Đường đi bí ẩn của HD-981 lần 2

14 Tháng Năm 201511:04 CH(Xem: 19576)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 15 2015
Việt Nam phản ứng trước tin giàn khoan Trung Quốc trở lại Biển Đông
blank
Các tàu tuần duyên Trung Quốc vây quanh giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam 210km. (Ảnh tư liệu)

VOA
15.05.2015


Việt Nam cho biết sẽ ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra ở Biển Đông sau khi truyền thông trong nước đưa tin Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển này.

Trong cuộc họp báo ngày 14 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc và có những hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên biển." Ông Bình cũng cho biết giàn khoan hiện nằm ngoài vùng biển của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam dẫn một thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 6 tháng 5 nói rằng, giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động tại khu vực giếng Lăng Thủy 25-1S-1 ở Biển Đông, cách thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc 75 hải lý về phía đông nam. Thời gian hoạt động kéo dài từ ngày 6/5 đến ngày 16/5.

Giàn khoan này được cho là đã được Trung Quốc đưa vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình hồi tháng 5 năm 2014, làm bùng lên những vụ biểu tình dữ dội chống Trung Quốc cũng như đưa tới những vụ va chạm tàu thuyền của hai bên khiến căng thẳng tăng cao.

Ông Lê Hải Bình cũng đề cập tới tin tức cho biết Mỹ đang cân nhắc kế hoạch điều tàu và máy bay đến gần khu vực Trung Quốc đang tiến hành hoạt động cải tạo quy mô lớn ở Biển Đông.

“Duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là nguyện vọng của các nước trong khu vực,” phát ngôn viên nói. “Việt Nam mong muốn các bên liên quan có những nỗ lực tích cực và không có những hành động làm phức tạp tình hình. Mọi hoạt động của các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên AP về việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy từ năm 2011 đến nay Việt Nam đã mở rộng các đảo Đá Tây, đảo Sơn Ca, xây dựng các cấu trúc cơ sở quân sự, ông Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và các hoạt động nhằm cải thiện các cơ sở vật chất đã cũ của Việt Nam ở Trường Sa không thay đổi hiện trạng, cũng không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Những hình ảnh mà CSIS công bố cho thấy hoạt động cải tạo đất của Việt Nam là đáng kể, mặc dù quy mô và tốc độ vẫn kém xa Trung Quốc.
Trung Quốc đã lên án Việt Nam về những hành động này, nói rằng Việt Nam và Philippines đã thực hiện hoạt động cải tạo đất từ lâu ở những đảo mà Bắc Kinh nói là của họ bị chiếm cứ phi pháp.

Nguồn: VNExpress, VTC, VOV

Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ trên biển Đông?

15/05/2015

(Quốc tế) - Giới truyền thông dự báo với việc Mỹ dự tính triển khai tàu chiến và máy bay đến khu vực Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông, Washington và Bắc Kinh có thể sẽ đụng độ.

Báo USA Today của Mỹ giật tít: “Trung Quốc, Mỹ tiến tới thế đối mặt trên biển Đông”. Báo Wall Street Journal (WSJ) viết: “Nước cờ của Mỹ có thể dẫn tới xung đột với Trung Quốc”.

Tạp chí National Review đặt câu hỏi: “Liệu hành động của Mỹ trên biển Đông đồng nghĩa với việc chiến tranh với Bắc Kinh?”.
blank
Tàu khu trục USS Sampson và USS Pinkney của hải quân Mỹ trên biển Đông – Ảnh: US Navy

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đang tính triển khai tàu khu trục và máy bay tuần tra tới vùng biển cách các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây trái phép khoảng 12 hải lý.

Các quan chức Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc ngừng gây hấn, tôn trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Washington tăng cường hợp tác quân sự với các nước đồng minh khu vực, trong đó có Philippines, nhưng tất cả động thái này đều không ngăn chặn được Trung Quốc lấn tới. Phần lớn các nhà quan sát quốc tế đều nhận định Bắc Kinh đánh giá Washington chỉ chơi “võ mồm” nên vẫn tiếp tục gây hấn.

“Chính phủ Mỹ cảm thấy uy tín bị đe dọa và cần phải hành động” – WSJ dẫn lời nhà phân tích Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Chuyên gia Glaser cho rằng Trung Quốc sẽ tìm mọi cách hoàn tất việc xây đảo trái phép.
blank
 Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi đá Vành Khăn (ảnh do vệ tinh chụp ngày 1-2-2015) – Ảnh: Reuters

Đụng độ quy mô nhỏ có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc

Học giả Ian STOREY

Do đó, mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc dùng các đảo này để đe dọa các nước láng giềng, cản trở tự do hàng hải. Washington cũng muốn gửi đến Bắc Kinh thông điệp rằng cường quốc quân sự sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.

“Nếu Mỹ không có hành động gì thì Trung Quốc sẽ xem thường” – bà Glaser nhấn mạnh. Chưa hết, Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo để khẳng định “chủ quyền” trên biển Đông.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 13-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hùng hổ tuyên bố “tự do hàng hải không có nghĩa tàu và máy bay quân sự nước ngoài có thể đi vào vùng biển và vùng trời lãnh thổ của nước khác”.

Vì thế, học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) dự báo viễn cảnh tàu chiến Mỹ và Trung Quốc vờn nhau ở khu vực gần các đảo nhân tạo, dẫn tới những vụ đụng độ quy mô nhỏ.

Mỹ “Điều đó có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc” – ông Storey đánh giá.

Trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Prashanth Parameswaran nhận định kế hoạch của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc vào thế khó. Để phản đối Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ phải chính thức tuyên bố rằng các đảo nhân tạo vừa cơi nới là đảo có thể dùng làm cơ sở xác định phạm vi vùng biển chủ quyền.

Nhưng đó lại là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng. Nếu im lặng để tàu chiến và máy bay Mỹ tự do hoạt động, Bắc Kinh sẽ mất mặt nghiêm trọng. Mà chắc chắn Trung Quốc không muốn công khai gây xung đột trên biển Đông vào lúc này.

Ông Parameswaran dự báo nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chỉ trích Mỹ “đe dọa hòa bình và ổn định trêSSSSSsn biển Đông” và vẫn tiếp tục hoạt động lấn biển xây đảo trái phép mà không công khai khẳng định chủ quyền bằng các đảo này.

Trên tạp chí National Review, chuyên gia Michael Auslin nhận định Trung Quốc đã tính toán sai khi nghĩ rằng Chính phủ Mỹ không có hành động thực tế nào để chặn tham vọng lãnh thổ vô lý của họ.

Các nhà phân tích cùng có nhận định chung là trong vài tháng tới, tình hình biển Đông sẽ rất nóng bỏng.

Ngoại trưởng Mỹ cứng rắn với Trung Quốc

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Ngoại trưởng John Kerry sẽ khẳng định mạnh mẽ quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông khi ông đến Bắc Kinh cuối tuần này.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ở Bắc Kinh, ông Kerry sẽ nói thẳng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức nước này rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép đe dọa ổn định khu vực và gây hậu quả tiêu cực với quan hệ Mỹ – Trung.

(Theo Tuổi Trẻ)

Trung Quốc tức giận về 'kế hoạch' của quân đội Mỹ ở Biển Đông
blank
Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu của Hải quân Hoa Kỳ tham gia vào cuộc diễn tập quân sự chung với Philippines, neo tại bến tàu Alava, tỉnh Zambales, Philippines, 13/10/2014.

VOA 14.05.2015

Trung Quốc hôm thứ Tư bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tin cho rằng Mỹ đang cân nhắc việc gửi tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Mỹ cần phải làm rõ lập trường của mình về vấn đề này và các nước nên tránh "những phương thức nguy hiểm và khiêu khích, để duy trì hòa bình và ổn định khu vực."

Báo The Wall Street Journal đưa tin đầu tiên về động thái của Washington, dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã yêu cầu góp ý về việc làm thế nào để đáp lại những hành động của Trung Quốc, cho gia cố những đảo mà họ chiếm trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Bài báo cho biết kế hoạch được xem xét bao gồm gửi tàu và máy bay đến khu vực trong phạm vi 12 hải lý những địa điểm đang được xây cất.

Dù quân đội Mỹ đã hoạt động ở Biển Đông, vượt qua giới hạn lãnh thổ 12 hải lý xung quanh những đảo này có thể gia tăng căng thẳng nếu Trung Quốc quyết định phản ứng.
 
Trung Quốc biện hộ cho những hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, nói rằng những đảo này là lãnh thổ của họ và các tòa nhà và cơ sở hạ tầng trên đó là để phục vụ công ích và hỗ trợ ngư dân, bên cạnh việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc cáo buộc Philippines, Việt Nam và những nước khác thực hiện hoạt động xây cất của riêng mình trên những hòn đảo khác.
Nguồn: AP