Sàigon: "Mở đại chiến dịch vỉa hè"

26 Tháng Ba 20176:28 CH(Xem: 13004)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  27  MAR  2017


Sàigon: "Mở đại chiến dịch vỉa hè"


Giành lại vỉa hè Sài Gòn: Hô hào chứ không quản lý theo luật


"Lâu nay cách quản lý của chúng ta vẫn theo phong trào, cứ hô hào thôi chứ không quản lý theo pháp luật", TS Võ Kim Cương giải thích vì sao việc dọn dẹp vỉa hè không hiệu quả.


Phá dỡ chốt bảo vệ trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Chiều 27/2, các vọng gác trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh TP.HCM) bị dỡ bỏ.


"Cuộc chiến vỉa hè" đang tạo nhiều tranh luận xung quanh cách làm quyết liệt của của quận 1 (TP.HCM). Trao đổi với Zing.vn, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, đưa ra những kiến giải, cũng như giải pháp căn cơ cho bài toán khó vỉa hè Sài Gòn.


Vỉa hè cho người đi bộ và cả người bán rong


- Quận 1 TP.HCM tuyên bố sẽ nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vỉa hè không chỉ của người đi bộ mà còn có những chức năng khác. Sài Gòn có rất nhiều người buôn thúng bán bưng, sống nhờ vào vỉa hè. Theo ông, nên sắp xếp vỉa hè như thế nào cho vừa hợp lý, vừa hợp tình?


- Thực ra, TP.HCM đã bàn đến điều này từ rất lâu rồi. TP đã xác định rất rõ vỉa hè trước tiên dành cho người đi bộ, phục vụ chức năng giao thông. Ngoài ra, nó còn nhiều chức năng khác nữa, trong đó có để xe, nghỉ ngơi giải trí, buôn bán. Phải tuỳ theo vị trí của vỉa hè để sắp xếp cho thích hợp.


image006

Lực lượng trật tự đô thị tịch thu những phương tiện bán hàng rong. Ảnh: Tùng Tín.


Việc giải tỏa vỉa hè cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo. Trong đó, việc đầu tiên là phải bố trí những nơi để người dân đang sống nhờ vào vỉa hè sử dụng. Muốn giải tỏa thì phải có chỗ cho họ đi. Bởi vì họ vẫn phải tiếp tục sống. Chú ý đến điều đó thôi chứ không phải vì thế mà mình không giải tỏavỉa hè, nhất là những nơi gây tắc nghẽn giao thông.


Để giải tỏa vỉa hè, có người nói rằng TP.HCM không phải là TP của bán hàng rong. Tôi cho rằng không phải thế. Có những khu vực cần thiết thì phải cấm hàng rong. Nhưng TP này là nơi người ta đến làm ăn, lập nghiệp. Vì vậy, dứt khoát phải có chỗ cho người dân không làm việc cho công ty, nhà máy, có điều kiện để bươn chải, mưu sinh. TP.HCM từ xưa đến nay đã có chuyện đó rồi.


Sau này khi đời sống văn minh lên, người buôn thúng bán mẹt sẽ ít dần đi. Những nơi cấm là những khu trung tâm, yêu cầu về cảnh quan văn hoá cao, cần giao thông thông thoáng. Phải có quy định từng vị trí một, chứ không nói chung chung được.


- Một mặt, nhiều người dân TP.HCM sống nhờ vào vỉa hè. Mặt khác, chính quyền TP muốn hướng tới hình ảnh văn minh hơn, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Vậy theo ý kiến của ông, TP.HCM nên có biện pháp gì để hài hoà giữa hai lợi ích này?


- Trước hết phải xác định rõ mục tiêu của TP là gì? Tôi cho rằng, mục tiêu trước hết là phải đảm bảo giao thông. Nhiều người có nhà bên trong nhưng vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè để buôn bán dễ dàng hơn. Người mua thì có thói quen ngồi trên xe chứ không gửi xe rồi vào cửa hàng mua cho đàng hoàng. Thói quen như thế thì dứt khoát phải thay đổi.


Tuy nhiên, cần phải quản lý căn cơ từ gốc, nắm thật chắc những người nào đang sử dụng vỉa hè để xử lý. Sau đó, phải theo dõi để người ta không tái phạm, nếu tái phạm thì xử phạt nghiêm minh. Nếu không thì sẽ như “bắt cóc bỏ dĩa”, làm theo phong trào. Khi đội trật tự đến thì người ta dẹp vào, đội trật tự đi qua thì lại bày ra.


image007

Vỉa hè trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1) có nhiều vật dụng, công trình bị tháo dỡ trong chiều 27/2. Ảnh: Tùng Tin.


- Theo dõi thông tin mấy ngày hôm nay, đánh giá của ông về những nỗ lực của quận 1 trong việc giành lại vỉa hè và tác động của nó đối với đời sống người dân, trật tự đô thị như thế nào?


- Tôi không đi qua trực tiếp mà chỉ nắm tình hình trên báo chí. Tôi thấy quận 1 đang kiên quyết làm, còn hiệu quả lâu dài như thế nào thì vẫn chưa biết. Hơn nữa, việc này cũng chỉ mới bắt đầu ở quận 1, Bình Tân, Tân Phú thôi. Theo tôi, nếu làm phải có trọng tâm, trọng điểm, chỗ nào tắc nghẽn thì phải tập trung làm dứt điểm.


Ví dụ, tôi hay đi qua đường Bình Hưng (quận 8), người ta bày cả gà sống ra bán trên đường luôn chứ không phải vỉa hè nữa. Nhưng mà chẳng có ai ra dẹp cả. Vậy muốn lập lại trật tự trên vỉa hè thì toàn TP phải ra quân, làm đồng đều, tập trung.


Bệnh phong trào nặng lắm!


- Ông có nói rằng TP.HCM đã bàn đến việc sắp xếp lại và trả vỉa hè cho người đi bộ từ rất lâu rồi. Vậy tại sao cho tới giờ, TP vẫn băn khoăn với bài toán giải quyết vỉa hè như thế nào?


- Bởi vì, lâu nay cách quản lý của chúng ta vẫn theo phong trào, cứ hô hào thôi. Bệnh phong trào đó cũng nặng lắm. Chứ không phải theo kiểu kỹ trị, quản lý theo pháp luật.


Theo tôi, phải xác định rõ trách nhiệm. Thậm chí bây giờ mình đang làm căn cước công dân, mỗi người có một số thẻ rồi. Nếu có vi phạm thì sẽ bị ghi vào hồ sơ liền. Phải quản lý theo pháp luật thì người dân mới tuân thủ được. Nếu cứ hô hào, phong trào thì không giải quyết được.


- Quận 1 có lắp barie để ngăn phương tiện như xe máy chạy trên vỉa hè. Quan điểm của ông về biện pháp này như thế nào?


- Cái đó là không phù hợp. Tại vì người ta đi trên vỉa hè chỉ trong trường hợp kẹt xe thôi, chứ không ai tự nhiên mà đi trên vỉa hè cả. Anh lắp như thế vừa mất mỹ quan lại còn dễ gây tai nạn cho người đi bộ.


image008

Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải tiếp tục chỉ đạo lực lượng Đội quản lý đô thị tháo dỡ các công trình chiếm vỉa hè trên nhiều tuyến đường Sài Gòn. Ảnh: Tùng Tin.


Để xử lý thì phải theo pháp luật. Nếu anh vẫn cố tình đi xe trên vỉa hè sau khi đã có quy định cấm thì phải chịu phạt. Theo tôi, đội ngũ xử phạt cũng phải đi ra ngoài đường nhiều hơn. Hiện giờ, có lẽ công an chỉ tập trung ở một số điểm để xử phạt giấy tờ, còn chuyện chống những vi phạm kiểu này cũng hơi vắng.


- Quận 1 gây tiếng vang bằng hàng loạt hành động quyết liệt như phá dỡ tường rào lấn chiếm, dỡ vọng gác của Ngân hàng Nhà nước, thu giữ phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Có ý kiến đồng tình, có người phản đối. Quan điểm của ông như thế nào?


- Quan điểm của tôi là phải kiên quyết. Vì chuyện vỉa hè chúng ta đã nói nhiều lần rồi. Theo tôi, quận 1 chỉ làm như vậy sau khi đã nói nhiều lần nhưng người ta không chấp hành chứ đó không phải là lần đầu tiên. Vi phạm lặp lại nhiều lần thì mới bị thu giữ.


Nếu không nghiêm minh thì người dân sẽ thoải mái lấn ra, thậm chí xảy ra tiêu cực khác. Nói chung, phải nghiêm minh thì người ta mới sợ.


- Ở khía cạnh người dân, họ bị xử phạt khi vi phạm. Tuy nhiên, nên có chế tài như thế nào đối với những người trong bộ máy chính quyền, những người không thể nào quản lý nổi vỉa hè?


- Tất nhiên trong quy định có kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với lãnh đạo nặng nhất là cách chức, công chức thì cho thôi việc.


Tuy nhiên, nếu đặt cao trách nhiệm thì cũng phải có chế độ đãi ngộ tương xứng. Nếu không dồn hết trách nhiệm cho họ rồi khi có chuyện gì lại kỷ luật. Tôi thấy dân công chức hay gọi là “quyền rơm vạ đá”.  Cho nên phải xác định rõ trách nhiệm, lâu nay cứ chung chung. Thậm chí, có địa phương còn cho thuê vỉa hè để thu tiền.


Làm gì để giải quyết căn cơ lấn chiếm vỉa hè?


"Cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy… không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội", TS Nguyễn Thị Hậu nói về chiến dịch giành lại vỉa hè ở quận 1.


'Chiến dịch giành lại vỉa hè đang đi hơi quá'


Luật sư Trần Hải Đức cho rằng việc lập lại trật tự trong xây dựng để giành vỉa hè cho người đi bộ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cách làm của quận 1 đã đi quá giới hạn.


Hà Hương thực hiện (theo Zing.vn)


Những phát ngôn ấn tượng trong việc đòi vỉa hè cho người đi bộ


04/03/2017


Liên quan đến việc đòi lại vỉa hè, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã có những phát ngôn quyết liệt.


image009

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việc này không thể làm tất cả ngay, không thể làm đầu voi đuôi chuột nhưng thái độ lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn là việc hết sức hoan nghênh trong tháng sau Tết”.


image010

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: “Các đồng chí lãnh đạo của quận xuống trực tiếp từng tuyến đường, cùng với các lực lượng chức năng là động thái rất tích cực có lẽ từ trước đến nay không có”.


image011

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Anh Hải hăng hái nhưng đôi khi cũng phải kiềm chế để làm sao đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phải làm thiệt như thế mới được. Giờ này còn ngồi bàn giấy chỉ đạo là không 'ăn'".


image012

Phó chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải : “Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” như những năm trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”.


image013

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: "Cưỡng chế, đập bỏ, phá hủy… không những gây lãng phí, nguy hiểm mà còn để lại hậu quả tiêu cực trong tâm lý xã hội".


image014

Nguyễn Ngọc Tường, Trưởng ban An toàn Giao thông: "Cứ mỗi khi đi kiểm tra, chẳng hiểu sao chủ quán đều biết và đối phó, phải chăng trong lực lượng chức năng có người tiếp tay cho nạn lấn chiếm vỉa hè?".


 image015

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM: "Quận 1 đang dẹp vỉa hè nhanh quá, làm như một cơn lốc. Vì nhanh  quá nên người dân đặt câu hỏi: Hình như ông này đi nhanh quá, có đúng quy trình không?".


image016

Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú (TP.HCM): "Quận Tân Phú có gần 50% là dân tạm trú. Nhiều gánh hàng rong là cả nguồn nuôi sống của một gia đình".


image017

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM): "Việc nào đúng quy định pháp luật, bảo đảm trật tự chung thì không chỉ riêng người dân mà giới hành nghề luật cũng hoàn toàn tán thành. Nhưng đừng vì nhân danh lợi ích nhà nước mà hành xử không đúng quy định của pháp luật".



Zing.vn / Phượng Nguyễn - C.K
05 Tháng Tám 2023(Xem: 2110)
Hoàng Triều Cương Thổ “vỡ bờ” – Kỳ 2
01 Tháng Tám 2023(Xem: 2005)
04 Tháng Bảy 2023(Xem: 2328)