Hà Nội: Tưởng niệm trận Gạc Ma 1988 nhanh chóng bị giải tán

14 Tháng Ba 20176:27 CH(Xem: 12264)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ 15  MAR  2017


Hà Nội: Tưởng niệm Gạc Ma nhanh chóng bị giải tán


image003Bản quyền hình ảnh Facebook Thao Teresa Image caption Cảnh sát ở khu vực quanh Đài Cảm Tử, Bờ Hồ Hà Nội sáng 14/3


Một số nhà hoạt động tại Hà Nội cho hay lễ tưởng niệm trận chiến Gạc Ma ở Trường Sa hôm 14/3 diễn ra với quy mô nhỏ và nhanh chóng bị giải tán.


Trong trận đánh hôm 14/3/1988, ít nhất 64 bộ đội Việt Nam thiệt mạng. Sau đó Trung Quốc đã chiếm và hiện xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma.


Không có thông tin về biểu tình hay tưởng niệm ở Sài Gòn.


Hôm 14/3, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà hoạt động Thảo Teresa nói: "Khác với mọi năm là chỉ áp chế những người đi tưởng niệm, năm nay, người của chính quyền vây ráp đông, đậu ôtô, xe buýt vây kín bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ nên mọi người phải đi rải rác các nơi khác."


"Tôi thì ra tượng đài Bắc Sơn để thắp nhang tưởng niệm".


"Đến khoảng 14:30, tôi nhận tin hai nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng (tự Dũng Phi Hổ) và Đỗ Thanh Vân bị phang ghế vào đầu chảy máu trong lúc đang đi đòi trả tự do cho bà Trần Thị Thảo đang bị tạm giữ tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng."


"Theo như tôi biết thì cũng có 5, 6 người khác đang bị tạm giữ tại các phường."


"Từ thực tế hôm nay thì có thể thấy chính quyền muốn dập tan mọi hoạt động tưởng niệm, trong khi báo chí Việt Nam có đề cập đến Gạc Ma thì cũng chỉ là lừa bịp mà thôi."


"Đảng Cộng sản cố tình bưng bít, lãng quên nhưng nhân dân không quên."


'Không bình luận'


Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty Sách First News - Trí Việt, nói với BBC: "Nhà xuất bản Văn Học thông báo cho tôi biết là bản thảo cuốn sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử sẽ được duyệt xong hai ngày nữa."


"Như vậy là sách có thể phát hành vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2017."


"Việc sách ra trễ hơn dự kiến hôm 14/3 nhưng vẫn tốt hơn là không được xuất bản."


Ông cũng nói thêm: "Dù sao cũng cần ghi nhận là truyền thông Việt Nam hiện đã gọi đích danh tàu Trung Quốc bắn vào những người lính Việt Nam tại Gạc Ma năm 1988 chứ không còn ghi là 'tàu lạ' như trước."


"Hà Nội nên xây dựng bia tưởng niệm, ghi công những người đã ngã xuống ở Hồ Gươm để người dân đến thắp hương cho họ," ông nói.


Đề cập về những người đi tưởng niệm sự kiện Gạc Ma, ông nói "đó là hoạt động tưởng nhớ, hợp truyền thống uống nước nhớ nguồn, rất đáng khuyến khích."


image002

Bản quyền hình ảnh Thong tin Chinh phu Image caption Đài tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa (ảnh của trang Thông tin Chính phủ)


Tuy vậy, ông "không bình luận" về những trường hợp cáo buộc bị đánh khi đi tưởng niệm.


Báo Điện tử của Chính phủ Việt Nam tường thuật: "Sáng 14/3, các cựu binh Trường Sa thuộc Trung đoàn E83 tham gia chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ88) tại Đà Nẵng, đã tổ chức lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma".


"Sau lễ tưởng niệm, các đồng chí đồng đội E83 tại Đà Nẵng đã tiến hành thả đèn, hoa tại cửa sông Hàn để ngưỡng vọng linh hồn 64 cán bộ chiến sĩ, đồng đội đồng chí đang nằm lại Gạc Ma."


Trang Thông tin Chính phủ cũng cho hay, Khu tưởng niệm đặt tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, để tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân hy sinh tại đảo Gạc Ma sẽ được khánh thành vào ngày 27/7/2017.


"Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng, từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước," website này viết./(theo BBC 14/3/2017)


+++++++++++++++++++++++++++++++


Những chuyện chưa kể về 14-3-1988 - Kỳ 1:

Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương về Trận Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao 1988

13/03/2017


TTO - 29 năm sau ngày quân Trung Quốc thảm sát chiếm Gạc Ma ở Trường Sa ngày 14-3-1988 - những người trong cuộc kể lại với Tuổi Trẻ những hồi ức không bao giờ quên của những giờ khắc bi tráng ngày ấy.


image004

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa tổ chức trên tàu KN409 tháng 4-2016 - Ảnh: N.T.U


29 năm trước. Sáng 13-3-1988, khi thuyền trưởng tàu vận tải HQ605 Lê Lệnh Sơn đang cho tàu tiếp dầu ở gần đảo Tốc Tan thì cơ yếu của tàu nhận được bức điện tối mật của Tư lệnh hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 hải quân Giáp Văn Cương ký hai ngày trước: ngày 11-3-1988.


“Ngày N” và Len Đao


Cựu thuyền trưởng HQ605 nhớ lại: “Bức điện tối mật ghi rõ: Gửi đồng chí Sơn - thuyền trưởng HQ605. Tư lệnh hải quân lệnh: Đúng 6 giờ ngày N phải đến Len Đao. Sẽ có tàu chở hàng và nhà tới sau...”.


Trong bức điện còn có ghi chú của trung tá Đỗ Xuân Công, lúc đó là phó tham mưu trưởng Vùng 4 (sau này là phó đô đốc, tư lệnh hải quân từ năm 2000 - 2005 - PV):


“N là ngày 14-3. Trước đây có thống nhất với đồng chí Cai là 7 giờ ngày N. Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14-3 tàu 605 phải đến được Len Đao. Để thực hiện được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13-3, 605 phải tập kết ở Tốc Tan”.


image005

Tàu HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988


image006

Tàu 505 - Thuyền trưởng là Vũ Hữu Lễ đã cho con tàu đã lao lên ủi bãi cạn Cô Lin


Lý giải về việc thay đổi thời gian có mặt ở đảo chìm Len Đao từ 7 giờ sáng 14-3-1988 thành 6 giờ sáng, phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công cho biết: “Nếu đến 7 giờ e rằng sẽ bị muộn. Nếu Trung Quốc đến trước mình thì sẽ cắm cờ ngay. Mình phải đến sớm hơn để giữ đảo”.


Đúng 11 giờ trưa 13-3-1988, tàu 605 đã có mặt ở Tốc Tan và 11 giờ đêm 13-3, 605 tiếp tục cơ động từ Tốc Tan qua Len Đao.


“Chúng tôi phải tính toán để làm sao đến Len Đao đúng 6 giờ sáng với nhiệm vụ cụ thể là ủi tàu lên đảo, khẳng định chủ quyền của mình. Không sớm hơn mà càng không được muộn hơn. Nếu sớm hơn thì bình minh chưa lên, không nhìn thấy đảo. Nếu muộn đảo sẽ bị Trung Quốc chiếm mất”, ông Lê Lệnh Sơn kể lại.


Đúng 6 giờ sáng, tàu HQ605 đã đến Len Đao, thả neo chờ lệnh. Trong khi đó, từ chiều tối 13-3, tàu HQ604 và 505 đã đến đảo Gạc Ma và Cô Lin. Theo kế hoạch, buổi sáng 14-3, các tàu phải cùng lúc có mặt ở các đảo trước khi Trung Quốc đến. Nhưng HQ605 đã không thể ủi lên bãi cạn Len Đao.


2 tàu cháy và 1 công sự thép


Hơn hai tiếng đồng hồ sau khi HQ605 đến Len Đao, tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, lúc 8 giờ 05. Bất ngờ, từ khoảng cách hơn 1 hải lý, loạt pháo đỏ rực từ tàu khu trục Trung Quốc bắn xé lửa về phía HQ605.


Ngay từ loạt bắn đầu, Trung Quốc đã bắn trúng vào khoang máy và đài chỉ huy - hai vị trí quan trọng nhất trên một con tàu. Tàu 605 bị tê liệt hoàn toàn. Không thể cơ động. Không thể tiến, lùi.


Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bị thương nặng ở đầu và chân. Một chiến sĩ thợ máy hi sinh. Con tàu bốc cháy ngùn ngụt như bó đuốc. HQ605 là tàu vận tải nhỏ, chỉ có một lớp thép nên khi bị pháo bắn là xuyên thủng.


Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ. Nguồn điện bị cắt đứt hoàn toàn. Cơ yếu không thể gửi điện về Bộ chỉ huy Vùng 4 báo cáo. Ba tiếng đồng hồ sau khi bị bắn, sắt thép trên con tàu chảy tràn, nóng rực, những người lính buộc phải rời tàu bơi về đảo Sinh Tồn.


Sáu tiếng đồng hồ sau họ mới bơi đến Sinh Tồn. Trong khi đó, ở Gạc Ma, tàu HQ604 đã bị bắn cháy và chìm, cuốn theo những cán bộ chiến sĩ hi sinh và cả người bị thương xuống đáy biển.


Còn ở Cô Lin, tàu HQ505 đã kịp ủi lên bãi, biến con tàu trở thành công sự thép khẳng định chủ quyền.


“Việc HQ505 lao lên đảo không nằm ngoài kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân. Trước khi tàu ra Trường Sa, Bộ tư lệnh Quân chủng đã có rất nhiều phương án trong nhiều tình huống.


Trước đó chỉ vài ngày, chúng ta đã lao tàu lên đảo Đá Lớn khi bị các tàu Trung Quốc bao vây và nhờ vậy mà mình giữ được Đá Lớn”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công kể.


image007

Cựu thuyền trưởng tàu HQ 605 Lê Lệnh Sơn nhớ lại sự kiện 14-3-1988 - Ảnh: My Lăng


<

Dù phải hi sinh đến người cuối cùng...


Khi ba tàu HQ604, 605 và 505 ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng nhiều lãnh đạo hàng đầu của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã vào Bộ chỉ huy Vùng 4 trực tiếp theo dõi, chỉ huy.


“Tôi còn nhớ hôm đó giao ban buổi sáng 14-3-1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương thông báo: Trung Quốc đã cướp đảo! Bộ đội mình đã bị bắn, nhiều người hi sinh. 605 và 604 bị bắn chìm. 505 đã lao lên đảo Cô Lin... Mọi người lặng đi.


Chúng tôi lặng đi vì thương tiếc anh em đồng chí đồng đội mình, và vì quá bất ngờ trước sự liều lĩnh, bất chấp của Trung Quốc. Ai cũng bất bình”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công nói.


Ông Đỗ Xuân Công vẫn còn nhớ rất rõ sự điềm tĩnh và quyết đoán của Tư lệnh Giáp Văn Cương - một vị tướng kinh qua nhiều trận chiến.


image008

Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại Vùng 4 Hải quân - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân


image009

Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân


Sau khi phân tích tình hình, Tư lệnh Giáp Văn Cương truyền đi hai bức điện khẩn: lệnh cho các đơn vị trong bờ đưa ngay các tàu ra cứu hộ và bức điện thứ hai lệnh cho các đảo gần đó cấp cứu, chữa trị những đồng chí bị thương và chôn cất liệt sĩ khi về đảo.


Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng điện báo cáo Bộ Quốc phòng và gửi cho Bộ Ngoại giao để phản đối Trung Quốc. Ông còn động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân chủng, tiếp tục ra Trường Sa làm nhà cấp tốc để khẳng định chủ quyền ở tất cả các đảo chìm còn lại.


“Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: dù phải hi sinh đến người cuối cùng vẫn phải giữ đảo! Chúng ta không được sợ! Phải nhanh chóng khẳng định chủ quyền ở các đảo chìm khác trước khi Trung Quốc đến! Không thể để họ cướp đảo như Gạc Ma lần nữa.


Nếu lúc đó mà sợ, không dám đưa thêm tàu ra, đưa bộ đội ra làm nhà giữ những đảo khác thì không giữ được các đảo cho đến hôm nay.


Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng khẳng định quyết tâm phải giành lại Len Đao. Anh Cương ra lệnh cho các tàu vận tải chở bộ đội ra chi viện giữ đảo Cô Lin và các đảo chìm khác”, ông Đỗ Xuân Công nhớ lại.


Những ngày không ngủ


Phó đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết những ngày sau 14-3 ở Bộ chỉ huy Vùng 4, tất cả mọi người từ tướng đến quân không ai ngủ. Không khí rất căng thẳng.


Trung tá Đỗ Xuân Công được bổ nhiệm lên làm phó chỉ huy Vùng 4 (tương đương phó tư lệnh bây giờ - PV). Ông là người viết các bức điện do tư lệnh chỉ đạo và gửi ra đảo, ra tàu cũng như nhận báo cáo tình hình hằng ngày từ Trường Sa về để báo cáo tư lệnh.


“Tư lệnh Giáp Văn Cương làm việc bất kể ngày đêm. Bình thường một ngày họp giao ban một lần nhưng những ngày đó một ngày họp ba lần: sáng, trưa, tối. Lúc nào cần là họp, là triệu tập ngay. Có lúc họp 12 giờ đêm. Có hôm 1-2 giờ sáng triệu tập toàn bộ chỉ huy đầu não của Quân chủng, Vùng 4 lại họp”, ông Công kể.


Ông Đỗ Xuân Công cho biết những ngày đó cả Quân chủng hừng hực khí thế. Lực lượng từ các nơi được điều về Cam Ranh: đặc công nước, tàu vận tải, hải quân đánh bộ...


Kể cả học viên của Học viện Hải quân cũng được huy động, tạm thời ngừng học ra đảo để tập kết vật tư, vật liệu cấp tốc làm nhà khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm còn lại. Sau đó mấy ngày, các tàu dân sự hàng nghìn tấn cũng được huy động chở vật tư, vật liệu ra đảo làm nhà.


Có một chuyện rất ít người biết. Đó là ngay trong ngày 14-3, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã ra lệnh điều cả tàu chiến của lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu ra sẵn sàng chiến đấu.


Ông Đỗ Xuân Công cho hay: “Lúc đó anh Cương đã lệnh cho các tàu săn ngầm của lữ đoàn 171 xuất phát ra đánh tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng tương quan lực lượng của chúng ta với Trung Quốc quá chênh lệch.


Tàu chiến của mình lúc đó chỉ có mấy chiếc tàu pháo mà loại tàu rất nhỏ, còn tàu săn ngầm thì chỉ có pháo, ngư lôi, trong khi Trung Quốc có tàu khu trục, tàu pháo, tàu tên lửa rất to, rất hiện đại”.


image010

Phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công - phó tham mưu trưởng Vùng 4 thời điểm tháng 3-1988 - Ảnh: My Lăng


Nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công nói: “Việc Trung Quốc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam mình càng thúc đẩy thêm quyết tâm phải nhanh chóng nắm giữ, khẳng định chủ quyền các đảo chìm còn lại...


Lúc đầu kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng là làm nhà trên 12 đảo chìm trong 3 năm để khẳng định chủ quyền. Nhưng khi xảy ra sự kiện ngày 14-3, chúng ta làm chỉ trong 1 năm. Nhanh gấp 3 lần!”./


MY LĂNG


Những chuyện chưa kể về 14-3-1988 - Kỳ 2:


Bơi 1.500m cắm cờ trên đảo Cô Lin


14/03/2017


TTO - Phía xa các tàu chiến Trung Quốc đang tiến đến bao vây. Bộ đội mình chỉ mặc quần đùi, nối nhau bơi vào đảo, vừa bơi vừa kéo theo hàng trăm ký vật tư: cuốc, thuổng, xà beng... 


image011

Cựu chiến binh Bùi Văn Thanh - thành viên trong nhóm bơi vào đảo Cô Lin cắm cờ và tiêu rạng sáng 14-3-1988 trước khi cuộc thảm sát Trường Sa diễn ra - hồi ức về những thời khắc bi tráng - Ảnh: My Lăng


Tàu vận tải đổ bộ HQ505 còn có tên gọi là Dương Vận Hạm Vũng Tàu. Trước khi bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chỉ vài tiếng trước khi cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14-3-1988 xảy ra, một nhóm chiến sĩ của tàu 505 đã bí mật bơi vào đảo kịp cắm cờ và cắm tiêu khẳng định chủ quyền trên bãi cạn Cô Lin.


Đêm căng thẳng


Trước đó, khoảng 2h sáng 14-3, nhận thấy những hành động khiêu khích đầy nguy hiểm của tàu chiến Trung Quốc, chỉ huy tàu 505 đã hội ý và nhận định: đến sáng 14-3 quân Trung Quốc sẽ điều động lực lượng đến gây xung đột đánh chiếm đảo.


Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ điện báo cáo khẩn cấp về Sở chỉ huy quân chủng xin chỉ thị. Ngay sau đó, 505 nhận được bức điện của Tư lệnh Giáp Văn Cương: Cắm cờ cắm tiêu, lao tàu lên chiếm đảo!


Ban chỉ huy tàu đã lựa chọn những thủy thủ bơi giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất cử đi trong nhóm cắm cờ.


“4h30 sáng 14-3-1988 chúng tôi đã dậy, tập trung nhận nhiệm vụ bơi vào đảo cắm cờ, cắm tiêu” - hạ sĩ Bùi Văn Thanh, chiến sĩ ngành cơ điện tàu HQ505 hiện đang sống ở Hải Phòng, nhớ lại.


Ông kể: “Cả đêm 13-3 cho đến khuya, tình hình vô cùng căng thẳng. Từ chiều 13-3, tàu chiến Trung Quốc cứ thả trôi về phía mình, khi đến gần nó lại nổ máy chạy ra. Nó muốn thử xem mình có sợ, có bỏ chạy không. Tàu neo cách đảo gần 1 hải lý.


Đêm xuống, tàu chiến bao vây mình. Nó cứ đưa tàu đến cạnh, dùng loa phóng thanh đuổi mình đi, dọa không đi sẽ dùng vũ lực. Rồi nó quay pháo chĩa hết về tàu mình. Cả đêm nó xua đuổi, khiêu khích, đe dọa, tra tấn bằng loa. Mình cứ neo đấy, phòng thủ.


Phải nói là chỉ huy tàu rất bình tĩnh, bản lĩnh. Các anh nói anh em không được mắc mưu khiêu khích, không được đáp trả, về vị trí sẵn sàng làm nhiệm vụ.


Tàu mình là tàu vận tải, làm gì có vũ khí chiến đấu, chỉ có vũ khí tự vệ. Trên tàu chỉ có 6 khẩu pháo 40 li là loại pháo tự vệ không phải pháo tấn công. Mỗi người chỉ có một khẩu AK là loại súng bộ binh tự vệ, không bắn tàu nó được”.


5h40 sáng 14-3-1988, đại úy Võ Tá Du (bí thư chi bộ, thuyền phó chính trị) chỉ huy một nhóm gồm 12 cán bộ, chiến sĩ lao xuống biển, bơi vượt qua 1.500m vào đảo để cắm cờ và tiêu.


“Cô Lin là đảo chìm nên lúc đó chưa nhìn thấy đảo, cứ nhằm hướng có sóng trắng tung lên mà bơi vào. Hôm đó biển rất êm.


Bộ đội mình chỉ mặc quần đùi, nối nhau bơi vào đảo. Người này bơi cách người kia 1m, san sát nhau. Có lúc gặp nước ngược, nước quẩn thì hơi nguy hiểm. Cách đảo khoảng 500m, biển sâu lắm, 40-50m. Nhưng anh em toàn dân bơi lội giỏi nên xử lý tốt.


Chúng tôi vừa bơi vừa mang theo hàng trăm ký vật tư như cuốc, thuổng, 5-6 cái xà beng... trên một cái phao bè. Xà beng nặng lắm. Mỗi cái 15-20kg rồi. Phao bè không có chân vịt, chỉ có dây bám xung quanh. Anh em vừa bơi vừa đẩy.


Khi vào đến mép đảo thì cầm dây vừa lội vừa kéo phao bè vào đảo. Vất vả nhất là lúc gần vào đảo. Nước biển gặp bãi san hô bị cản lại, tạo thành sóng rất mạnh. Anh em cứ bị sóng đẩy ra rồi lại rút vào. Vật lộn mãi một lúc mới tập kết được vật tư lên đảo” - hạ sĩ Bùi Văn Thanh kể.


Chân tay ứa máu


“Chạm chân xuống nền san hô là bộ đội nhanh chóng triển khai nhiệm vụ ngay. Anh em chia thành hai tổ. Mỗi tổ đi một hướng. Đảo Cô Lin dài khoảng 10km, rộng 5km. Một tổ cắm cờ phía bắc đảo, một tổ cắm cờ phía nam đảo.


Tôi trong nhóm đi phía bắc đảo do thuyền phó chính trị Võ Tá Du chỉ huy. Còn phía nam do thượng úy Nguyễn Huy Cường - thuyền phó hậu cần - chỉ huy.


Trong nhóm có thiếu úy Phạm Xuân Điệp, trưởng ngành hàng hải. Anh Điệp bây giờ là phó tư lệnh - tham mưu trưởng hải quân” - ông Lê Tiến Dũng (lúc đó là trung sĩ, tiểu đội phó ngành cơ điện) nói.


Khi đó thủy triều đang lên. Đảo ngập dưới nước. Nước dâng lên ngang ngực. Để có thể cắm cọc tiêu, cắm cờ trên nền san hô, bộ đội từ sĩ quan chỉ huy đến chiến sĩ phải lặn xuống biển dùng xà beng bẩy từng tảng đá san hô. Rồi 2-3 người xúm vào khiêng tảng san hô lên, chất thành nền.


Lớp trên là san hô non, rất mềm nhưng khi đào xuống khoảng 50cm thì san hô cứng như đá ong. Xà beng bập xuống trúng lớp đá san hô cứng bị dội bật lên khiến bàn tay gân guốc của đàn ông cũng cảm thấy đau rát.


Thời gian không cho phép chậm trễ, phía xa các tàu chiến Trung Quốc đang tiến đến bao vây HQ505. Bộ đội phải dùng hết sức bẩy đá san hô để nhanh chóng cắm cọc tiêu và cờ Tổ quốc.


Một người được giao nhiệm vụ giữ cọc, 4-5 người thay nhau lặn, bẩy đá san hô khiêng lên chất thành đế nền san hô cao tới 1m, rộng 2m.


Mỗi tổ sáu người cật lực ngụp lặn, đào đắp trong khoảng 70 phút mới tạo xong nền san hô. Không có ximăng, bộ đội phải làm nền bằng san hô thật cao, thật chắc.


Nếu không sóng sẽ đánh đổ cọc tiêu, đổ cờ ngay. Cọc tiêu bằng gỗ xà cừ, đường kính 15cm, cao 5m. Bộ đội dùng dây thép cột cờ Tổ quốc vào cọc.


“Chúng tôi làm rất nhanh, không ai để ý cho đến khi làm xong mới thấy tay tóe máu. Chân cũng bị san hô cứa ngang cứa dọc. Có người đi giày vải, có người chỉ đi dép rọ. San hô sắc nhọn cứa chân tay tứa máu” - ông Đào Tất Hồng (52 tuổi, hiện đang sống ở Vũng Tàu), một trong những thành viên của tổ cắm cờ ở phía nam đảo Cô Lin, cho biết.


image012

Các thành viên trong nhóm bơi vào đảo Cô Lin cắm cờ và tiêu trong buổi gặp mặt truyền thống ngày 12-3-2017 tại TP.HCM. Chuẩn đô đốc Phạm Xuân Điệp, phó tư lệnh - tham mưu trưởng hải quân (thứ hai từ trái) - Ảnh: My Lăng


Tiếng súng vang lên


Đến 7h, chỉ trong chưa tới hai tiếng hai tổ đã kịp đào đắp nền san hô, cắm cờ và tiêu khẳng định chủ quyền Tổ quốc tại phía bắc và phía nam đảo Cô Lin trước khi trận chiến không cân sức nổ ra.


“Lúc này chúng tôi mới thấy mệt, thấy đói. Lúc đi anh em đã ăn gì đâu” - cựu chiến binh Bùi Văn Thanh nói.


Cựu chiến binh Đào Tất Hồng kể: “Hơn 7h thì chúng tôi về đến tàu. Tôi đang ở phòng anh Du, mới cắn một miếng lương khô thì nghe một tràng súng nổ rất lớn. Nghe tiếng súng nổ, tôi biết nó bắn 604 rồi.


Bên phía Gạc Ma chỗ tàu HQ604 neo đậu có rất nhiều tàu chiến Trung Quốc vòng trong vòng ngoài, vòng trước vòng sau. Toàn tàu pháo, tàu tên lửa, tàu lôi...


Nhìn ra cửa sổ thấy cột khói cuồn cuộn bốc lên từ tàu HQ604. 604 cháy rồi từ từ chìm xuống. 604 là tàu vận tải loại nhỏ, chỉ có một khoang nên khi bị trúng đạn pháo là chìm rất nhanh. Anh em bên đó không thể kịp chống chìm cho tàu. Bên tàu tôi báo động chiến đấu ngay.


Chúng tôi lao vào các vị trí chiến đấu. Khi tàu 604 chìm, ba tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc ở ba hướng quay sang bắn tàu chúng tôi. Phát đầu tiên nó bắn ngay vô buồng thuyền trưởng nhưng lúc đó anh Lễ (thuyền trưởng Vũ Huy Lễ - PV) đang ở đài chỉ huy.


Sau đó anh Lễ chạy sang buồng thông tin, chỉ kịp điện báo về bờ “604 bị chìm. 505 bị tấn công” thì buồng thông tin trúng ngay quả đạn thứ hai. Hệ thống liên lạc của 505 bị tê liệt và hoàn toàn mất liên lạc với Bộ chỉ huy Vùng 4 ngay lập tức”.
03 Tháng Sáu 2022(Xem: 4434)
GIẤC MỘNG MỞ MANG BỜ CÕI VỀ PHƯƠNG NAM CỦA BẮC KINH
18 Tháng Năm 2022(Xem: 4700)
BÊN LỀ THƯỢNG ĐỈNH W, D.C. 2022
01 Tháng Năm 2022(Xem: 4711)
06 Tháng Tư 2022(Xem: 4520)
31 Tháng Ba 2022(Xem: 4734)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
27 Tháng Ba 2022(Xem: 4765)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
14 Tháng Ba 2022(Xem: 5219)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ-NATO (Kỳ 3)
08 Tháng Ba 2022(Xem: 5271)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ & NATO (Kỳ 2)