Vì sao Đại sứ Knapper tiếp tục lạc quan với bang giao Mỹ – Việt

10 Tháng Mười Hai 20227:35 SA(Xem: 3287)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A – THỨ BẨY DEC 10, 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Vì sao Đại sứ Knapper tiếp tục lạc quan với bang giao Mỹ – Việt


10/12/2022


Trần Hiếu Chân


Gửi tới BBC từ TP HCM


image003Nguồn hình ảnh, US Embassy in Hanoi. Ông Marc Knapper trong lễ tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 4/1/2022


Ngày 2/12/2022, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội có buổi giao lưu trực tuyến với độc giả trên VietNamNet, khi ông nói mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Việt "về bản chất cốt lõi mang tầm chiến lược".


Nhưng cũng đúng ngày đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List/ SWL).


Vậy viễn cảnh cho bang giao Mỹ - Việt có thực sự đáng lạc quan như Đại sứ Marc Knapper bình luận? Và hai nước có tìm ra được những “Exit an toàn” trong một tương lai gần, trước khi quá trễ?


Tìm kiếm khả năng nâng cấp quan hệ


Ngay từ đầu buổi giao lưu với độc giả của VietNamNet, Đại sứ Knapper đã bày tỏ tin tưởng: “Chúng ta cùng nhìn sang năm 2023, khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Trong cả năm sau, chúng tôi sẽ tìm các phương thức để có thể kỷ niệm dấu mốc quan trọng này cũng như tìm kiếm các khả năng để nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược. Chúng tôi nghĩ rằng, việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược thực sự thể hiện được bản chất của mối quan hệ hiện có của chúng ta”.


Nhưng rồi cũng đúng vào cái ngày 2/12 ấy, từ bên kia Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List/ SWL). Ngay phần mở đầu trong thông cáo Bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo (ở Việt Nam) đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu.


Ông Blinken nói tiếp: “Đối với các quốc gia vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước ấy đã bị Mỹ đưa vào diện ‘Các nước Quan ngại Đặc biệt’ (Countries of Particular Concern/ CPC) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan”.


Điều “sếp lớn” của ông Knapper không nói ra trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là Việt Nam đang nằm trong “waiting list”. Tình trạng chờ đợi trong một thời gian chưa xác định – sẽ bãi bỏ SWL hay “hạ cấp” tiếp, tức là sẽ đánh tụt Việt Nam xuống CPC – sẽ là một nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của mối bang giao Việt – Mỹ.


Đặc phái viên từ Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nói ủy ban này vẫn quan ngại về "các vi phạm tự do tôn giáo mang tính hệ thống, nghiêm trọng" và khuyến nghị đưa Việt Nam vào Danh sách Quan ngại Đặc biệt như họ vẫn làm từ năm 2002.


Về phía Việt Nam, có chuyên gia cũng có nhận định tương tự với Đại sứ Knapper về bản chất của quan hệ Việt - Mỹ. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, từng nhận định "Việt Nam và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ hiệu quả về thực chất và có nhiều điểm còn vượt tầm chiến lược" trong một hội thảo của Đại học Fullbright Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.


image004Thủ tướng Cs Việt Nam Phạm Minh Chính gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 13/05/2022, tại Washington DC.


“Tự sướng” hay có nền tảng vững chắc?


Hẳn nhiên, tuyên bố của Đại sứ Knapper cũng như của vị chuyên gia trong Hội thảo nói trên đều xuất phát từ căn cứ có cơ sở, chứ không phải là một loại diễn ngôn “tự sướng”. Khỏi cần liệt kê các động lực bang giao, các địa hạt khác nhau của mối quan hệ mà ông Knapper đã tổng kết qua buổi giao lưu…


Đánh giá mối quan hệ Việt – Mỹ về bản chất, rõ ràng có nhiều chiều kích mang tầm chiến lược, dù là hợp tác trong vấn đề Biển Đông hay hợp tác ở Tiểu vùng sông Mekong, năng lượng, biến đổi khí hậu, đối phó dịch bệnh, vì cả hai quốc gia cùng chung mục đích, chia sẻ các giá trị giống nhau.


Đại sứ Knapper lạc quan tiếp: “Trên cơ sở những giá trị chung, lợi ích chung và lòng tin giữa hai nước, chúng tôi thực sự tin tưởng rằng việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sẽ càng mở ra nhiều cánh cửa để hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm các khả năng. Chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng và mong muốn nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược”.


Tầm nhìn lạc quan của người đại diện số một cho Tổng thống Biden ở Việt Nam càng được khẳng định thêm qua buổi điều trần hôm 7/12/2022 mới đây của Hạ viện Hoa Kỳ. Tại đấy, các đại diện chính quyền và quốc hội Mỹ đã thảo luận về các thách thức và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực sông Mekong, đồng thời lắng nghe các đề xuất để hợp tác hiệu quả hơn trong khu vực giữa nguy cơ Bắc Kinh biến vùng này thành một “Biển Đông thứ hai”.


Mở đầu buổi điều trần, ông Ami Bera, Chủ tịch tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã đánh giá tầm quan trọng của khu vực Mekong và lên án sự can thiệp của Trung Quốc đối với dòng chảy của con sông này. Dân biểu Steve Chabot, Uỷ viên cấp cao của Tiểu ban, đề cập đến một khía cạnh khác về sự can thiệp của Bắc Kinh đối với khu vực này:


“Người dân trên khắp khu vực sông Mekong vô cùng sự phẫn nộ về tác động tiêu cực của sự can thiệp của Trung Quốc, đặc biệt là việc nhập khẩu lao động Trung Quốc, và tôi sẽ thiếu sót nếu tôi không đề cập đến thách thức trước mắt do tiền đồn của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang được xây dựng tại Căn cứ Hải quân Campuchia (REAM)”.


image006Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các cánh đồng lúa nằm hai bên dòng Mekong chạy quanh co.


Liệu Mekong có trở thành một “Biển Đông thứ hai” không phải là một nỗi lo mới đây từ các nhà phân tích thời cuộc. Cựu Tổng thư ký báo “Tình thương” từ thời Việt Nam Cộng hòa – trong tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” – từng phản ánh một nỗ lực đáng khâm phục để thu hút sự quan tâm về một tầm nhìn địa-chính trị mang tính chiến lược. Tầm nhìn của tác giả Ngô Thế Vinh đang soi sáng tiềm năng khả dụng cùng những mặt hạn chế, nhứt là của các nước nằm ở hạ lưu, trong việc khai thác nguồn nước sông Mekong phục vụ phát triển kinh tế, trước chánh sách “chiến lang” của Trung Quốc trên thượng nguồn.


Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, cũng nêu hàng loạt các thách thức chưa được hiển lộ, sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Mekong trong việc đảm bảo an ninh và sinh kế của hàng chục triệu người ở Đông Nam Á lục địa.


Eyler đã lý giải vì sao một chiến lược tương tác thông minh hơn từ Hoa Kỳ có thể giúp cho khu vực này phát triển mạnh. Eyler cũng là tác giả của thiên phóng sự “Những ngày cuối đời của dòng Mekong hùng vĩ” được xuất bản bằng tiếng Việt năm 2020, phát biểu rằng việc nước xả đột ngột từ các đập của Trung Quốc đã gây ra lũ quét, còn khi họ trữ nước thì gây hạn hán trầm trọng ở hạ lưu.


Khắc phục các chuyển động trái chiều  


image007Nguồn hình ảnh, TTXVN. TBT Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 01/11


Để có một chiến lược tương tác thông minh Mỹ – Việt, chắc hẳn Đại sứ Knapper cũng chia sẻ, Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt, các chuyển động trái chiều trong quan hệ như đã diễn ra cùng trong một ngày 2/12 nói ở đầu bài viết. Bang giao Việt – Mỹ hiện đang đứng trước một khúc quanh quan trọng sau chuyến thăm Bắc Kinh của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Những ai đọc kỹ Tuyên bố chung Trung – Việt ngày 1/11/2022 không khỏi quan ngại về các chiều hướng tương lai.


Một điểm trong Tuyên bố chung khẳng định: “Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), theo nội dung và cách thức phù hợp…”. Tuyên bố nói rõ: “Việt Nam ghi nhận tích cực Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc (GSI)…” Được biết, tại Đại hội XX ĐCSTQ, ông Tập đã tạo dựng hai khái niệm cốt lõi để xây nền “Đại An Ninh”, gồm cả sáng kiến phát triển lẫn sáng kiến an ninh toàn cầu.  


Theo dõi chuyến thăm Trung Quốc của TBT Lào Thongloun Sisoulith, Tuyên bố chung 1/12 khẳng định, hai nước “tiếp tục xây dựng đối tác cùng chung vận mệnh” Lào – Trung đi vào chiều sâu. Cam kết “đối tác cùng chung vận mệnh” chưa thấy xuất hiện trong Tuyên bố Việt – Trung (1/11). Nhưng nếu nay mai, Trung Quốc ép được cả Lào lẫn Campuchia ủng hộ các trụ cột của “Trật tự Trung Hoa” (BRI, GDI và GSI) thì liệu “chiến lược tương tác thông minh” Việt – Mỹ và quan hệ đặc biệt Việt – Miên – Lào sẽ “trôi” về đâu?


Không rõ, thời điểm Đại sứ Knapper tương tác với bạn đọc VietNamNet tại Hà Nội và Ngoại trưởng Antony tuyên bố xếp Việt Nam vào danh sách SWL (hôm 2/12) hay Hạ viện Mỹ họp bàn để thiết kế “chiến lược tương tác thông minh” Mỹ – Việt (hôm 7/12), thì mọi người đã đọc kỹ Tuyên bố chung Trung – Việt nói trên hay chưa? Để Đại sứ Knapper tiếp tục có viễn tượng lạc quan đối với bang giao Mỹ – Việt, chắc chắn Bộ Ngoại giao mỗi nước phải tìm ra được những “Exit an toàn” trong một tương lai gần, trước khi quá trễ.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


Bắc Kinh 31/10/2022 - Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11492/bac-kinh-31-10-2022-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc


Ông Nguyễn Xuân Phúc công du Nam Hàn, ký nhiều hiệp định


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11537/ong-nguyen-xuan-phuc-cong-du-nam-han-ky-nhieu-hiep-dinh


Ream: “mũi giáo đâm hông” Indo-Pacific?


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11310/ream-mui-giao-dam-hong-indo-pacific-


Ream: Bắc Kinh trấn thủ lưu đồn; Vịnh Thái Lan: Cá ở vùng biển quốc tế; Shangri-La: Mỹ-Việt Ok COC


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11282/ream-bac-kinh-tran-thu-luu-don-vinh-thai-lan-ca-o-vung-bien-quoc-te-shangri-la-my-viet-ok-coc
22 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 901)
24 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1350)
14 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1264)
Nov 12: Chiến sự mùa đông 2 bờ đông tây Dnipro River; Vì sao Nga ‘cố thủ’ bờ Đông