Trung - Mỹ cạnh tranh, Rodrigo Duterte đắc lợi

08 Tháng Mười Một 20164:37 CH(Xem: 13180)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  09  NOV  2016


Gió đã đổi chiều?


Trung - Mỹ cạnh tranh, Rodrigo Duterte đắc lợi


(GDVN) - Rodrigo Duterte đã vận dụng triệt để chiến lược lược "trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi" thời Chiến tranh Lạnh trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.


The New York Times ngày 3/11 có bài phân tích của Max Fisher nhận định, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã vận dụng triệt để chiến lược lược "trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi" thời Chiến tranh Lạnh trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.


Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố sẽ "chia tay" nước Mỹ. Nhưng trên thực tế, liên minh Hoa Kỳ - Philippines vẫn nguyên vẹn, trong khi Trung Quốc đã nới lỏng phong tỏa Scarborough, "mắt nhắm mắt mở" để ngư dân Philippines đánh bắt mà không quấy rối.


Thay vì chuyển đổi "lòng trung thành" từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte quản lý chúng tách rời nhau, qua đó cải thiện vị thế của mình với cả Nhà Trắng lẫn Trung Nam Hải.


Đồng thời ông củng cố ảnh hưởng trong nước như một lãnh đạo dân tộc mạnh mẽ, không khuất phục các thế lực ngoại bang.


image003

TT Philippines Rodrigo Duterte duyệt hàng quân danh dự cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: WSJ.


Dù có chủ ý hay không, Rodrigo Duterte vẫn đang theo đuổi một chiến lược mà các nhà lãnh đạo sử dụng nó trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh: Cân bằng giữa các siêu cường bằng cách đe dọa thay đổi lòng trung thành.


Hồ sơ theo dõi chiến lược đó đã soi sáng câu trả lời cho câu hỏi, tại sao Rodrigo Duterte dường như liều lĩnh nhưng lại hiệu quả như vậy?


Nhà sử học John Lewis Gaddis gọi đây là một loại cân bằng quyền lực mới trong cuốn sách ông xuất bản năm 2005, "Chiến tranh Lạnh: Một lịch sử mới".


Trong cuốn sách này, ông ghi lại các quốc gia hạng trung ở châu Á, châu Phi và châu Âu đã giành được sự nhượng bộ từ cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ bằng cách gợi ý, họ có thể "đổi bên".


Mặc dù những đe dọa này thường không có thực, nhưng họ biết chắc các siêu cường rất sợ mất ảnh hưởng nên thường nhanh chóng đáp ứng các ý tưởng bất chợt của các nước nhỏ hơn.


Ví dụ nhà lãnh đạo Nam Tư Josip Broz Tito đã cho Moscow biết trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh rằng, Nam Tư trung lập. Hoa Kỳ thưởng cho ông viện trợ kinh tế, còn Liên Xô buộc phải cho ông quyền tự chủ và tôn trọng hơn, vì lo ngại Nam Tư gia nhập NATO.


Cuối cùng Tito giành được sự nhượng bộ của cả hai bên, nâng cao hình ảnh của mình ở trong nước. Thay vì trở thành nạn nhân của Chiến tranh Lạnh, ông biến nó thành lợi thế cho mình.


Gamal Abdel Nasser của Ai Cập cũng dựa vào cách này, có được viện trợ từ cả hai phía để đẩy lui cuộc xâm lược năm 1956 bởi quân đội Anh, Pháp và Israel.


Chính Trung Quốc thời Mao Trạch Đông cũng sử dụng chiến lược này, và ngày nay lại trở thành mục tiêu của chính chiến lược ấy.


Mặc dù Mao Trạch Đông đứng về phía Liên Xô trong mấy chục năm, nhưng luôn tự hào có thể sử dụng 2 hòn đảo ở eo biển Đài Loan như cây gậy chỉ huy để buộc Eisenhower và Khrushchev phải chạy theo.


Tương tự như vậy, Rodrigo Duterte tuyên bố không cần tài trợ của Mỹ chỉ đủ để Trung Quốc chấp thuận cho vay ưu đãi 9 tỉ USD và để ngư dân Philippines quay lại Scarborough. Tuy nhiên khi về nước, ông chẳng làm gì để hủy bỏ sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.


Taylor Fravel, một nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: "Trung Quốc không ghẹo Duterte mà chính Rodrigo Duterte tán tỉnh Trung Quốc."


Rodrigo Duterte thực sự tìm kiếm viện trợ kinh tế từ Trung Quốc, đồng thời chấm dứt áp lực từ Hoa Kỳ đối với các tranh cãi xung quanh cuộc chiến chống ma túy ông phát động.


Cả hai vấn đề đều thuộc đối nội, không phải chính sách đối ngoại. Tuy nhiên ở một góc độ khác, thủ đoạn này cũng giúp Rodrigo Duterte củng cố quyền lực.


Rodrigo Duterte không phải Mao Trạch Đông, nhưng ông ủng hộ việc tiêu diệt các nghi phạm ma túy mà không qua xét xử lại là một chiến lược tăng cường quyền lực, khả năng kiểm soát như bản thân, trong đó có việc tạo dựng hình ảnh cho mình như một chính khách của chủ nghĩa dân tộc.


Người dân Philippines vốn có cảm tình với Mỹ, nhưng cách thể hiện thái độ với Hoa Kỳ của Rodrigo Duterte khiến nhiều người nghĩ rằng Philippines đã không được đối xử bình đẳng, làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc của họ.


Bằng việc làm cho Mỹ khó chịu nhưng không đuổi Mỹ đi, Rodrigo Duterte nuôi lớn lòng tự tôn ấy trong dân.


Còn thông qua sự nhượng bộ của Trung Quốc, Duterte cho dân Philippines thấy ông đã đi nước cờ chống (áp bức từ) cả hai siêu cường.


Mặc dù Rodrigo Duterte có thể đắc tội với giới lãnh đạo quân sự vốn có quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ bằng những tuyên bố chống Mỹ, và điều này có phần mạo hiểm, nhưng khi thành công nó lại giúp ông tăng khả năng kiểm soát quân đội.


Mỹ lâu nay cũng chẳng lạ gì với trò làm mình làm mẩy của các đồng minh. Những năm 1960 nước Pháp dưới thời Charles de Gaulle cũng không ít lần phá vỡ sự thống nhất của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.


Động thái Pháp rút khỏi NATO về mặt ngoại giao giúp Paris được Mao Trạch Đông thừa nhận, đồng thời phản đối Anh gia nhập Liên minh châu Âu.


Nhờ thủ đoạn này, Charles de Gaulle đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh sức mạnh Pháp suy kiệt vì cuộc chiến lâu dài ở Algeria. 


Nó giúp ông củng cố kiểm soát đất nước trong bối cảnh bị chia năm xẻ bảy vì những cuộc đảo chính quân sự liên miên.


Tổng thống Belarus, Aleksandr G. Lukashenko mặc dù có quan hệ mật thiết với Moscow, nhưng thỉnh thoảng cũng "mở cửa" với phương Tây. Chính điều này khiến cả EU lẫn Moscow đều phải cung cấp năng lượng bổ sung cho Belarus.


Hóa ra các nước lớn ngoài việc nuốt bồ hòn làm ngọt ra, gần như chẳng có lựa chọn nào khả dĩ hơn. Moscow chẳng ưa gì trò này của Lukashenko, nhưng rất sợ để Belarus rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây.


Washington cũng vậy, thường xuyên bị Charles de Gaulle nhục mạ, phá hoại trật tự lãnh đạo của Mỹ với phương Tây, nhưng Hoa Kỳ vẫn sống chết phải bảo đảm an ninh cho Pháp.


Chiến tranh Lạnh đã qua lâu, những tưởng chiêu trò này đã đi vào dĩ vãng, nhưng thực tế nó vẫn cứ tồn tại và không chỉ Rodrigo Duterte mới sử dụng chiến lược này./


Hồng Thủy 05/11/16


Tài liệu tham khảo:


http://cn.nytimes.com/world/20161104/philippines-duterte-us-china-cold-war/


http://www.nytimes.com/2016/11/04/world/asia/philippines-duterte-us-china-cold-war.html?_r=0

21 Tháng Giêng 2023(Xem: 3179)