc giải phóng không?


Tôi không liên lạc, nhưng khi ra Hà Nội thì tôi gặp trực tiếp, còn ở trong đó, mình ở trong vùng Sài Gòn mà.


BBC: Có thể in được các ca khúc trên tạp chí hay báo chí ở miền Nam không?


In trên báo của sinh viên thì có. Còn ở đây, các tổ chức như là tờ báo Đối diện của linh mục Nguyễn Ngọc Lan thỉnh thoảng vẫn in những bài đó. Những bài thơ, những bài hát của sinh viên vẫn được in. Và khi in, có khi bị chính quyền Sài Gòn cắt đục, tức là người ta cắt nó đi, nhưng có khi nó vẫn ra được. Do cái thế đấu tranh chính trị giằng co. Khi nào mà thế của phong trào mạnh, người ta in được hết, còn không, cũng vẫn bị kiểm duyệt.


BBC: Khi Việt Nam thống nhất, Đảng Cộng sản muốn thay đổi, muốn quét sạch văn hóa cũ của Sài Gòn, có một phong trào thanh lọc văn hóa của chế độ cũ? Quá trình đó như thế nào?


Văn hóa chính thức, đàn áp trực diện, cổ súy cho chủ trương xâm lăng của Chính phủ Mỹ, Đế Quốc Mỹ, với những sự xuyên tạc, nói không đúng về sự đấu tranh của Mặt trận Giải phóng hay của đồng bào ở Miền Nam, thì cái đó, đương nhiên phải bỏ thôi. Còn những bài thơ, hay những ca khúc, kể cả của những người đi lính Sài Gòn, nhưng họ viết, họ để lại, bây giờ Nhà nước vẫn cho dùng tác phẩm. Chỉ trừ một vài người có những vấn đề mặt chính trị, còn những ca khúc, bây giờ dần dần cũng cho phép duyệt, hát lại những bài hát cũ.


BBC: Trước 1975, chế độ Sài Gòn có muốn dùng âm nhạc để chống cộng không? Họ có các ca khúc loại đó không?


image019


Nhạc sỹ phủ nhận tiếp xúc với cán bộ văn nghệ, nghệ sỹ miền Bắc trong khi hoạt động ở miền Nam


Có chứ, đương nhiên là họ viết những bài chống thẳng thừng cộng sản, chống Mặt trận Giải phóng. Chính quyền Sài Gòn viết những bài ca ngợi đi lính, như là “Một, hai, ba, chúng ta là lính Cộng hòa”, là những bài chống cộng chứ còn gì nữa.


BBC: Ông còn nhớ một vài ca khúc ‘chống cộng’ nào không?


Cái đó bây giờ không nhớ. Hồi trước thì mình biết. Không nhớ rõ. Những bài tình ca thì nhớ, nhưng những bài đó không nhớ.


'Thanh lọc'


BBC: Có vẻ chính quyền Sài Gòn ít thuyết phục người dân đi theo đường lối của họ, trong khi ở miền Bắc lại dùng âm nhạc tuyên truyền nhiều hơn, trực tiếp hơn, ông nghĩ sao?


Chính quyền Sài Gòn cũng dùng âm nhạc, dùng đủ thứ hết, nhưng vì họ không có chính nghĩa, cho nên họ nói và cuối cùng người ta thấy đây là cái tổ chức đi ngược lại đường lối của dân tộc. Người ta không nghe.


BBC: Ông nghĩ gì về nhạc Rock du nhập vào Sài Gòn những năm 1960, 1970?


Bản thân nhạc Rock không có tội tình gì. Nhưng khi đất nước đang lúc có chiến tranh, dân nghèo, chủ trương của Chính quyền Sài Gòn, cũng như người Mỹ bỏ tiền vào cho chính quyền Sài Gòn, muốn đưa một hình thức âm nhạc giật gân, kích động con người quên đi những cái hoàn cảnh mình đang sống. Tức là tạo nên một nền nhạc lai căng, coi như đó là nhạc số một, còn nhạc dân tộc, nhạc đấu tranh, cái đó vứt đi, quên đi. Họ vừa chống cái đó, chống âm nhạc dân tộc, chống âm nhạc của sinh viên, họ xây dựng một nền âm nhạc dùng nhạc Mỹ. Chủ yếu nhạc Mỹ là một nền âm nhạc bác học của nhân loại, trong đó nhạc Rock chỉ là một bộ phận.


"Nhưng nhạc Rock để mình giải trí thì khác, còn khi cổ súy vào, để tất cả đều quay cuồng , say mê, mà quên đi tất cả những thực tế, thì đó là cái không tốt"


Nhưng nhạc Rock để mình giải trí thì khác, còn khi cổ súy vào, để tất cả đều quay cuồng , say mê, mà quên đi tất cả những thực tế, thì đó là cái không tốt. Và chính như vậy cho nên Chính quyền Sài Gòn đã từng tổ chức những đêm nhạc Rock tại sân mà hồi đó gọi là sân Hoa Lư, sân bóng đá nằm bên cạnh Đài Truyền hình.


Chính vợ ông Thiệu, vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tới đó để trao giải thưởng, để gặp gỡ. Tức là chủ trương của nhà nước, rõ ràng, đưa những âm nhạc đó vào để làm cho sinh viên, thanh niên quay cuồng, quên đi những thực tế như là mình mất nước, đang bị đô hộ, đang bị cướp nước, đang bị đói khổ như vậy, quên đi để chạy theo cái xa hoa, mà cái đó phù phiếm. Chứ còn bản thân nhạc Rock tốt, có gì đâu.


BBC: Sau 1975, có vẻ người ta cấm nhạc Rock vì nhạc Rock có quan hệ với chế độ cũ và người Mỹ phải không? Thái độ của miền Bắc đối với nhạc Rock như thế nào, theo ông?


Không, nhạc Rock thì những năm đầu hòa bình, thì ngay cả dân chúng, người ta cũng chán. Rồi các nhà văn hóa, nhà nước, người ta không chủ trương phổ biến cái đó. Nhưng đó là trong vài ba năm đầu thôi, còn sau đó, thì những cái gì tốt của nhạc Rock vẫn du nhập, vẫn tổ chức biểu diễn. Cho nên ở thành phố này là nơi đầu tiên tổ chức những đêm liên hoan nhạc Pop, Rock, khắp cả nước về dự. Người ta không có chống cái đó. Nhưng những năm đầu thì dĩ nhiên vẫn đang còn khó khăn này nọ, thì không khuyến khích thôi, chứ không có cấm.


+++++++++++++++++++++++++++++++


Tản Mạn Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam


 NGUYÊN KHAI


Hội Họa Sĩ Trẻ cỏ một phòng triển lãm nằm trong khu đất phía sau trường Đại  Học Văn Khoa Sài Gòn. Trước đây, khu đất này là văn phòng của CPS, rồi đến Nguồn Sống.


image020


Khoảng năm 1966, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng (bác sĩ Không Quân của Tướng Lưu Kim Cương) có ý muốn lập một hội sinh hoạt về hội họa. Ông qui tụ được các họa sĩ: Ngy Cao Uyên, Nguyễn Trung, Mai Chửng, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Hồ Thành Đức và tôi (Nguyên Khai). Kết quả là hội được thành lập khoảng tháng 11 năm 1966 (tôi còn nhớ tháng 11 vì trong tập vựng của hội, bìa sau có in hình con bọ cạp). Họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm chủ tịch. Nhu cầu có một trụ sở và nơi triển lãm được mọi người nghĩ đến. Vấn đề tiền thuê mướn cũng được đặt ra.


Tôi còn nhớ một hôm tôi và anh Hồ Thành Đức đến trường Văn Khoa gặp anh Phạm Quốc Bảo (khi đó làm chủ tịch sinh viên) chúng tôi nói với anh: "Còn miếng đất nào không cho tụi này xây trụ sở hội". Anh dẫn chúng tôi ra sân sau của trường, chỉ vào miếng đất còn trống: "Tụi bây cứ lấy khu đất đậu xe này đi mà xây". Chúng tôi lại họp hội và B.S. Nguyễn Tấn Hồng bảo ở trong Tân Sơn Nhất có nhiều chỗ, để xin Tướng Lưu Kim Cương. Sau đó chúng tôi được gỡ, tôi không nhớ tiền anh em đóng góp bao nhiêu, anh Đức tìm được một anh bạn làm thợ nghề xây cất, thế là bắt tay vào việc. Tiêu chuẩn của hội là một phòng để bày tranh và một phòng hội họp, chứa tranh, nền xi măng, tường gỗ, lợp mái tôn, dài khoảng 30 mét x 25) mét).


Hội cử tôi và anh Đức trông coi việc xây cất, nhiều khi thiếu tiền trả công thợ, tôi và anh Đức phải chạy vạy bán tranh để trả. Trụ sở xây gần hai tháng mới xong. Cần phải có điện nước! Anh thợ bảo: "Cần xin giấy phép để bắt điện, nước". Tôi và anh Đức nháy nhau cười: "Có giấy phép mà, cứ bắt đi". Anh thợ yêu cầu chúng tôi đứng dưới cột đèn để anh leo lên cây câu dây. Hai anh em vừa đứng vừa run, nếu cảnh sát đến là chúng tôi "dọt". Điện nước xong, đến khâu làm cổng ra vào, lề đường phía trước phải đập phá để có lối vào hội. Anh thợ lại bảo phải có giấy phép công lộ? Chúng tôi lại nhìn nhau, cười: "Có rồi". Tôi và Đức lại phải đứng ở lề đường để cho anh thợ phá lề. Hội xây xong ai cũng trầm trồ: "Đẹp như Tòa Bạch Cung".


Khánh thành là một cuộc triển lãm của hội gồm có các anh: Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Mai Chửng, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Cù Nguyễn, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước và tôi (Nguyên Khai).


Hôm khai mạc có ông Tướng Kỳ, Tướng Lưu Kim Cương và Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng (Tướng Lưu Kim Cương và Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng là ân nhân của hội. Hội chúng tôi không bao giờ quên) cùng nhiều văn nghệ sĩ. Sinh hoạt của hội ngoài triển lãm thường trực còn có triển lãm cá nhân, như T.L. của Cù Nguyễn Đỗ Mai Lan và có một cuộc triển lãm lớn quy tụ các hội viên của hội gồm khoảng 50, 60 bức tranh được chọn triển lãm.


Tôi còn nhớ phòng hội thường được anh em văn nghệ sĩ lui tới, như Dương Nghiễm Mậu, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Vị Ý, v.v. và cả anh Đỗ Ngọc Yến và Trịnh Công Sơn (Trịnh Công Sơn là khách thường trú của hội). Tôi, hai anh em Sơn và Tịnh thường treo mùng ngủ giữa hội.


Có một buổi sáng tôi và Hồ Thành Đức ra hội sớm, Sơn còn ngủ bên trong. Chúng tôi đứng trước lan can của hội thì bỗng nghe một tiếng ầm dữ dội, tưởng Việt Cộng pháo kích. Hai chúng tôi liền nằm sát xuống đất nhìn phía sau. Một lỗ hổng lớn xuyên qua cửa chính của hội, chúng tôi liền nói "Chết Sơn rồi, nó ngủ trong đó.


Chạy vào, một cảnh rùng rợn, một chiếc xe Hoa Kỳ đen lao vào xuyên luôn tường phía sau, phía dưới là chăn màn gối của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn may mắn thoát chết nhờ đã thức dậy, và đang lúc rửa mặt đánh răng. Chiếc xe dừng lại nhờ bị cản bởi hòn non bộ của Hội Nguồn Sống.


Chiếc xe lao vào là xe của Tòa Đại Sứ Mỹ. Tòa Đại Sứ có tìm đến hội để xin bồi thường nhưng không ai dám nhận (vì bất hợp lệ trốn lính).


Một hai năm sau tất cả khu đất phía sau đều bị đuổi, để xây Thư Viện Quốc Gìa.


Và văn phòng hội bị mất từ đấy!


Nguyên Khai


Người Việt, Giai Phẩm Xuân Quý Tỵ, 2013
05 Tháng Tám 2023(Xem: 2025)
Hoàng Triều Cương Thổ “vỡ bờ” – Kỳ 2
01 Tháng Tám 2023(Xem: 1920)
04 Tháng Bảy 2023(Xem: 2205)