Mẫu hạm, ... Long Vỹ Xà Đầu

30 Tháng Giêng 20186:00 CH(Xem: 16778)

VĂN HÓA ONLINE - ĐIỂM NÓNG 1 A - THỨ TƯ 30 JAN  2018


Mẫu hạm, ... Long Vỹ Xà Đầu


image003

Lý Kiến Trúc


VĂN HÓA


30/1/2018 (nhuận sắc)


*


image002

Vị trí quân cảng Tiên Sa Đà Nẵng tựa như cái ban công khổng lồ quan sát Hải Nam, Hoàng Sa và Trường Sa. Hải đồ minh họa VĂN HÓA MAP 26 Jan 2018.


Ngày 29/01/2018 - Lý Khiết (Li Jie), một chuyên gia hải quân của Bắc Kinh phát biểu với Hoàn Cầu Thời Báo: «So với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam là nước có khả năng quân sự tốt nhất. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành lực lượng mạnh nhất mà Washington có thể tin cậy để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông». (*)


Thông điệp Mẫu hạm của Tướng Jim Mattis


Ngày 26 tháng 1 năm 2018, Tướng Jim Mattis Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đến Hà Nội thông báo Hoa Kỳ và Việt Nam đã thỏa thuận với nhau về việc một chiếc Hàng không Mẫu hạm nguyên tử Mỹ, lần đầu tiên sau 1975 sẽ cập cảng Đà Nẵng vào tháng Ba 2018.


Thông báo được loan tin sau khi tướng Mattis có cuộc gặp "ngoại giao" với TBT Nguyễn Phú Trọng tại văn phòng Trung ương đảng, Bộ trưởng Quốc phòng VN Ngô Xuân Lịch tại bộ Quốc Phòng và các tướng lãnh khác. Cách đây không lâu một chi tiết quốc phòng mà giới chức Mỹ gọi là "lịch sử" về việc Thứ trưởng Quốc phòng VN Nguyễn Chí Vinh đến tận San Diego-California quan sát hoạt động của Hàng không Mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson hôm 22/10/2018.


Ngày 24/1/2018, Tướng Jim Mattis đến Việt Nam chuẩn bị cho chiếc Mẫu hạm USS Carl Vinson và hạm đội tác chiến tháp tùng có chỗ "đóng đô" mới. Địa điểm là tọa độ 16°01′55″B 108°13′14″Đ. Nơi đây có Tp. Đà Nẵng nơi tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Chỗ cũ là "vùng biển quốc tế" ngoài khơi xa giữa biển Hoàng Sa - Trường Sa, nơi Mẫu hạm USS Ronald Reagan thường trực.


Sự kiện hoán đổi vị trí Hàng không Mẫu hạm thường hiện diện hoạt động ở giữa biển khơi cập bến "ngự" ở một cảng bờ biển nói lên tính chất thay đổi ít ra về mặt chiến thuật hành quân của một soái hạm.


Vào tháng Ba tới đây, Mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson "đóng đô" ở một quân cảng miền Trung theo thỏa ước hai quốc gia Mỹ - Việt, nói một cách bóng bẩy, quân đội Mỹ đã trở lại Việt Nam, không phải là Cam Ranh năm 1966 mà là Đà Nẵng năm 2018.


Soái hạm USS Carl Vinson là một siêu mẫu hạm Nimitz, cùng các chiến hạm hộ tống và tác chiến hiện đại nhất của hải quân Hoa Kỳ. Tính chất quy mô của USS Carl Vinson là nó thường hoạt động ở các vùng biển "nóng", ngộp thở bầu không khí chiến tranh. Tất nhiên, đối thủ mới của Carl Vinson hiện giờ là Trung Nam Hải chứ không phải thời "VietNam War" trước năm 1975 vốn là chiến trường của Đệ Thất Hạm Đội. Lịch sử lập lại một cách tinh xảo tuy hình thái có khác nhau.


Đà Nẵng - Sơn Trà, tọa độ trung chuyển cực kỳ quan trọng nối liền hai miền Nam Bắc Việt Nam, sau lưng có dẫy Trường Sơn che chở, cách Lào và Campuchia hơn trăm cây số, trước mặt có tiền đồn tai mắt Cù lao Chàm. Sơn Trà ví như cái ban công khổng lồ vừa đẹp vừa thoáng, mắt thường có thể thấy hàng chục dặm Biển Đông. Vĩ độ Sơn Trà Đà Nẵng 16°01′55″B 108°13′14″Đ gần ngang với quần đảo Hoàng Sa 16°30′B 112°00′Đ . Với vị trí lý tưởng, Đà Nẵng có khả năng quan sát trực tiếp vùng biển đảo Hoàng Sa dài xuống phía nam biển đảo Trường Sa. Trong thế trận hiện nay, mục tiêu gần của Đà Nẵng là bộ tư lệnh tiền phương hải không quân thủy quân lục chiến Phú Lâm của Trung Quốc chỉ cách Sơn Trà hơn 300km. 


Tướng Jim Mattis mang Mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN-70) có chiều dài 333m, chỗ rộng lớn nhất 76,8m, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ đến "đóng đô", "ra vào" ở cảng Đà Nẵng. Với 90 chiến đấu cơ, phi cơ vũ trang các loại, 3000 binh sĩ thường trực, xét về mặt chiến thuật điều binh, mẫu hạm ví như cái "tiền đồn nguyên tử" di động trang bị hỏa lực khủng khiếp bao trùm trận liệt. Cuộc chiến trên đại dương, Mẫu hạm di động là "khắc tinh" của căn cứ "cố định", ví dụ như căn cứ Phú Lâm ở Hoàng Sa đông.


Kể đến yếu tố kỹ thuật công nghệ chiến tranh hiện đại, cự ly địa hình thuận lợi đối với vũ khí cộng với khả năng di động linh hoạt, cục diện "chiến trường" thắng bại sẽ thay đổi hẳn một khi mục tiêu bị hủy diệt trong thời gian ngắn nhất. Binh pháp gọi là đánh phủ đầu. Nói theo kiểu dân Texas, bóp cò chậm là chết.


Về mặt chiến lược, chính trị đi đôi với quân sự, Mẫu hạm USS Carl Vinson được xem là lính xung kích tiền phong của Hoa Thịnh Đốn mở đường cho sách lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", Tổng thống Donald Trump nhắc đi nhắc lại cụm từ này nhiều lần ở hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng tháng 11/2018.


Ấn Độ muốn qua tây Thái Bình Dương tất phải đi qua eo biển Malacca-Singapore rồi phải băng qua Biển Đông. Nếu Biển Đông bị "khóa", muốn đi "thuận buồm xuôi gió" phải "mở" Biển Đông. Trách nhiệm của USS Carl Vinson ở Biển Đông rất nặng nề. Để đạt tới được chuyện một Mẫu hạm (quân sự) "trụ" ở cảng Việt Nam mà không đề cập tới quá trình đối thoại (chính trị) nhiều năm về Chính sách an ninh quốc phòng giữa Hoa Kỳ - Việt Nam giữa các giới chức cao nhất của hai nước là một thiếu sót.


Chấp thuận cho USS Carl Vinson "đóng đô" ở Đà Nẵng, Việt Nam biết rằng Biển Đông không thể "khóa". Các nguyên tắc thỏa thuận điểm này điểm nọ giữa Bắc Kinh và Hà Nội tất phải theo sức mạnh của thời thế. Dù 7 đảo nhân tạo của "đồng chí vĩ đại" Bắc Kinh bám chặt ở Trường Sa, nhưng một cựu tướng hải quân Mỹ nói chỉ cần vài quả Tomahawk là đảo nào cũng chìm xuống đáy.


Nói cho cùng, dù muốn hay không muốn, Việt Nam, không thể dựa vào cái thế hiểm yếu ở Đông Nam Á cưỡng lại vành đai chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương" mà nên tận dụng thời thế thế thế thời phải thế để "lột xác", để nâng vị trí Việt Nam lên "tầm vóc" mới ở Đông Nam Á. Cơ hội ngàn năm chỉ đến một lần.


image004

Vị trí bán đảo Sơn Trà và Cam Ranh nhìn ra Biển Đông. Chấm tròn xanh: mạng lưới bao vây của Mỹ. VĂN HÓA MAP July 2016.


image005

Bán đảo và cảng Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh LKT


image006

Biển Sơn Trà nhìn từ máy bay. Ảnh LKT


Vì sao Mẫu hạm không chọn Cam Ranh, Hải Phòng mà chọn Đà Nẵng?


Trong số báo trước đây, Văn Hóa đã có một bài viết về ba quân cảng trọng yếu của Việt Nam là Hải Phòng, Đà Nẵng, và Cam Ranh. Điểm lý thú là ba quân cảng này đều đậm nét chứng tích lịch sử trải qua các thời kỳ chiến tranh ác liệt.


Ngày 28 tháng 9 năm 1856, Pháp cho chiến hạm Catinat nã súng vào các pháo đài bảo vệ Đà Nẵng, năm 1858, hạm đội Pháp bắn tới tấp hàng trăm quả vào cửa sông Đà Nẵng và các đồn quân Việt triều Nguyễn ở bán đảo Sơn Trà, sau đó liên quân Pháp-Tây Ban nha đổ bộ tấn công sâu vào đất Đà Nẵng. Sau 5 tháng tấn công, Nguyên soái Nguyễn Tri Phương đẩy lui quân xâm lược, nhưng Đà Nẵng cũng là mồ chôn hàng ngàn nghĩa quân triều Nguyễn.


Ngày 26 tháng 10 năm 1965, Tổng thống Lyndon Johnson đến thị sát Cam Ranh và cho "cải tạo" hải cảng này trở thành căn cứ hải không quân lớn nhất ở miền Trung cung ứng các chiến dịch tiễu trừ quân đội cộng sản vừa ở mặt bể vừa ở nội địa.


Tháng 12 năm 1972, dưới cơn mưa bom rải thảm của Pháo đài bay B52 Không lực Hoa Kỳ, các cứ điểm quân sự Hải Phòng bị tàn phá nặng nề. 


 image007

Ảnh trên: Ngày 26 Tháng 10 năm 1966, Tổng Thống Lyndon Johnson đã đến thăm Cam Ranh bằng chiếc Air Force One. Đón TT Johnson là Đại tướng Westmoreland Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại nam VN.


Xét về vị trí địa hình quân sự các cảng nằm dọc theo bờ biển Việt Nam, cảng Cam Ranh nước sâu, kín đáo, ví như cái bọc nước được núi cao che chở. Vịnh Cam Ranh có đầy đủ yếu tố kỹ thuật để cho hàng không mẫu hạm cập bến. Trên thực tế không phải cảng bờ biển nào cũng đón Mẫu hạm được.


Trong quá trình tiếp đón các chiến hạm quốc tế lui tới, kể cả tầu ngầm nguyên tử, Cam Ranh chứng tỏ khả năng tiếp dẫn an toàn. Nhưng Cam Ranh lọt sổ USS Carl Vinson. Vì sao? thứ nhất, Cam Ranh đón nhiều chiến hạm các nước không loại trừ tầu do thám mặt biển, lòng biển, đáy biển. Chiến hạm Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc, ... hầu như thuộc lòng đường đi nước bước của Cam Ranh; thứ hai Mỹ và Nga làm chủ căn cứ này lâu đời; thứ ba, hải quân Nga và hậu cần Nga vẫn là "đồng chí tốt" của VN; thứ tư khoảng cách của Cam Ranh đối Trường Sa khá gần nhưng đối với Hoàng Sa khá xa; thứ năm, Cam Ranh nằm trong tầm ngắm của căn cứ đảo nhân tạo Chữ Thập của TQ "khống chế" và thứ sáu, Cam Ranh là hậu cứ quan trọng của 6 tầu ngầm Kilo lớp 636 của Việt Nam. Chừng đó yếu tố, theo tác giả, Cam Ranh đã bị loại.


Trong một lần đi thăm Cam Ranh sau khi dự ba ngày hội thảo quốc tế về Biển Đông tháng 11 năm 2916, tác giả đã ví Cam Ranh như cái hotel cho các chiến hạm qua lại nghỉ ngơi. Cam Ranh Hotel. Trước năm 1975, nghe nói dưới lòng biển Cam Ranh có hàng đàn cá heo thông minh ở "sinh hoạt". Ngày nay người ta có thể huấn luyện cá heo thành những đặc công nhái thiện chiến. 


Thế còn cảng Hải Phòng, không thuận lợi vì nằm sâu phía bắc Vịnh Bắc Bộ, vả lại Hải Phòng có một vị trí quân sự và kinh tế khác. Cuối cùng, Đà Nẵng thích hợp nhất đối với trận liệt hiện nay, một công hai việc.


image008

Khoảng cách km các cứ điểm quân sự Đà Nẵng đối với Phú Lâm, Lý Sơn đối với Tri Tôn. Khoảng cách này chưa được chính xác do sự hạn chế của VĂN HÓA MAP.


image009Một tầu lớn đang cập bến cảng Cam Ranh núi cao bao bọc. Ảnh VH 2016.


image010

Từ buynh đinh đài chỉ huy nhìn ra cảng Cam Ranh. Ảnh VH 2016.


Từ vùng Biển quốc tế đến Cảng quân sự quốc tế


Thông thường, Hàng không Mẫu hạm (HKMH) là soái hạm được chỉ huy bởi Đề đốc (tướng 2 sao) hoặc hàm tương đương trở lên, dưới quyền Mẫu hạm là nhóm hộ tống và tác chiến. HKMH USS Ronald Reagan trước đây tọa thủ ở "vùng biển quốc tế" giữa biển Hoàng Sa và biển Trường Sa dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng Michael "Buzz" Donnnelly. USS Ronald Reagan là soái hạm phối hợp các hoạt động tuần tra quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong quá khứ.


- USS Ronald Reagan hoạt động giữa biển Hoàng Sa - Trường Sa / Nhật-Phi tập trận.


image011

USS Ronald Reagan "đóng đô" ở vùng biển quốc tế giữa Hoàng Sa và Trường Sa. VĂN HÓA MAP


Nhưng nay, qua thỏa ước an ninh quốc phòng Việt-Mỹ công bố ngày 25/1/2018, HKMH Mỹ không còn "tọa thủ" và hoạt động ở ngoài khơi nữa mà nó sẽ xuất phát ở căn cứ Đà Nẵng. Từ vị trí trơ vơ ngoài vùng biển quốc tế đến vị trí hậu cứ ở cảng bờ biển là cả một sự thay đổi địa hình trận liệt rất quan trọng đối với các vị chỉ huy quân sự. Quan trọng nhất, hậu cứ sau lưng cảng bờ biển là miển đất có hàng triệu dân sinh sống.


Về mặt tác chiến, xuất phát ở cảng quốc tế Đà Nẵng, Mẫu hạm và nhóm tác chiến ra khơi tập trận, đánh trận giả, chiến hạm và chiến đấu cơ đi tuần tra hoặc thực hiện các hoạt động khác có cự ly rất gần quần đảo Hoàng Sa. Xuôi về phía nam đã có Cam Ranh.


Nhớ lại ngày 01 tháng 7/2017, chiến hạm USS Stetham đi tuần tra đảo Tri Tôn, một đảo nằm phía cực tây nam quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn Quảng Ngãi khoảng 123 hải lý, không rõ chiến hạm này khởi hành ở đâu, nhưng chắc là rất xa so với nếu ở Đà Nẵng. Đà Nẵng cách Tri Tôn khoảng 130 hải lý.


image012

Chiến hạm USS Stetham đi tuần tra quanh đảo Tri Tôn hôm 01 tháng7/2017. Nếu từ Singapore phải mất gần hai ngàn cây số. Yếu tố di hành bí mật khó bảo vệ.


Nhớ lại ngày 5 tháng 3/2009, chiến hạm do thám USNS Impeccable (T-AGOS-23) không biết xuất phát từ đâu, có thể từ cảng Singapore đi nghiên cứu sát vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đưa mấy tiểu đỉnh vũ trang ra cản mũi, bo bo Trung Quốc áp sát quấy nhiễu chiến hạm này chỉ cách vài chục mét, Impeccable phải dùng vòi rồng xua đuổi, nhưng cuối cùng thối lui.


Hai chiến dịch trên cho thấy vị trí xuất phát thực hiện chiến dịch đòi hỏi yếu tố thời gian và bí mật rất quan trọng.      


image013

Trung Quốc cử mấy tiểu đỉnh bé tí tẹo ra cản mũi chiến hạm USNS Impeccable ở khu vực hải giới Vịnh Bắc Bộ và Hải Nam ngày 05 tháng 3/2009. USNS Impec. nhũn nhặn thối lui... chờ cơ hội.


Theo tin quốc tế, sau khi họp ở Hà Nội, ngày 26/1/208, tướng Jim Mattis đã bay qua Hawaii gặp Đô Đốc Harry Harris Tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương. USS Carl Vinson là mẫu hạm dưới quyền Đô Đốc Harris. Tin tức về cuộc họp của hai ông tướng này không thể biết được, nhưng kế hoạch triển khai USS Carl Vinson tới Đà Nẵng phải qua tay tư lệnh Harry Harris. Ông là tướng chỉ huy chiến dịch điều Carl Vinson tới "tham chiến" ở vùng biển nam-bắc Đại Hàn vừa qua.


Trung Quốc "giăng lưới" lớn ở Biển Đông, chờ Mỹ. TT Trump nhẩy vào


Sau vài đợt tuần tra dạo mát ở vài hòn đảo nhân tạo khu vực Trường Sa, gần đây là cuộc tuần tra của chiến hạm USS Stethem quanh đảo Tri Tôn hôm 02/07/2017 và chuyến đi quan sát Vịnh Bắc bộ - Hải Phòng của tướng 4 sao Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott H. Swift  với Đại sứ Ted Osius vào sáng 06/10/2017. Đỉnh điểm của chiến dịch này USS Carl Vinson.


Suốt từ năm 2013 đến 2017, Tập Cận Bình khởi công xây dựng 7 đảo nhân tạo thành 7 căn cứ quân sự thì TT Obama giả điếc giả mù "thả mồi" Biển Đông cho cá mập họ Tập nuốt.


Thế trận ngoạn mục nhiều điểm bất thường. Vì sao Mỹ tảng lờ để yên cho họ Tập tung hoành như vậy. Mục tiêu và chính sách của Mỹ ở Biển Đông mờ mờ ảo ảo thường là bị lên án. Nhiều dư luận cho rằng Obama khiếp nhược trước giấc mộng Trung Hoa của họ Tập. Có dư luận còn kết án Mỹ đã bỏ rơi hoặc bán đứng Biển Đông cho Trung Nam Hải.


Bắt được thời gian vàng Mỹ lửng lơ vì nhiều biến cố khác, họ Tập khẩn trương gia cố 7 đảo nhân tạo. Họ Tập tự thân cảm tưởng rơi vào thế thượng phong tự mãn cho rằng hễ xây dựng xong 7 đảo ở Trường Sa là Trường Sa sẽ về tay Bắc Kinh. Thức tế, ai cũng thấy đúng như vậy. Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. (Với sự đồng lõa, đồng thuận lẫn ấm ức của các nước nhỏ ven biển). 


Coi vậy mà không phải vậy. Con đường Biển Đông mang lại lợi ích cho Mỹ hàng tỷ đô la hàng năm. 50% lượng hàng hóa thế giới phải đi qua con đường này. Ông Trump là một nhà tài phiệt thực dụng. Ông không thể bỏ qua Biển Đông vì nó đang mang lại lợi ích to lớn cho nước Mỹ trên hết.


Tuy nhiên, yếu tố an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không là quyền đòi hỏi của luật pháp quốc tế đối với ngành hàng hải đại dương. Hàng ngàn thương thuyền tấp nập di chuyển qua con đường này. Vụ va chạm tàu dầu ngoài khơi cảng Singapore ngày 21 tháng 8/2017 làm lủng chiến hạm USS John McCain vừa qua là một thí dụ điển hình.


Tập Cận Bình đã rơi vào "lưới mồi" lớn của TT Obama. Obama áp dụng diệu kế binh pháp Tôn Tử để khơi dậy lòng tham quyền lực của họ Tập. Obama thừa hiểu rằng đi đôi với tham vọng giấc mộng Trung Hoa vươn ra đại dương, thủ thuật họ Tập "đánh trận" Biển Đông vừa để thực hiện giấc mộng Trung Hoa vừa lấy tiếng kèn đồng lục địa oang oác cử hành lễ lên ngôi hoàng đế Trung Nam Hải.


Trong lịch sử hải chiến thế giới chưa thấy một quốc gia nào khởi quân chiếm đóng các vị trí hải điểm xung yếu để lập căn cứ quân sự thoải mái như Trung Nam Hải. TT Obama thâm thúy trứ danh cứ mặc cho họ Tập làm mưa làm gió, dấy lên làn sóng dư luận thế giới sợ hãi "tên cướp biển hung tợn nhất của thế kỷ".   


Tôn Tử nói rằng: "Dụ địch đanh vào chỗ không, địch sẽ hụt hẫng, tiêu hao "nội lực" và mất nhuệ khí".  Tập đã bị Obama dụ vào chỗ không (Biển Đông bỏ ngỏ); khi  họ Tập mang toàn lực ra bồi đắp 7 đá san hô chìm từ năm 2013 - 2017, Tập thấy Việt Nam án binh bất động, thỉnh  thoảng lấy ống dòm ra dòm cho biết, thế giới thì chỉ la làng om sòm, không có một động tịnh cường tập nào tập kích mấy hòn nhân tạo; ít nhất họ Tập đã đổ vào mấy hòn đảo hàng chục tỷ đô, (một tướng Mỹ về hưu nói rằng chỉ mấy quả Tomahawk là hòn chìm xuống đáy); thế nhưng họ Tập đã mất nhuệ khí chưa? Mẫu hạm và hạm đội tác chiến có làm cho bây giờ mới thực sự kéo vào cảng Đà Nẵng có làm cho Trung Nam Hải mất nhuệ khí chưa, Hoa Xuân Oánh nói rằng "hoan nghênh Mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam ... và không có gì đáng lo cả". Khá khen Trung Nam Hải quả là cao cường.


image014

Việt Nam thỉnh thoảng lấy ống dòm ra dòm chơi xem Bắc Kinh bồi đắp tới đâu. Ảnh LKT chụp ở đảo Len Đao ngày 22/4/2014.


Long Vỹ Xà Đầu ...


Báo Văn Hóa hy vọng trận liệt của TT Trump bày ra không ứng với câu Sấm "Long Vỹ Xà Đầu khởi chiến tranh" của cụ Trạng đoán về tương lai Biển Đông. Chiến pháp Biển Đông của Trump chỉ là bước đầu khởi động chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở", nhưng Thần Thức Long Quân Vua Cha Bắc Hải Biển Đông xưa nay dung chứa nhiều chuyện dị kỳ, chả thế mà ông tướng Mỹ nào đến đất Việt cũng phải đến dâng hương ở các đền thờ tối linh tối thượng trước khi ra tay hành động.


Thật ra, mọi kế sách về HKMH Mỹ "đóng đô" ở Đà Nẵng đã được họp kín họp hở ở Bạch Cung giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc hé lộ trong bản Tuyên bố chung Việt - Mỹ ngày 31 tháng 5/2016. Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội khéo nhắc đi nhắc lại. Sau ông Phúc là ông Lịch bay qua tận Ngũ Giác Đài làm việc, rồi ông Vịnh tới San Diego để xem mặt mũi Carl Vinson nó ra sao.   


Nói tóm lại, Mẫu hạm Mỹ sẽ "án binh bất động" một thời gian ở Đà Nẵng, chờ họ Tập động tịnh. Một cách chủ quan, tác giả cho rằng bàn cờ "Mặt trận Biển Đông" vào thời điểm này chưa phải là hiểm địa.


Bên cạnh kẻ thù hung hãn từ phương Bắc, ngày xưa Nguyên soái Thủy quân  Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từng dạy dân quân Đại Việt rằng: "Kẻ kia cậy trường trận, ta có đoản binh; Lấy đoản chế trường là thói thường của binh pháp". Ngày nay, Việt Nam lấy binh pháp đa phương hóa, đa dạng hóa đối phó với kẻ đơn phương gây chiến xem ra có phần ngiêng ngửa./


Lý Kiến Trúc


California 28/1/2018


image015Cự ly khoảng cách từ đảo đá Cô Lin nhìn qua đảo đá Gạc Ma Trung cộng chiếm của VN năm 1988. TC đang bồi đắp hòn đá này thành đảo nhân tạo lập căn cứ quân sự lớn. Ảnh Thiềm Thừ - tư liệu của LKT


image016Ngồi trên bo bo cùng với lính biển, bổn báo Lý Kiến Trúc tiến vào đảo đá Len Đao, một hải điểm quan trọng ở phía nam quần đảo Trường Sa. Diện tích Len Đao khoảng 500 mét vuông, trên đó có 1 sĩ quan chỉ huy và 8 lính hải quân đồn trú. Năm 1988, Len Đao chứng kiến quân Trung cộng tàn sát 64 lính hải quân Việt Nam và chiếm đoạt đảo đá Gạc Ma.  Ảnh LKT 2014


image017 Bổn báo Lý Kiến Trúc và Đại tá Đỗ Minh Thái, Tham mưu trưởng Hải quân vùng 4 Việt Nam trên đảo đá Len Đao, ông hiện nay là Phó Đề đốc (tướng một sao) theo quân hàm hải quân quốc tế. Ảnh VH 2014


image018Phó đô đốc John Fuller, tư lệnh CSG-1, phát biểu khi đón tiếp tướng Vịnh: "Đây là một ngày có tính chất lịch sử và chúng tôi vinh dự được ông ghé thăm Mẫu hạm USS Carl Vinson. Chúng tôi rất hài lòng trở thành một phần của việc hợp tác hàng hải này".


image019

Hàng không Mẫu hạm USS Carl Vinson từ San Diego đang tiến về Biển Đông ngày 19/1/2018. Ảnh US Navy..


image020

Air Force One đáp xuống phi trường quốc tế Đà Nẵng sáng 10/11/2018. Ảnh abc New.


image021Ngày 18/11/2017 TT Donald Trump đã bay một vòng trên chiếc Air Force One từ Đà Nẵng - Sàigon - Hà Nội, TT Trump muốn quan sát toàn cảnh Việt Nam, Đà Nẵng và Biển Đông trước khi cho Mẫu hạm cập bến Tiên Sa - Sơn Trà. Ảnh trên: Tổng thống Donald Trump bước ra từ cửa Air Force One vẫy tay chào mọi người đón ông ở phi trường quốc tế Đà Nẵng ngày 10/11/2017.


image022

Đại sứ  Mỹ Daniel J. Kritenbrink ra sân bay Nội Bài đón Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis chiều 24/1/2018. Ảnh tòa đại sứ.


image023

Hai nụ cười hiếm có: Bộ trưởng James Mattis tươi cười bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Trụ sở Bộ Quốc phòng chiều 25-1. Ảnh: VIỆT DŨNG.


image024

Chiều 25/1/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sau khi làm việc ở Bộ Quốc phòng Hà Nội đã đến thăm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở văn phòng Trung ương đảng. Không thấy hình ảnh hai ông "nâng ly" hay dự "tiệc trà". Ảnh Trọng Hải.


(*) Thùy Dương RFI 30/118
03 Tháng Sáu 2022(Xem: 4434)
GIẤC MỘNG MỞ MANG BỜ CÕI VỀ PHƯƠNG NAM CỦA BẮC KINH
18 Tháng Năm 2022(Xem: 4700)
BÊN LỀ THƯỢNG ĐỈNH W, D.C. 2022
01 Tháng Năm 2022(Xem: 4711)
06 Tháng Tư 2022(Xem: 4519)
31 Tháng Ba 2022(Xem: 4734)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
27 Tháng Ba 2022(Xem: 4765)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
14 Tháng Ba 2022(Xem: 5219)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ-NATO (Kỳ 3)
08 Tháng Ba 2022(Xem: 5271)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ & NATO (Kỳ 2)