Phóng viên BBC kể chuyện Biển Tây Philippines; 4 Bộ trưởng Mỹ, Úc, Nhật, Phi họp ở Hawaii

03 Tháng Năm 20248:34 SA(Xem: 1751)

VĂN HÓA ONLINE - CHỦ ĐỀ BIỂN TÂY PHILIPPINES - THỨ SÁU 03 MAY 2024


Phóng viên BBC kể chuyện Biển Tây Philippines; 4 Bộ trưởng Mỹ, Úc, Nhật, Phi họp ở Hawaii


* 'Đủ gần để thấy mặt nhau' khi bị tàu Trung Quốc truy đuổi


image001Chụp lại video, Phóng viên BBC chứng kiến tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines



Chúng tôi có thể thấy con tàu lớn hơn của Trung Quốc đang tiến lại gần, cả tàu của họ và tàu của chúng tôi đều đang di chuyển với tốc độ cao.


Thủy thủ đoàn trên tàu của Trung Quốc ở gần đến độ chúng tôi có thể nhìn thấy rõ mặt của họ. Hai người trong số họ đã quay phim chúng tôi. Và chúng tôi cũng quay phim họ.


BBC đã có mặt trên con tàu BRP Bagacay của Lực lượng tuần duyên Philippines khi tàu này bị các tàu của Trung Quốc áp sát hôm 30/4.


Các thủy thủ Philippines hối hả treo các rào chắn bằng xốp màu vàng sang một bên để chuẩn bị cho một vụ va chạm.


Đột nhiên tàu Trung Quốc rẽ mạnh sang mũi tàu chúng tôi, buộc thuyền trưởng trên tàu của Philippines phải giảm tốc độ đột ngột.


Hai chiếc tàu cách nhau chưa đầy năm mét.


Chúng tôi đang tiến về bãi cạn Scarborough, một đảo san hô nhỏ cách bờ biển Philippines 220 km về phía tây mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.


image003Chụp lại hình ảnh, Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines


Các tàu Trung Quốc quyết tâm chặn chúng tôi.


Đội tàu Trung Quốc khá đông - có thời điểm có tới 10 tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc.


Nhờ vào tốc độ và khả năng cơ động của con tàu do Nhật Bản sản xuất, thuyền trưởng tàu Philippines đã vượt qua tàu Trung Quốc và đến được vị trí cách bãi cạn Scarborough khoảng 600m, ông cho chúng tôi biết.


Nhưng có một hàng rào chắn mới do Trung Quốc lắp đặt gần đây, có thể nhìn thấy rõ dưới nước. Tàu của họ ở ngay phía sau chúng tôi, hai chiếc di chuyển sang hai bên tàu Philippines, rồi họ bắt đầu phun vòi rồng cực mạnh.


Chúng tôi được đưa vào bên trong, nơi chúng tôi có thể nghe thấy tiếng nước phun ầm ầm vào các bức vách kim loại của con tàu. Vòi rồng bắn vỡ mái hiên ở đuôi tàu và làm gãy phần lan can ở một bên.


image004Nguồn hình ảnh, BBC/Virma Simonette. Cảnh sát biển Trung Quốc quay phim phóng viên BBC


Con tàu thứ hai trong đoàn tàu chở hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines cũng bị hư hỏng nặng sau khi hứng chịu 10 trận phun nước trực tiếp từ vòi rồng.


Trò mèo vờn chuột trên biển này không có gì mới ở Biển Đông.


Nhưng những cuộc chạm trán này đã trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Philippines, ông Bongbong Marcos, ủy quyền cho lực lượng tuần duyên thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây.


image005BBC/Virma Simonette. Có nhiều tàu cảnh sát biển Trung Quốc bám đuôi tàu Philippines


“Chính phủ Trung Quốc luôn nói rằng có một lằn ranh đỏ,” Phó Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên của Biển Tây Philippines (tên gọi mà Philippines đặt cho một phần Biển Đông), cho biết.


“Họ nói rằng chúng tôi không thể tiến vào giới hạn 12 hải lý tính từ bãi cạn. Nhưng dưới thời chính quyền này, chúng tôi đã phá vỡ lằn ranh đỏ đó, để chứng tỏ rằng Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế.”


Sứ mệnh mà con tàu chúng tôi đang có mặt thực hiện là cũng một phần của phản ứng mạnh mẽ hơn ấy.


Mục tiêu chính thức của con tàu là cung cấp thực phẩm và nhiên liệu cho những ngư dân Philippines đã sinh nhai trên bãi cạn Scarborough trong nhiều thập kỷ nhưng đã phàn nàn về việc liên tục bị quấy rối kể từ khi lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc nắm quyền kiểm soát bãi cạn này vào năm 2012.


Nó cũng thể hiện quyết tâm của Philippines trong việc khẳng định yêu sách của mình đối với bãi cạn này, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được công nhận về mặt pháp lý của nước này và gần Philippines hơn nhiều so với Trung Quốc.


Phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 cho biết các yếu tố chính trong yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, chẳng hạn như đường chín đoạn cùng với một số hoạt động ở vùng biển Philippines, là bất hợp pháp.


Trung Quốc nói rằng họ không công nhận phán quyết này.


image006BBC/Virma Simonette. Cảnh sát biển Philippines theo dõi tàu Trung Quốc


Số lượng tàu Trung Quốc hiện diện xung quanh bãi cạn này là để thị uy.


Chúng tôi có thể nhìn thấy tàu của họ ở mọi hướng, đông hơn rất nhiều những gì Philippines có thể triển khai.


“Chúng tôi là David [một chàng chăn cừu trong Kinh thánh] còn họ là Goliath [người khổng lồ],” Phó Đề đốc Tarriela nói.


Thật khó để biết chính sách mới này của Tổng thống Marcos sẽ đi đến đâu, dù ông đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và đã mở rộng chương trình hiện đại hóa dài hạn các lực lượng vũ trang.


Các tàu Trung Quốc rõ ràng rất thành thạo trong chiến thuật của họ, mặc dù có nhiều rủi ro. Họ có thể duy trì sự phong tỏa gần như vô thời hạn.


Sau cuộc chạm trán của chúng tôi với tàu của họ, Trung Quốc đưa ra tuyên bố đã đánh đuổi thành công các tàu Philippines mà họ cáo buộc đã xâm phạm lãnh hải của mình.


Đúng là tàu BRP Bagacay đã rút lui khỏi bãi cạn Scarborough sau khi bị vòi rồng tấn công từ hai phía.


Con tàu thứ hai, chở hàng tiếp tế và nhiều thiết bị điện tử bị hư hỏng, vẫn bị tàu Trung Quốc bao vây cách chúng tôi hơn 20 km nên tàu chúng tôi quay lại hỗ trợ.


Cả hai tàu vẫn ở trên biển, nằm ngoài “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc nhưng vẫn nằm trong “đường chín đoạn” khét tiếng của nước này, vạch ra yêu sách mở rộng của nước này đối với gần như toàn bộ Biển Đông.


Đến sáng, hàng chục tàu đánh cá đã tập trung xung quanh chúng tôi để nhận hàng cứu trợ.


Từ xa, một tàu tuần duyên Trung Quốc đang tuần tra.


Lực lượng tuần duyên Phillipines nhìn nhận rằng chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc một lần nữa bị vạch trần, và rằng họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


image007BBC/Virma Simonette. Ngư dân tiếp cận tàu để nhận viện trợ từ tuần duyên Philippines


+++++++++++++++++++++++++++


Mỹ, Úc, Nhật, Philippines cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng


Hôm 02/05/2024, bộ trưởng Quốc Phòng các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản và Philippines đã dự cuộc họp chung lần thứ hai tại Hawaii trong bối cảnh lo ngại về các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển South China Sea. Cuộc gặp diễn ra sau cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Biển Đông giữa bốn nước vào tháng trước.


RFI 03/05/2024 - 11:34


image008Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin tại điện Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/04/2024. AP - John McDonnell


Minh Phương


Trả lời báo chí sau cuộc họp, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin khẳng định cuộc tập trận đã giúp tăng cường khả năng phối hợp giữa các quốc gia, xây dựng mối liên kết giữa quân đội bốn nước và nhấn mạnh cam kết chung về luật pháp quốc tế trên biển. Trong khi đó, người đồng cấp Úc Richard Marles cho biết thêm rằng các bộ trưởng đã bàn về việc gia tăng các cuộc tập trận phòng thủ chung giữa bốn nước. Theo AP, Hoa Kỳ có các hiệp ước quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ với cả ba quốc gia.


Cũng trong buổi họp báo này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã lên án các hành vi “vô trách nhiệm” của Trung Quốc khiến “các thủy thủ đoàn Philippines gặp nguy hiểm”, sau vụ Bắc Kinh dùng vòi rồng tấn công tàu Philippines hôm 30/04/2024.


Ông Austin nhắc lại Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục sát cánh cùng Philippines”, cam kết thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 giữa hai nước. Hiệp ước đã được hai bên cập nhật vào năm ngoái, nêu rõ những cam kết phòng thủ chung sẽ được kích hoạt khi một trong hai bên bị tấn công quân sự ở “bất kỳ nơi nào tại Biển Nam Trung Hoa” (Biển Tây Philippines).


Ngoại trưởng New Zealand hôm nay cũng đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại các đảo ở Thái Bình Dương, cảnh báo rằng các hành động này có thể “gây bất ổn” và làm suy yếu an ninh khu vực.


Theo AFP, đây là một trong những lần hiếm hoi New Zealand chỉ trích Bắc Kinh, đối tác thương mại chính của Wellington.


https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240503-m%E1%BB%B9-%C3%BAc-nh%E1%BA%ADt-philippines-cam-k%E1%BA%BFt-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng