"Đối thoại lịch sự" giữa ông Obama và ông Trần Đại Quang

30 Tháng Năm 201612:31 SA(Xem: 13536)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 30 MAY  2016

"Đối thoại lịch sự" giữa ông Obama và ông Trần Đại Quang

image008

Phát biểu của Tổng thống Obama, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phần trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo chung

Nhà trắng

Văn phòng Thư ký Báo chí

Dành cho đăng tải ngay
Ngày 23 tháng 5 năm 2016
Phủ Chủ tịch
Hà Nội, Việt Nam

 
12:59 P.M. ICT
 
I. Phát biểu của Chủ tịch Trần Đại Quang:

CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: (Như đã được phiên dịch.) Kính thưa Ngài Barack Obama, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thưa quý bà và quý ông, thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, một lần nữa, tôi nhiệt liệt hoan nghênh Ngài Tổng thống Obama và phái đoàn cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
 
Ngài Tổng thống và tôi đã có cuộc trao đổi tích cực về mối quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Chúng tôi đã trao đổi việc thực hiện tuyên bố chung về Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết tháng 7/2013, và Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ tháng 7/2015 của lãnh đạo cấp cao hai nước. Chúng tôi nhất trí đánh giá quan hệ hai nước thời gian qua đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Hai bên cam kết thực hiện các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
 
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Ngài Tổng thống Obama, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung, nhất trí tăng cường quan hệ đối tác toàn diện theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn. Hai bên nhất trí lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ song phương.
 
Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã đạt được một số kết quả và thỏa thuận quan trọng về kinh tế, thương mại, y tế, nhân đạo, giáo dục đào tạo, thực thi pháp luật, hợp tác tư pháp, và giao lưu nhân dân. Hai bên nhất trí sẽ ưu tiên cao hơn việc giải quyết hậu quả chiến tranh và cam kết tiếp tục hợp tác tích cực trong vấn đề này.
 
Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam tẩy độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa sau khi hai nước kết thúc thành công dự án tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng. Việt Nam đánh giá cao quyết định của Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Việc này cho thấy quan hệ hai nước đã được bình thường hóa hoàn toàn.
 
Ngài Tổng thống Obama và tôi cũng đã trao đổi về phương hướng của quan hệ hai nước thời gian tới và các biện pháp nhằm đưa hợp tác đi vào chiều sâu, nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin và ưu tiên trong hợp tác phát triển, bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên khẳng định nỗ lực sớm thông qua Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Về các vấn đề khu vực và thế giới, Ngài Tổng thống Obama và tôi nhất trí hai bên tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Phía Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
 
Chúng tôi cũng đã trao đổi về những vấn đề liên quan tới tình hình Biển Đông thời gian gần đây, khẳng định tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê-kông. Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi nước mà còn góp phần tăng cường quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
 
Tôi trân trọng cảm ơn thiện chí và những đóng góp quan trọng của cá nhân Ngài Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, bạn bè và nhân dân Hoa Kỳ cho quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi xin chúc Ngài Tổng thống Obama và các thành viên trong phái đoàn một chuyến thăm thành công với những kỷ niệm tốt đẹp về đất nước, con người, văn hóa và lòng mến khách của nhân dân Việt Nam.
 
Xin cảm ơn các bạn phóng viên Hoa Kỳ, Việt Nam và các bạn phóng viên quốc tế có mặt tại đây hôm nay. Xin trân trọng cảm ơn.
 
II. Phát biểu của Tổng thống Obama:

TỔNG THỐNG OBAMA: Xin chào. Xin trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có những lời khen đầy hào hiệp. Và cho phép tôi trân trọng cảm ơn Ngài, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi và phái đoàn của mình sự đón tiếp trọng thị và mến khách.
 
Trong thế kỷ qua, hai nước chúng ta đã biết hợp tác và sau đó là xung đột, sự ngăn cách đau đớn, và quá trình hòa giải lâu dài. Giờ đây, hơn hai thập niên bình thường hóa quan hệ giữa hai chính phủ đã cho phép chúng ta bước sang trang mới.
 
Rõ ràng từ chuyến thăm này, nhân dân hai nước mong muốn có được mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ hơn và sâu sắc hơn. Tôi rất xúc động khi thấy có rất nhiều người đứng xếp hàng trên những con phố khi chúng tôi di chuyển vào nội đô ngày hôm nay. Tôi xin chuyển tới các bạn lời chào và tình hữu nghị của nhân dân Hoa Kỳ, trong đó có các Nghị sỹ tiêu biểu cùng đi với tôi trong chuyến thăm này, cũng như của biết bao người Mỹ gốc Việt với gia đình của họ đang gắn kết chúng ta và nhắc nhở chúng ta về những giá trị mà cả hai bên cùng chia sẻ.
 
Trước đó, tôi đã nêu rõ rằng một trong những ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của tôi với tư cách là Tổng thống là đảm bảo Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn hơn và lâu dài hơn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực cực kỳ quan trọng với an ninh và thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng người dân của khu vực này cần phải được sống trong an ninh, thịnh vượng và có nhân phẩm. Để thực hiện được tầm nhìn này, chúng tôi ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn ở khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương so với những gì chúng tôi đã làm trong nhiều thập kỷ vừa qua, trong đó có Quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.
 
Nếu các bạn xem xét trước đây chúng ta ở đâu và bây giờ chúng ta ở đâu thì các bạn sẽ thấy chuyển biến trong mối quan hệ giữa hai nước thực sự ấn tượng. Trong hơn hai thập niên vừa qua, thương mại song phương đã tăng gần 100 lần, hỗ trợ việc làm và cơ hội ở cả hai nước. Kể từ khi tôi nhậm chức, chúng tôi đã tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam hơn 150%. Chúng tôi hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại đây.
 
Với các chương trình Fulbright của chúng tôi, hàng ngàn sinh viên và học giả của chúng ta đã cùng nhau nghiên cứu. Và hơn 13.000 bạn trẻ khắp nơi ở Việt Nam đang học những kỹ năng mới trong khuôn khổ Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Việt Nam đã trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu có sinh viên đang học tập tại Hoa Kỳ. Năm nay, chúng tôi đã đón nhận gần 19.000 sinh viên – cao nhất từ trước tới nay. Và năm ngoái, Việt Nam đã đón khoảng gần nửa triệu du khách từ Hoa Kỳ tới đất nước này – và tôi dám chắc với các bạn rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều du khách nữa sẽ đến đây.
 
Chính phủ hai nước cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Trong khuôn khổ hợp tác của chúng tôi với ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, chúng ta đang cùng hợp tác để thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực. Việt Nam đã đón các tàu hải quân Hoa Kỳ cập cảng của các bạn. Quân đội hai nước đang tiến hành trao đổi và hợp tác về an ninh hàng hải.
 
Chúng ta đang cùng nhau theo đuổi Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – không chỉ để thúc đẩy thương mại mà còn giúp các nước xích lại gần nhau hơn và củng cố hợp tác khu vực. Chúng ta đang nỗ lực nhiều hơn để ứng phó với những thách thức toàn cầu, từ ngăn ngừa khủng bố hạt nhân tới thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu để việc bùng phát bệnh tật không trở thành bệnh dịch. Và cùng với chuyến thăm này, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhất trí nâng cấp đáng kể hợp tác song phương toàn diện.
 
Chúng ta đang có những bước đi mới để giúp giới trẻ của hai nước có được nền giáo dục và những kỹ năng cần thiết để có thể thành công. Tôi rất vui khi thấy rằng, lần đầu tiên, Tổ chức Hòa bình (Peace Corps) sẽ tới Việt Nam. Các tình nguyện viên Peace Corps của chúng tôi sẽ tập trung giảng dạy tiếng Anh, đồng thời mối quan hệ hữu nghị được nhân dân hai nước bồi đắp sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn nữa trong những thập niên tới.
 
Các công ty công nghệ và cơ sở giáo dục hàng đầu của Hoa Kỳ – bao gồm Intel, Oracle, Đại học Arizona State và nhiều đơn vị khác – sẽ giúp các trường đại học của Việt Nam tăng cường đào tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Trường Đại học Y Harvard, Johnson & Johnson, GE và nhiều cơ sở khác sẽ hợp tác với các trường đại học của Việt Nam để cải thiện đào tạo nghề y. Giờ đây khi Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động, chúng tôi có thể nói rằng Đại học Fulbright Việt Nam – trường đại học độc lập và phi lợi nhuận đầu tiên của cả nước – có thể tiến bước và mở cửa đón chào sinh viên khóa đầu tiên vào mùa thu này.
 
Chúng ta đang tăng cường thương mại. Với việc Việt Nam tuyên bố cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần, điều đó sẽ giúp người Mỹ đến đây, kinh doanh và du lịch dễ dàng hơn. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tôi vừa dự lễ ký kết mà nhiều bạn đã chứng kiến, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đang xúc tiến với những thỏa thuận thương mại mới có trị giá trên 16 tỷ đô-la. Boeing sẽ bán 100 máy bay cho VietJet Air. Pratt & Whitney sẽ bán các động cơ tối tân. GE Wind sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam xây dựng thêm nhiều nhà máy điện gió. Các thỏa thuận như vậy có lợi cho cả hai nước – giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đem lại hàng chục ngàn việc làm cho người dân Hoa Kỳ.
 
Chúng tôi đã nhất trí nỗ lực để phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương càng sớm càng tốt, bởi điều đó sẽ hỗ trợ những cải cách kinh tế hết sức quan trọng tại đây, giúp Việt Nam hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, và giảm thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi về những tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã cam kết đáp ứng trong khuôn khổ TPP về lao động, môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Tôi muốn nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam khi các bạn nỗ lực thực hiện đầy đủ các chuẩn mực này để TPP đem lại lợi ích mà nhân dân hai nước đều kỳ vọng.
 
Về an ninh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình để giải quyết di sản đầy đau đớn của chiến tranh. Thay mặt người dân Hoa Kỳ, trong đó có các cựu binh của chúng tôi, tôi xin trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hợp tác nhiều năm để tìm kiếm người Mỹ bị mất tích trong chiến tranh – những nỗ lực cao cả mà chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ bom mìn còn sót lại. Và bây giờ nỗ lực chung nhằm tẩy độc dioxin – chất độc da cam – ở sân bay Đà Nẵng gần như đã hoàn tất, Hoa Kỳ sẽ giúp tẩy độc ở Sân bay Biên Hòa.
     
Chúng tôi đã nhất trí sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng, bao gồm các tàu tuần tra và huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam, và phối hợp chặt chẽ với nhau để cứu trợ nhân đạo khi xảy ra thiên tai. Tôi cũng có thể tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vỗn đã được áp dụng khoảng 50 năm qua. Cũng giống như với tất cả các đối tác quốc phòng của chúng tôi, việc bán vũ khí sẽ vẫn cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe, bao gồm các yêu cầu liên quan tới nhân quyền. Nhưng sự thay đổi này sẽ đảm bảo rằng Việt Nam được tiếp cận những vũ khí cần thiết để tự vệ và loại bỏ những tàn dư tồn tại dai dẳng của Chiến tranh Lạnh. Điều đó cũng khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bình thường hóa đầy đủ quan hệ với Việt Nam, bao gồm quan hệ quốc phòng chặt chẽ lâu dài với Việt Nam và khu vực này.
 
Nói rộng hơn, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng đoàn kết ủng hộ một trật tự khu vực, trong đó có biển Nam Trung Hoa – nơi các quy tắc và luật lệ quốc tế được đề cao, nơi có quyền tự do hàng hải và hàng không, nơi thương mại hợp pháp không bị cản trở, và nơi mà các tranh chấp được giải quyết hòa bình, thông qua luật pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi muốn nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của các quốc gia được làm tương tự như vậy.
 
Ngay cả khi chúng ta đạt được tiến bộ trên nhiều phương diện như tôi vừa nêu ở trên, vẫn sẽ tiếp tục có những lĩnh vực mà cả hai chính phủ bất đồng, bao gồm vấn đề dân chủ và nhân quyền. Và tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt mô hình chính phủ của chúng tôi lên Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi tôn trọng độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về nhân quyền mà chúng tôi tin rằng là giá trị phổ quát, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do tôn giáo và quyền tự do hội họp. Và điều đó còn bao gồm quyền của công dân, thông qua xã hội dân sự, được tổ chức và giúp cải thiện các cộng đồng và đất nước của mình.
 
Tôi tin rằng – và tôi tiếp tục tin tưởng – rằng các quốc gia sẽ giàu mạnh hơn khi các quyền phổ quát này được đề cao, và khi hai quốc gia chúng ta tiếp tục trao đổi về các vấn đề này trong khuôn khổ đối thoại nhân quyền song phương trên tinh thần xây dựng và hợp tác.
 
Và cuối cùng, Hoa Kỳ và Việt Nam đang mở rộng hợp tác theo nhiều cách để đem lại lợi ích cho thế giới. Trong khuôn khổ quan hệ đối tác biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ giữa hai nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam khi các bạn thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris. Nhờ hai nước chúng ta và nhiều quốc gia khác đã cam kết đạt được thỏa thuận trong năm nay, chúng ta sẽ sớm đưa thỏa thuận này có hiệu lực trước kỳ vọng của tất cả mọi người.
 
Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ các địa phương ở những khu vực dễ bị tổn thương như đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Điều đó còn bao gồm năng lượng các-bon thấp trong khuôn khổ hợp tác song phương về năng lượng hạt nhân dân sự. Khi Việt Nam chuẩn bị làm sâu sắc thêm cam kết của mình về gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ tự hào được hỗ trợ trung tâm đào tạo gìn giữ hòa bình mới của Việt Nam.
 
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang về lòng mến khách. Tôi mong muốn có cơ hội được gặp gỡ người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ nhâm nhi một chút cà phê sữa đá. Tôi tin rằng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ có thể là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong khu vực trọng yếu này của thế giới. Tôi tin rằng việc nâng cấp mối quan hệ mà chúng ta đạt được ngày hôm nay sẽ đem lại an ninh, thịnh vượng và nhân phẩm nhiều hơn cho hai dân tộc trong nhiều thập niên tới đây.
 
Xin cảm ơn.
 
III. Câu hỏi của phóng viên:

* "Đấu khẩu lịch sự" giữa Obama và Trần Đại Quang

Câu hỏi: Tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Tôi có câu hỏi cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thưa Chủ tịch, xin Chủ tịch cho biết những đánh giá về bước tiến nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua? Xin cảm ơn.
 
CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: (Như đã được phiên dịch.) Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Tôi có thể khẳng định sau hơn hai mươi năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 7/1995 đến nay, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị và ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từ cựu thù trở thành bạn. Và giờ đây chúng ta là đối tác toàn diện.
 
Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có những chuyến thăm chính thức lẫn nhau, và quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ trên cả bình diện song phương và đa phương. Chúng ta chia sẻ mối quan tâm chung đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Và chúng ta cũng chia sẻ ngày càng nhiều những quan tâm chung, đặc biệt liên quan đến việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
 
Về hợp tác kinh tế, tôi cũng vui mừng thông báo kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 130 lần, lên 44,5 tỷ đô-la Mỹ vào năm ngoái. Hoa Kỳ hiện đang là nhà đầu tư lớn thứ bảy tại Việt Nam, và tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam như Ngài Đại sứ Ted Osius đã từng đề cập. Quan hệ thương mại song phương giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
 
Về hợp tác giáo dục và đào tạo, chúng ta cũng đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Ví dụ, Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức được cấp phép thành lập. Số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tăng 56 lần, lên tới 28.000 học sinh sinh viên – đứng đầu các nước ASEAN. Quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh tiếp tục phát triển phù hợp với nhu cầu của hai bên.
 
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ngày càng thực chất hơn. Hai nước vừa hoàn tất giai đoạn một dự án tẩy độc tại Sân bay Đà Nẵng, và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn hai ở nhiều điểm, trong đó có Sân bay Biên Hòa. Cùng với bước tiến trong quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiếp tục làm việc cùng nhau và mở rộng hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm tại các diễn đàn quốc tế.
 
     Những bước tiến trong quan hệ song phương bắt nguồn từ thực tế hai bên ngày càng chia sẻ những mối quan tâm và lợi ích chung. Và cả hai bên đều nhận thức đầy đủ (không nghe rõ) tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và lợi ích chính đáng của nhau. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama tới Việt Nam chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển và thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
 
Xin cảm ơn.
 
Câu hỏi: Tôi có câu hỏi cho cả Tổng thống và Chủ tịch nước về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Theo các ông, sự cần thiết phải tăng cường răn đe quân sự của Việt Nam trước ứng xử của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa ở mức độ nào trong quyết định này? Liệu điều đó có bao gồm việc mở rộng tiếp cận của Hoa Kỳ tới các cảng của Việt Nam hay không, trong đó có Vịnh Cam Ranh?
 
Câu hỏi trực tiếp cho Tổng thống Obama, Hoa Kỳ sẽ quyết định bán vũ khí ở mức độ nào trên cơ sở xem xét vấn đề nhân quyền?
 
Và câu hỏi cho Chủ tịch nước Quang, ông làm gì trước sự thúc giục của Hoa Kỳ yêu cầu cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
 
TỔNG THỐNG OBAMA: Matt, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm không căn cứ vào Trung Quốc hay bất kỳ cân nhắc nào khác. Quyết định đó được dựa trên nguyện vọng của chúng tôi muốn hoàn tất một quá trình dài hướng tới bình thường hóa với Việt Nam – một quá trình đã khởi đầu với những cuộc trao đổi đầy khó khăn nhưng cũng rất can đảm cách đây nhiều thập niên, bao gồm những cuộc trao đổi do Ngoại trưởng John Kerry, các Thượng Nghị sỹ Tom Carper và John McCain dẫn đầu, và biết bao cựu binh chiến tranh Việt Nam khác, cũng như các đối tác của chúng ta trong Chính phủ Việt Nam.
 
Qua thời gian, những gì mà chúng ta đã thấy là mối quan hệ ngày càng được làm sâu sắc và mở rộng thêm. Và điều trở nên rõ ràng đối với tôi và chính quyền của tôi ở thời điểm này là, trên cơ sở tất cả những công việc mà chúng ta phối hợp cùng nhau ở tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, an ninh đến những nỗ lực nhân đạo, thì dỡ bỏ lệnh cấm toàn diện là điều phù hợp với chúng ta. Giờ đây, mọi thương vụ mua bán vũ khí mà chúng tôi thực hiện với các bên đều được xem xét trên từng giao dịch cụ thể, và chúng tôi xem xét những gì là phù hợp và những gì là không phù hợp, và có những đồng minh rất thân cận của chúng tôi nhưng chúng tôi có thể không bán trong trường hợp cụ thể nào đó chừng nào chúng tôi chưa biết rõ cuối cùng vũ khí đó sẽ được sử dụng như thế nào. Do vậy chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét đánh giá theo từng trường hợp cụ thể đối với các thương vụ bán vũ khí này. Nhưng điều mà nay không tồn tại nữa là một lệnh cấm dựa trên sự chia rẽ tư tưởng giữa hai nước, bởi vì chúng tôi cho rằng, ở giai đoạn này, cả hai bên đã thiết lập được một mức độ nhất định lòng tin và sự hợp tác, bao gồm hợp tác giữa quân đội hai nước, điều này phản án những lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau.
 
Trên thực tế, một trong những việc đã diễn ra thông qua Quan hệ Đối tác Toàn diện này là đối thoại giữa quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam mà trong cả một thời gian dài chúng ta không có được. Chúng tôi đã có những con tàu Hoa Kỳ cập cảng tại đây. Chúng tôi hy vọng rằng hợp tác giữa hai quân đội sẽ được làm sâu sắc thêm, thông thường là qua cách thức chúng ta ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo trong khu vực này. Mà như thế, sẽ có những thời điểm thêm nhiều tàu của Hoa Kỳ có thể sẽ đến đây, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ chỉ làm như vậy khi có lời mời và cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam, hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và những điều nhạy cảm của Việt Nam.
 
Giờ đây, tôi cho rằng còn có mối quan tâm chung thực sự về vấn đề hàng hải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và tôi cũng không giấu giếm về điều đó. Việt Nam, cùng với ASEAN, đã nhóm họp theo lời mời của tôi tại Sunnylands, California, và chúng tôi đã ra tuyên bố hết sức mạnh mẽ rằng điều quan trọng với chúng tôi là phải duy trì quyền tự do hàng hải và duy trì các chuẩn mực và luật lệ, luật pháp quốc tế vốn đã giúp đem lại thịnh vượng và thúc đẩy thương mại, hòa bình và an ninh trong khu vực này. Và tôi tin tưởng rằng, liên quan đến biển Nam Trung Hoa – mặc dù Hoa Kỳ không ủng hộ bất kỳ yêu sách cụ thể nào – song chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng các vấn đề tranh chấp cần phải được giải quyết hòa bình, qua con đường ngoại giao, phù hợp với chuẩn mực và luật lệ quốc tế, chứ không dựa vào việc bên nào lớn hơn và bên nào có thể có sức mạnh nhiều hơn.
 
Đồng thời, như tôi đã nêu trong phát biểu ban đầu của mình, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng không và hàng hải khi luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi hy vọng rằng, cuối cùng, các bên có yêu sách và nhiều tranh chấp khác nhau có thể được giải quyết, và chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ mà mình có thể để thúc đẩy điều đó. Trong quá trình này, một phần trong quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam sẽ là cải thiện vị thế an ninh hàng hải của Việt Nam vì rất nhiều lý do. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng quyết định của tôi về việc dỡ bỏ lệnh cấm thực sự phản ánh nhiều hơn tính chất đang thay đổi trong quan hệ song phương.
 
Điểm cuối cùng, liên quan cụ thể tới nhân quyền, như tôi đã nêu trong phần phát biểu ở trên, đây là lĩnh vực mà chúng ta vẫn còn khác biệt. Đã có tiến bộ khiêm tốn trong một số lĩnh vực mà chúng tôi đã xác định là quan ngại. TPP thực sự là một trong những phương cách thúc đẩy hàng loạt những cải cách về lao động tại Việt Nam mà rút cuộc sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng điều đó không trực tiếp gắn với quyết định về bán vũ khí.
 
CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: (Như đã được phiên dịch.) Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Tôi xin trả lời những vấn đề có liên quan đến nhân quyền trong quan hệ hai nước. Thưa các bạn, quan điểm nhất quán của Nhà nước Việt Nam là luôn luôn bảo vệ, tôn trọng quyền con người. Điều này đã được ghi rất rõ trong Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Chúng tôi đang tiếp tục thể chế hóa bằng các dự án luật có liên quan đến vấn đề tôn trọng, bảo vệ quyền con người.
 
Thực tế hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới của đất nước chúng tôi, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó có vấn đề tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Những thành tích đó đã được cộng đồng quốc tế, dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Một trong những ví dụ minh chứng điển hình là Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
 
Như Ngài Tổng thống Obama đã nêu ở trên, giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những khác biệt trên một số vấn đề, và điều đó cũng dễ hiểu, trong đó có vấn đề nhân quyền. Quan điểm của chúng tôi là, trên cơ sở tôn trọng và với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, hai nước cần tiếp tục mở rộng đối thoại. Làm như vậy, chúng ta sẽ giảm thiểu những khác biệt trên các lĩnh vực chung, trong đó có vấn đề nhân quyền.
 
Thời gian của chúng ta vẫn còn. Xin mời các quý vị đặt câu hỏi tiếp.
 
Câu hỏi: (Như đã được phiên dịch.) Ngài đã tới thăm trên 50 quốc gia trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, và Việt Nam nằm trong số những nước cuối cùng trong danh sách đó. Vậy Ngài có thể nói gì về mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ? Hoa Kỳ coi Việt Nam quan trọng đến đâu trong chính sách đối ngoại của mình? Xin trân trọng cảm ơn.
 
TỔNG THỐNG OBAMA: Thực ra, tôi đã muốn đến đây sớm hơn. Và chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề này qua một thành ngữ mà chúng tôi sử dụng ở Hoa Kỳ - điều gì tốt đẹp nhất, hãy để dành sau cùng. (Cười.) Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời. Một quốc gia tươi đẹp. Và tôi đã trao đổi với Ngài Chủ tịch nước rằng, rất tiếc là khi đến thăm, tôi lại thường bận bịu với các cuộc họp cả ngày. Do vậy, hy vọng rằng khi tôi không còn làm Tổng thống thì tôi có thể đến đây cùng gia đình và có thể dành nhiều thời gian hơn, đi thăm quan đất nước của các bạn nhiều hơn, tìm hiểu con người và thưởng thức những món ăn, và có lịch trình thoải mái hơn.
 
Nhưng lý do mà tôi đến đây là vì Việt Nam cực kỳ quan trọng không chỉ với khu vực, mà tôi nghĩ còn quan trọng với thế giới. Trước hết, tôi cho rằng việc nêu bật những thay đổi diễn ra giữa hai nước -- mới chỉ cách đây một thế hệ, chúng ta là kẻ thù mà giờ đây chúng ta đã là bạn -- sẽ cho chúng ta hy vọng, sẽ là một lời nhắc nhở cho thấy chúng ta có thể chuyển đổi mối quan hệ khi chúng ta đối thoại trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng lẫn nhau và giao lưu nhân dân.
 
Thứ hai, Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, đang tăng trưởng và đầy sức sống ở một khu vực rộng lớn, đang tăng trưởng và đầy sức sống của thế giới. Tôi đã nói đến điều này ở trên: khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh bằng bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Đó là khu vực trẻ trung và năng động. Đó là khu vực ngập tràn tinh thần kinh doanh, và các bạn đang chứng kiến biết bao doanh nghiệp mới và những việc làm mới liên tục được tạo ra. Do đó, Hoa Kỳ muốn là một phần của quá trình này.
 
Và chúng tôi, về mặt lịch sử, có quan hệ tốt với nhiều quốc gia trong khu vực này. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi Việt Nam tăng trưởng và trở nên thịnh vượng, có những cơ hội to lớn hơn thì giới trẻ ở Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác với các bạn trẻ ở Hoa Kỳ -- giao thương, trao đổi ý tưởng, cùng thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, cùng khởi nghiệp – bởi vì tôi cho rằng điều đó sẽ tốt cho cả hai nước.
 
Và chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là, theo cách nhìn của tôi, vì (Việt Nam) là một nước lãnh đạo ở ASEAN, chúng tôi cần hợp tác song phương với Việt Nam vì chúng tôi muốn tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các thiết chế đa phương như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và ASEAN nơi chúng ta đã thấy một số tiến bộ thực sự trong những năm vừa qua – trên tất cả các phương diện từ thương mại tới kiểm soát bệnh tật và các vấn đề nhân đạo.
 
Một trong những điều mà chúng tôi ngày càng phát hiện rõ hơn là tự mình giải quyết các vấn đề sẽ càng khó hơn. Chúng tôi thấy việc giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, hay bùng phát bệnh tật, cứu trợ thiên tai sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi chúng ta có một cơ cấu hợp tác vốn đã được thiết lập.
 
Do đó, trên tất cả các bình diện, chúng tôi đã chứng kiến những tiến bộ đầy ấn tượng. Tôi cho rằng những tuyên bố mà chúng tôi đưa ra hôm nay giúp người dân thấy rõ một tín hiệu về giai đoạn tiếp theo trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Đó là những thỏa thuận lớn, là tất cả những gì mà chúng tôi đã nêu ở đây hôm nay. Và điều đó cho thấy mối quan hệ ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu nhiều hơn và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
 
Câu hỏi: Xin trân trọng cảm ơn. Thưa Ngài Tổng thống Obama, Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương dường như bị giậm chân tại chỗ tại Quốc hội trong khi các quốc gia khác đang mong muốn noi theo sự tiên phong của Hoa Kỳ từ góc độ làm thế nào họ có thể phê chuẩn hiệp định này. Với các thỏa thuận được công bố ngày hôm nay của Boeing và GE, và chuyến thăm của Ngài tới Việt Nam, vậy liệu Ngài có thay đổi chiến lược của mình khi tìm cách đạt được việc phê chuẩn Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Quốc hội hay không? Và theo Ngài, liệu Hiệp định có cần phải sửa đổi bổ sung để giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ hay không?
 
Thứ hai, thưa Ngài Tổng thống Obama, Ngài có thể bình luận về việc tiêu diệt lãnh đạo Taliban, Muhammad Mansour, và về quan ngại của Pakistan về cuộc tấn công đó diễn ra ngay trên lãnh thổ của họ? Xin Ngài cho biết những bình luận về việc liệu điều đó có là dấu hiệu cho thấy sẽ có một trận tấn công mới ở Afghanistan hay không, và liệu Ngài có lo ngại là một lãnh đạo thậm chí còn có quan điểm cứng rắn hơn sẽ lên thay hắn ta?
 
Câu hỏi dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ngài có lo ngại về tình trạng thiếu nhiệt tình với Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Quốc hội Hoa Kỳ hay không, và suy cho cùng, điều đó có ý nghĩa như thế nào với Hiệp định này? Và làm thế nào Ngài có thể đáp lại những chỉ trích của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ khi Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ theo đuổi một chương trình nghị sự ích kỷ, phiến diện ở Châu Á, gây ra rủi ro với hòa bình khu vực?
 
TỔNG THỐNG OBAMA: Trước hết, về TPP, Angela, tôi chưa kinh qua nhiều bằng Thượng nghị sỹ Carper hay Ngoại trưởng Kerry, nhưng tôi cũng đã có đủ thời gian tại Thượng viện để hiểu rằng tất cả mọi hiệp định thương mại đều trải qua quá trình đau đớn, bởi vì người ta luôn tìm cách xem liệu họ có thể có được một thỏa thuận thậm chí còn tốt hơn hay không. Và đặc biệt khi có nhiều đảng cùng tham gia thì người ta sẽ càng soi xét, họ sẽ càng tranh luận về hiệp định, và vào năm diễn ra bầu cử, bạn có thể đoán trước rằng một số người sẽ tìm cách ghi điểm chính trị cho mình từ hiệp định đó.
 
Nói như vậy song tôi vẫn tin tưởng là chúng ta sẽ hoàn tất được việc này. Và sở dĩ tôi tin tưởng là vì làm như vậy là điều đúng đắn. Điều đó sẽ tốt cho đất nước. Điều đó sẽ tốt cho Hoa Kỳ. Điều đó sẽ tốt cho khu vực. Điều đó sẽ tốt cho thế giới.
 
Tôi biết là tôi đã nói với bạn điều này từ trước rồi, song tôi xin nhắc lại: Đây là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Khu vực này là thị trường rộng lớn đối với Hoa Kỳ. Hầu hết các quốc gia ở đây đã bán hàng hóa của họ sang Hoa Kỳ, và chúng ta có mức thuế quan tương đối thấp. Nói cách khác, chúng ta đánh thuế khá thấp đối với hàng hóa được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trái lại, thuế quan với hàng hóa của Hoa Kỳ được xuất khẩu sang khu vực này lại cao hơn nhiều.
 
Do vậy, hiệp định này bãi bỏ 18.000 dòng thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ xuất khẩu sang những thị trường lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất của thế giới – và đó là một hiệp định tốt cho doanh nghiệp Hoa Kỳ và người lao động Hoa Kỳ.
 
Thứ hai, một trong những lời phàn nàn lớn nhất về các hiệp định thương mại từ trước đến nay là hiệp định mở cửa thị trường của chúng ta cho những nước có mức lương thấp hơn, có điều kiện lao động khắc nghiệt hơn, ít quy định về môi trường hơn. Song nếu các bạn ký Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương thì điều đó có nghĩa là các bạn đang đưa ra những cam kết có thể thực thi để nâng cao tiêu chuẩn lao động, để đảm bảo người lao động có tiếng nói về các vấn đề môi trường. Vì thế, hiệp định cho phép chúng ta có khả năng hợp tác với những quốc gia như Việt Nam và phối hợp với họ trong tất cả các lĩnh vực nêu trên – chính những điều mà người dân lo ngại trước đây liên quan tới giao thương với các quốc gia khác.
 
Do đó, tôi chưa thấy có lập luận nào đáng tin cậy khẳng định rằng một khi chúng ta thực hiện TPP thì chúng ta sẽ thua thiệt hơn. Có căn cứ để nói rằng chúng ta sẽ thắng lợi hơn. Người lao động Hoa Kỳ và doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu hiệp định này được thông qua. Và tôi tin tưởng rằng hiệp định sẽ được thông qua.
 
Hiện giờ, khía cạnh chính trị của hiệp định sẽ rất phức tạp. Điều đó đã xảy ra, ví dụ như khi tôi kế thừa Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, hay các Hiệp định Thương mại tự do với Colombia và Panama khi tôi nhậm chức. Nhưng chúng ta đã thông qua các hiệp định đó. Và tôi tin tưởng rằng các thỏa thuận lần này cũng sẽ được phê chuẩn, mặc dù sẽ có những thăng trầm trong quá trình đó.
 
Về vấn đề thao túng tiền tệ, chúng ta có những điều khoản trong TPP thúc đẩy tính minh bạch và cơ chế báo cáo, cho phép chúng ta có thể theo dõi xem liệu tình trạng thao túng tiền tệ có diễn ra hay không. Một trong những cuộc tranh luận đã nổ ra – và có một số người lập luận rằng chúng ta cần phải có những điều khoản có khả năng thực thi để trong trường hợp phát hiện thấy một đồng tiền bị phá giá quá xa thì chúng ta có thể áp đặt thuế quan đối với quốc gia đó. Vấn đề ở đây là, đôi khi sẽ rất khó xác định rõ ràng tại sao một đồng tiền lại mất giá và liệu có phải nó thực sự bị thao túng hay không. Thẳng thắn mà nói, để chúng ta có thể ràng buộc các nước khác vào những cam kết về chính sách tiền tệ của họ thì chúng ta cũng phải ràng buộc Cục Dự trữ Liên bang của mình trước những yêu cầu của quốc gia khác liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang điều hành chính sách tiền tệ như thế nào, và đó không phải là việc mà chúng ta nên làm. Chúng ta sẽ từ bỏ quyền tự chủ về chính sách tiền tệ theo hướng đó.
 
Nhưng chúng ta đã tăng cường một số điều khoản đã có trong TPP vốn sẽ cho phép chúng ta cảnh báo những đối tượng mà chúng ta cho là đang phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh.
 
Cuối cùng, về lãnh đạo Taliban, Mansour. Thông tin được khẳng định là ông ta đã chết. Ông ta là người, với tư cách là lãnh đạo của Taliban, chủ đích nhằm vào binh sỹ và lực lượng của Hoa Kỳ tại Afghanistan vốn có mặt ở đó trong khuôn khổ một sứ mệnh mà tôi đã đề ra để duy trì hệ thống chống khủng bố, đồng thời hỗ trợ và đào tạo cho lực lượng quân sự Afghanistan. Do vậy, điều này không phải là một thay đổi trong cách tiếp cận của chúng tôi. Chúng tôi không tổ chức các hoạt động chiến đấu hàng ngày bởi các hoạt động này hiện do lực lượng an ninh của Afghanistan đang thực hiện. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp Afghanistan đảo bảo được an ninh của chính họ, chứ không phải để binh sỹ của chúng tôi tham chiến vì Afghanistan.
 
Mặt khác, trong trường hợp chúng tôi thấy có một lãnh đạo cấp cao, liên tục là một phần của các hoạt động hay kế hoạch có nguy cơ tổn hại tới lực lượng Hoa Kỳ, và cưỡng lại các cuộc đàm phán hòa bình và hòa giải vốn có thể chấm dứt cuộc chiến sau nhiều thập niên ở Afghanistan thì trách nhiệm của tôi với tư cách là Tổng Tư lệnh không phải là đứng nhìn, mà phải là đảm bảo rằng chúng ta phát đi tín hiệu rõ ràng cho Taliban và các đối tượng khác rằng chúng tôi sẽ bảo vệ người dân của mình. Và đó chính là thông điệp đã được phát đi.
 
CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: (Như đã được phiên dịch.) Tôi xin trả lời câu hỏi liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. TPP, theo chúng tôi, là một liên kết kinh tế và thương mại, có ý nghĩa quan trọng, góp phần duy trì sự năng động và vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế ở đất nước của chúng ta cũng như khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, TPP và việc Việt Nam ký kết TPP cũng là một bước triển khai chủ trương hội nhập quốc tế rộng rãi của chính phủ Việt Nam

TỔNG THỐNG OBAMA: Ngài Chủ tịch nước, xin lỗi ngắt lời của Ngài. Tôi không nghe được phiên dịch.
 
PHIÊN DỊCH: A-lô, 1-2-3. Ngài Tổng thống có nghe được không ạ?
 
TỔNG THỐNG OBAMA: Được rồi. Vì tôi chắc rằng Ngài Chủ tịch đang nói đến điều gì đó rất thông thái và quan trọng, và chúng tôi muốn đảm bảo là tất cả chúng ta đều nghe thấy.
 
CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: (Như đã được phiên dịch.) Tôi xin nói thêm, Việt Nam đã cùng các nước thành viên của TPP nỗ lực thu hẹp những khác biệt trên tinh thần xây dựng và hiểu biết, và quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của nhau để đi kết ký kết Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Và việc đạt được thỏa thuận này cũng là kết quả và nỗ lực của 12 quốc gia thành viên, chứ không phải của riêng quốc gia nào. Và chúng tôi đang tích cực phê chuẩn Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, và cam kết sẽ thực hiện những cam kết đã đạt được trong Hiệp định này.
 
NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH: Thưa Ngài Chủ tịch nước, chúng tôi vừa gặp trục trặc kỹ thuật với hệ thống phiên dịch. Vậy Ngài Chủ tịch có thể nhắc lại câu trả lời của mình có được không?
 
CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG: (Như đã được phiên dịch.) Tôi xin nói lại câu trả lời của mình về Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. TPP, theo chúng tôi, là một liên kết kinh tế và thương mại, có ý nghĩa quan trọng, góp phần duy trì sự năng động và vai trò là đầu tầu tăng trưởng kinh tế trong đất nước của chúng tôi cũng như khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Đối với Việt Nam, TPP và việc Việt Nam ký kết TPP cũng là một bước triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam đã cùng các nước thành viên của TPP nỗ lực thu hẹp những khác biệt trên tinh thần xây dựng và hiểu biết, và quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của nhau. Và việc đạt được thỏa thuận này cũng là kết quả và nỗ lực của 12 quốc gia thành viên, chứ không phải của riêng quốc gia nào. Và chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh và xúc tiến việc phê chuẩn TPP, và Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đầy đủ tất cả các chính sách và điều khoản trong TPP.
 
NGƯỜI DẪN CHƯƠNG TRÌNH: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama.
 
Thưa quý vị, cuộc họp báo của chúng ta đến đây là kết thúc. Mời các quý vị hãy lán lại khán phòng để chờ Chủ tịch nước và Tổng thống đi ra. Xin trân trọng cảm ơn.
 
1:44 P.M. ICT

* Tít chính và phụ do báo Văn Hóa đặt.

03 Tháng Sáu 2022(Xem: 4435)
GIẤC MỘNG MỞ MANG BỜ CÕI VỀ PHƯƠNG NAM CỦA BẮC KINH
18 Tháng Năm 2022(Xem: 4703)
BÊN LỀ THƯỢNG ĐỈNH W, D.C. 2022
01 Tháng Năm 2022(Xem: 4714)
06 Tháng Tư 2022(Xem: 4523)
31 Tháng Ba 2022(Xem: 4735)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
27 Tháng Ba 2022(Xem: 4772)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ VÀ NATO? (Kỳ 4/phần 2)
14 Tháng Ba 2022(Xem: 5224)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ-NATO (Kỳ 3)
08 Tháng Ba 2022(Xem: 5275)
NGA ĐÁNH UKRAINE HAY ĐÁNH MỸ & NATO (Kỳ 2)